24/2/15

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG TẠI VIỆT NAM (LAST DAYS IN VIETNAM)

PHIM "NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG TẠI VIỆT NAM" (LAST DAYS IN VIETNAM) - PHỤ ĐỀ VIỆT NGỮ


Người Little Saigon nói về phim “Những ngày cuối cùng ở VN”

Ngọc Lan, thông tín viên RFA
2015-01-31
ngoclan01312015.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
IMG_8325-622.jpg
Ông Lê Tất Giao, cựu sĩ quan quân đội VNCH, nêu cảm nghĩ sau khi xem phim Last Days in Vietnam.
RFA PHOTO/Ngọc Lan
Cuối tuần qua, bộ phim tài liệu Last Days in Vietnam - Những ngày cuối cùng ở Việt Nam của nữ đạo diễn Rory Kennedy đã được trình chiếu miễn phí tại tòa soạn nhật báo Người Việt ở miền Nam California. Đây là cuốn phim đang được đề cử tranh giải Oscar 2015 cho thể loại phim tài liệu.

Tiếng thở dài và những giọt nước mắt

Đông đảo đồng hương gốc Việt sống quanh vùng Little Saigon và cả những người ở các thành phố khá xa đã đến xem cuốn phim này trong tâm tình vừa muốn tìm hiểu về một thời điểm đặc biệt khốc liệt của lịch sử Việt Nam vừa muốn chứng kiến sự thật mà phim nói đến là như thế nào.
Xem cuốn phim này tôi rất buồn nhiều khi tôi muốn đứng lên đi về sớm, không muốn xem nhưng mà tôi cố ở lại để xem cho hết cuốn phim. Tôi buồn cho cảnh tang thương của xứ sở nhưng mà tôi rất kính phục ông đại sứ Martin.
-Ông Lê Tất Giao
Nhiều tiếng thở dài, nhiều giọt nước mắt rơi xuống và cả những tiếng nấc bật lên trong khoảng thời gian Những Ngày Cuối Cùng ở Việt Nam hiện lên màn ảnh.
Mời quý thính giả nghe tâm tình của ông Hùng Vũ, một cư dân ở San Gabriel Valley thuộc Los Angeles County:
“Tôi rất cảm động sau khi xem phim. Tôi là một trong những người may mắn được được di tản sang Mỹ năm 1975 bằng không vận C141 của Hoa Kỳ. Tôi rất may mắn hơn nhiều người. Nhưng kinh nghiệm của tôi sau 40 năm ở Mỹ, thành công tất cả mọi thứ, có một điều tôi nhận thấy là tôi đã mất tình quê hương. Và tôi không hề có hạnh phúc. Và tôi không thể thấy được tình đồng hương của những người ở bên Mỹ, ngay cả trong gia đình tôi, tôi cũng thấy nó biến đổi rất nhiều. Tôi chỉ mong tất cả những người may mắn sang Mỹ hiểu rằng lý do chúng ta được sang đây là bởi vì chúng ta là những người tị nạn, chúng ta có bổn phận cứu giúp những người còn lại ở Việt Nam.”
Ông Triết Nguyễn, 70 tuổi, từ tiểu bang Alabama về Little Saigon xem phim cũng không giấu được sự xúc động:
“Xem xong cuốn phim vừa chiếu, quan trọng nhất là tôi không cầm được nước mắt. Cái cảm xúc đầu tiên của tôi là tôi bị mất tất cả. Tôi là người di tản từ miền Trung vào và bài hát mà Trịnh Công Sơn viết “người chết hai lần, thịt da nát tan.” Điều đó là điều tôi thấy rất rõ ràng. Mẹ chết, mẹ ngồi dựa vào gốc cây, con xé áo quấn trên đầu lạy 3 lạy rồi ra đi. Những điều đó tôi đã trải qua. Ngày hôm nay xem lại cuốn phim tôi thấy ông đại sứ Martin quả là một người nhân bản. Tôi xin cám ơn ông hết lời.”

IMG_8342-400.jpg
Bà Ngân Nguyễn, cư dân Little Saigon, một trong những người lên chiếc trực thăng cuối cùng để di tản khỏi Sài Gòn từ tòa nhà DAO. RFA PHOTO/Ngọc Lan.

