TRỞ VỀ CỐ HƯƠNG
Phương-Vũ Võ Tam-Anh
Được
tin chị tôi đau nặng, tôi vội vã bay về Việt Nam mà lòng áy náy tưởng
chừng như đang đi vào lòng địch. Trước ngày lên máy bay, ông sui tôi đến
cho hay là có người trong toà đại sứ VC báo rằng họ đã đọc hết những
bài viết của tôi, kể cả cuốn sách mới in xong chỉ phổ biến trong vòng
thân mật. Người này còn thêm rằng những hình chụp các cuộc biểu tình ở
Paris không thấy có mặt tôi (chỉ vì đơn giản là tôi không ở Paris) nên
kết luận rằng tôi không có hành động chống đối cụ thể do đó được cấp
visa về Việt Nam trong ba tháng. Trở ngại ban đầu được trót lọt. Ngồi
trên máy bay mà tôi cứ hình dung đến một Hà Nội diễm kiều trước năm 54,
khi tôi vào học y khoa Hà Nội. Phố Hàng Ngang, Hàng Đào ngày xưa với
những cô gái kiêu sa lịch thiệp đang lờ mờ hiện ra trong trí nhớ. Con
đường Cổ Ngư mộng mơ với những hàng cây sà mình xuống mặt hồ Trúc Bạch
như để in dấu gót chân thướt tha của trai thanh gái lịch Hà thành vào
những buổi chiều cuối tuần ấm áp...
Qua
cái ải kiểm soát Nội Bài dù sao tôi cũng không khỏi hồi hộp khi nhìn
những cặp mắt lầm lừ của đám công an súng sính trong bộ áo màu cứt ngựa,
nhất là sau khi lật qua lật lại tấm hộ chiếu rồi trao lại cho tôi như
còn tiếc rẻ một cái gì. Có lẽ tôi cũng chỉ tưởng tượng và tự nổ một mình
thôi, chứ hạng cắc ké như tôi thì phiền hà chi cho đáng, vì hình như
lúc này nhà nước đang còn bận lo đấu đá nhau coi bộ hấp dẫn hơn. Tuy vậy
tôi vẫn cứ lo nơm nớp vì biết đâu mấy ông cao hứng đuổi tôi trở lại
Pháp như nhiều vị đi trước hù dọa thì hóa ra mất toi tiền máy bay mà vừa
không được gặp bà chị gần chín chục tuổi như mục đích và nguyện vọng
tha thiết của tôi. Không lẽ nhà nước lại để đánh rơi mấy ngàn đô la
"kiều hối" mà tôi mang về để lo cho bà chị?
Khi
ra khỏi sân bay Nội Bài thì tôi mới hoàn hồn. Như vừa qua được một trở
ngại (dù chỉ trong tưởng tượng), tôi vui vẻ khen với thằng em ra đón
tôi: - Sân bay này khá đấy, có tầm vóc quốc tế, ai xây vậy?
Thằng em nhanh nhẩu: - Ta đấy.
Tôi như bị dị ứng với chữ "ta", nhưng cũng khen: - Bốn mươi năm hoà bình có khác, nhưng ai thiết kế?
Thấy tôi có vẻ hoài nghi, thằng em xuống giọng: - Đúng ra thiết kế và công trình là do kỷ sư Nhật, ta chỉ phụ thôi.
Tôi buộc miệng: - Ta làm thợ vịn mà được như vậy là giỏi lắm rồi...
Để cho không khí nhẹ hơn, tôi bèn đổi sang chuyện hỏi thăm gia đình. Thằng em cho biết chị tôi vừa mới "nhập viện".
Tôi
nghĩ bụng: quái, ở cái xứ Việt Nam này có biết bao là Viện, nào là Viện
Dưỡng Lão, Viện Bào Chế, Viện Uốn Tóc, Viện Thẩm Mỹ, Viện Ung Bướu,
Viện Mồ Côi, Viện Kiểm Sát Nhân Dân và gần đây lại có thêm Viện Khổng Tử
v.v... thì không biết chị tôi đã nhập viện nào? Hoá ra chỉ có đơn giản
là chị tôi mới vào nằm nhà thương. Sau đó tôi biết thêm nhiều chi tiết:
lúc đầu chị tôi được đưa vào "trạm trung chuyển" (tức trạm chuyển tiếp) ở
bệnh viện Hoàn Mỹ, nhưng ở đây không đúng "tuyến" nên phải "điều" qua
bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng, hiện đang nằm ở "khu yêu cầu" của "khoa Nội
Tổng Hợp".
