Nguyễn Quang Duy

CẦN NHẬN ĐỊNH ĐÚNG VỀ CÁC CUỘC ĐÌNH CÔNG.
Nguyễn Quang Duy

Các cuộc đình công liên tục diễn ra tại khu công nghiệp Sài Gòn, Bình Dương, Tiền Giang, Tây Ninh, Long An… khiến nhiều người tin rằng “Phong trào công nhân Việt Nam đã trưởng thành”.

Xin đừng quên cuối năm 2005 cũng đã diễn ra nhiều cuộc đình công đòi tăng mức lương tối thiểu cho công nhân tại các doanh nghiệp do nước ngoài đầu tư, có cuộc đình công lên đến năm, sáu chục ngàn công nhân tham dự. 

Việc công nhân khi ấy đấu tranh đòi tăng mức lương tối thiểu không khác gì đình công phản đối chính sách bảo hiểm xã hội lần này. Cả 2 đều là phản đối các chính sách đã được Quốc Hội thông qua và đã thành luật. 

Lần trước Phan Văn Khải nhanh chóng đáp ứng yêu cầu bằng cách ký chỉ thị tăng mức lương tối thiểu lên 40 phần trăm. Khi được đáp ứng yêu cầu các cuộc đình công chấm dứt, cuộc đấu tranh lặng xuống, các công nhân đứng ra tổ chức bị sa thải, một số người sau đó bị bắt và có người hiện vẫn đang trong tù.

Các cuộc đình công sau năm 2005 thường ở mức độ nhỏ, tự phát và nhanh chóng chấm dứt. Nhiều người khởi xướng sau đó bị sa thải, có người bị an ninh theo dõi. Quyền lợi của công nhân mỗi ngày bị cắt bớt và đời sống của họ ngày trở nên tồi tệ hơn.

Việc công nhân đình công rồi kéo nhau ra đường lộ với những biểu ngữ tự làm tại công ty Pou Yuen cho thấy việc tổ chức khá lỏng lẻo và tự phát. Đương nhiên có người đứng ra khởi xướng nhưng cuộc đình công xảy ra do sự bất mãn cùng cực của công nhân. Các cuộc biểu tình khác là sự đồng thanh đáp ứng, tức nước vỡ bờ.

Lần này, sau khi Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố sẽ kiến nghị lên Quốc Hội sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội nhằm đáp ứng nguyện vọng công nhân các cuộc biểu tình cũng lặng xuống. Mặc dù Nguyễn Tấn Dũng đã hứa hẹn và cuộc biểu tình rất ôn hòa đã có 7 công nhân tích cực và tiên phong trong những ngày đình công bị bắt giữ.

Bài học năm 2005 cho thấy nếu những người khởi xứơng không biết nuôi dữơng cuộc đấu tranh thì đâu lại vào đó, quyền lợi chính đáng của công nhân lại tiếp tục bị cắt dần và đời sống của công nhân sẽ càng ngày càng tồi tệ hơn.

Trên thực tế cuộc sống của công nhân đã quá eo hẹp, thực lực đấu tranh hết sức hạn chế, vì thế để đấu tranh cho đến khi đạt được kết quả họ cần giảm thiểu mọi thiệt hại và cần sự hỗ trợ từ trong cũng như ngòai nước.

Về lâu dài Công Đòan là phương tiện để đấu tranh cho quyền lợi công nhân. Công đòan đại diện cho công nhân đấu tranh đòi giới chủ tôn trọng luật pháp quốc gia, thương lượng với chủ bảo vệ và gia tăng quyền lợi tại mỗi xí nghiệp hay mỗi nghành nghề.

Trong hòan cảnh Việt Nam hiện nay một công đòan độc lập với nhà nước cũng sẽ là một phương tiện vận động Quốc Hội đề ra các đạo luật có lợi cho công nhân và vận động Quốc Tế để quyền lợi công nhân được bảo đảm.

Công đòan còn mang một vai trò khác là nâng cao trình độ nhận thức của công nhân về quyền làm người, về quyền công dân và về quyền lợi của người công nhân.

Một công đòan đúng nghĩa cũng lo cho từng cá nhân công nhân và gia đình khi bị lâm vào những hòan cảnh rủi ro hay phải tranh tụng với giới quản lý hay giới chủ.

Tại các quốc gia dân chủ, công đòan còn thương lượng với các đảng chính trị để đề ra những chính sách có lợi cho công nhân. Tại Úc, đảng Lao động được nhiều công đòan ủng hộ cả về tài chánh lẫn nhân lực để đảng Lao Động một mặt bảo vệ quyền lợi của người Lao động mặt khác đưa ra chiến lược và chính sách có lợi cho tầng lớp Lao Động.

Hiện nay tại Việt Nam tồn tại hai dạng công đòan nhưng cả hai đều mang nặng tính chính trị và không thực sự đấu tranh cho quyền lợi của người công nhân.

Công đòan do đảng Cộng sản lãnh đạo thì có mặt tại hầu hết các xí nghiệp. Nhiệm vụ của họ chỉ nhằm thực hiện những chủ trương và nghị quyết do đảng cộng sản đề ra.

Ngược lại, Công Đòan Độc Lập là một nhóm nhỏ được thành lập nhằm đấu tranh chính trị đòi đảng Cộng sản trả lại quyền lao động cho người công nhân. Việc làm của họ rất cần nhưng chưa đủ. Vì muốn đấu tranh cho quyền lợi công nhân cần có nhiều công đòan thực sự phát xuất từ người công nhân, phải do người công nhân lập ra, được người công dân nuôi dưỡng và phải đấu tranh cho quyền lợi công nhân.

Những người lãnh đạo công đòan phải là người được công nhân thương yêu, tin tưởng và bầu lên qua những cuộc bầu cử dân chủ. Họ phải có khả năng đại diện công nhân thương lượng với cả chủ nhân lẫn nhà nước. Các công đòan lớn người lãnh đạo cần có khả năng làm việc với các công đòan, chính phủ và tổ chức quốc tế.

Như thế nuốn bảo đảm cho cuộc đấu tranh thực sự vì quyền lợi của người công nhân, những người khởi xướng cần tìm và đào tạo một tầng lớp lãnh đạo công đòan độc lập trong số những người hiện đang đấu tranh.

Mục tiêu trước mắt là mỗi công ty trung bình và lớn cần có một chi nhánh của công đòan độc lập. Theo Hiệp Định Đối Tác Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu, Việt Nam phải có những công đòan độc lập với nhà nước cộng sản. Vì thế mục tiêu này khả thi và nên được xem như ưu tiên hàng đầu.

Công nhân cũng cần sự trợ giúp của truyền thông báo chí, của tầng lớp trí thức và nhất cần một số luật sư sẵn sàng đứng ra cố vấn hay bảo vệ cho công nhân và công đòan. Vì thế các cuộc đình công phải thuần khiết vì quyền lợi của người công nhân, tránh bị “chính trị hóa” hay bị các đảng chính trị lèo lái sang các mục tiêu khác.

Hiện Việt Nam là một quốc gia độc đảng, nên chưa có một đảng không cộng sản nào đưa ra một cương lĩnh với một đường lối đấu tranh rõ ràng cho quyền lợi của người công nhân. Việt Nam sẽ có đa đảng vì vậy nhu cầu thành lập đảng chính trị phục vụ cho tầng lớp công nhân là một nhu cầu cần được quan tâm.

Nói tóm lại Việt Nam hiện có 5 triệu công nhân, đóng góp của họ cho xã hội cho đất nước vô cùng to lớn.  Con số này càng ngày càng tăng nhưng đến nay tầng lớp công nhân vẫn chưa có được tiếng nói chính thức vì thế đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của họ càng ngày càng suy giảm.

Đấu tranh cho quyền lợi công nhân là cuộc đấu tranh lâu dài luôn tiếp diễn hằng trăm năm nay và trên tòan thế giới. Việc bùng phát các cuộc đình công trong tuần qua cho thấy tức nước vỡ bờ, vì thế cần nhận định đúng để quan tâm hơn đến nhu cầu lâu dài và thiết yếu của tầng lớp công nhân.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi

04-04-2015
 ''''''''''''''''''''''''''
XIN ĐỪNG QUÊN TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM VIỆT NAM.
Nguyễn Quang Duy

Xin Đừng Quên là một buổi văn nghệ với trên 200 người tham dự, tất cả tiền thu được sau khi trừ chi phí được chuyển về cho tù nhân lương tâm do ca sĩ Dương Hòa và nhạc sĩ Bình Cadilac đứng ra tổ chức tại Melbourne Úc tối thứ sáu 13-3-2015 vừa qua.

Buổi văn nghệ đã có sự hiện diện đặc biệt của Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long Giám Mục Phụ Tá, Tổng Giáo Phận Melbourne và đã được Linh mục Đinh Thanh Bình cộng tác.
Buổi văn nghệ được MC Kim Lân sử dụng cách giới thiệu hết sức ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa, đi sâu vào lòng người, gợi nhớ những người vì quê hương đang bị tù đày.


Hình 1: Quang cảnh buổi văn nghệ

Mở đầu chương trình ông Quốc Việt có đôi lời giới thiệu về một thế hệ bị bỏ quên, một thế hệ bị lường gạt, thế hệ của những người sinh ra và lớn lên sau thời cộng sản chiếm miền Nam, họ là những ca sĩ và nhạc sĩ đóng góp cho chương trình hôm nay, họ ước mong chương trình như một món quà nhỏ gởi đến những tù nhân lương tâm Việt Nam.