Cô Nhã Lan, một kỹ sư đang làm việc tại hãng Boeing, bày tỏ cảm nghĩ:
“Nó chỉ là một phim tài liệu nhưng thực sự phim tài liệu này đã giúp cho rất nhiều người, ngay cả chính Nhã Lan. Vì ngày 30 tháng 4, Nhã Lan còn ở tuổi thiếu niên nên cũng không rõ lý do tại sao mà miền Nam của mình mất trong tay của miền Bắc. Thực sự một tiếng rưỡi phim này, là phim tài liệu nó không có sự hư cấu, qua một tiếng rưỡi phim này chúng ta thấy chúng ta mất miền Nam nhưng từ xưa đến giờ, chính Nhã Lan cũng có câu hỏi tại sao Hoa Kỳ lại bỏ rơi miền Nam Việt Nam và một tiếng rưỡi phim này đã trả lời phần nào tại sao.”
Là một trong những người có mặt trên chuyến trực thăng cuối cùng rời khỏi Sài Gòn từ tòa nhà DAO, bà Ngân Nguyễn, khán giả xem đang sống tại thành phố Garden Grove nhớ lại:
“Khi chúng tôi lên chiếc trực thăng cuối cùng ở tòa nhà DAO thì chúng tôi cứ tưởng nó bay thẳng ra ngoài mẫu hạm, nhưng không, nó vào Tân Sơn Nhất, từ đó họ mới đổi lên chiếc trực thăng lớn hơn để chở người ra ngoài chiếc mẫu hạm Midway. Đêm 29 pháo kích đã làm tan nát phi trường rồi. Khi chúng tôi lên được được chiếc mẫu hạm Midway thì cũng đã gần sáng và mới thấy những chiếc trực thăng của phi công Việt Nam mình đáp trên những chiếc mẫu hạm đó. Và chiếc nào đáp xong thì họ cứ xô xuống biển, y như quý vị thấy trong phim.
Sáng hôm sau chúng tôi được đưa ra ngoài khơi quốc tế để lên những chiếc tàu hàng dân sự của Hoa Kỳ, chuyển hết từ 3.000 đến 5.000 người Việt Nam mình từ chiếc Midway ra hết bên ngoài. Rồi từ đó chúng tôi đi 11 ngày cho tới Guam.
Điều đầu tiên tôi muốn nói là cảm ơn Tổng Thống Ford đã ra lệnh cuộc di tản này. Tôi xin được cám ơn cả ông đại sứ Graham Martin. Cám ơn nhân dân Mỹ. Cám ơn nước Mỹ đã cưu mang chúng ta.”
Xin mượn lời của ông Lê Tất Giao, 78 tuổi, cư dân Garden Grove, từng là cựu Đại Úy Y sĩ làm việc ở Tổng Y viện Duy Tân Đà Nẵng trước 1975, thay cho lời kết:
“Xem cuốn phim này tôi rất buồn nhiều khi tôi muốn đứng lên đi về sớm, không muốn xem nhưng mà tôi cố ở lại để xem cho hết cuốn phim. Tôi buồn cho cảnh tang thương của xứ sở nhưng mà tôi rất kính phục ông đại sứ Martin, người Mỹ đã có tấm lòng đại lượng, nhân ái, đã cứu giúp những người Việt Nam muốn trốn khỏi cộng sản trong giờ phút cuối cùng với sức ông có thể làm được. Tôi kính phục ông lắm. Và chứng tỏ tinh thần người Mỹ dù sao cũng có những người tốt để cứu những người muốn thoát khỏi nạn cộng sản để đi tìm tự do.”
nguồn http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ngoc-lan-01292015-01302015124428.html

Ngày cuối cùng ở Việt Nam

  • 4 tháng 10 2014
Đây là bộ phim tài liệu hướng đến kỷ niệm 40 ngày di tản khỏi miền Nam Việt Nam
Sau khi nhận chức tổng thống chiều 28/4/1975, một trong những quyết định của Đại tướng Dương Văn Minh là yêu cầu Mỹ rút khỏi Việt Nam.
Qua công điện gửi Đại sứ Mỹ Graham Martin, ông Minh đã yêu cầu Hoa Kỳ rút tất cả người Mỹ trong vòng 24 giờ.
Đó cũng là 24 tiếng đồng hồ của ngày 29/4/1975 tại Sài Gòn được đạo diễn Rory Kennedy đưa vào phim tài liệu “Last Days in Vietnam” đang chiếu tại nhiều rạp ở Mỹ. Phim được sự phối hợp sản xuất của chương trình American Experience thuộc hệ thống truyền hình PBS.

