Một luận cương khai sáng
Phạm Đình Trọng (Danlambao)
- Trong lịch sử Việt Nam cận đại đã từng có bản luận cương chính trị
đưa Việt Nam vào vòng xoáy bạo lực tàn bạo, vào bóng tối cộng sản triền
miên suốt gần một thế kỉ và khởi đầu là cuộc bạo loạn Xô Viết Nghệ Tĩnh
tàn khốc tháng chín năm 1930. Đó là bản luận cương chính trị “Cách mạng
Tư sản Dân quyền” của Tổng bí thư đảng Cộng sản Đông Dương Trần Phú.
Với luận cương Cách mạng Tư sản Dân quyền được triển khai thực hiện bằng
cuộc bạo loạn dựng lên chính quyền Xô Viết ở vài huyện thuộc hai tỉnh
Nghệ An, Hà Tĩnh mà việc làm đầu tiên của chính quyền Xô Viết là quyết
liệt phát động cuộc trả thù giai cấp đẫm máu: Trí – Phú – Địa – Hào đào
tận gốc, trốc tận rễ. Những cương lĩnh, những nghị quyết mang hồn luận
cương cách mạng tư sản dân quyền nối tiếp đến tận ngày nay, kiên trì chủ
nghĩa Mác Lê-nin, kiên trì sử dụng bạo lực chuyên chính vô sản để khống
chế, cai trị dân tộc, dân tộc Việt Nam hiền hòa đã bị đẩy vào những
cuộc đấu tố, chém giết, hành hình, thủ tiêu, truy bức triền miên.
Từ những cuộc đấu tố, truy bức, giết hại tầng lớp trên trong xã hội,
giết hại những người giàu có của cải, giàu có trí tuệ trong Xô Viết Nghệ
Tĩnh, trong Cải cách ruộng đất, trong Nhân Văn Giai phẩm và trong Xét
lại chống đảng đến những điều luật vi hiến 79; 88; 258 trong bộ luật tố
tụng hình sự, kết tội, bỏ tù những tiếng nói trung thực, đất nước Việt
Nam đã bị nhấn chìm trong bóng tối bạo lực chuyên chính vô sản suốt gần
một thế kỉ. Người dân bị tước đoạt những quyền con người, quyền công dân
cơ bản. Cuộc sống điêu linh trong chồng chất oan khiên. Đất nước trì
trệ, lạc nhịp với thời đại văn minh và tụt lại sau ngày càng xa trong
tiến trình đi tới của loài người.
Nhưng với qui luật vận động không ngừng, trong xã hội cũng như trong tự
nhiên không có gì là vĩnh viễn, bất biến. Có đêm thì phải có ngày. Có
luận cương chính trị đưa dân tộc Việt Nam vào đêm tối bạo lực thì sẽ có
luận cương khai sáng đưa dân tộc Việt Nam từ đêm dài cộng sản ra ánh
sáng văn minh. Luân cương đó chính là đề án chính trị Khai Sáng Kỷ
Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
Luận Cương Khai Sáng, rút gọn từ Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, là một đề
án chính trị sắc sảo, thấu đáo. Đó thực sự là cương lĩnh của một đảng
chính trị cứu nước, là đề cương tranh cử người đứng đầu nhà nước của đất
nước Việt Nam dân chủ.
Với số dân đứng hàng 14 thế giới, với một dân tộc thông minh, cần mẫn
hàng đầu thế giới, với địa lí tư nhiên và địa chính trị của một nước
lớn, giàu mạnh nhưng Việt Nam hiện nay vẫn là nước nghèo hèn, lạc hậu
nhất thế giới và lịch sử Việt Nam đến nay chỉ là lịch sử nô lệ. Độc lập
chỉ là thay nô lệ bên ngoài bằng nô lệ bên trong. Và nô lệ bên trong tàn
bạo nhất, khắc nghiệt nhất, tệ hại nhất nhưng cũng tinh vi nhất chính
là nô lệ ý thức hệ cộng sản. Đó là thực trạng của xã hội Việt Nam. Luận
cương Khai Sáng là cương lĩnh dẫn dắt người dân Việt Nam trong cuộc đấu
tranh giành lại quyền làm chủ đất nước, đưa dân tộc Việt Nam từ bóng đêm
nô lệ ra ánh sáng tự do.
