Nguyễn Lộc Yên (Danlambao)
- Ngày 22-1-2013, Philippines đệ đơn đến Tòa án Trọng tài thường trực
(Permanent Court of Arbitration: PCA) tại The Hague, Hà Lan để kiện
Trung cộng về việc Trung cộng đã đơn phương tuyên bố chủ quyền “Đường 9
đoạn” (Nine dash line) còn gọi là Đường lưỡi bò, Đường chữ U, Đường 9
khúc, đã bao trùm 85% diện tích biển Đông, chiếm khoảng 3 triệu km2 trên
tổng số 3.5 triệu km2. Thế mà, Trung cộng lại tuyên bố không quan tâm
về phán quyết của Tòa Trọng tài ở The Hague, nhưng chính nhà cầm quyền
Trung cộng đã, đang lo âu và hồi hộp về vụ kiện này. Chính Trung cộng đã
cuống cuồng, bối rối nên đôn đáo chạy lo lót, nhờ vả các nước trên thế
giới ủng hộ về "đường lưỡi bò" ngược ngạo của mình, đã lôi kéo được 5-7
quốc gia nghèo nàn là chủ yếu, trong đấy có Campuchia, Lào và một số
nước ở châu Phi và Trung Á như: Afghanistan, Gambia, Niger, Sudan và
Vanuatu mà thôi?! Thế mà, nhà nước Trung cộng hôm 20-5-2016, đã bạo
miệng hô hoán rằng có tới 48 quốc gia đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lập
trường của Bắc Kinh về Đường lưỡi bò hay vụ kiện của Philippines?!
Vào ngày 12-7-2016, Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan đã chiếu theo Công
ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of
the Sea: UNCLOS), thẳng thừng tuyên bố: “Trung cộng không có cơ sở
pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên theo đường lưỡi bò
đã chiếm gần trọn biển Nam Trung Hoa (biển Đông) mà nước này đơn phương
áp đặt”.
Liền trong ngày (12/7), trang Google Maps ghi tên bãi cạn là nơi mà
Philippines khởi kiện bằng tên quốc tế là Scarborough, dù trước đó
Google Maps xác định bãi cạn là một phần thuộc quần đảo Trung Sa của
Trung cộng, được gọi là “Hoàng Nham”?!. Liền sau khi Tòa Trọng tài ra
phán quyết về "đường lưỡi bò" của Trung cộng ở biển Đông, Ngoại trưởng
Australia, bà Julie Bishop cho biết Australia sẽ tiếp tục thực thi các
quyền quốc tế của nước mình về tự do hàng hải và hàng không, đồng thời
ủng hộ các nước khác làm tương tự.
Trong khi đấy, Liên hiệp châu Âu và khối G7 cũng đã kêu gọi tất cả các
bên đòi chủ quyền ở biển Đông phải giải quyết tranh chấp một cách hòa
bình và dựa trên luật pháp quốc tế theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật
biển. Khối thất cường G7 còn kêu gọi các nước có liên hệ về tranh chấp ở
biển Đông nên nghiêm chỉnh thi hành theo phán quyết của Tòa án trọng
tài Quốc tế. Khi được tin Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc ra phán quyết
tuyên bố phần thắng nghiêng về Philippines thì hai Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ
là John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cùng ông Dan
Sullivan, kêu gọi Việt Nam theo chân Philippines để bác bỏ tuyên bố đòi
chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông của Bắc Kinh.
