6/5/16

Tuần trăng mật (Phần 1) + (Phần 2)

Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Cưới xong, vợ chồng tôi không đi hưởng tuần trăng mật ở đâu cả. Một phần vì tài chính eo hẹp, nhưng cái chính là thấy không cần thiết. Nhiều người, cả đời không đi du lịch hay hưởng tuần trăng mật bao giờ mà vẫn sống với nhau hạnh phúc. Cứ ở trong căn nhà trọ rộng mười mấy mét vuông, ngoài công việc của mỗi người thì chia sẻ chuyện nấu cơm, rửa bát, lau nhà rồi thi thoảng cà khịa nhau mấy câu là vui rồi. Không đi du lịch thì đi bảo vệ môi trường vậy, vừa không tốn kém, lại có ý nghĩa.
Thế là đi.
Như mỗi Chúa nhật hàng tuần, sáng hôm ấy vợ chồng tôi đến Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (DCCT) để dự Thánh lễ. Dự định đi lễ xong sẽ đến Công viên 30/4 tham gia tuần hành “Bảo vệ môi trường” theo lời kêu gọi công khai trên mạng Internet trước đó. Cùng đi với chúng tôi còn có chị Dương Thị Tân, anh Đỗ Đức Hợp (Đỗ Tửng), Việt Quân và Nguyễn Hữu Tình.
Trên đường đi, chúng tôi đã bị đám mật vụ bám theo, dự cảm sẽ có điều không hay xảy ra. Chúng tôi vừa đi đến gần Nhà thờ thì lập tức hàng chục tên mật vụ cho xe máy áp sát. Tất cả bọn chúng đều bịt mặt bằng khẩu trang. Vợ chồng tôi cùng anh Đỗ Đức Hợp (chở chị Tân) kịp lao vào hầm xe của Nhà thờ. Bọn người này lập tức phi xe máy theo. Chúng quật ngã chúng tôi xuống đất, bẻ hai tay chúng tôi ra sau lưng. Chúng đấm, chúng đá và chửi bới liên hồi. Chồng tôi chỉ kịp kêu lên hai tiếng, “cướp, cướp” rồi giọng anh tắt ngấm. 
Chúng dựng tôi dậy, lôi đi ngay trước mặt người bảo vệ: 
- Chú gọi cha Thành giúp cháu! Tôi cố hét lên. Một tên bịt miệng tôi lại. Tôi lấy hết sức vùng vẫy, van nài người bảo vệ: 
- Chú gọi cha Thành, nhanh lên. 
Nhưng chỉ mấy tiếng đầu còn nghe rõ, mấy tiếng sau như hơi gió vì khi ấy tôi đã bị bịt miệng lôi đi. Chúng tống tôi lên xe gắn máy, chở đi. Lúc này, cả giầy và kính cận của tôi đều bị văng đâu mất.
Cuộc bắt cóc đã diễn ra dưới sự chứng kiến của nhiều người, hầu hết là Giáo dân đi lễ ngày Chúa Nhật. Nhiều người nói, đây là lần đầu tiên mật vụ cộng sản dám xông vào tận Nhà thờ để bắt bớ, đánh đập người dân.
Mặc dù không chống cự, nhưng tên ngồi sau vẫn bẻ quặt tay tôi ra phía sau. Một tay hắn siết ngang cổ tôi. Tôi cố gắng để thở thì hắn liên mồm chửi bới, đe dọa và còn siết chặt hơn. Hắn siết chặt đến nỗi mắt tôi trợn lên, tiếng “ợ ợ’ yếu ớt phát ra từ cổ họng, buộc hắn phải thả lỏng ra một chút để tôi khỏi chết.
Chúng đưa tôi và Nguyễn Hữu Tình đến đồn công an phường 15, quận Tân Bình.
Tên siết cổ tôi mặc áo sơ mi đen, quần jean, đeo khẩu trang ra lệnh:
- Bỏ hết đồ trong người ra. Trong người tôi khi ấy có hai chiếc điện thoại và 320.000 đồng. Hắn ra lệnh:
- Mở mật khẩu ra.
- Không mở!
Bốp! bốp! bốp. Hắn tát tới tấp vào đầu, vào mặt tôi.
- Mày có mở không?
Tôi nhìn sâu vào mắt hắn. Đôi mắt màu vàng, một bên to một bên nhỏ hằn lên những tia đỏ của sự ác độc và giận dữ.
- Theo mày thì tao có mở không?