Hai ca đoàn Hoan Ca và Martino đã mở đầu chương trình với bài hợp ca “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”, bài ca thúc đẩy lòng kiêu hùng dân tộc đã được khán giả vừa hát vừa vỗ tay vang dậy cả nhà hàng. Kế đến là ca sĩ Phương Thảo “Xin Hỏi Anh Là Ai?” với giọng ca hết sức truyền cảm diễn đạt tấm lòng yêu nước của Tù nhân lương tâm nhạc sĩ Việt Khang.


Hình 2: Hai Ca đòan hợp ca bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”

Tiếp đến Linh mục Đinh Thanh Bình chia sẻ kinh nghiệm một năm tù linh mục đã trải qua, linh mục cho biết so với các Tù nhân lương tâm thì không thể sánh vào đâu. Nhân đêm văn nghệ, Linh mục đã sáng tác 1 bản nhạc gởi đến những TNLT.
“Hình Như Tôi Đã Quên” là bản nhạc Linh Mục viết từ tâm sự một người tị nạn, có lúc đã quên đi những tháng năm mất tự do tại Việt Nam, quên đi những bạn trẻ đang bị tù đày, quên đi đồng bào đang mòn mỏi ước mong được sống tự do. Bản nhạc đã được ca sĩ Dương Hòa diễn tả mang lời thơ, mang giai điệu, khơi dậy tấm lòng những người đang tị nạn cộng sản.


Hình 3: Linh mục Đinh Thanh Bình thổi kèn, ca sĩ Dương Hòa và nhạc sĩ Bình Cadilac đang trình diễn bài “Hình Như Tôi Đã Quên” 

Sau đó Giám mục Nguyễn văn Long có đôi lời chia sẻ về giất mơ chung của cha ông chúng ta những người đã chiến đấu cho lý tưởng tự do và ngày nay chúng ta đang tiếp nối. Giám mục kêu gọi nhiều nỗ lực hơn, để có thể tiếp tay với các anh chị trong nước sớm mang lại tự do, mang lại mùa xuân cho dân tộc.
Chương trình văn nghệ tiếp diễn, Minh Tâm với bài “Tôi Muốn Mời Em Về”,  Phương Thảo với bài “Việt Nam Tôi đâu” của Việt Khang, và đặc biệt là Dương Hòa hát bài “Ai Trở Về Xứ Việt” làm xao xuyến rơi nước mắt nhiều khác giả.
Chương trình chuyển sang phần phát động CHIẾN DỊCH VẬN ĐỘNG NHÂN QUYỀN 2015, cô Uyên Di đã lên kêu gọi bà con tham dự cùng ký tên góp sức trong việc đấu tranh chung. Hằng trăm chữ ký đã được thu nhặt sau đó. Giám mục Nguyễn Văn Long là một trong những người đầu tiên đã ký.
Uyên Di cũng kêu gọi mọi người trong thời gian sắp tới xin tiếp tay hổ trợ với anh chị trong nước như tuyệt thực và xuống đường đồng hành cho nhân quyền Việt Nam.  

Hình 4: cô Uyên Di phát động CHIẾN DỊCH VẬN ĐỘNG NHÂN QUYỀN 2015.

Hình 5. Giám mục Nguyễn Văn Long là một trong những người đầu tiên đã ký thỉnh nguyện thư.
Phần hai là chương trình dạ vũ. Và cuối chương trình ông Nguyễn Quang Duy đã được Ban Tổ Chức mời lên trao khỏan tiền đã được đóng góp trong đêm lên đến $6,500. Ông Duy hứa vào tuần tới sẽ chuyển tất cả các khỏan tiền về cho các Tù Nhân Lương Tâm theo yêu cầu của Ban Tổ Chức.
Một số mạnh thường quân tiếp tục đóng góp và khỏan tiền cuối cùng đã lên đến $7,187. Khi viết xong bài này đa số khỏan tiền đã được chuyển về nước để chuyển đến các anh chị do Ban Tổ Chức đề nghị.
Nhìn chung buổi văn nghệ hết sức thành công, khán giả im lặng thưởng thức suốt chương trình. Nhiều người cảm động rơi nước mắt nhớ đến những người tù cộng sản với ước mơ Việt Nam sớm có tự do.
Vào cuối đêm văn nghệ Xin Đừng Quên một bạn trẻ gặp tôi và cho biết: em rất thích buổi văn nghệ đêm nay mặc dù là buổi văn nghệ “chính trị” xưa giờ em không thích “chính trị”.
Tôi chợt nhớ đã hứa với Nguyễn Hòang Vi và một số bạn đọc sẽ có bài viết về việc tham gia chính trị. Thôi thì để lên Canberra chống Nguyễn Tấn Dũng xong về sẽ thực hiện lời hứa.
Rất mong sẽ có nhiều, nhiều hơn, những buổi văn nghệ cho Tù Nhân Lương Tâm, cho Dân Oan, cho anh chị đang dấn thân đấu tranh… xin đừng quên những người đang đứng lên để giành lại tự do cho dân tộc.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
16-03-2015
NÊN HAY KHÔNG NÊN THAM GIA ĐẢNG CHÍNH TRỊ?
Nguyễn Quang Duy
Việc ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Hoa Kỳ, ông Ted Osius Đại sứ Hoa Kỳ tuyên bố nước ông sẵn sàng tiếp sức cho Việt Nam và các giới chức cộng sản liên tục thăm viếng các quốc gia Tây Phương, tạo dư luận về những thay đổi chính trị sắp tới.
Một số người lạc quan cho rằng Việt Nam sẽ sớm có đa đảng chính trị. Một số bạn trẻ đặt vấn đề nên hay không nên tham gia vào các đảng chính trị không cộng sản.
Bài viết ngắn này xin đưa ra cả hai mặt của vấn đề và một số ưu điểm trong sinh họat chính trị tại các nước Tây Phương.

NÊN KẾT HỢP
Quyền lực và quyền lợi là động lực cơ bản để mọi tổ chức đấu tranh chính trị có thể sinh họat một cách hiệu quả và lâu dài.
Trong hòan cảnh Việt Nam, những người dấn thân đều tìm mọi cách để kết hợp với nhau, chia sẻ trách nhiệm, phân công công tác, thực hiện các mục tiêu chung. Họ lập thành nhóm, khối, câu lạc bộ, tổ chức dân sự hay đảng chính trị.
Sự gắn bó kết hợp của họ tạo thành một tổng lực khiến đảng Cộng sản đang phải từng bước thoái lui. Những người này đang tạo ra quyền lực.
Về mặt tinh thần sự kết hợp giúp họ bớt cô đơn, cùng nhau chia sẻ những giá trị tinh thần và vững tin hơn vào việc đấu tranh.
Khi bị tù, tổ chức sẽ chia sẻ gánh nặng vật chất, cũng như vận động quốc tế để giảm nhẹ các hình phạt họ phải gánh chiụ.
Các tổ chức thường có những ngân sách riêng để chi cho những họat động được tổ chức đưa ra. Một số người còn được tổ chức tài trợ để có thể dành thời gian cho công việc của tổ chức.

Đảng chính trị
Các đảng chính trị được lập ra với mục tiêu là cạnh tranh quyền lực hay đấu tranh để giành quyền và nắm giữ quyền lực. Trong tình hình hiện nay chúng ta có thể tạm chia các đảng chính trị ra làm ba nhóm.
Đảng Cộng sản là đảng độc quyền cai trị Việt Nam.
Một số đảng chính trị dân chủ chủ trương họat động công khai như đảng Dân chủ XXI, đảng Thăng Tiến. Một số đã bán công khai như đảng Vì Dân, đảng Dân Chủ Nhân Dân.
Các đảng kể trên thực sự chủ trương đấu tranh công khai, ôn hòa, bất bạo động trong vòng luật pháp Việt Nam. Vì họ là những đảng nhỏ nên việc công khai của họ đã bị đảng Cộng sản xuống tay đàn áp.
Các đảng khác thường là các đảng cách mạng họat động bí mật. Họ sẵn sàng sử dụng bất cứ phương tiện hay phương thức nào để nắm và giữ quyền lực hay để chia sẻ quyền lực với đảng Cộng sản khi có điều kiện.

Xây Dựng Quyền Lực
Trên lý thuyết đảng là tổ chức của những người cùng chung chí hướng. Trên thực tế thường chỉ những người sáng lập đảng là những người có lý tưởng hay có khuynh hướng rõ ràng.
Một đảng được xây dựng và phát triển qua việc thâu nhận những thành viên mới. Những người mới phải tuân thủ cương lĩnh và nội quy sinh họat. Có người gia nhập đảng chỉ vì quyền lợi hay cơ hội để tham chính.
Nhìn chung có 3 phương cách để xây dựng quyền lực đảng: xây dựng cảm tình, cung cấp quyền lợi và sử dụng bạo lực.
Muốn xây dựng cảm tình với công chúng, đảng cần có viễn kiến, chính sách và đường lối thực hiện. Lãnh đạo là tấm gương phản ảnh những điều nói trên. Các đảng viên cần có tư cách, đạo đức và khả năng thuyết phục công chúng.
Muốn thế các đảng chính trị phải công khai tranh luận về viễn kiến, chính sách, đường lối nhằm thuyết phục nhau, cũng như thuyết phục công chúng.
Một đảng có tổ chức, giới lãnh đạo biết lắng nghe nội bộ và công chúng, biết cư xử có kỷ luật và đạo lý thì sẽ có được những đảng viên phẩm chất cao và được công chúng ủng hộ.
Các đảng chính trị phải họat động và phải có được những kết quả họat động cụ thể. Nếu một đảng chỉ tuyên truyền mà không có những họat động cụ thể sẽ gặp những phản ứng ngược khó ngờ.

