Nguyễn Song Anh: Di dân, Tỵ nạn và Hội Nhập

                                                                              


                           Di dân, Tị nạn và Hội nhập

                                                              Nguyễn Song Anh

Buổi trao đổi với nam nữ sinh hai lớp10 tại „Hauptschule Johann-Brunner „ ngày thứ sáu 10.11.1995 về đề tài“Di dân đến nước Dức trong quá khứ và hiện tại „qua kinh nghiệm di dân đến sống tại Dức của một cá nhân dưới các điều kiện căn bản của một thế giới liên quốc và đa văn hóa“



    Kính thưa Ban giám đốc Trường Johann-Brunner,
    Kính thưa giáo sư Dr. Josef Döbber, Giáo sư hướng dẫn hai lớp 10A, 10B,
    Cùng các bạn nam, nữ sinh hai lớp 10A,10B
     Mở đầu cho buổi nói chuyện hôm nay, tôi xin bày tỏ lòng kính trọng đối với một danh nhân của quý quốc, sanh ra ngày 29.4.1857 tại Tirschenreuth và tạ thế tại Cham ngày 10.3.1941, được an táng tại nghĩa trang Cham, nơi mà tôi đã có dịp chiêm ngưỡng trong thời gian làm công việc lao động xã hội suốt mấy năm liền. Ngài Johann-Brunner đã có những công trình khảo cứu về phong tục và sử học, góp phần to lớn cho cả nước nói chung và cho vùng Ost Bayern nói riêng, xứng đáng được đặt tên cho con đường mà tôi đang ngụ trên phố đó. Lại càng hân hạnh khi tôi được bước chân vào ngôi trường cũng mang tên Ngài: Johann-Brunner.
    Tôi xin được bày tỏ lời cám ơn nồng hậu đến Hiệu trưởng trường, Ngài Zipperer, người đã ân cần giới thiệu tôi với giáo sư Dr. Josef Döbber, giáo sư đã tin tưởng gởi thư mời tôi tham dự buổi gặp gỡ trực tiếp các bạn nam nữ sinh hai lóp 10, trong chương trình bộ môn xã hội học của nhà trường qua đề tài“Di dân đến Đức trong quá khứ và hiện tại“ qua „kinh nghiệm di dân đến sống tại Dức của một cá nhân dưới các điều kiện căn bản của một thế giới liên quốc và đa văn hóa“.
    Cùng với nỗi vui mừng được gặp gỡ các thầy cô và học sinh trong buổi trao đổi văn hóa đầy ý nghĩa nhân văn và xã hội này, tôi thành thật rất bối rối và lo sợ vì trình độ hiểu biết hạn chế, hơn nữa vốn ngôn ngữ quá ít ỏi , không đủ khả năng diễn đạt cũng như giải đáp các câu hỏi sẽ được nêu ra..Nhưng để đáp lại tình cảm, niềm tin và nguyện vọng của nhà trường, và về phần cá nhân, muốn nói với mọi người hiểu thêm hoàn cảnh đặc thù của một ngưởi Việt Nam  từ bỏ „thiên đường cộng sản“ tại quê nhà, làm thân phận lưu vong tị nạn ở quê người, tôi đã mời thêm một thông dịch viên hữu thệ, một sinh viên Việt Nam du học tại quý quốc từ năm 1960, đã tốt nghiệp Cử nhân Kỹ sư, giúp tôi hoàn thành tâm nguyện. Từ Stuttgart xa xôi, ông đã nhận lời và cùng tôi tham dự hôm nay.
    Bây giờ, tôi xin đi vào nội dung chính.
    Vì tính chất của bộ môn khoa học xã hội qua đề tài trao đổi hôm nay, nên trước khi trình bày kinh nghiệm di dân của cá nhân, tôi xin được mạn phép nêu lên hai dữ kiện lịch sử cụ thể của xã hội Việt Nam, đã có ảnh hưởng quyết định trực tiếp đến việc người Việt phải rời bỏ quê hương.
   -Tháng 5.1954, khi bộ đội cộng sản Việt Nam thắng Pháp ở Diện biên phủ, hiệp định Genève được ký kết ngày 20.7.1954, chia cắt đất nước Việt Nam làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Miền Bắc do cộng sản thống trị và Miền Nam thuộc chế độ tự do. Việc gì đã xảy ra? Gần hai triệu người Việt Nam trên miền Bắc đã ào ạt vào miền Nam tìm đến miền đất tự do và sau đó, từng người, từng nhóm tìm cách vượt qua vĩ tuyến 17, trốn thoát sự thống trị của chế độ cộng sản. Không ít người đã bỏ mình trên đường vượt tuyến!
