Hoàng Phong Linh - Võ Đại Tôn

NHỮNG VIÊN ĐẠN ĐÚC BẰNG MÁU TIM
Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)​

(Viết nhân dịp  Cộng Đồng Người Việt Tự Do Hải Ngoại biểu tình Quốc Hận lần thứ 40 trước tòa đại sứ hoặc lãnh sự cộng sản Việt Nam tại các nơi. Riêng tại Úc Châu, Cộng Đồng NVTD biểu tình ngày 26.4.2015  tại thủ đô Canberra, trước tòa đại sứ CSVN).

Tòa đại sứ các “Anh”
Dù nguy nga rộng lớn
Nhưng lạnh lùng ghê rợn
Đầy bóng dáng âm hồn.
Vách tường cao vây kín tựa mồ chôn
Lương tâm khóa chặt.
Sau khung cửa sắt
Các “Anh” trốn như đàn dơi
Sợ ánh sáng mặt trời.
Chúng tôi đứng đây, bừng cao tiếng thét
Thay mặt dân oan bị các “Anh” bóp nghẹt
Tiếng nói Con Người.
Lời chúng tôi : - từng viên đạn máu tươi
Không đúc bằng hận thù dĩ vãng
Mà kết tinh từ Tuyên Ngôn trong sáng
Đòi lại Quyền Dân.
Các “Anh” đã bịt tai, sợ Sự Thật phơi trần
Với muôn ngàn tội ác.
Mặt nạ các “Anh” làm đui mù võng mạc
Không thấy nỗi tang thương.
Cùng chung nòi giống, cùng một quê hương
Bao năm rồi, các “Anh” thẳng tay tàn phá.
Cây Tổ Quốc, các “Anh” đốn ngã
Đạp chân lên lịch sử mấy nghìn năm.
Các “Anh” du nhập một tà thuyết xa xăm
Đạo Sống Việt bị Vô Thần phá hủy.
Đảng các “Anh” tuyên truyền thắng Tây, thắng Mỹ
Nhưng giờ đây không thắng nỗi lòng tham.
Thắng chúng tôi, chung giòng máu phương Nam,
Rồi vơ vét đến tận cùng xương tủy.
Bạo lực các “Anh” đắp xây thành lũy
Ngăn Lòng Dân, không một chút thương tâm.
Chúng tôi đại diện hàng triệu kẻ âm thầm
Bao ngõ ngách bùn lầy khổ hạnh.
Mong được sống, bị đòn thù đập đánh
Bị giam cầm khi tố chuyện bất công.
Tội ác các “Anh” làm tanh máu Tiên Rồng
Lưu lại nghìn sau toàn màu đen Dân Tộc.
Chưa kể tội tày trời bán buôn Tổ Quốc
Làm chư hầu, mong đảng trị độc tôn.
Nếu còn chút lương tri, còn sót mảnh linh hồn
Các “Anh” mở mắt nhìn một tấm hình em nhỏ.
Mới 5 tuổi đầu, ai đem thây vứt bỏ
Thân còng queo, loang lổ vết thương khô.
Em bị bán qua tận xứ Biển Hồ
Đất Cao Miên nơi rừng sâu hoang lạnh.
Cho lũ người thỏa cơn thú tánh
Phá trinh em, vùi dập tuổi thơ ngây.
Mười mấy nghìn em trong hang ổ đọa đày
Mẹ Âu Cơ từng đêm ôm mặt khóc.
Còn bao cảnh khoe tấm thân ngà ngọc
Đem rao hàng: - Đây thiếu nữ Việt Nam !
So đo lời lỗ, bọn du khách Đại Hàn
Chọn mua em như mớ rau ngoài chợ !
Các em lạc loài làm thân con ở
Nơi xứ người, nô lệ, cảnh lầm than.
Còn các “Anh” chễm chệ sống giàu sang
Xây dinh thự, toàn “đại gia” thụ hưởng.
Một chầu rượu cười say ngất ngưởng
Của các “Anh” bằng dân sống một đời.
Ngôn ngữ Việt Nam không còn chữ còn lời
Ngoài tên gọi các “Anh” là : - Tội Ác !



Tòa đại sứ các “Anh” dù tường cao, lính gác,
Như đảng các “Anh” dùng bạo lực ngăn bờ.
Sẽ có một ngày
Từ mẹ già đến trẻ ấu thơ
Cùng Toàn Dân đứng dậy!
Rồi các “Anh” sẽ thấy
Những viên đạn đúc bằng máu tim
Xuyên thủng màn đêm
Phá tan bạo ngược.
Các “Anh” sẽ không bao giờ biết trước
Cuồng phong ập đến bất ngờ.
Như bao bạo chúa trong cung ngọc điện thờ
Cũng tan thành tro bụi.
Trả lại cho Dân từng nhánh sông, khe núi,
Từng bát cơm, từng mái lá yên lành.
Tổ Quốc hồi sinh – không còn bóng các “Anh”,
Không xiềng xích ngục tù, tan bạo lực.
Đàn em thơ tay thơm mùi giấy mực
Tô thắm màu hai chữ Tự Do.
Dân Tộc chúng tôi mừng hạnh phúc, ấm no
Trời Nhân Bản thoát kinh hoàng ác mộng.
Lịch sử sang trang, huy hoàng Lẽ Sống
Ngẩng cao đầu, hãnh diện: VIỆT NAM!

​​
Võ Đại Tôn 
​​
(Hoàng Phong Linh)

Hải Ngoại, 2015
BỐN MƯƠI NĂM...
                                                       Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)

Bốn mươi năm rồi đó EM
Nỗi buồn trong Ta mãi dài thêm.
Hơn mười ngàn ngày khô khát vọng
Hơn mười ngàn mơ xuyên bóng đêm !

Bốn mươi  năm rồi EM có hay
Sông đau núi khổ vẫn phơi bày ?
Nỗi quên giằng co quanh nỗi nhớ
Lạc loài Ta mỏi cánh chim bay !

EM đã chìm sâu hoa xác trôi
Trùng dương hoang lạnh huyệt mồ côi.
Hồn EM theo cá Hồi vô định
Tìm lối quay về, lạc biển khơi !

Còn EM phiêu bạt chốn quê người
Khóc cười nghiêng ngả mấy đêm vui ?
Tuyết xuyên gót lạnh chân đài các
Tỉnh mộng còn hoen gối ngậm ngùi !

Tin lại về thêm bến lạ kia
Tiền xanh hay đỏ cọng trừ chia.
Làn da nhàu tím ai vò nát
Huyền Trân đâu nữa tiếng than khuya ?

Sâu kín lao tù đau xác thân
Đêm đen thấy đỏ mắt hung thần.
Tóc mây làm gối run sàn lạnh
Chén ngọc EM tan, lạc nẻo trần.

Ta vẫn tìm theo tiếng Mẹ ru
Dù đời vân cẩu thoáng phù du.
Thời gian như búa đau lòng ván
Ta mãi không mong tiếng Tạ Từ.

