Đăng
ngày 25-12-2013 Sửa đổi ngày 25-12-2013 17:28
Cách
nay 40 năm, « Quần đảo ngục tù » của Soljenitsyne được xuất bản ở phương Tây
Nhà
văn Alexandre Soljenitsyne tại Matxcơva, 12/1998 (RIA Novosti)
Ngày 28/12/1973, « Quần đảo ngục tù – L’Archipel du
Goulag » của nhà văn Nga Alexandre Soljenitsyne, đã được xuất bản tại Paris
và được đánh giá là cuốn sách lớn của thế kỷ 20. Tuyển
tập về nỗi kinh hoàng dưới chế độ Staline đã làm thay đổi nhãn quan của phương
Tây về Liên bang Xô Viết.
Các tiết lộ về quy mô các đợt trấn áp dưới thời
Staline đã gây sốc mạnh trong công luận phương Tây : Hàng trăm ngàn người bị
hành quyết thẳng tay, chính quyền chủ ý gây ra nạn đói, hàng triệu người bị cầm
tù, nhiều cộng đồng bị đầy ải, hàng triệu người chết …
Được xuất bản trước tiên bằng tiếng Nga bởi
YMCA-Press, một nhà xuất bản của cộng đồng nhập cư, cuốn sách sau đó được dịch
ra khoảng bốn chục thứ tiếng và được phát hành với khoảng mười triệu ấn bản
trên thế giới. Cũng từ đó, Goulag (từ viết tắt của Ban Lãnh đạo chính các trại
lao động khổ sai) đã đi vào ngôn ngữ thông thường.
Theo ông Claude Durand, phụ trách xuất bản sách văn học
của Soljenitsyne, « nếu đánh giá theo các tiêu chí hiệu quả của một tác phẩm
đối với tiến trình lịch sử thế giới, thì chắc chắn đây là cuốn sách có ảnh hưởng
nhất trong thế kỷ 20 ».
Chính quyền Kremlin đã có phản ứng mau lẹ : Hai tháng
sau khi cuốn sách được xuất bản ở phương Tây, nhà văn Soljenitsyne bị bắt, tước
quốc tịch Liên Xô và bị trục xuất. Ông chỉ có thể trở lại Nga vào năm 1994, sau
20 năm sống lưu vong.
Các ấn bản in bằng tiếng Nga tại Paris đã được bí mật
đưa vào Liên Xô và được truyền tay, đánh máy lại hoặc chụp ảnh lại.
Nhà ly khai nổi tiếng, giải Nobel Hòa Bình Andrei
Sakharov, đã viết trong Hồi ký của ông : « Cuốn sách của Soljenitsyne đã gây
một cú sốc cho chúng tôi. Ngay từ những trang đầu, đã hiện lên một thế giới độc
địa với các trại lao động khổ sai xám xịt có hàng rào dây thép gai quấn quanh,
các phòng tra tấn… ».
Vào thời đó, có cuốn sách của Soljenitsyne trong nhà
hoặc cho bạn bè mượn có thể bị đưa đi lao động khổ sai, với tội danh « phổ
biến tuyên truyền chống Liên Xô ». Năm 1978, nhà ly khai Balys Gaiauskas đã
bị kết án 10 năm tù giam vì đã dịch cuốn sách này sang tiếng Litva.
Nhà văn Soljenitsyne đã viết cuốn « Quần đảo ngục tù
» với sự giúp đỡ của nhiều cựu tù nhân mà ông đã liên lạc, sau khi công bố cuốn
« Một ngày của Ivan Denissovitch » năm 1962.
« Quần đảo ngục tù » là cuốn sách đầu tiên tại Liên
Xô nói về các trại giam dưới thời Staline. Soljenitsyne đã khai thác các ký ức
về bẩy năm bị đày đọa trong ngục tù của ông.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 2007, vài tháng
trước khi qua đời, Soljenitsyne cho biết : « Hàng ngàn cựu tù nhân đã viết
thư cho tôi sau khi xuất bản cuốn Một ngày của Ivan Denissovitch. Lúc đó, tôi
đã hiểu rằng số phận đã trao cho tôi thứ mà tôi cần. Tôi đã có được các chất liệu
để viết Quần đảo ngục tù là nhờ có họ ».
