Một là, đảng Cộng Hòa chỉ còn lại ứng cử viên duy nhất là Nhà tỷ
phú Donald Trump, kể từ sau cuộc bầu cử sơ bộ đảng tại Tiểu bang Indiana
ngày 3/5 (2016). Từ trước tới nay, có ít cuộc tranh cử sơ bộ nào đã kết
thúc nhanh chóng 2 tháng trước ngày Đại hội đảng. Năm nay (2016), Đại
hội đảng Cộng hòa sẽ diễn ra trong ba ngày 18-21/07/2016 tại Cleveland,
Ohio.
Ông Trump là người gốc Scotland sinh ngày 14/06/1946 tại Queens, Thành
phố Nữu Ước (New York City). Ông là Chủ tịch của Tổ chức Donald Trump (The Trump Organization), và cũng là sáng lập viên của hệ thống sòng bài, sân Golf và khách sạn mang tên Trump Entertainment Resorts.
Tài sản của ông, được thừa hưởng phần lớn từ Công ty Địa ốc của Cha Mẹ
(Elizabeth Trump & Son), trị giá ước độ từ 5 đến 10 Tỷ dollars (1 tỷ
trị giá 1,000 triệu) nên ông là ứng cử viên Tổng thống duy nhất đã bỏ
tiền túi ra tranh cử. Tuy nhiên ông lại là người không có kinh nghiệm
trong hoạt động Chính trị và Nghị trường, mặc dù năm 2000 ông đã thử ứng
cử Tổng thống nhưng rồi phải rút lui rước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu.
Vì vậy, khi ông tuyên bố ra tranh cử vào ngày 16 tháng 06 năm 2015, rất
ít người trong chính giới Mỹ, nhất là thành phần Lãnh đạo kỳ cựu của
đảng Cộng Hòa, tin ông có thể tồn tại lâu dài.
Ông là doanh nhân thứ hai trong lịch sử Mỹ 75 năm đã tranh cử thành
công. Người thứ nhất là ông Wendell Willkie, đứng đầu một Công ty điện
lực đã dành được thắng lợi tại Đại hội đảng Cộng Hòa năm 1940, theo tài
liệu của Nhà Bình luận, Giáo sư Chính trị Đại học Harvard, David Gergen.
Tuy nhiên, tất cả đều đã nghĩ sai về ông Trump. Lần lượt ông ta đã đánh
bại 16 ứng cử viên, kể cả ông Jeff Bush, cựu Thống đốc Tiểu bang
Florida. Ông Bush thuộc dòng dõi Bush nổi tiếng vì cha ông, George
Howard Walker Bush là Tổng thống thứ 41 và anh ruột, George Walker Bush
là Tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ.
Thất bại lớn nhất của dòng họ Bush là khi Jeff Bush bị Donald Trump đánh
bại thê thảm ở South Carolina ngày 20/02/2016. Ông Bush chỉ được 7.8%
đảng viên ủng hộ so với 32.5% của Donald Trump.
Jebb Bush đã bỏ cuộc ngay sau khi có kết qủa, mặc dù có mẹ (Barbara
Bush) và anh (nguyên Tổng thống George W, Bush) cùng đến đó vận động.
Nhiều nhà phân tích tranh cử cho rằng ông Trump thắng đối phương vì ông
đã không vận động theo lối tranh cử truyền thống của đảng như là không
đi ra ngoài vòng kiểm soát của các nhà lãnh đạo cao cấp, hay phải chịu
nghe lời khuyến của các “trưởng lão”. Vì vậy khi tranh cử, ông Trump đã
không ngại tấn công đối phương bằng những lời nói thiếu xã giao, đôi khi
bất lịch sự hay cố ý đụng chạm đến những chuyện cá nhân và gia đình các
ứng cử viên đối thủ.
Giới chính trị Mỹ gọi ứng viên Donalds Trump là “người ngoại đạo”, hay
con ngựa bất kham thích đứng bên ngoài đảng muốn làm gì thì làm và không
muốn bị chi phối hay lèo lái của cấp lãnh đạo đảng Cộng Hòa.