Lòng Ta vẫn thắm dáng Quê Hương
Tìm EM, sông núi gọi Lên Đường.
Xin EM gắng đợi dù mưa bão

Để hát cùng Ta thơm tiếng Thương !                Võ Đại Tô n (Hải Ngoại )

KỶ NIỆM CHIẾN THẮNG ĐỐNG ĐA
(Mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789)

                                                                         Võ Đại Tôn
                                             
Hôm nay
Ngày kỷ niệm chiến thắng Đống Đa
Lừng danh Lịch Sử.
Chúng tôi, đàn con lưu vong viễn xứ
Xin cúi đầu lạy tạ Cha Ông.
Những bậc Anh Hùng bảo vệ núi sông
Qua chiến tích nghìn thu dũng liệt.
Đuổi xâm lăng, rạng ngời trang Sử Việt
Nét vàng son Tự Chủ giống Rồng Tiên.
Bành tượng uy nghi tỏa khí hùng thiêng
Quân thần tốc băng sông vượt suối.
Hẹn về Thăng Long xô thành bạt núi
Dựng cao cờ trên đỉnh trời Xuân.
Vì Tổ Quốc đâu quản ngại gian truân
Đem xương máu lót đường hoa Đại Nghĩa.
Tiếng voi đi, ngựa hí, rền vang trận địa
Lộng tinh kỳ Đại Đế gió bừng say.
Bắc Bình Vương uy dũng dáo vèo mây
Vung thần kiếm oai linh ngời tinh đẩu.
Đánh cho tan loài Bắc phương thảo khấu
Diệt cho tàn quân cướp nước xâm lăng.
Đại Việt ta, nền tự chủ vĩnh hằng
Không cúi nhục, giữ sơn hà xã tắc.
Một trận tiến công, quân thù xanh mặt
Trống Ngọc Hồi thay pháo Tết mừng Xuân.
Hai trận tiến công, Quân-Tướng hợp quần
Như vũ bão, đạp phăng thành Khương Thượng.
Sầm-Nghi-Đống bơ vơ dưới trướng
Đành sát thân, quân vỡ mật tan hàng.
Núi Loa Sơn thây giặc máu nồng loang
Hồn chưa thoát nỗi kinh hoàng khiếp vía.
Đống Đa, nơi quân thù tuyệt địa
Thành mồ chôn, tan vỡ mộng Thanh triều.
Hai mươi vạn hùng binh với tướng ngạo quân kiêu
Trong phút chốc phải tan đàn rã đám.
Trời Bắc phương mây mù ảm đạm
Quân xâm lăng cởi giáp quy hàng.
Lũ đuôi sam quỳ lạy kêu van,
Tôn-Sĩ-Nghị  trốn chui về biên giới.
Thành Thăng Long tinh kỳ phất phới
Triệu lòng dân mở hội hoa đăng.
Một mùa Xuân Chiến Thắng vĩnh hằng
Trang sử mới trời phương Nam định vị.
Đến muôn đời, nét vàng son cao quý
Dành riêng Người Áo Vải đất Tây Sơn.

                                 *
                              *     *

Ngày hôm nay
Cả non sông đang dậy sóng căm hờn
Mộng xâm lăng từ Bắc phương tái diễn.
Bản Giốc, Nam Quan, Hoàng Sa đảo biển
Rừng Tây Nguyên thành sứ quận chư hầu.
Cộng Sản Việt Nam xin dâng hiến cúi đầu
Quên sử cũ, vì đảng riêng toàn trị.
Chúng tôi đây, nguyện bền gan vững chí
Dù tha phương xin vẹn giữ Tâm thành.
Cúi lạy Tiền Nhân từng lẫm liệt uy danh
Xin dẫn bước cho Toàn Dân quyết thắng.
Xuân Dân Tộc trời phương Nam rạng nắng
Hoa Tự Do nở đẹp bước quân hành.
Cờ Quang Trung lồng lộng giữa trời xanh
Gương Tự Chủ một thời đang chỉ hướng.
Quê Hương cội nguồn một ngày mai hưng vượng
Đàn con về chung máu giữ non sông !.



Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)

Thư gửi mùa xuân
Võ Đại Tôn

Trong lúc chờ Mùa Xuân Dân Tộc
Vĩnh cửu đến cùng Núi Sông.
Xin cho một sợi nắng hồng
Sưởi ấm con tôi ngồi bên bãi rác.
Bụng đói tay run, mắt nhìn ngơ ngác
Tìm chút gì ăn trong đống hôi nồng.
Lũ chuột vây quanh, giòi bọ chạy rông
Đời con tôi còn thua giòi chuột.

Một miếng ăn thừa, “đại gia” không thèm nuốt
Nuôi thân con thêm giọt máu trong người.
Nhưng nào đâu? hàng triệu kiếp con tôi
Sống không có mùa Xuân trong đời bóng tối !

* * *
Xin cho một sợi nắng hồng
Rọi vào chốn hang cùng ngõ hẻm
Đàn em tôi, kiếp còn thua kém
Món hàng rong rao bán xứ người.
Bọn giàu sang hay tàn tật vui chơi
Ngồi chọn lọc, mua em làm nô lệ.
Từ thuở đàn con theo Cha ra bể
Chưa bao giờ tủi nhục như nay.
Vì miếng cơm em khóc từng ngày
Làm dâu Đại Hàn, Mã Lai, Trung Quốc.
Như cỏ dại, đời em bật gốc
Lê thân tàn, khô máu nghìn đêm.

* * *
Xin cho một sợi nắng hồng
Trên thân mẹ già khô cằn gánh vác
Mồ hôi chảy dài tóc đau sợi bạc,
Một đời lam lũ còng lưng.
Trong bóng đêm, nhìn yến tiệc tưng bừng
Của bao kẻ trị dân bằng sắt thép.
Trên thân cha, mắt mờ qua cửa hẹp
Nhìn khung trời toàn máu đỏ cờ sao.
Tuổi hoàng hôn, giòng lệ sót nghẹn ngào
Thầm mơ ước được một ngày no ấm.
Biết làm sao? – chung quanh toàn bảng Cấm,
Cấm ước mơ, luôn cả Cấm làm Người!

* * *
Xin cho một sợi nắng hồng
Rọi vào xà lim tăm tối.
Anh-chị-em tôi, những người vô tội
Bị giam cầm vì Yêu Nước, Tự Do.
Vì không muốn tim bị đúc chung lò
Con-người-máy cúi đầu theo lệnh đảng.
Những người đấu tranh không ra ngoài giới hạn
Của Lòng Dân đòi Lẽ Sống, Công Bình.
Chỉ mong nhìn được chút nắng bình minh
Trên quê hương đã chìm sâu đáy vực.
Đảng dùng dối gian, hung tàn bạo lực
Bao năm rồi phá nát cả non sông.

* * *
Xin cho một sợi nắng hồng
Thêm sức sống vào mỗi tim dân Việt
Máu hòa chung, cùng đấu tranh quyết liệt
Đòi lại Quyền Dân, đứng dậy làm Người.
Tiếng khóc không còn giữa nắng hồng tươi
Toàn Dân Tộc viết ngàn trang Sử mới.
Xuân vĩnh cửu từ bao năm mong đợi
Sẽ bừng hoa trên khắp nẻo đường quê.
Tiếng thét Diên Hồng từ lịch sử chung thề
Vang dội lại, quyết tâm gìn giữ Nước.
Đàn em thơ cùng mẹ già chung bước
Bản đồng ca Nhân Bản dậy trời Nam.