Xin nhắc lại, sắp tới ngày Tòa Trọng tài PCA tuyên bố phán quyết, Mỹ đã
thấy, đã đoán được ý đồ của Trung cộng hung hăng và cố bám biển Đông,
nên ngày 15-6-2016, cho 4 máy bay EA-18 Growler là loại máy bay chiến
đấu điện tử đến Phi trường Clark của Philippines. Đến ngày 20-6-2016,
Hải quân Hoa Kỳ cho hai Hàng Không Mẫu Hạm nguyên tử USS John C. Stennis
và USS Ronald Reagan đến hoạt động tại Trường Sa nơi vùng biển
Philippines. Ngoài ra, tại biển Đông nếu xảy ra chiến tranh thì Trung
cộng có ưu thế về địa lợi vì biển Đông ở gần lãnh thổ Trung cộng, còn
Hoa Kỳ ở tận bên kia Thái Bình Dương. Thế nên, để kiềm chế về địa lợi
của Trung cộng, Hoa Kỳ dùng các Hàng Không Mẫu Hạm như các đảo di động
để đánh sập các đảo bồi đắp trái phép, bất di bất dịch của Trung cộng và
Hoa Kỳ đã liên minh quân sự với nhiều nước trong vùng như: Nhật Bản,
Nam Hàn, Philippines, Ấn Độ... và muốn liên minh cả Việt Nam, nhưng đáng
tiếc cả Đảng CSVN, nhất là các Thái thú Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại
Quang... đã bị Trung cộng gắn “Bùa thập lục tự” (16 chữ vàng) vào đầu
nên bị đảo điên, thiếu sáng suốt, không còn biết vẫy vùng “Thoát Trung”
để giữ nước?!
Thế nên, Trung cộng ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, Trung cộng
đã “Phóng lao phải theo lao”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung cộng là Lưu
Chí Quân đã cho báo giới biết rằng Trung cộng sẽ thiết lập Vùng Nhận
Diện Phòng Không (ADIZ) trên biển Đông nếu an ninh bị đe dọa, như Trung
cộng từng lập Vùng Nhận Diện Phòng Không trên vùng biển Hoa Đông vào năm
2013, nơi có tranh chấp chủ quyền về quần đảo Điếu Ngư (tiếng Hoa),
Senkaku (tiếng Nhật) mà hai bên Trung cộng và Nhật Bản đang tranh
giành.
Dẫu biết rằng, Quốc tế không có một lực lượng quân sự thường trực đủ
mạnh để bắt buộc các quốc gia thi hành đúng theo phân xử của Tòa Trọng
tài thường trực (PCA) sau khi ra phán quyết. Tuy vậy, Trung cộng là một
nước thành viên đã ký kết Công ước về Luật biển, khi Tòa án Quốc tế giải
quyết tranh chấp theo con đường tài phán, từ xưa đến nay chưa thấy quốc
gia nào chống đối vĩnh viễn phán quyết của Tòa. Từ đấy, chúng ta nghĩ
rằng dù Trung cộng bạo miệng phủ nhận phán quyết của “PCA” nhưng cũng
phập phồng trong nỗi lo âu?!
Nếu Trung cộng vẫn ngoan cố đơn phương chiếm đóng phi pháp tại biển Đông
một cách liều lĩnh, sau này sẽ gặp rất nhiều khó khăn về những quan hệ
ngoại giao với Quốc tế. Do đấy, ngay bây giờ, dù Trung cộng không tuân
thủ phán quyết của PCA nhưng sau này cũng phải sửa sai dần hành vi ngược
ngạo của mình cho phù hợp với quan niệm chung của các nước trên Thế
giới.
Nếu Tập Cận Bình vẫn ngoan cố, bất chấp tài phán của PCA, xem biển Đông
như ao nhà, ỷ nước lớn đông dân, tiếp tục diệu võ dương oai thì họ Tập
sẽ như Tào Tháo hùng hổ ở Trường Giang đã bị Ngô-Thục liên minh đánh tan
tác, thành tro hoàn toàn 80 vạn tinh binh tại trận Xích Bích vào năm
207 (STL). Tập Cận Bình ở biển Đông cũng vậy, sẽ bị liên minh các nước
tự do đánh bại thê thảm và các khu tự trị tại Trung cộng: Người Duy Ngô
Nhĩ ở Tân Cương, Người Choang ở Quảng Tây, Người Mông Cổ ở Nội Mông và
Người Tây Tạng ở Tây Tạng sẽ “Thoát Trung” giành lại độc lập của họ.
Riêng tại Việt Nam cũng không còn lo âu bị người Tàu đang gây khó khăn
và cả dân tộc Việt sẽ không còn băn khoăn về viễn ảnh mịt mờ vào năm
2020 của Hội nghị Thành Đô?!
17.07.2016