Ông Trump đã sử dụng tối đa quyền vận động tự do vì ông không nhờ vào
các Lãnh tụ đảng để gây quỹ tranh cử. Ngược lại, 16 đối thủ của ông, kẻ
ít người nhiều, đã nhận sự đóng góp của các nhà mạnh thường quân hào
phóng và tiền ủng hộ của cảm tình viên trong đảng.
Thất bại loại Trump
Hai là, một số nhà lãnh đạo có thế lực Cộng Hòa đã họp để phác
họa kế hoạch chống Donald Trump sau khi ông ta có nhiều phát ngôn làm
phật lòng giới cử tri phụ nữ, người da mầu và cử tri thiểu số gốc Nam Mỹ
(Hispanic).
Ông Trump đã gọi nhiều cư dân vượt biên giới Mexico vào Mỹ tị nạn là
thành phấn trộm cắp, ma túy, băng đảng. Ông cũng tuyên bố sẽ dựng tường
ngăn chặn làn sóng di dân bất hợp pháp vào Mỹ và buộc Mexico phải trả
chi phí xây tường.
Chưa biết ông Trump có thể làm được hay không nếu đắc cử Tổng thống,
nhưng ứng cử viên Cộng Hòa đã gặp phản ứng của Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô
(Francis) khi Ngài đến biên giới Mexico để quan sát.
Ngài nói với báo chí trên chuyến bay trở về La Mã hôm 18/2/2016: "A
person who thinks only about building walls, wherever they may be, and
not building bridges is not Christian," (Một người nào đó chỉ nghĩ đến
việc xây những bức tường, ở bất cứ nơi nào, mà không kiến thiết những
cây cầu thì người đó không phải là người có Lòng nhân ái.)
Ông Donald Trump còn bị lên án xúc phạm quyền lựa chọn của phụ nữ khi ông nói sẽ "trừng phạt những phụ nữ phá thai".
Lý do các “bô lão quyền thế” của đảng Cộng Hòa muốn loại ông Trump vì
không những họ sợ ông ta sẽ thất bại trước ứng cử viên sáng giá của đảng
Dân chủ, Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton mà còn có thể kéo theo thất
bại tranh cử của các Thống đốc, 30 Nghị sỹ và đa số Dân biểu Hạ viện của
đảng Cộng Hòa.
Các viên chức quyền thế Cộng Hòa công khai bất mãn với lối tranh cử của
ông Trump và đe dọa không ủng hộ để hy vọng lấy lại chiếc ghế Tổng thống
và giữ nguyên đa số tại Quốc hội
Tuy nhiên, ông Trump vẫn không quan tâm đến lo âu của các Trưởng Lão
trong đảng nên cứ một mình một ngựa thẳng tiến đến đích của 1,237 là
phiếu Đại biểu cần phải có để trở thành ứng viên Tổng thống Cộng hòa.
Giới lãnh đạo đảng từng đặt hy vọng vào 3 ứng cử viên có lập trường bảo
thủ truyền thống của đảng là: Jeff Bush và hai thượng Nghị sỹ Marco
Robio của Florida và Ted Cruz của Texas. Nhưng chẳng may, cả 3 người đều
lần lượt rụng như sung cuối mùa.
Sau khi Nghị sỹ Ted Cruz rút lui vì thất bại thê thảm trước Donald Trump
ngày 3/5 (2016), đối thủ sau cùng còn lại của Donald Trump là Thống đốc
Ohio, John Kasich, cũng tuyên bố bỏ cuộc chạy đua vì ông chỉ được 153
phiếu và không còn đủ tiền để tiếp tục tranh cử.
Đó là thất bại của phe truyền thống đảng Cộng Hòa. Có lẽ Donald Trump là
một ứng cử viên ngoại lệ và bất thường nên đảng không biết phải đối phó
ra sao.
Thứ ba, một trong những lý do khiến ông Trump thắng cử vì ông là người
nói thẳng và không ngần ngại nêu ra 3 lĩnh vực đang làm cho cử tri bực
bội.
Trước hết ông cho rằng chính sách Quốc phòng của Tổng thống Barack Obama
và Đảng Dân chủ đã làm yếu đội quân hùng hậu nhất Thế giới của nước Mỹ.