* * *
Lời tôi gửi mùa Xuân
Trên hành trình từ bao năm gian khổ
Cùng Toàn Dân máu chung đã đổ
Trong xà lim bóng tối tù lao.
Không phải ngồi và lên tiếng thét gào
Làm gọng kính mạ vàng trong phòng lạnh,
Vỏ chai bia dưới gầm bàn hô đánh
Rồi chờ mong và chỉ có ước mơ.
Tôi gọi Xuân, xin tiếp nắng xây bờ
Chung chiến tuyến vì Hồn Thiêng Tổ Quốc.
Cho chúng tôi song hành cùng Dân Tộc
Thêm lửa tim, thêm một sợi nắng hồng.
Trời đất mênh mông
Không gian chẳng hề cách biệt.
Gọi Xuân về, thêm hoa vàng lá biếc
Cùng chúng tôi đi trọn hành trình.
Một ngày mai Tổ Quốc quang vinh
Trời đất Việt sẽ bừng Xuân vĩnh cửu !.

XIN NHỜ EM D.D. CHUYỂN ĐẾN  QUÝ VỊ CÙNG CÁC BẠN TRONG HỘI
ÁI HỮU MIỀN TRUNG Ở ÂU CHÂU VỚI LỜI CẢM TẠ CHÂN THÀNH CỦA TÁC GIẢ VỀ
NHỮNG KỶ NIỆM ĐẸP TRONG CHUYẾN CÔNG TÁC TẠI ĐỨC.(THƯƠNG VỀ MIỀN
TRUNG).
CẦU CHÚC BÌNH AN.
VÕ ĐẠI TÔN.
TRỜI TÍM KIM LONG

                                                                                     Võ Đại Tôn

Chiều qua Thung Lũng Hoa Vàng (San Jose, Bắc Cali), tiếng hát Hoàng Oanh từ cuộn băng nhè nhẹ đưa “Ai Về Xứ Huế” chìm trong màu tím ngát. Sương mù ẩn hiện thoáng bay. Xa lộ xứ người chợt như biến thành dòng Hương Giang trôi ký ức tôi về lại những chiều xưa cũng ngát tím Kim Long…

Hơn nửa thế kỷ đã qua, tóc từng đau sợi bạc mà đoạn phim đen trắng của thuở vào đời chớm yêu vẫn còn rõ nét trong tim. Ngày tôi từ Đà Nẵng ra Huế nội trú trung học trường Dòng bên An Cựu (Providence), ngay trang đầu tập vở còn thơm giấy kẻ hàng, tôi viết : “Học trò trong Quảng ra thi - Thấy cô gái Huế bỏ đi không đành !”. Nhưng sau đó thì tôi cảm thấy tưng tức vì tự nghĩ không lẽ tấm thân nam nhi xứ Quảng lại mê dại thế sao ? Gái chợ Hàn đâu có thua gì mấy O Đông Ba ? – Tôi lại tự hào vặt, nặn óc sáng tác hai câu cho hả dạ : -  “Anh từ xứ Quảng ra Kinh - Mấy O Gái Huế liếc tình, theo anh !”. Thế mới thỏa lòng, trai Quảng Nam vẫn có đất dụng võ ở Thần Kinh chứ đâu phải chưa đánh đã thua !. Nhưng sau đó, mỗi sáng Chủ Nhật được phép ra trường đi dạo phố, ngang cầu Trường Tiền thấy mấy tà áo trắng nõn nà lượn lờ theo gió. Bàn tay ai khép nép nhưng hững hờ cầm duyên vạt trước, tôi vờ ngẩng cao đầu mà đuôi mắt liếc theo. Thế là thua rồi, hết làm bộ ta đây. Ghé nhà bạn học ngoại trú có cô em gái tóc xõa ngang vai, mới nhìn tóc cũng ngửi được mùi thơm. Rủ nhau ra quán Lạc Thành bên cửa Thượng Tứ ăn chè đậu xanh, chưa ăn mà đượm cả lòng. Cặp mắt ai long lanh qua vành chén nhỏ, ngọt hơn đường cát, mát hơn đường phèn. Mắt hay Đường, chưa cần đánh mà tôi thua đậm. Hỏi gì nàng cũng chỉ có một tiếng “Dạ”, nhẹ nhàng e ấp. Dường như Trời sinh người con gái Huế để thốt lên âm thanh tiếng “Dạ” dìu vợi nhất trong ngôn ngữ Việt Nam, nghe như có tiếng ngân dài quyến rũ, chập chờn đeo đẳng một đời không quên. Có lúc lại là một tiếng chạm đường tơ nửa vời, ngập ngừng, lơ lửng đâu đây. Tiếng “Dạ” đã khơi nguồn cho giòng Thơ đầu đời của tôi. Từ lúc ấy trở đi, cứ mỗi chiếu Chủ Nhật quay về lại ngôi trường nội trú, tôi bâng khuâng đi giữa trời mây… Cặm cụi… ngồi viết lại câu thơ cũ, cha ông đã từng kinh nghiệm chẳng sai, Thấy O Gái Huế bỏ đi không đành !...

Tính cho đến năm cuối trung học, sắp vào Saigon, thì tôi đã ăn không biết bao nhiêu chén chè đậu xanh Lạc Thành, có lẽ chồng chén chất từ đất lên tới trần nhà. Tuy ngán chè nhưng được bù lại đôi lần vuốt tóc thơm thơm. Từ thuở yêu em, tôi trở thành thi sĩ. Bạn học ngoại trú của tôi là chiếc cầu bắc ngang sông, mỗi ngày nhận việc đưa thư và thơ. Hình ảnh của nàng đã làm mờ trang sách nhưng tôi vẫn học đều. Chỉ còn vài tháng nữa mãn trường, tôi họa bằng máu tim nồng nàn những bức tranh nghỉ hè thơ mộng có hình ảnh lứa đôi. Tiểu Thư Thành Nội ngoan đạo của riêng tôi sẽ đẹp hơn công chúa hoàng cung ngày xưa. Công chúa nào cũng được mô tả là đẹp nhưng làm sao đẹp hơn Nàng Thơ của tôi. Nhưng một ngày, bạn tôi từ chối không làm người trao thư nữa. Mấy lần gặng hỏi, rưng rưng nước mắt, được biết nàng đã bị gia đình gửi vào tu trong Dòng Kín Kim Long ! Không một bức thư từ giã. Trời sập xuống lòng tôi. Những ngày Chủ Nhật sau đó, quán chè Lạc Thành trở nên xa lạ. Tôi mượn xe đạp lên nhà Dòng nhưng Mẹ Bề Trên không cho phép vào vì đây là nơi tu kín, chỉ có cha mẹ mới được đôi lần đến thăm con. Tôi ngồi bên bờ dốc đá, nhìn nước Sông Hương vẫn màu trong xanh nhưng thấy như chuyển thành sẫm tím. Đường về, chân đạp xe nặng đeo khối đá, và thơ trào qua khóe mắt.