Thế là hắn lại tiếp tục đấm vào đầu, vào thái dương, vào mặt tôi. Trong lúc bị đánh, tôi vẫn nhận ra là hắn đánh rất bài bản, tránh những chỗ dễ bị chảy máu.
Hắn đánh chán rồi bỏ đi.
Một lúc sau bọn chúng đưa anh Tửng và chồng tôi đến, tống sang buồng bên cạnh, nơi đang giữ Tình. Đây là đồn công an nhưng hàng chục tên, không tên nào mặc sắc phục. Nhiều tên trong số đó luôn đeo khẩu trang.
Những vết thương trên lưng chồng tôi
Tôi nghe một tiếng “rầm”, bức tường bên cạnh rung lên, tiếp theo là tiếng quát của chồng tôi:
- Tại sao các anh đánh tôi!
Tôi thét lên:
- Không được đánh người!
Lũ mật vụ chắn ngang cửa, ngăn không cho tôi chạy sang phòng bên cạnh.
- Cho nó nằm xuống đất ấy.
Tôi xót xa quá. Chúng sẽ bắt ai nằm xuống đất? Chồng tôi, anh Tửng, hay Nguyễn Hữu Tình? Dù là ai, cũng khiến tôi phẫn uất và đau đớn.
Một lát sau, chúng giải chồng tôi sang dãy nhà đối diện, nơi đang giữ chị Dương Thị Tân. 
Chồng tôi, thân gầy gò, còng số tám khóa chặt đôi tay anh ra sau lưng, nhưng dáng đi dứt khoát.
- Anh ơi! Tôi gọi với theo.
Anh quay lại nhìn tôi, nở nụ cười và khẽ gật đầu. Nụ cười hiền khô. Tim tôi thắt lại. Tôi cố ngăn để không cho nước mắt tuôn ra.
Bọn công an ra ngoài canh gác, để mình tôi lại trong phòng. Căn phòng bẩn thỉu, dơ dáy, tàn thuốc và giấy vụn vứt ngổn ngang. 
Tôi đánh liều bước sang phòng bên cạnh. Mang theo chai nước ai đó uống dở để lại trên bàn. Một tên hỏi tôi đi đâu, tôi bảo “đi vệ sinh”. Hắn đi theo.
Chúng vẫn còng tay anh Tửng ra phía sau. Tôi nhìn anh, cố không để lộ cảm xúc. Tôi hứng đầy chai nước rồi đi về phòng, vẫn dưới sự theo sát của bọn mật vụ. 
Bệnh đau cột sống không cho tôi ngồi lâu. Với lại hai trận đòn vừa rồi khiến tôi đau đớn, chóng mặt. Tôi xếp ghế ra nằm. 
“Tôi không thể ngồi yên khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng. 
Dân tộc tôi sắp phải đắm chìm, một ngàn năm hay triền miên tăm tối…”.
Từ buồng bên, anh Tửng bắt đầu cất tiếng hát. Bài hát “Anh là ai” của nhạc sĩ Việt Khang, tôi đã nghe hàng chục lần nhưng chưa bao giờ cảm nhận sự xót xa như lần này. Tôi không ngăn nổi hai hàng lệ đang tuôn rơi. Không tên mật vụ nào biết tôi đang khóc. Khi tôi nằm, chiếc bàn đã che khuất tầm nhìn của chúng.
Một lúc sau, tôi lại bước sang buồng anh Tửng. Chắc mệt quá, anh thiếp đi. Hai tay bị còng ra sau, anh nằm nghiêng người, kê đầu lên chai nước, hai đầu gối như thúc vào bụng.
Tôi khẽ gọi: “anh Tửng ơi!”.
Anh mở mắt. Tôi đỡ anh dậy, đút nước cho anh uống.
- Về phòng ngay! Tên mật vụ ra lệnh.
Không để tâm đến hắn, tôi cứ từ từ, chầm chậm rót nước vào miệng anh.
Bọn chúng chuyển Tình sang buồng bên cạnh. Tôi mang nước sang cho Tình, một tên yêu cầu tôi trở lại buồng và nói rằng chúng đang đi lấy nước cho Tình.
- Mày cũng bằng tuổi con trai của chú. Tuổi của mày bây giờ phải ăn học đàng hoàng. Mày xem, hôm nay cả thế giới đều hân hoan, vui vẻ đón ngày Quốc tế lao động, thế mà mày lại đi làm cái việc gây bất ổn. Mày xem, đất nước ta bây giờ đang khá giả, tươi đẹp, ổn định như thế này mà mày lại nghe bọn xấu xúi giục, kích động để chống phá.