Sau
cái chuổi văn chương tân tiến đó thì tôi có được một khái niệm lờ mờ về
con đường bệnh hoạn của chị tôi, nhưng tôi lại thấy rất rõ ràng về
triệu chứng hiện tại của tôi, xây xẩm mặt mày, choáng váng, nhức đầu...
Tôi nhờ thằng em đưa đến một nhà thuốc tây, nhưng nửa đường tôi lại đổi ý
vì nghĩ rằng bệnh của tôi chắc không chửa bằng thuốc được, nên vào một
hiệu sách lớn nhất Thủ Đô ở phố Trường Tiền để kiếm một cuốn tự điển may
ra giải cứu được chứng nhức đầu của tôi.
Tôi
hí hửng tìm được cuốn Tự Điển của cụ Đào Duy Anh và may mắn không phải
sốt ruột xếp hàng chờ đợi để trả tiền như mỗi lần mua sách ở mấy tiệm
sách Fnac hay Vỉrgin. Ở đây thì vắng như chùa Bà Đanh. Ở chốn ngàn năm
văn vật này, người dân thích chen chúc ở mấy tiệm phở tiệm cà phê hơn là
ở mấy tiệm sách (những biển ngữ "Hà Nội Ngàn Năm Văn Vật" được treo đầy
khắp phố phường trong dịp Tết sắp đến). Nhưng tôi lại thất vọng thêm
một lần nữa vì sách của cụ Đào Duy Anh đã viết trước năm 1975 nên không
có những danh từ huyền bí mà tôi cần phải tra cứu trong mấy ngày ở Việt
Nam.
Trên
đường tới sứ quán Pháp để thông báo sự có mặt của tôi tại Việt Nam theo
đề nghị của bộ Ngoại Giao, tôi có dịp đi ngang qua Hàng Ngang Hàng Đào,
những âm thanh rất gần gủi với Hà Nội, như dội lại trong tôi lòng rạo
rực của sáu mươi năm về trước. Tôi cố tìm lại cái hình ảnh bẽn lẽn của
mấy cô gái Trưng Vương năm xưa dưới những mái tóc hình dấu phết dịu
dàng, thì nay chỉ thấy lại những khuôn mặt cứng đơ, dấu kín trong chiếc
khẩu trang bí ẩn, mái tóc mượt mà thì như đang vùng vẫy trong chiếc nón
bảo hộ nặng nề láng bóng, đang chen nhau lòn lách trên những chiếc
Honda như mắc cưỡi. Không hiểu vì mãi mê cái hoạt cảnh đó hay vì nhát
gan mà tôi không dám qua đường.
Ảnh của Llewelling King
Đi qua đường là một khổ nạn. Không như con dâu tôi (người Pháp) phải
mướn một chiếc taxi để qua đường, còn tôi thì theo triết lý của thằng em
là muốn qua đường thì phải nhắm mắt lại mà bước tới, còn hể mở mắt thì
cả ngày cũng không qua được, ở đây xe tránh mình chứ không phải mình
tránh xe. Tôi đem triết lý đó ra áp dụng, tuy hơi rợn người nhưng lại
hiệu nghiệm. Đến Đà Nẵng, tôi vọt ngay vào bệnh viện. Trước kia tôi cũng
có làm việc ở bệnh viện, nhưng cái "khu yêu cầu" làm tôi điên đầu tôi
không biết là khu gì vì chưa hề nghe tới. Vì nôn nóng, tôi cũng đếch cần
tìm hiểu nghĩa của cái khu đó là gì mà chỉ nhờ người dẫn tới khu đó và
vui mừng ôm chầm lấy chị tôi giữa đám con cháu bao quanh. Đến đây tôi
mới vỡ lẽ là "khu yêu cầu" chỉ có nghĩa đơn giản là "phòng riêng", tôi
như đang ở một nước lạ mà mình không biết tiếng.
