Hiệp định thương mại khu vưc thế hệ mới
Vũ Ngọc Yên (Danlambao)
- Hệ thống mậu dịch thế giới đang bước vào thời đại mới. Sự thành hình
nhiều liên minh kinh tế khu vực đang làm giảm vai trò chính của Tổ chức
thương mại thế giới (WTO). Mỹ chủ động thúc đẩy việc ký kết hai dự án
thương mại khu vực to lớn: Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên
Đại Tây Dương (TTIP) và Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái
Bình Dương (TPP). Hiệp định kinh tế khu vực thế hệ mới quy định những
điều khoản về thương mại, dịch vụ, đầu tư, tài chính, cạnh tranh bình
đẳng, quyền sở hữu trí tuệ, mở cửa các thị trường mua sắm của chính phủ
và đảm bảo tiêu chuẩn xã hội-môi trường. Các Hiệp định này sẽ là mô
hình có thể áp dụng cho các thỏa thuận thương mại trong tương lai ở mọi
khu vực trên thế giới. Điểm chính yếu của các Hiệp định là đòi hỏi các
quốc gia ký kết phải hành sử nhất quán cũng như phải cải cách kinh tế và
chính trị triệt để.
Đại diện các quốc gia tham gia vòng đàm phán TPP tại Hawaii.
Triển vọng ký kết TPP
Hiệp định TPP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) chủ trương liên
kết các nền kinh tế phát triển và đang phát triển thuộc khu vực Châu Á-
Thái Bình Dương thành một công đồng mậu dịch cắt giảm thuế quan và
những rào cản thương mại. Hiện tại có 12 nước tham gia: Brunei, Chí Lợi,
Tân Tây Lan, Tân Gia Ba, Úc Đại Lợi, Mã Lai, Peru, Hoa Kỳ, Việt Nam,
Nhật Bản, Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ.
Các trưởng đoàn đàm phán của 12 quốc gia tham gia TPP họp từ ngày 24.
đến 28.07.2015 tại đảo Maui (Hawaii-Mỹ). Sau đó hội nghị các bộ trưởng
thương mại được triệu tập từ ngày 28 đến 31-7 để thương thuyết tiếp.
Vòng đàm phán đã tập trung thảo luận những vấn đề khó khăn còn tồn đọng
giữa các nước như quy định về quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động của các
doanh nghiệp, các điều khoản về thị trường lao động và bảo vệ môi
trường, giải quyết các tranh chấp. Nhưng sau một tuần đàm phán Hôi nghị
Hawaii kết thúc mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng vì còn nhiều bất
đồng ở các điễm: mở cửa thị trường một số thực phẩm (gạo, đường, sữa),
buôn bán ô tô, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lãnh vực dược phẩm, mở
cửa cho nhà thầu ngoại quốc cung cấp hàng cho nhà nước, bảo vệ lao
động…
TPP được đàm phán từ tháng 3-2010, Theo ước tính, một khi được ký kết,
TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30%
kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.
Ý nghĩa Hiệp định TPP đối với Mỹ và Việt Nam
Những hy vọng và chỉ trích hiệp định thương mại rất lớn ở các quốc gia
tham gia TPP. Người ủng hộ xem TPP là cơ may cho tăng trưởng kinh tế,
phát triển thương mại và cải thiện dân sinh. Thành phần chống đối quan
ngại các quy định bảo vệ lao động và môi trường sẽ không được tuân thủ
cũng như tình trạng doanh nghiệp bị phá sản và thất nghiệp sẽ gia tăng ở
các quốc gia chưa đủ khả năng cạnh tranh.
Việc ký kết TPP sẽ mang lợi ích về kinh tế cho tất cả các nước trong
TPP. Tuy nhiên Mỹ là một quốc gia có tổng sản phẩm nội địa (GDP) chiếm
hơn 50% tổng GDP của các nước tham gia và dân số chiếm 40% nên sẽ không
hưởng lợi nhiều. Trong nước, các nghiệp đoàn lao đông, các tổ chức bảo
vệ môi trường và tiêu dùng đã phê bình hiệp định thương mại tự do
(FTA) chỉ dẫn tới việc sa thải công nhân và giảm lương. Ngươc lại giới
doanh nhân cho rằng TPP sẽ mở rộng thị trường thuận lợi cho xuất khẩu và
lãnh vực dịch vụ.