Dù đang đau và mệt, tôi cũng phì cười. Tên mật vụ, không biết có cảm thấy ngượng không, nhưng hắn bước ra ngoài. Thi thoảng, chúng lại vào tra hỏi hoặc giở mớ lý thuyết cộng sản ra với Tình. Tình nhẹ nhàng nhưng dứt khoát. Khi không trả lời được những câu hỏi vặn lại của Tình, bọn chúng lại bỏ đi.
Vài tên mật vụ kéo vào phòng, một tên cầm sẵn giấy bút hỏi:
- Họ tên?
- Tôi phải được biết lý do vì sao các anh bắt cóc, đưa chúng tôi về đây và đánh đập chúng tôi ngay tại đồn công an này?
- Bốp! bốp! bốp! 
Tên cao lớn nhất bọn, đeo khẩu trang lập tức ra đòn với tôi. Mà lạ, lần nào bị đánh, tôi cũng bị chúng nhằm vào đầu. Lần hành hung giữa đường hồi năm 2008 đến trận đòn mùa hè năm 2015, và cả lần này nữa, đều nhằm đầu mà đánh.
Tên cầm giấy bút hỏi tiếp:
- Cứ cho biết tên trước đi rồi chúng tôi sẽ nói lý do.
- Chả nhẽ các anh bắt tôi đưa đến đây mà lại không biết tôi là ai.
Tên mật vụ đeo khẩu trang lại liên tiếp đánh vào đầu tôi. 
- Không được đánh người! Từ phòng bên, anh Tửng thét lên. 
Bọn mật vụ ngoài sân chõ mồm về phía anh đe dọa:
- Đ.m, thích thì tụi tao còn đánh cả mày nữa đấy. 
Quá choáng váng và đau đớn, tôi gục xuống bàn. Tên bịt mặt túm tóc tôi, lôi dậy. Tiếp tục đánh. 
- Mày có nói không? 
Tôi vẫn im lặng.
- Nghiên ơi, em cứ nói đi. Cái tên thôi mà, không sao đâu.
Giọng nói khẩn khoản của anh Tửng buộc tôi phải nhượng bộ:
- Phạm Thanh Nghiên, tên tao đấy! 
Tôi hét vào mặt tên cầm giấy. Hắn ghi địa chỉ nhà tôi nhưng liên tục viết sai.
- Tôi đọc chậm, anh cứ bình tĩnh mà ghi, đừng cuống. 
Tôi đáp trả, chờ đợi một cơn thịnh nộ mới từ tên bịt mặt. Nhưng hắn bỏ ra ngoài.
Thi thoảng, những tên mật vụ khác lại vào phòng tôi. Đứa thì chụp hình, đứa quay phim, đứa thì bắt chuyện…
Một tên đứng tuổi hỏi:
- Quê em ở Hải Phòng à?
Tôi im lặng. Hắn bảo:
- Khiếp, người đâu mà khó tính. Hỏi cũng không trả lời.
- Các anh hèn bỏ sừ, đánh người còn bịt mặt. Tôi cười khẩy.
Hắn cãi:
- Ai đánh chị? Làm gì có ai đánh chị.
Tôi không ngạc nhiên nhưng vẫn thấy ghê tởm vẻ ráo hoảnh của hắn.
- Đúng là anh không hoặc chưa trực tiếp đánh tôi, nhưng anh chứng kiến đồng bọn của anh đánh tôi mà không can gián. Chưa biết chừng anh chính là kẻ ra lệnh những tên đó đánh tôi. Thì chính anh là thủ phạm chứ không ai khác.
Hắn nhìn ra chỗ khác. Tôi bảo:
- Các anh tháo còng cho người ta đi. Vào đây, thích đánh thích giết là trong tầm tay các anh. Việc gì phải còng.
Hắn lỉnh ra ngoài.

Tuần trăng mật (Phần 2)

Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Tầm trưa, bọn mật vụ và đám dân phòng chở thêm mấy người khác đến. Tôi cố đoán xem họ có phải những người đi biểu tình không. Kinh nghiệm đi tù cho tôi biết họ là những người nghiện ma túy hơn. 
Bọn mật vụ lúng túng, không biết nên chuyển tôi sang chỗ nào. Tên thì nói lên lầu, tên thì bảo đưa sang phòng bên cạnh. Cứ thế chúng tranh cãi với nhau.