KHÔNG NÊN GIA NHẬP ĐẢNG
Bên trên đề cập đến mặt tốt của chính trị, còn mặt trái là việc sử dụng vật chất không đúng người, đúng việc, đúng chỗ, đúng lúc, thiếu minh bạch, không đánh giá đúng kết quả của việc làm. Đảng trở thành một tổ chức tham nhũng, vụ lợi mất đi bản chất chính trị đã đề ra.
Những người đứng chung một đảng chính trị cũng dễ sử dụng tình cảm hơn là lý chí để phán đóan các sự việc xảy ra. Từ đó dễ sa vào ngụy biện chống đỡ cho nhau, cho tổ chức thay vì chấp nhận sự thật.
Một sai lầm nhỏ của một thành viên nếu không chỉnh đốn kịp thời sẽ trở thành những sai lầm lớn.
Còn sai lầm của tầng lớp lãnh đạo nếu không được giải tỏa nhanh chóng sẽ trở thành những sai lầm chiến lược, ảnh hưởng đến uy tín và khả năng họat động.
Đó cũng là nguyên nhân cho việc chia bè xẻ cánh trong các đảng chính trị ngay cả khi họ chưa được cầm quyền.
Để phát triển đảng chính trị tìm cách đưa người vào các tổ chức dân sự tạo mầm mống nghi ngờ, chia rẽ ảnh hưởng đến sinh họat chung.
Việc tung tin đồn, cung cấp những tin tức bất lợi cho phía đối phương hay định hướng dư luận bằng số đông cũng được các đảng chính trị sử dụng. Các cách thức nói trên được xem là sử dụng bạo lực mềm.
Việc sử dụng các cách thức nói trên thường dẫn đến kết quả là khó nhận ra cái sai, xem thường dư luận và cứ thế càng ngày người sử dụng càng xa rời công chúng, xa rời thực tế đấu tranh.
Định hướng dư luận bằng số đông, được xem là phương cách tự tẩy não đảng viên. Những người bị tẩy não vô tình tham gia hay đôi khi cố tình chấp nhận bị tẩy não.
Những người này không còn biết đúng sai, phải trái, mất đi khả năng suy tư độc lập, khả năng nhận định, phán đóan, sáng tạo, chỉ tin theo và sẵn sàng chấp nhận mọi mệnh lệnh từ trên đưa xuống.
Không có những ý kiến từ dưới đi lên, đảng biến thành tổ chức phi dân chủ và sẽ bước từ sai lầm này sang sai lầm khác ảnh hưởng chung đến đại cuộc.

Chính trị Tây Phương
Chính trị gia Tây Phương chọn sự nghiệp chính trị như chọn một công việc mà họ đam mê được phục vụ.
Để được tham chính từ cấp thấp nhất họ đều phải cạnh tranh khắc nghiệt. Muốn giữ cái ghế được người dân trao cho họ phải làm việc với kết quả cụ thể và rõ ràng.
Muốn đạt được kết quả tốt hơn họ gia nhập đảng, nhưng vừa phải tuân thủ luật pháp quốc gia, vừa tuân theo nội quy và phương cách hành xử theo đạo lý do đảng đề ra.
Giới lãnh đạo đảng phải sẵn sàng trả lời những câu hỏi đưa ra từ trong đảng, từ các đảng khác hay từ công chúng về cá nhân, về chính sách, về cách thức hành xử… nhờ vậy hệ thống chính trị Tây Phương càng ngày càng thăng tiến.
Về văn hóa việc rời đảng này và nhập đảng khác là chuyện thường tình.
Ngày 20-03-2015, Thủ Tướng Úc Malcolm Fraser vừa từ trần. Sau năm 1975, thủ Tướng Fraser là người đã vận động để Úc nhận định cư người Việt tị nạn cộng sản. Và đến nay ông luôn gắn bó với người Việt như một người bạn chí tình.
Vài năm trước ông Fraser rời đảng Tự Do vì đảng này có những chính sách đi ngược với lý tưởng của ông, đặc biệt là chính sách xô đuổi và giam cầm thuyền nhân.
Nhiều lãnh đạo đảng Tự Do như Thủ Tướng Tony Abbott hay Cựu Tổng trưởng Ngân Khố Peter Costello trước đây là những ngừơi theo Lao Động, nhưng vì những lý do riêng họ đã rời đảng Lao Động và gia nhập đảng Tự Do. Họ vẫn được đảng Tự Do tin tưởng giao cho lãnh đạo đảng và lãnh đạo quốc gia.
Còn đối với người Việt, việc bỏ đảng hay bất đồng ý kiến với lãnh đạo đảng là phản đảng, không được người trong đảng chấp nhận và thường chưa được dư luận tán đồng hay lắng nghe.
Nói chung rất cần học hỏi cái hay cái đẹp trong sinh họat chính trị Tây Phương để thay đổi sinh họat chính trị Việt Nam.

Tham Gia Tổ Chức Chính Trị.
Khi muốn gia nhập bất cứ đảng chính trị nào. Các câu hỏi cần tự đặt ra và tự trả lời như sau:
Muốn phục vụ cho ai? Cá nhân mình, nhóm, tổ chức, tổ quốc hay nhân lọai.
Các câu hỏi kế tiếp là: Tại sao phục vụ? Phục vụ như thế nào? Khi nào phục vụ? Phục vụ ở đâu?... và kỳ vọng gì vào kết quả của việc phục vụ?
Mục tiêu của những đảng chính trị là giành và nắm giữ quyền lực.
Còn mục tiêu của những người đấu tranh chính trị là giành lại và xây dựng tự do dân chủ cho Việt Nam.
Hai mục tiêu có thể gặp nhau nếu đảng chính trị biết đặt đất nước bên trên tổ chức và trên cá nhân. Trong tình hình chính trị Việt Nam điều này vẫn chỉ là lý tưởng hay lý thuyết.
Đóng góp cho việc đấu tranh chung không nhất thiết phải gia nhập đảng. Vì đã xác định mục tiêu chính là muốn xây dựng một Việt Nam tự do dân chủ nên tôi chưa gia nhập bất cứ đảng chính trị nào.
Nói tóm lại quyết định gia nhập một đảng chính trị là một quyết định vô cùng quan trọng.
Trong thời đại thông tin tòan cầu, mọi việc đều có thể dễ dàng kiểm chứng. Thông tin đa dạng đa chiều, giúp hiểu rõ đâu là thật đâu là giả, điều gì đúng điều gì sai hay điều gì chưa rõ ràng.
Bài viết mong giúp các bạn trẻ hiểu thêm về sinh họat đảng, giúp các bạn suy nghĩ chín chắn và kỹ lưỡng hơn trong quyết định chọn lựa các sinh họat đấu tranh chính trị.
Viết Thêm
Sau việc chia sẻ trên Facebook, tôi nhận được khá nhiều góp ý xin được tóm tắt trả lời như sau:
Tham chính, tham gia đảng chính trị khác với việc thực hiện quyền và nghĩa vụ, như bầu cử và biểu tình.
Cho đến nay trong nước các đảng chính trị, không cộng sản, gần như không thể họat động hay ảnh hưởng của họ trong quần chúng gần như không có.
Bình thường các đảng chính trị chỉ tập trung vào tuyên truyền chiêu mộ những thành viên mới. Bài viết cũng giúp họ thấy rõ mặt trái của vấn đề nhờ đó họ có thể thay đổi để thích hợp hơn với thời cuộc.
Trong tình hình hiện nay các cuộc biểu tình tự phát như bảo vệ cây xanh của người dân Hà Nội mang lại kết quả tốt hơn.
Khi người dân nhận ra quyền và trách nhiệm, họ sẽ dấn thân hành động cho quyền lợi của họ và của con em họ. Qua họat động họ sẽ trưởng thành để lãnh những trách nhiệm nặng nề hơn.
Mỗi người nên bắt đầu bằng những việc nhỏ, học hỏi rút kinh nghiệm để làm những việc khó hơn trước khi có những quyết định lớn hơn như chọn đứng vào một tổ chức đấu tranh.
Đấu tranh là phải dựa vào quần chúng, vì vậy người hải ngọai nên giữ vai trò yểm trợ, còn người trong nước cần chủ động trong việc xây dựng hướng đi và phát triển phong trào.
Cuối cùng dứơi chế độ dân chủ muốn tham chính không cần thiết phải tham gia đảng chính trị nào. Trong các bài viết tới tôi sẽ giải thích rõ hơn những lập luận mới thêm vào.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi

24/3/2015

Về Tính Chính Danh Của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Nguyễn Quang Duy

Nhân 85 năm thành lập đảng Cộng sản Việt Nam, Diễn Đàn BBC đã trao đổi với ông Vũ Minh Giang, một nhà sử học tại Đại học Quốc gia Hà Nội và từng là thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương của Đảng, về tính chính danh của đảng này.