Ở
Việt Nam nằm bệnh viện có nghĩa gần như mướn một phòng khách sạn mà có
được bác sĩ khám, còn mọi dịch vụ khác như cơm nước, vệ sinh, thuốc
men... là mình phải lo lấy, vì vậy lúc nào cũng phải có người nhà bên
cạnh, không những để lo săn sóc người bệnh mà còn để trả tiền trước cho
mỗi dịch vụ y khoa như xét nghiệm, X quang, siêu âm v.v..., mà phần lớn
không ăn nhập gì với bệnh tình lúc đó. Chị tôi, một bà già gần chín chục
tuổi đang hôn mê và bị chảy máu đường ruột ào ào thì được bs phán cho
đi "siêu âm tim" và "nội soi". Bác sĩ chuyên khoa nội soi chờ phải cầm
chắc biên nhận đã thanh toán ba triệu VND rồi mới bắt tay vào việc.
Bệnh
viện đã chấp hành nghiêm chỉnh câu phương châm "tiền bạc đi trước, thầy
thuốc đi sau", mặc dầu ở đầu trại có tấm bảng lớn sơn bốn chữ đỏ "Bệnh
Viện Văn Hoá"!
Vào
lúc nửa khuya, vì máu đường ruột ra nhiều quá nên phải đưa chị vào khu
cấp cứu cách ly với bên ngoài. Tôi cũng theo đám người nhà để chen lấn
nằm la liệt trước cửa phòng để nghe ngóng tin tức và nhất là để chờ gọi
đến tên mà thanh toán khoảng tiền cho mỗi dịch vụ y khoa như truyền máu,
thở oxy, xét nghiệm v.v. .. mà trong kia chị tôi đang chờ được thi hành
nếu trả tiền xong. Được hai hôm thì bác sĩ trưởng khu cấp cứu khuyên
người nhà đưa chị tôi về để lo hậu sự vì nhà thương đã "chạy", tình
trạng hoàn toàn tuyệt vọng, hôn mê, sốt cao, có triệu chứng viêm màn
ruột và máu vẫn tiếp tục chảy trong đường ruột...
Vào
lúc nửa khuya, chúng tôi đưa chị về nhà mà ruột gan tơi bời. Trong sự
tuyệt vọng tột cùng, nhưng còn nước còn tát nên chúng tôi vẫn tiếp tục
điều trị như ở bệnh viện (chị có một rể bác sĩ và một dâu y tá), chỉ
khác một điều là dùng được những thuốc tôi đã mang từ Pháp về mà khi còn
ở bệnh viện, chúng tôi có đề nghị nhưng bị từ chối. Ở VN bác sĩ của
bệnh viện chỉ được phép điều trị với những thứ thuốc trong một danh sách
nhất định có bán ở bệnh viện mà thôi. Điều đáng nghi ngờ là bệnh viện
có dùng nhiều kháng sinh mà triệu chứng nhiểm trùng càng ngày càng nặng,
phải chờ đến sau khi dùng kháng sinh tôi đem về từ Pháp mới thấy hiệu
nghiệm.
Rồi
từ đó, bệnh tình chị tôi thuyên giảm rõ rệt như một phép lạ. Nếu có
phép lạ chăng là ở sự khác biệt giữa "thuốc nội" và "thuốc ngoại", thứ
mà người dân ráng tìm cho được không phải vì óc vọng ngoại mà chỉ để cứu
mạng sống của người thân. Một tháng sau, tôi từ giả chị tôi với một nụ
cười phấn khởi.
Nhớ
lại khi mua giấy máy bay để về Việt Nam tôi vô cùng bối rối vì tôi phải
làm trái với ý định và sợ rằng khi trở lại Pháp sẽ vô cùng đau buồn vì e
rằng chị tôi khó qua khỏi số mệnh. Thế nhưng không ngờ tôi lại được đi
lang thang để có những nhận xét ngộ nghĩnh về cách sống của bà con nơi
quê nhà.