Luận cương Khai Sáng chỉ ra hai trở ngại lớn nhất đi tới dân chủ, giành lại quyền làm chủ đất nước cho người dân là:
Một. Để duy trì độc tài, nhà nước cộng sản dám làm tất cả, dám
thực hiện cả những tội ác lớn nhất: Tàn phá đất nước. Vất bỏ lợi ích dân
tộc. Nô lệ nước ngoài. O bế, dung túng cho đám quan chức tham nhũng để
buộc chặt họ với nhà nước độc tài tham nhũng, đồng nhất họ với thể chế
độc tài tham nhũng. Đàn áp dã man, tàn bạo những tiếng nói đòi tự do,
dân chủ, những hoạt động chống nô lệ, Bắc thuộc.
Hai. Người dân đau đớn nhìn tấm gương những người đấu tranh cho
dân chủ bị nhà nước cộng sản độc tài đàn áp tàn bạo, cả gia đình họ bị
trả thù hèn hạ, bị tước nguồn sống, tước quyền mưu sinh, dù yêu nước,
thương nòi, số đông người dân cũng đành buông xuôi, thờ ơ với vận nước,
buông xuôi với vận mệnh của chính họ, vận mệnh của cả gia đình họ.
Chỉ ra hai trở ngại lớn đó, trở ngại từ nhà nước độc tài và trở ngại từ
chính người dân an phận, buông xuôi, luận cương Khai Sáng còn chỉ ra
những làn sóng dân chủ dồn dập xô tới, từ làn sóng dân chủ đầu tiên là
cách mạng Hoa Kỳ năm 1776 và cách mạng Pháp năm 1789 đến làn sóng dân
chủ thứ tư diễn ra đầu thế kỉ 21 ở các nước độc tài, kinh tế đang khốn
cùng phải mở cửa làm ăn đón kĩ thuật và đồng vốn tư bản từ các nước phát
triển cũng là các nước dân chủ. Dân chủ phát huy tài năng, trí sáng tạo
vô tận của người dân. Kinh tế phát triển luôn đi cùng với dân chủ phát
triển. Dân chủ là một trong những yếu tố không thể thiếu để phát triển
kinh tế lành manh và bền vững. Đón kinh tế tư bản vào đất nước cũng là
đón ngọn sóng dân chủ đến với đất nước. Những làn sóng dân chủ đó đã
giải phóng từng mảng nhân loại khỏi bóng tối độc tài. Đến làn sóng dân
chủ thứ tư chỉ còn vài nước độc tài lẻ loi thì không thể cưỡng lại được
Kỉ nguyên dân chủ sáng lạn đang mở ra trước cả loài người.
Vị thế địa chính trị của Việt Nam và thời điểm bản lề đang xoay chuyển
của một thế giới mới cũng thúc đẩy Việt Nam phải đón nhận ngọn sóng dân
chủ đang ào ạt xô tới.
Là láng giềng, sông chung dòng, núi liền dải với đất nước Tàu Cộng mà
nhà nước Tàu Cộng từ ngàn đời xưa đến tận hôm nay chưa bao giờ nguôi
tham vọng xâm lược bành trướng “bình thiên hạ”. Nhất là ngày nay nhà
nước Tàu Cộng dưới chính thể cộng sản tham tàn sau mấy chục năm thí bỏ
cả những chuẩn mực đạo đức cơ bản, tối thiểu của con người, của xã hội,
thí bỏ cả môi trường sống của đất nước, cố sống cố chết làm giàu đã trở
thành nước có sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự ở tốp đầu thế giới
thì cuồng vọng “bình thiên hạ”, thống trị thế giới lại càng điên cuồng.
Định mệnh đặt Việt Nam liền kề lò lửa chiến tranh Tàu Cộng, liền kề vực
thẳm lòng tham Tàu Cộng, lòng tham lãnh thổ, lòng tham quyền lực thống
trị thiên hạ, cai trị cả loài người. Ngày nay lòng tham đó đang tập
trung hướng xuống Đông Nam Á. Việt Nam không những chốt nhặn ngay cánh
cửa mở xuống Đông Nam Á mà Việt Nam còn nêu tấm gương ngàn năm bất khuất
trước bạo lực xâm lăng của Tàu Cộng. Vì thế, muốn khuất phục thế giới,
khởi đầu bằng khuất phục Đông Nam Á, trước hết Tàu Cộng phải khuất phục
Việt Nam. Và Tàu Cộng đang thực hiện khá thành công từng bước khuất phục
Việt Nam, nô dịch Việt Nam bằng ý thức hệ cộng sản và bằng tiền bạc mua
chuộc, sai khiến những người nắm quyền lực trong nhà nước cộng sản Việt
Nam.