Giành Lại Độc Lập Hay Cướp Chính Quyền
Ông Vũ Minh Giang lập luận: “Bởi vì Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trong bối cảnh đất nước mất chủ quyền. Chính Đảng đã lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập.”
Sau khi Nhật đảo chánh Pháp, ngày 11-3-1945 Vua Bảo Đại đã Tuyên Bố Độc Lập cho Việt Nam, bãi bỏ mọi hiệp ước đã ký với Pháp:“Chiếu tình hình thế giới nói chung, và tình hình Á châu nói riêng, chính phủ Việt Nam long trọng công khai tuyên bố, kể từ ngày hôm nay, hiệp ước bảo hộ ký với nước Pháp được bãi bỏ, và đất nước thu hồi chủ quyền độc lập quốc gia…”
Đến ngày 17-4-1945, Thủ Tướng Trần Trọng Kim trình danh sách Nội các lên vua Bảo Đại phê chuẩn và Nội các Trần Trọng Kim ra mắt Quốc dân vào 2 ngày sau đó.
Trong một thời gian dài để biểu lộ sức mạnh chuyên chính vô sản đảng Cộng sản xem ngày 19-8-1954 như ngày Việt Minh cướp chính quyền. Hồi ký tướng cộng sản Hòang Cầm kể rõ chuyện xảy ra ngày 17-8-1954 như sau:
“…Đúng là cuộc mít tinh chiều nay do Tổng hội viên chức thân Nhật tổ chức. Đồng bào sẽ đến và đến đông… vì vậy theo lệnh của Uỷ ban Khởi nghĩa thành phố, chúng ta phải biến bị động thành chủ động, biến cuộc mít tinh do Tổng hội viên chức tổ chức thành cuộc mít tinh của ta. Nhiệm vụ của các tổ chức tự vệ chiến đấu chúng ta là vừa trấn áp địch, vừa bảo vệ an toàn cuộc mít tinh không cho chúng chống phá, vừa bảo vệ người của ta lên diễn thuyết vạch mặt kẻ thù, cổ động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa cướp chính quyền…
“Mỗi người cầm một lá cờ nhỏ giấu kín, theo tôi ra ngay địa điểm mít tinh, đứng lẫn vào với dân và làm theo hiệu lệnh chung trên kỳ đài…
“Hai giờ chiều cuộc mít tinh khai mạc. Chúng tôi đứng tề chỉnh ở hàng trên, nhìn lên kỳ đài rất rõ. Một diễn giả mặc quần áo sang trọng đứng lên giới thiệu chương trình trước máy phóng thanh… Một đội viên tự vệ bên cạnh giương cao lá cờ đỏ sao vàng lên. Thế là hàng vạn người đứng dưới hô vang: Cờ Việt Minh! Cờ Việt Minh! Hoan hô cờ Việt Minh! Hoan hô cờ Việt Minh! Chúng tôi hô theo và nhanh chóng lấy cờ giấu trong túi ngực tung lên, các tổ tự vệ khác cũng làm như vậy, vừa gìơ cao lá cờ rẽ đám đông chạy từ chỗ này đến chỗ khác cổ vũ đồng bào và sẵn sàng trấn áp những kẻ trà trộn gây rối để cuộc mít tinh được tiếp tục theo hướng chỉ đạo của ta.
“Anh Lê Thám hất hàm ra hiệu, tất cả chúng tôi lại hướng về phía kỳ đài để thực hiện hiệu lệnh hướng dẫn phát ra từ trên đó.
“Theo hiệu lệnh đã quy định, ba đội viên tuyên truyền xung phong xông lên, chĩa súng dồn "ban tổ chức" vào một góc, lập tức một đội viên tự vệ của chúng tôi tiến nhanh tới chân kỳ đài vung lưỡi dao bén sắc chém đứt dây lá cờ "quẻ ly" của chính quyền bù nhìn do Nhật dựng lên rơi nhanh, một lá cờ đỏ sao vàng rất to rộng xuất hiện trên bao lơn Nhà Hát Lớn phủ kín khoảng giữa trườc mặt nhà hát…”
Còn ngày 19-8-1945, trong tiêu đề “Đánh chiếm phủ Khâm sai”, Tướng Hòang Cầm cũng đã kể rõ:
Khi đoàn biểu tình đến gần, bọn cầm đầu ‘Uỷ ban chính trị lâm thời’ ra lệnh đóng chặt cửa và cho lính dàn sát hàng rào sắt sẵn sàng nổ súng vào đội quân khởi nghĩa.
“Nhưng lính bảo an ở đây đã nghe theo lời kêu gọi của cán bộ Việt Minh. Tranh thủ thời cơ, một số đội viên tự vệ chiến đấu đã nhanh chóng leo qua hàng rào sắt, nhảy vào trong sân, đồng thời một số hội viên cứu quốc quân vòng lối sau nhảy vào phủ Khâm sai. Phối hợp khí thế bên ngoài, một số nhân mối của ta trong hàng ngũ lính bảo an tiếp tục vận động, lập tức cả anh em lính bảo an, cộng cả số mới được tăng cường hôm trước lên tới hai đại đội nhất loạt xin hàng, mang hết vũ khí khoảng 200 khẩu súng xếp thành một đống giữa sân. Lục lượng cách mạng có thêm sức mạnh, hạ lệnh cho lính gác mở cổng. Đội quân khởi nghĩa tiến vào sân, một đội viên cứu quốc trạc 15 tuổi mặc quần áo xanh công nhân được phân công từ trước trèo lên nóc nhà, hạ cờ quẻ ly xuống, kéo cờ đỏ sao vàng lên,...”
Đã đến lúc đảng Cộng sản phải trả lại sự thực họ đã dùng bạo lực để cướp chính quyền từ tay chính phủ chính danh do Thủ Tướng Trần Trọng Kim được vua Bảo Đại bổ nhiệm.

Hợp Hiến và Hợp Pháp
Được BBC hỏi về tính chính danh của đảng Cộng sản vì quyền lực không phải do dân trao, ông Vũ Minh Giang trả lời: “Đầu năm 1946, Đảng Cộng sản đã tổ chức bầu cử Quốc hội và ra Hiến pháp.”
Điều 70 Hiến Pháp 1946 quy định các thủ tục pháp lý cuả sự thay đổi hiến pháp: "Sửa đổi hiến pháp phải theo những cách thức sau đây: a/ Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu. b/ Nghị viên bầu ra một ban dự thảo những thay đổi. c/ Những điều thay đổi khi đã được nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra tòan dân phúc quyết."
Trong thời chiến, Hiến Pháp 1946 chưa bao giờ được sử dụng. Tại kỳ họp thứ 11 Quốc Hội khoá I, ngày 18/12/1959, Hồ Chí Minh đọc báo cáo về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ngày 31/12/1959, Quốc hội đồng ý thông qua hiến pháp sửa đổi, rồi ngày 1/1/1960, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến Pháp 1959.
Việc làm nói trên hòan tòan đi ngược với Điều 70 Hiến Pháp 1946 bởi thế các Hiến pháp sau đều bất hợp hiến và bất hợp pháp, vì không có tính kế thừa và tính liên tục về mặt pháp lý, tinh thần và nội dung cuả Hiến Pháp nguyên thủy 1946.
Đảng Cộng sản đã tước đoạt quyền sửa đổi hiến pháp cuả người dân Việt Nam, vì thế, các hiến pháp sau này đã không có năng lực pháp lý xác định tính chất hợp pháp và chính thống cuả nhà cầm quyền cộng sản.
Cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có tự do ứng cử và bầu cử, “Đảng cử Dân Bầu” là khuôn khổ dân chủ hình thức, người dân không có sự chọn lựa khác hơn nên đi bầu cho xong chuyện tránh bị phiền tóai.
Vì thế nhà cầm quyền Hà Nội chỉ là những người cầm quyền, đại diện cho đảng Cộng sản, nhưng không thể xem là đại diện chính danh cho người Việt Nam.
Về bang giao quốc tế, các quốc gia công nhận nhau dựa trên quyền lực và quyền lợi vì thế họ mới công nhận nhà nước do đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền.

Chống Pháp Chống Mỹ và Thống Nhất Đất Nước
Ông Vũ Minh Giang cho rằng: “Đảng Cộng sản có vai trò rất quan trọng là giành độc lập cho Việt Nam và kháng chiến chống Pháp thành công, và sau năm 1954, Đảng có công lao xóa bỏ cản trở để tiến tới thống nhất đất nước.”
Các quốc gia trong vùng như Nam Dương, Mã Lai, Tân Gia Ba, Brunei, Phi Luật Tân, Đại Hàn, Miến Điện không phải trải qua những cuộc chiến chống thực dân và đế quốc tổn hao tài nguyên sinh khí quốc gia, nhưng vẫn đựơc trao trả độc lập và được tự quyết định con đường phát triển quốc gia.
Điều không may là sau khi đảng Cộng sản cướp chính quyền năm 1945, Việt Nam lại phải trải qua 9 năm chống Pháp kết thúc bằng hiệp định Geneve chia đôi đất nước.
Nhưng càng không may cho Việt Nam, Bắc Việt đã xé Hiệp định Geneve 1954 và Hiệp định Paris 1973 mang quân đánh chiếm miền Nam.
Ông Võ Văn Kiệt, một lãnh đạo cộng sản từng nhận xét về sự kiện thống nhất đất nước như sau: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.

Vị Thế Việt Nam
Ông Vũ Minh Giang cho rằng: “Tuy còn nhiều thứ phải rút kinh nghiệm nhưng rõ ràng vị thế Việt Nam bây giờ đã khác trước rất nhiều.
Đương nhiên sau gần 70 năm đảng Cộng sản cầm quyền, Việt Nam bây giờ về nhiều mặt đã khác trước rất nhiều. Nhưng để đánh giá Việt Nam có tiến bộ hơn hay không là một đề tài rộng hơn.
Riêng về phát triển kinh tế, ở những năm 1940-50 Việt Nam đã vượt xa những quốc gia trong vùng.
Nhưng vì chiến tranh “giải phóng” và vì theo con đường Xã Hội Chủ Nghĩa, một con đường mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phải than thở: “Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.
Nên đến đầu năm nay, Thủ tướng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng cho báo chí biết nỗi trăn trở như sau: “Sao lại cứ phải đứng sau 6 nước ASEAN? Chúng ta có đuổi kịp được ASEAN-6 không? Không có lý do gì chúng ta không cải thiện được để bằng ASEAN-6?"