Bức
hình tôi chụp được bên ngoài hàng rào bệnh viện Đà Nẵng, nơi chị tôi
(và cả ông vua Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh) nằm điều trị cho thấy còn có
người vô tình mang bệnh "tiểu đường" hay lại cố coi thường hay thách
thức cái "hoành tráng" của toà nhà hành chánh chọc trời đồ sộ ngay phía
trước? Cơn bệnh này còn lây nhiễm đến cả thủ đô Hà Nội, nơi có con đường
Trần Nhật Duật, hay còn gọi là đường Gốm Sứ, dài 4km dọc theo sông
Hồng, gồm những bức tranh khảm ghép công phu tốn kém, coi như một kỳ
quan nghệ thuật, một kiêu hảnh của chốn ngàn năm văn vật thì cũng được
người dân thủ đô chiếu cố một cách "vô tư".
Một
anh taxi lái ngược đường vui vẻ khoe với tôi là sẽ không bị phạt vì giờ
này mấy chú công an giao thông bận đi đón con ở trường thì lấy ai mà
phạt. Anh taxi thoải mái ra mặt nhưng tôi thì lại lên ruột.
Vào
giờ làm việc mà mấy tiệm cà phê vẫn đông nghẹt, toàn người trẻ, họ
thích la cà ở đây hơn là ngồi trong thư viện. Một bà mẹ than phiền là đã
cẩn thận đưa rước con đúng giờ giấc ở trường nhưng cuối cùng cũng phát
giác ra là cậu quí tử vẫn trốn học... rất đúng giờ.
Nhà
chị tôi có một đứa cháu 13 tuổi mà tôi chưa bao giờ gặp mặt trong bửa
cơm tối vì vào giờ đó nó phải đi học, nó học 7 tiếng mỗi ngày, 4 tiếng
với cô giáo ở trường, 3 tiếng học thêm với chính cô giáo đó. Như một
thông lệ, trong giờ chính thức cô giáo chỉ dạy... chiếu lệ, còn giảng
dạy đúng chương trình thì phải đợi vào giờ học thêm để cô kiếm chút tiền
còm, nếu không cô sẽ... đói.
Nguyên tắc đó được một nhóm bạn trẻ mặc những chiếc áo có in mấy chữ "du học sinh.net" mà
tôi gặp trong một chyến du lịch ở Campuchia xác nhận như vậy. Họ còn
cho tôi biết thêm là phần lớn du học sinh đều nhắm mục đích chính là
để... ở lại nước ngoài.
Trong
số những tự do mà dân mình được hưởng phải kể đến tự do giao thông mà
gần đây ký giả Mỹ Llewelling King gọi đó là một kỳ quan giao thông. Tất
cả những quy luật trên thế giới đều vô hiệu với Việt Nam đưa đến cho
người lái xe cái cảm giác... tứ khoái.
Khoái thứ nhất là được "U turn" bất cứ lúc nào ở đâu, ngay cả nơi có bảng cấm hay trên đường một chiều.
Khoái thứ hai là coi đèn xanh đèn đỏ như... "ne pas".
Khoái
thứ ba là đi ngược chiều, ngay cả trên xa lộ. Tôi bắt gặp được hai lần
có xe chạy ngược chiều trên đoạn đường "cao tốc" từ Nội Bài về Hà Nội,
được trang trí như là một tủ kính bày hàng nhằm loè du khách đến thăm Hà
Nội.
Khoái
thứ tư là được "vô tư" chen lấn, không có ưu tiên phải trái, mạnh ai
nấy đi và được bóp còi thoải mái... Ngay cả con tàu "Thống Nhất" xuyên
Việt cũng chen chúc qua các phố phường chật hẹp như chốn không người,
giữa những chùm giây điện dọc ngang chằng chịt.
Trên
đường đi Angkor Wat phải ghé qua Saigon, khi tôi bước xuống hôtel, mọi
người la ó nhìn tôi như nhìn người từ hành tinh khác, không phải vì tôi
ăn mặc kỳ dị mà chỉ vì tôi mang theo trên người cái máy chụp hình và cái
điện thoại di động. Ở tuổi tôi đi trên đường phố Saigon mà mang những
thứ đó là một cách tự sát. Khi trở lại Saigon tôi muốn về ngay Đà Nẵng
thì các bạn trẻ cùng đi tours khuyên tôi không nên đứng đón taxi một
mình với hành lý trên tay vì đó cũng là một hình thức tự sát khác (vì
tôi còn yêu đời nên không muốn tự sát trong mấy ngày liên tiếp) nên phải
nhờ anh hướng dẫn theo tôi lên taxi ra tận phi trường Tân Sơn Nhất.