Ý thức hệ cộng sản là hệ thống học thuyết dùng bạo lực chuyên chính vô
sản nô dịch người dân, một thứ nô lệ nội tại. Đảng cộng sản Việt Nam
mang ý thức hệ nô lệ, chư hầu nước ngoài đó, mang học thuyết bạo lực đấu
tranh giai cấp tội ác từ xứ người về nô dịch chính người dân Việt Nam,
thứ nô lệ độc ác, mất tính người nhất trong các chế độ nô lệ đã có trong
lịch sử loài người. Mọi việc đã có đảng và nhà nước lo, người dân bị
tước quyền làm chủ đất nước, làm chủ chính số phận con người của mình.
Người dân chỉ còn là công cụ trong tay nhúm người có quyền lực trong
đảng cộng sản. Khi nhúm người đó đã bị ý thức hệ cộng sản cột chặt vào
Tàu Cộng và bị quyền lực đồng tiền của Tàu Cộng sai khiến thì người dân
từ nô lệ cộng sản trong nước trở thành nộ lệ cộng sản nước ngoài, từ nô
lệ Việt Cộng trở thành nô lệ Tàu Cộng chỉ còn là vấn đề thời gian.
Số đông người Việt còn chưa nhận ra thân phận nô lệ nội tại vô cùng tinh
vi, nô lệ Việt Cộng, nhiều người còn vui sướng, hãnh diện trong thận
phận nô lệ đó. Nhưng khi từ nô lệ trong nước chuyển thành nô lệ nước
ngoài, nhất là nô lệ Tàu Cộng, thì người dân mang dòng máu Việt Nam
không ai còn có thể u mê, mơ hồ nữa. Chỉ còn những kẻ bán linh hồn cho
Tàu Cộng để giữ quyền lực mới u mê đến nỗi hốt hoảng lo lắng: “Tôi
thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến
người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là
ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc”.
Chính sự thức tỉnh của người dân trước hiểm họa Bắc thuộc sẽ là những
ngọn sóng lừng, là bão táp của biển nhân dân đấu tranh đòi dân chủ,
giành quyền làm chủ đất nước.
Vì không thể phó mặc số phận đất nước, phó mặc sự sống còn của dân tộc
cho những người đã đặt lợi ích tội lỗi của đảng phái, phe nhóm và đặt
lợi ích bất lương của cá nhân họ lên trên lợi ích thiêng liêng của đất
nước, của dân tộc.
Vì chỉ có dân chủ mới huy động được sức mạnh vô tận của nhân dân hôm nay
và sức mạnh tinh thần của cả dân tộc trong quá khứ đã làm nên lịch sử
oai hùng Việt Nam, mới gắn kết dân tộc thành một khối bền vững chống
giặc cướp nước, bảo vệ những giá trị Việt Nam như lịch sử Việt Nam đã
nhiều lần chứng minh.
Một thời hệ thống tuyên truyền cộng sản thường khếch đại sức mạnh thời
đại ba dòng thác cách mạng. Nhưng thời sức mạnh bạo lực của đám đông,
của cuồng tín, sức mạnh tàn phá của những dòng thác cách mạng vô sản thế
giới nhấn chìm loài người vào biển máu và nước mắt đã vĩnh viễn qua
rồi. Văn minh đã thắng bạo tàn. Thành trì của bạo lực cách mạng thế giới
đã sụp đổ. Cả hệ thống thế giới tồn tại bằng bạo lực chuyên chính vô
sản đã tan chảy như bọt xà bông là một tất yếu lịch sử đã diễn ra bất
ngờ và mau lẹ. Dân chủ và quyền con người đã trở thành giá trị phổ quát
không thể thiếu của xã hội loài người hôm nay.
Cách mạng Hoa Kỳ 1776 và cách mạng Pháp 1789 đã đơm hoa kết trái. Dân
chủ phát huy sức sáng tạo vô tận của con người tạo ra nối tiếp những
cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật kì diệu, đưa con người bước những bước
dài tới cuộc sống giàu sang. Hoa Kỳ và các nước công nghiệp phát triển
đã trở thành thành trì của dân chủ, có tiếng nói đầy sức nặng trong mọi
vấn đề, mọi sự kiện liên quan đến số phận hành tinh, số phận các cộng
đồng dân tộc. Tiếng nói đó đã liên tiếp cất lên hối thúc, đòi hỏi dân
chủ, nhân quyền cho người dân Việt Nam trong chế độ độc tài cộng sản.
