Luật Sư Lê Trọng Quát

Từ Những Bài Học Đắt Giá Của Lịch Sử Cận Đại Đến Những Triển Vọng Của Tương Lai

Tháng 8 năm 1945, đệ nhị Thế chiến hoàn toàn chấm dứt từ Âu sang Á. Cuộc chiến ác liệt kéo dài năm năm cùng với những hành động có tính cách diệt chủng đã để lại không kể xiết điêu tàn tang tóc. 
Nhiều đô thị và trung tâm chiến lược ở Đức, Nga Sô và Nhật Bản đã trở thành những bãi chiến trường đổ nát hay những cánh đồng ma quái với cả trăm ngàn người chết cùng lúc dưới bom nguyên tử hay những trận mưa bom.  Nhưng rồi hoà bình đã đến. Nhân loại vừa thoát khỏi một cơn ác mộng dài thở phào nhẹ nhỏm. Một bình minh rạng rỡ đang dâng lên chan hòa muôn ánh hào quang và hy vọng như bừng sống lại khắp nơi. Ngoại trừ một chổ: Việt Nam, nơi sự bất hạnh dồn tụ lại như bao nhiêu tảng mây đen cùng nhau kéo đến che phủ một góc trời. Một nước Việt Nam trước đấy gần như đứng ngoài cuộc chiến. Thật vậy, dù ác chiến diễn ra trên Thái Bính Dương giữa Mỹ, Nhật, Đông Dương vẫn tương đối được yên ổn với thỉnh thoảng vài vụ oanh tạc nhỏ của Không lực Hoa Kỳ vào các vị trì và đường giao thông bị nghi ngờ có quân đội Nhật qua lại.   Nay, giữa tháng tám 1945, Nhật Bản vừa đầu hàng, chiến tranh thế giới hoàn toàn chấm dứt thì Việt Nam lại lên cơn sốt dữ dội.. Toàn thân rung động vì chưa hồi phục được sau một nạn đói, chết hơn cả triệu người ở Miền Bắc của đất nước. Một cơn sốt chính trị chưa từng xảy ra vì cho đến bấy giờ dân Việt chưa có lúc nào được quyết định số phận của mình trong suốt tám mươi năm dưới sự đô hộ của Pháp.  Tháng tám 1945, cuộc nội chiến Việt Nam bắt đầu. Cuộc nội chiến giữa hai phe quốc cọng với cả khối Công sản quốc tế lần lượt đứng sau lưng cộng sản Việt Nam như một hậu cứ vũng chắc và bền bỉ trong lúc vài nước Tây phương đứng đầu là Hoa Kỳ hổ trợ phe quốc gia chiến đấu để bảo vệ tự do cho dân tộc Việt Nam chống lại sự bành trướng của Đế quốc đỏ bằng bạo lực của một cuộc xâm lăng công khai và trực diện.  Ba mươi năm sau, đúng ngày 30 tháng tư 1975, cuộc nội chiến chấm dứt trên bình diện quân sự. Cộng sản hoàn tất cuộc xâm lăng Miền Nam, thực hiện mục tiêu bá chủ nước Việt Nam, khống chế cả bán đảo Đông Dương.    Cũng đúng ba mươi năm sau ngày thôn tính Miền Nam, cộng sản Việt Nam «trân quý» hơn bao giờ cả những người Việt quốc gia ở hải ngọai, những «khúc ruột ở xa ngàn dặm» đã đổ tiền về để cứu giúp đồng bào và quê hương nghèo khổ, có lúc gần suy sụp dưới sự thống trị của họ.  Những Việt kiều ở nước ngoài mà những năm trước đây họ còn xem như thù địch và gán cho đủ mọi danh từ xấu xa nhất trong kho tàng văn chương tuyệt vời của họ.
Ba mươi năm nội chiến quốc cọng được tiếp tục bởi ba mươi năm của một cuộc đổi đời và cuộc «đại chiến thắng mùa Xuân 1975» đã thành công lớn lao trong sự nghiệp. đào được một cái hố sâu thăm thẳm để chôn vùi tương lai của cả dân tộc.  Không thể nào làm khác hơn, năm 1986, cộng sản buộc lòng «đổi mớỉ » để mong thoát cảnh khốn cùng vô phương cứu chủa ngọai trừ một phương độc nhất là chối bỏ chủ nghĩa của họ, một chủ nghĩa mà họ đã thờ phụng và không ngần ngại hy sinh xương máu của đồng bào để phục vụ cho đến khi mộng vỡ tan tành. Phương độc nhất ấy là chạy theo kẻ cựu thù đế quốc tư bản, áp dụng chính sách kinh tế thị trường của chúng nó và van xin đủ mọi thứ, khắp mọi nơi.  Không theo không được vì đây là sinh lộ cuối cùng sau khi con đường cách mạng, bạo lực và chiến tranh kéo dài ba mươi năm mà đảng Cộng sản Việt Nam vạch ra đã rõ ràng là một tử lộ cho toàn dân Việt.  Đây là bài học lớn nhất, đắt giá nhất, dành cho người cộng sản Việt Nam bên cạnh những bài học khác mà những người quốc gia chúng ta cần suy nghiệm, và sau cùng, những bài học mà Hoa Kỳ cũng như giới trí thức và ngụy trí thức tả khuynh Tây phương nên thành khẩn và khiêm cung học hỏi để cho lịch sử đừng tái diễn, tránh được phần nào khổ đau cho nhân loại.
I. NHỮNG BÀI HỌC CỦA LỊCH SỬ CẬN ĐẠI THEO THỨ TỰ THỜI GIAN CỦA CÁC BIẾN CỐ TỪ 1945
A- Giai Đoạn 1945 – 1954: Từ Độc Lập Đầu Tiên Đến Chia Đôi Đất Nước
Những Nét Chính Của Tình Hình :

1- Các Biến Cố Từ gần 9 giờ tối mồng 9 tháng 3, 1945, trên toàn cõi Đông Dương, quân đội Nhật (còn gọi là quân đội Thiên Hoàng) bất ngờ tấn công cùng lúc các cơ quan đầu não của chính quyền Pháp, các cơ sở quân sự, và cuộc kháng cự của quân Pháp không kéo dài quá một ngày ngọai trừ vài cánh quân thoát được sang Trung Hoa. Ngày 10 tháng 3, đại diện Nhật Hoàng, Đặc sứ Yokohama đến loan báo cho Vua Bảo Đại quyết định của Nhật trao hoàn độc lập cho Việt Nam, tạm thời giới hạn ở Bắc và Trung Kỳ, riêng Nam Kỳ thì Nhật tạm thời kiểm soát cho đến khi hết chiến tranh. Ngày 12 tháng 3, Vua Bảo Đại trao cho đặc sứ Nhật bản tuyên cáo độc lập của nước Việt Nam.    Nhà Vua nhờ nhà chức trách Nhật tìm ông Ngô Đình Diệm để mời lập chính phủ nhưng sau ba tuần lễ, đặc sứ Nhật cho biết không tìm được. Thực ra, Nhật không muốn ông Diệm làm Thủ tướng vì biết chắc ông Diệm không phải là người dễ nhượng bộ, dễ thỏa hiệp, có thể gây trỏ ngại cho họ sau này. Ngày 17 tháng 4, ông Trần Trọng Kim , thanh tra tiểu học, lập chính phủ. Ông Kim bị Pháp dọa bắt nên được Nhật đưa sang Singapour tạm trú, nay được Nhật mang về giới thiệu với  Vua Bảo Đại. Đây là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, qui tụ nhiều nhân vật trí thức khoa bảng như luật sư Trần văn Chương, Bộ trưởng Ngoại giao, luật sư Vũ văn Hiền, Bộ trưởng Tài chánh, luật sư Trịnh đình Thảo, Bộ trưởng Tư pháp, bác sĩ Hồ Tá Khanh, Bộ trưởng Kinh tế, Thạc sĩ Hoàng xuân Hãn, Bộ trưởng Giáo dục, luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Thanh niên, bác sĩ Vũ Ngọc Anh, Bộ trưởng Y tế và Cứu tế Xã hội, Kỹ sư Lưu văn Lang, Bộ trưởng Công chánh, Giao thông, y sĩ Trần đình Nam, Bộ trưởng Nội vụ, y sĩ Nguyễn hũu Thí, Bộ trưởng Tiếp tế.  Ngày 16 tháng 8, đặc sứ Nhật đến loan báo cho Vua Bảo Đại hay Nhật Hoàng vừa ra lệnh ngưng chiến và giao hoàn Nam Kỳ lại cho Nhà Vua.  Ngày hôm sau, nhà ái quốc Nguyễn văn Sâm được Nhà Vua  bổ nhiệm làm Khâm sai Nam Kỳ nhưng trên đường về Nam nhậm chức, ông đã bị cộng sản sát hại.   Ngày 18, Thủ tướng Trần Trọng Kim kêu gọi các đoàn thể chính trị « đoàn kết trong tinh thần thống nhất đoàn kết quốc gia…» trong lúc Nhà Vua gửi điện văn cho các lãnh tụ các nước Đồng Minh Hoa Kỳ, Anh quốc, Pháp và Trung Hoa Dân quốc xin công nhận nước Việt Nam độc lập. Bức điện văn không được hồi âm, có lẽ vì Vua Bảo Đại và chính phủ bị Đồng Minh xem là đã hợp tác với địch (Nhật Bản).  Trong suốt mấy tuần lể quyết định này, giữa lúc cộng sản dưới bảng hiệu Việt Minh họat động ráo riết, đặc biệt ở Hà Nội, chính phủ không đưa ra một biện pháp nào cụ thể để trấn an dư luận đang hoang mang tột độ, cũng không tác động tinh thần công chức và các lực lượng quân sự và cảnh sát dưới quyền, dù không hùng hậu nhưng vẫn thừa sức đối phó với tình thế, chưa kể quân đội Nhật được lệnh của Đồng Minh duy trì an ninh trật tự sẵn sàng hợp tác với chính phủ.  Không có được một mạng lưới tình báo, không hay biết gì cả về những họat động của Việt Minh, Nhà Vua và chính phủ mất tinh thần một cách dễ dàng trước những tin đồn đại do Việt Minh tung ra, qua những cán bộ « võ trang tuyên truyền », võ trang thô sơ với một ít súng lục, nhiều cái rỉ rét, thỉnh thỏang bị kẹt đan không xử dụng được. Không kiểm soát được, chính phủ « thả nổỉ »  tình hình, đất nước như một cánh đồng vô chủ mênh mông!  Theo lời của chính cựu Hoàng Bảo Đại kể lại một cách thành thật, thỉnh thoảng rất thật thà, trong cuốn hồi ký của ông, Con Rồng An Nam (Le Dragon d’Annam) xuất bản năm 1979 tại Pháp, ngày 23 tháng 8 (1945), chính phủ biến đâu mất, để Hoàng Đế một mình trong hoàng cung với vài người cộng sự thân tín và một toán lính giữ cổng ra vào. Ngày hôm trước, viên đại tá chỉ huy quân trấn Nhật ở Huế đến báo cho Nhà Vua là y được lệnh của bộ tư lệnh Đồng Minh bảo vệ hoàng cung và « những người ở bên trong » và y đã ban hành những biện pháp an ninh, đặt các rào cản ở cuối cầu trường Tiền (chận một lối đi chính vào cửa Thượng Tứ và Thành Nội, bên trong là hoàng cung). Nhà Vua từ chối sự bảo vệ, yêu cầu tháo gỡ các rào cản và cho mở cửa ra vào Đại Nội như thường ngày, viện cớ không để cho quân đội ngoại quốc can thiệp và để tránh đổ máu của dân. Tối hôm trước, chủ sự Bưu điện Huế đến trình Nhà Vua một bức điện tín từ Hà nội gửi vào, thỉnh cầu ông vui lòng làm một cử chỉ lịch sử bằng cách trao quyền lại cho «nhân dân» nghĩa là cho người gửi điện tín ký tên một cách vô danh «Ủy ban những người yêu nước đại diện tất cả các đảng phái và tầng lớp nhân dân».  Nhà Vua cho hoàng thân Vĩnh Cẩn và ông Phạm khắc Hoè đi săn tin trong thành phố, nhưng không thu lượm được tin tức nào chính xác và không biết ủy ban, tác giả của bức điện tín ở đâu ra và gồm những ai. Bơ vơ trong hoàng cung vắng lặng, Nhà Vua kể tiếp, «không biết làm gì hơn, đã vậy, tôi gửi một điệp văn trong khoảng trống như vứt một cái chai xuống biển… Tôi gởi cho Ủy ban những người yêu nước ở Hà Nội lời phúc đáp của tôi, sẵn sàng lùi bước, sẵn  sàng hy sinh tất cả để thực hiện sự đoàn kết và yêu cầu các vị lãnh đạo Ủy ban đến Huế càng sớm càng tốt cho việc chuyển giao quyền hành».  Cái chai của Hoàng Đế vứt xuống biển đã được vớt lên lẹ làng và chiều ngày 25 tháng 8, hai đại diện của Việt Minh, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận đã có mặt ở hoàng cung.  Khoảng vài nghìn người, hầu hết là công chức và học sinh, được triệu tập khẩn cấp đến chứng kiến buổi lê thoái vị và trao quyền của Nhà Vua.  Mới mười lăm tuổi, còn là học sinh trung học, gia đình tôi ở trong Thành Nội cách hoàng cung chỉ một trăm mét trên đường Bộ Học, sau này đổi thành Hàn Thuyên, nên tôi sớm có mặt trong đám đông tập họp trên sân cỏ rộng giữa kỳ đài đồ sộ với lá quốc kỳ treo cao lồng lộng trong gió, và cửa Ngọ Môn, cổng chính của hoàng cung, trên đó, chiều nay, một biến cố lịch sử đang xẩy ra, mở màn cho tấn thảm kịch trường thiên của dân tộc. Chít khăn vàng và bận áo vàng, Hoàng Đế Bảo Đại chính thức thoái vị trao quốc ấn tượng trưng quyền hành cho Trần huy Liệu và được Liệu mời ra Hà Nội làm Cố Vấn cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà chính thức ra đời một tuần lể sau, tức ngày 2 tháng 9, 1945.  Thật vậy, tấn trường thiên thảm kịch của dân tộc bắt đầu tại  cố đô Huế.  Hai mặt đông và nam của hoàng cung, hoa phượng vỹ thơ mộng của tuổi học trò nở đầy giữu mùa hè xứ Huế, thơ mộng dịu dàng với mái tóc thề của những đàng nữ sinh nón trắng che mặt thẹn thùng như những đàng bướm trắng tung bay mổi chiều tan học.  Màu đỏ thắm của hoa phượng vỹ đã phải nhường chổ cho màu đỏ máu hận thù của những lá cờ đỏ  sao vàng xuất hiện ở Huế, từ nay mang trổ lại tên Thuận Hóa, cái tên mà Nhà Nguyễn đã đặt cho thành phố này từ mấy thế kỷ và nay như một sự rểu cợt hay thiếu hiểu biết, cộng sản Việt Minh lại mang ra xử dụng khi Nhà Nguyễn vừa tự chấm dứt với sự thoái vị của Nhà Vua cuối cùng, Bảo Đại.  Tháng 9, 1945, quân Pháp trổ lại Việt Nam ngay tại Sài Gòn.  Chiến cuộc khởi sự. Dù nước Pháp đã công bố một chính sách mới thay thế qui chế thuộc địa (statut de colonie)ở Nam Kỳ và qui chế bảo hộ (statut de protectorat) ở Bắc và Trung Kỳ bằng một qui chế tương đối tiến bộ hơn dành quyền tự trị nội bộ (autonomie interne) – không được trọn vẹn- cho các quốc gia Việt, Căm-bốt và Lào, chính sách mới này vẫn còn lạc hậu trong tình huống mới ở Việt Nam mà chính phủ và hầu hết các giới chính trị Pháp ở thủ đô Paris kể cả phe tả không thẩm định đúng mức được.  Từ ngày 9 tháng 3, 1945 khi chính quyền Pháp bị quân Nhật lật đổ, không những uy quyền mà uy tín của nước Pháp cũng tiêu tan luôn. Dân chúng Việt Nam, muôn người như một, trong đầu hôm sớm mai, và nhất là sau khi Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh , trao trả độc lập và chủ quyền hoàn toàn cho Hoàng Đế và chính phủ Việt Nam như đã kể trước, dân chúng từ Bắc đến Nam đều say sưa với niềm hãnh diện của đất nước mình, của tổ quốc mình từ nay không bị một ngoại bang nào lấn ép và khinh rẽ nữa, một tổ quốc, một quốc gia độc lập,tự chủ.  Sự kiện quân đoàn viễn chinh Pháp trổ lại Việt Nam được xem như một mưu toan tái lập nền đô hộ củ.  Toàn dân, không còn phân biệt xu hướng chính trị, nhất loạt đứng lên đoàn kết chống xâm lăng. Vừa thành lập xong chính phủ được đúng ba tuần lể, Việt Minh cộng sản đã hưởng được ngay cái khí thế chưa bao giờ có của mọi tầng lớp dân chúng quyết tâm đánh đuổi quân thù.  Không ai còn để ý đến những chuyện khác nữa.  Cuộc kháng chiến chống Pháp thực dân khởi sự từ Nam Bộ (danh xưng mới thay thế cho Nam Kỳ dưới chế độ mới) khi quân đội Pháp phối hợp với quân đội Anh -đến giải giới quân Nhật ở vùng Nam Đông Dương- bất thần xâm nhập các công sở của Ủy Ban Hành chánh Nam Bộ vào tối 22 rạng ngày 23 tháng 9, 1945. Phản ứng của phía Việt Nam hai ngày sau châm ngòi cho một cuộc chiến không tránh được giữa Pháp và Việt Nam.  Đến tối 19 tháng 12 năm sau, chiến tranh lan rộng trên toàn quốc.  Chính phủ Hồ Chí Minh rút vào rừng tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến đấu. Trước đấy, ông Hồ đã ký Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3, 1946 cho phép quân đội Pháp đóng quân trên nhiều địa điểm ở Miền Bắc, đổi lại Pháp công nhận Việt Nam là một nước tự do, một thành viên của Liên bang Đông Dương (Fédération Indochinoise) và của Khối Liên Hiệp Pháp (Union Française).  Thế nhưng lịch sử của cuộc chiến tranh đầu tiên ở Việt Nam, thường được gọi là Chiến tranh Đông Dương (1945-1954) không đơn giản như nhiều người nhận thấy. Tôi đã ghi chú từ đầu cuộc chiến tranh  ba – mươi năm (1945-1975) là một cuộc nội chiến giữ hai phe quốc cọng.Một cuộc nội chiến giữa những người Việt theo chủ nghĩa cộng sản muốn nhuộm đỏ đất nước Việt Nam từ khi đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập năm 1930, và những người Việt quốc gia không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản, quyết tâm tranh đấu bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Sự tham dự của ngoại bang,Pháp,Mỹ,Tàu,Nga v.v.không làm mt tính cht ni chiến này mà ch mang thêm, vi s h tr ca ngoi bang dành cho mi phe dài dài theo cuc chiến, mt tính cht chiến lược quc tế, tóm gn: cng sn mun bành trướng Đế quc Đỏ xuống miền Đông Nam Á Châu với tên lính tiền phong cộng sản Việt Nam và ngược lại, Thế giới Tự do đứng đầu là Hoa Kỳ muốn ngăn chận làn sóng đỏ ở biên thùy Việt-Hoa sau khi Mao Trạch Đông đã chiếm lĩnh Trung quốc cuối năm 1949.  Riêng đối với Pháp, cần phải phân tách cuộc tham chiến ở Việt Nam ra hai  giai đoạn. Giai đoạn một , từ lúc trở lại Đông Dương tháng 9, 1945 cho đến giữa năm 1947 họ mong muốn bằng sức mạnh hơn là thuyết phục lôi cuốn Việt Nam vào Liên Bang Đông Dương như một nước tự trị và giai đoạn hai từ 1948 trở đi, càng ngày càng lún sâu vào cuộc chiến  họ chỉ còn  mong Việt Nam ở lại trong Khối Liên Hiệp Pháp với tư cách một quốc gia liên kết (Etat associé) độc lập, tự do, một công thức tương tự với «Khối thịnh vượng chung» (Commonwealth) qui tụ trên nguyên tắc tự nguyện Anh quốc và những thuộc địa cũ của Đế quốc Anh ngày trước nay đã được trao trả độc lập mà không phải trải qua một cuộc chiến tranh nào cả. Đây là một điểm hết sức quan trọng cần nhấn mạnh trong lịch sử cận đại của thế giới : sau khi Thế chiến thứ hai chấm dứt, hầu hết các nước bị trị của các đế quốc Tây  phương đều được lần lượt trao trả độc lập mà không phải phí phạm xương máu, ở Á Châu như Hàn quốc, Nam Dưong, Phi-luật-Tân, Mã Lai, Tân-gia-Ba, Ấn Độ, ở Trung Cận Đông, lần lượt đến các nước Phi Châu ngoại trừ Algérie với những ly do riêng của trường hợp này, nơi mà nhiều thế hệ người Pháp đã định cư, lập nghiệp và từ hơn cả thế kỷ Pháp đã  xem như một lãnh thổ, một tỉnh của họ!   Đối với Việt Nam, nền độc lập đã được trao trả dù chưa toàn vẹn ngay trước cả khi chiến tranh chấm dứt và giữa tháng 8, 1945 vừa đầu hàng Đồng Minh hôm trước, hôm sau Nhật Bản giao trả nốt Nam Kỳ cho Vua và chính phủ Việt Nam như đã trình bày.  Cái gọi là «cách mạng mùa thu 1945» của Cộng sản Việt Nam dưới bảng hiệu Việt Minh chỉ là một vụ đảo chính chính trị dành lấy chính quyền từ một nhà Vua và một chính phủ khiếp nhược  Cuộc chiến tranh kế tiếp hoàn toàn không phải là một cuộc chiến tranh dành độc lập vì, như đã trình bày, Việt Nam đã được độc lập rồi và khi quân Pháp trở lại Đông Dương, nếu Vua Bảo Đại và chính phủ của Nhà Vua còn tồn tại, thì chắc chắn sẽ có những cuộc thương nghị rất khó khăn với Pháp nhưng chung cuộc, Việt Nam vẫn duy trì nền độc lập và rất co thể gia nhập Khối Liên Hiệp Pháp lúc bấy giờ.Tiến trìng giải thể các đế quốc Tây phương đã được các nước Đồng Minh chấp nhận trước khi thế chiến chấm dứt và nước đồng minh quan trọng nhất là Hoa Kỳ, đang còn dưới quyền lãnh đạo của Tổng Thống Roosevelt, rất cương quyết trong dự định này, nhất là đối với Đông Dương mà Roosevelt quan tâm đặc biệt và nhiều lúc còn nặng lời nhắc nhỡ nước Pháp. Đây là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn của thái độ của nước Pháp, đồng minh nhưng không thân thiện với Hoa Kỳ.  Nhưng từ năm 1950, trước làn sóng đỏ đã tràn đến biên giới Việt-Hoa,cuộc chiến hoàn toàn thay đổi tính chất và Hoa Kỳ san sẻ gánh nặng bằng quân cụ, vũ khí đủ loại và tài chánh cho chính phủ Pháp để tăng cường lực lượng chiến đấu chống cộng sản ở Đông Dương trước một kẻ địch bổng nhiên mạnh hẳn lên do sự hổ trợ không giới hạn của Mao trâch Đông. Trung Cọng trở thành một hậu cứ vĩ đại cho Việt Minh. Chiến tranh du kích đã trở thành thứ yếu. Được huấn luyện, trang bị và tiếp liệu đầy đủ, lực lượng quân sự của Việt Minh đã bước vào giai đoạn trận địa chiến đến cấp trung đoàn,tiến lần đến đại đoàn, sư đoàn.  Về phía quốc gia, các lực lượng quân sự cũng được tổ chức qui mô. Quân đội quốc gia Việt Nam được thành lập lanh chóng và chiến đấu bên cạnh quân đội Liên Hiệp Pháp ở nhiều mặt trận, đồng thời đảm nhận phần lớn nhiệm vụ bảo vệ diện địa.  Cuộc chiến chấm dứt với hiệp định Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954 phân chia tạm thời  Việt Nam thành hai miền  Bắc Nam như chúng ta đã biết với sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Cộng sản đã chiếm được một nửa đất nước. Dù được tự do lựa chọn, không một thường dân nào ở miền Nam ra miền Bắc trong lúc một triệu đồng bào từ Bắc di cư vào Nam để được sống dưới chế độ tự do, một cuộc di cư lớn lao thực hiện trong vòng mười tháng như chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam.  Bức màn sắt đã hạ xuống trên miền Băc thân yêu của tổ quốc.
 Những Bài Học:    
Từ một giai đoạn đầy biến động đưa đến cảnh phân chia đất nước như vừa trải qua, chúng ta có thể rúr ra nhiều bài học vô cùng quan trọng và hửu ích, theo thứ tự thời gian của các biến cố.  
Vua Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim(tháng 3-tháng 8,1945):   Làm chính trị,đặc biệt trong cương vị lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo chính phủ,là phải giữ vững lòng can đảm, không lùi bước trước hiểm nguy, không để mất tinh thần trước đe dọa.    Lãnh đạo là tiên liệu những biến chuyển có thể xảy ra để ngăn ngừa trước, để chuẩn bị đối phó, làm chủ động tình thế và nắm lấy thời cơ. Khi có chính quyền trong tay, phải liên tục hữu hiệu hóa guồng máy Nhà nước cũng như quân lực, không ngừng cải tiến, không ngừng sửa sai..    Căn bản trí thức là một cái vốn quý nhưng tư tưởng, kiến thức phải đi đôi với hành động có kế hoạch  cụ thể nếu không thì e sẽ rơi vào tình trạng của những hủ nho của một thời xưa.  Nếu Vua Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim hành sử như vậy, Việt Minh không thể dành được chính quyền và lịch sử cận đại đã có thể theo một chiều hướng khác.
Các Đảng Phái Quốc Gia: Đã hoạt động từ nhiều năm trước, đáng lẽ các chính đảng quốc gia phải ra tay hành động, liên kết với chính phủ để giữ vững chính quyền, hướng dẫn quần chúng đang hăng say độc lập tự do, ủng hộ chính quyền tại vị. Dù chính phủ có yếu đi nữa – điều khá rõ rệt – các chính đảng phải thúc đẫy chính phủ, dùng mọi áp lực để trấn tỉnh chính phủ và Nhà Vua và cùng nhau làm việc. Chúng ta cũng  không quên rằng Viêt Nam Quốc Dân Đảng rất thân gần như đồng chí với Quốc Dân Đảng Trung Hoa đang lãnh đạo và quân đội Trung Hoa của Thống Chế Tưởng Giới Thạch đã được Đồng Minh giao phó trách nhiệm giải giới quân đội Nhật ở Miền Bắc. Một thế lực không thể lớn hơn lúc bấy giờ cũng như trong suốt thời gian quân đội Trung Hoa đóng ở ngay thủ đô Hà Nội. Đảng Đại Việt cũng có tổ chức và hoạt động ở Miền Bắc trong đầu thập niên bốn-mươi. Có lẽ những vấn đề nội bộ của mổi đảng, hợp tác giữa hai đảng, cộng tác với Vua Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim, không được giải quyết lanh chóng kịp thời chăng trong lúc tình  thế biến chuyển  rất lanh như đã trình bày. Một hành dộng đoàn kết nhất trí giữa những nhà lãnh tụ quốc gia đã không xảy ra trong giờ phút quyết định của lịch sử khiến cho cộng sản thành công dễ dàng, dễ dàng quá hơn họ đã dự liệu.    Đây là một bài học lớn cho tất cả chúng ta và đặc biệt cho những người trong chúng ta đang tự gánh giờ đây môt trách nhiệm trước quốc dân.
Cộng sản Việt Nam: Thành công tranh đoạt được chính quyền tháng 8 năm 1945, Cộng sản Việt Nam bắt đầu dẫn dắt dân tộc vào một cuộc phiêu lưu gần  mười năm, hy sinh hàng trăm ngàn sinh linh, tàn phá hơn một nửa đất nước cho đến ngày xứ sở bị chia đôi thành hai miền Nam Bắc tháng 7 năm 1954.    Sự tôn thờ mù quáng và áp đặt một chủ nghĩa ngoại lai trên một dân tộc là một điều cần phải tránh vì trước hết, hành động ngang ngược này loại bỏ quyền tự do tư duy và lựa chọn của mổi người dân trong nước. Sự áp đặt chủ nghĩa hay chủ thuyết đã chứng tỏ hậu quả khốc hại của nó với chủ nghĩa quốc-xã của Hitler và chủ nghĩa cộng sản hay xã hội chủ nghĩa dưới thời Lénine và Staline rồi đến các lãnh tụ kế tiếp ở điện Cẩm-linh cho đến khi Gorbatchev lên cầm quyền. Những nước văn minh tiền tiến trong thế giới không làm như vậy mà chỉ đặt định rõ ràng những mục tiêu không thay đổi và có lợi cho tất cả mọi người dân trong nước bất luận thuộc khuynh hướng nào : tự do, dân chủ, công bằng xã hội và phúc lợi của toàn dân. Dân quyền và nhân quyền được cụ thể hóa trong các mục tiêu này.   Đế quốc Nga Sô, các nước cộng sản ở Đông Âu và Á Phi ngoại trừ Cuba, Bắc Hàn, Trung Cọng, Việt Nam và Lào đã sụp đổ lanh chóng vì áp dụng một chủ nghĩa sai lầm không phù hợp với nhân tính và đi  ngược lại với sự tiến hóa tất yếu của nhân loại.    Đây là một bài học lớn cho đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi chắc họ đã hiểu nhưng vì quyền lợi riêng tư của những người lãnh đạo,họ không muốn xét lại toàn bộ chế độ. Sự chần chừ và chậm trể của họ càng làm cho dân uất hận thêm và nguy hiểm cho chính họ khi dân chúng nhất tề theo nhau đứng lên thực hiện lấy sự thay đổi chế độ.    Thắng một thời, sai một đời, mang tội muôn đời, những người cầm đầu Cộng đảng Việt Nam cần suy ngẩm đến diễn tiến này của lịch sử.