Ngẩn ngơ chiếu xuống ngập lòng
Chìm sâu đáy nước mấy dòng Nam Ai…

Từ đấy, thư gửi đi đều bị trả lại. Bặt tin. Mỗi lần nhớ Huế, trong hồn tôi chỉ còn lại một khung Trời Tím Kim Long.

Sau này, suốt quảng đời trong quân ngũ, tôi đã bao lần công tác Thừa Thiên, đã bao lần lái xe dọc theo đường lên Kim Long, ngừng lại trước cổng cao Nhà Dòng Kín để lặng nhìn cảnh im vắng lạnh lùng và nghe lòng mình quặn đau.  Nhà bạn học cũ của tôi cũng đã dọn đi tỉnh khác. Một lần, ngay sau Tết Mậu Thân, tôi được đặc phái tháp tùng phái đoàn Tổng Thống và Quốc Hội ra Huế viếng mồ chôn tập thể do cộng sản tàn sát dã man dân chúng. Cảnh tang thương đổ nát hoang tàn, mùi tử khí và tiếng gào than cũng làm trời phải khóc. Huế chit khăn tang. Giòng Hương Giang dường như ngưng chảy, màu sẫm tím ngày xưa lúc tôi ngồi bên bờ dốc đá những chiều Chủ Nhật. Tôi nhờ người bạn trong Tiều Khu đưa lên nhà Dòng Kín Kim Long. Trong cơn hốt hoảng vẫn còn, Mẹ Bề Trên  tiếp chúng tôi và sau những lời hỏi chuyện, cho biết “người xưa” đã khấn trọn đời thành Dì Phước và đã chuyển lên nhà Dòng Pleiku. Trên đường về, xe chạy dọc theo bờ Hương Giang, tôi cúi đầu cầu nguyện. Cho Huế, cho Người, cho tôi.

Mỗi lần công tác Vùng II, tiếng ai hát từ trong quán cà phê “Em Pleiku má đỏ môi hồng – May mà có Em đời còn dễ thương…”, làm tôi se lòng, đâu phải vì sương lạnh. Trước mắt tôi, hình ảnh một Dì Phước khả kính trầm tư nào đó hiện ra, cheo leo bên dốc đá khổ hạnh. Tôi biết địa chỉ Nhà Dòng nhưng không muốn đến, xin hãy để Người tu cho trọn lời khấn nguyện, và đời tôi cũng đã lắm gian truân. Trời sinh Người Xưa của tôi để đi tu, bàn tay vuốt tóc ngang vai ngày nào giờ đây đã thành một đóa hoa quý giữa đời, nâng niu từng đứa trẻ mồ côi làng Thượng hay dịu dàng săn sóc những vết lở phong cùi. Tôi lại cúi đầu cầu nguyện cho Nàng, và chợt thấy mình nhỏ bé giữa núi đồi cao nguyên. Có mấy câu thơ nào đó tôi đã viết vội qua cuốn sổ tay hành quân :

Đàn xưa buồn dạo cung thương
Đò Em tách bến, tình vương nửa vời.
Ta đi, sương gió một đời,
Ngùi trông chỉ thấy cuối trời mây bay…

Tiếng ai hát lại chen hơi vào gió lạnh. “Đi dăm phút, quay về chốn cũ – Em Pleiku dốc núi mù sương…”. Chốn cũ trong hồn tôi cho đến nay, màu sẫm tím Hương Giang đã trờ thành trắng bạc trên đầu, từ cuộc đời, từ lao tù nghiệt ngã, vẫn mãi là một khung Trời Tím Kim Long với âm thanh ngập ngừng của những tiếng “Dạ” nửa vời…

Võ Đại Tôn
Hải Ngoại.   

  *********************
SÁNG NAY TRỜI MƯA BUỒN, NGỒI NHỚ LẠI CÁI TẾT ĐẦU TIÊN BỊ BẮT VỀ HÀ
NỘI, XIN GỬI TẶNG BÀI THƠ VIẾT BẰNG TRÍ NHỚ TRONG LAO TÙ CSVN = MÙA
XUÂN HÀ NỘI - CÙNG CẢM THÔNG VỚI TÁC GIẢ.
CẦU CHÚC MỌI ĐIỀU AN LÀNH.
VĐT.
MÙA XUÂN HÀ NỘI                                   
                                                        
(Sa cơ tại Hạ Lào trên đường về quê hương tham gia Phục Quốc, bị chuyển từ Paksé về Hà Nội vào mùa Xuân năm 1981).

Một chiều Xuân
Tôi đã về Hà Nội
Thăng Long lịch sử ngày xưa.
Đôi tay bị còng, người ta khép tội
“Phản bội quê hương”, đi giữa trời mưa.
Thấp thoáng rong rêu hoang lạnh Tháp Rùa
Tôi chợt cảm tiếng lòng tôi rụng xuống
Hồ Gươm, lặng mờ.
Trong hồn tôi còn lại giấc mơ
Thơ về vỡ vụn
Kiếm vàng đâu ? - chưa nổi mặt hồ !.
Đâu nào Năm Cửa Ô
Chỉ thấy mờ trang sách.
Đâu Đống Đa một thời hiển hách
Mồ chôn giặc Bắc xâm lăng.
Hà Nội tôi mơ – muôn thuở vĩnh hằng
Từ tuổi nhỏ, qua từng trang sử cũ.
Đâu phải là đây, dưới chiều mưa rũ
Qua khung cửa xe tù.
Giữa phố mùa Xuân, đời chợt xuống hoang vu
Khi tôi thấy tượng đài Lê-Nin cao ngất.
Người là ai ? – Sao đứng trên vùng đất
Mấy nghìn năm linh hiển Vua Hùng ?
Dân Tộc còn đây, còn mãi đến Vô Cùng
Sao tôi cảm lạc loài như khách lạ ?
Hành tinh nào đây ? Lòng tôi hoang vắng quá
Đời lạnh xuống mồ côi.
Phố Khâm Thiên, dòng người lũ lượt, nổi trôi,
Áo lụa Hà Đông, tìm đâu, thuở trước ?
Nhịp phách ả-đào tôi từng mơ ước
Thay bằng tiếng thét loa vang.
Qua Tự Lực Văn Đoàn
Tôi từng mơ Hà Nội.
Đê Yên Phụ chiều nay gió nổi
Sông Hồng cuốn mộng phăng đi.
Tiếng nói Em xưa chín ngọt tình si
Sao đổi giọng chuyển âm đầy sát khí ?
Đông Đô – Thăng Long trời mơ thi vị
Thủ Đô nào còn lại của riêng tôi ?