Công điện đuổi Mỹ

Nếu không có công điện của Đại tướng Minh, 30/4/1975 có phải là ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà và câu chuyện người Mỹ di tản sẽ có khác? Vì Đại sứ Martin đã rất bướng bỉnh, không vội lên kế hoạch di tản bất chấp khuyến cáo. Vì ông muốn nhiều người Việt được di tản trước, vì ông lo sợ cảnh hỗn loạn như ở Đà Nẵng hay ông thực sự tin rằng sẽ có một giải pháp chính trị cho Việt Nam?
Ông Martin qua đời năm 1990 nên đạo diễn không có cơ hội đưa ông vào phim như một phần lịch sử của cuộc di tản.
Qua Last Days in Vietnam, sau gần 40 năm từ khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, công chúng lần đầu tiên được thấy bức công điện đuổi Mỹ của vị lãnh đạo cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa.
Cùng nhiều tài liệu khác, như bức thư Tổng thống Richard Nixon gửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hứa sẽ trả đũa nếu Bắc Việt vi phạm Hiệp định Paris 1973, như các kế hoạch di tản được phía Mỹ chuẩn bị.
Nhưng trọng tâm của phim là ngày 29/4/1975 ở Sài Gòn, qua kế hoạch Frequent Winds dùng trực thăng để di tản, vì lúc đó phi trường Tân Sơn Nhứt đã bị đạn pháo không còn xử dụng được.
Last Days in Vietnam chứa đựng nhiều phim tài liệu, có những đoạn phim chưa bao giờ công bố, đan xen cùng lời kể của nhiều người có mặt lúc đó.
Bà Kennedy là một đạo diễn phim tài liệu có tiếng
Họ là những sĩ quan, binh lính Mỹ như Đại úy Stuart Herrington, cố vấn Richard Armitage, Đại úy Hugh Doyle, Trung tá Hạm trưởng Paul Jacobs, Thượng sĩ Juan Valdez, nhà phân tích cao cấp của CIA Frank Snepp.
Họ là những người Việt như Đại tá Hải quân Đỗ Kiểm (Kiem Do), sinh viên Phó Đức Bình (Binh Pho), Trung úy Phạm Hữu Đàm (Dam Pham).

Những giờ phút căng thẳng

Có những thước phim bỏ quên trong một góc nhà, chưa tráng rửa sau 37 năm, của một người lính từ chiến hạm USS Kirk, ghi lại hình ảnh những trực thăng do phi công Việt di tản và vị chỉ huy Mỹ phải quyết định khẩn mà không hỏi cấp trên là đẩy những trực thăng UH-1 trị giá nhiều triệu đôla xuống biển để có chỗ đón người tị nạn.
Những đoạn phim ghi lại hình ảnh Miki Nguyễn, lúc đó mới 6 tuổi, và gia đình đã phải nhảy ra từ cửa sổ chiếc Chinook lơ lửng trên không, không thể đáp vì có thể làm chìm chiến hạm. Một em bé cuốn trong khăn vải được thả xuống cho thủy thủ đoàn chụp bắt. Sau đó phi công rà rà trực thăng sát mặt biển, nhảy ra khỏi cửa sổ, trước khi máy bay nổ tung trên nước.
Cuốn phim không bàn về nguyên nhân đưa đến sự thất bại của Hoa Kỳ dù có nhắc đến Hiệp định Paris 1973 là một văn kiện với ngôn ngữ rất mơ hồ, theo nhận xét của Frank Snepp, mà Ngoại trưởng Henry Kissinger đã thương thảo cùng Hà Nội để các bên ký kết, với hy vọng sẽ có hai quốc gia nam bắc Việt Nam như bán đảo Triều Tiên.
Phim cũng đề cập đến việc Tổng thống Richard Nixon từ chức vì vụ Watergate, việc Quốc hội Mỹ cắt viện trợ cho miền Nam Việt Nam.
Phim không nói đến nguyên nhân khiến người Việt chạy trốn cộng sản qua các cuộc di tản từ tỉnh thành phía bắc, nhưng đưa ra hình ảnh thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế năm 1968.