B- Giai Đoạn 1954-1975 : Từ Di Cư Đến Di Tản
Những Nét Chính Của Tình Hình :  
Trở về Hà Nội chưa được bao lâu Cộng sản đã chuẩn bị phát động vụ đấu tố «địa chủ,cường hào, ác bá » trên Miền Bắc vừa tiếp thu. Số nạn nhân không thể kiểm kê được rõ nhưng phải kể đến cả trăm ngàn người, một tội ác chống nhân loại đứng hàng đầu.  Áp dụng đúng lời dạy của Mao Trạch Đông, mà cuộc đấu tố trên lục địa đã giết hại hàng chục triệu người.  Dân chúng ở hai tỉnh Hà Tỉnh, Nghệ An, quê quán của ông Hồ Chí Minh, vốn là lò lửa cách mạng vô sản, đã từng lập sô-viết Nghệ Tỉnh trong các cuộc nổi dậy từ tháng 5, 1930 đến tháng tư 1931, dân Nghệ Tỉnh ấy nổi dậy một lần nữa nhưng lần này, để chống đối dữ dội đến độ cả một sư đoàn quân đội nhân dân phải được phái đến dẹp loạn !    Nhưng rồi đồng bào Miền Bắc cũng không được ở yên trong cảnh khốn cùng.  Cuộc xâm lăng Miền Nam được khởi sự chuẩn bị.  Gọng kềm của chế độ xiết chặc hơn nữa.  Đã không bao giờ được ăn no, dân chúng từ đây còn phải thắt lưng buộc bụng, Cuộc chiến xâm lăng kéo dài mười lăm năm đã gây nhiều tổn phí không kể xiết về nhân mạng cũng như đã làm tiêu tan không kể hết được tài sản của dân và của nước. Hàng triệu người đã nằm xuống vì bom đạn, gươm đao, kẻ sinh Bắc tử Nam vùi thân trong rừng thẳm, ngưởi hy sinh chiến đấu  chống xâm lăng bảo vệ Miền Nam tự do, dân chủ.  Tại Miền Bắc, dân phải răm rắp tuân lệnh Đảng và nhà Nước, và không có một biến động nào đáng kể, ngay cả cái chết của ông Hồ chí Minh đầu tháng chín 1969 cũng không gây nên xáo trộn đáng kể trong hàng ngủ lãnh đạo.  Ngược lại, từ khi đất nước bị phân chia năm 1954, Miền Nam phải trải qua nhiều biến động nội bộ nghiêm trọng, có lúc gần tan rã, trở thành một con mồi dể dàng cho cộng sản xâm lược.  Hoa Kỳ phải đổ quân vào để cứu vãn tình hình như chúng ta đã biết.  Biến động đáng kể đầu tiên là mưu toan phản loạn của tướng Nguyễn văn Hinh, Tổng tham mưu trưởng quân đội  quốc gia muốn lật đổ Thủ Tướng Ngô Đình Diệm , hai tháng sau khi ông Diệm  về nước lập chính phủ do sắc lệnh của Quốc Trưởng Bảo Đại bổ nhiệm ông làm Thủ Tướng với toàn quyền chính trị, hành chính và quân sự. Dân Tây, vợ Đầm, sĩ quan của quân đội Pháp « biệt phái » qua chỉ huy quân đội quốc gia từ khi mới thành lập, ông Hinh không chịu khép mình trong kỷ luật quân đội và kỷ luật quốc gia để phải làm việc dưới quyền của một ông Thủ Tướng không kiêng nể ông như các Thủ Tướng khác trước đấy, chưa kể ông Diệm vẫn luôn luôn ra mặt chống Tây thực dân từ khi ông Diệm còn làm Thượng Thư trong triều đình Huế thời Pháp thuộc. Thất bại, tướng Hinh được Quốc Trưởng Bảo Đại gọi sang Pháp và ở luôn tại Pháp sau một mưu toan trở về dấy loạn lần thứ  hai nhưng thất bại ngay ở biên giới.  Biến cố thứ hai cũng lại là một mưu toan lật đổ ông Diệm nhưng lần này ông đã là Tổng Thống nền đệ nhất Cộng Hòa.  Cuộc đảo chính hụt này, ngày 11 tháng 11, 1960, lại đưa một số sĩ quan đi tù hay đi ngoại quốc cùng với vài chính trị gia dính líu đến nội vu.  Nhưng tục ngữ Pháp có câu  «có hai thì phải có ba »  (jamais deux sans trois) nên lần này, cuộc đảo chính thành công với sự nhúng tay của chính phủ Mỹ thời Tổng Thống Kennedy và với sự thực hiện của một số tay sai người Việt.  Ngày 2 tháng 11, 1963, Tổng Thống Diệm cùng bào đệ, ông Ngô Đình Nhu, Cố Vấn chính trị, bị hạ sát.  Hai tuần sau, tại thành phố Dallas, Hoa Kỳ,Tổng Thống Kennedy bị ám sát.  Giai đoạn Ngô Đình Diệm chấm dứt.  Miền Nam suýt rơi vào vực thẳm.  Việt Cọng nổi lên dánh phá nhiều nơi.  Hệ thống ấp chiến lược bị phá bỏ bởi chính quyền mới của Hội Đồng quân nhân cách mạng.Nhiều sĩ quan và công chức chống cọng tích cực dưới chính quyền cũ bị bắt bớ giam cầm.  Nhiều cán bộ cộng sản quan trọng đang bị giam giữ được thả ra vô điều kiện một cách mờ ám.  Nhiều vụ tống tiền và chiếm đoạt tài sản xảy ra ở nhiều nơi mà nạn nhân bị chụp mủ «làm kinh tài cho gia đình họ Ngô».  Trước tình trạng suy đồi lanh chóng của Miền Nam và một số tin tức về sự móc nối của vài tướng lãnh trong HĐQNCM với một tổ chức hoạt động cho  lá bài trung lập, cũng đại sú Lodge bật đèn xanh cho một nhóm quân nhân khác làm một cuộc đảo chính lật đổ nhóm quân nhân «cách mạng 1 tháng 11 » trước.  Cuộc đảo chính chớp nhoáng này được thực hiện trong vòng hai tiếng đồng hồ vào sáng ngày 30 tháng 1, 1964, vỏn vẹn ba tháng sau vụ binh biến lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa. Ba năm tiếp theo, Miền Nam sống trong một tình trạng gần như hổn loạn Trong lúc các chiến sĩ quốc gia đổ máu hy sinh trên các chiến trường lan rộng khắp nơi  thì tại thủ đô Sài gòn, một nhóm tướng tá tranh dành miếng đỉnh chung, hết đảo chính đến chỉnh lý, biểu dương lực lượng, thanh toán nhau, bắt bớ nhau, phong chức cho nhau, chia chác quyền lợi và quyền hành với nhau trên cái thân thể càng ngày càng suy nhược héo mòn của đất nước đang bốn bề thọ địch. Vì vậy mà Hoa Kỳ phải mang gấp quân sang để cứu vãn tình thế. Từ khoảng mười ngàn với tư cách cố vấn dưới thời Tổng Thống Diệm, quân số Mỹ càng ngày càng tăng cho đến hơn nửa triệu quân vứa tác chiến,vừa cố vấn, vừa tiếp liệu. Số thương vong tổng cọng gần sáu mươi ngàn người.  Chính nghĩa của cuộc chiến đấu của quân dân Miền Nam càng dễ bị hiểu lầm và xuyên tạc.  Phong trào phản chiến càng phát triển mạnh đặc biệt ở Hoa Kỳ khiến cho chính phủ và quốc hội phải nhượng bộ trước áp lực của phong trào.  Cuối cùng, với chính sách đánh cầm chừng, tự chế , không đánh cho địch ngã gục mà chỉ để mong địch đến bàn hội nghị, Hoa Kỳ chỉ còn một mục tiêu chính: rút quân về nước, đem được hết tù binh về, quân nhân Mỹ mất tích sẽ từ từ tìm kiếm sau.  Trong tinh thần bằng mọi giá phải chấm dứt sự có măt của quân đội mình ở Việt Nam, Hoa Kỳ xúc tiến Việt nam hoá chiến tranh để Miền Nam tự lo lấy số phận của mình.  Dưới thời Đệ nhị Cộng Hòa, tuy tình hình nội bộ được ổn định nhưng cuộc chiến đấu của quân dân Miền Nam càng ngày càng khó khăn trước sự gia tăng không giới hạn của lực lượng địch được cả Khối Cộng sản quốc tế yểm trợ tối đa và sự suy yếu của lực lượng quốc gia vì Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ quân sự đến mức không đủ nhiên liệu, đạn dược, vũ khí để thay thế và các quân cụ khác.  Hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973 được ký kết trong hoàn cảnh này. Chính phủ VNCH buôc phải ký nếu không thí bị Hoa Kỳ bỏ rơi tức khắc Một hiệp định gián tiếp mở đường cho cộng sản Bắc Việt xâm lăng Miền Nam vì không buộc CSBV rút về Bắc hơn một trăm ngàn quân của chúng đã đột nhập vào Nam. Đúng như vậy, sau khi ký kết, CSBV tấn công khắp nơi xem hiệp định đình chiến Paris như không có, bao nhiêu quân ở Miền Bắc lục tục kéo vào Nam. Những lời khẩn thiết của chính phủ VNCH kêu gọi Hoa Kỳ giữ lời hứa của Tổng Thống Nixon can thiệp nếu CSBV vi phạm hiệp định Paris, đều rơi vào khoảng không. Quốc hội Hoa Kỳ mà đảng Dân Chủ nắm đa số đã ngăn cấm không cho phép Tổng Thống can thiệp bằng quân lực ở nước ngoài và tệ hại nếu không phải là tàn nhẫn hơn nữa, không cho phép tháo khoán số tiền mấy trăm triệu còn lại trong ngân khoản viện trợ quân sự để cho VNCH mua sắm thêm phương tiện chiến đấu trong những trận chiến ác liệt đang diễn ra vào những tháng quyết định đầu năm 1975.
 Những Bài Học: 
Hai thập niên đầy biến động từ 1954 đến 1975 không thể không để lại nhiều bài học cho chúng ta, cho hậu  thế, cho bây giờ đây.
Những Người Quốc Gia: Bài học đầu tiên của giai đoạn lịch sử này nên được để dành cho những người Việt quốc gia chúng ta vì trách nhiệm bảo vệ Miền Nam trước đây trước hết là trách nhiệm của chúng ta, người ít kẻ nhiều với những điều kiện của mổi người lúc bấy giờ.    
-quyền lợi của đất nước phải được đặt trên quyền lợi riêng của mổi người, mổi tập thể. Nói thì dễ nhưng nhiều cá nhân, nhiều tập thể không áp dụng bổn phận  căn bản này của người công dân. Chúng ta phải nhìn nhận rằng nếu chúng ta có trước đây những vị lãnh đạo đặt quyền lợi của quốc gia trên tất cả thì Miền Nam chúng ta cũng không thiếu những người có chức quyền xem thường quyền lợi của quốc gia mà chỉ biết đến  quyền lợi của cá nhân mình.   
– dân chúng phải chọn những người lãnh đạo và những người đại diện cho mình không những có khả năng mà còn phải có đạo đúc, tư cách ; phải nhìn vào quá khứ để tìm hiểu chứ đừng nghe lời đường mật hứa hẹn hão huyền. Một sự lựa chọn sai lầm sẽ rất tai hại lâu dài cho cộng đồng, cho quốc gia.  
– chúng ta phải tự trang bị tinh thần tự lập, tự cường, phải rửa sạch tinh thần vọng ngọai và ỷ lại. Có một nước bạn giúp đở chúng ta là một điều tốt, nhiều lúc còn cần thiết nữa nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng không ai thương chúng ta, lo cho chúng ta bằng chính chúng ta. Nước nào cũng có quyền lợi riêng của nước ấy. Nếu quyền lợi của nước bạn một lúc nào đấy không phù hợp hay ngược lại với quyền lợi của đất nước chúng ta thì chúng ta phải trả giá đắt sự ỷ lại thiếu sáng suốt của chúng ta.   
– trong thời đại bây giờ, trừ vài nước Phi châu còn lạc hậu, không một ai quan niệm được rằng nền dân chủ của một quốc gia có thể bị hủy hoại vì một biến động quân sự của một nhóm quân nhân. Nguyên tắc cơ bản của tất cả các nước văn minh từ hơn cả thế kỷ hay vài thế kỷ nay là sự phụ thuộc của thẩm quyền quân sự vào chính quyền dân sự (principe de subordination de l’autorité militaire au pouvoir civil) vì chính quyền dân sự đại diện cho toàn dân, thể hiện chủ quyền của toàn dân (souveraineté du peuple).
 Hoa Kỳ: Hoa Kỳ  và đặc biệt đảng Dân Chủ cần phải hiểu và chúng ta phải kiên nhẫn làm cho họ hiểu rằng khả năng vô địch của họ về quân sự, khoa học, kỹ thuật, tiềm lực kinh tế dồi dào của họ, tất cả không miễn trừ cho họ những nỗ lực học hỏi cần thiết để thấu hiểu những giá trị, những khát vọng, những nhu cầu, những điều kiện đặc thù của mổi dân tộc trong mổi giai đoạn của lịch sử của dân tộc ấy, biến chuyển không ngừng theo sự chuyển biến của thế giới.  Trong sự thi hành sứ mạng mà Hoa Kỳ tự nhận hổ trợ cho các dân tộc tranh đấu cho tự do, dân chủ của họ qua lời tuyên bố công khai và long trọng trước thế giới gần đây của Tổng Thống Georges W. Bush, siêu cường này không thể phạm phải những sai lầm về nhận định, về thiết kế chính sách đối ngoại, về sự phân biệt  giữa những đối tượng, thù hay bạn của tự do, dân chủ, của nhân quyền, của sự tiến bộ của nhân loại.  Hoa Kỳ không thể hành sử như một quốc gia tầm thường chỉ tính toán cho những quyền lợi trước mắt và ngắn hạn nhiều lúc chưa chắc đã có thực để quên đi sứ mạng cao cả của mình với nhân loại.  Những sai lầm của Hoa Kỳ trong những quyết định của họ trong nửa thế kỷ nay, đặc biệt ở Trung Hoa năm 1949 và ở Việt Nam năm 1963 và 1975 đã làm cho bàn cờ thế giới thay đổi một cách tai hại và dài hạn, đặt gần một tỷ rưởi người trong cảnh nghèo khổ và mất tự do dưới sự thống trị của một thiểu số « tư bản đỏ » dẫm lên trên nhân quyền và nhân vị của con người., và đặt các nước trong vùng Á Châu Thái Bình Dương trong tình trạng lo ngại và cảnh giác thường xuyên trước chế độ cộng sản ở Trung Hoa lục địa, hung hản, bá quyền, đe dọa nền an ninh và kinh tế của toàn vùng.    Tuy vậy, nhiều chánh khách, nhiều lý thuyết gia, kinh tế gia, nhà nghiên cứu chính trị chiến lược, đủ cỡ đồng thanh tranh nhau ca ngợi hai chế độ cộng sản môn đệ của bạo chúa Staline nói trên bằng cách tuyên dương những thành quả của hai chế dộ này, so với…tình trạng của hai quốc gia này trong thời gian đen tối nhát mà hai chế độ đã tạo nên cách đây ba bốn-mươi năm hơn, khi nhân dân hai nước gần chết khổ tất cả vì bị đem ra làm con vật thí nghiệm cho các chánh sách xã hội chủ nghĩa thuần túy nhất.. Nghĩa là so sánh cái tệ hại nhất của các chế độ này gây nên với cái ít tệ  hại hơn bây giờ, thay vì so sánh với các «con rồng vàng»  kế cận  đã vươn lên như những con rồng trong thần thoại từ hơn hai mươi năm nay!  Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu cũng đừng quên rằng 90 phần trăm dân ở Trung Hoa lục địa và ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa giờ đây đang sống xa hẳn dưới mức nghèo khổ nghĩa là không đến một đô la một ngày vì  lợi nhuận trung bình từ 400 đến gần 700 đã bị thiểu số 10 phần trăm có lợi nhuận cao chia lấy phần lớn.  Quảng đại quần chúng này phải có quyền sống đủ no, đủ ấm, đủ tự do, nhân phẩm được tôn trọng như tất cả mọi người khác trong thế giới văn minh tiến bộ ngày nay.  Thế giới Tây phương nói chung, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu nói riêng cần nhìn xuyên qua cái hình thức phô diễn bề ngoài mỏng manh và phải lắng nghe tiếng kêu gọi xuất phát từ bên trong sâu thẳm của hơn cả tỷ người cần được giải thoát và được hoàn trả lại các dân quyền và nhân quyền của họ mà không một đảng nào, một nhà Nước nào có quyền tước đoạt mãi mãi.
Thêm Một Bài Học Cho Những Người Cộng Sản Việt Nam: Sau khi bá chủ được tất cả Miền Bắc năm 1954, lẽ đáng công sản phải ngưng nghỉ cho dân hưởng thái bình, xây dựng lại những đổ vỡ của chiến tranh,phát triển kinh tế, nâng cao mức sống, chờ đợi môt ngày thuận tiện hai Miền Nam Bắc nói chuyện với nhau tiến tới việc thống nhất đất nước trong hoà bình, tự do. Không làm như vậy, cộng sản Bắc Việt đã phát động cuộc chiến thứ hai, quyết xâm lăng Miền Nam, khống chế cà Đông Dương như chúng ta đã biết.  Thêm hai-mươi năm nội chiến để làm gì ? Để thống nhất đất nước ? Một ngụy biện không chấp nhận được vì, cần phải nhấn mạnh cho những người còn tin ở ngụy biện này, thống nhất chỉ là và phải là kết quả của một tiến trình thương thảo giữa hai Miền Nam Bắc, một công cuộc chính trị, một sự đồng thuận giữa hai bên trong những điều kiện không thiệt hại cho một bên nào để từ đấy thực hiện một công thức quản trị duy nhất cho quốc gia, một chính quyền chung cho cả nước. Không làm như vậy  mà dùng vũ lực, gây nên cả một cuộc chiến tranh thì hoàn toàn không phải là một sự thống nhất trong ý nghĩa đúng đắn của sự kiện lịch sử này mà chỉ là một cuộc xâm lăng trắng trợn.    Đảng cộng sản Việt Nam đang mang trên mình bản án nặng nề nhất của lịch sử. Họ phải rút ra từ tội lỗi lớn lao của họ một bài học cho chính họ để tạ tội với quốc dân thay vì tiếp tục chính sách dối trá lường gạt đồng bào trong và ngoài nước.    Từ bài học quá đắt giá này, tôi mong người cộng sản Việt Nam sẽ biết phục thiện để đi vào con đường chung của dân tộc. Họ cần hiểu rằng quyền hành họ đang nắm giữ chỉ là một quả bóng bay mà một cơn gió thoảng mùa hè có thể tách rời khỏi tay họ.
C- Từ Đổi Đời Đến Đổi Mới : 1975 – 1986 Và Tiếp Theo   
Từ Đổi Đời Đến Đổi Mới.
Trưa ba mươi tháng tư 1975, đoàn chiến xa của Hồng quân Nga Sô viện trợ cho cộng sản Bắc Việt tiến vào thủ đô Sài Gòn và chạy thẳng tới dinh Độc Lập tức phủ Tổng Thống của Việt Nam Cộng Hoà. Thủ đô Miền Nam đã bỏ ngõ từ chiều hôm trước. Cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ vừa chấm dứt. Hoà bình trở lại trên một đất nước đuợc sự thương cảm của thế giới bởi những hy sinh không kể xiết của một dân tộc vừa thoát khỏi một cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ : ba- mươi năm.  Nhưng thế giới đã không nhìn xa hơn. Ít ai nhận thấy tai ương sắp xảy ra cho dân tộc Việt Nam bất hạnh này. Hầu hết đều muốn ra đi vì họ biết một cuộc đổi đời sắp xảy ra. Đúng vậy, bắt bớ, giam cầm, tù đày, cải tạo, cướp nhà, cướp của đồng loạt và liên tục xảy ra khắp nơi. Miền Nam đã vậy trong lúc dân chúng Miền Bắc thất vọng, bao nhiêu mong ước Miền Nam ra giải thoát cho họ bỗng chốc bốc thành mây khói !  Chỉ trong vòng vài tháng, nửa triệu người bị lùa vào các trại cải tạo, hơn một trăm ngàn người vào các nhà tù, hơn một triệu người « đi »  kinh tế mới, bỏ lại cho Đảng cho Nhà Nước nhà cửa, tài sản của mình.  Chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa tập trung các phương tiện sản xuất trong tay Nhà Nước, quốc hửu hóa tất cả các xí nghiệp tư doanh trước đây, triệt hạ thành phần « tư sản mại bản »… đã lanh chóng tê liệt hóa nền kinh tế vốn tương đối thịnh vượng của Miền Nam, đến mức mọi người phải ăn đói, bửa có bửa không !  Rõ ràng là một cuộc đổi đời đang được thực hiện.   Thế giới bên ngoài đã bắt đầu theo dõi tình hình bi thảm đang diễn ra tại Miền Nam Việt Nam cùng lúc với những vụ vượt biên, vượt bể, vượt cả đại dương của hàng trăm ngàn người mà một số lớn đã tử nạn dọc đường hay bị cướp biển hảm hại.  Lương tâm nhân loại bắt đầu xúc động.   Một số nhân vật Tây phương đã hết lời ca ngợi cuộc giải phóng Miền Nam, thống nhất nước Việt Nam, đã tỉnh ngộ, bắt đầu hối hận về sự lầm lạc của mình như nhà triết học Jean Paul Sartre.  Cuộc trắc nghiệm các chính sách mới của chế độ mới từ 1975 đã hoàn toàn thất bại.  Từ Mạc tư Khoa, Gorbatchek đã cho Hà Nội biết Nga Sô không thể tiếp tục viện trợ cho Việt Nam nữa. Tập đoàn lãnh đạo cộng sản  hiểu rằng đã đến lúc phải đoạn tuyệt với chủ nghĩa, giáo điều, tất cả, để thoát ra khỏi cái mồ chôn mà họ đã tự đào lên để tự chôn mình và chôn luôn cả dân tộc.  Đã đổi đời, bây giờ phải đổi mới!  Đại Hội Cộng đảng thứ sáu họp tháng 12,1986 quyết định từ bỏ kinh tế xã hội chủ nghĩa, áp dụng kinh tế thị trường, được ráp thêm cái đuôi « theo định hướng xã hội chủ nghĩa » để níu kéo lại một số đặc quyền của Nhà Nước, duy trì nhiều xí nghiệp quốc doanh và cũng để vớt vát thể diện bị tiêu hao nặng nề bởi sự trở cờ 180 độ. Chính sách đổi mới kéo theo những thay đổi trong các chánh sách áp dụng lân nay trong nông nghiệp, kỹ nghệ, thương mãi, hủy bỏ nhiều sự kiểm soát trong sự lưu thông, phân phối hàng hóa sản xuất, cho phép hưởng lợi cá nhân, phát triển các dịch vụ.  Những luật lệ đầu tiên về đầu tư dành cho người ngoại quốc được ban hành lôi cuốn nhiều doanh nhân các nước ngoài đổ tới nghiên cứu thị trường, khởi sự hoạt động. Việt kiều ở hải ngoại  bắt đầu về thăm quê hương, và càng ngày càng đông, đem về nhiều ngoại tệ.  Nhưng « đổi mới »  chỉ giới hạn trong lãnh vực thuần  túy kinh tế.  Chính trị vẫn như trước nghĩa là vẫn độc đảng, độc trị.  Và «đổi mớỉ» tạo nên những vấn đề mới trên phương diện xã hội. Mọi người chen chúc nhau, xô đẩy nhau để làm tiền, để kiếm sống, để làm giàu, bằng mọi cách, không còn phân biệt điều tốt, điều xấu. Một xã hội thả lỏng, các giá trị tinh thần, đạo lý, đạo đức không còn được ai nhắc nhở đến nữa.  Từ trên xuống dưới, từ cấp lãnh đạo cao nhất cho đến cán bộ thấp nhất, mọi người thi nhau làm tiền một cách trắng trợn.  Tệ nạn tham nhủng được hệ thống hóa, lan tràn khắp nơi, từ trung ưong đến địa phưong, trong chính quyền, trong quân đội, trong các công ty quốc doanh, ở bất cứ nơi nào có thể kiếm ra tiền.  Trong lúc nhờ tham nhủng, một giai cấp mới, tư bản đỏ và tư sản đỏ, được thành hình và phát triển lanh chóng thì đại đa số dân chúng ở ngoài vòng ảnh hưởng trực tiếp của « đổi mớỉ » hoặc ở nông thôn xa xôi không tiếp cận với các đô thị, các thành phố, tiếp tục nghèo khổ, một số ít được khá hơn phần nào nhưng số đông không có gì thay đổi, chưa kể nhiều gia đình khốn đốn hơn phải bán con, phải để mẹ hay vợ ra đi lao động ở nước ngoài để chồng con ở lại quê nhà.  Tỷ lệ trẻ con suy dinh dưỡng đạt mức báo động, số trẻ em bỏ học đạt mức đáng lo ngại.  Chưa bao giờ có trong lịch sử một cảnh tương phản xã hội khiêu khích như vậy giữa những nhà giàu hàng chục, hàng trăm triệu Mỹ kim xây dựng tài sản một cách bất chính và những gia đình không kiếm được cái ăn hằng ngày vì không kiếm được việc làm, không được ai giúp đở kể cả Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa.