Vì vậy ông hứa sẽ trang bị cho quân đội những loại vũ khí tối tân nhất,
dụng cụ đây đủ nhất cho một người lính.
Donald Trump cũng hứa nâng cao đời sống kinh tế cho các binh sỹ, gia đình họ và các cựu chiến binh Hoa Kỳ.
Thứ hai, ông Donald Trump cũng hứa sẽ “tiêu diệt” quân khủng bố thuộc
mọi khuynh hướng, đặc biệt phe ISIS (Nhà nước Hồi giáo) ở Syria và Iraq.
Thứ ba, về chính sách mậu dịch của nước Mỹ, ứng cử viên Cộng Hòa Donald
Trump cũng hứa sẽ thay đổi các Thỏa hiệp mậu dịch mà Hoa Kỳ đã ký với
các nước, trong đó có Nafta (North America Free Trade Agreement), và TPP
(Trans-Pacific Partnership) mà Việt Nam là một trong 12 nước thành
viên.
TPP đã được ký ngày 4/02/2016 tại Auckland, New Zealand (Tân Tây Lan), nhưng còn phải được Quốc hội các thành viên chấp thuận.
Quốc hội Việt Nam dự trù biểu quyết sau kỳ bầu cử Khóa 14 ngày
22/05/2016. Quốc hội Mỹ cũng hy vọng sẽ thảo luận và biểu quyết sau cuộc
bầu cử tháng 11/2016.
Ứng cử viên Donald Trump cũng chỉ trích chính sách mậu dịch dành phần
thiệt cho nước Mỹ đối với Nhật Bản và Trung Hoa. Ông nói sự chênh lệch
này cần được xem xét lại trong chính phủ Trump, nếu ông đắc cử Tổng
thống.
Nhà tỷ phú cũng đòi đưa các Công ty Mỹ hiện nay ra nước ngoài làm việc
phải quay về làm ăn và tạo công việc làm cho người Mỹ, thay vì sang các
nước khác để trốn thuế, trong đó có Trung Hoa và Việt Nam.
Ít nhất 2 lần trong cuộc vận động tranh cử, ứng cử viên Donald Trump đã
nhắc đến tên Việt Nam như một trong số nước đang có chính sách mậu dịch
thiếu công bằng và cần phải thay đổi đồi với Mỹ.
Tuy nhiên, chính sách đối ngoại đặt quyền lợi nước Mỹ và người Mỹ trên
hết (American First) của Donald Trump đã làm cho các nước Châu Âu, khối
NATO, Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Thái Lan và các nước ở Trung
Đông-Phi Châu lo ngại. Các nước này quan ngại chủ trương đặt quyền lợi
Mỹ trên quyền lợi các nước đồng minh sẽ cô lập nhau và bất lơi.
Ông Trump cũng làm cho nhiều lãnh đạo trong khối NATO và Trung Đông như
Saudia Arabia, Iran bất bình vì ông đòi họ phải ngay thẳng với Mỹ và
phải chia sẻ gánh nặng bảo vệ hòa bình và chống vũ khí nguyên tử.
Clinton cũng chống TPP
Ba là, về phía Dân chủ thì Bà cựu Ngoại trưởng, cựu Nghị sỹ Hillary
Clinton chắc chắn sẽ là đối thủ của Donald Trump trong cuộc chạy đua vào
Tòa Bạch Ốc tháng 11.
Bà sinh ngày 26/10/1947, lớn lên tại Chicago. Bà là Phụ nữ đầu tiên
trong lịch sử Hoa Kỳ sẽ đại diện cho một đảng Chính trị lớn ra tranh
chức Tổng thống. Vì vậy, nếu thắng cử, Bà cũng sẽ là vị nữ Tổng thống
đầu tiên của nước Mỹ kể từ ngày Tuyên bố độc lập, July 4, 1776.
Tổng thống 2 nhiệm kỳ Dân chủ Barack Obama (2008-2016) cũng là vị Tổng thống da mầu đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
Bà Clinton từng là Đệ I Phu nhân của nước Mỹ trong thời chồng bà, Bill
Clinton, làm Tổng thống (January 20, 1993 – January 20, 2001). Bà cũng
là Thượng nghị sỹ của Tiểu bang New York trong 8 năm, trước khi nhận
chức Ngoại trưởng 4 năm trong Chính phủ Obama.