Hết sức giúp người tỵ nạn

Những người Mỹ xuất hiện trong phim
Chủ điểm chính của phim là những nhân vật đã làm hết sức mình, bất chấp luật pháp Mỹ hay lệnh từ Washington để đưa nhiều người Việt ra khỏi Việt Nam.
Đại sứ Martin từ chối lên chuyến trực thăng đầu tiên, thay vào là 40 người Việt được di tản. Ông ở lại cho đến khi có lệnh từ Washington buộc phải cuốn cờ ra đi.
Đại úy Stuart Herrington điều phối di tản từ tòa đại sứ Mỹ. Ông kể lại chuyển biến từng phút sau khi kế hoạch Frequent Winds được thi hành để di tản nhiều nghìn người, trong đó có khoảng 3 nghìn người Việt, từ khuôn viên tòa đại sứ sứ với phương tiện là 75 trực thăng CH-47 có thể dùng được.
Phía người Việt muốn ra đi, sinh viên Bình kể lại cảnh chen lấn để được vào bên trong sân tòa đại sứ Mỹ. Đại tá Kiểm nói về kế hoạch đưa tàu hải quân ra Côn Sơn. Trung úy Đàm thuật lại những lo âu của một người sĩ quan khi thấy tình hình quân sự ngày một xấu đi từ các tỉnh phía bắc.
Khi chuyến trực thăng, tưởng là cuối cùng, rời nóc sứ quán Mỹ và Washington được báo cáo cuộc di tản chấm dứt thì vẫn còn 11 lính Mỹ kẹt lại. Một binh sĩ là Mike Sullivan đã khẩn cấp gọi điện yêu cầu cho trực thăng vào.
Đại úy Herrington phải nói dối những người Việt rằng ông cần đi tiểu. Rút lên nóc, chân thang đóng lại. Thượng sĩ Juan Valdez là người sau cùng lên máy bay. Ông đếm đi, đếm lại nhiều lần để chắc chắn tất cả lính Mỹ còn lại đã có mặt trên chiếc trực thăng CH-47 cuối cùng rời Việt Nam.
Khoảnh khắc đó là rạng sáng ngày 30/4/1975. Bên dưới còn 420 người Việt bị bỏ lại. Nhìn xuống, Đại úy Herrington xem đó là một sự phản bội thật đau lòng.

Hát quốc ca lần cuối

Đại tá Đỗ Kiểm đã rơi nước mắt khi hát Quốc ca Việt Nam Cộng hòa lần cuối
Cùng khoảng thời gian, cố vấn Richard Armitage phối hợp với tướng lãnh hải quân Việt Nam Cộng hòa để di tản các chiến hạm từ Côn Sơn đi Philippines với 20 nghìn người gồm lính và dân.
Vài giờ sau, xe tăng mang số 843, 844 của bộ đội cộng sản Bắc Việt tiến vào Sài Gòn ủi sập cổng Dinh Độc Lập.
Trên đường phố, những người lính Việt Nam Cộng hòa cởi bỏ quân phục. Những lá cờ vàng ba sọc đỏ trên tường nhà được sơn lấp đi.
Ngoài khơi gần bờ biển Philippines, quân và dân Việt trên chiến hạm hát bản quốc ca lần cuối cùng: “Này công dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng…” trước khi lá cờ vàng hạ xuống. Những giọt nước mắt rơi, từ trong khoé mắt của cả những sói biển như Đại tá Đỗ Kiểm.
Gần bốn mươi năm sau, hồi tưởng lại ngày kết thúc bi thương đó, Trung úy Đàm tự hỏi: “Bạn bè của tôi đã nằm xuống để làm gì, có phải để được như hôm nay?”
Last Days in Vietnam tạo cảm giác hồi hộp, căng thẳng vì người xem, dù có thể đã biết cuộc chiến này kết thúc ra sao qua hình ảnh kí ức với chiếc trực thăng bốc người từ nóc nhà của phó trưởng cơ quan CIA, không phải nóc tòa đại sứ như thường hiểu lầm, nhưng không biết hệ lụy ra sao với những chứng nhân người Việt.
Ghi chú cuối phim cho biết 130 nghìn người thoát khỏi Việt Nam vào cuối tháng 4/1975, trong đó 77 nghìn được di tản bằng máy bay hay được tầu Mỹ cứu giúp trên biển.
Đại tá Đỗ Kiểm theo tàu hải quân rời Việt Nam đến trại tị nạn rồi định cư tại Mỹ. Gia đình của Miki Nguyễn cũng thế. Sinh viên Phó Đức Bình kẹt lại, bị giam tù hơn một năm, rồi vượt biển và đến Mỹ. Trung úy Phạm Hữu Đàm đi học tập cải tạo 13 năm và hiện cũng đang sống Mỹ.