Những Bài Học Cho Ai ?
Từ đổi đời đến đổi mới, giai đoạn cuối cùng của lịch sử cận đại, chúng ta có thể rút ra vài bài học cụ thể tiếp giáp ngay với hiện tại trước mắt. 
Những người cộng sản trong nước: họ đã tạo nên một cuộc đổi đời, tưởng thực hiện được giấc mơ xã hội chủ nghĩa : một thiên đường ở trần gian. Mười năm sau, họ đã vở mộng. Lãnh đạo một nước không phải là lãnh đạo một cuộc chiến tranh. Xây dựng và kiến tạo không cùng một lãnh vực với xử dụng vũ lực. Một chủ thuyết kinh tế dựa trên sự phủ nhận và bãi bỏ động lực thu lợi cá nhân  không thể nào ứng dụng thành công được vì trái với tâm lý tự nhiên của con người luôn luôn muốn làm ra tiền để cải tiến đời sống của mình., một nhu cầu thường xuyên của bất cứ ai. Từ chủ thuyết trên, cộng sản chủ trương làm chung, ăn chung, nghĩa là tập trung các phương tiện sản xuất trong tay tập thể, trong tay Nhà Nước, khiến cho không ai chịu trách nhiệm rõ rệt về thành quả của hoạt động mà ngược lại, ai cũng muốn dành một phần lớn cho mình. Mặt khác, mất quyền sở hửu phương tiện sản xuất của mình, làm việc mà không hưởng được kết quả trọn vẹn của công sức mình, chắc chắn không ai làm việc hết mình. Năng xuất thấp, hiệu quả kém là chuyện không tránh được. Số phận của các xí nghiệp Nhà Nước vì vậy đã được an bài .  Với kinh nghiệm đắt giá của nền kinh tế xã hội mác-xít, cộng sản đã ôm chầm lấy kinh tế thị trường nhưng, như đã kể, còn ráp thêm cái đuôi tai hại « theo định hướng xã hội chủ nghĩa », làm hỏng phần lớn hiệu quả của chính sách cứu rỗi này. Tóm lại, cần phải cắt gấp cái đuôi tai hại ấy để loại bỏ những ảnh hưởng xấu của nó.  Ngoài ra, phải đổi mới chính trị nghĩa là phải thực hiện tiến trình dân chủ hóa , trả lại cho dân các dân quyền và nhân quyền mà không một quyền lực nào có thể tước đọat mãi mãi đươc. Phải thành hình một Nhà Nước pháp trị, thượng tôn luật pháp, một hệ thống luật pháp đúng với những tiêu chuẩn của luật pháp văn minh hiện hành trong thế giới chứ không phải một mớ luật lệ, nghị quyết, pháp lệnh phản dân chủ, phản nhân quyền, thủ tiêu các quyền tự do căn bản.  Đây là bài học tối quan trọng mà các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam phải rút tỉa từ kinh nghiệm hai-mươi năm qua để áp dụng bây giờ vì lợi ích của quốc gia. dân tộc.
Đồng Bào Trong Nước:  Nạn nhân của cuộc đổi đời, đồng bào trong nước đã thoát chết đói nhờ những người bạn củ trở lại kịp thời. Chính sách kinh tế thị trường đã mở đường cho những nhà kinh doanh Âu Á Mỹ Úc lần lần trở lại làm ăn và dọn đường cho đồng bào ở hải ngoại về thăm quê hương đất nước.  Thoát chết đói nhưng chưa phải là sống đủ no, đủ ấm, đủ tự do cho tất cả mọi người từ thôn quê đến thành thị. Dân tộc Việt Nam phải được quyền sống  xứng đáng như các dân tộc khác trên thế giới văn minh tiến bộ ngày này.Sự chịu đựng nhẫn nhục chỉ có tác dụng khuyến khích lòng tham quyền cố vị và kéo dài vô hạn định chế độ độc tài đảng trị. Đồng bào phải đứng lên đòi hỏi đảng cộng sản trả lại các quyền tự do, dân chủ cho đồng bào.   Dân tộc ta luôn luôn tôn trọng các tín ngưỡng, tôn thờ Thượng Đế, cầu Trời như đấng chí linh, khấn Phật như đấng siêu phàm, tôn kính tổ tiên, ông bà, tạo nên những truyền thống tốt đẹp mà chúng ta có bổn phận gìn giữ và bảo vệ bằng mọi giá. Luật pháp  của chế độ cộng sản vô thần duy vật và con đẻ cuối cùng của nền luật pháp rừng rú ấy, Pháp lệnh về tôn giáo, phải được hủy bỏ. Nơi cửa Phật, nơi Thánh đường, nơi Thánh thất, không ai có quyền xâm phạm, kiểm soát, rình mò, phong tỏa. Việc truyền đạo và hành đạo là một hành động tự do của mọi người, nhà tu hành, giáo sĩ các tôn giáo, người thường dân, bất cứ ai, có thể thực hiện bất cứ nơi nào bởi không có một lý do nào để hạn chế.  Tài sản của các giáo hội đã có từ xưa phải được hoàn trả lại vô điều kiện,các sự thất thoát hư hỏng phải được đền bù vì một Nhà Nước, một chính quyền bình thường không thể cướp đoạt tài sản của dân, của một tập thể, nhất lại là một tập thể tôn giáo mà đặc tính tuyệt đối là vô vụ lợi và có lợi ích công cọng như  cả thế giới đã công nhận từ nhiều thế kỷ.  Đồng bào phải muôn người như một đòi hỏi, nếu cần thì mạnh dạn tranh đấu, cho tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoàn toàn như vừa trình bày. Và cũng như đã trình bày, đây là cả một vấn đề bao trùm những truyền thống quý báu và tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam chúng ta, không phân biệt lương giáo, không phân biệt tín ngưỡng.  Mùa Xuân 2005 này, cuộc tranh đấu bất bạo động thứ ba trong Cộng đồng các quốc gia độc lập do Nga chủ trì  cũng đã thắng lợi nhanh chóng và quá dễ dàng. Dân chúng Kyrgzystan không đến vài ngàn người do đảng đối lập tổ chức để phản đối cuộc bầu cử gian lận đã kéo thêm được người hùa theo ủng hộ la lối,cảnh sát ngăn chận không cho họ kéo đến trụ sở quốc hội nhưng họ vẫn tiến tới. Không thể đẩy lui đoàn người biểu tình và không muốn xử dụng vũ khí, lực lượng cảnh sát đành để cho dân chúng chiếm quốc hội và cứ thế, đoàn người hồ hởi này kéo đến phủ Thủ Tướng, dinh Tổng Thống. Không có một sự kháng cự nào cả của cảnh sát và quân đội, Tổng Thống đã lanh chân qua nước ban trốn luôn. Hai vụ tranh đấu trước của dân Ukraine và Georgia, gọi là cách mạng da cam và cách mạng hoa hồng cũng  diễn ra gần giống vậy, người dự biểu tình đông hơn và thời gian tranh đấu dài hơn nhưng trong cả ba vụ vừa kể, không có đổ máu, kết quả tốt đẹp.  Tại sao ở Việt Nam lại không thể xảy ra như vậy ? Sự sợ hãi không còn lý do tồn tại nữa vì, rất giản dị, không anh cảnh sát nào, không anh lính nào dại dột xả súng bắn vào dân để, hoặc bị dân nổi giận tràn đến trả thù ngay toi mạng, hoặc mang tội giết người nếu cuộc nổi dậy thành công.  Thế giới ngày nay không như thế giới mấy chục năm trước.  Không sợ hãi, nhất định thành công.
 Đồng Bào Hải Ngoại: Để tránh một cuộc đổi đời, chúng ta đã phải rời quê hương đi tìm một chân trời tự do. Do cuộc đổi mới, thế cùng lực kiệt, cộng sản Việt Nam đã tự động thay đổi qui chế của chúng ta, từ thù địch bỏ nước ra đi thành khúc ruột ngàn dặm Nghị quyết số 36 của cộng sản hàm chứa một sự biến chuyển tư tưởng tương tự, không hơn, không kém, một sự dối trá tuyệt đối khỏi cần bỏ công  phân tách mổ xẻ.  Về thăm quê hương, thăm cha mẹ già đang mỏi mắt chờ con, không phải là những chuyện đáng trách nhưng nhất định đừng để cho cộng sản xử dụng như những con tin. Ngược lại, một người về thăm quê phải mang theo một thông điệp đầy đủ ý nghĩa của thế giới bên ngoài và của chính cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Thông điệp ấy là đã đến lúc đồng bào chuẩn bị đứng lên đòi hỏi dân chủ, tự do, no ấm.  Đồng bào ở bốn phương trời, thế giới khắp nơi sẽ tiếp tay ủng hộ cuộc tranh đấu của đồng bào quốc nội.  Ngọn sóng thần dân chủ, tự do đang lần lượt lôi cuốn những bức màn sắt rét rỉ còn sót lại.
II- NHỮNG TRIỂN VỌNG CỦA TƯƠNG LAI
A- Việt Nam Trong Chính Sách Đối Ngoại Của Hoa Kỳ
Nhiều đồng bào chúng ta ở trong nước cũng như ơ hải ngoại, ngay tại Hoa Kỳ, suy đoán tương lai của quê hương qua nhận thức của mình về thái độ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phương pháp suy đoán này không hẳn là không đúng vì một cách tổng quát, ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với những chuyển biến lớn trên thế giới khá rõ rệt. Nhưng không phải là Hoa Kỳ muốn gì cũng được. Và truớc hết cần phải tìm hiểu thực sự Hoa Kỳ muốn gì ở Việt Nam trong nhiệm kỳ hai của Tổng Thống Georges W. Bush.  Như chúng ta đã biết, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ có tuyên bố ít lâu sau khi được tái cử là ông sẽ hổ trợ cho các dân tộc đứng lên tranh đấu cho tự do dân chủ của nước họ. Một lời tuyên bố có tính cách chung, không ám chỉ một nước nào nhưng chắc chắn đã làm cho nhiều nước e ngại dù chưa đến nổi lo ngại.  Về vấn đề Việt Nam, ngày 21 tháng 3 vừa qua, Đại sứ Mỹ ở Hà Nội, Michael W. Marine, tiếp xúc với cộng đồng người Việt tại San Francisco,. Mục đích, theo tôi nghĩ, vưà là để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm trong vài tháng tới của Phan văn Khải, Thủ Tướng của cộng sản Bắc Việt nhưng quan trọng hơn, vừa gián tiếp cho chúng ta biết những nét chính của chính sách của chính phủ  Bush hiện thời.Một sự chuẩn bị như vậy, nói chung, trong cách thức làm việc của bộ ngoại giao các nước không có gì lấy làm lạ. Đối với nội vụ ở San Francisco, bộ Ngoai Giao Hoa Kỳ phải lo hơn nữa vì Khải muốn đến thăm toà Tổng lãnh sự của chế độ Hà Nội tại đây. Và ai cũng biết tại đây cũng như ở Vùng Vịnh (Bay area) bao quanh, cũng như ở quận Cam (Orange county) ở Nam California, nơi có người Việt đông nhất ở hải ngoại, nhiều thành phố không tiếp các « nhân vật » của cộng sản Việt Nam và cờ vàng ba sọc đỏ của quốc gia Việt Nam vẫn phất phới bay.  Bộ Ngoại Giao dưới thời Colin Powell đã bực mình về chuyện này nhưng không làm gì được bởi tính cách tự trị nội bộ của các thành phố dựa trên nguyên tắc phân quyền rộng rãi của Liên bang Hoa Kỳ. Những rục rịch chuẩn bị  của đại sứ Mỹ làm cho nhiều đồng bào ta nghĩ rằng ông Bush đã thiên về phía cộng sản Hà Nội.  Sự lo ngại này có phần đúng trong lúc này, không phải vì ông Bush thiên về bên nào nhưng vì ông và chính phủ của ông làm việc theo một chương trình hành động trong đó, bên cạnh những vấn đề ưu tiên của Hoa Kỳ (bình định và tái thiết Irak, chống khủng bố trên nội địa Hoa Kỳ và trên toàn cầu, thực hiện lộ trình hoà bình ỏ Trung Cận Đông, ngăn chận chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử của Iran, của Bắc Hàn, đẩy mạnh công cuộc củng cố chính quyền dân cử Afganistan và tái thiết nước này, vụ rút quân của Syrie khỏi Liban v.v.) còn có những vấn đề chiến lược từng vùng (Thái bình Dương, Âu Châu, Trung Cận Đông) hoặc toàn cầu, và cố nhiên trên tất cả, là các vấn đề thiết yếu nội bộ của siêu cường này như năng lượng, an sinh xã hội, thâm thủng ngân sách, thiếu thăng bằng gia tăng của cán cân ngoại thương, tỉ lệ khiếm dụng,nạn chuyển dịch xí nghiệp ra ngoại quốc, tỉ lệ tăng trưởng, tỉ lệ gia tăng vật giá v.v.  Trong những vấn đề chiến lược từng vùng của thế giới, nổi bật đặc biệt trong những ngày gần đây là vấn đề Trung quốc, một vấn đề đã được đặt ra từ hơn nửa thế kỷ nay như đã ghi trên chứ không phải mới mẻ gì nhưng thái độ hung hăng của Bắc Kinh đối với Đài Loan vừa rồi tiếp theo những vụ dành đất, tranh dành các đảo ở biển Nam hải,dành hải phận ở Vịnh Bắc Việt, bắn chết ngư phủ Việt Nam  làm cho tình hình trong vùng căng thẳng phần nào và đòi hỏi Hoa Kỳ biểu lộ thái độ một cách rõ rệt hơn. Hà Nội chỉ mong có vậy cũng như nhièu quốc gia ở Đông Á , nơi mà an ninh và hoà bình khó bảo đảm được nếu Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc trong lúc hai chế độ cộng sãn Trung Hoa và Bắc Hàn đang còn ngự trị trên hai quốc gia này.  Từ 1950, một số đầu óc ở Mỹ đã nghĩ đến việc biến ông Hồ Chí Minh thành một Tito ở Á Châu nhưng mọi người đã biết, ông Hồ không bao giờ là Tito mà ngược lại đã nhuộm đỏ cả Đông Dương, thi hành đúng chủ trương bành trướng của quan thầy Staline.. Giờ đây, Hoa Kỳ lại muốn dùng cộng sản Bắc Việt đóng vai trò của Tito một lần nữa, có lẽ vì không có ai khác để làm cái đê ở biên giới phiá Nam của Trung Hoa.   Chúng ta phải công nhận và cầu mong Hoa Kỳ thực hiện được và tốt chiến lược bao vây (stratégie d’endiguement) đắp đê phòng lũ lụt này vì quyền lợi tối thượng của nước ta, một quyền lợi vượt lên trên tất cả những quyền lợi khác chừng nào nước láng giềng vĩ đại của chúng ta chưa được quản trị bởi một chế độ dân chủ, sống hoà điệu với cộng đồng thế giới.  Vấn đề thực sự đặt ra cho chúng ta là làm sao chứng tỏ cho Hoa Kỳ hiểu rằng những người Việt không cộng sản, những người Việt yêu chuộng tự do, dân chủ, hiện ở trong nước hay ở ngoài nước, có đầy đủ khả năng, có đầy đủ quyết tâm , có đầy đủ lương tâm và đạo đức, có nhiều hơn tầng lớp lãnh đạo cộng sản hiện thời, tất cả những điều kiện cần thiết để xây dựng một vận hội mới dân chủ, tự do, hoà bình, tiến bộ cho nước Việt Nam và từ đấy, góp phần tích cực và hửu hiệu vào công cuộc bảo vệ an ninh và hoà bình cho Đông Nam Á Châu và Thái Bình Dương.  Chúng ta phải cùng nhau cố gắng tạo nên một hính ảnh tốt đẹp của cộng đồng người Việt Nam để xóa bỏ một số định kiến không được tốt đẹp mà một phần dư luận ngoại quốc đang còn lưu giử từ trong dĩ vãng của chúng ta. Chúng ta phải tranh thủ không ngùng thiện cảm và lòng tin cậy của thế giới, điều kiện tiên quyết của sự hổ trợ dành cho cuộc tranh đấu cho dân chủ, tự do, cho dân quyền và nhân quyền của dân tộc Việt Nam. 
B- Những Triển Vọng
Trước hết chúng ta, ở trong nước cũng như ở ngoài nước, cần phải ý thức một cách sâu sắc và rõ rệt rằng số phận của chúng ta, tương lai của đất nước chúng ta, của quê hương chúng ta, do chính chúng ta định đoạt. Sự hổ trợ của bạn bè năm châu bốn bể luôn luôn đến sau, để giúp đở và tiếp tay cho chúng ta chứ hoàn toàn không phải để thay thế chúng ta.    Một thái độ ỷ lại vào người ngoài, vào nước ngoài chỉ mang lại sự khinh rẻ và từ chối của chính những người mà chúng ta chờ đợi họ giúp đỡ.    Chúng ta cần mọi sự hổ trợ từ bên ngoài và chúng ta phải tỏ rõ xứng đáng với những sự hổ trợ ấy. Triển vọng xấu – Có nghĩa là tình trạng mà chúng ta đang chứng kiến ở quê nhà và tóm lược ở trên sẽ không thuyên  giảm và còn có thể tệ hại hơn nữa. Về chính trị, vẫn độc đảng, độc tài, độc trị. Dân quyền và nhân quyền tiếp tục bị tước đoạt. Nạn tham nhũng càng ngày càng tồi tệ hơn. Bất công xã hội, cách biệt giàu nghèo, sẽ không giảm bớt mà còn gia tăng. Việt Nam vẫn ngồi lì ở vị trí áp chót nghèo nhất thế giới.  Bức tranh đen tối này sẽ còn mãi nếu không xảy ra một sự thay đổi toàn diện, thể chế chính trị, cơ cấu công quyền, nhân sự lãnh đạo.  Chờ đợi sự thức tỉnh của những người lãnh đạo hiện thời để thực hiện một cuộc cải cách sâu rộng sẽ là một mơ ước hão huyền.  Đất nước sẽ tuột dần xuống vực thẳm.  Nếu đồng bào không đứng lên đòi hỏi dân chủ hóa chế độ, trả lại quyền dân cho dân.   
Triển Vọng Khá Mơ Hồ: một số người trông đợi ở thời gian. Lớp lãnh đạo lớn tuổi hiện thời sẽ qui  tiên. Lớp trẻ hay trung niên có tư tưởng rộng rải hơn và có nhiều cơ hội tiếp xúc với thế giới văn minh , có trình độ học vấn cao hơn, sẽ thay thế lớp lãnh đạo cũ và chế độ tự nó sẽ biến đổi. Lý luận này không phải là huyền ảo nhưng gần ba mươi năm nay, rồi hai mươi năm nay, rồi mười năm nay, lãnh đạo qui tiên thì có nhưng chế độ xã hội chủ nghĩa vẫn ỳ ra đấy, tham nhũng, thối nát càng tiến mạnh, tiến nhanh!  Triển Vọng Sáng Sủa: Chúng ta đang có một triển vọng sáng sủa hơn bao giờ cả vì tình hình trong nước cũng như tình hình thế giới đều thuận lợi cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.    Trong nước, thuận lợi vì trước hết, lòng dân đã chán nản ngoai trừ một thiểu số được hưởng đặc quyền, đặc lợi như đã trình bày. Những nhà trí thức, những cựu đảng viên cao cấp, những cựu tướng tá, nhiều nhà văn, nhà báo đến cả nông dân nhiều nơi, thị dân ở ngay Sài Gòn cũ cũng chỉ trích, đẳ kích Đảng, Nhà Nước không tiếc lời, thậm chí tấn công cảnh sát, công an, không còn sợ hải như trước nữa. Vụ cuối cùng,trong tuần vứa qua ngay tại đại lộ Trần Hưng Đạo, giữa Sài Gòn-Chợ Lớn, bốn trăm người qua đường đã tụ họp nhau đánh cảnh sát, đốt xe chỉ vì một vụ bắt phạt lưu thông không đáng kể, chẳng qua chỉ vì sự dồn nén uất hận lâu ngày.  Cảnh sát phải rút lui. Tại tỉnh Thái Bình, nông dân cũng nổi lên đánh lại lực lượng công an trong một vụ phản kháng vì bị cướp đoạt đất đai.  Vài vụ vừa kể chỉ để nói lên sự thay đổi từ tâm lý sợ hải phục tòng đến tâm lý đề kháng nhiều lúc dến bạo động. Và một khi dân chúng đã phẩn nộ tập họp thành đám đông và nhân viên công lực không giải tán được nữa thì lúc ấy chế độ không còn ai bảo vệ nữa.  Các vụ giải thể các chế độ cộng sản từ Nga Sô đến các nước chư hầu ở Đông Âu, các vụ gọi là cách mạng hoa hồng, da cam , hoa tulipe mới đây tại các Cộng Hoà sô viết của Nga Sô cũ đều đã diễn tiến như vậy.  Trước khi sụp đổ, Nga Sô, thành trì và mẫu quốc của Khối Cộng Sản quốc tế, hùng mạnh về quân sự tương đương với Hoa Kỳ, dày dặc một mạng lưới mật vụ, công an, cảnh sát bao trùm cả nước, đã tồn tại bảy-mươi-bốn năm và sản xuất ba thế hệ thanh niên quàng khăn đỏ, Nga Sô kiên cố và vĩ đại ấy mà Tây Âu khiếp sợ và Hoa Kỳ không dám thốt một lời cản ngăn khi Hồng quân tràn qua Hung-Gia-Lợi và Tiệp Khắc đè bẹp cuộc nổi dậy của hai dân tộc này, Nga Sô ấy đã tan biến trong khoảnh khắc khi dân chúng ở Moscou đứng lên đòi giải thể chế độ, khi họng súng của một chiến xa đi đầu thay vì nhả đạn vào đám đông, đã được cắm vào một cánh hoa hồng và những người lính tuổi hai mươi non trẻ đã ôm chầm những người phản kháng, nước mắt tự do tuôn rơi trên má.  Các chế độ chư hầu đều cùng một số phận và cùng một lộ trình tương tự ngoại trừ ở Roumanie có máu đổ vì lãnh tụ độc tài cưỡng lại lòng dân nên bị xét xử lanh chóng để một trang sử được lật qua.
Con đường đi tới tự do càng ngày càng mở rộng cho mọi dân tộc.  Chỉ cần đứng dậy lên đường !
LS. LÊ TRỌNG QUÁT