Thượng viện thông qua dự luật quyền thúc đẩy thương mai (Trade Promotion
Authority-TPA) hay quyền đàm phán nhanh (fast track authority) đã mở
đường cho chính quyền rộng đường hoàn tất Hiệp định TPP và các thỏa
thuận thương mại khác nhằm tăng cường quan hệ kinh tế- thương mại với
các nước Á châu. Ưu tiên hiện nay của Mỹ là thúc đẩy các nước tham gia
TPP sớm thông qua một hiệp định khung để nhanh chóng tiến tới ký văn bản
pháp lý.
Trong bối cảnh xoay trục sang Á Châu (pivot to Asia ), TPP mang nhiều ý
nghĩa chính trị đối với Mỹ hơn là kinh tế. Chính quyền Mỹ đánh giá Á
Châu-Thái Bình Dương là trọng tâm của kinh tế và chiến lược thế giới
trong thế kỷ 21 nên Mỹ muốn xây dựng mối liên kết sâu rộng với một khu
vực đang phát triển đồng thời tăng cường sự hiện diện tại khu vực thông
qua quan hệ thương mại. TPP sẽ là công cụ giúp Mỹ điều chỉnh lại chiến
lược kiềm chế sự trổi dây của Trung Cộng.
TPP sẽ là một sự kiện lớn nhất xảy ra với Việt Nam trong 20 năm nay (kể
từ thời điểm Việt Nam và Mỹ bình thường quan hệ ngoại giao vào năm
1995). Việt Nam là một quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong TPP. Theo dự
đoán của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến năm 2025 Việt Nam sẽ được
lợi khoảng 96 tỷ USD từ việc ký kết TPP.
Tham gia TPP, Việt Nam không chỉ có nhiều cơ hội bổ sung nền kinh tế
của mình với những nền kinh tế khác mà còn cân bằng được quan hệ thương
mại, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định (Trung
Cộng, Hương Cảng, Đài Loan). Ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA)
với Mỹ, Liên hiệp Âu châu (EU) giúp Việt Nam khắc phục tình trạng mất
cân đối này.
Cắt giảm thuế quan trong quan hệ thương mại tự do với các thị trường lớn
như Mỹ, Gia Nã Đại và Nhật Bản, sẽ khích lệ cho xuất khẩu của Việt
Nam. Hàng dệt may, giầy dép, thủy sản, đồ gỗ và nông sản Việt Nam sẽ
đứng trước cơ hội lớn trong việc mở rộng thị phần trên thị trường các
nước TPP.
Nhờ có các cam kết pháp lý cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền
sở hữu trí tuệ,nguồn đầu tư trực tiếp (FDI) từ các nước trong TPP vào
Việt Nam sẽ gia tăng. Các nhà đầu tư ngoại quốc sẽ giúp Việt Nam thành
nơi có những công xưởng kỹ thuật cao sản xuất hàng xuất khẩu qua tất cả
các nước đối tác thương mại của Việt Nam.
Tại Việt Nam các đại gia, viên chức chính quyền và đảng cộng sản Việt
Nam đánh giá TPP được ký kết sẽ mang lại những động lực kinh doanh mới.
Các tổ chức xã hôi dân sự và nhân dân ngược lại cho rằng TPP có thể
mang lại một số yếu tố tích cực trên bình diện kinh tế-thương mại song
cũng tạo ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho đất nước trên mọi bình diện.
Từ khi gia nhập Tổ chức kinh tế thế giới (WTO) nền kinh tế có phát
triển, nhưng phúc lợi thay vì phân chia cho quảng đại dân chúng, thì
phần lớn lọt vào túi của một giai cấp mới - giai cấp lãnh đạo đảng và
nhà nước. Tệ trạng tham nhũng trở thành quốc nạn. Số người thất nghiệp
ngày càng nhiều, tệ đoan xã hội gia tăng, văn hóa-đạo đức xuống cấp, môi
trường ô nhiễm nghiêm trọng...
Trước sự hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam phải xây dựng vững trãi nền
công nghiệp đủ sức cạnh tranh. Thế hệ mới của các thỏa ước thương mại tự
do đòi hỏi Việt Nam cải cách sâu rộng hệ thống chính trị, kinh tế, pháp
luật hầu tạo ra một xã hội dân chủ và bình đẳng cho mọi thành phần.
Viễn cảnh TPP sẽ mang lại nhiều động lực mới cho sự phát triển đất nước
chỉ hiên thực khi đảng cộng sản và nhà nước quyết tâm cải cách mạnh mẽ.
2/08/2015