Luật sư Đào Tăng Dực (Danlambao)
- Phán quyết có tính lịch sử của Tòa Trọng Tài Thường Trực Liên Hiệp
Quốc về cuộc tranh chấp chủ quyền hải đảo và các vùng biển giữa Trung
Quốc và Phillipines ngày 12 tháng 7 năm 2016 đang gây tranh cãi trên thế
giới.
Phán quyết này ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế và an ninh tại các quốc gia có quyền lợi tại Biển Đông, trong đó có Việt Nam.
I. Để hiểu rõ hơn về phán quyết này, chúng ta cần
một số nguyên tắc pháp lý quốc tế căn bản về luật biển liên hệ đến
tương quan quyền lợi giữa các quốc gia tại Biển Đông, một số thông tin
căn bản về Tòa Án này và những nét chính về luật biển là gì.
Trước hết chúng ta phải hiểu rằng Tòa Trọng Tài LHQ là một pháp đình
chính thức của LHQ có thẩm quyền phán xét trên các bình diện tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải, chủ quyền quốc gia, nhân quyền, đầu tư quốc tế và thương mại quốc tế hoặc thương mại trong vùng.
Tòa Án có bản doanh tại thủ đô Hà Lan The Hague. Các quyết định của tòa
có tính chung quyết (final), ràng buộc về pháp lý (legally binding).
Tòa có thẩm quyền tiến đến phân xử, ngay cả trong trường hợp bên bị cáo
(trong trường hợp này là Trung Quốc) từ chối đối đơn kiện của nguyên cáo
là Phillipines.
Trong trường hợp tranh chấp giữa Trung Quốc và Phillipines, căn bản pháp
lý của Tòa là Hiệp Ước Quốc Tế về Luật Biển của LHQ (UNCLOS). Hiệp ước
này quy định những nguyên tắc căn bản các quốc gia phải tuân theo liên
hệ đến quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với các vùng biển trên thế
giới, nhất là tài nguyên và bảo vệ thiên nhiên.
Tôi không phải là một chuyên gia về luật biển, tuy nhiên một số khái
niệm căn bản mọi người cần nắm vững để hiểu phán quyết của Tòa Trọng Tài
Thường Trực như sau:
- Hải phận (territorial waters) của một quốc gia tuyệt đối thuộc
chủ quyền của quốc gia đó được tính từ bờ biển của quốc gia đó, khi thủy
triều xuống thấp (baseline) đến 12 hải lý ngoài khơi.
- Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive economic zone) là vùng biển trong
đó, tuy có tự do hàng hải quốc tế, nhưng mọi tài nguyên thuộc về quốc
gia sở tại. Vùng này cũng bắt đầu từ bờ biển ở mức thủy triều thấp, ra
khơi đến 200 hải lý. Trong trường hợp khoảng cách giữa 2 quốc gia không
quá 400 hải lý, thì biên giới giữa 2 vùng đặc quyền kinh tế do 2 quốc
gia thương thuyết. Thông thường là nằm lằn chính giữa vùng tranh chấp.
- Mõm đá ngầm khi thủy triều thấp (low tide elevation) là một mỏm
đá chỉ nhìn thấy khi thủy triều xuống thì không thuộc một vùng biển
riêng biệt nào cả.
- Mõm đá (rock) luôn luôn trên mặt nước nhưng không thể có người ở
và đời sống kinh tế có thể có hải phận, vùng liên hệ (contiguous zone)
nhưng không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc quyền trên thềm lục địa
(continental shelf rights)
- Hải đảo (island) luôn trên mặt nước, tự có cư dân và đời sống
kinh tế, có hải phận, vùng liên tục, vùng kinh tế đặc quyền và quyền
trên thềm lục địa.
Liên hệ đến các mõm đá, hải đảo nêu trên, Tòa chỉ xét căn cứ trên tình
trạng tự nhiên của chúng, không phải tình trạng do con người bồi đắp
hoặc dựng lên.