Sửa Chữa hay Thay Đổi
Ông Vũ Minh Giang cho biết “…Đảng đang đứng trước những khó khăn hết sức to lớn và thách thức”, và đang quyết tâm sửa chữa những sai lầm và khuyết điểm.
Cũng chính ông Nguyễn Tấn Dũng cho biết để theo kịp nước người cần “…đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.
Trên thực tế nếu Việt Nam không thay đổi thì “nỗi trăn trở của Thủ Tướng” không thể đuổi kịp 6 quốc gia ASEAN, sẽ trở thành nỗi trăn trở phải đuổi theo Cam Bốt và Miến Điện hai quốc gia đang từng bước thay đổi.
Nhưng thay đổi cũng phải đổi đúng đường, con đường dân chủ mà các quốc gia khác Việt Nam đang theo. Xin mời bạn đọc xem bài “Nỗi trăn trở của thủ tướng” về đổi mới thể chế | Đàn Chim để rõ hơn về mô hình thể chế dân chủ.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi

4/02/2015


 “NỖI TRĂN TRỞ CỦA THỦ TƯỚNG” VỀ ĐỔI MỚI THỂ CHẾ.
Nguyễn Quang Duy
Trước ngày khai mạc Hội Nghị Trung Ương 10, ông Nguyễn Tấn Dũng cho báo chí biết nỗi trăn trở như sau:
“Sao lại cứ phải đứng sau 6 nước ASEAN? Chúng ta có đuổi kịp được ASEAN-6 không? Không có lý do gì chúng ta không cải thiện được để bằng ASEAN-6?"
Ông cho biết để theo kịp nước người cần “…đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.
Đáp lại ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố trong Hội nghị 10 đã có các đề nghị liên quan đến việc "đổi mới đồng bộ hơn giữa chính trị và kinh tế", nhưng “…Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta,…”
Xét sự khác biệt giữa thể chế tại Việt nam và tại 6 nước ASEAN, sẽ thấy rõ Việt Nam có thể đuổi kịp các quốc gia trong vùng hay không?

Khác biệt về định hướng
Khi cả 6 nước ASEAN đều theo chính thể dân chủ lấy hiến pháp làm nền tảng, ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đều độc lập. Đất nước được điều hành dựa trên 4 cột trụ chính là: kinh tế thị trường, chính trị tự do, xã hội dân sự và văn hóa nhân bản tôn trọng nhân quyền.
Việt Nam là quốc gia duy nhất theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, một định hướng mà ngay cả những người đang cầm quyền như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh từng tuyên bố: “Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.
Bài “Góp phần tìm hiểu lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc” đăng trên Tạp Chí Cộng Sản Online, ngày 28-11-2014, đã giải thích lý do đảng Cộng sản chọn mô hình Trung Quốc, đồng thời cho biết đảng Cộng sản đang xem xét mô hình đó có thực sự đưa Trung Quốc (và Việt Nam) lên chủ nghĩa xã hội hay không? (xin xem bài VIỆT NAM ĐANG XÉT LẠI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI MANG BẢN SẮC TRUNG QUỐC?)

Kinh tế thị trường
Nguyên tắc chính của kinh tế thị trường là nhà nước không cạnh tranh với tư nhân, nhà nước chỉ tập trung thực hiện chính sách nhằm:
1.   giải quyết những trường hợp thất bại thị trường, như cạnh tranh bất bình đẳng, độc quyền, bảo vệ môi sinh, bảo vệ người làm công, bảo vệ người tiêu thụ;
2.   phát triển kinh tế quốc gia, như xây dựng hạ tầng cơ sở, khuyến khích phát triển thương mãi trong và ngòai nước;
3.   phát triển xã hội, như phát triển giáo dục và y tế, xây dựng nguồn vốn nhân dụng, gia tăng sức cạnh tranh quốc tế; và
4.   thực hiện bình đẳng xã hội.
Tại Việt Nam, kinh tế nhà nước vẫn giữ “chủ đạo”, quân đội thay vì bảo vệ đất nước nay tập trung vào kinh doanh thương mãi, nhà nước gia tăng can thiệp hành chính, tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh và lũng đọan nền kinh tế quốc gia.
Doanh nghiệp nhà nước càng ngày càng mở rộng, họat động kinh tế càng thiếu hiệu quả, công chức càng gia tăng, tham nhũng càng lộng hành, phân bố tài nguyên và tài lực càng sai lệch,... nền kinh tế Việt Nam càng tụt hậu so với các quốc gia trong vùng.

Chính trị tự do
Tại 6 quốc gia ASIAN, các đảng chính trị theo các khuynh hướng khác nhau, đại diện cho các tầng lớp khác nhau, sử dụng nghị trường Quốc Hội, truyền thông tự do và hệ thống chính trị tranh luận, tìm ủng hộ cho chiến lược và chính sách trong từng thời điểm.
Đảng thắng cử sẽ có cơ hội để thực hiện các chính sách thính hợp với hòan cảnh đất nước trong từng thời kỳ.
Các đảng chính trị đều hướng đến phục vụ xã hội, hướng đến sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội, sự tái phân phối lợi ích quốc gia tạo công bằng cho mọi thành viên trong xã hội.
Nhờ thế xã hội càng ngày càng trở nên tiến bộ, đời sống dân chúng được cải thiện và đất nước của họ mỗi ngày một trở nên tốt đẹp hơn.
Trong khi đó tại Việt Nam, việc thay đổi chính sách thường rất chậm do sự thỏa hiệp của một số người trong Bộ Chính Trị và phải đợi đưa ra Hội Nghị hay Đại Hội Đảng để thông qua.
Ở các quốc gia ASIAN, nhờ cạnh tranh từ bên trong mỗi đảng chính trị và cạnh tranh giữa các đảng chính trị, nên mọi việc đều được thông tin khá đầy đủ, rõ ràng và rộng rãi.
Còn sinh họat chính trị tại Việt Nam thì vẫn khép kín, vì vậy mới xảy ra những tranh giành đấu đá như hiện tượng Quan Làm Báo hay hiện tượng Chân Dung Quyền Lực.
Mặc dù các phe phái có chia năm có xẻ bẩy, nhưng thực tế cho thấy nếu có chuyển biến thì các cánh trong đảng Cộng sản vẫn còn thế, còn lực để tiếp tục chủ động cầm quyền.

Xã hội dân sự
Khi đảng chính trị có mục đích cạnh tranh quyền lực thì các tổ chức dân sự mang vai trò quần chúng làm nền tảng xây dựng ý thức dân chủ cho tòan xã hội.
Các tổ chức dân sự vận động xã hội tham gia các sinh họat chính trị, bầu cử, ứng cử, đấu tranh cho quyền lợi, đấu tranh cho môi trường, vận động hành lang ảnh hưởng chính sách quốc gia.
Trước đây đảng Cộng sản nắm tòan bộ các tổ chức, nhưng ngày nay một số các tổ chức dân sự độc lập đã thành hình và đang phát triển.
Vì tình cảnh chính trị các tổ chức dân sự nói trên vẫn chỉ giữ vai trò khiêm nhượng là đấu tranh để giành lại những quyền tự do, như tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, tự do nghiệp đoàn, tự do chính trị… những quyền cơ bản được Quốc Tế công nhận.

Văn hóa nhân bản
Văn hóa là cách suy nghĩ, cách sinh họat, cách giải quyết các mâu thuẫn của những thành viên trong một tập thể. Văn hóa nhân bản đã trở thành nền tảng xây dựng các xã hội dân chủ.
Văn hóa nhân bản chủ trương lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người làm căn bản, không xem con người như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng hay tổ chức nào.
Văn hóa nhân bản chấp nhận sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng khác biệt đó để đánh giá con người, cũng không chấp nhận kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc, chính kiến.
Trong xã hội mọi người đều có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội bình đẳng về mọi mặt.
Với những phương tiện truyền thông hiện đại như mạng Internet, Facebook, ngay tại Việt Nam văn hóa nhân bản đang từng bước thay thế những văn hóa không còn thích hợp với thời đại như văn hóa đấu tranh giai cấp hay văn hóa khổng học.

Thể Chế Dân Chủ
Bên trên là mô hình của thể chế dân chủ, ở thượng tầng có hiến pháp, với tam quyền phân lập, 4 cột trụ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và môi trường sinh họat dân chủ đưa đến đồng thuận xã hội.
Mô hình này đã được hình thành qua Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948. Sau đó đã được hòan chỉnh qua các Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.