    -Dữ kiện lịch sử thứ hai xảy ra vào ngày 30.4.1975, khi bộ đội cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam. Hơn một triệu người Việt Miền Nam, lần này phải tháo chạy ra nước ngoài để tìm Tự Do.Tình huống đặc biệt từ năm 1979, phong trào vượt biển tìm Tự Do của người Việt Miền Nam đã làm chấn dộng thế giới. Hơn 500.000 người  đã vùi thây dưới biển sâu, không biết bao thảm cảnh tủi nhục trên đường vượt biền khi bị hải tặc Thái lan cướp bóc, hảm hiếp...,đó là những thuyền nhân (boat people). Trong số may mắn còn sống sót, họ được tàu “Cap Anamur“ cứu vớt và được đưa về định cư đùm bọc tại quý quốc.
    Tôi khẳng định đó là những cuộc di dân bất bình thường, vì họ không chịu nỗi cảnh sống dưới chế độ độc tài, vô lương của cộng sản, đặc biệt là chính quyền cộng sản Việt Nam.
Trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể đó, tôi cũng bắt buộc phải tìm mọi cách để rời bỏ quê hương.
    Tôi may mắn được đào tạo  từ một nền giáo dục tự do, nhân bản và khai phóng, tốt nghiệp Sư phạm và vào nghề từ 1960. Cho đến năm 1975, tôi giảng dạy môn Việt văn  và là Hiệu trưỏng một trường trung học đệ nhị cấp. Cũng như bao thanh niên Việt Nam trong thời chiến, tôi tham gia quân đội và sau thời gian thụ huấn quân sự, được biệt phái trở về phục vụ tiếp trong ngành giáo dục.
    30.4.75, ngày kinh hoàng của nhân dân Miền Nam. Cùng số phận những người làm việc trong chế độ Saigon dưới chánh thể Việt Nam Cộng Hòa, tôi bị bắt đi tù cải tạo, với tội danh chung mà cộng sản gán cho là“ngụy quân-ngụy quyền“.
    Tù cài tạo về, tôi bị gọi trở ra dạy học cho nhà trường „xã hội chủ nghĩa“: Gỉảng dạy văn học , thực chất là nói để ca tụng chế độ và các lãnh đạo cộng sản, đặc biệt dạy văn học là lập lại những luận điệu tuyên truyền chánh trị từ cấp trên ban xuống. Chỉ vậy thôi!
    Trước những biến động xảy ra ở Liên bang xô viết cũ và ở các nước cộng sản đông âu, chính quyền cộng sản Việt Nam từ 1987 buộc lòng phải „đổi mới“ đôi chút, trong đó có việc cho phép đi du lịch thăm thân nhân ở nước ngoài. Dịp may cho gia đình chúng tôi sau bao lần tìm cách vượt biên đều thất bại, đó là bên vợ tôi, có ba gia đình là „thuyền nhân“ được chánh phủ quý quốc chấp nhận cho tị nạn và định cư từ 1979. Nhờ bảo lãnh đi du lịch thăm thân nhân, gia đình chúng tôi đã đặt chân lên lãnh thổ CHLBD. Sau thời gian du lịch, chúng tôi quyết định xin tị nạn.
    Như đã nói ở phần trên, đây cũng là một trường hợp di dân bất bình thường, trái với các trường hợp di dân bình thường ở một số đông quốc gia, mà ngay chính ở CHLBD cũng có. Như trường hợp các sinh viên nước ngoài đi du học và ở lại nước sở tại để công tác hoặc làm việc, hay như các cá nhân và gia đình đến một nước khác để sinh sống, khuếch trương thương mại hoặc phát triển ngành nghề theo sở thích và phù hợp với những qui định về ngoại giao, an sinh xã hội của nước sở tại...
    Từ một Việt Nam thuộc khu vực A châu mà đa số là các nước kém phát triển cùng với những phong tục. tập quán, ngôn ngữ...có một khoảng cách khá lớn so với các nước Tây Au có một nền văn hóa, văn minh, giáo dục và khoa học phát triển vững chắc, chúng tôi rất ngỡ ngàng trong thời gian đầu để có thể hội nhập.