II. Câu hỏi kế tiếp để hiểu rõ vấn đề hơn là tại sao
Phillipines lại kiện Trung Quốc trước Tòa Trọng Tài Thường Trực này và
chi tiết của vụ kiện gồm những điểm nào?
Lý do Phillipines đưa Trung Quốc ra tòa tuy phức tạp nhưng có 2 điểm mà tôi cho là quan trọng nhất.
Thứ nhất là Trung Quốc đơn phương, dùng vũ lực và các phương tiện tuyên
truyền, áp đặt Đường Lưỡi Bò 9 đoạn bao gồm chủ quyền của mình, trên 80%
Biển Đông, xâm phạm đến chủ quyền của nước này.
Thứ hai là những đảo trong quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam
Sa, mà Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực, được bồi đắp và xây dựng thành
những hải đảo, và từ đó, Trung Quốc đòi hỏi không những hải phận 12 hải
lý mà cả Vùng Đặc Quyền Kinh tế 200 hải lý, vi phạm vùng đặc quyền kinh
tế của Phillipines.
Đơn kiện của Phillipines gồm 15 điểm. Tuy nhiên có thể được tóm lược thành các điểm sau đây coi như quan trọng nhất:
- Yêu cầu tòa án phán quyết về tính hợp pháp hay phi pháp của Đường Lưỡi Bò Trung Quốc chủ trương;
- Một số các hoạt động có tính xây dựng và đánh cá của Trung Quốc có vi phạm chủ quyền của Phi hay không;
- Định nghĩa nghiêm chỉnh các mõm đá, hải đảo mà Trung Quốc chiếm
đóng, bồi đắp và các hệ lụy về hải phận, vùng đặc quyền kinh tế, thềm
lục địa và chủ quyền quốc gia;
Kết quả là vào ngày 12/7/2016, trong một quyết định lịch sử Tòa Trọng Tài Thường Trực LHQ phán quyết như sau:
- Đường Lưỡi Bò của Trung Quốc căn cứ trên những yếu tố và quyền
lịch sử của TQ là phi pháp và không hiệu lực, vì tuy các thương nhân
thương thuyền TQ có sử dụng Biển Đông trong lịch sử dài, nhưng TQ không
phải là quốc gia duy nhất sử dụng. Thương thuyền và thương nhân các quốc
gia khác cũng đã làm điều ấy tương tự suốt nhiều ngàn năm qua.
- Vì Đường Lưỡi Bò của TQ không có giá trị, nên chủ quyền của
Phillipines trong vùng đặc quyền kinh tế, tính theo 200 hải lý từ bờ
biển Phillipines tự nhiên sẽ bao trùm các quần thể như bãi Scarbourough
(cách Phillipines chỉ 220 cây số). Chính vì thế khi TQ chiếm các quần
thể này hoặc cấm ngư phủ Phi đánh cá, là vi phạm chủ quyền Phillipines.
- Các mõm đá ngầm, mõm đá hoặc quần thể mà TQ chiếm đóng hay bồi
đắp không thể định nghĩa như những hải đảo và cao lắm là chỉ có thể có
hải phận 12 hải lý, không thể có vùng đặc quyền kinh tế và quyền trên
thềm lục địa. Nhất là toàn bộ Trường Sa đều không đạt tiêu chuẩn hải
đảo. Hâu quả là chủ quyền của Phillipines sẽ nương theo ý niệm vùng đặc
quyền kinh tế và bao gồm Trường Sa ở mức độ 200 hải lý này.
Đây là một thất bại lớn lao cho Trung Quốc và sẽ có hậu quả lâu dài cho
trật tự địa chính trị tại Á Châu, nhất là vùng Đông Á và Đông Nam Á.
Chúng ta đều biết TQ ngay từ đầu đã tẩy chay và tiếp tục không chấp nhận
thẩm quyền lẫn phán xét của Tòa Án.