 Làm hay không làm chính trị cho Quê Hương ?


Email In
BBT: Thật rất hay là bài viết dưới đây đúng là bài học dành cho Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, người đã viết bài “Tôi không làm chính trị” vừa mới đăng tải trên Ba Cây Trúc ngày hôm qua. Với nhiều ông thầy góp công dạy như vậy thì ông tiến sĩ nhà ta có thể mở mắt ra để biết rằng ông thực sự đang làm chính trị mà ông vẫn ngây thơ không biết. Chúc Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng mở thêm trí tuệ.

Làm hay không làm chính trị cho Quê Hương ?
Lê Trọng Quát
Chính trị là gì ?
Làm hay không làm, tham gia hay không tham gia chính trị
Chính trị với người Việt ở hải ngoại
Chúng ta không thể làm ngơ được nữa
Nói với thế hệ trẻ, con cháu Lạc Hồng
* * * * *
Ls Lê Trọng Quát
Ts Nguyễn Đình Thắng
" Tôi không làm chính trị ". Câu trả lời ngắn gọn đã một thời ở đầu môi của một số người Việt khi được mời hay được kêu gọi tham gia một hoạt động, một công tác liên quan đến cuộc chiến đấu bảo vệ tự do của Miền Nam Việt Nam trước tháng 05 năm 1975.
Cũng câu trả lời ngắn gọn này được lặp lại bởi số người ấy hay được xử dụng bởi một số người của một thế hệ khác, lâu sau 1975, khi họ được gọi hổ trợ hay tham gia cuộc tranh đấu nhằm dân chủ hóa và hiện đại hóa nước Việt Nam, mang lại tự do cho mọi người, công bằng trong xã hội, để xây dựng một vận hội mới tươi sáng cho quê hương của họ.
Cả trong hai giai đoạn trước và sau 1975, câu trả lời cô đọng này hàm súc một ý nghĩa lớn, mang lại những hậu quả lớn và vì vậy cần được bàn đến một cách nghiêm chỉnh, tương xứng với tầm quan trọng của nó.
«Tôi không làm chính trị» là gì ? Và ngược lại, « Vì sao tôi làm chính trị, tôi tham gia chính trị ?» như nhiều người khác quả quyết. Ở đây, tôi muốn hiểu tham gia chính trị là làm chính trị dưới một hình thức và trong một phạm vi nào đấy, chứ không có môt sự phân biệt nào đáng kể giữa hai cụm từ này.
I – Chính trị là gì ?
Nhưng trước hết, chính trị là gì mà người thích kẻ không như vậy. Được định nghĩa khá rõ ràng ở các quốc gia nhưng ngay ở những nước có văn hóa cao, người ta vẫn có những nhận thức đôi lúc khác nhau về từ ngữ này. Chúng ta sẽ không để mất quá nhiều thì giờ cho việc định nghĩa từ ngữ mà chú trọng đến sự lựa chọn một thái độ, của người Việt ở trong nước hay đang ở nước ngoài : làm chính trị hay không làm chính trị.
Chính trị bao gồm một lãnh vực hết sức rộng lớn như nhiều người hiểu và các tự điển đông tây đều gần cùng một định nghĩa.
Trước hết, chính trị là mọi việc liên quan đến công cuộc trị nước an dân. Trong một phạm vi rộng hơn, chính trị là các tương quan giữa nhiều quốc gia, giữa các quốc gia và các định chế quốc tế.
Chính trị cũng là các hoạt động liên quan đến công vụ trong một nước. Các lý thuyết tổ chức một quốc gia, các thể chế, các chủ nghĩa, các cương lĩnh của các chính đảng đều ở tuyến đầu của địa hạt chính trị.
Nhưng chưa hết, chính trị còn là một khoa học, một nghệ thuật chuyên về việc quản trị một quốc gia, tham gia hay điều khiển một chính phủ, chính trị cũng là tổng hợp những sự cố của một nước : tình hình chính trị, sinh hoạt chính trị, bối cảnh chính trị, nền chính trị v.v….
Theo ngôn từ mác-xít, chính trị là phần chính của thượng tầng kiến trúc (superstructure) (1), gồm những chủ thuyết và cơ cấu đầu não của một quốc gia xây dựng trên hạ tầng cơ sở (infrastructure) qui tụ những lực lượng và tương quan sản xuất tạo thành căn bản vật chất của xã hội. Tách khỏi cái ngôn từ sặc mùi đối đầu giai cấp này, hạ tầng cơ sở là hệ thống đường sá, cầu cống, phi trường, hải cảng….tất cả những phương tiện và cấu trúc dùng cho việc giao thông vận tải và rộng hơn cho sự hoạt động của một nền kinh tế quốc gia.
Tóm lại, ít có một từ ngữ nào rộng nghĩa hơn từ ngữ chính trị, bao trùm nhiều lãnh vực quan trọng liên quan đến một quốc gia, các định chế quốc tế và cả thế giới nói chung.
II – Làm hay không làm, tham gia hay không tham gia chính trị.
Định nghĩa rộng rải và rõ ràng của từ ngữ chính trị được thông dụng và chấp nhận khắp nơi, làm sáng tỏ vấn đề tham gia hay không tham gia, làm hay không làm chính trị, đối với môt người trong cộng đồng, trong quốc gia của họ, trong thế giới (chính trị quốc tế), và đặc biệt đối với chúng ta, người Việt ở trong nước hay người Việt đang ở hải ngoại vì bất cứ môt lý do gì. Đặc biệt vì chúng ta là một trong vài dân tộc bất hạnh nhất trên địa cầu, đã phải chịu đựng một cuộc chiến tranh lúc ác liệt, lúc tạm ngưng, ròng rã ba mươi năm trời rồi , tiếng súng lặng im, chịu đựng tiếp một chế độ hà khắc từ ba mươi năm nay và giờ đây thiết tưởng đã đến lúc cần phải thay đổi.
Thế nhưng, trước khi đề cập đến chuyện của chính chúng ta, hãy tìm hiểu vì sao vấn đề làm hay không làm chính trị, tham gia hay không tham gia chính trị cũng được đặt ra ở khắp nơi trên thế giới. Tìm hiểu vì, ngoài những lý do riêng của chúng ta, các lý do khác đều chung chung giống nhau, loài người vẫn được mệnh danh từ lâu là những “con vật chính trị“.
Thật vậy, với định nghĩa vừa trình bày, không ít thì nhiều, ở nước nào cũng vậy, ai cũng tham gia chính trị, trực tiếp hay gián tiếp, dưới hình thức này hay hình thức khác, qua những hành động trong cuộc sinh hoạt hằng ngày. Ai cũng có những quan hệ ràng buộc mình với xã hội, với quốc gia của mình, những bổn phận cũng như những nhiệm vụ.
Hành sử những quyền công dân trong một nước dân chủ như bầu cử , ứng cử vào các chức vụ dân cử là một thể hiện rõ rệt nhất của sự tham gia chính trị. Đại đa số dân chúng các quốc gia dân chủ tham gia việc nước qua hình thức thông dụng này.
Tranh đấu chống lại gian lận bầu cử, đòi hỏi quyền ứng cử, công khai vận động cho một hay nhiều ứng cử viên tức là làm chính trị, dấn thân chính trị, phục vụ và bảo vệ nền dân chủ của quốc gia. Không có những thành phần năng động và can đảm này, nhiều nước kém mở mang đã có thể trở thành nạn nhân của những chế độ độc tài hay không thoát khỏi được các chế độ quân phiệt. Sự biến đổi quan trọng trong chiều hướng dân chủ hóa ở Châu Mỹ la-tinh trong ba thập niên vừa qua là một bằng chứng không chối cải được của sự kiện lịch sử này.
Phát biểu một ý kiến, xác định một lập trưòng về một vấn đề liên quan đến quyền lợi của xứ sở, của dân tộc, của cộng đồng thế giới là tham gia chính trị bằng sự bày tỏ một tư tưởng, một quan điểm của một người dân trong một nước dân chủ, tự do.
Hoạt động trong một tổ chức, một đoàn thể, một đảng phái chính trị tức là làm chính trị với mức độ dấn thân (engagement, commitment) để thực hiện và phục vụ một lý tưởng, một hoài bảo, một mục đích vượt lên trên quyền lợi cá nhân của mình. Sự cấu tạo một nền dân chủ đích thực bắt nguồn từ đây vì sự học hỏi và thực tập dân chủ đã được diển ra phần lớn trong khu vực, trong môi trường chủ yếu này.
Giữ một trọng trách trong chính quyền, tham dự chính phủ, là làm chính trị bởi sự san sẻ quyền hành và thụ lãnh trách nhiệm trước những cơ cấu đại diện quốc dân. Nói chung, khi con người đã tiến đến thời kỳ tổ chức sinh sống thành một cộng đồng một xã hội, một quốc gia thì hầu hết đều tham gia chính trị để góp phần của mình vào sự tồn tại và phát triển của quốc gia mình. Tham gia tích cực, tham gia với ý thức sâu xa hay nhiều lúc tham gia mà không biết hay không cần biết mình tham gia vì trong nhiều trường hợp một sự tán đồng hay bất đồng, hay ngay cả sự giử im lặng trước một hành vi một sự cố xảy ra trong nước hay trong thế giới đã là một thái độ chính trị, nghĩa là một sự tham gia ở một mức độ nào đấy, công khai hay âm thầm, lặng lẽ.
Bên cạnh sự tham gia chính trị của đại đa số, cố nhiên còn lại những người không muốn “dính” đến, không muốn liên hệ đến bất cứ việc gì ngoài chuyện “làm ăn” sinh sống của họ và chủ trương đóng kín cửa với thế giới bên ngoài. Họ chỉ cần sống với họ trong cái võ ốc mà họ tin là kiên cố, mặc cho “thời tiết“ xã hội, chính trị bên ngoài đổi thay sau bức tường cách nhiệt mong manh, giả tạo. Trong cái thế liên lập (interdépendance, interdependence) của các quốc gia ngày nay, một nước không thể tự tách riêng ra để tồn tại một mình được thì một cá nhân càng không thể tự giam mình trong cái vũ trụ tí hon của mình được. Vươn ra khỏi cái phạm vi hạn hẹp của mình, kết hợp với xã hội chung quanh mình, san sẻ những mối lo chung, những hy vọng chung, thực hiện những dự án, những công cuộc lợi ích chung, chia xẻ những ngọt bùi chung, đấy là tham gia chính trị, làm chính trị. Và chính cái năng lực chính trị tổ chức được thành xã hội, thành quốc gia đã tạo nên sự phân biệt lớn lao giữa con người và con vật dù cả hai đều là những sinh vật, một thời xa xưa trong tiền sử không khác gì nhau mấy.
Thế nhưng, qua bao nhiêu thời đại, từ khi ý thức chính trị còn sơ đẳng cho đến khi phát triển đến cao độ, sáng tạo nên những qui luật trị nước an dân thì bên cạnh những người làm chính trị tốt có lý tưởng, năng lực và đạo đức đã góp phần vào những công trình xây dựng nên sự hưng thịnh của quốc gia, phúc lợi cho thế giới thì cũng không thiếu những chính trị gia hoạt đầu, những kẻ lợi dụng lòng tin của dân chúng gởi gắm nơi mình, những kẻ dùng bạo lực tranh đoạt quyền thế hảm hại đồng bào, những kẻ dùng tà thuyết lường gạt nhân dân, những kẻ bất lương tham nhũng hợp tác với những kẻ tòng phạm “không làm chính trị“ nhưng biết làm tiền bằng mọi cách kể cả bán rẻ lương tâm và danh dự.
Từ xưa đến nay, từ Âu sang Á, ở các nước độc tài cũng như ở các nước dân chủ, phường chính trị gia kể trên không thiếu. Đành rằng trong nghề nào và ở bất cứ đâu cũng có “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng con sâu trong nồi canh chính trị càng lớn mạnh, hậu quả càng tai hại cho một xã hội, một quốc gia. Thành kiến bất lợi của một số người dành cho người làm chính trị và cho cả việc chính trị theo nghĩa họ hiểu, bắt nguồn một phần lớn từ loài sâu bọ này.
Nhưng không phải vì hiện tượng sâu bọ này mà sự tham gia chính trị, sự dấn thân chính trị giảm bớt hào quang, một vầng hào quang kết hợp bằng lý tưởng phục vụ công ích, bằng sự chấp nhận và thực thi những dòi hỏi khắt khe về đạo đức, bằng những nỗ lực làm việc và phục vụ một chính nghĩa, bằng những đóng góp và hy sinh vật chất và tinh thần, bằng sự chấp nhận những hiểm nguy không thiếu, tất cả cho sự thành công của một đại cuộc. Tham gia chính trị, làm chính trị là chấp nhận một thách đố chống nghịch cảnh, vượt ra khỏi cái tôi nhỏ bé của cá nhân mình, hoà mình với mọi người để cùng nhau phục vụ cho cộng đồng, cho xứ sở của mình, cho thế giới mà mình và đất nước của mình phải là một thành phần xứng đáng và hửu ích có khả năng mang lại phần đóng góp chứ không chỉ ngửa tay xin xỏ suốt đời.
Tham gia chính trị, làm chính trị là tự ý gánh lấy một phần trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc, chống lại thái độ đứng ngoài cuộc, đóng vai trò “quan sát viên vô tư “ trong lúc đối tượng được quan sát chính là xứ sở, quê hương mình đang ở trong cơn hoạn nạn và đang khẩn thiết cần đến mình để vượt thoát và vươn lên.
Lâu trước 1975, trong thập niên năm mươi, thành phần“trùm chăn này“ đã được ngụy trang dưới nhiều hình thức để che đậy sự nhát sợ của một số người, làm giảm thiểu phần nào khả năng chống Cọng để bảo vệ tự do lúc bấy giờ. Họ không thích cộng sản, họ lo sợ cộng sản chiếm hết Miền Bắc (trước hiệp định Genève tháng 07, 1954 lực lượng Cộng sản còn được gọi là Việt Minh chỉ chiếm giữ một phần lãnh thổ ở thôn quê và một số ít tỉnh ở Miền Bắc và Miền Trung) và Miền Nam Việt Nam nhưng họ không tham gia chính trị vì sợ mang màu sắc chống Cộng, có thể bịết đâu một ngày nào đấy bị trả thù. Tiếc thay cho họ, sự khôn ngoan và phòng xa chu đáo không giúp họ tránh khỏi cảnh ngộ chung của toàn dân, năm 1954 đất nước phân đôi, một triệu người di cư từ Bắc vào Nam và từ tháng tư đen năm 1975 hàng triệu
III – Chính trị với người Việt ở hải ngoại.
Khi nói với người Việt ở hải ngoại về vấn đề này, tôi muốn ám chỉ tất cả những người gốc Việt hiện ở ngoài Việt Nam, dù họ mang quốc tịch nào, miễn là họ còn tưởng nhớ đến quê hương, trung thành với nguồn gốc và còn ấp ủ trong lòng tình đồng bào Việt Nam ruột thịt. Và cũng trong phạm vi mở rộng của vấn đề “ làm gì cho quê hương“, tôi sẽ không phân biệt những người ra đi trước hay sau 1975 vì những lý do có thể giống nhau , có thể khác nhau tùy theo hoàn cảnh, tùy theo trường hợp của mổi người, mổi gia đình, và tùy theo tình thế biến chuyển không ngừng của đất nước trong hơn nửa thế kỷ khổ nạn với mấy lần vật đổi sao dời.
Lắm lúc trong một cuộc đời, người ta không làm chủ được số phận của mình. Nhưng điều quan trọng là cố gắng tối đa, không vội nản lòng trước khó khăn trở ngại, không chỉ biết lo cho mình mà còn phải san sẻ nổi lo chung của dân tộc.
Tôi muốn dành vài hàng ngắn ngủi để nhắc lại sơ qua một việc nhỏ nhưng có ý nghĩa tương tự như câu chuyện ngày hôm nay, tại mục này: chính trị với người Việt ở hải ngoại. Hoàn cảnh có khác nhau và nhiều năm tháng đã trôi qua nhưng câu chuyện như mới diễn ra ngày nào vì nhiều người trong cuộc vẫn còn đây như giáo sư Lê Mộng Nguyên và nơi hội họp vẫn còn đó, nguyên vẹn ở đường Monge, quận 5 thành phố Paris. Tôi đến thủ đô nước Pháp một ngày đầu thu 1959, chỉ một mình sau khi phái đoàn Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa mà tôi là một thành viên rời Nhã Điển (Athènes) thủ đô của Hy Lạp và hội nghị Liên Hiệp Quốc Tế Nghị Sĩ vừa bế mạc. Mục đích duy nhất là nói chuyện, đúng hơn là tranh luận, với sinh viên Việt Nam mà một số đáng kể là thân Cộng hay đảng viên cộng sản thật sự trong tổ chức Liên Hiệp Việt kiều. Thời ấy, các sinh viên này rất hung hãn nhất là đạo luật về an ninh quốc gia vừa được ban hành ở Miền Nam để trừng trị các hoạt động phá hoại, khủng bố. Mặt Trận giải phóng Miền Nam thành hình sau đấy. Công tác này chỉ là một sáng kiến của tôi, một hành động tự nguyện và được Tổng thống Ngô Đình Diệm chấp thuận. Tôi muốn thực hiện một cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa những người Việt ở trong nước và ngoài nước, đặc biệt giữa những người trẻ dấn thân ở bên này và bên kia chiến tuyến, với sự mong ước, có lẽ là tham vọng, thuyết phục những người trí thức trẻ tuổi đang nghiêng về phía bên kia trở về với chính nghĩa quốc gia, trở về với lý tưởng tự do dân chủ.
Còn là một thanh niên chưa đến ba mươi tuổi lớn lên giữa thời tao loạn, tôi đã và đang làm nhiều nghề (giáo sư, luật sư, chủ bút và chủ báo,….) và cũng đã trải qua nhiều thử thách, tù đày, gian khổ. Có lẽ nhờ vậy chăng mà tôi đã quen và vẫn muốn đương đầu với nghịch cảnh thay vì tránh né khó khăn miễn là phục vụ được lý tưởng của mình.
Sau khi đắc cử Dân Biểu quốc hội và được bầu vào các chức vụ Phó Trưởng Khối Liên Minh Xã Hội (từ năm thứ hai của pháp nhiệm, tôi làm Trưởng Khối) và Chủ Tịch Ủy Ban Lao Động- Xã Hội-Y Tế ( từ năm sau, tôi lần lượt giử chức vụ Chủ Tịch các Ủy Ban Nội Vụ, Quốc Phòng), tôi nhận thấy cần thừa dịp phó hội ở Hy Lạp,sang thẳng Paris để thực hiện một công tác “giải độc” ở hải ngoại chắc chắn không phải là dễ dàng vì ai cũng biết nơi đây là trung tâm hoạt động mạnh nhất của Cộng sản Việt Nam ở Âu Châu, đặc biệt của giới sinh viên và thợ thuyền Việt kiều trong tổ chức Liên Hiệp Việt kiều thời ấy.
Tôi đã thảo luận công khai, trực tiếp với các sinh viên đủ mọi thành phần, quốc gia, thân Cọng, cộng sản thực sự, thảo luận mọi vấn đề liên quan đến tình hình đất nước, đời sống của sinh viên, thảo luận trên căn bản mà tôi đề nghị: quyền lợi chung của xứ sở và tình tự dân tộc. Vì giới hạn của bài này và vì không phải chổ nên tôi không thể kể lại chi tiết ở đây nhưng có thể tóm tắt là buổi họp rất sôi nổi, “phe “ thân Cộng và Cộng không áp đảo được như họ vẫn thường làm trong các vụ hội thảo mà cuối cùng họ chịu lặng im thấy rõ.
Đại Sứ VNCH, bác sĩ Phạm khắc Hy mời tôi ở lại Pháp ít lâu để tổ chức những buổi thảo luận tương tự ở các tỉnh nhưng tôi phải về nước vì nhiều công việc đang chờ đợi tôi.
Bao nhiêu nước đã chảy qua dưới cầu từ độ ấy. Một cuộc đổi đời đã diễn ra. Ngược lại với sự thay đổi vị thế trong nước mà anh bộ đội ở rừng rú và tên cán bộ công an nằm vùng ở Sài gòn đã trở thành cảnh sát chỉ đường giao thông của thành phố tạm thời mang tên “bác", tại hải ngoại, trên toàn khắp thế giới, con cháu của “ bác” biến đâu mất, kể cả các đại diện ngoại giao cũng núp lén cố thủ trong các công ốc của nhiệm sở.
Họ cẩn thận tránh né cũng phải vì ba triệu người Việt ở khắp nơi không thích họ, nhiều người còn hận thù, chuyện rủi ro có thể xảy ra cho họ nếu ai đó thổi mạnh hòn than đỏ ấp ủ dưới lớp tro tàn mỏng manh. Mất chính quyền, mất chủ quyền ở trong nước bởi bạo lực của một cuộc xâm lăng trắng trợn, ngược lại ở ngoài nước, dân Việt Nam đã thành công lớn, đã thắng lợi lớn trong cả hai phạm vi tinh thần lẫn vật chất.
Từ Mỹ Châu, Úc Châu đến Âu Châu, Á Châu, cộng đồng người Việt quốc gia đã hiên ngang công khai làm sáng tỏ trở lại trước công luận thế giới, chính nghĩa của cuộc đấu tranh bị hiểu lầm và bị xuyên tạc trước đây bởi đạo quân thứ năm của cộng sân quốc tế, bởi những trí thức và ngụy trí thức tả khuynh ở Tây phương, đặc biệt trong giới truyền thông đại chúng, báo chí và truyền hình của Hoa kỳ, của Tây Âu, nghĩa là của cái được mệnh danh là Thế giới Tự do (!) thời bấy giờ.