- Các anh muốn đưa tôi đi đâu thì quyết định nhanh lên, đứng ngoài này nắng lắm.
Tôi nghe rõ một tên bảo với đồng bọn: “Đưa ra xa một chút vì chỗ này là của riêng PC47. Tí lấy cung còn phải đánh nữa”.
Bọn chúng đưa tôi sang dãy nhà đối diện. 
Tôi đi qua chỗ chị Dương Thị Tân. Chị đang bóp chân. Tôi trông rõ các khớp xương tay của chị sưng tướng lên, chứng bệnh chị đã mang mấy năm nay. Lúc này, tôi mới thấy Việt Quân trong phòng, có mấy tên mật vụ ngồi canh. Tôi thở phào, vì từ sáng không biết chúng đưa Việt Quân đi đâu.
Chúng tống tôi vào phòng trong cùng. 
- Tôi bị bệnh cột sống, không ngồi lâu được. Phiền anh xếp giúp tôi mấy cái ghế tôi nằm.
Tôi nói với tên mật vụ đi theo mình.
- Đã ốm đau bệnh tật, không chịu ở nhà còn cứ thích đi.
Hắn vừa xếp ghế, vừa càu nhàu. Cái lối càu nhàu ra vẻ nhân đạo lắm.
Tôi nằm cầu nguyện, có lúc đã thiếp đi. Chị gái tôi theo đạo Phật, thường dặn: “Những lúc bị công an đánh, em cứ cầu nguyện và khởi tâm thương xót kẻ đánh đập mình thì cơn đau sẽ giảm”. Mặc dù rất uất ức và đau đớn vì bị đánh đập, chửi bới, xúc phạm nhưng tôi vẫn cầu nguyện Chúa tha thứ cho những người đã gây ra tội ác với chúng tôi. Và tôi cũng không cho phép mình giữ lòng thù hận đối với họ.
Khoảng 3 giờ chiều (tôi đoán thế), một tên mật vụ khác mang cho tôi một hộp cơm, nói rằng chồng tôi nhờ mua. Tức là tất cả 6 chị em chúng tôi đều bị bỏ đói, muốn ăn phải tự bỏ tiền ra “nhờ” bọn chúng mua giúp. Tôi không ăn mặc dù bụng rất đói. Thi thoảng đi vệ sinh, (dưới sự “áp giải” của mật vụ) tôi cứ cố nhìn sang dãy nhà đối diện xem anh Tửng và Nguyễn Hữu Tình ra sao. Bọn mật vụ chắn ngang tầm mắt của tôi. Nhưng cho dù chúng không che chắn thì tôi cũng chẳng trông thấy gì vì kính của tôi đã bị chúng đánh văng đi lúc bị bắt. Hôm sau, nghe Tình kể lại thì Tình bị chúng đánh ba lần liền, lần nào cũng đánh hội đồng, tức có từ 2 đến 3 thằng cùng đánh.
Vẫn không thấy tên nào vào “làm việc” cả. Thôi, cứ ngủ, đến đâu hay đến đó. Thậm chí tôi còn không bận tâm xem khi nào thì chúng tôi được thả.
Khoảng 6 giờ chiều, chúng đưa tôi và chị Tân lên lầu. Chồng tôi đang nằm trên ghế. Anh ngồi dậy, tay ôm ngực.
- Hai chị em có sao không? Chồng tôi hỏi.
- Anh đau lắm không anh?
- Chúng thúc vào bụng, vào đầu…
- Tiên sư lũ khốn! Tôi buông câu chửi thề, cắt ngang câu anh nói.
- Nhưng tha thứ cho chúng em ạ, chúng là công cụ. Với lại, chúng càng ác càng nhanh đổ.
Mải hỏi han chồng, lúc này tôi mới nhìn thấy bức tượng Hồ chềnh ềnh ngay đó. Tôi lập tức xoay ghế, ngồi quay lưng lại:
- Ối dời! Kinh quá, lại gặp ông này ở đây, tên tội đồ dân tộc. 
Rồi quay sang tấm hình Mác - Lê, tôi làm bộ giật thót người:
- Úi rùi, cả đống quỷ đỏ kia nữa chứ. Tởm quá, đêm nay còn ngủ ngáy gì được nữa.
Mấy tên mật vụ lặng thinh. Chúng giỏi! Khi cần thì dù người dân có hiền lành, nhịn nhục đến mấy chúng vẫn đánh đập không tiếc tay. Lúc không có chỉ thị đánh người (tôi đoán thế) thì chúng im thin thít và để người ta tha hồ chửi rủa cả bậc thánh mà chúng tôn thờ. 