    Văn hóa và văn minh của một dân tộc không phải là đặc ân của Thượng đế ban thưởng mà là kết quả hun đúc, bồi dưỡng với lòng quyết tâm của toàn dân trải qua bao thế hệ. Dân tộc quý quốc cũng đã trải qua bao hy sinh, nước mắt và dũng cảm, thông minh và trí tuệ để có một cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay. Từ đó, tôi nhận ra khả năng hội nhập của một người di dân, trước tiên phải phát xuất từ thành tâm, thiện ý và sự bền chí của bản thân, và dĩ nhiên còn phải phát xuất từ tình cảm yêu mến quê hương thứ hai, nơi đã cho mình dung thân.
    Có cơ hội để định cư và sinh sống ở một quốc gia tự do là hạnh phúc lớn nhưng bước đầu hội nhập rất khó khăn. Trước hết là vấn đề sinh ngữ. Chúng tôi đã cao tuổi, việc tiếp thu sinh ngữ nhiều hạn chế nhưng dù sao phải cố gắng vì không học và nói được Dức ngữ thì làm sao giao tiếp với xã hội. Do đó, chúng tôi học sinh ngữ đều đặn tại „Volkshochschule “, cũng là dịp so sánh môi trường giáo dục ở quê nhà trước đây và nền giáo dục đại chúng ở quý quốc. Thứ đến là khả năng ngành nghề. Thật là trở ngại lớn nhứt vì khi còn ở Việt Nam, chúng tôi xuất thân từ ngành sư phạm và dạy học trên dưới cũng ba mươi năm. Tại đây, chúng tôi tìm được một việc gì để sinh sống khi tuổi đã quá ngũ tuần? Là những người trí thức, chúng tôi không muốn trở thành gánh nặng cho đất nước đã tạm dung mình bằng cách hàng tháng nhận trợ cấp xã hội. Chúng tôi tự nguyện làm lao động tại nghĩa trang mỗi ngày 4 tiếng với mức thu nhập 2 DM cho mổi giờ. Từ một người cầm viết cầm phấn, bây giờ cầm cuốc dọn cỏ, chúng tôi chấp nhận để trả cho cái giá hạnh phúc tự do được như sở nguyện. Tìm một việc gì khác để tự lực mưu sinh khá hơn, chuyện đó tính sau.
    Trên bục giảng trước học trò, chúng tôi có niềm hạnh phúc của ngưới thầy, bây giờ trước công việc lao động chân tay, chúng tôi vẫn tìm được niềm vui trước thiên nhiên, qua những lời thăm hỏi của những người đến viếng mộ thân nhân ở nghĩa trang và nhất là vào những buổi sáng, được nhìn thấy các nam nữ học sinh rộn rã đến trường, gợi lại trong chúng tôi kỷ niệm một thời đứng lớp.
    Có thể đây chỉ là những cảm nghĩ riêng của cá nhân tôi, tuy nhiên tôi muốn bày tỏ một điều là, một người di dân tị nạn chánh trị như tôi, từ một quốc gia châu A đến nước Dức- một nhà nước vững vàng về mọi mặt trong hệ thống một thế giới liên quốc và đa văn hóa, phong phú về đời sống vật chất lẫn tinh thần-, tôi nghiệm ra rằng trong những điều kiện dị biệt nhứt định về chủng tộc, màu da, phong tục, tập quán kể cả tín ngưỡng...một người di dân đến từ phương đông vẫn có thể hội nhập vào đời sống nơi quê hương mới với tất cả lòng trân trọng và quyết tâm đóng góp một phần nhỏ mọn công sức của mình.
    Tôi đã đọc đâu đó một câu „Chỉ có bình đẵng ở những kẻ đồng đẵng“ nhưng tỉnh thương và lòng nhân đạo thì không hề phân chia biên giới. Vì lẽ đó, CHLBD nói chung và nơi tôi cư ngụ nói riêng , đối với tôi là nơi „đất lành chim đậu“. Cảm xúc của tôi vói cảnh và người nơi đây đã hình thành một vài bài thơ tâm sự mà nếu quí vị và các bạn học sinh không yêu cầu, tôi cũng không dám mạo muội đọc lên ở phần cuối chương trình.
    Vấn đề di dân của người Việt Nam sống dưới chế dộ cộng sản  từ sau 1975 và nhất là từ 1989 tới nay ngày càng đa dạng và phức tạp. Thực chất không còn là di dân mà là đào thoát cộng sản để đến các trại tị nạn ớ Á châu qua đường bộ ở miền nam Việt Nam qua Cambodge để có thể nhập trại tại biên giới Thái lan, hoặc bằng con đường du lịch. Tại miền Bắc, giờ đây cũng có hàng loạt người vượt biên đến các trại tị nạn ở Hồng kông, Malaysia...