III. Điều chúng ta quan tâm đặc biệt là quyết định này có
liên hệ đến chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa hay không?
Quyết định này không có ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền Việt Nam trên
các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng có ảnh hưởng gián tiếp.
Lý do là vì Tòa đã minh thị tuyên bố không phán quyết về biên giới chủ
quyền các đảo và lãnh hải. Tuy nhiên, khi vô hiệu hóa Đường Lưỡi Bò và
nhất là bác bỏ lập luận “yếu tố lịch sử không thể tranh cãi” của TQ,
điều này vô cùng thuận lợi cho những tranh tụng của Việt Nam trong tương
lai.
Trước hết, ngay tại Trường Sa, mức độ tranh chấp sẽ giảm bớt vì các quần
thể chỉ còn là những mõm đá và cao tay nhất chỉ có thể có hải phận 12
hải lý, không còn vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý hoặc quyền thềm lục
địa.
Sau đó, trong trường hợp Hoàng Sa, ngoài Đường Lưỡi Bò bị hủy bỏ, các
yếu tố từ lịch sử đến kiểm soát trong thời gian dài (thời Pháp thuộc đến
VNCH miền nam), địa dư... đều thuận lợi cho Việt Nam hơn.
Tuy công hàm Phạm Văn Đồng 1958 có thể được Bắc Kinh nêu ra, nhưng thời
đại bây giờ không phải như thời đại quân chủ tuyệt đối của Nga Sa Hoàng
bán Alaska cho Hoa Kỳ (1867) thủa xưa nữa. Một công hàm của một thủ
tướng ký, không qua các thủ tục hợp hiến và hợp pháp, nhất là nhường
Hoàng Sa và Trường Sa, lúc đó không thuộc lãnh thổ của nước Việt Nam Dân
Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt), mà thuộc một quốc gia khác là VNCH (miền Nam),
sẽ không có hiệu lực pháp lý, nhất là tại một tòa án quốc tế của LHQ
hay một pháp đình quốc tế có thẩm quyền khác. Lý do đơn giản là một quốc
gia này không thể nhường cho một quốc gia khác, một lãnh địa vốn thuộc
về chủ quyền một đệ tam quốc gia.
Đảng CSVN đã đánh mất một cơ hội quan trọng, theo chân Phillipines kiện
TQ, hầu yêu cầu Tòa Trọng Tài Thường Trực phán quyết về chủ quyền tại
Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhà cầm quyền CSVN đã trì hoãn quá dài trong quá khứ vì cả nể đàn anh TQ
và càng trì hoãn thì chủ quyền pháp lý của Việt Nam càng có xác suất bị
thử thách.
Đây là lúc toàn dân đứng lên, áp lực nhà cầm quyền CSVN, nộp đơn kiện
TQ, đòi lại chủ quyền biển và đảo của tổ quốc, từ tay xâm lược bành
trướng Bắc Kinh.
Sau cùng, tuy cả thế giới đều lo ngại là quyết định vừa qua của Tòa
Trọng Tài Thường Trực LHQ này sẽ gia tăng xung đột tại Biển Đông, nhưng
theo quan điểm của tôi, sự tăng tốc xung đột chỉ trong giai đoạn ngắn
hạn. Về lâu về dài, phán quyết này sẽ giảm bớt mức độ xung đột. Có 2 lý
do chính cho lập luận này. Một là những nguyên tắc nền tảng về luật biển
đã được đặc nền móng và trở thành những tiêu chuẩn hành xử. Hai là sự
xác định toàn bộ quần đảo Trường Sa không đủ tiêu chuẩn pháp lý để được
định nghĩa như những hải đảo. Hệ lụy pháp lý là không có vùng đặc quyền
kinh tế 200 hải lý hoặc quyền trên thềm lục địa. Như thế chiếm giữ các
hải đảo với tối đa là hải phận 12 hải lý không đem lại những quyền lợi
kinh tế lớn lao cho bất cứ quốc gia nào.
15.07.2016