Bao Thien (Danlambao)
- Sau khi lật ngửa lá bài “Việt Nam” trong thế cờ South China Sea (biển
Đông), Hoa Kỳ sẽ tiến hành kế hoạch gì tiếp theo? Hãy thử dự báo.
1. Mặt trận "chưa tiếng súng"
Lật ngửa lá bài Việt Nam (một lá bài then chốt) chính là trọng tâm trong
chính sách đối ngoại của Nhà Trắng dưới thời Barack Obama.
Nhiệm vụ và cả trách nhiệm của Obama đã hoàn thành một cách mỹ mãn.
Tiếp đến nhiệm kỳ của tổng thống mới dù Dân Chủ hay Cộng Hòa ngồi vào
Nhà Trắng thì tổng thể chính sách đối ngoại và nhất là quân sự của Hoa
Kỳ ở Châu Á Thái Bình Dương sẽ không có gì khác biệt trong toàn bộ kế
hoạch lớn cho 20-30 năm tới.
Với lá bài Việt Nam nước đi tiếp theo có thể dự đoán là Hà Nội và
Washington trong năm 2017 sẽ tiến tới hợp tác mạnh hơn về hải quân và
tất nhiên mục đích của cả hai phía không nằm ngoài “Cam Ranh”.
Cam Ranh sẽ bổ sung vào thế kẹp Đông (các căn cứ ở Subic, Philippines) –
Tây (Cam Ranh) mà Hải quân Hoa Kỳ đã và đang muốn bố trí. Vấn đề chỉ
còn là thời điểm thực hiện (chứ không còn là có hay không nữa).
Thế kẹp Đông-Tây này sẽ là đối trọng không hề nhỏ đối với các “căn cứ”
hải / không quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở Paracel
Islands (Hoàng Sa) và Spratly Islands (Trường Sa).
Vòng vây hải quân Hoa Kỳ ở bờ Tây Thái Bình Dương xem như hoàn tất từ
phía bắc (Hàn Quốc, Nhật Bản) xuống Đài Loan (thông qua các gói vũ khí
đã cung cấp) sang Philippines, chốt ở điểm nối cuối Singapore, và điểm
cuối quan trọng chính là Cam Ranh được dự báo sẽ hoàn tất sớm trong vòng
cung vây hãm này.
Với thế đang bị bủa vây Bắc Kinh cần phải đẩy nhanh kế hoạch cửa ngõ
sinh tử của họ ở South China Sea nên sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ áp
lực, hay răn đe nào. Kế hoạch quân sự hóa và kiểm soát vùng nhận diện
phòng không ở South China Sea sẽ được tiến hành sớm hơn.
Hoa Kỳ sẽ vì thế trực tiếp tham gia vào mặt trận ngoại giao và thực thi
nhiệm vụ sen đầm quốc tế thông qua việc tiếp tục duy trì và gia tăng các
đợt tuần dương, không thám trong khu vực South China Sea. Và đây là
điểm “đối đầu” yếu trước mưu đồ của Trung Quốc. Vì nó không có tác dụng
răn đe để cản bước Trung Quốc và với hiện trạng đã được thay đổi, các
căn cứ không / hải quân của Trung Quốc đã tồn tại mà không thể “dẹp bỏ”
được.
Để ngăn cản việc biến khu vực South China Sea thành căn cứ hải / không
quân của Bắc Kinh trong tình hình như nói trên thì các bên liên quan sẽ
cần làm gì? Không có nhiều chọn lựa kiểu đối đầu trực tiếp. Đối đầu hay
xung đột trực tiếp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở South China Sea (cho dù
Hoa Kỳ ở thế và lực trên Trung Quốc rất nhiều lần) là thất sách cho cả
hai nên họ sẽ né tránh.
Dự báo ngoài nước cờ “Cam Ranh” sẽ là cuộc chạy đua “quân sự hóa” khu
vực đang kiểm soát của các bên liên quan trực tiếp ở South China Sea.
Tức những quốc gia có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc ở South China
Sea sẽ được hổ trợ (ngầm hoặc công khai) từ Hoa Kỳ và các đồng minh để
mở rộng đảo, bãi đá ngầm như Việt Nam đã và đang triển khai ở ít nhất 7
đảo. Philippines, và cả Đài Loan, Malaysia sẽ tham gia vào cuộc đua “xây
đảo” này. Đó là lý do tại sao trong vài tuần qua truyền thông Hoa Kỳ và
quốc tế đã và đang đề cập đến các công trường xây dựng, mở rộng đảo của
Việt Nam ở Spratly Islands (Trường Sa) mặc dù việc này đã được diễn ra
song song với các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực này nhưng không
được đề cập nhiều.
Thời gian tới, có thể sẽ được thấy các sân bay hiện hữu ở South China
Sea sẽ được nâng cấp, sân bay mới sẽ được xây dựng, các đảo nhân tạo sẽ
được xuất hiện từ các bãi đá ngầm... với tốc độ nhanh và hiệu quả hơn
bởi các quốc gia trong khu vực tranh chấp này để tạo thế cân bằng ít
nhiều với sự kiểm soát Trung Quốc.
Hiện trạng đã bị thay đổi, tất cả sẽ cùng tham gia vào các bước đi để
bắt kịp với sự thay đổi đó. Đây là những dự báo có thể “đọc” được trong
các bước đi của các bên liên quan trực tiếp và gián tiếp tại điểm tranh
chấp – South China Sea.
2. Mặt trận ngoại giao
Trên mặt trận ngoại giao và luật quốc tế có thể thấy phán quyết của Tòa
án Trọng tài Quốc tế cho đơn kiện của Philippines sẽ bị Bắc Kinh bác bỏ
hoàn toàn. Bước tiếp theo có thể dự đoán rằng các bên có liên quan được
cho là có lợi ích ở khu vực này (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật) sẽ đưa “điểm
nóng South China Sea” ra Hội đồng Bảo an LHQ để thảo luận và tìm kiếm
cho được một nghị quyết.
Các tuyên bố của Hoa Kỳ, Anh Quốc với tư cách thành viên thường trực
đang cho thấy họ đã chuẩn bị bước đi này. Chưa thấy tuyên bố trực tiếp
để ủng hộ việc này từ Pháp nhưng có thể dự báo thông qua các tuyên bố
của EU về South China Sea để thấy khả năng ủng hộ của Pháp.
Nhật Bản với tư cách thành viên không thường trực cho nhiệm kỳ 2016-2017 cho thấy họ ủng hộ kế hoạch này.
Riêng hai quốc gia thành viên thường trực khác là Nga và Trung Quốc sẽ
phản đối và ra sức ngăn cản việc đưa vấn để này lên Hội đồng Bảo an.
Hãy chờ xem các diễn biến trên hai “mặt trận” sẽ được triển khai thế nào trong thời gian tới.