    Hiện nay, một vài nước trên thế giới có cái nhìn hời hợt xuôi theo luận điệu tuyên truyền của chính quyền cộng sản Hà nội, cho rằng người Việt bỏ nước ra đi vì lý do kinh tế, không phải lý do chánh trị. Do đó có chương trình „cưỡng bách hồi hương“.
    Là người Việt Nam đã sống 17 năm dưới chế độ cộng sản, trong hoàn cảnh đất nước tôi đã thống nhứt, tôi hiểu rõ đất nước tôi còn nghèo, chậm phát triển. Trong thời gian loạn lạc, đói khổ vì thiên tai, lũ lụt hạn hán …đã xảy ra những trường hợp di dân từng làng, từng huyện  đến một nơi tương đối an lành hơn nhưng cũng chỉ trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia, tôi cho đó là di dân vì mục đích kinh tế, hoặc như những chính sách di dân để khai hoang lập ấp do chính quyền ban hành. Còn trường hợp tránh hiểm họa cộng sản, họ phải vượt biển, chấp nhận hy sinh cả tánh mạng, bất chấp cả tủi nhục, bị bức tử, hãm hiếp trên đường tị nạn để mưu cầu Tự Do, có thể nào vì lý do kinh tế không? Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam rất vui mừng khi thấy một vài tin tức nước ngoài đồng tình với họ cho rằng người Việt trốn ra nước ngoài chỉ vì mục đích kinh tế, vì vậy vô tình giúp họ thoát khỏi bị buộc tội đã áp đặt một thể chế chánh trị độc tài tồi tệ, là nguyên nhân đưa đến sự suy thoái về kinh tế, sự suy đồi về giáo dục văn hóa của xã hội Việt Nam. Cũng vì đó, khi thế giới tự do và người Việt hải ngoại quốc gia đấu tranh cho Nhân quyền, Dân chủ tại Việt Nam, chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn mạnh miệng lập đi lập lại đó là chuyện nội bộ chủ quyền của đảng cộng sản Việt Nam và của nhân dân Việt Nam.
    Từ mấu chốt của vấn đề này, tôi xin đề cập đến nội dung cuối mà quí vị và các bạn học sinh đang quan tâm, đó là vấn đề „tái hội nhập“ của những người Việt Nam đi hợp tác lao động trưóc đây ở Đông Đức khi bị đưa về lại Việt Nam. „Hợp tác lao động“ là một mỹ từ theo kiểu nói của người cộng sản Việt Nam, dịch sát nghĩa phải gọi là „thợ khách“ (Gastarbeiter).  Những người đi „hợp tác lao động“ ở các nuớc đông âu và ngay cả ở Liên xô cũ, bây giờ đã hiểu rõ , họ chỉ là lao nô, những người bị nhà nước cộng sản Việt Nam đưa ra nước ngoài làm việc để trả nợ các khoản viện trợ cho đảng cộng sản Việt Nam trong thời chiến tranh, chủ yếu là nợ trang bị vũ khí, đạn dược và thực phẩm cứu đói.. Vì thế, việc „tái hội nhập“ của những người lao động này khi trả về Việt Nam, được họ nhìn qua số tiền hai trăm triệu đức mã mà họ kỳ kèo, trả giá ở hiệp ước Đức-Việt vừa ký ngày 21.7.1995 để nhận về 40.000 người.
    Khi hàng trăm triệu đã được chuyển vào Ngân hàng nhà nước Việt Nam, khi một số „lao động hợp tác“ về nước thì chính phủ Hà nội đã có sẵn bài học cũ:“đây là chuyện nội bộ, thuộc chủ quyền Việt Nam“. Hiệp ước ký là một chuyện, nhưng đừng chờ đợi sự thi hành nghiêm túc và công bằng về phía Việt Nam!
    Hơn nữa, những người thợ khách Việt Nam được đào tạo tay nghề tốt, sẽ làm được gì trong hiện tình nội chính và kinh tế cùng đà phát triển của Việt Nam?
