Kính gửi: Tổng thống Barack Obama
Nhà Trắng
Washington DC
Về vấn đề Việt Nam

Thưa ngài Tổng thống,
Nhân dịp ngài đang chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam vào tháng tới, chúng tôi viết thư này để nhấn mạnh những mối quan ngại nhân quyền chủ chốt và đề nghị ngài bày tỏ trong các cuộc gặp công khai cũng như riêng tư với giới chức Việt Nam.
Như ngài đã biết, chính quyền Việt Nam vẫn là một trong những chính quyền hà khắc nhất thế giới. Các quyền tự do cơ bản như tự do chính kiến, tự do nhóm họp và lập hội bị hạn chế ngặt nghèo. Báo chí và mạng Internet bị kiểm soát và kiểm duyệt. Đảng Cộng sản Việt Nam điều khiển mọi tổ chức chính trị – xã hội và sử dụng những tổ chức này để duy trì vị thế cầm quyền của mình. Không có bầu cử đích thực; những cuộc bầu cử Quốc Hội tổ chức vào tháng Năm chỉ là một hình thức diễn kịch chính trị. Các tòa án là cơ quan của đảng và thiếu tính độc lập. Cũng trong tình trạng tương tự, các công đoàn độc lập không được phép thành lập.

Tóm lại, Việt Nam là một quốc gia công an trị. Theo quan điểm của chúng tôi, ưu tiên chính của các nhà lãnh đạo sẽ tiếp đón ngài là duy trì vị thế cầm quyền của đảng họ. Về vấn đề này, xin lưu ý rằng tân Chủ tịch nước của Việt Nam, Tướng Trần Đại Quang, nguyên là người đứng đầu Bộ Công an đầy tai tiếng. Việc Bộ Chính trị chọn ông Quang làm Chủ tịch thể hiện nhiều điều về thứ tự ưu tiên của họ.
Có rất nhiều vấn đề về nhân quyền ngài có thể đề cập trong chuyến thăm, như quyền tự do ngôn luận và nhóm họp, vấn đề tù nhân chính trị và quyền của người lao động, cùng với nhiều nội dung khác. Chúng tôi sẽ tóm tắt các vấn đề này sau đây, trong bản phụ lục đính kèm thư này.

Nhưng có tầm quan trọng không kém các vấn đề cụ thể nói trên là thông điệp tổng thể và cách thức bày tỏ thông điệp đó của ngài. Chúng tôi tin rằng các hoạt động trong chuyến thăm gần đây tới Cuba của ngài đã đưa ra một mô hình tốt cho chuyến đi sắp tới: gặp gỡ các cựu tù nhân chính trị, các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến; tổ chức họp báo chung với lãnh đạo nước chủ nhà và cùng trả lời các câu hỏi từ các nhà báo độc lập; và các bài phát biểu hướng tới dân chúng trong đó nêu rõ rằng mức độ phát triển quan hệ giữa hai quốc gia tùy thuộc vào kết quả thực thi những cải cách lớn của chính quyền Việt Nam nhằm cải thiện các quyền con người cơ bản. Chúng tôi tin rằng những lời nói và việc làm của ngài trong thời gian ở Việt Nam có thể mang lại những tiến bộ trước mắt và lâu dài trong các vấn đề thiết yếu, đặc biệt là sẽ tác động đến cuộc tranh luận vẫn đang diễn tiến – dù bị kìm hãm – ở Việt Nam về hướng đi của đất nước này.
Rất nhiều người ở Việt Nam trông chờ ngài và Hoa Kỳ cổ vũ những giá trị họ đang theo đuổi bất chấp những rủi ro cực lớn. Chúng tôi đề nghị ngài phát biểu thẳng thắn rằng Hoa Kỳ ủng hộ những nhà hoạt động dũng cảm và dân chúng nói chung trong cuộc tranh đấu giành những quyền tự do mà người dân Hoa Kỳ coi là chuyện đương nhiên. Chúng tôi hy vọng ngài sẽ phát biểu rõ rằng Hoa Kỳ mong các đối tác của mình tạo lập được một môi trường sống nơi các cá nhân và tổ chức có tư duy độc lập có điều kiện phát triển, nơi luật pháp được áp dụng để bảo vệ chứ không phải để đàn áp công dân.