Các lời chứng này đã làm cho nội dung cuốn sách trở
nên rất phong phú : Các công trường khổng lồ trong các trại lao động khổ sai,
các hình phạt tra tấn đối với những người bị nghi ngờ, các khu trại lao động khổ
sai ở vùng Kolyma, các cuộc nổi dậy, trốn trại trong rừng taiga, chết đói, lạnh,
lao động khổ sai trong cái rét khủng khiếp – 50° ở Siberi…
Soljenitsyne đã bí mật viết cuốn sách trong vòng 10
năm, vì thời kỳ bài Staline ngắn ngủi đã chấm dứt. Ông là đối tượng bị nghi ngờ,
bị KGB theo dõi.
Một mạng lưới các bạn bè trung thành mà ông gọi là « những
người vô hình », đã giúp ông tìm kiếm tài liệu, đánh máy, cất dấu bản thảo,
chụp thu nhỏ lại và cuối cùng là chuyển các bản thảo sang phương Tây.
Bà Elena Tchoukovskaia, một trong « những người vô
hình », kể lại : « Ông ấy làm việc trong các điều kiện rất khó khăn. Ông
luôn luôn phải trù tính sẽ cất dấu các bản thảo ở đâu. Ông viết mà không bao giờ
có trước mặt tất cả các bản thảo đã viết trước đó. Ông ghi vào trong các cuốn sổ
: Đưa các bản thảo này vào chương này, rồi chương này thì cất dấu ở Estonia,
chương kia cất dấu ở Matxcơva… ».
Soljenitsyne đã dành toàn bộ số tiền bản quyền cuốn «
Quần đảo ngục tù » để giúp đỡ các tù nhân chính trị tại Liên Xô cho đến
tận ngày chế độ Cộng sản sụp đổ.
Tựa -
Tác giả chú thích
Thiên tiểu thuyết này viết xong đã lâu mà tôi vẫn
ngần ngại chưa muốn xuất bản. Thà phụ lòng người chết còn hơn gây hại
cho những người còn sống. Nhưng bản thảo bất ngờ lọt vào tay mật vụ thì
tôi đành phải cho ra ngay, càng sớm càng tốt.
Xin lưu ý là trong Quần đảo ngục tù không có người
bịa chuyện. Nhân danh, địa danh đều ghi rõ tên thực. Nếu có ghi tên tắt
chỉ là bắt buộc cũng như nếu có thiếu sót chỉ vì người viết không nhớ
nổi, nhớ hết. Vì tất cả trong Quần đảo ngục tù đều có thực, nghĩa là
THẤY SAO VIẾT VẬY.
Aleksandr I. Solzhenitsyn
Tựa
Năm 1949, bọn tôi tình cờ đọc được một mẩu tin ngăn
ngắn in chữ nhỏ li ti đăng trên tờ Thiên nhiên cơ quan của Hàn lâm Viện
Khoa học. Bản tin tiết lộ là trong công tác khảo cổ khai quật một vùng
sông Kolyma người ta đã tìm ra một lớp băng nằm dưới mặt đất nguyên là
một con suối, một nhánh sông đông lạnh mà trong đó còn nguyên vẹn một số
sinh vật tiền sử, cỡ vài chục ngàn năm. Cá hay thằn lằn cũng còn tươi
nguyên, tươi đến nỗi những người có mặt lúc bấy giờ hăm hở phá vỡ lớp
băng, đào lên KHOAN KHOÁI đớp ngay tại chỗ.
Độc giả tập san Thiên nhiên có bao nhiêu xong chắc
chắn họ phải kinh ngạc không ngờ cá đông lạnh có thể giữ tươi nguyên lâu
đến vậy. Tuy nhiên mấy ai đã thấu hiểu ý nghĩa đích thực của mẩu tin sơ
hở, vụng về nói trên?