Tại Hoa Kỳ, lần lượt gần bảy-mươi thành phố ở khắp các vùng trong Liên bang chính thức công nhận lá cờ quốc gia Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của cộng đồng người Việt trong lúc vài thành phố quan trọng có đông người Việt ở Nam California quyết định không bảo đảm an ninh cho các viên chức của chính quyền Hà Nội mà họ khuyến cáo không nên lai vãng đến. Hành động có ý nghĩa đặc biệt này quả thật là hiếm hoi trong lịch sử bang giao quốc tế mà Hoa Kỳ muốn dành cho người Việt định cư trên đất nước của họ để bày tỏ sự tôn trọng của họ đối với sự lựa chọn chính trị hàng đầu của người Việt bất chấp qui lệ nếu không phải là qui ước ngọai giao.
Cộng đồng người Việt mà đại đa số là đồng bào tỵ nạn cộng sản và con cháu của họ, lớn lên hoặc sinh trưởng tại hải ngoại, đã thành công rực rỡ trên đất tạm dung. Tư cách, tài năng của người Việt đều được công nhận khắp nơi. Tỷ lệ học giỏi ở trung học và đại học ở Hoa Kỳ cũng như ở Âu Châu ngang với hoặc cao hơn tỷ lệ của dân bản xứ trong lúc tỷ lệ tội phạm ít hơn hẳn so với mọi sắc dân khác. Khoảng ba trăm ngàn chuyên viên đủ ngành đang hoạt động, lợi nhuận tương đương với dân bản xứ cùng trình độ.
Nhưng một điểm đáng chú ý- và cũng là một vấn đề cần xét lại – là trong năm vừa qua người Việt ở hải ngoại đã gửi hoặc mang về nước ba tỷ đô la Mỹ, bằng tổng số ngoại viện và quan trọng hơn nữa là bằng tiền mặt. Riêng khu vực thành phố Sài – gòn củ đã chiếm hơn một tỷ tám trăm triệu. Một vấn đề cần xét lại vì ngoài những trường hợp trợ giúp nhân đạo hay bà con, bạn hữu túng thiếu cần giúp đỡ, chúng ta không thể cung ứng phương tiện nuôi dưỡng một chế độ độc tài, độc đảng, tham ô nhũng lạm, áp bức, bất công, Một chế độ đang bị thế giới văn minh lên án, môt chế độ mà chính những người cộng sự còn lương tri, những nhà trí thức trong nước, những cựu đảng viên cộng sản cao cấp đã thức tỉnh, những nông dân nghèo khổ ở châu thổ sông Hồng, những đồng bào sắc tộc ở Cao Nguyên thậm chí đến những chiến binh đã chiến đấu hy sinh cho chế độ suốt một cuộc đời, tất cả đã chống đối công khai, không sợ hãi, không lùi bước. Vì tất cả đã đi đến giới hạn cuối cùng của khả năng chịu đựng, của sự nhẫn nhục và trên hết, vì tất cả đã nhận thức nguy cơ của một quốc gia đang thoái hóa với các giá trị tinh thần đạo đức truyền thống của dân tộc bị suy sụp trước sự đăng quang thách thức của thế lực kim tiền,, một thứ kim tiền thủ đắc một cách bất chính và bất lương trên thảm cảnh của đại đa số sống chật vật dưới rất xa mức nghèo khổ.
Đồng bào chúng ta ở hải ngoại lẽ nào làm ngơ trước đồng bào ruôt thịt trong nước đang bị gọng kềm của chế độ xiết chặc, lẽ nào im lặng trước những người bất chấp đe dọa hiểm nguy đang đứng lên tranh đấu cho tự do, dân chủ và quyền sống xứng đáng của con người.
Con người của thế kỷ hai-mươi-mốt mà đời sống đang được phát triển toàn diện, tinh thần và vật chất, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới ngày nay, con người mà dân Việt đang mơ ước và có quyền mơ ước được như vậy. Chính bạn ở hải ngoại là con người ấy mà đồng bào ruột thịt của bạn ở quê hương đang mơ ước.
Bạn đang ở Hoa Kỳ, nước giàu mạnh nhất thế giới, với tổng sản lượng nội địa tính theo đầu người (produit intérieur brut par personne PIB – gross domestic product per capita GDP) là 44.469 đô-la hay 34.207 euros tinh theo mãi lực (parité du pouvoir d’achat PPA , purchasing power parity PPP), bạn đang ỏ Âu Châu, khu vực đồng euro với 31.035 đô-la Mỹ hay 23.874 euros theo những con số chính thức vào tháng giêng 2005 của những cường quốc phát triển nhất. Trong cùng lúc, bà con của bạn ở quê nhà có lợi nhuận trung bình một năm tính rộng nhất vẫn dưới 500 đô - la Mỹ, thấp khoảng sáu lần lợi nhuận trung bình của người dân Thái Lan kế cận và thấp hơn nhiều lần nữa so với lợi nhuận của người dân Đại Hàn, Đài Loan, khỏi phải sánh với ngưòi dân xứ Hoa Anh Đào mà lợi nhuận (33.165 đôla Mỹ) cao gấp bảy-mươi lần lợi nhuận của dân ta ! Cùng một giống người “da vàng mũi tẹt”, cùng sinh sống trên miền Đông Á, họ đã vượt Việt Nam ngày nay quá xa trên mọi lãnh vực, văn hóa, chính trị, khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội …và không một ai trong bọn họ muốn tranh dành cái “đỉnh cao của trí tuệ loài người “ mà các vị lãnh đạo Cộng sản Bắc Việt đã, không cười rởn và rất nghiêm chỉnh, tự gán cho mình vào cuối thập niên bảy-mươi khi họ hoàn tất sự nghiệp cách mạng vĩ đại đưa dân tộc Việt Nam trở về thời đại đồ đá!
Từ cái hố sâu xa cách lợi nhuận thăm thẳm này, chúng ta không còn phải ngạc nhiên trước tình trạng cơ cực của đại đa số đồng bào ở khuất lấp trong nông thôn và trong xó hẻm của các đô thị. Một tình trạng không thể che đậy được bởi cái bề ngoài hào nhoáng và đồ sộ của các khách sạn quốc tế, những tiệm ăn sang trọng mùi vị thơm ngon, những khiêu vũ trưòng rực rỡ ánh đèn màu, tất cả dành cho người ngoại quốc , một số ít Việt kiều giàu có về thăm quê (số đông không đến được những nơi này vì quá đắt ngay đối với họ) và đặc biệt cho các nhà “tư bản đỏ “, cán bộ cao cấp của “đảng ta “ và những kẻ làm ăn với chúng. Trên vỉa hè trước mặt, các em bé đang tranh nhau xin tiền và xin ăn chút dư thừa! Xa hơn, kín đáo hơn, các em bé khác đang phải bán mình để nuôi thân và nuôi cha mẹ, những bậc sinh thành đã không tìm ra được việc làm để nuôi con, đành phải ăn vội bát cơm chan nước mắt tủi nhục với con, căm hờn với chế độ đã tạo nên cuộc đổi đời nhục nhã, tang thương này. Xa hơn nữa, ở nước láng giềng Căm-Bốt, có những em bé Việt mới tám tuổi hoặc lớn hơn nhưng vẫn còn vị thành niên đã được cha mẹ bán đi hoặc đưa đến đây hiến dâng trinh tiết rồi hành nghề mãi dâm để nuôi gia đình. Và càng xa hơn nữa, ở tận Trung Đông, ở Đông Âu, ở tận Đại Hàn, Đài Loan v.v….nhiều bà mẹ Việt Nam đã được xuất cảng lao động đến đấy để làm người giúp việc ở tư gia, một số còn bị lợi dụng tình dục, đau xót tủi nhục đến tột cùng, thương nhớ chồng con không kể xiết nhưng họ không còn sự lựa chọn nào hơn giữa ra đi để kiếm sống, và ở lại để cả gia đình cùng khốn đốn vì khó kiếm được việc làm. Người phụ nữ Việt lại còn phải trải qua những ngày đen tối khác khi nhiều thiếu nữ vì nghèo khổ phải chấp nhận lấy chồng để cha mẹ được một số tiền nhỏ - vài trăm đô la Mỹ- rồi theo chồng về Trung Hoa hay Đài Loan sống như tôi tớ trong nhà chồng hoặc trong một số trường hợp bị ép làm những điều đồi phong bại tục.
Tình trạng chính trị , kinh tế, xã hội, vừa được tóm lược không phải để bêu xấu một chế độ vì chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã không thể dấu diếm che đậy gì được nữa mà chỉ để nhắc nhở và kêu gọi đồng bào Việt ở hải ngoại làm một cái gì cho quê hương, cho đồng bào ruột thịt trong nước, cho tương lai của dân tộc.
IV - Chúng ta không thể làm ngơ được nữa.
Cùng nhau chúng ta phải chung sức vận dụng khả năng tối đa của mình để tranh đấu cho sự phục hồi tự do, dân chủ, cho sự tôn trọng nhân quyền, cho sự tôn trọng tự do tín ngưỡng và hành đạo của các tín đồ, hoàn trả vô điều kiện tài sản của tất cả các giáo hội Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Phật Giáo Hoà Hảo, Cao Đài Giáo, Đạo BàLa Môn …
Chúng ta phải tranh đấu tại hải ngoại bằng mọi cách hửu hiệu nhất, công khai hay tiềm ẩn, trực tiếp hay gián tiếp,cả bề rộng lẫn bề sâu,để công luận thế giới công khai nhìn nhận tình trạng của một dân tộc tám-mươi triệu người bị khống chế và đàn áp bởi một chế độ độc tài, độc đảng xây dựng bằng bạo lực, một dân tộc trong suốt ba mươi năm nay, kể từ ngày Cộng sản Bắc Việt thôn tính Miền Nam Việt Nam, không được biết một cuộc bầu cử tự do và trung thực nào cả. Một sự nhìn nhận và theo dõi của thế giới, tạo áp lực mạnh trên chế độ, mở đường lúc cần thiết cho một sự can thiệp như thế giới đã từng can thiệp và sẽ can thiệp ở nhiều nơi mà dân chúng trong nước bị đàn áp bởi chính quyền của nước họ.
Chúng ta phải hổ trợ tối đa các hoạt động của đồng bào trong nước đòi hỏi tự do, dân chủ, đặc biệt của những nhà trí thức, những người cộng sản củ đang thất vọng và phẫn uất với chế độ đã phản bội họ, những nông dân ở Miền Bắc đã đứng lên chống lại cán bộ cướp ruộng, cướp đất của họ và đánh đuổi bọn Công An đến giải tán họ.
Trước cái khí thế đáng khâm phục của đồng bào đang dâng lên chống lại cường quyền, chúng ta phải ngăn tránh mọi hành động vô tình hay gián tiếp tiếp tay củng cố một chế độ đã và đang tận tình khai thác cái thân thể đã héo mòn và suy nhược của Đất Nước cho cái túi tham không đáy của những kẻ cầm đầu và thừa hành của chế độ.
Chúng ta không để cho Cộng sản Hà Nội biến chúng ta thành một loại con tin chỉ vì chúng ta muốn về thăm quê hương. Nếu vì những lý do gia đình hết sức đặc biệt mà phải về trong một thời gian ngắn thì mổi một người trở về ấy phải tìm mọi cách thuận lợi và hửu hiệu nhất để thông báo cho đồng bào trong nước biết rằng nhiều cường quốc và lực lượng dân chủ trên thế giới đang tố cáo và cảnh cáo nghiêm khắc chính phủ Hà Nội về những chánh sách và hành động thô bạo vi phạm dân quyền và nhân quyền, kiểm soát chặc chẻ và đàn áp các tôn giáo. Các cường quốc và lực lựng dân chủ này đứng đầu là Hoa Kỳ sẽ không ngần ngại tiếp tay hổ trợ cho các dân tộc đứng lên tranh đấu cho tự do dân chủ của họ như Tổng Thống Georges W. Bush đã tuyên bố long trọng để mở đầu nhiệm kỳ thứ hai này của ông.
Hơn bao giờ hết, đồng bào Việt ở hải ngoại phải đóng góp công của, năng lực, tài trí của mình vào sự nghiệp xây dựng một vận hội mới tự do, dân chủ, hoà bình và tiến bộ cho Quê Hương .Hơn lúc nào hết, chúng ta phải cảnh giác trước các mưu mô, các thủ đoạn của Cộng đảng nhằm lung lạc tinh thần, chia rẻ hàng ngũ chúng ta.
Chính nghị quyết hớ hênh số 36 của bộ Chính trị Cộng đảng Hà Nội đã tự vạch trần các âm mưu ấy khi đưa ra những luận điệu tuyên truyền nịnh bợ rẻ tiền đối với Việt kiều đồng thời xen lẫn một lời hù dọa trẻ con lỗi thời và lạc chổ với những người chống lại họ đang ở nước ngoài và là công dân của các nước ấy ! Và rất đỗi lạ lùng khi họ đòi giúp đỡ cho Việt kiều , hầu hết ở Âu Mỹ, nơi mà người dân có lợi nhuận trung bình từ sáu-mươi-lăm đến một trăm lần nhiều hơn lợi nhuận của đồng bào ta ở quê nhà, mà Đảng ta và Nhà Nước ta không hề đếm xỉa đến và đành đoạn bỏ quên.
* * * * *
V - Nói với thế hệ trẻ, con cháu Lạc Hồng
Trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, ngoài sự thành công của các bậc cha anh, thế hệ trẻ trên dưới ba mươi đã làm rạng danh cho dân tộc Việt ở Âu Châu cũng như ở Mỹ Châu, Úc Châu trên phương diện học vấn và cũng đã hội nhập khá dễ dàng các quốc gia nơi họ trưởng thành.
Tôi muốn nói thêm vài lời với các bạn trẻ ấy, với thế hệ lớn lên hoặc sinh trưởng ở hải ngoại. Nói thêm vì các cháu chưa biết nhiều hay chỉ biết quê hương qua những tin tức của báo chí và cac phương tiện truyền thông khác, qua những lời kể lại của những người nào đấy, cố nhiên với những nhận định của họ, có thể phản ảnh đúng sự thật, có thể không vì thiếu tính khách quan. Hoặc có thể các cháu có về thăm quê hương nhưng chưa đi đến nhiều nơi trong nước mà chỉ có thì giờ thăm vài thắng cảnh, vài di tích lịch sử, thăm bà con và sống vài hôm ở vài đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn, v.v ... Nhưng các cháu không có đủ thì giờ và người hướng dẫn để quan sát tận nơi và nhiều nơi, đời sống thực, kham khổ, của nhiều giới đồng bào, xa cách và tương phản với cảnh tượng phồn hoa, thịnh vượng giả tạo, bề ngoài, phô trương lố bịch như một sự thách thức không kiềm chế và kiêu căng đối với thân phận hẩm hiu của đại đa số, của quảng đại quần chúng , nghĩa là của hơn bảy-mươi triệu người tức hơn 87 % tổng số dân tám-mươi triệu người trong nước.
Mười triệu người may mắn hầu hết ở thành thị, một ít ở nông thôn, gồm ở đỉnh cao nhất, giới “tư bản đỏ “ giàu từ vài chục triệu đến nhiều trăm triệu đô la Mỹ. Các nhà tư bản này là các cấp lãnh đạo đảng Cộng sản và Nhà Nước, các cán bộ có quyền thế và đía vị trong suốt hệ thống dọc và ngang của chính quyền và trong các xí nghiệp quốc doanh. Bên cạnh tư bản đỏ là giới tư bản “vòng ngoài” chỉ đường mách nước, cộng tác làm ăn chia phần, cũng giàu có như tư bản đỏ.
Không như các cháu ở nước ngoài phải cố gắng học hành,xin trợ cấp, học bổng, vay mượn và nhiều lúc phải làm việc thêm đặng có đủ tiền “ăn học“ở bậc đại học, không thiếu các con cháu của các nhà tư bản nói trên đang ở bậc trung học phổ thông đã được gửi đi du học ở Âu Mỹ, tiêu xài không giới hạn, vượt hẳn con nhà giàu ngoại quốc, như muốn trả thù cho thời kỳ bố mẹ còn là vô sản thứ thiệt, một thời kỳ mà họ không dám nhắc đến nữa vì sợ bị các đồng chí củ lên án phản bội lý tưởng và bỏ rơi hàng ngủ !
Trong lúc ấy, tại Thái Bình ổ Miền Bắc, Quảng Nam ở Miền Trung, Cà Mâu ở tận cuối Miền Nam và khắp các nơi khác, nhiều chục ngàn em bé đang còn ở bậc tiểu học đã phải bỏ học trong niên khóa 2004-2005 này vì cha mẹ các em không “ chạy “ ra tiền để đóng góp cho trường!
Các cháu đang ở kinh đô ánh sáng Paris, các cháu đang làm việc ở trong một toà nhà chọc trời lộng lẫy ở New York hay Chicago , làm sao các cháu quên đành đi được các em bé đáng thương này và các em bé khác đang ăn xin trước các khách sạn, đang chạy theo xin tiền các du khách hay đang bán thân để nuôi cha mẹ già như đã kể trên. Cũng như các cháu, các em bé bất hạnh này mang cùng với cháu, với tất cả cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, một giòng máu Lạc Hồng, nhưng vận số rủi ro đã để các em ra đời dưới bầu trời xã hội chủ nghĩa của quê hương.
Nhiệm vụ của tất cả chúng ta, cao niên, trung niên và thanh nữ, thanh niên như các cháu là phải góp phần tích cực và đắc lực vào công cuộc tìm kiếm và thực hiện một giải pháp khả dĩ mang lại tự do, dân chủ cho đất nước, mở đường cho một vận hội mới tươi sáng cho toàn thể dân tộc.
Không có một cơ hội nào thuận lợi hơn, không có một vinh dự nào xứng đáng hơn là được cống hiến mọi nỗ lực và khả năng của chúng ta vào sự nghiệp lớn lao này, vào lúc này, khi mà trong nước cũng như ở khắp thế giới những huyền thoại về Hồ Chí Minh, về chiến tranh
chống Mỹ, chống tư bản đế quốc, về thiên đàng hứa hẹn của Đảng v.v ... đã sụp đổ và tan biến như một luồng gió độc thổi qua và những sự thật của lịch sử đã được phơi bày và kiểm chứng mà không còn ai chối cải được nữa , và đặc biệt hơn nữa, khi mà giờ đây diễn biến hoà bính đang chuyển động mạnh, sẽ dẫn đến mục đích cuối cùng: dân chủ hoá nước Việt Nam.
Ngoài việc lo cho đời sống cá nhân và gia đình, mổi một chúng ta vẫn có thể luôn luôn vươn mình lên để theo đuổi và thực hiện một lý tưởng cho cuộc đời , và còn lý tưởng nào cao đẹp hơn, thiết thân hơn, thiêng liêng hơn là phục vụ cho quê hương, cho giống nòi của mình. Trưởng thành xa tổ quốc, các cháu sẽ gặp được nơi môi trường phục vụ này những cơ hội gần gủi với nguồn gốc, xa tránh được nổi lo âu lạc mất căn tính (perte d’identité, loss of identity) điều mà bất cứ ai lớn lên ở xứ lạ quê người cũng có thể cảm nhận một ngày nào đó khi bơ vơ như lạc lỏng giữa những người có thể là bạn bè gần gủi nhưng màu da, chủng tộc khác nhau chưa kể phong tục tập quán nhiều lúc không giống nhau và chắc chắn không cùng một ngôn ngữ.
Tiếp đến nhưng chưa phải là lý do cuối cùng, từ phương vị một chuyên viên dù tài giỏi chăng nữa nhưng luôn luôn thúc thủ trong địa hạt chuyên môn của mình ở nước ngoài mà người tài không thiếu trong các quốc gia phát triển, các cháu có thể trở thành những thành phần quan trọng trong việc tái thiết và hiện đại hóa xứ sở, trở thành những nhân vật góp phần hoạch định các kế hoạch, các chính sách của Nhà Nước Việt Nam tương lai, và biết đâu, và tại sao không, trở thành những người lãnh đạo của một Nhà Nước mà các cháu và cha,mẹ, anh, chị, em của các cháu sẽ cùng đồng bào trong nước đứng lên xây dựng trong tiến trình dân chủ hóa quê hương, một tiến trình đang được đẩy mạnh và không một thế lực nào ngăn cản được.
Dân số Việt Nam đã bắt đầu vượt quá tám-mươi triệu. Nếu được dân chủ hoá, hiện đại hoá, canh tân hóa, lành mạnh hóa, nếu được lãnh đạo bởi những người yêu nước, thương dân, có khả năng, có đức độ, chắc chắn quê hương của chúng ta sẽ chiếm được một địa vị xứng đáng trong cộng đồng các nước văn minh tiền tiến trong thế giới.
Các cháu phải tham dự, phải dành chổ trong cuộc hành trình về nguồn và hướng tới bến vinh quang này, một cuộc hành trình đòi hỏi nhiều nỗ lực nhưng đầy phấn khởi và chứa chan hy vọng ở tương lai.
Hẵn nhiên, các cháu tiếp tục như thường lệ công việc nghề nghiệp của mình tại quốc gia các cháu đang cư ngụ cho đến ngày các cháu tự quyết định lấy tương lai theo tình hình mới của quê hương. Nhưng giờ đây, sự tham gia hoạt động chỉ đòi hỏi ở các cháu quyết tâm đóng góp tài trí và tâm huyết của các cháu vào công cuộc chung của những người muốn biến đổỉ hiện trạng của nước nhà bằng một đường lối tranh đấu quả cảm, kiên trì, bằng những phương thức dân chủ công khai trước thế giới đang nhìn thẳng vào Việt Nam và sẵn sàng hổ trợ khi cần thiết.
Các cháu không thể giam giữ tuổi trẻ của mình trong cái vỏ ốc nhỏ bé để hưởng thụ và tự mãn với vài tiện nghi vật chất rồi chôn vùi cả cuộc đời như một kẻ vô danh lạc lõng trong cái xã hội mà các cháu đã hội nhập.
Đã đến lúc các cháu phải lựa chọn giữa một cuộc đời tầm thường và phí phạm như vậy và một cuộc đời hào hứng, đầy ỳ nghĩa và hữu ích cho các cháu, cho quê hương của các cháu, một cuộc đời mà các cháu có quyền hãnh diện và có thể mang lại vinh quang xứng đáng cho chính các cháu.