*
Quay lại xà lim trong bóng tối cuộc đời
Hơn mười năm tôi còn mơ Hà Nội.
Xuân không về, cửa phòng giam chắn lối
Song sắt thành chông, ngập máu Xuân đi.
Tôi chỉ thấy mùa Đông qua bốn vách đen sì
Đâu có phải Hàng Đào, Hàng Khay hay Hàng Trống !
Em đã về đâu, những nàng Xuân thắm mộng
“Dáng Kiều thơm” Quang Dũng mấy lần mơ ?
Tôi viết lên tường, giọt máu thành thơ
Gửi về Em, chẳng bao giờ gặp nữa.
Tưởng xa rồi khói lửa
Trường chinh Mẹ dắt con qua.
Còn lại đây những đôi mắt mù lòa
Không thấy mùa Xuân vì say máu đỏ.
Nhưng quê hương còn đó
Tôi xin hẹn mai về
Góp một bàn tay dựng lại Tình Quê
Trồng hoa giữa lòng Hà Nội.
Ánh sáng Tự Do vào sâu ngõ tối
Xóa tan đi bao vết tích lao tù.
Văn Miếu trùng tu
Đền Hùng tráng lệ.
Rồng lại bay cao, tung hoành, ngạo nghễ
Cùng năm Châu lướt gió băng ngàn.
Năm Cửa Ô bừng tỉnh đón Xuân sang
Kiều e lệ vội vàng trang điểm lại.
Đào nở hồng tươi, làn hoa gió rải,
Mặt trời soi xuyên suốt ánh hồ.
Nón vành Kinh Bắc trẩy hội thành đô
Ai quan họ mắt tình lơi ngây ngất.
Tôi sẽ trao Em một đời trăng mật
Tim Con Người cũng nở thành hoa.
Trời thủ đô nắng ấm chan hòa
Ta ngẩng mặt đón mừng Xuân Dân Tộc.

                                    Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)
                                   
( Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội – dáng Kiều thơm.)

Tây Tiến – Thơ Quang Dũng
**********
HỊCH TRUYỀN TỪ TỔ QUỐC.

Tưởng Niệm Anh Hùng Tử Sĩ Hoàng Sa
Hịch Truyền Từ Tổ Quốc.            

HOÀNG PHONG LINH - VÕ ĐẠI TÔN    
Monday, 19 January 2015 00:00


(Viết khi nhận được tin Trung Cộng chính thức sát nhập hành chánh kể
từ ngày 2.12.2007 quần đảo Hoàng Sa – Trung Sa - Trường Sa của Việt
Nam thành huyện Tam Sa, trực thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Cộng, do
đảng cộng sản Việt Nam dâng hiến).

Ông Cha ta vạch kiếm chỉ lòng sông
Chân vững thạch, tay chống Trời ngạo nghễ.
Chí đại bàng vượt muôn ngàn sóng bể
Thách trùng dương, đi mở rộng cõi bờ.
Hải đảo xa xôi thêm máu dựng cờ
Rồng tung cánh rợp Trời Nam hiển hách.
Vó ngựa Hung Nô bao lần quét sạch
Chặn xâm lăng qua khí phách kiêu hùng.
Mấy nghìn năm sâu rễ bách tùng
Gươm chém đá – đá mòn, gươm vẫn sắc.
Gốc tre thiêng làm kinh hoàng phương Bắc
Cọc Đằng Giang xuyên thủng mộng quân thù.
Từ Diên Hồng cho đến chốn thảo lư
Lời Tâm Nguyện chung lòng lo giữ Nước.
Bành tượng uy linh chắn ngang bạo ngược
Đống Đa mồ, bia sử sáng nghìn năm.
Dù phong ba theo mệnh Nước thăng trầm
Luôn giữ vững từng dòng sông, đỉnh núi.
Từ Ải Nam Quan đến Cà Mau đất mũi
Là của Ta, xuyên suốt ba miền.
Từ dảy Trường Sơn ôm ấp khí hùng thiêng
Thân đại thụ cũng nguyên lòng chung dạ.
Tất cả ! Tất cả !
Dù là máu xương
Khô cằn sỏi đá.
Dù là hướng dương
Hoa hồng tám ngã
Đều là của Ta !
Không ai có quyền đem máu của Ông Cha
Đi dâng hiến, vết nhơ nhòe trang sử !
Lũ tội đồ khom lưng cống sứ
Làm ô danh, tủi nhục giống Rồng Tiên.
Bọn Bắc Phương luôn ôm mộng bá quyền
Tay thu tóm, cười ngả nghiêng đón nhận.
Lời Hịch Truyền hôm nay đầy uất hận
Từ Cha Ông, từ Sông Núi nghìn thu.
Dòng máu thiêng từ rừng rú thâm u,
Nơi hải đảo, kinh thành hay xóm vắng.
Kiếp lưu vong, đời tha phương trĩu nặng
Hay đọa đày trên mảnh đất quê hương.
Hãy thét vang, cùng truy diệt bạo cường
Đang chễm chệ ngồi buôn Dân bán Nước.
Toàn Dân Ta kẻ sau người trước
Không cúi đầu khiếp nhược khoanh tay.
Ta làm Chủ đất này
Ai được quyền mua bán ?
Lãnh thổ thiêng liêng nghìn năm chói rạng
Là của Toàn Dân !
Dù bể dâu biến đổi phong trần
Ta vẫn đứng trên bờ dâu bể !
Ải Nam Quan còn sôi huyết lệ
Bản Giốc dòng khóc hận đêm thâu.
Đảo Hoàng Sa ngơ ngác tủi sầu
Thay đổi chủ, sóng đen màu uất nghẹn.
Đất Nước Ta toàn vẹn
Nào ai dám cắt chia ?
Sao giờ đây thịt xẻ xương lìa
Giang sơn đầy vết máu ?
Đảng vong nô, một phường thảo khấu
Lấy máu dân tô thắm màu cờ.
Làm nhục Cha Ông, dâng hiến cõi bờ
Rồi ngất ngưởng nơi Ba Đình chuốc rượu !
Dân Tộc Ta mấy nghìn năm trường cửu
Lẽ nào đâu khuất phục lũ sài lang ?
Lời Hịch đã rền vang
Quyện Hồn Thiêng Sông Núi.
Hãy ngẩng đầu cao, chuyển xoay hận tủi
Thành cuồng phong, chung Đại Khối Toàn Dân.
Giành lại non sống, dù phải hiến thân
Vì Đại Nghĩa, tâm nguyền chung cứu Nước.
Đá phải mềm vì chân Ta cứng bước
Và đời Ta nguyên thủy vẫn lòng son.
Trời Phương Nam, đất Việt phải còn
Đến muôn nghìn năm nữa !
Lời Hịch hôm nay, tiếng vang thành lửa
Đang soi đường dẫn hướng Ta đi.
Đòi lại quê hương, thoát cảnh suy vi
Dân Tộc Việt, trời phương Nam : - Tự Chủ !