Kết Luận
Tóm lại, 6 quốc gia trong vùng các quyết định xuất phát từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, đảng chính trị… Còn nhà nước và những người được xã hội chọn đứng ra đại diện chỉ đưa ra chính sách nhằm điều hợp và điều chỉnh các quyết định từ dưới đưa lên. Nhờ đó xã hội đồng tiến một cách ổn định và bền vững.
Hơn 20 năm nay qua, Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi. Các thành viên trong xã hội cũng phải tự quyết định cho cuộc sống.
Nhưng các quyết định quan trọng đều xuất phát chủ quan từ một nhóm người, được gọi là Bộ Chính Trị. Dẫn đến tình trạng trên bảo dưới không nghe, tranh giành quyền lực quyền lợi, mạnh được yếu thua, … xã hội đâm ra suy thóai về mọi mặt.
Do đó cần có thay đổi để có một thể chế chính trị phù hợp với thời đại. Trong thời gian qua nhiều tranh luận về thay đổi thể chế đã xảy ra. Hội Nghị 10 lần này, và từ đây đến Đại Hội Đảng sẽ còn nhiều tranh luận liên quan đến thay đổi thể chế chính trị.
Nếu không thay đổi thì “nỗi trăn trở của Thủ Tướng” không thể đuổi kịp 6 quốc gia ASIAN, sẽ trở thành nỗi trăn trở phải đuổi theo Cam Bốt và Miến Điện hai quốc gia đang từng bước thay đổi.
Thay đổi thể chế, một cách hòa bình không đổ máu, không phải là một việc dễ thực hiện, nhưng không phải vì thế mà Việt Nam sẽ mãi mãi chịu tụt hậu với nguy cơ mất nước.
Thay đổi thể chế cũng là con đường để thóat khỏi lệ thuộc Trung Quốc từ tư tưởng, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa.
Việt Nam không còn con đường khác hơn là phải thay đổi và phải thay đổi một cách triệt để. Cụ thể là Việt Nam phải triệt để tuân thủ các công ước Quốc tế đã ký như Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Bài học từ Đông Âu và Liên Sô cho thấy muốn thay đổi thể chế cần có những quyết tâm và hành động cụ thể từ tầng lớp cầm quyền ra đến người dân.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
16-1-2015
VIỆT NAM ĐANG XÉT LẠI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
MANG BẢN SẮC TRUNG QUỐC?
Nguyễn Quang Duy
Năm 1989, trước tình trạng Khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô khủng hỏang tòan diện, đảng Cộng sản giao nhiệm vụ tìm hiểu về “Chủ nghĩa xã hội thật sự là gì?” cho Ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách.
Qua nghiên cứu thực tế ông Bách đã kết luận Việt Nam cần phải tìm một hướng đi riêng và cần nhịp nhàng đổi mới cả kinh tế lẫn chính trị: “Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân.”
Đáng tiếc, đảng Cộng sản đã không chấp nhận còn trù dập ông, rồi quay sang Trung Quốc vay mượn Chủ Nghĩa Xã Hội mang Bản Sắc nước này.
Thiếu tư tưởng hướng dẫn đảng Cộng sản càng ngày càng đưa đất nước vào ngõ cụt…

… đi mà không rõ đi đâu
Ngày 22-12-2014 vừa qua tại cuộc hội thảo do Ngân hàng Thế giới và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thú nhận: “Tôi cứ suy nghĩ mãi một điều, nếu chúng ta đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến… thì không bao giờ chúng ta đi nhanh và bền vững được…”
Chắc bạn đọc vẫn nhớ ngày 23-10-2013 trước Quốc Hội, Nguyễn Phú Trọng đã cho biết: ”… xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”
Và vào cuối năm 2013, tại Học viện Chính trị quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.
Mô hình mà ông Vinh nhắc đến là mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là bản sao của mô hình Trung Quốc.

… Việt - Trung đi đúng hướng
Là mô hình đảng trị với 4 trụ cột căn bản là: kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xã hội xã hội chủ nghĩa và văn hóa theo bản sắc Trung Quốc.
Tạp Chí Cộng Sản Online, ngày 28-11-2014, vừa qua đã đăng bài “Góp phần tìm hiểu lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc”, bài viết đã giải thích lý do đảng Cộng sản đeo đuổi mô hình như sau:
“…do cả Việt Nam và Trung Quốc đều chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội, đều lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng lý luận.
Ngoài ra, thời gian qua do quan hệ hợp tác và giao lưu giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều thuận lợi nên, lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc được các học giả Việt Nam rất quan tâm và về cơ bản những nội dung quan trọng nhất của hệ thống lý luận này được các học giả Việt Nam nắm bắt kịp thời.
Mặt khác, công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc và đổi mới, mở cửa của Việt Nam gần 30 năm qua có nhiều điểm giống nhau nên nghiên cứu lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc để rút ra những bài học kinh nghiệm, tham khảo cho xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một việc làm cần thiết…”.
Điều lý thú là bài viết lại nhìn ra thực tế:
“… xã hội Trung Quốc hiện nay cũng đang đứng trước vô vàn vấn đề gay gắt với nhiều thách thức và nguy cơ. Đó là sự phân hóa xã hội, sự phân hóa vùng miền, sự ô nhiễm môi trường, sự suy thoái về đạo đức, lối sống, bạo lực xã hội, các hành động cực đoan, chia rẽ, ly khai, sự tham nhũng, cửa quyền, sự bất ổn xã hội, vi phạm dân chủ,… Sự ổn định của kinh tế - xã hội của Trung Quốc hiện nay đang chất chứa trong nó nhiều mâu thuẫn xã hội gay gắt…”
Từ thực trạng xã hội tại Trung Quốc (và Việt Nam) như trên, bài viết đã biểu lộ nghi ngờ và đặt ra nhiều câu hỏi như: “Lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc có thực sự đưa Trung Quốc lên chủ nghĩa xã hội hay không, hay sẽ dẫn dắt Trung Quốc tới đâu?”
Bài viết đã được phổ biến trên Cơ Quan Lý Luận và Chính Trị của Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, lại phổ biến trước Hội Nghị 10 để sửa sọan cho Đại hội XII cho thấy quan điểm xét lại Chủ Nghĩa Xã Hội mang Bản Sắc Trung Quốc đã xuất hiện từ phía bên trên đảng Cộng sản Việt Nam.
Đến ngày 25-12, Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Du Chính Thanh sang Việt Nam gặp hầu hết giới cầm quyền bao gồm: Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh và Nguyễn Thiện Nhân.
Tại Đại học Hà Nội, Du Chính Thanh đã chính thức khai trương Viện Khổng tử với một mục đích truyền bá Chủ Nghĩa Xã Hội mang Bản Sắc Trung Quốc, để củng cố và phát triển quan hệ Việt - Trung.
Được Tân Hoa xã phỏng vấn Du Chính Thanh cho biết: "Chuyến thăm của tôi, do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản và Tổng bí thư Tập Cận Bình yêu cầu, nhằm mục đích nâng cao hiểu biết song phương, xây dựng đồng thuận và thúc đẩy tiến bộ trong các quan hệ Trung - Việt theo đúng hướng."

… đi Chệch Hướng?
Việt Nam đang muốn ký kết các hiệp định như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các hiệp định này đòi hỏi Việt Nam phải chuyển đổi để thính hợp với các quốc gia cùng ký kết.
Cụ thể Việt Nam phải xây dựng Nhà nước thượng tôn pháp luật với 4 cột trụ chính là: kinh tế thị trường, chính trị tự do, xã hội dân sự và văn hóa nhân bản tôn trọng con người.
Gần đây giới chức và truyền thông Việt Nam có nói đến các điều kiện để Việt Nam hội nhập với các quốc gia dân chủ, nhưng rất mập mờ khi nói đến mô hình thể chế dân chủ. Trong một bài sau người viết sẽ trình bày một cách cụ thể và rõ ràng mô hình này.
Nếu năm 1989, ý kiến ông Trần Xuân Bách được đảng Cộng sản lắng nghe và tôn trọng thì ít nhất Việt Nam cũng đi được một phần của con đường hội nhập. Nhưng vì đi theo Trung Quốc, Việt Nam vẫn chỉ là một bản sao tồi của Chủ Nghĩa (và Mô Hình) Xã Hội mang Bản Sắc Trung Quốc.
Vì thế trong nội bộ đảng Cộng sản không phải chỉ xảy ra những tranh giành nhân sự. Mà còn xẩy ra những tranh chấp về tư tưởng và đường lối như vấn đề Biển Đông, đảng hay nhà nước nắm quân đội, tiếp tục theo hay từ bỏ Chủ Nghĩa Xã Hội mang Bản Sắc Trung Quốc…

Kết
Trong guồng máy nhà nước đến Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mà phải còn buộc miệng than rằng: “… đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến…”.
Còn dân vẫn tiếp tục bị bịt miệng. Ba bloggers Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập và Nguyễn ngọc Già vừa bị bắt. Bài cuối cùng ông Nguyễn Quang Lập đăng trên blog Quê Choa là bài: “Vì sao cần cảnh giác với Viện Khổng Tử”.
Không màng đến nguy cơ mất nước, đến thực trạng khủng hỏang tòan diện, đến nguyện vọng của người dân, tương lai Việt Nam vẫn chỉ do một nhóm người hay ngọai bang Trung Quốc quyết định.
Để thóat khỏi Chủ Nghĩa Xã Hội mang Bản Sắc Trung Quốc chỉ còn con đường duy nhất là cả nước phải vùng lên giành lại quyền tự quyết dân tộc.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi

30/12/2014

VIỆT NAM ĐANG XÉT LẠI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
MANG BẢN SẮC TRUNG QUỐC?
Nguyễn Quang Duy
Năm 1989, trước tình trạng Khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô khủng hỏang tòan diện, đảng Cộng sản giao nhiệm vụ tìm hiểu về “Chủ nghĩa xã hội thật sự là gì?” cho Ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách.
Qua nghiên cứu thực tế ông Bách đã kết luận Việt Nam cần phải tìm một hướng đi riêng và cần nhịp nhàng đổi mới cả kinh tế lẫn chính trị: “Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân.”
Đáng tiếc, đảng Cộng sản đã không chấp nhận còn trù dập ông, rồi quay sang Trung Quốc vay mượn Chủ Nghĩa Xã Hội mang Bản Sắc nước này.
Thiếu tư tưởng hướng dẫn đảng Cộng sản càng ngày càng đưa đất nước vào ngõ cụt…

… đi mà không rõ đi đâu
Ngày 22-12-2014 vừa qua tại cuộc hội thảo do Ngân hàng Thế giới và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thú nhận: “Tôi cứ suy nghĩ mãi một điều, nếu chúng ta đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến… thì không bao giờ chúng ta đi nhanh và bền vững được…”
Chắc bạn đọc vẫn nhớ ngày 23-10-2013 trước Quốc Hội, Nguyễn Phú Trọng đã cho biết: ”… xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”
Và vào cuối năm 2013, tại Học viện Chính trị quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.
Mô hình mà ông Vinh nhắc đến là mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là bản sao của mô hình Trung Quốc.