* * * * *
Làm chính trị, tham gia chính trị hay không, giữa lúc quê hương đang chờ đợi ?

Thiết tưởng chúng ta đã trả lời minh bạch.

Câu trả lời của những người Việt ở hải ngoại mà tâm tư luôn luôn hướng về quê hương, đất tổ, với niềm tin bất diệt ở một tương lai sáng lạng của nước Việt Nam tự do, dân chủ, hòa bình, tiến bộ, nối tiếp lại với những truyền thống nhân bản, hòa ái, đạo đức, và quyết tâm mạnh tiến trên con đường canh tân toàn diện sau khi cái vòng ngoặc tai ương của lịch sử được khép lại vĩnh viễn.

Paris, đầu Xuân Ất Dậu, 2005

Lê Trọng Quát

(1) Vài danh từ có nghĩa chuyên môn được dịch kèm theo Pháp ngữ và Anh ngữ thể theo lời yêu cầu của một số độc giả không quen nhiều với các danh từ Hán Việt.

-Xin lưu ý : Nhiều năm đã trôi qua nhưng vấn đề chính yếu trình bày vẫn còn nguyên tính cách thời sự và trong hiện tình ở quê hương, sự dấn thân của mọi người yêu nước, yêu chuộng tự do, dân chủ, đặc biệt các bạn trẻ, cần phải được khẩn thiết đặt ra một cách toàn diện hơn bao giờ cả. Những số liệu ghi trong bài cần được cập nhật theo hiện tại.
Paris, tháng 7, 2013

Phong Trào Dân Tộc Tự Quyết Việt Nam

33  Panorama 95800 Cergy – France – ltqvina@gmail;com – Tél. 01 3422 1861


Kính thưa Ngài Thủ Tướng Canada
Stephen Harber,

Trích chiếu: Lời kêu gọi cho quyền Dân Tộc Tự Quyết Việt Nam.