Các cuộc thăm dò dư luận, sau bầu cử sơ bộ ở Indiana ngày 3/5 (2016) cho
thấy nếu cuộc bầu cử diễn ra bây giờ thì Bà Clinton sẽ đánh bại Donald
Trump 51/41 phần trăm.
Các cử tri của Dân chủ ủng hộ Bà Clinton đến 80%, trong khi phiếu Cộng hòa ủng hộ Donal Trump từ 50 đến 60%.
Bà Clinton sẽ thắng phiếu phụ nữ hơn ông Trump từ 45 đến 60%, được hầu
hết cử tri da mầu ủng hộ và chiếm tới 65% phiếu người Hispanic và các
sắc dân thiểu số khác.
Riêng cuộc trưng cầu ý kiến phối hợp của hai hãng truyền hình CNN và ORC (Opinion Research Corporation) công
bố ngày 4/5 (2016) cho thấy 9 trong số 10 cử tri coi kinh tế là quan
trọng đối với họ trong cuộc bầu cử Tổng thống. Họ cũng tin ông Trump có
khả năng thay đổi tình hình kinh tế hơn Bà Clinton.
Ngược lại, cử tri cũng bỏ phiếu tin Bà Clinton có khả năng hơn đối thủ
Cộng Hòa trong tất cả các lĩnh vực như chống Khủng bố và An ninh Quốc
gia (50/45 %); Di dân (51/44 %; Bảo vệ sức khoẻ (55/39%); quân bình lợi
tức (54/37%).
Riêng 3 lĩnh vực ngoại giao thì Bà Clitnon được tín nhiệm tới 61%,
Donald Trmup được 39%; Giáo dục cũng nghiêng về ứng cử viên Cliton với
61/34%; khả năng đối phó với môi trường và thay đổi khí hậu cũng dành
phần thắng cho bà Clinton với 60/30%.
Vậy lập trường của bà Clinton với TPP ra sao? Trước ngày tranh cử, bà có
lập trường ủng hộ nhưng đã đổi qua chống vì bà nghiêng về lập trường
chống của Tổng Liên đoàn Lao động và Kỹ nghệ Mỹ (The American Federation
of Labor and Congress of Industrial Organizations (AFL –CIO). Nghiệp
đoàn lao động lớn nhất nước Mỹ ủng hộ ứng cử viên Clinton và cho rằng
TPP sẽ lấy mất công ăn việc làm của dân Mỹ và gây thiệt hại cho nông
phẩm, hải sản và nuôi trồng hải sản của Hoa Kỳ. Họ cũng đã lên án và
kiện ra tòa nhiều lần việc chống bán phá giá hải sản và hàng may dệt của
Việt Nam ở Hoa Kỳ.
Như vậy là cả hai ứng cử viên Cộng hoà Donald Trump và Dân chủ Hillary
Clinton đếu có cùng lập trường chống bất công do TPP gây ra.
Riêng bà Clinton còn là người biết và hiểu rất rõ về những vi phạm nhân
quyền và chính sách đàn áp tự do và dân chủ của nhà nước Cộng sản Việt
Nam từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995 dưới thời
chồng bà, Tổng thống Bill Clinton.
Bà Clinton cũng đã thăm Việt Nam một số lần khi làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ,
ấn tượng nhất vào năm 2010, khi bà họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại
Giao Việt Nam, Nguyễn Dy Niên tại Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội.
Tại cuộc họp bào này, bà công khai yêu cầu Việt Nam phải thay đổi chính
sách về nhân quyền nếu muốn đạt được quan hệ giao tốt đẹp với Mỹ.
Như vậy, nếu Bà Clinton đắc cử Tổng thống thì vấn đề Việt Nam sẽ không xa lạ gì với bà.
Bà Clinton, nếu không có những biến cố cực kỳ khẩn trương và bất thường,
sẽ được đảng Dân chủ chính thức đề cử tranh chức Tổng thống tại Đại hội
đảng trong thời gian 25-28/07/2016 tại Thành phố Philadelphia,
Pennsylvania. -/-
(05/016)