Hoàng Phong Linh Võ Đại Tôn
'''''''''''''''''''''''''''''''''
THỊ PHI …
“Thị Phi” mặc kệ thị phi
Nghe rồi, quên hết, cười khì là xong.
Ra đường nghe tiếng long-cong
Biết “xe đổ rác”, tránh xong, cười khà.
Lúc này trên Net quỷ ma
Nặc danh chửi bới, dèm pha đủ điều.
Nào là “cậu Ấm, cô Chiêu”
Nào là “Lính Chiến” búa rìu chém lia.
Văn chương tục tỉu bắn ria
Toàn lời hạ cấp rẻ chia cộng đồng.
“Công An Mạng” cứ ngồi không
Mĩm cười “tự sướng” chẳng công cũng lời.
Thị phi nổ đạn tơi bời
Thấy người chống cộng, lén “chơi” đòn hèn.
Đặt điều đánh trống thổi kèn
Chỉ mong triệt hạ, ghét ghen tỵ hiềm.
Vu oan giá họa, vẽ thêm
Những điều “không tưởng” cứng mềm đủ cân.
Làng Net đủ loại xà bần
Nghị Quyết 36 khỏi cần tốn công.
Hết “Bà” rồi lại tới “Ông”
Như loài chuột  đói chạy rông kiếm mồi.
Viết bài chửi rủa tanh hôi
Đánh người chân chính, dành ngôi riêng mình.
Đêm khuya cho đến bình minh
Ngồi gõ bàn phím, lén rình phát chiêu.
Đòn ma, chưởng quỷ, sớm chiều
Tung ra mạ lỵ, để khiêu khích người.
Thị phi, ta chỉ nên cười
Rồi nhìn cả lũ đười ươi tẻn tò.
Cá nhân mình, chẳng cần lo,
Chỉ buồn Vận Nước như đò cạn sông.
Quốc Nội thì vẫn bão giông
Dân đen khốn khổ, xiềng gông đọa đày.
Hải Ngoại thì chẳng đổi thay
Lòng Người dần nguội, phủi tay, đứng nhìn.
Cầu mong Sông Núi hiển linh
Còn ai chân chính thì xin độ trì.
Gom chung một mối, khắc ghi
Bền Chí, Dạ Sáng, chỉ vì chữ Tâm.
Đấu tranh  - dù có Thăng Trầm
Cũng không quản ngại, âm thầm bước đi.
Đồng hành - giữa chốn suy vi
Giúp nhau vượt khỏi an nguy, cứu Đời.
Thị phi – tranh cãi phí lời,
Vẫn còn Tổ Quốc rạng ngời hiểu ta !

16.1.2015. Hoàng Phong Linh
'#############################

BÊN THỤY SĨ CÓ HỘI TỪ THIỆN LO CHO CÁC EM MỒ CÔI TRONG NƯỚC, NHỜ ANH VIẾT BÀI THƠ NGẮN VÀ DỊCH RA PHÁP NGỮ ĐỂ GỬI ĐI CÁC NƠI XIN GIÚP ĐỠ, ANH VỘI VIẾT NGAY VÀ CÓ BẢN  DỊCH RA PHÁP NGỮ. GỬI CÁC EM ĐỌC ĐỂ HIỂU THÊM LÒNG ANH, NHẤT LÀ SAU KHI COI NHỮNG TẤM HÌNH CÁC EM BÉ VN ĐANG SỐNG LẦM THAN TRONG NƯỚC
XIN GIÚP CHUYỂN ĐẾN CÁC BẠN ĐỂ CÙNG CẢM THÔNG CHUNG NỖI BUỒN CỦA QUÊ HƯƠNG ĐÈ NẶNG LÒNG ANH MỖI NGÀY...LÀM KHÔNG HẾT VIỆC VÌ THỜI GIAN KHÔNG CÒN BAO LÂU NỮA...RỒI ĐÂY BÓNG ANH CŨNG SẼ Ở BÊN ĐƯỜNG...ĐẤT MẸ MÀ KHÔNG VỀ ĐƯỢC.
XIN CẦU NGUYỆN CHO QUÊ HƯƠNG VÀ CHO NHAU.

BÓNG EM BÊN ĐƯỜNG...


Em ngồi bên đống rác
Giữa kinh thành xa hoa.
Đôi mắt buồn ngơ ngác
Nhìn bóng người thoáng qua.

Hồn tuổi thơ cằn cỗi
Như sỏi đá ven đường.
Đời em chìm bóng tối
Tìm đâu thấy Tình Thương ?

Mẹ cha không còn nữa
Ngày lạc lõng bơ vơ.
Đêm về không điểm tựa
Như bóng ma vật vờ.

Thân em thành cỏ dại
Hoang tàn theo tháng năm.
Đường đời lê gót mãi
Ai dừng chân viếng thăm ?

Đôi bàn tay gầy guộc
Van xin một chút Tình.
Cho lòng vơi lạnh buốt
Đời ấm nắng bình minh.  

(Viết cho các em mồ côi...)
Hoàng Phong Linh -Võ Đại Tôn

(Traduction) :

L’ OMBRE AU BORD DU CHEMIN

Une montagne d’ordures à ses côtés
Dans la ville de lumières et de richesses
Devant ses yeux hagards quelle tristesse
Un enfant regarde les gens passer.

L’âme de sa tendre jeunesse endurcie
Comme les pierres et les cailloux sur le chemin
Dans la profondeur des ténèbres de sa vie
De compassion où peut-il trouver un brin ?

Ses chers parents déjà disparus l’ont laissé
La journée tout entière vagabonder.
La nuit sans aucune attache ni aucun appui
Il ne mène qu’une existence indécise.

Il tend ses toutes petites mains amaigries
Pour implorer un peu de compassions
Afin de réchauffer son coeur déjà transi

Et éclaicir sa sombre vie de vagabond.

Hoàng Phong Linh -Võ Đại Tôn
*********************************
Lời Viết Cho Quê Hương