Nhất là ngày nay khi Hoa Kỳ đã xoay trục sức mạnh Hoa Kỳ, xoay trục vai
trò cáng đáng của Hoa Kỳ với các vấn đề quốc tế về châu Á – Thái Bình
Dương thì dân chủ và nhân quyền cũng là tiêu chí không thể thiếu mà Hoa
kỳ đòi hỏi ở châu Á – Thái Bình Dương. Đòi hỏi dân chủ, nhân quyền chính
là đòi hỏi của thời đại hôm nay, như đòi hỏi bạo lực của thời cách mạng
vô sản, của thời độc tài cộng sản.
Dù nhận định “Dân tộc ta đang sống một trong những thử thách lớn nhất
từ ngày dựng nước nhưng đồng thời triển vọng tháo bỏ ách độc tài và mở
ra kỷ nguyên dân chủ cũng lớn như chưa bao giờ thấy”, T47. Nhưng Luận cương Khai Sáng còn nhắc nhở “Trong một bối cảnh quốc tế thuận lợi, thực trạng của chúng ta rất bi đát và tương lai của Việt Nam rất bấp bênh”, T47.
Những bi đát và bấp bênh:
- Khi một nước chậm tiến bước vào kinh tế thị trường, hội nhập với đời
sống kinh tế thế giới thì sự thành công hay thất bại chủ yếu là ở chỗ có
tạo ra được hay không một lớp doanh nhân chân chính. Sự thực không thể
chối cãi là mở cửa về kinh tế nhưng vẫn khép kín về chính trị đã chỉ tạo
ra phần lớn những doanh nhân chụp giật, làm giàu nhờ ăn chia với quyền
lực chính trị và kinh doanh bất chính.
- Sự duy trì ngoan cố chế độ độc tài toàn trị nhân danh một chủ nghĩa đã
bị lên án như một tội ác, những vi phạm trắng trợn về nhân quyền và dân
quyền, tệ quan liêu và tham nhũng, sự từ chối những cải tổ cần thiết,
cách cư xử thô thiển trong những quan hệ quốc tế, sự lệ thuộc ngày càng
chặt chẽ và toàn diện vào Tàu Cộng khiến Việt Nam ngày càng yếu kém và
chìm sâu vào thế cô lập bi thảm trong thời đại toàn cầu hóa.
- Nền công nghiệp non trẻ cần được những tài năng và tâm huyết chăm lo
để bứt lên thì lại bị quản lý quá yếu kém, vô trách nhiệm, bị cạnh tranh
bất chính của hàng nhập lậu chủ yếu từ Tàu Cộng. Thiết bị sản xuất lỗi
thời, kể cả những thiết bị mới mua bởi các quan chức tham nhũng. Các
doanh nghiệp nhà nước được coi là chủ đạo của nền kinh tế và được sử
dụng nguồn lực lớn của đất nước lại cũng là những doanh nghiệp bệnh
hoạn, thua lỗ triền miên do lãnh đạo vừa bất tài vừa tham lam được giao
chức theo phe nhóm hoặc chạy chọt, mua bán.
- Tài sản quốc gia bị các nhóm lợi ích xâu xé. Lợi tức quốc gia quá thấp
lại phải oằn vai gánh quá nặng chi phí bộ máy đảng cồng kềnh và bộ máy
công cụ khổng lồ bảo vệ đảng khiến giáo dục và y tế bị bỏ rơi dài dài.
Giáo dục và đào tạo hoàn toàn không có khả năng chuẩn bị cho tuổi trẻ
trong cuộc cạnh tranh với thế giới. Để được hưởng một nền giáo dục lành
mạnh, đúng đắn, tuổi trẻ phải tìm mọi cơ hội ra nước ngoài, tạo lên dòng
người tị nạn giáo dục đông đúc, hối hả như dòng người tị nạn nhân
quyền, bỏ nước đi tìm tự do kéo dài suốt trong lịch sử tồn tại của nhà
nước cộng sản. Tình trạng của đại đa số các bệnh viện Việt Nam là một sự
hổ nhục và một tội ác.
- Tài nguyên quý nhất của đất nước là con người bị xuống cấp một cách
thê thảm. Con người ngày càng rời xa các giá trị đạo đức căn bản. Gian
manh, dối trá, lừa đảo, bạo lực trở thành chuyện thường ngày trong đời
sống xã hội.