Bài học cho hiện tại?

Trung úy Phạm Hữu Đàm đã bị kẹt lại ở Việt Nam với 13 năm lao động cải tạo
Sau buổi chiếu phim ở Berkeley, đạo diễn Rory Kennedy mời những người Mỹ gốc Việt đi xem phim đứng lên nhận một tràng pháo tay từ khán giả.
Qua phần thảo luận, khi được hỏi với tình hình Syria, Iraq và những cuộc oanh tạc nhắm vào ISIS, giới lãnh đạo Hoa Kỳ như Tổng thống Obama, đặc biệt là ngoại trưởng John Kerry và bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel, là những cựu chiến binh của cuộc chiến Việt Nam, đã có xem phim chưa?
Bà Kennedy cho biết phim đã gửi đến một số dân cử quốc hội và năm tới kỷ niệm 40 năm cuộc di tản, lúc đó chính giới sẽ chú ý đến phim nhiều hơn.
Bài học gì có thể rút ra từ phim, khi Hoa Kỳ lại can dự vào Afghanistan, Iraq hay vào những quốc gia khác trong tương lai? Đạo diễn chỉ muốn đưa ra những tài liệu lịch sử. Người xem, tùy theo trải nghiệm và cách tiếp cận để có quan điểm hay nhận xét riêng về chính sách của Hoa Kỳ ở Afghanistan, ở Iraq, Syria.
Việc lúc đó Hoa Kỳ không viện trợ cho nam Việt Nam nữa có phải là lỗi của Quốc hội? Bà nói Quốc hội đại diện cho dân mà lúc đó dân chúng Mỹ cũng đã mệt mỏi với cuộc chiến.
Bà Rory Kennedy sinh năm 1968, con út trong số 11 người con của Thượng nghị sĩ Robert Kennedy – người có anh ruột là Tổng thống John Kennedy.
Bà đã đạo diễn hơn 30 bộ phim tài liệu và từng đoạt giải Emmy.
Trong một dịp tiếp xúc khác với truyền thông dịp ra mắt phim, bà đưa ra nhận định nếu Tổng thống John Kennedy còn sống, Hoa Kỳ không sa lầy ở Việt Nam.
Đây cũng là luận điểm gây tranh cãi khi nhắc lại cuộc chiến, khởi đầu với việc Tổng thống John Kennedy gia tăng số cố vấn quân sự cho Việt Nam, rồi Tổng thống Lyndon Johnson, Richard Nixon can thiệp quân sự mạnh hơn.
Cuộc chiến kết thúc bằng cuộc di tản, để lại một vết đen trong lịch sử Hoa Kỳ.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả hiện đang sống tại vùng Vịnh San Francsico, California.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/10/141004_last_days_in_vn

 PHIM "NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG TẠI VIỆT NAM" (LAST DAYS IN VIETNAM) - PHỤ ĐỀ VIỆT NGỮ

Trí Nhân Media
15/2/2015

Tháng Tư năm 1975. 
Trong khi quân Bắc Việt tiến gần vào Sài Gòn, với tình trạng hỗn loạn, sự kháng cự chống trả của quân dân miền Nam Việt Nam hoàn toàn bị tan rã trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam. Những người Mỹ có thẩm quyền lúc ấy đã phải đứng trước một quyết định quan trọng có ảnh hưởng đến mạng sống đang bị đe dọa của hàng ngàn người Việt Nam: ai sẽ là người được di tản và ai sẽ là người bị bỏ lại phía sau. Những người bị bỏ lại chắc chắn sẽ bị nhận chịu những sự trả thù tàn bạo, bị bỏ tù hay thậm chí tử vong.


Tuy nhiên, trước tình trạng đầy tuyệt vọng lúc đó, một số người Mỹ đã tự quyết định di tản người dân miền nam ra khỏi Việt nam càng nhiều càng tốt, bất kể những trừng phạt họ có thể phải nhận lãnh về quyết định táo bạo này.

Đúng ??? Sai ???

40 năm sau, lật lại lịch sử, cuốn phim tài liệu đã mang đến người xem lẫn người làm phim nhiều xúc cảm: đau thương, hối tiếc, căm giận, tủi nhục ...

Đã có rất nhiều,  rất nhiều ...  máu và nước mắt từ 40 năm qua ...

Nguồn: http://www.trinhanmedia.com/2015/02/phim-nhung-ngay-cuoi-cung-tai-viet-nam.html