Tôi là người dân Việt
Khi mới sinh ra
Tiếng mẹ ru cho ngủ hòa với đạn bom xa
Cùng tiếng võng đưa dìu dặt.
Dù đang khóc – nghe tàu bay của giặc
Cũng biết im hơi, ôm cổ mẹ xuống hầm.
Tôi đã quen tai nghe những tiếng nổ ầm
Mùi thuốc súng ngạt đầy hai lá phổi.
Tôi biết nhìn mẹ tôi cằn cỗi
Sữa khô vàng vì khoai sắn quanh năm.
Mắt ngây thơ tôi thấy mẹ âm thầm
Nhiều đêm tối đẽo tầm vông cho bố.
Bố tôi đi đặt hầm chông, đào hố,
Đuổi xua Tây, chống Nhật, giữ quê nhà.
Rồi lớn lên tôi thuộc hát hùng ca
Trước khi biết ghép vần qua chữ cái.
Đường quanh làng in dấu chân non dại
Những chiếu vui làm lính đếm một, hai...
Đòn tre nặng trên vai
Làm súng giả, bắn quân thù ngã gục !
Nghìn đêm mơ : Tiên về ban gậy trúc
Hóa thành gươm, biến ảo phép thần thông.
Cho tôi đi giành lại cả non sông
Trong tay giặc – Ôi tuổi thơ đầy mộng !
Tôi thèm nghe chuyện ngày xưa Phù Đổng
Ngựa đồng phi, roi sắt, đuổi xâm lăng.
Chuyện quả cam trên bến nước sông Đằng
Tay bóp nát vì thù căm lũ giặc.
Từng trang sử ngời trăng sao vằng vặc
Gói hồn tôi bằng gương sáng hùng anh.
Thời gian qua...
Kháng chiến đã công thành
Trời tháng Tám đưa Thu vào lịch sử.
Bạn bè tôi từ rừng sâu núi dữ
Kéo nhau về - hoa gấm phủ quê hương,
Mặt trời say bừng mọc ở Nam Phương !
*
Nhưng nguồn vui chưa trọn
Non sông tôi bị trăm ngàn dao nhọn
Đâm thủng hồn – Nam Bắc xẻ chia đôi.
Bầy em thơ lại tiếp cảnh trong nôi
Nghe bom đạn từ xa về ru ngủ.
Dăm ba thằng bạn cũ
Lại ra đi - mỗi đứa một phương trời.
Hai mươi năm nội chiến mỏi mòn hơi
Sông chảy máu, núi bày xương trắng lạnh.
Mẹ tôi chết, một đời trong khổ hạnh
Cha tôi sầu vĩnh viễn cũng ra đi.
Ngàn thê lương tiếp diễn cảnh phân ly,
Sông Gianh cũ nối giòng qua Bến Hải !
Đường quê hương hóa thành bao chiến bãi
Ruộng cày lên vỏ đạn, đất cằn khô.
Đầu xanh non quấn vội giải khăn sô
Màu tang trắng phủ lên hồn thơ dại.
Tôi đã gặp – lòng bao lần tê tái –
Những em thơ bằng lứa tuổi con tôi
Nằm chết bên sông, cuối bãi, ven đồi,
Tay nắm chặt con búp bê bằng đất,
Đất Việt Nam ! – món đồ chơi tuổi mật
Nghèo như em, nghèo như cả Quê Hương !
Mặt trời đau - lặn mất ở Nam Phương...
*
Rồi hôm nay
Chiến tranh không còn nữa
Lòng reo vui tưởng xa rồi khói lửa
Nhưng ngờ đâu tôi lại mất Quê Hương !
Vì tôi đi trên vạn nẻo đường
“ - Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ !”      (thơ Trần Dần)
Tình thương đâu ? Non sông tôi còn đó
Phải đành xa !
Phải đành xa ! Khỏi thấy mưa sa
Trên màu cờ đỏ !...
*
Nhưng Quê Hương còn đó
Tôi xin hẹn mai về !
Tôi sẽ đi trên vạn nẻo đường quê
Bằng những bước chân nắng đẹp.
Tôi sẽ cho em trái tim không bằng thép
Mà bằng máu con người.
Trái tim tôi biết nở nụ cười tươi
Vì không nung bằng lò sản xuất.
Tôi đưa em ra khỏi công trường u uất
Cho em làm Người, biết quý thịt xương,
Biết cười vui, biết cả Tình Thương
Để em không còn là máy !
Tôi dẫn đàn con tung tăng nhảy chạy
Vào các công viên
Phá tan đi những hình tượng thiếu niên
“Anh Hùng Lao Động”.
Và dựng lên những khu vườn hoa mộng
Cho tuổi ấu thơ.
Có cung trăng với thằng Cuội ngồi mơ
Đầy chim bướm - trả con về tuổi dại.
Đồng ruộng phì nhiêu, hoa màu nông trại
Sẽ mọc lên thay thế chốn lao tù.
Tôi sẽ ngồi nghe chú bác nông phu
Ca vọng cổ giữa hương nồng lúa mới.
Ôi tình quê hương dìu vợi
Làm sao ôm hết một vòng tay ?
Cho tôi hẹn một ngày
Trở về, xin gặp lại
Gia đình, anh em, bạn bè, con cái,
Tất cả đồng bào.
Để cùng ôm nhau, ta sẽ khóc gào
Nước mắt mừng vui, trôi dần thương nhớ.
Để hòa chung nhau máu tim, hơi thở
Và để trao nhau trọn cả Tình Người !
Những bàn tay cũng biết nở môi cười
Dẫn tôi đi trở về thăm lối cũ.
Tôi sẽ xin trải hồn ra ấp ủ
Sẽ quỳ hôn từng kỷ niệm ngày xưa !
Và ... không bao giờ tôi thấy lại trong mưa
Màu máu tươi cờ đỏ !
Ôi ! Quê Hương còn đó
Cho tôi hẹn mai về
Để làm Người, và được sống nơi Quê !


Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)
***********************
Bài thơ của Chiến sĩ Võ Đại Tôn  viết tặng Ban Tổ Chức Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, tổ chức tại Bá Linh, Đức Quốc, ngày 13.12.2014 , do chị Nhất Hiền  diễn ngâm trong đêm Văn Nghệ .

TIẾNG HÁT NHÂN QUYỀN.

Từ bức tường BÁ LINH sụp đổ
Hoa Hợp Đoàn Tổ Quốc bừng lên.
Lẽ Sống Con Người, dù những kẻ không tên
Cũng tận hưởng một mùa Xuân Nhân Vị.
Xã hội Công Bằng, Tình Thương, Đạo Lý
Tái xây đời trong nhịp sống thăng hoa.
Còn chúng ta - từ mấy chục năm qua
Nhìn đất nước cội nguồn đầy tang tóc.
Đời lưu vong từng đêm đau tiếng khóc
Bừng cơn mê, thảng thốt gọi quê nhà.
Bao cảnh đời trong bóng tối xót xa
Thua súc vật, giữa vòng vây bạo lực.
Chế độ lên ngôi, Nhân Quyền đáy vực,
Kiếp con người nô lệ mãi lầm than.
Đàn em thơ bên đống rác hoang tàn
Tay cào xới tìm thức ăn, nghẹn khóc.
Thế hệ mầm non bỗng thành vô học
Bán hình hài cho bao kẻ mua vui.
Tuổi già nua bên liếp cửa ngậm ngùi
Mờ đôi mắt, chết mòn trong nhục nhã.
Từng mảnh đất từ bao đời gia phả
Cũng không còn, đảng cướp để chia nhau.
Dân oan khiếu kiện, lời than khóc thảm sầu
Tai đảng điếc, dùng côn đồ bóp nghẹt.
Cả Dân Tộc chỉ còn nghe tiếng thét
“Đảng quang vinh” – toàn gian dối ngập trời.
Chỉ còn đây một lối thoát cho đời
Là ngục tối, Con Người không được sống !
Nhưng đảng lầm ! – Lòng Dân là biển động
Nổi cuồng phong chôn lấp hết bạo tàn.
Chế độ phi nhân rổi cũng sẽ tan hoang
Cây Tổ Quốc sẽ hồi sinh trường cửu.
Dù hôm nay đảng nồng say men rượu
Sống nghênh ngang trên châu báu bạc tiền.
Toàn ‘đại gia” dù đất nước ngửa nghiêng
Không cần biết, chỉ cần vui hưởng thụ.
Địa đạo ngoi lên một bầy lang thú
Làm ô danh lịch sử mấy nghìn năm.
Quỳ lạy hiến dâng, đón rước ngoại xâm,
Miễn sao đảng được lâu dài thống trị.
Nhưng sẽ có ngày Toàn Dân quyết chí
Từ tuổi già đến thế hệ măng non
Cuốc xẻng cầm tay đòi lẽ sống còn
Trang sử mới đầy vàng son Nhân Bản.
Máu tim chúng ta đúc thành tạc đạn
Bắn thủng bạo quyền phi nghĩa phi nhân.
Xin nguyện đồng hành cùng với Toàn Dân
Chung góp sức, góp lòng, luôn vững chí.
Tiếp nối Lên Đường, đòi lại đời Nhân Vị
Lẽ Sống Con Người, cùng thế giới an sinh.
Trời Việt Nam được hưởng nắng thanh bình
Trong Tự Do, Công Bằng và Dân Chủ.
Chúng ta sẽ về quỳ hôn Quê cũ
Sống làm Người trên mảnh đất Rồng Tiên
Cùng núi sống cao tiếng hát Nhân Quyền !