… Việt - Trung đi đúng hướng
Là mô hình đảng trị với 4 trụ cột căn bản là: kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xã hội xã hội chủ nghĩa và văn hóa theo bản sắc Trung Quốc.
Tạp Chí Cộng Sản Online, ngày 28-11-2014, vừa qua đã đăng bài “Góp phần tìm hiểu lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc”, bài viết đã giải thích lý do đảng Cộng sản đeo đuổi mô hình như sau:
“…do cả Việt Nam và Trung Quốc đều chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội, đều lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng lý luận.
Ngoài ra, thời gian qua do quan hệ hợp tác và giao lưu giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều thuận lợi nên, lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc được các học giả Việt Nam rất quan tâm và về cơ bản những nội dung quan trọng nhất của hệ thống lý luận này được các học giả Việt Nam nắm bắt kịp thời.
Mặt khác, công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc và đổi mới, mở cửa của Việt Nam gần 30 năm qua có nhiều điểm giống nhau nên nghiên cứu lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc để rút ra những bài học kinh nghiệm, tham khảo cho xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một việc làm cần thiết…”.
Điều lý thú là bài viết lại nhìn ra thực tế:
“… xã hội Trung Quốc hiện nay cũng đang đứng trước vô vàn vấn đề gay gắt với nhiều thách thức và nguy cơ. Đó là sự phân hóa xã hội, sự phân hóa vùng miền, sự ô nhiễm môi trường, sự suy thoái về đạo đức, lối sống, bạo lực xã hội, các hành động cực đoan, chia rẽ, ly khai, sự tham nhũng, cửa quyền, sự bất ổn xã hội, vi phạm dân chủ,… Sự ổn định của kinh tế - xã hội của Trung Quốc hiện nay đang chất chứa trong nó nhiều mâu thuẫn xã hội gay gắt…”
Từ thực trạng xã hội tại Trung Quốc (và Việt Nam) như trên, bài viết đã biểu lộ nghi ngờ và đặt ra nhiều câu hỏi như: “Lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc có thực sự đưa Trung Quốc lên chủ nghĩa xã hội hay không, hay sẽ dẫn dắt Trung Quốc tới đâu?”
Bài viết đã được phổ biến trên Cơ Quan Lý Luận và Chính Trị của Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, lại phổ biến trước Hội Nghị 10 để sửa sọan cho Đại hội XII cho thấy quan điểm xét lại Chủ Nghĩa Xã Hội mang Bản Sắc Trung Quốc đã xuất hiện từ phía bên trên đảng Cộng sản Việt Nam.
Đến ngày 25-12, Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Du Chính Thanh sang Việt Nam gặp hầu hết giới cầm quyền bao gồm: Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh và Nguyễn Thiện Nhân.
Tại Đại học Hà Nội, Du Chính Thanh đã chính thức khai trương Viện Khổng tử với một mục đích truyền bá Chủ Nghĩa Xã Hội mang Bản Sắc Trung Quốc, để củng cố và phát triển quan hệ Việt - Trung.
Được Tân Hoa xã phỏng vấn Du Chính Thanh cho biết: "Chuyến thăm của tôi, do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản và Tổng bí thư Tập Cận Bình yêu cầu, nhằm mục đích nâng cao hiểu biết song phương, xây dựng đồng thuận và thúc đẩy tiến bộ trong các quan hệ Trung - Việt theo đúng hướng."

… đi Chệch Hướng?
Việt Nam đang muốn ký kết các hiệp định như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các hiệp định này đòi hỏi Việt Nam phải chuyển đổi để thính hợp với các quốc gia cùng ký kết.
Cụ thể Việt Nam phải xây dựng Nhà nước thượng tôn pháp luật với 4 cột trụ chính là: kinh tế thị trường, chính trị tự do, xã hội dân sự và văn hóa nhân bản tôn trọng con người.
Gần đây giới chức và truyền thông Việt Nam có nói đến các điều kiện để Việt Nam hội nhập với các quốc gia dân chủ, nhưng rất mập mờ khi nói đến mô hình dân chủ tự do. Trong một bài khác người viết sẽ trình bày một cách cụ thể và rõ ràng mô hình này.
Nếu năm 1989, ý kiến ông Trần Xuân Bách được đảng Cộng sản lắng nghe và tôn trọng thì ít nhất Việt Nam cũng đi được một phần của con đường hội nhập. Nhưng vì đi theo Trung Quốc, Việt Nam vẫn chỉ là một bản sao tồi của Chủ Nghĩa (và Mô Hình) Xã Hội mang Bản Sắc Trung Quốc.
Vì thế hiện nay trong nội bộ đảng Cộng sản không phải chỉ xảy ra những tranh giành nhân sự. Mà còn xẩy ra những tranh chấp về tư tưởng và đường lối như vấn đề Biển Đông, đảng hay nhà nước nắm quân đội, tiếp tục theo hay từ bỏ Chủ Nghĩa Xã Hội mang Bản Sắc Trung Quốc…

Kết
Trong guồng máy nhà nước đến Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mà phải còn buộc miệng than rằng: “… đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến…”.
Còn dân vẫn tiếp tục bị bịt miệng. Ba bloggers Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập và Nguyễn ngọc Già vừa bị bắt. Bài cuối cùng ông Nguyễn Quang Lập đăng trên blog Quê Choa là bài: “Vì sao cần cảnh giác với Viện Khổng Tử”.
Không màng đến nguy cơ mất nước, đến thực trạng khủng hỏang tòan diện, đến nguyện vọng của người dân, tương lai Việt Nam vẫn chỉ do một nhóm người hay ngọai bang Trung Quốc quyết định.
Để thóat khỏi Chủ Nghĩa Xã Hội mang Bản Sắc Trung Quốc chỉ còn con đường duy nhất là cả nước phải vùng lên giành lại quyền tự quyết dân tộc.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
30/12/2014
**************************
Quý bạn đọc thân mến,
Thân chúc tất cả quý vị và gia đình một mùa giáng sinh vui vẻ và một năm mới tràn đầy hạnh phúc.
Cũng xin gởi đến quý vị bài mới để nắm được một cách khái quát sinh họat hải ngọai.
Nguyễn Quang Duy
TẠI SAO NGƯỜI VIỆT HẢI NGỌAI CHIA RẼ?
Nguyễn Quang Duy
Chung mục đích mang lại tự do dân chủ cho Việt Nam, nhưng 40 năm qua các cá nhân, các tổ chức chính trị ở hải ngọai vẫn sinh họat một cách rời rạc thiếu liên kết và người Việt nói chung không mấy quan tâm đến các sinh họat đấu tranh.
Câu hỏi được liên tục đặt ra: Tại sao người Việt hải ngọai lại chia rẽ? Có nhiều lý do, nhưng chính yếu hải ngọai là một môi trường sinh họat tự do và đa nguyên với nhiều cá nhân, nhiều tổ chức hướng đến các giải pháp cho Việt Nam một cách khác biệt.

Khuynh hướng đấu tranh bất bạo động
Sử dụng bất bạo động như một phương tiện để từng bước xói mòn khả năng kiểm soát của nhà cầm quyền Hà Nội. Bốn phương cách chính của đấu tranh bất bạo động bao gồm:
·       Thứ nhất, sử dụng các phương tiện truyền thông mang thông tin đến với người dân;
·       Vận động tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp, thực hiện quyền con người;
·       Tiến đến việc xây dựng các nhóm sinh họat dân chủ, xây dựng thế liên kết, phân công và phối hợp hành động; và
·       Cuối cùng là vận động người dân tạo sức ép lên chế độ buộc họ phải chấp nhận thay đổi hoặc sẽ bị đào thải để thay bằng một chính phủ dân chủ do chính người dân bầu lên.
Bước chuyển biến quan trọng nhất là năm 1996, Khối 8406 đã chuyển Phong Trào Dân Chủ từ đấu tranh bí mật sang thế đấu tranh công khai.
Cùng lúc một Phong Trào Yêu Nước bảo vệ biên giới biển đảo công khai họat động. Cao điểm là giữa năm 2011 đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình tại Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố khác.
Từ đó hình thành một số các Tổ Chức Dân Sự như hiện nay.
Mặc dù số người công khai đấu tranh đã và đang gia tăng nhưng để có thực lực nhằm chuyển đổi thể chế độ cộng sản sang dân chủ rõ ràng phải cần nhiều năm nữa.
Cần thời gian nên nếu tính đến cái giá mà người dân và người đấu tranh trong nước đang tiếp tục phải gánh chịu, cái giá của đất nước đang càng ngày càng lụn bại và cái giá của ảnh hưởng của ngoại bang càng ngày càng gia tăng.
Thì đấu tranh bất bạo động không chắc là giải pháp ít thiệt hại nhất cho đất nước.
Lại nữa, bất bạo động không chắc đã khả thi tại Việt Nam vì nó cần một số điều kiện mà Việt Nam sau nhiều năm vẫn chưa có.
Điều kiện đòi hỏi nhất là các tổ chức chính trị phải ra mặt công khai đấu tranh thay vì vẫn họat động trong vòng bí mật. Có họat động công khai các tổ chức chính trị mới có dân và dân là yếu tố quyết định sự chuyển đổi thể chế.
Bài học từ cuộc đấu tranh của người dân Hong Kong cho thấy cộng sản không bao giờ nhượng bộ, ngay cả khi có hằng trăm ngàn người xuống đường biểu tình một cách ôn hòa bất bạo động.