Bọn tôi, trái lại hiểu ngay tức khắc. Bọn tôi còn
tưởng tượng ra đầy đủ từng chi tiết nhỏ của công tác khai quật kia. Bọn
tôi biết người ta đào lớp băng hăng hái cỡ nào, tranh nhau như thế nào…
Khỏi khảo cổ, nghiên cứu cá cua gì hết, thấy cá tiền sử cũng đào lên, xé
ngay ra cho lên bếp lửa nướng đớp liền.
Bọn tôi hiểu vì bọn tôi cũng thuộc một lớp người với đám người đào băng đó – cũng là dân ZEK với nhau mà! Những thằng ZEK [1]
thì quá đông quá nhiều và có thể nói là thế gian này chỉ có chúng là
những thằng người duy nhất dám đớp cả cá tiền sử một cách SUNG SƯỚNG.
Bọn tôi cũng không xa lạ gì Kolyma, một hòn đảo lớn nhất trong cái hệ thống gọi là QUẦN ĐẢO GULAG [2].
Xét về mặt địa lý thì GULAG là cả một nhóm đảo ở rải rác, khắp nơi
nhưng xét về tâm lý thì đây lại là một đại lục gắn chặt một khối, một
vùng đất vô hình bí hiểm, đất sống của những thằng ZEK.
Đại lục ngục tù đó nằm trong lãnh thổ Liên bang
Xôviết, nằm rải rác như bày trên một bàn cờ khổng lồ, nằm xen kẽ, nằm
chen vào giữa các đô tỉnh thị. Chỗ nào cũng có nó, vậy mà dân Nga tối
đại đa số, mù tịt, rất nhiều người chỉ nghe nói mù mờ… chỉ những tháng
từng ở bên trong mới biết rõ sự thực.
Bọn họ biết hết nhưng dĩ nhiên họ phải câm nín, không hé mồm về sự thực bên trong GULAG.
Vì một tình cờ trớ trêu của lịch sử, một phần sự
thực được phép công bố – dù chỉ một phần nhỏ nhoi, có nghĩa. Những bàn
tay mới đây còn nắm cứng tay chúng tôi để viết còng cho chặt thêm… chính
những bàn tay ấy giờ đây chia ra hoà giải: “Thôi dĩ vãng đã qua để nó
qua luôn… gợi nhớ làm chi? Cứ nhìn về quá khứ hoài dám mất một mắt!”.
Đồng ý. Tuy nhiên tục ngữ đất nước chúng tôi lại có câu: “Có quá khứ mà
quên đi là mù cả hai mắt”.
Mấy chục năm đã qua rồi, bao nhiêu ung nhọt ghẻ lở
đang lành lặn dần. Cùng thế gian đó trong quần đảo GULAG mấy hòn đảo đã
sụp đổ tan tành, bị tràn ngập dưới lớp sóng lãng quên của biển Bắc cực.
Biết đâu chừng một ngày nào đó thế hệ sau chúng tôi chẳng khai quật được
một hòn, tìm ra được vết tích GULAG cùng với mớ xương tàn của một thằng
ZEK còn nằm nguyên vẹn trong lớp băng như một con thằn làn tiền sử nói
trên?
Tôi đâu dám liều lĩnh viết lại lịch sử quần đảo
GULAG, xét vì có được ghé mắt đọc một tài liệu nào đó về nó đâu. Sợ rằng
sau này cũng chẳng ai có cơ hội đọc được vì những người không muốn gợi
nhớ lại, muốn quên phứt nó đi cho rồi đã có thừa quá nhiều thời giờ – họ
sẽ còn nhiều thời giờ nữa – để thủ tiêu bằng hết tài liệu!
Bản thân tôi thì qua 11 năm ròng rã trong QUẦN ĐẢO
GULAG tôi cảm thấy tuyệt nhiên không nhục nhã oán hờn mà trái lại còn có
phần thương mến cái thế giới bao la vĩ đại đó, mà sau một loạt những
biến chuyển tốt đẹp tôi còn được đón nhận khá nhiều tin tức, tài liệu,
thư từ mới về nó. Nhờ đó may ra tôi có thể kể lại phần nào chứng tích
thịt xương của chính con thằn lằn may mắn thay còn sống sót.