Chính quyền Việt Nam cần được nghe một cách rõ ràng từ phía Hoa Kỳ rằng, dù quan hệ ngoại giao giữa hai bên có khả năng được thắt chặt hơn, nhưng việc thúc đẩy và bảo vệ các tiêu chuẩn nhân quyền được quốc tế công nhận – trong số đó nhiều nội dung Việt Nam từng cam kết nhưng trên thực tế phớt lờ đi – là một điều cần thiết. Nếu những bước đó không được thực hiện, chính phủ Hoa Kỳ sẽ bị Quốc Hội và công luận hạn chế khả năng xúc tiến quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam về kinh tế, quân sự và an ninh.
Xin cảm ơn ngài đã quan tâm và chúng tôi mong được tiếp tục trao đổi thêm về các vấn đề này với các trợ lý của ngài.
Kính thư,
Brad Adams
Giám đốc Điều hành
Ban Á Châu
Phụ lục: Các Vấn đề Then chốt về Nhân quyền
Tù nhân Chính trị
Hiện có hơn 100 tù nhân chính trị được xác định đang bị giam giữ trong các trại giam ở Việt Nam. Như ngài đã biết, chính quyền Việt Nam thường coi những người ủng hộ dân chủ và nhân quyền như những kẻ tội phạm và mối nguy đối với an ninh quốc gia. Chính quyền sử dụng hàng loạt điều luật mơ hồ và hà khắc để nhằm bịt miệng những người lên tiếng phê phán và bất đồng chính kiến.
Cuối bản phụ lục này là danh sách các vụ được biết công khai. Tuy nhiên, tổng số thực tế có thể nhiều hơn. Vào tháng Mười một năm 2015, đương kim Chủ tịch nước, Tướng Trần Đại Quang – khi đó đang là Bộ trưởng Bộ Công an – công khai báo cáo với Quốc Hội Việt Nam rằng trong khoảng thời gian từ tháng Sáu năm 2012 cho đến thời điểm đó, “ngành công an đã tiếp nhận, bắt giữ, xử lý 1.410 vụ, 2.680 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia.” Cũng trong khoảng thời gian này, ông ta nói “số đối tượng chống đối” đã “lập hơn 60 hội, nhóm bất hợp pháp dưới danh nghĩa dân chủ, nhân quyền với khoảng 350 đối tượng tham gia ở 50 tỉnh, thành.”
Chúng tôi đã viết thư và đề nghị chính quyền Việt Nam cung cấp chi tiết về các vụ này, nhưng cho đến nay chưa nhận được hồi âm gì.
Chúng tôi cũng nhận được thông tin về các vụ bắt giữ người Thượng ở Tây Nguyên, nhưng vì những người điều tra về nhân quyền không thể tiếp cận khu vực này của Việt Nam, thông tin nói trên không thể kiểm chứng được. Tuy nhiên, chúng tôi đã phỏng vấn được những đợt người Thượng liên tiếp chạy trốn sang Campuchia để tránh bị đàn áp.
Trước chuyến đi vào tháng Năm của ngài, chúng tôi khuyến nghị rằng ngài nên thông báo với chính quyền Hà Nội về ý định sẽ công khai đề cập đến vấn đề tù nhân chính trị và nêu đích danh tên một vài người mà ngài mong được phóng thích vô điều kiện. Ngài cũng nên nói rõ ràng rằng việc phóng thích tù nhân chính trị rồi buộc họ đi lưu vong là một cách hành xử không chấp nhận được. Và dù việc phóng thích từng người tù nhân chính trị là một việc làm đáng hoan nghênh, chúng tôi hy vọng ngài sẽ bày tỏ quan điểm rằng chỉ có phóng thích tù nhân chính trị thì chưa phải là cải cách.
Đánh đập và Sách nhiễu Các Nhà Hoạt động và Bất đồng Chính kiến
Chúng tôi cũng đề nghị ngài, trong các buổi gặp gỡ cả công khai lẫn riêng tư, bày tỏ mối quan ngại về sự gia tăng số vụ những nhà bất đồng chính kiến và bảo vệ nhân quyền bị sách nhiễu hay hành hung dưới bàn tay của công an hay nhân viên công lực mặc thường phục. Năm 2015, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ghi nhận có ít nhất 45 trường hợp các nhà bất đồng chính kiến hay bảo vệ nhân quyền bị tấn công, trong đó có những vụ đánh đập, đe dọa và phá hủy tài sản. Các vụ mới vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2016. Những vụ này dường như được tiến hành theo lệnh và/hoặc có sự chấp thuận chính thức vì chính quyền muốn tìm biện pháp khác để tránh phải xét xử công khai hòng làm im tiếng các nhà bất đồng chính kiến – là cách làm vốn bị nhiều dư luận phản đối.