Trên taxi tôi thường nghe chửi bới chế độ, không biết là thật tình hay
cò mồi nên tôi không dại gì mà hùa theo. Dân mình hay có óc châm biếm,
như để mô tả cái xã hội được rêu rao là dân làm chủ thì người dân lại hý
lộng về 3 thứ chợ ở Hà Nội đẳng cấp khác nhau bằng mấy câu:
Tôn Đản là của vua quan,
Nhà Thờ là của bầy tôi nịnh thần,
Vỉa hè là của nhân dân anh hùng...
Tuy
thỉch châm biếm nhưng con người sống dưới chế độ cộng sản lại mất đi
cái tính khôi hài dí dỏm của người Việt, nếu có khôi hài thì lại rẻ
tiền, kiểu Hoài Linh, mà có khi còn thô tục nữa. Ở Hà Nội, ngay bên cạnh
Trung Tâm Văn Hoá Ca Múa Âu Cơ trên đường Huỳnh Thúc Khang (lớn thứ hai
sau Nhà Hát Lớn) thì lại có nhà hàng ăn với bảng hiệu đồ sộ "Chim To
Dần" để cho các bà đi ngang phải đỏ mặt.
Về
Việt Nam mà không ăn phở là một thiếu sót, tuy nhiên tôi cũng chưa tìm
được cái hương vị tuyệt vời như ở Berlin hay ở Sydney. Sau mấy ngày lục
lạo, tôi may mắn được bước vào một tiệm phở lịch sử đã đứng vững từ nửa
thế kỷ nay và còn in dấu vết trong lòng người Hà Nội để nhớ lại thời kỳ
bao cấp kinh hoàng. Trong thời đó, tiệm phở gà số 2 đường Nam Ngư này đã
làm một cuộc cách mạng và đã thách thức với chính quyền cách mạng vì đã
phá rào để bán phở "có người lái" nghĩa là có thịt trong tô phở, trong
khi cả nước đều phải ăn phở không người lái nghĩa là không có thịt. Ngay
cả khách sạn Phú Gia lớn nhất Hà Nội cũng chỉ được bán phở không thịt,
ba chữ "không người lái" trở thành những chữ cấm kỵ châm biếm chế độ.
Một cựu biên tập viên báo Nhân Dân than thở với tôi rằng anh ta đã bị
công an bắt đứng nghiêm để đọc 100 lần chữ "phở không có thịt" vì anh ta
đã vào tiệm mà ngang nhiên gọi một "tô phở không người lái".
Sở
dĩ bà chủ tiệm phở Nam Ngư làm ăn được là vì đã lợi dụng sự sơ hở của
chế độ. Lúc đó nhà nước quản lý ba loại súc vật: trâu (để đi cày), bò
(nói là bị Mỹ dội bom chết), heo (thì để làm nghĩa vụ đóng thuế), chỉ có
gà là thoát khỏi tầm tay nhà nước, nên bỏ một miếng thịt gà vào tô phở
không thể coi là hành động chống đối.
Tuy
làm ăn khắm khá nhưng bà chủ Nam Ngư vẫn giữ nguyên trạng tiệm phở từ
hồi mới mở tới nay, với những cái bàn con và những chiếc ghế nhựa thấp
lè tè, kể cả cái thau nước rửa bát bên lề đường, như để nhắc nhở người
dân Hà nội rằng dấu vết của thời bao cấp đang còn đó. Trong khi bao cấp
kinh tế chỉ liên quan tới thể xác, thì ngày nay bao cấp chính trị nguy
hiểm hơn, lại bao gồm luôn cả tinh thần. Khốn nạn thay cho người dân
Việt, không biết còn phải chịu đựng cho tới bao giờ.
Paris, Tết Ất Mùi 2015
Phương-Vũ Võ Tam-Anh
nguồn: http://bacaytruc.com/index.php?option=com_content&view=article&id=6668:tr-v-c-hng&catid=34:din-an-c-gi&Itemid=53