    Những người thợ khách khi hồi hương với tay nghề tốt, có trình độ khoa học kỹ thuật nhứt định, từng tiếp xúc với máy móc tinh xão...là một lực lượng tốt, có khả năng đóng góp để xây dựng đất nước, có tinh thần lao động cần cù và trách nhiệm. Họ chỉ có thể cống hiến xứng đáng khi ở vào một hoàn cảnh và môi trường lao động tốt: có nghiệp đoàn độc lập vững mạnh, có xí nghiệp được trang bị đúng kỹ thuật, có ban giám đốc có thực tài giàu kinh nghiệm, và nhất là họ được sử dụng đúng khả năng cùng lương bỗng tương xứng. Tất cả các điều kiện cần và đủ nêu trên hiện nay hoàn toàn chưa có ở Việt Nam, ở một cơ chế „kinh tế thị trường theo định hướng xhcn có sự quản lý hiệu quả của nhà nước“, mà thực chất cũng chỉ là cơ chế „kinh tế chỉ huy“ trá hình.
    Cho nên, nếu có tái hội nhập,, những thợ khách này, trừ thiểu số con cháu cán bộ có chức có quyền được ưu tiên, số đông còn lại phải bôn ba bên ngoài tự kiếm sống. Khi tìm đọc „Mục tiêu tổng quát và các chặng đường phát triển của Việt Nam tới năm 2020“, tài liệu chính thức của cộng sản Việt Nam công bố vào tháng 2.1995, có đoạn ở Chương Bốn, Mục II phần 1 „Chặng đường chuyển đổi (đến năm 2000) ghi“Mục tiêu quan trọng của chặng này là đưa nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi ngưỡng cửa nghèo khổ, ở mốc năm 2000, giá trị thu nhập bình quân đầu người phải đạt ít nhất 400-500 US“
    Không nói đến tình hình nội chính ở VN vi phạm thô bạo Nhân quyền, cấm đoán tự do ngôn luận, tự do tôn giáo...buông xuôi theo sự chỉ đạo của Trung cộng và nạn tham nhũng từ trung ương đến địa phương..., những người „lao động hợp tác trở về cống hiến cho quê hương mình sẽ nghĩ gì khi phải đợi mãi đến năm 2000, may ra mức thu nhập hàng năm của họ được từ 400 đến 500 đô-la,  trong khi những năm ở xứ người trước đây, bình quân mỗi tháng họ đã lãnh được khoảng 800 Ostmark , tương đương gần 300 DM, hoặc độ chừng 250 đô-la?
    Thưa quí thầy cô , cùng các em học sinh,
    Cũng trong tháng 9 vừa qua, dẫn theo nguồn tin dpa Express đăng ngày thứ năm 28.9.1995, một thíêu nữ Đức, cô Sabine Kratze ...“tự thiêu và sau đó nhảy từ tầng lầu thứ 8 nơi cô trú ngụ xuống đất.“
    Báo Viên Giác số 89 cũng đưa tin:“ Vào ngày 3.9.1995 tại thành phố Saigon, một nữ sinh viên người Đức đã ở Việt Nam hơn 2 năm, cô đang học tiếng Việt và cũng đã theo dõi mọi diễn biến tại Việt Nam, nhất là về mặt bắt giam, tù đày...nên cô đã tự thiêu nơi cô ở vào ngày trên để phản đối chính quyền cộng sản Việt Nam không thực tâm đổi mới và vẫn còn đàn áp tôn giáo một cách nặng nề, có sách lược...“
    Bản tin đau buồn đó càng cho thấy vấn đề di dân qua kinh nghiệm cá nhân của tôi cũng như đa số đồng bào tôi tìm đến quý quốc để dung thân là di dân bất bình thường.
    Kính thưa quí vị,
    Cùng các em học sinh,
Có một lời nói lưu truyền ở nước chúng tôi :“Sau mùa đông giá rét, ánh nắng ấm áp của mùa xuân sẽ về; sau đại loạn, thanh bình sẽ đến“. Là một người di dân tị nạn tại CHLBD, sống ở một đất nước với cảnh trí hữu tình và con người hiểu biết đầy cảm thông này, tôi càng tin tưởng mùa đông buốt giá trên quê hương tôi sẽ nhanh chóng qua đi để nhường lại cảnh đời Tự Do tốt đẹp  cho mỗi con người Việt Nam, từ trong tận cùng đau khổ sẽ vươn lên đón mầm Hạnh Phúc.
    Cũng như hôm nay đây, chúng ta đang bước vào mùa đông, chúng ta sẵn sàng chờ đợi buớc đi trên tuyết trắng. Nhưng ánh nến ấm áp của đêm Giáng sinh giữa đêm đông lạnh giá vẫn là nguồn vui sưởi ấm mọi tâm hồn, mãi mãi cho ta niềm Tin Yêu và Hy Vọng.
Trong ý nghĩ đó, tôi xin  phép được chấm dứt  bài nói chuyện và hy vọng đáp lại được phần nào sự trông chờ của quí thầy cô và các bạn nam, nữ học sinh.