Chính quyền Việt Nam cũng ngăn cản ngày càng nhiều nhà bất đồng chính kiến và bảo vệ nhân quyền đi ra nước ngoài. Tổng kết lại, cho dù con số các vụ bắt bớ và xét xử các nhà bất đồng chính kiến và bảo vệ nhân quyền có vẻ đã giảm, nhưng chính quyền lại gia tăng sách nhiễu, đe dọa và cản trở việc đi lại của họ.
Cải cách Pháp luật
Trong các bài phát biểu công khai và trong bất kỳ cuộc họp báo nào, chúng tôi đề nghị ngài lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp và lập hội.
Việt Nam vẫn duy trì một hệ thống pháp lý nặng tính đàn áp. Bộ luật hình sự của Việt Nam hình sự hóa hành vi phê phán chính quyền, và nhiều điều luật khác hạn chế các hoạt động của các tổ chức tôn giáo, công đoàn và liên đoàn, các tổ chức phi chính phủ và báo chí. Việt Nam đã cam kết cải cách một số các điều luật có vấn đề này, nhưng chúng vẫn còn nguyên trong các văn bản pháp luật và được thường xuyên sử dụng nhằm đối phó với các nhà bất đồng chính kiến và phê phán chính phủ.
Chúng tôi đề nghị ngài nhắc lại những mối quan ngại của Hoa Kỳ về tốc độ cải cách chậm trễ và nêu cụ thể các điều luật – ví dụ như các điều luật hình sự cấm “các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79 bộ luật hình sự, có mức án cao nhất là tử hình); “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” (điều 87, có mức án tới 15 năm tù); “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 88, có mức án tới 20 năm tù); “gây rối trật tự” (điều 89, có mức án tới 15 năm); “trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” (điều 91, mức án tới tù chung thân); và “các hình phạt bổ sung,” tước đi một số quyền của những người bị kết án về tội “an ninh quốc gia”, phải chịu quản chế tới năm năm và có thể bị tịch thu một phần hoặc tất cả tài sản (điều 92).
Trong tháng Mười một năm 2015, Quốc Hội đã thông qua bộ luật hình sự mới sẽ có hiệu lực bắt đầu từ tháng Bảy năm 2016. Bộ luật sửa đổi có các điều khoản nặng nề hơn, ví dụ như điều 109 (trước đây là điều 79); điều 117 (trước đây là điều 88); và điều 118 (trước đây là điều 89) đều có một điều khoản mới là “người chuẩn bị phạm tội có thể bị phạt tù từ một đến năm năm.” Việt Nam cũng sử dụng những điều luật khác để nhằm vào những người bất đồng chính kiến ôn hòa, trong đó có điều “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (điều 258), “gây rối trật tự công cộng” (điều 245), và các cáo buộc khác như trốn thuế. Chúng tôi cũng yêu cầu ngài nêu lên các quan ngại về bộ luật tố tụng hình sự, đặc biệt là các điều khoản cho phép tạm giam trong thời gian dài và không được liên lạc với người thân trong các trường hợp bị cho là vi phạm an ninh quốc gia.
Quyền của Người Lao động
Như ngài đã biết, Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác về Lao động và Thương mại Việt-Mỹ đòi hỏi phải có các cải cách sâu sắc trong hệ thống pháp luật Việt Nam về các vấn đề lao động, và buộc chính quyền Việt Nam phải đóng cửa các cơ sở quản chế hành chính có sử dụng lao động cưỡng bức. Quan trọng hơn, kế hoạch này yêu cầu chính quyền Việt Nam cho phép các liên đoàn lao động được phép thành lập trong vòng năm năm. Nếu sau năm năm Việt Nam vẫn chưa cho phép các liên đoàn ra đời, Hoa Kỳ có thể trừng phạt đơn phương bằng cách áp đặt lại mức thuế hoặc chấm dứt chế độ giảm thuế hiện có, để tạo ra áp lực khiến Việt Nam thực hiện yêu cầu trên.