VĐT (HPL)
**********************
Bài thơ Tết lưu vong đầu tiên (1976) :

XỨ LẠ XUÂN KHÔNG VỀ…
  
(…Trên hành trình Tâm Nguyện cùng Toàn Dân cứu Người và cứu Nước từ 38 năm qua, không một ngày bỏ cuộc, mỗi lần Tết tha hương lại đến, tôi nhớ về Tết lưu vong đầu tiên – 1976 - trong đời tỵ nạn cộng sản. Sau khi vượt biển cùng một số đồng hương từ Bạc Liêu đến Mã Lai (đảo Pulau Perhentian)- đa số quý bạn đồng hương cùng đi chung ghe này, hiện đang định cư tại Brisbane, tiểu bang Queensland, Úc Châu -, tôi được đưa về thủ đô Kuala Lumpur để làm việc trong một cơ quan quân sự đặc biệt. Một buổi chiều vào dịp Tết trên đất Mã Lai, với tâm trạng lạc loài nơi xứ lạ, tôi bước vào một hiệu sách bên đường… Nơi góc tủ với nhện giăng đầy vách, có lá cờ nhỏ mang hình ảnh Quê Hương VN, trưng bày chung với những lá cờ khác trên thế giới. Tổ Quốc của tôi đó, nhỏ chưa bằng nửa bàn tay mở rộng. Lòng tôi chợt se thắt lại, bỗng dưng nước mắt lưng tròng, tôi hỏi mua và người Ấn Độ chủ tiệm sách nhìn tôi ngơ ngác, ra dấu tay giá hai đồng bạc Mã Lai. – “Đất nước này mất rồi, ông chưa biết hay sao ?” – Tôi lặng im bỏ lá cờ vào túi áo, nơi quả tim tôi đang nghẹn ngào thổn thức… Màu đỏ thắm tươi ba sọc in trên nền vàng rực. Ai bảo rằng nước tôi đã mất ? - Bạn bè tôi nằm xuống khi tuổi đầy hoa mật, nửa đời tôi đã cơ cực gian lao, giữ cho màu đỏ thêm tươi, màu vàng thêm thắm, bây giờ giá chỉ có hai đồng ! Sao Quê Hương tôi quá rẻ ? … Tôi bước vội ra đường, gặp toàn ngoại nhân xa lạ, chợt tỉnh người mới biết thật Quê Nhà tôi đã mất ! … Vết thương lại đau nhói ngang lưng, tôi lại thẩn thờ bước đi với lá cờ trong áo, và tự thấy mình qua hình ảnh con ngựa già nặng xe thổ mộ… Mặt trời đã gục xuống phía sau thành phố… Và vần chữ bài thơ Tết lưu vong đầu tiên nơi xứ lạ hiện về, hoàn thành đến câu cuối, vào buổi chiều hôm đó, trên đất Mã Lai, 1976…

Xin ghi chép lại, kính tặng Quý Vị và Quý Bạn cùng chung tâm trạng vào dịp Tết tha hương).

*
Tôi đi trong nắng Hạ
Tìm kiếm mùa Xuân qua.
Xuân của ngày xưa, Xuân của bướm hoa,
Tìm đâu thấy nơi lưu đày xứ lạ.
Quê Hương tôi cách muôn trùng biển cả
Vẫn còn Đông, không thấy bóng Xuân tươi.
Tôi vẫn hoài mơ hình dáng thuở Em cười
Trong nắng đẹp, lụa hồng khoe áo mới.
Xuân giữa đời ta, lòng chung phơi phới,
Đã về đâu ? - biền biệt ở phương nao ?
Trời đêm nay không nhẹ thoảng hương đào
Trên mái tóc, đưa tôi vào xứ mộng.
Và đêm nay tôi chờ nghe tiếng động
Pháo nổ ngoài hiên - chỉ thấy mưa bay !
Rượu nào cho tôi say
Men nào cho tôi ấm
Và Em ơi, tình nào cho hoa gấm
Của ngày xưa
Thuở bên nhau chờ đón phút Giao Thừa ? …
Trăm nỗi nhớ bạc đau từng sợi tóc.
Tôi không còn Em – Thơ nghẹn lời châu ngọc,
Tôi đã rời Quê, nhàu nát mấy tâm tư.
Xuân nào đâu ? – sao én chẳng đưa thư
Và hoa bướm không vẩy duyên đoàn tụ ?
Tôi nhớ thương ngày cũ
Và mơ buổi đoàn viên.
Tôi có người Mẹ hiền
Đi vùng Kinh tế Mới
Đôi tay cằn cổi, đào, vun, cuốc, xới,
Đốt rừng, xẻ núi, tìm cơm.
Tôi có người em nhỏ, tuổi măng thơm
Bỏ sách trường về quê lao động.
Thay cha già, nuôi bầy em bé bỏng
Đời sắn khoai, thèm miếng thịt tươi ngon.
Gồng gánh quanh năm, nắng cháy da non
Xuân là tuổi, chưa bao giờ Xuân đến !
Bạn bè tôi, ôi những người thương mến
Đã về đâu ? - đời bóng tối vây quanh.
Chí lớn chưa thành
Đành ôm tâm sự.
Thân bách chiến từng đi làm Lịch Sử
Mà hôm nay còn lại những gì đâu ?
Vì hôm nay nơi núi dữ rừng sâu
Đang mòn chết trong bao lò “cải tạo”.
Tìm cỏ rau nuốt thay từng bữa cháo
Dù đói no, lòng vẫn quyết hùng anh.
Ôi, những dòng sông xanh
Đưa hương vào luống mạ
Có còn không, liễu ven bờ rũ lá
Hay ngập tràn vì nước mắt Quê tôi ?
Những công-trường xa xôi
Bàn tay ai ôm mặt
Đợi Xuân về giữa Đông tàn hiu hắt
Nào Xuân đâu ? – Xuân cũng chết từ lâu !
Bốn mùa qua vây kín một thành sầu
Hoa Đất Mẹ nở đen màu tang tóc.
Và đêm nay giữa lòng tôi tiếng khóc
Thay pháo Giao Thừa
Thương nhớ Quê xưa
Việt Nam ơi ! … Trời lạnh vẫn còn mưa !...


Hoàng Phong Linh (Võ Đại Tôn.)