   Như ở phần cuối chương trình, thay vì giới thiệu một bài hát Việt Nam, tiếc rằng giọng hát của tôi không hay, nên thể theo yêu cầu chung, tôi xin đọc một bài thơ nhỏ:



Ngày tháng đong đưa.

Còn tôi ngày tháng đong đưa
Như trời chợt nắng lại mưa vô chừng
Bây giờ phố lạ người dưng
Thơ buồn biết mấy đan từng sợi không
Xa trôi một áng mây hồng
Biết đâu là cuối dòng sông vô thường
Chiều trôi chút nắng quê hương
Gió se lạnh rớt mấy đường lá khô
„Regen“ dòng chảy mơ hồ
Ghế băng mòn hẹn đôi bờ thời không
Đất trời một cõi mênh mông
Riêng người một góc tạm dung cũng đành
Sông nào chẳng lắm khúc quanh
Nửa đời lên thác xuống gành rong rêu
Hoàng hôn xao xác chim kêu
Tưởng chừng chim vịt kêu chiều thiết tha

Tage und Monate im Schweben

Schweben Tage und Monate
Als ob es mitten Sonnenschein regnet
Auf unbekannten Straßen, zwischen Fremden
Das Gedicht von Traurigkeit verstrickt sich in Fäden von Nichts
Eine aufgebauschte Wolke fliesst in die Ferne
Sie könnte bis zum Ende des Flusses weitersehen...
Ist zu finden kalter Wind, bläst trockene Blätter hinunter
„Regen“ fliesst unscheinbar
Ermatttete Bänke verabreden sich mit den beiden Zeit-Räumen
Der Himmel ist zu gewaltig
Ein Person begnügt sich mit einem Winkel als Zufluchtsort
Kein Strom ohne Windungen
Die Hälfte des Lebens durchläuft einen schweren Weg
Die Abenddämmerung geben Vögel  Laute von sich
Man denkt, es wären sehnsüchtige Entenstimmen am Abend...
              20,5-30.6.1995

          Nguyễn Song Anh
Trích từ đặc san hội ngộ Bodensee