Tuy nhiên, như chúng tôi đã từng nêu, lời đe dọa sẽ áp dụng chế tài không phải là chế tài. Vì việc giảm thuế hay chấm dứt giảm thuế không tự nhiên xảy ra, một nội các Hoa Kỳ trong tương lai có thể quyết định không thực hiện chế tài này vì một số lý do ngoại giao hay kinh tế. Vì vẫn chưa rõ khả năng và thời điểm TPP bắt đầu có hiệu lực, chúng tôi đề nghị ngài nói rõ với phía Việt Nam rằng dù các điều khoản cụ thể của thỏa thuận Việt Mỹ có ra sao chăng nữa, điều thiết yếu là Việt Nam cần nhanh chóng sửa đổi hoặc bãi bỏ các điều luật lao động liên quan để đảm bảo quyền tự do lập hội và các quyền liên quan, xét từ khía cạnh chính trị và ngoại giao.
Chính quyền Dân chủ        
Chuyến thăm của ngài diễn ra cùng một tháng với sự kiện Đảng Cộng sản cử ra – chứ không phải dân bầu – Quốc Hội mới với nhiệm kỳ năm năm. Vài tháng trước, Chủ tịch nước và Thủ tướng mới đã được bổ nhiệm.
Chúng tôi tin rằng một trong những bước quan trọng nhất ngài có thể thực hiện trong chuyến thăm là công khai kêu gọi chính quyền đưa ra cam kết về tổ chức bầu cử tự do và công bằng ở Việt Nam. Như ngài đã từng làm ở các quốc gia khác, chúng tôi đề nghị ngài lên tiếng mạnh mẽ về những giá trị của điều hành dân chủ và trách nhiệm lịch sử của các nhà lãnh đạo khi tước bỏ những quyền cơ bản này của người dân.
Thời điểm diễn ra chuyến thăm của ngài khiến cho việc lên tiếng ủng hộ vài chục công dân Việt Nam độc lập, không phải là đảng viên Đảng Cộng sản muốn ứng cử vào Quốc Hội trở nên quan trọng. Những ứng cử viên độc lập này vận động từ bên trong hệ thống hiện hữu, đưa ra các chương trình tranh cử với các khuyến nghị về cải cách và quản lý đất nước tốt hơn. Họ không đề nghị thay đổi chính quyền, vì số lượng ghế dành cho các nghị viên ngoài đảng rất ít, mà chỉ đơn thuần muốn tham gia điều hành đất nước. Thế nhưng Đảng Cộng sản không phê duyệt cho bất kỳ người nào trong số này được vào danh sách ứng cử. Trong nhiều trường hợp, các cơ quan đảng hoặc chính quyền thực thi một chiến dịch đe dọa để ngăn cản sự thành công của các ứng cử viên này. Chúng tôi đề nghị ngài gặp gỡ một số ứng cử viên nói trên và phát biểu công khai về trường hợp của họ.         
Danh sách Tù nhân Chính trị Hiện tại của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
Danh sách dưới đây chỉ bao gồm những người đang thi hành bản án tù đã được tuyên, chưa tính số lượng đáng kể những người đang bị tạm giam chờ xét xử, hay những trường hợp bị giam, giữ, xét xử không được công luận biết đến.
  1. Nguyễn Đình Ngọc (a.k.a Nguyễn Ngọc Già), sinh năm 1966
  2. Ngô Thị Minh Ước, sinh năm 1959
  3. Nguyễn Thị Bé Hai, sinh năm 1958
  4. Nguyễn Thị  Trí, sinh năm 1958
  5. Nguyễn Hữu Vinh (a.k.a Ba Sàm), sinh năm 1956
  6. Nguyễn Thị Minh Thúy, sinh năm 1980
  7. Nguyễn Văn Thông, sinh năm 1965
  8. Đỗ Đình Dũ, sinh năm 1959
  9. Kpuih Khuông
  10. Rmah Khil
  11. Rmah Bloanh
  12. A Kuin (a.k.a Bă Chăn), sinh năm 1974
  13. Ngư (a.k.a Bă Săn), sinh năm 1972
  14. Bùi Thị Minh Hằng, sinh năm 1964
  15. Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1980