Kính thưa Thủ Tướng,

Đã hai lần, bức màn sắt rủ xuống Việt Nam.
Lần thứ nhất, tháng 8, 1945, đảng cộng sản Việt Nam đã áp lực Vua Bảo Đại thoái vị khi nhà Vua vừa thu hồi độc lập hoàn toàn cho quốc gia sau khi quân đội chiếm đóng Nhật Bản đầu hang Đồng Minh. Tiếp theo, chiến tranh Việt Nam, thường được gọi là chiến tranh Đông Dương vì lan qua Cam Bốt và Lào, chấm dứt với Hiệp Định Giơ-Neo ngày 20 tháng 7, 1954, chia đôi nước Việt Nam thành hai phần Nam Bắc, ranh giới ở vĩ tuyến 17. Thay vì thành lập một chế độ dân chủ đặng cho dân chúng tham gia tổng tuyển cử thống nhất đất nước chiếu theo Hiệp Định, cộng sản Bắc Việt đã thiết lập một chế độ độc tài kiểu Staline, nhận chìm Miền Bắc Việt Nam trong một biển máu với hơn một trăm nghìn nạn nhân qua một cuộc cải cách ruộng đất dã man, dài nhất trong lịch sử ( 1953-1956).
Gần một triệu người Miền Bắc kinh hoàng đã phải nắm lấy cơ hội đầu tiên do Hiệp Định Giơ Neo cung ứng để vào Nam, tạo thành một cuộc di cư quan trọng nhất chưa từng xẩy ra trong lịch sử nước này. Nhưng cộng sản Việt Nam vẫn chưa thỏa mản tham vọng quyền lực , chuẩn bị ráo riệt cuộc chiến thứ hai với mục tiêu cuối cùng: thôn tính Miền Nam, bành trướng qua Lào và Cam Bốt.Vì vậy, hiệp ước vãn hồi hòa bình đầu tiên đã bị nhanh chóng vi phạm, lôi cuốn dân tộc Việt vào tấn thảm kịch thứ nhì,sẽ kéo dài hai thập niên nữa:1956-1975!
Lần thứ hai, ngày 30 tháng tư 1975, chúng hoàn tất cuộc xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa, dẫm nát Hiệp Định Paris ngày 27 tháng giêng 1973 “ chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình ở Việt Nam” và Văn kiện cuối cùng ( Acte final) ngày 2 tháng 3, 1973 mà chúng đã ký cam kết dưới danh xưng  Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cùng với mười một chính phủ khác – Pháp,Hoa Kỳ, Anh quốc, Nga Sô, Trung Cọng, Gia –Nã –Đại, Ba lan, Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam VN), Nam Dương, Hung -Gia -Lợi, và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ( công cụ của cộng sản Bắc Việt, bị chúng giải tán sau khi thôn tính Miền Nam VN) – với sự hiện diện của Tổng Thư Ký Liên hiệp Quốc, “cam kết bảo đảm chấm dứt chiến tranh, duy trì hòa bình ở Việt Nam, tôn trọng các quyền quốc gia căn bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân Miền Nam Việt Nam, và đóng góp cùng bảo đảm nền hòa bình ở Đông Dương………” Và vì vậy, từ gần bốn mươi năm nay, nhân dân Việt Nam tưởng niệm ngày bi thảm 30 tháng tư 1975, ngày từ đấy xứ sở của họ đã trở thành một nhà tù vĩ đại làm nhớ đến nhà tù – goulag – Nga Sô  của hai thập niên năm mươi, sáu mươi thế kỷ trước. Sau khi “ giải phóng “ Miền Nam, non 500.000 người Miền Nam VN, công chức, quân nhân, y sĩ, ký giả, nhà văn, tu sĩ, của “ chế độ củ” bị tống giam trong khoảng một trăm trại giam mạo danh trại “cải tạo”, nơi mà hàng ngàn người đã chết vì kiệt sức, tra tấn, hành hạ. Thời gian giam giữ lao động khổ sai trung bình từ tám đến mười năm nhưng người chiếm kỷ lục dài hạn là ông Nguyễn Hữu Cầu mới được trả tự do sau ba –muơi - bảy năm tù ! Đứng bên cạnh ông, người tù nổi tiếng Nelson Mandella chỉ là một bóng mờ.
                                           
Cùng lúc, ở ngoài các trại giam, người dân nào cũng có thể bị đánh đập, bắt bớ, giam cầm vì bất cứ lý do nào, dù chỉ nói lên một lời bất đồng ý kiến với một chính sách của chính phủ, của đảng  cộng sản, hay một sự trưng dụng đất đai mà không bồi thường thỏa đáng.
Hàng ngàn vụ như vậy vi phạm trầm trọng các nhân quyền và dân quyền căn bản đã bị các nạn nhân, các tổ chức bảo vệ nhân quyền tố cáo với các chính phủ dân chủ trên thế giới, với Liên Hiệp Quốc, và gần đây với Hội Đồng Nhân Quyền nhưng thật là trớ trêu tột cùng, Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng vừa vào an tọa chính thức trong chiếc ghế của họ trong Hội Đồng ! Sự trả tự do cho vài công dân bị kết tội một cách phi pháp và đã bị giam cầm nhiều năm chỉ nhằm xoa dịu dư luận  quốc tế trong lúc sự đàn áp gia tăng khắp nước. Ai có thể tin rằng những người Việt yêu nước biểu tình chống hành động xâm chiếm của Trung Cọng – chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam  từ nhiều thế kỷ nay – lại bị ngay chính quyền đương hành trừng trị nghiêm khắc ?
                                                    
Quả thật là quá đáng ! Một chính sách khủng bố của Nhà Nước như vậy phải được chấm dứt.Gần khắp nơi trong nước, từ bắc chí nam, nông dân và thị dân, thợ thuyền và trí thức, sinh viên trẻ và cán bộ già cộng sản thức tỉnh,tướng lãnh và sĩ quan hưu trí và thất vọng của Quân Đội Nhân Dân VN, các tu sĩ Phật giáo, Công giáo,Tin Lành, Hòa hảo, Cao Đài, tất cả đều cùng nhau đòi hỏi tự do và dân chủ. Toàn dân Việt Nam nhất quyết hơn bao giờ cả tranh đấu giành lại quyền dân tộc tự quyết thiêng liêng từ tay lãnh đạo cộng sản và sẳn sang chấp nhận mọi hy sinh. Họ dư biết rằng phải đổ máu mới được tự do. Nhưng họ không bao giờ quên rằng các quyền lực  kể trên của thế giới này còn nợ họ sự thực hành lời cam kết trong Hiệp Định Paris “ bảo đảm sự tôn trọng các quyền căn bản của dân tộc Việt Nam, kể rõ: nền độc lập, chủ quyền, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam cùng quyền tự quyết của  nhân dân Miền Nam Việt Nam ……! Một sự cam kết cần phải luôn luôn nhắc lại vì đấy chính là một hiệp ước quốc tế không bị vô hiệu hóa bởi thời gian  (prescription par le temps- statute of time limitation) và Hiệp Định Paris nói riêng không thể  xem là xưa củ ,lỗi thời ( caduc – lapsed ) vì sự đề kháng kiên trì  không ngưng nghĩ của dân chúng Việt Nam trong nước và ở hải ngoại suốt các thập niên qua chống lại bạo quyền cộng sản xâm lược, tố cáo chúng công khai vi phạm trắng trợn Hiệp Định Paris 1973.
Quả vậy, mọi hiệp ước quốc tế phải được tôn trọng, qui luật căn bản của luật pháp quốc tế, nếu không được áp dụng thì thế giới của chúng ta chắc chắn sẽ bị phó mặc cho hổn độn, bất ổn kinh niên, cho lý lẽ của kẻ mạnh áp đảo kẻ yếu đối với cá nhân cũng như các dân tộc.

Kính thưa Thủ Tướng,

Được biết Ngài là một trong những nhà lãnh đạo hiếm hoi cùa thế giới, binh vực các dân tộc bị áp bức  đổng thời là đại diện một quốc gia quan trọng ký kết  Văn kiện cuối cùng ( Acte final) của Hiệp Định Paris 1973, nên với tư cách Quốc – Vụ -Khanh trong Nội Các của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa đã ký kết hai văn bản ghi trên, và thay mặt cho dân tộc khốn khổ chúng tôi, tôi thành khẩn thỉnh cầu Ngài can thiệp mạnh mẻ với các vị lãnh đạo các chính phủ đồng ký Văn  kiện cuối cùng đặng thi hành sự cam kết bảo đảm quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam gồm có, như HĐ và Văn kiện xác định: tổng tuyển cử tự do, dân chủ đặng quyết định thể chế chính trị cho quốc gia, thống nhất xứ sở, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền căn bản của công dân.

Xin Ngài Thủ Tướng thể nhận nơi đây sự tôn kính và lòng tri ân sâu xa của dân tộc Việt Nam chúng tôi.

Pháp Quốc, ngày 1 tháng 12, 2014

TM. Phong Trào Dân Tộc Tự Quyết Việt Nam
                  Chủ Tịch


Lê Trọng Quát
Quóc-Vụ-Khanh Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa Đệ Nhị
Chủ Tịch các Ũy Ban Nội Vụ, Quốc Phòng Quốc Hội VNCH Đệ Nhất

Hội Thẩm Viện Bảo Hiến VNCH Đệ Nhất

Hội Nghị Bàn Tròn về Biển Đông, Hiệp Định Paris 73 và TPP, Phần # 1   


Hội Nghị Bàn Tròn về Biển Đông, Hiệp Định Paris 73 và TPP, Phần # 2




************************************
PHONG TRÀO DÂN TỘC TỰ QUYẾT VIỆT NAM — CƯƠNG LĨNH

Hơn lúc nào hết, Việt Nam đang đứng trước một nguy cơ nghiêm trọng.
Các cuộc gây hấn của Trung Cọng tăng gia trên lãnh thổ và lãnh hải, đặc biệt trên vùng đặc quyền kinh tế, chiếm cứ quần đảo Hoàng sa và một phần quần đảo Trường Sa.
Trên lục địa, từ Bắc chí Nam, từ Cao nguyên Trung Phần đến vùng Duyên hải, các xí nghiệp Trung Cọng phát triển hoạt động, lập thành những cộng đồng tự trị hành chính trên thực tế như họ đang ở trên đất nước họ.
Nhiều chục nghìn mẫu rừng ở những khu vực có tính cách chiến lược vùng biên giới đã được cho họ thuê dài hạn gần cả trăm năm khiến cho những cựu tướng lãnh cộng sản cũng phải lo ngại cho nền an ninh quốc gia.
Nước Việt Nam đã tự đặt mình trong một tình trạng gần như phân chia quyền lực với chúng, tệ hại hơn cả thời triều cống Trung Hoa các thế kỷ xưa và nhắc nhở lại một nghìn năm bị Tàu đô hộ cho đến năm 1428 được Lê Lợi – trở thành  vua Lê của triều đại Hậu Lê – giải thoát sau một cuộc trường kỳ  mười năm chiến đấu oai hùng đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi.
Mưu toan tái chiếm nước ta cũng bị vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ) đánh bại năm 1789, đại quân Thanh – triều đại Mãn Thanh- tan nát. Nhắc lại lịch sử chỉ để nhấn mạnh đến mối đe dọa ngày càng trầm trọng do chính sách bành trướng của Trung Cọng ở Đông Nam – Á, nơi mà nước ta bởi vị trí địa lý có thể trở thành nạn nhân đầu tiên.
Trước tình trạng khẩn trương này, đồng bào ta biểu tình chống lại chúng, đòi hỏi giới lãnh đạo quốc gia phải  bảo vệ hữu hiệu toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng đồng bào đã được chính thức trả lời mà không, phải chờ đợi : một cuộc đàn áp thô bạo.Mọi người đều kinh ngạc bởi thái độ của nhà cầm quyền, một thái độ không  thể hiểu khác hơn là một sự khuất phục hoàn toàn kẻ thù.
Trong lúc ấy, bộ máy Nhà Nước tiếp tục khống chế dân chúng, chà đạp các dân quyền và nhân quyền căn bản.Tệ nạn tham nhũng vẫn được hệ thống hóa, hố sâu được đào sâu hơn giữa những nhà « tư bản đỏ », triệu phú, tỉ phú đô la Mỹ, và các tầng lớp nông dân, thợ thuyền sống dưới mức nghèo khổ, các thị dân không có việc làm khốn cùng, tuyệt vọng.
Nền kinh tế quốc gia được tóm thu thành một nước cung cấp nhân công rẻ tiền may quần áo và đóng giày cho các nhà đầu tư ngoại quốc trong lúc các nước dân chủ trong vùng Đông Á đã thực hiện những bước tiến vượt bực đến tương lai như Thái Lan, Tân- Gia- Ba, Mã –Lai, không kể Nhât bản, Đại Hàn đã được liệt vào những nước phát triển lớn của thế giới. Giữa Việt Nam ngày nay – một thời được gọi là Hòn ngọc Viễn Đông – và những nước láng giềng không cộng sản, sự so sánh thật não lòng : áp bức và nghèo khổ ở nước ta, dân chủ và thịnh vượng ở nước bạn!
Chúng tôi, những người yêu nước, yêu dân chủ ở hải ngoại, cương  quyết và liên đới kết hợp với đồng bào trong nước, đã chịu đựng trong 70 năm ách cộng sản ở Miền Bắc, hay 40 năm một chế độ lỗi thời lạc hậu ở Miền Nam, chúng ta tất cả, quyết định cùng đứng lên tranh đấu chống lại chế độ cộng sản đặng giành lại quyền tự quyết của dân tộc.
Chỉ từ khi ấy chúng ta mới  thiết lập được một chính thể dân chủ đủ khả năng vận dụng tất cả sinh lực quốc gia để bảo vệ và tái thiết xứ sở.
1- Chế độ « Xã Hội chủ nghĩa » của đảng CSVN đã chứng tỏ vô cùng tồi tệ cần phải được thay thế bởi một chế độ dân chủ qua một cuộc tổng tuyển cử tự do,  do một thẩm quyền độc lập với chính quyền hiện hữu tổ chức  và đặt dưới sự giám sát quốc tế. Tất cả mọi người Việt ở trong hay ở ngoài nước đều đương nhiên có quyền tham dự vô điều kiện.
2- Chúng tôi giới thiệu với đồng bào cử tri tương lai chính thể Cộng Hòa để đồng bào chọn lựa, một chính thể đã được áp dụng tại các cường quốc dân chủ từ hơn hai thế kỷ nay, tại hầu hết các quốc gia trên thế giới từ ngày đệ nhị thế chiến chấm dứt, và được luôn luôn công nhận là một bảo đảm hoàn hảo nhất cho sự thể hiện ý muốn của nhân dân, của nền dân chủ, tự do, bình đẳng,của tình đồng bào huynh đệ.
3- Xuất hiện sơ khai từ hai-mươi- lăm thế kỷ trong thời cổ La – Mã, Hy –Lạp, chính thể Cộng Hòa đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử thế giới, định đoạt số phận của nhiều quốc gia lớn nhỏ, cứu thoát nhiều dân tộc khỏi sự tàn bạo của các nhà độc tài.
Dù bị Cộng Sản gây chiến, chính thể Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam đất nước đã bảo đảm được cho dân một thời kỳ dân chủ, tự do, thịnh vượng cho đến cuối tháng tư định mệnh 1975, bị các đồng minh bỏ rơi, phải ngả gục dưới hỏa lực của quân thù cộng sản Việt và cộng sản quốc tế.
4- Nhưng Việt Nam Cộng Hòa không vĩnh biệt. Như con phượng hoàng thần thoại  sống lại từ tro tàn của nó, Đệ Tam Cộng Hòa sẽ ra đời vì ngày tàn của chế độ cộng sản đã gần kề. Một sự cáo chung không tránh được vì uất hận, dân chúng sẽ nổi lên chống những kẽ đã áp bức họ, vì yêu nước đồng bào sẽ nổi lên chống  những kẻ đặt quyền lợi của đảng trên sự tồn vong của đất nước, vì bị bỏ rơi những người vô sản sẽ nổi dậy chống  những đồng chí cũ đã phản bội và bỏ mặc họ trong khốn cùng và tệ hơn nữa, còn phô bày khoe khoang trước mắt họ khối tài sản không kể xiết của chúng.
5- Một đời sống mới sẽ khai mở với chính thể Đệ Tam Cộng Hòa, xây dựng trên nền tảng đồng tâm nhất trí của toàn dân, kết hợp tất cả các tầng lớp xã hội, không phân biệt tín ngưỡng, nguồn gốc, không phân biệt quá khứ tập thể  hay cá nhân, cùng nhau xiết chặt hàng ngũ bảo vệ tổ quốc, tái thiết quốc gia.
Nhằm thực hiện mục đích tối thượng này, một quyết định « Tha  Thứ toàn thể » -ngoại trừ những kẻ đã mưu toan nhuộm máu cuộc cách mạng dân chủ của toàn dân -sẽ được ban bố như quốc gia Nam Phi đã khôn ngoan hòa giải được dân tộc của họ, tránh được sự tự hủy sau những thế kỷ người da đen bị người da trắng đô hộ và kỳ thị nặng nề.
6- Nước Việt Nam mới sẽ xây dựng tương lai của mình theo khuôn mẫu một nền dân chủ tân tiến đã được thế giới nhìn nhận như một bảo đảm cho các quyền tự do cá nhân, nhân quyền và dân quyền, và sẽ chọn lựa một thể chế chính trị khả dĩ duy trì được ổn định chính trị mà không hạn chế các quyền chính đáng của đối lập ngõ hầu ngăn chận mọi mưu toan chuyên chế độc tài của một người hay một đảng phái.
Một tổng- thống -chế hay đại-nghị-chế hay một công thức hỗn hợp phù hợp với các thực tại của xứ sở sẽ được quốc dân chọn lựa.
7- Về tái thiết quốc gia, trách vụ hàng đầu sẽ là biến đổi tình trạng thoái hóa hiện tại của xứ sở, một nước chuyên cung cấp nhân công rẻ tiền may quần áo và đóng giày thành một nền kinh tế sản xuất kỹ nghệ và dịch vụ, đặc biệt về kỹ thuật mới khả dĩ tạo được nhiều giá trị thặng dư, tăng gia lợi nhuận đáng kể cho nhân công và đẩy mạnh công cuộc canh tân và tiến bộ.
Chính sách kinh tế quốc gia sẽ là tự do kinh doanh, khích lệ cạnh tranh, khả năng sản xuất hoàn hảo và sáng tạo cùng lúc quyền tư hữu được tuyệt đối tôn trọng.
Quốc gia đặc biệt tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các giới nông dân, thợ thuyền trở thành sở hữu chủ ruộng đất, nhà cửa và phương tiện sản xuất của riêng mình đặng chấm dứt tình trạng nghèo khổ kinh niên và kiến tạo một kiểu mẫu tư sản đại chúng cho đại đa số đồng bào.
8- Là một nước sản xuất gạo, Việt Nam phải nổ lực nhiều để gia tăng phẩm chất của gạo, cải thiện việc tồn trử, lưu giử và chuyên chở. Việc nghiên cứu và nắm vững thị trường quốc tế  ngũ cốc cũng như kỹ thuật thương mải hóa khối lượng  gạo sản xuất phải là mối quan tâm hàng đầu của  các cơ cấu trách nhiệm của công quyền và tư nhân. Nhờ những nỗ lực này, lợi nhuận của nông dân chắc chắn sẽ tăng gia.
Về ngành ngư nghiệp, vấn đề chính yếu hẳn nhiên là sách lược gây hấn của Trung Cọng mà giải pháp sẽ nằm trong khuôn khổ chính sách đối ngoại và quốc phòng tóm lược  sau đây.
9- Yêu chuộng hòa bình và mong muốn thắt chặt quan hệ hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới trên căn bản cùng tôn trọng quyền lợi và chủ quyền của mỗi bên, phù hợp với luật pháp quốc tế, nước Việt Nam tương lai sẽ góp phần tối đa của mình vào công cuộc duy trì an ninh và hòa bình trong vùng Đông- Nam- Á, Á Châu và thế giới.
10-  Đối vời Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ), quốc gia Việt Nam tái khẳng định long trọng chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa, đã được thế giới -kể cả Trung Hoa Dân Quốc- công nhận từ nhiều thế kỷ. Sự chiếm cứ bởi Trung Cọng, bất hợp pháp bằng vũ lực, quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một phần quần đảo Trường Sa năm 1988 phải chấm dứt và nguyên trạng trước đấy phải được tái lập.
Mọi tranh chấp trên biển phải được giải quyết chiếu theo Định ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 chứ không phải bằng bạo lực.
Dân tộc Việt Nam luôn luôn muốn làm bạn với các dân tộc trên thế giới, đặc biệt với các nước láng giềng, đương nhiên với dân tộc Trung Hoa mà Việt Nam sẵn sàng hợp tác một cách ngay thẳng vì quyền lợi chung của hai nước. Chính như vậy màTrung Hoa Dân Quốc và Quốc Gia Việt Nam và tiếp theo là Việt Nam Cộng Hòa đã có những tương quan ưu đãi với nhau  trong lợi ích chung cho đến năm 1975.
11- Hoa Kỳ ở bên kia bờ Thái Bình Dương cũng như hầu hết các quốc gia Á Châu – Thái Bình Dương luôn luôn là thân hữu của Việt Nam dù bao nhiêu biến động của lịch sử đã xẩy ra. Nền an ninh và thịnh vượng của cả vùng rộng lớn này của thế giới đòi hỏi sự liên kết của tất cả các quốc gia trong vùng, một sự liên kết mà hình thức và nền móng cần được tìm kiếm, thích ứng với các đặc tính địa phương và tránh được những hiểm trở phức tạp của công cuộc lớn lao này.
12- Đã có một thời chiến tranh thì phải có một thời hòa bình ngự trị.Tuy vậy, bởi tình trạng địa lý chính trị của mình và với kinh nghiệm đầy những biến cố bi thảm, Việt Nam hậu cộng sản sẽ làm hết sức mình để duy trì hòa bình đồng thời nỗ lực tối đa để bảo vệ tổ quốc trên lãnh thổ và trên biển khơi. Một nền quốc phòng hữu hiệu sẽ được thực hiện đồng thời với một hệ thống kháng chiến sẽ được tổ chức bao trùm cả nước, từng làng xã, từng đô thị, khiến cho sự chiếm đóng của quân thù không tồn tại được bởi chúng phải trả giá quá đắt về nhân mạng.
Dù rằng được xây dựng trên chính thực lực của mình, nền quốc phòng của ta sẽ có lợi ích lớn nếu trở thành một thành tố cơ hữu của một tổ chức phòng thủ chung cho vùng Đông – Nam – Á hoặc Đông – Á Châu đặng bảo đảm tập thể và hữu hiệu an ninh và hòa bình cho vùng đất tương lai này của địa cầu.
13- Thế nhưng, một trọng trách khác nữa là tái thiết Việt Nam, nhằm tái kiến trúc mô hình xã hội, một xã hội tha hóa và thoái hóa đến cực điểm bởi chế độ cộng sản độc tài toàn trị mà mục  đích cuối cùng của cuộc đời là « làm tiền ».Tất cả mọi phương cách làm được tiền đều tốt, từ tệ nạn tham nhũng hệ- thống-hóa từ cấp cao nhất đến cấp thấp trong bộ máy chính quyền cho đến vô số trọng tội và khinh tội không bị trừng phạt vì can phạm là cán bộ đảng ta. Khỏi cần nói  đến sự phân quyền vì chỉ có một quyền lực độc nhất : Cộng đảng mà điều 4 quái đản của hiến pháp Việt Nam đã khẳng định quyền lực tối cao và duy nhất của nó trên cả quốc gia và dân tộc ! Một nước không luật pháp nếu không kể những văn bản lập pháp và lập qui được ban hành thuận lợi cho những người lãnh đạo hay cần thiết để trừng trị dân chúng, Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa không phải là một quốc gia pháp trị. Những bọn côn đồ được chính phủ tuyển dụng để hành hung những người đối lập hay bị nghi là đối lập, gợi lại cảnh tượng bọn đâm thuê chém mướn (mafiosi) ngày nào ở Nữu -Ước. Những phiên tòa chỉ có bề ngoài rải rác nhiều nơi để xử nhanh chóng tu sĩ, sinh viên, nghệ sĩ, nhà báo đã bày tỏ ý kiến của họ không thuận lợi cho chính phủ hay cho Đảng hoặc chỉ nói lên sự bất bằng của họ.Tấm ảnh của linh mục Nguyễn văn Lý bị bịt miệng bởi bàn tay trơ trẻn của một tên cảnh sát trước viên « thẩm phán » làm cho linh mục không thể tự biện hộ, đã  được truyền đi khắp thế giới và nói lên rõ ràng thế nào là tự do tín ngưỡng và công lý ở nước Việt Nam.
14-Thật vậy, tái kiến trúc xã hội Việt Nam là thiết yếu, cần phải thực hiện ngay sau khi thoát khỏi ách cộng sản. Lành mạnh hóa các tập tục, tái võ trang tinh thần đặng thay đổi bầu khí vẩn đục của xã hội. Nền văn hóa bị siết chặt trong gọng kìm cộng sản sẽ được giải thoát. Tự do ngôn luận và tư tưởng được hoàn trả lại cho toàn dân, sáng tạo nghệ thuật và văn hóa nói chung sẽ được khuyến khích xứng đáng.
Giáo dục sẽ được từ đây giải thoát mãi mãi khỏi các giáo điều tai hại cộng sản – xã hội chủ nghĩa và trở lại với các nền tảng  xây dựng từ dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa : nhân bản, khai phóng, khoa học – kỹ thuật, và đại chúng, mục tiêu hàng đầu của bộ môn này.
15-Nhưng một đại công trường công tác xã hội phải nối tiếp sự biến đổi mô hình xã hội vừa kểdù phải vận dụng nhiều nổ lực tài chánh lớn lao mà chỉ có một sự liên đới quốc gia gương mẫu mới thực hiện được và thực hiện trong nhiều giai đoạn kế tiếp. Đây chính là tổ chức an sinh xã hội, không thể thiếu vắng trong một quốc gia của thế kỷ 21 mà nền Đệ Tam Cộng Hòa tương lai không thể chối từ được. Tập tục cổ truyền của nước ta đại gia đình nhiều đời tương trợ nhau thật đáng khâm phục nhưng các khó khăn kinh tế hiện thời không cho phép nhiều gia đình thi hành được. Quốc gia và cộng đồng dân tộc phải cùng nhau gánh vác bổn phận tương trợ các công dân cần được tương trợ : những người cao niên không có lợi tức hoặc đau ốm, những người tàn tật, những người thất nghiệp đang tìm công việc làm hay huấn nghệ.
Sau cùng, một hệ thống y tế bảo vệ sức khỏe cho tất cả mọi người phải được sớm thực hiện và miễn phí cho những người có lợi tức kém. Hơn tất cả các lãnh vực khác, sự liên đới quốc gia có một vai trò quyết định trong công cuộc  an sinh xã hội lớn lao này mà phẩm  chất của đời sống và phẩm giá của mỗi người Việt Nam sẽ tùy thuộc vào đấy.
16- Trước hiểm họa quân thù xâm lăng và với mục đích cứu quốc, chúng ta yêu cầu các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam phải trả lại, không chờ đợi nữa, quyền tự quyết cho dân tộc, một quyền thiêng liêng mà các chính phủ ký kết Hiệp Định Paris 1973 – gồm chính phủ VN Dân Chủ Cộng Hòa (Miền Bắc), một công cụ của họ, và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam) của chúng ta– đã công nhận và bảo đảm cho Việt Nam Cộng Hòa và toàn thể Việt Nam đặng thực hiện thống nhất đất nước theo một tiến trình dân chủ và hòa bình như minh thị trong Hiệp Định.
Lịch sử sẽ phán xét thái độ của lãnh đạo Cộng sản VN nhưng ngay từ bây giờ toàn dân sẽ phản ứng với tất cả quyết tâm cần thiết đặng cứu nguy tổ quốc và thay đổi số phận của mình.
Paris, ngày 9 tháng 9. 2014
TM. PHONG TRÀO DÂN TỘC TỰ QUYẾT VIỆT NAM
CHỦ TỊCH,
LS LÊ TRỌNG QUÁT
Quốc Vụ Khanh Chính Phủ Đệ Nhị VNCH
Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng,Trưởng Khối Dân Biểu
Liên Minh Xã HộiQuốc Hội Đệ Nhất VNCH