Khuynh hướng cách mạng
Những người tin vào giải pháp này cũng sử dụng các phương tiện truyền thông tân tiến mang thông tin đến cho đại chúng, xây dựng cơ sở quốc nội, sách động người dân, nhất là thanh thiếu niên, đứng lên để lật đổ cộng sản.
Vì chủ trương cách mạng các tổ chức theo khuynh hướng này vẫn tiếp tục họat động bí mật tại quốc nội, nên khó có thể đánh giá một cách khách quan.

Khuynh hướng thay đổi từ bên trong và bên trên đảng Cộng sản.
Nhiều người, bao gồm những người ngọai quốc quan tâm đến tình hình Việt Nam, tin vào những thay đổi từ bên trong đảng Cộng sản.
Họ cổ vũ hay ngầm ngấm ủng hộ những thay đổi nhỏ, làm tiền đề căn bản cho những thay đổi xa hơn và lớn hơn. Nhưng đến nay vẫn chưa có được những chuyển đổi rõ rệt.

Khuynh hướng dựa vào Hoa Kỳ
Xuất phát từ thực tế chính trị Việt Nam và tin vào sự thay đổi chiến lược của Hoa Kỳ nhiều người đứng ra vận động thành lập chính phủ lưu vong.
Việc làm của họ hòan tòan phù hợp với luật pháp của Hoa Kỳ. Nhưng trên thực tế Hoa Kỳ luôn đặt quyền lợi của Hoa Kỳ với Cộng sản Việt Nam cao hơn, nên chính phủ Hoa Kỳ chưa bao giờ chính thức công nhận hay ủng hộ các nỗ lực nói trên.

Khuynh hướng bảo vệ xây dựng hải ngọai và yểm trợ quốc nội
Đây có lẽ là khuynh hướng được nhiều người hải ngọai ủng hộ nhất. Những người theo khuynh hướng này thường gắn bó với các sinh họat cộng đồng, vừa bảo vệ, vừa xây dựng cộng đồng, vừa dựa vào sức mạnh cộng đồng vận động yểm trợ quốc nội và quốc tế vận.

Cộng Đồng
Ở hầu hết các địa phương Cộng đồng là tiếng nói chung hay tiếng nói của đa số người Việt. Tại Úc, Cộng đồng Liên Bang là một cơ cấu điều hợp các Cộng đồng Tiểu Bang mang tiếng nói chung đến chính giới Úc.
Được biết hiện Luật sư Võ Trí Dũng chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do Úc châu đang ở Hoa Kỳ vận động liên kết giữa các Cộng Đồng Bắc Mỹ và Úc châu để có thể có một tiếng nói chung cho người Việt hải ngọai.
Điều cần nêu ra là các Ban Chấp Hành Cộng Đồng thường thay đổi theo nhiệm kỳ và có nhiều công việc khác ưu tiên hơn. Vai trò của Cộng Đồng cũng khác với vai trò của các tổ chức đấu tranh. Bởi thế các việc vận động nhân quyền hay vận động yểm trợ quốc nội thường do các tổ chức đảm trách.

Quốc Tế Vận
Một trong những nỗ lực chính yếu của người Việt hải ngọai là cất tiếng nói cho chính họ hay mang tiếng nói của những người quốc nội đến chính giới và dân chúng địa phương.
Từ những khuynh hướng khác nhau phát sinh nhiều sinh họat quốc tế vận khác nhau:
·       Để mọi người biết đến hay để vận động địa phương chính thức công nhận lá cờ, nhiều người sử dụng lá cờ vàng trong mọi sinh họat tại địa phương;
·       Vận động địa phương để cấm các sinh họat của nhà cầm quyền cộng sản tại địa phương;
·       Quảng bá những sự thật như nỗ lực “Hành trình đến Tự do” của Thượng Nghị Sỹ Ngô Thanh Hải tại Canada;
·       Các cuộc biểu tình tố cáo tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam;
·       Sử dụng các phương tiện báo chí, truyền thông hay qua những trao đổi cá nhân, cũng đóng góp vận động người ngọai quốc hỗ trợ cho một Việt Nam tự do.
Việc vận động nhân quyền cũng đã được liên tục thực hiện, nhưng cũng có nhiều phương cách và mục đích vận động khác nhau:
·       Chỉ tập trung vận động cho thành viên trong tổ chức hay một số Tù nhân Lương Tâm;
·       Tố cáo những hành động vi phạm nhân quyền để các tổ chức quốc tế hay chính giới ngọai quốc nắm được tình hình chung;
·       Ảnh hưởng đến chính sách các quốc gia sở tại. Như các cuộc điều trần, các nỗ lực gắn liền nhân quyền với viện trợ nhân đạo hay ra những đạo luật buộc cộng sản phải cải thiện nhân quyền mới được gia nhập TPP;
·       Cả ba mục đích trên được phối hợp một cách nhịp nhàng.
Quốc tế vận càng ngày càng trở nên quan trọng và hải ngọai có thể dùng sức mạnh của lá phiếu để thực hiện một số công việc nhất định. Nhưng mang lại tự do dân chủ vẫn phải được quyết định từ những họat động quốc nội.
Khách quan nhận xét khi thực hiện các công tác quốc tế vận các cá nhân hay các tổ chức hải ngọai thường tương nhượng hay liên kết làm việc.
Gần đây một số các sinh họat quốc tế vận cũng đã được các anh chị quốc nội đứng ra đảm trách. Đây là một bước tiến quan trọng của Phong trào dân chủ Việt Nam.

Nguyên nhân gây ra chia rẽ
Tình hình Việt Nam và tình hình thế giới khó cho chúng ta thấy trước chuyện gì sẽ xảy ra và xảy ra ở lúc nào. Vì thế không thể mang lý thuyết ra để tranh luận đúng sai.
Trong sinh họat các tổ chức có quy mô nhỏ thường sinh họat cần sự đồng thuận hơn, ngược lại các tổ chức có quy mô lớn thường có sự chỉ đạo từ trên xuống dưới.
Đó là chưa kể đến những người không sinh họat với bất cứ tổ chức nào, nhưng cũng quan tâm đến tình hình Việt Nam và muốn đóng góp thay đổi thời cuộc theo suy nghĩ của cá nhân.
Thực trạng nêu trên tạo các va chạm từ khuynh hướng đến phương cách thực hiện công việc. Điều đáng tiếc một số người thay vì hướng đến mục đích chung lại mở mặt trận “ai thắng ai” ngay tại hải ngọai, đấu tranh với những người theo khuynh hướng khác.
Ở một mức độ sự cạnh tranh và việc tranh luận là điều cần thiết, nhưng khi đã vượt quá làn ranh và thiếu người hòa giải, lại tạo ra bất hòa không thể giải quyết.
Nhưng im lặng, thiếu giải thích và thiếu thực tế chứng minh cũng không phải là một giải pháp khôn ngoan.
Đương nhiên, nhà cầm quyền cộng sản cũng không thể để các cộng đồng hay tổ chức sinh họat một cách bất lợi cho họ.
Về mặt chìm khó có thể biết được chính xác sự can thiệp, nhưng về mặt nổi như văn nghệ, dạy tiếng Việt, truyền thông sách báo tuyên truyền... thì Nghị quyết 36 là một bằng chứng đảng Cộng sản đã trực tiếp tài trợ (bao cấp) cho một số các sinh họat nói trên.
Điều đáng tiếc có người đã lợi dụng lý do để gán cho người khác là Việt cộng hay Việt gian gây thêm nghi ngờ và chia rẽ trong các sinh họat hải ngọai.
Nhiều người đâm ra chán nản và số người sinh họat chính trị hay sinh họat cộng đồng vốn đã ít nay lại ít hơn.
Người dân hải ngọai xuất phát từ nhiều thành phần khác nhau và vốn đã e dè với các sinh họat. Nay không thấy kết quả cụ thể, chỉ thấy những mặt trái của sinh họat, nên càng trở nên e dè với các sinh họat đấu tranh.

Liên kết trong ngòai
Ở hải ngọai làm việc với nhau đã khó việc liên kết với trong nước lại càng khó hơn. Khách quan nhìn nhận, mặc dù mới phát triển các sinh họat quốc nội đã làm được một số điều mà chính các tổ chức hải ngọai cần học hỏi:
·       các nhóm đã liên kết làm việc chung;
·       một số nhóm đã sử dụng Facebook như một phương tiện công khai tài chánh;
·       Trong buổi họp cuối năm 2014 tại Dòng Chúa Cứu Thế đại diện các tổ chức Dân Sự đã trình bày các ưu khuyết điểm của họ trong năm 2014 và định hình hoạt động cho năm 2015.
Những việc làm như vậy sẽ giúp các thành viên hiểu rõ được thực lực và định rõ được hướng đi, cũng như giúp các tổ chức xây dựng uy tín. Sự thực và minh bạch sẽ giúp xây dựng các giá trị lâu dài.

Kết
Mặc dầu 40 năm nhà cầm quyền cộng sản đã đưa ra nhiều sách lược nhằm kiểm sóat, cộng đồng hải ngọai vẫn là một cộng đồng tự do. Nhưng nỗ lực yểm trợ người dân trong nước đấu tranh mang lại tự do cho Việt Nam thì vẫn còn bị giới hạn rất nhiều.
Cuối năm cũng là lúc để mỗi người chúng ta, mỗi tổ chức tự xét xem làm thế nào để giảm bớt chia rẽ trong sinh họat chính trị hải ngọai, gầy dựng lại niềm tin của người dân và gắn bó hơn với cuộc đấu tranh chung.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi

22/12/2014