Chị Tân kể lại chuyện chị đối lý với chúng cho vợ chồng tôi nghe. Bọn mật vụ im thin thít. Khi nào chối tai quá thì chạy ra ngoài một lúc, rồi lại trở vào.
Tôi hát Kinh Hòa Bình, để giữ lòng bình thản.
Tên đứng tuổi lúc sáng đưa cho chồng tôi chai dầu, bảo:
- Anh cầm lấy xoa cho chị này.
Tôi điên tiết, mắng:
- Hồi sáng anh chối là không ai đánh tôi. Bây giờ anh lại đưa dầu gió bảo chồng tôi xoa bóp cho tôi. Tức là anh đã thừa nhận các anh có đánh đập, hành hung chúng tôi. Nghiệp vụ anh kém, tiền hậu bất nhất. 
Nghe xong câu ấy, hắn vác mặt đi mất.
Một tên lên thông báo rằng sẽ có xe chở chúng tôi về công an địa phương. Hắn đề nghị đưa chị Tân về trước. Chị không đồng ý, yêu cầu mọi người phải được đi chung với nhau.
- Chị đừng lo cho tụi em. Chị đi trước, có gì còn thông báo cho mọi người.
Chúng đưa chị Tân đi. Chừng vài chục phút sau, những tên khác mang túi xách của chồng tôi lên, bảo chồng tôi kiểm tra xem còn thiếu gì không trước khi ra về.
- Kính và giầy của tôi đâu? Chẳng lẽ các anh để tôi về trong bộ dạng này. 
Ba tên mật vụ cùng nhìn xuống đôi chân lem luốc của tôi.
- Thôi, hai vợ chồng về nghỉ ngơi đi. 
Một tên ra vẻ tử tế. 
- Các anh em đồng đội của tôi đâu?
- Họ về hết rồi? Mấy tên đồng thanh trả lời.
- Các anh nói thật chứ? Họ đâu? Chồng tôi hỏi.
- Chúng tôi nói dối anh chị làm gì.
Bố khỉ! Nói dối là bản chất của cộng sản, lại còn hỏi “chúng tôi nói dối làm gì”.
Đi qua phòng giam giữ Việt Quân hồi sáng, tôi ngó vào nhưng bọn chúng cản, bắt chúng tôi đi lối khác.
- Các bạn tôi đâu?
- Tôi đã nói là họ về hết rồi, anh chị là người cuối cùng. Thôi về đi.
Tôi lại đòi kính, đòi giầy. Hai vợ chồng tôi căng mắt nhìn sang khu đối diện xem có anh Tửng và Tình không. Hai phòng đóng kín, tối om. Có lẽ chúng đã thả các bạn tôi thật.
Không có kính, chồng tôi không dám đi nhanh. Có lẽ phải cảm ơn cuộc đời vì người thân của chúng tôi không trông thấy bộ dạng thảm thương của vợ chồng tôi lúc ấy.
Đi được một đoạn thì nhận được điện thoại của Hoàng Vi. Đường phố ồn ào, tôi không nghe rõ Vi nói gì. 
Về đến nhà, tôi mới biết là ngay khi chúng tôi bị bắt, bên ngoài đã biết tin nhưng chưa biết chúng tôi bị đưa đi đâu. Đến tối, anh em đồng đội kéo đến nơi chúng tôi bị giam giữ để đòi người. Thể nào khi thả chúng tôi, bọn mật vụ huy động lực lượng còn đông hơn hồi sáng. Thì ra là để đối phó với việc đòi người. Chúng thả vợ chồng tôi đi cổng khác để không gặp được anh em. Việt Quân, Nguyễn Hữu Tình và anh Đỗ Đức Hợp được thả sau chúng tôi. Vợ chồng tôi bị chúng lừa.
Lúc bị bắt, tôi nghĩ cuộc biểu tình sẽ chỉ có rất ít người tham gia vì bị ngăn chặn ngay từ đầu. Nhưng không, từ Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang cho đến Sài Gòn đều có người xuống đường biểu tình. Con số được ước tính khoảng hơn 5 ngàn người tại hai thành phố là Hà Nội và Sài Gòn.
Sự đau đớn về thể xác bỗng nhẹ đi. Tôi hiểu rằng kể từ hôm nay, những con người ít ỏi chúng tôi không còn đơn độc nữa.
Hết