Hội Thẩm Viện Bảo Hiến Đệ Nhất VNCH

Bewegung fürs Selbstbestimmungsrecht des vietnamesischen Volkes
Politische Plattform
Mehr denn je steht Vietnam vor einer unheimlichen Gefahr.
Die agressiven Handlungen Chinas auf unserem Lande und See, vor allem in den wirtschaftlichen Meereszonen Vietnams, nehmen zu. Unsere Paracels-Inseln und einen Teil der Spratley-Inselngruppe wurden bereits von China mit Gewalt okkupiert.
Überall im Lande, vom Norden bis zum Süden und vom Hochland bis zur Meeresküste gedeihen die chinesischen Firmen. Sie formieren sich zu autonomen Verwaltungsgemeinschaften, als ob sie sich tatsächlich in ihrem eigenen Land befinden würden.
Zehntausende Hektaren von Wälden in den strategischen Grenzgebieten wurden an die Chinesen dauerhaft zum Teil bis zu einhundert Jahren gepachtet.
Es scheint so aus, dass die kommunitischen Regierenden in Vietnam ihre Macht und Interessen mit denen in China teilen würden. Die heutige Lage sieht schlimmer aus als die einstige Zeit, in der Vietnam für eintausend Jahre lang die chinesische Herrschaft erdulden musste.
Der letzten Okkupation des Landes durch China hat Lê Lợi – der künftige König der Späten Lê-Dynastie - 1428 nach einem zehnjährigen heldenhaften Widerstankampf ein Ende gesetzt.
Der Versuch Chinas, sich Vietnam 1789 nochmals einzuverleiben, wurde endlich von Kaiser Quang Trung zunichte gemacht.
Die Geschichte des Landes wird hiermit kurz zur Erinnerung gebracht, um einfach zu betonen, dass die chinesische Expansionspolitik im Südostasien nach wie vor eine lebendige Bedrohung, vor allem für Vietnam als sein direktes Nachbarland, darstellt.
Angesichts dieser äußerst gefährlichen Lage demonstrierte das Volk gegen die Regierenden. Es forderte sie auf, nötige Maßnahmen zu ergreifen, um die nationale Souveränität wirksam zu verteidigen. Sie antworteten ihm aber brutal mit Schlagstöcken, wilden Festnahmen und hohen Gefängnisstrafen. Diese ungewöhnliche Reaktion kann als eine versteckte Kapitulation vor dem Feind verstanden werden.
Der regierende Machtapparat hört nicht auf, das Volk zu erniedriegen. Menschen- und Bürgerechte werden von ihm mit Fuß getreten. Die Korruption wird verstaatlicht und systematisiert. Die soziale Trennung zwischen den armseligen Schichten wie Bauern, Arbeitern, arbeitslosen Stadtbewohnern und den Roten Kapitalisten mit Millionen und Milliarden US Dollars vergrößert sich zusehends von Tag zu Tag.
Die vietnamesische Volkswirtschaft versteht sich als einen Apparat, der nichts anderes als billige Arbeitskräfte an ausländische Investoren im Textil- und Schumachereisektor anbietet. Während die Nachbarländer im Südostasien wie Thailand, Malaysia, Singapur – ohne dabei Japan und Korea zu nennen, weil sie bereits zu den großen Industrieländern der Welt gehören – große Schritte nach vorn in die prospierende Zukunft gemacht haben, bleibt Vietnam weiterhin im erbärmlichen Entwicklungsstadium mit Armut und Unterdrückung.
Aus Liebe vom Land und Volk Vietnams bekräftigen wir im Ausland hiermit die Solidarität mit unseren Kompatrioten im Inland, die bereits seit Jahrzehnten lang die
kommunistische Joch ertragen müssen. Gemeinsam stehen wir alle auf und kämpfen entschieden gegen dieses unzeigemäße Regime, um uns das nationale Selbstbestimmungsrecht zurückzuerobern.
1.Der „real-existierende Sozialismus“ der Kommunistischen Partei Vietnams hat sich als gescheitert gezeigt. Er muss durch ein demokratisches Regime ersetzt werden. Eine freie, allgemeine Wahl aller In- und Auslandvietnamesen wird sich darüber entscheiden. Sie wird durch eine unabhängige Instanz unter der internationalen Kontrolle organisiert.
2. Wir stellen unseren künftigen Wahlberechtigten die Republik als Regierungsform der Zukunf vor. Diese bewährte Form ist seit über 200 Jahren von den industrialisierten und seit dem Ende des Zweiten Weltkrieges von den meisten Ländern der Welt praktiziert. Sie gilt als das effektivste Mittel zur Garrantie der freien Willenäußerung, der Demokratie, der Freiheit, der Gleichheit und der Brüderlichkeit unter der Bevölkerung.
3. Diese Regierungsform erschien zum ersten Mal im römischen und griechischen Altertum, nunmehr seit 25 Jahrhunderten. Sie hat sich durch unzählige Momente der Weltgeschichte bewährt, das Schicksal unzähliger Staaten entschieden und viele Völker aus der Gewaltherrschaft der Tyranen befreit.
Trotz den kriegerischen Auseinandersetzungen mit den Kommunisten aus dem Nordvietnam hat die Republik (Süd)vietnam seinen Bürger/innen zwanzig Jahre lang Demokratie, Freiheit und Wohlstand angeboten, bis sie im April 1975 aufgrund des Rückzuges der Allierten der Invasion der vietnamesischen und internationalen Kommunisten nicht standhalten konnte.
4. Die Republik Vietnam (RVN) verschwindet aber nicht für immer. Wie der mystische Adler ist er wieder aus seinen Aschen lebendig. Die Dritte Republik wird sicher kommen, weil das Ende des kommunistischen Regimes bereits vor der Tür steht. Aufgrund des uferlosen Zornes des Volkes gegen seine Unterdrücker wird dieses Ende unvermeidbar sein. Das Volk duldet aus Vaterlandsliebe keine Menschen, die das Interesse der Partei über das Schicksal der Nation stellen. Das enttäuschte Proletariat wird seine einstigen Weggefährten in die Flucht treiben, weil diese, einmal Macht und Geld reichlich angeeignet, nun das gemeinsame Ideal verraten und ihre Kameraden in die Not getrieben haben.
5. Ein neues Leben, das sich auf der bürgerlichen Konsens stützt, öffnet sich mit der Dritten Republik. Sie eint das Volk, ohne dabei dessen Religion, soziale Schicht, Abstammung und Vergangenheit zu unterscheiden. Alle solidarisieren sich für die Verteidigung und den Wiederaufbau des Landes.
Zur Durchführung dieses ultimativen Ziels proklamiert der Staat – wie einst in Südafrika - einen „Schuldenerlass für Alle“, ausgenommen für diejenigen, die gewalttätig gegen die demokratische Revolution des Volkes vorgegangen sind.
6.Das neue Vietnam baut seine Zukunft auf einer modernen Demokratie auf, welche von der Welt als geeignete Garantieform für individuelle Freiheitsrechte, für Menschen- und Bürgerrechte anerkannt worden ist. Es wird sich für ein politisches Regime entscheiden, das einerseits die politische Stabilität bewährt, andererseits die berechtigten Belangen der Opposition gewährt, um die mögliche Diktatur eines Menschen oder einer Partei zu verhindern.
Das Volk wird sich über eine passende Regierungsform (präsidiale, parlamentarische oder
eine gemischte Form) selber entscheiden. 7. Die primäre Aufgabe im Wiederaufbau des Landes ist der desolaten Wirtschaftslage ein Ende
zu setzen. Die derzeitige Wirtschaft basiert auf der billigen Textilweiterverarbeitung und Schuhmacherei; sie wird durch die Dienstleistungen und eine industrielle Produktion mit moderner Technik ersetzt, mit dem Ziel, dabei mehr Mehrwert zu produzieren, mehr Gewinn
für Arbeiter/innen zu gewinnen und somit mehr Investitionsmöglichkeiten für den Staataufbau zu bekommen. Der Staat fördert Freihandel, spornt Wettbewerb und Kreativität an. Das Eigentumsrecht wird absolut respektiert.
Der Staat schafft alle nötigen Voraussetzungen vor allem für die Bauer und Arbeiter, damit sie selber Eigentümer der Felder, Häuser und Produktionsmitteln werden und sich dadurch aus ihrer chronischen Armut befreien.
8. Als ein Reis produzierendes Land bemüht sich Vietnam, die Reisqualität zu erhöhen sowie dessen Lagerungs- und Transportsmöglichkeit zu verbessern. Die Forschung des internationalen Getreidemarktes und der Exporttechnik gehört als oberste Aufgabe den zuständigen Behörden und privaten Organisationen. Mit diesen Bemühungen nimmt der Gewinn bei den Bauern sicher zu.
Auf dem Fischereisektor stehen wir vor einer schwerwiegenden Aggressionspolitik Chinas,
die im Rahmen der folgenden Außen- und Verteidigungspolitik gelöst werden muss. 9. Vietnam will in friedlicher und freundschaftlicher Beziehung, die auf der Grundlage des gegenseitigen Respekts von nationalen Interessen und Souveränität und im Einklang mit den internationalen Gesetzen hergestellt wird, mit allen Ländern der Welt leben. Es wird alles
Mögliche zur Bewahrung der Sicherheit und des Friedens im Südostasien tun. 10. Gegenüber der Volksrepublik Chinas bekräftigt Vietnam nochmals seine nationale Souveränität über die zwei Inselgruppen Paracels und Spratley. Diese Souveränität wird seit Jahrhunderten von der Welt – auch von der Republik von China (ROC) – anerkannt. Die militärische und illegale Eroberung Chinas auf Paracels in 1974 und auf einen Teil der
Spratley in 1988 muss beendet und der frühere Status quo wieder hergestellt werden. Das Seerechtsübereinkommen der Vereinten Nationen von 1982 (UNCLOS) und der Deklaration über einen Verhaltenskodex im Ostasiatischen Meer (DOC) sind die Grundlage zur friedlichen Lösung jeglicher Konflickte. Das Volk Vietnams hätte gern alle Völker in der Welt, vor allem die in seinen Nachbarländern, als Freunde haben. Es ist stets bereit, mit China fürs gemeinsame Interesse zusammenzuarbeiten. In der Vergangenheit bis 1975 konnte das Königreich Vietnam und danach die Republik Vietnam (RVN) eine sehr gute Beziehung mit der ROC halten.
11. Die Vereinigte Staaten von Amerika auf der anderen Seite der Pazifik und fast alle Asienländer im pazifischen Raum sind immer gute Freunde Vietnams, trotz mehreren unerwünschten Ereignissen in der Vergangenheit. Der Sicherheit und Prosperität des ganzen Pazifikraumes wegen, müssen wir ein passendes Solidaritäts- und Kooperationsmodell entwickeln, das die Partikularität einzelnen Landes gewähren und zugleich die möglichen Kooperationshindernisse ausschließen kann.
12. Nach der Kriegszeit kommt nun eine Zeit des Friedens. Wegen seiner geopolitischen Lage und seinen tragischen Erfahrungen bemüht sich das künftige Vietnam mit aller Kraft dem Weltfrieden beizutragen. Es wird sich aber auch mit aller Kraft bemühen, seine Souveränität im Lande und auf dem Meer zu sichern. Eine wirksame Verteidigungspolitik mit vernetzten Widerstandzellen überall im Lande wird einer Fremdokkupation Vietnams unmöglich machen.
13. Eine weitere wichtige Aufgabe ist der Wiederaufbau des Landes, um das bisherige –äußerst korrupte – Gesellschaftsmodell, das sich ausschließlich durch Geld entscheiden lässt, neu zu gestalten. Alles Mittel zum Geld wird von den Machthabern gut geheißen. Die sytemische Korruption gedeiht auf allen Ebenen, deren Hauptbetreiber, die alle hohen Funktionäre sind, die Justiz nicht mit Strafen belegen kann. Es gibt keine staatliche Gewalteinteilung, denn der 4. Artikel des Grundgesetzes sichert der Kommunistischen Partei Vietnams einzig die höchste Machtbefugnis zu. Die Sozialitische Republik Vietnam ist kein rechtsstaatlicher
Staat, denn die Gesetze werden zugunsten der Machthaber und als Strafmitteln für die Bevölkerung erlassen. Die (vermutlichen) Oppositionellen werden von den staatlich gezahlten Mafiosi verfolgt. Es werden überall im Lande die Scheinprozesse eröffnet, um die mutigen Geistlichen, Künstler, Studenten, Journalisten... mundtot zu machen. Das weltbekannte Bild des Pfarrers Nguyen Van Ly, der von einem Volkspolizisten in einer Prozessverhandlung handtätlich mundtot gemacht wurde, zeigt, wie die Religions- und Redefreiheit im sozialistischen Vietnam eigentlich ist.
14. Der gesellschaftliche Umbau ist eine dringende Aufgabe, die gleich nach der Befreiung aus dem kommunistischen Joch durchgeführt werden muss. Die bisherigen Pratiken des Volkes müssen ändern. Es soll mit einem neuen Geist bewaffnet werden, damit es die verschmutzten Reliken der sozialistischen Gesellschaft reinigen kann. Das Kulturleben wird von der bisherigen Last befreit; die Rede- und Gedankenfreiheit dem Volk zurück gegeben; die Kreativität in Kunst und Kultur im Allgemein reichlich gefördert. Das Schulwesen wird von nun an für immer vom giftigen Dogma des Kommunismus befreit; die basalen Erziehungselemente in der Zeit der Ersten Republik Vietnam (RVN) wie Humanismus, Offenheit, Wissenschaftlichkeit und Allgemeinheit werden wieder eingeführt.
15. Eine gewaltige Sozialarbeit wird dem Umbau folgen. Dieses Unternehmen wird für das Volk sicher sehr kostspielig, langwierig und anstrengend sein. Sie ist jedoch unverzichtbar für die künftige Dritte Republik, denn es geht hier um ein soziales Wohlfahrtgebot, das sowieso einen festen Platz im modernen Staat des 21. Jahrhundertes einnimmt. Die Vietnamesen leben in Großfamilien und unterstützen einander seit Generationen. Das ist eine gute Tradition. Aber der heutige Umfang des Wirtschaftslebens sprengt allen Rahmen der Großfamilie. Der Staat und die nationale Gemeinschaft müssen daher gemeinsam die soziale Last übernehmen: Hilfe für mittellosen Alten, Kranken, Behinderten, Arbeitslosen, Arbeitssuchenden, Auszubildenden.
Endlich muss ein medizinisches Sytem so bald wie möglich etabliert werden, um die Gesundheit der Bürger/innen zu fördern und die der Mittellosen kostenfrei zu versorgen. Hier spielt die staatliche Solidarität eine entscheidende Rolle, wovon die Lebensqualität und die Menschenwürde aller Bürger/innen abhängen.
16. Angesichts der Invasionsgefahr durch den Feind und für die Rettung der Nation fordern wir die kommunistischen Machthaber dazu auf, dem vietnamesischen Volk ungezögert sein Selbstbestimmungsrecht zurück zu geben. Es geht hier um ein heiliges Recht, das von den mitunterschreibenden Staaten beim Abschluss des Pariser Abkommens in 1973 – darunter auch den Regierenden von Nord- und Südvietnam – anerkannt wurde. Das Abkommen hat die Souverainität Südvietnams sowie einen friedlichen Vereinigungsprozeß für das ganze Land garantiert.
Die Geschichte wird über die Entscheidung der kommunistischen Regierenden verurteilen. Ab sofort handelt jedoch das Volk Vietnams mit Entschiedenheit zur Rettung der Nation und zur Umwandlung seines eigenen Schicksals.
Paris, den 09.09.2014

Für die Bewegung fürs Selbstbestimmungsrecht des vietnamesischen Volkes Der Präsident Le Trong Quat Ehm. Staatsminister der Republik Vietnam (RVN)
Ehm. Leiter des Innen- und Verteidigungsausschusses im Parlament, RVN
Ehm. Berater des Verfassungsschutzes, RVN