- Tham nhũng ngang nhiên và tràn lan đang hoành hành tàn phá đất nước,
tàn phá đạo lí, tàn phá các mối quan hệ xã hội. Tham nhũng giao những vị
trí quan trong cho những kẻ bất tài, Tham nhũng vơ vét bòn rút kiệt quệ
tài nguyên, ngân sách đất nước, khoét sâu hố ngăn cách giàu nghèo. Đội
ngũ quan chức tham nhũng sống đế vương trên sự nghèo khổ, khốn cùng của
số đông người dân lương thiện. Dự án Bôxít Tây Nguyên và dự án điện hạt
nhân đều phi kinh tế và đe dọa sự sống còn của đất nước nhưng vẫn được
áp đặt cũng vì tham nhũng.
Thực trạng đen tối đó dẫn đến hai hiểm họa:
- Môi trường sống, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội bị tàn phá, ô
nhiễm nặng nề. Tài nguyên bị đào bới, bị rút ruột vô tội vạ. Đất nước
bị tàn phá tan hoang. Đời sống văn hóa, nền tảng đạo đức xã hội bị giết
chết trong dối trá và bạo lực.
- Không còn chủ quyền trên thực tế. Tuyên bố chung Việt – Trung ngày
21-06-2013 cho thấy chính quyền cộng sản đã ký rất nhiều thỏa hiệp ngầm
đặt Việt Nam trong thế khống chế của Tàu Cộng. Chấp nhận thăm dò chung
dầu khí, thực tế là để Tàu Cộng thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam, cũng là để Tàu Cộng đưa người vào làm chủ vùng
biển cửa ngõ mở ra thế giới của Việt Nam, như đã cho Tàu Cộng đưa người
vào làm chủ mảnh đất hiểm yếu chiến lược Tây Nguyên, làm chủ vùng đất,
vùng biển Vũng Áng, cắt đôi đất nước Việt Nam chỗ eo đất hẹp Hà Tĩnh. Để
Tàu Cộng huấn luyện và đào tạo sĩ quan quân đội và công an Việt Nam.
Đến công việc ngoại giao của nhà nước Việt Nam cũng phụ thuộc vào Tàu
Cộng khi Tuyên bố chung Việt – Trung cam kết tham khảo Tàu Cộng nghĩa
phải là nhận chỉ thị của Thiên Triều trong quan hệ đối ngoại.
Dân tộc Việt Nam đã tới giới hạn của sự chịu đựng. Đất nước Việt Nam đã
tới giới hạn của sự nhẫn nhục. Hiện trạng đen tối này còn tiếp diễn, dải
đất gấm vóc hình chữ S bên bờ tây Thái Bình Dương sẽ không còn mang tên
Việt Nam nữa, dân tộc Việt Nam văn hiến sẽ bị xóa sổ, bị đồng hóa vào
văn hóa Trung Nguyên phương Bắc. Luận cương Khai Sáng là kế sách giữ
nước, giữ tên Việt Nam trên bản đồ thế giới, đưa dân tộc Việt Nam từ đêm
tối độc tài ra ánh sáng tự do, từ kỉ nguyên nô lệ đến kỉ nguyên dân
chủ.
Phải nhìn nhận đúng hiện thực đất nước mới có kế sách đúng đắn nhưng
những báo cáo chính trị của các kì đại hội đảng cộng sản Việt Nam cầm
quyền đều viết bằng cảm hứng ngợi ca sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của
đảng, với ngôn từ khoa trương, đại ngôn, đều vô cảm với thân phận nô lệ
thống khổ của người dân nên đều né tránh hiện thực, không dám nhìn vào
hiện thực đau đớn, tủi nhục của người dân, mất mát lớn lào của đất nước.
Đề án chính trị Luận cương Khai Sáng là sản phẩm của một tư duy khoa
học mẫn cảm, trung thực, của một trí thức thông tuệ đã tiếp cận được đầy
đủ hiện thực đen tối đó. Nhưng cũng chính vì sự thông tuệ của người
sống ở thủ đô ánh sáng, ở một trung tâm phát triển của châu Âu, nơi có
mặt bằng dân trí khá cao mà đôi chỗ đề án chính trị công phu này còn
thiếu sự bình dị, dễ hiểu với nhận thức, trình độ dân trí trong nước.
Luận cương Khai Sáng thực sự là một đề án hành động. Hành động cần cụ
thể. Nhưng luận cương mang tên Khai Sáng Kỉ Nguyên Thứ Hai chữ nghĩa
triết học quá, như một lí thuyết triết học nên ít thu hút được sự quan
tâm của đời sống chính trị đang sôi động trong nước. Bình dị, thiết thực
hơn, chẳng hạn như Đi Tới Kỉ Nguyên Dân Chủ, hoặc Việt Nam – Con Đường
Dân Chủ Hóa có lẽ gần gũi hơn, sẽ được sự đón nhận mặn mà hơn.