  16. Điểu B’ré (a.k.a Bạp Bum), sinh năm 1969
  17. Điểu By Ơ, sinh năm 1967
  18. Điểu Đong, sinh năm 1966
  19. Lý Văn Hầu
  20. Đinh Yum, sinh năm 1963
  21. Rơ Mah Plă (a.k.a Rmah Blă; a.k.a Ama Em), sinh năm 1968
  22. Siu Tinh (a.k.a Ama Khâm), sinh năm  1978
  23. Rưn
  24. Chi 
  25. Đinh Lý
  26. Đinh Ngo
  27. Thạch Thươl, sinh năm 1985
  28. Liêu Ny, sinh năm 1986
  29. Ngô Hào, sinh năm 1948
  30. A Tách (a.k.a Bă Hlôl), sinh năm 1959
  31. Rung, sinh năm 1979
  32. Jơnh (a.k.a Chình), sinh năm 1952
  33. A Hyum (a.k.a Bă Kôl), sinh năm 1940
  34. Byưk, sinh năm 1945
  35. Đinh Lứ, sinh năm 1976
  36. Đinh Hrôn, sinh năm 1981
  37. Đinh Nguyên Kha, sinh năm 1988
  38. Phan Văn Thu, sinh năm 1948
  39. Lê Duy Lộc, sinh năm 1956
  40. Vương Tấn Sơn, sinh năm 1953
  41. Đoàn Đình Nam, sinh năm 1951
  42. Nguyễn Kỳ Lạc, sinh năm 1951
  43. Tạ Khu, sinh năm 1947
  44. Từ Thiện Lương, sinh năm 1950
  45. Võ Ngọc Cư, sinh năm 1951
  46. Võ Thành Lê, sinh năm 1955
  47. Võ Tiết, sinh năm 1952
  48. Lê Phúc, sinh năm 1951
  49. Đoàn Văn Cư, sinh năm 1962
  50. Nguyễn Dinh, sinh năm 1968
  51. Phan Thanh Ý, sinh năm 1948
  52. Đỗ Thị Hồng, sinh năm 1957
  53. Trần Phi Dũng, sinh năm 1966
  54. Lê Đức Động, sinh năm 1983
  55. Lê Trọng Cư, sinh năm 1966
  56. Lương Nhật Quang, sinh năm 1987
  57. Nguyễn Thái Bình, sinh năm 1986
  58. Trần Quân, sinh năm 1984
  59. Phan Thanh Tường, sinh năm 1987
  60. Bùi Văn Trung, sinh năm 1964
  61. Hồ Đức Hòa, sinh năm 1974
  62. Đặng Xuân Diệu, sinh năm 1979
  63. Nguyễn Đặng Minh Mẫn, sinh năm 1985
  64. Tráng A Chớ, sinh năm 1985
  65. Trần Vũ Anh Bình, sinh năm 1974
  66. Nguyễn Kim Nhàn, sinh năm 1949
  67. Kpuil Mel
  68. Kpuil Lễ
  69. Phan Ngọc Tuấn, sinh năm 1959
  70. Nay Y Nga, sinh năm 1979
  71. Nguyễn Công Chính (a.k.a Nguyễn Thành Long), sinh năm 1969
  72. Siu Thái (a.k.a Ama Thương), sinh năm 1978
  73. Nguyễn Ngọc Cường, sinh năm 1956
  74. Phạm Thị Phượng, sinh năm 1945
  75. Trần Thị Thúy, sinh năm 1971
  76. Phạm Văn Thông, sinh năm 1962
  77. Siu Hlom, sinh năm 1967
  78. Siu Nheo, sinh năm 1955
  79. Siu Brơm, sinh năm 1967
  80. Rah Lan Mlih, sinh năm 1966
  81. Rơ Mah Pró, sinh năm 1964
  82. Rah Lan Blom, sinh năm 1976
  83. Kpă Sinh, sinh năm 1959
  84. Rơ Mah Klít, sinh năm 1946
  85. Phùng Lâm, sinh năm 1966
  86. Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, sinh năm 1981
  87. Đoàn Huy Chương, sinh năm 1985
  88. Trần Huỳnh Duy Thức, sinh năm 1966
  89. Rmah Hlach (a.k.a Ama Blut), sinh năm 1968
  90. Siu Kơch (a.k.a Ama Liên), sinh năm 1985
  91. Nhi (a.k.a Bă Tiêm), sinh năm 1958
  92. AmLinh (a.k.a Bả Blưng), sinh năm 1943
  93. Yưh (a.k.a Bă Nar), sinh năm 1962
  94. Siu Ben (a.k.a Ama Yôn)
  95. Rơ Lan Jú (a.k.a Ama Suit)
  96. Nơh, sinh năm 1959
  97. Rôh, sinh năm 1962
  98. Pinh, sinh năm 1967
  99. Rơ Mah Then, sinh năm 1985
  100. Siu Wiu
  101. Nguyễn Văn Lý, sinh năm 1946
  102. Brong, sinh năm 1964
  103. Y Kur BĐáp
  104. Y Jim Êban
Posted by adminbasam
Human Rights Watch
Ngày 25 tháng 4 năm 2016