Có những nội dung quan trọng sẽ có nhiều ý kiến khác nhau cần được có đề
mục riêng để luận bàn thỏa đáng như tên gọi nhà nước Việt Nam. Một thực
tế phải nhìn nhận là còn rất nhiều người Việt Nam vẫn luyến tiếc, vẫn
muốn níu kéo về hiện tại tên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của nhà nước
cộng sản Hồ Chí Minh và cũng còn rất nhiều người Việt Nam muốn có lại
tên nước Việt Nam Cộng Hòa thân thương của một thời lịch sử gắn bó với
họ bằng máu, mồ hôi và nước mắt của chính cuộc đời họ. Nhưng trong
chương VI, Thể chế, Hiến pháp Cộng hòa Việt Nam bàn về chế độ chính trị
và Hiến pháp của nhà nước Việt Nam dân chủ, tên nước Cộng hòa Việt Nam
được áp đặt, không một lời lí giải. Tên nước Cộng Hòa Việt Nam xứng đáng
có một đề mục riêng để lí giải, thuyết phục như chế độ chính trị và
Hiến pháp Cộng Hòa Việt Nam.
Luận cương có mạch văn sáng sủa, mạch lạc nhưng vì những ý tứ dồn dập,
đôi chỗ luận cương chỉ quan tâm đến tuôn xả những ý tứ căng đầy mà sa
vào văn nói: “Tản quyền có những ưu điểm rõ rệt: nó khuyến khích sinh
hoạt chính trị tại các địa phương, nó đem dân chủ tới mọi nơi với mọi
người, nó tránh được những đường dây hành chính dài và phức tạp cho sinh
hoạt thường ngày với hậu quả là sự tập trung quá đáng dân số vào những
thành phố lớn, nó kích thích sinh hoạt văn hóa và báo chí địa phương, nó
cho phép mỗi địa phương chọn lựa công thức sinh hoạt phù hợp nhất với
đặc tính của mình và nhờ đó mà phát triển”. T. 177. Văn nói chỉ cốt
diễn đạt hết ý mà không quan tâm đến câu. Chỉ có văn viết mới giành mối
bận tâm hàng đầu đến tổ chức câu làm sáng rõ ý. Nói theo mạch. Viết theo
câu. Là văn nói nên cả đoạn dài trên là một câu dồn dập nhiều ý nhỏ.
Với văn viết, mỗi ý nhỏ phải là một câu. Ngắt câu, xuống dòng, thay từ
“nó” bằng gạch đầu dòng sẽ chuyển từ văn nói rườm rà, lê thê, các ý nhỏ
dồn dập chồng lấp nhau thành văn viết gọn gàng, khúc chiết, dễ nắm bắt.
Văn nói của không gian. Văn viết của thời gian. Luận cương là tuyên ngôn
của một lực lượng chính trị. Lực lượng chính trị đó nói tiếng nói của
Nhân Dân, của thời đại thì Luận cương đó chính là Tuyên ngôn của Nhân
Dân, của lịch sử, còn mãi với thời gian.
Là cương lĩnh của một đảng chính trị hoặc một đội ngũ trí thức chính trị
thì luận cương Khai Sáng đúng đắn, cần thiết này sẽ mau lẹ đi vào đời
sống chính trị đất nước. Trong nhà nước độc tài cộng sản không thể tồn
tại một đảng chính trị thực sự theo đuổi lí tưởng dân chủ. Trong nhà
nước độc tài đó cũng không thể có một đội ngũ trí thức chính trị mà chỉ
có lác đác vài cá thể trí thức chính trị lẻ loi, lạc lõng, đơn độc. Vì
thế sứ mệnh lịch sử đầu tiên của luận cương Khai Sáng chính là thức tỉnh
những trí thức yêu nước và tập hợp họ lại thành đội ngũ trí thức chính
trị và đội ngũ trí thức chính trị đó sẽ đưa luận cương Khai Sáng vào đời
sống chính trị đất nước, đưa đất nước Việt Nam thân yêu từ bóng đêm nô
lệ độc tài ra ánh sáng dân chủ, phát triển.
Đọc luận cương chính trị KHAI SÁNG KỶ NGUYÊN THỨ HAI của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
2/8/2015