Lý Phách Mai: Hai đôi giày cũ

Hai Đôi Giày Cũ
                                                   Truyện Ngắn Lý Phách Mai

  Từ khi mẹ tôi qua đời, cứ mỗi đêm là tôi không thể nào ngủ được. Một sự mất mát to lớn trong đời còn lại của tôi, không ngờ đã đem lại cho tôi cảm nhận ra sự chia ly với người thân vô cùng đáng sợ và không có bút mực nào có thể diễn tả để chia sớt được với nỗi đau khổ nầy. Tuy thời gian có trôi qua, cảnh nhà hiu quạnh, hình bóng mẹ vẫn chập chờn trong nỗi nhớ niềm thương...



  Sáng hôm nay tôi vào phòng bà để soạn lại đồ đạc, quần áo, giày dép mà mẹ tôi vẫn còn cất kỹ, nhìn những vật kỷ niệm của mẹ tôi không sao cầm được giọt lệ...
  Khi mở tủ áo của mẹ ra để sắp xếp lại thì tôi mới thấy có một đôi giày, tôi lấy ra để xem và lau chùi, đôi giày nầy rất là cũ, cũ hơn tất cả các đôi giày khác, thế sao mẹ lại có vẻ quý trọng lắm vậy? Mẹ cất trong tủ quần áo của mẹ chớ không phải để ở ngoài như những đôi giày khác. Tôi trầm tư suy nghĩ mãi… rồi bỗng dưng chợt nhớ ra khi gia đình mình vừa mới đến làng Peterzelle khi còn ở trong trại tỵ nạn có một lần bà kể cho tôi nghe, lúc bà còn sinh tiền, mẹ nói rằng:
  Buổi sáng đó có một bà người Đức cũng khá già nua tay chống gậy, còn tay kia cầm một túi đồ, bà ấy đi vào trong trại tỵ nạn là tìm người để cho đồ. Lúc ấy mẹ tôi đang ở trong phòng, tay bồng cháu Minh cho nó uống sữa. Bà cụ đến gõ cửa phòng, mẹ tôi ra mở (vì lúc đó tôi đang ở trong nhà thương để khám sức khỏe), khi cửa phòng đã mở, bà cụ người Đức liền đặt vào tay mẹ tôi một gói đồ rồi bà lại mỉm cười và bỏ đi ngay, vì dư biết lúc ấy bà người Đức có nói gì mẹ tôi cũng đâu có hiểu.
  Sau khi bà cụ đi rồi, mẹ tôi liền mở ra xem thì thấy một đôi giày mùa đông còn mới, tuy không phải là mới toanh, nhưng vẫn còn rất tốt. Thế là từ đó mẹ tôi đã mang đôi giày nầy, nó rất là vừa chân mẹ, nên bà rất ưng ý và cứ mùa đông là đem ra dùng.
  Khi gia đình chúng tôi dọn về thành phố Immenstadt thì mấy cháu và tôi cứ mua giày mới cho mẹ và mấy cháu nói „đôi giày cũ nầy nó mòn đế lắm rồi, ngoại mang coi chừng bị té!“. Hồi lúc còn sinh tiền mẹ tôi rất khỏe mạnh, cứ sáng sớm là đi bộ ra phố chợ mua bánh mì thịt, cá, đủ thứ về cho cháu ăn, và mỗi ngày là phải đi thăm mộ ba tôi, may là nghĩa trang gần nhà đi bộ chừng 10-15 phút là tới, có lẽ mẹ tôi cũng sợ tuyết mùa đông mà nhứt là vùng Allgäu nầy tuyết rơi nhiều và sớm hơn các nơi khác, chính vì vậy kể từ đó mẹ không mang đôi giày cũ nữa, tuy nhiên mẹ lau chùi sạch sẽ và cất kỹ để làm kỷ niệm nhớ đến người xưa, dù không biết tên, không biết tuổi, ở đâu. Có thể họ đã mất đi rồi...?!
Bây giờ tôi nhìn lại đôi giày cũ nầy của mẹ tôi mà mẹ còn cất giữ đến ngày nay, tôi cũng chợt nhớ đến đôi giày của Bà Fichter, bà chủ hãng của tôi ngày xưa khi tôi còn làm việc cho ông bà tại làng Peterzelle, lúc đó bà cũng đã cho tôi đôi giày mùa đông, sau khi bà nghe tin tôi từ trên đường đi đến hãng của bà, rồi vừa xuống tới chân núi đường trơn trợt nên bị té nằm dài ngửa người ra ở ngay trên mặt lộ. Vào mùa đông buổi trưa nên ít người qua lại trên đường đó lắm, chỉ những người ở trong trại đi lên, đi xuống để ra chợ. Tôi phải nằm độ 10 phút sau mới cố gắng lò mò ngồi dậy được. Rồi thấy trễ giờ làm việc nên không trở lên trại nữa, mặc dầu ê ẩm cả người, cái áo khoát ngoài ướt nhũng hết, đầu tóc tôi cũng ướt không
kém, tóc tôi bị sút sổ rối bời, tôi liền bới tóc lại, nhưng đôi bàn tay tôi tê buốt, tôi cố gắng lắm mới bới tóc lại cho gọn ghẽ rồi vội vã lên đường. Cũng may là tôi bị té ngửa người nên đôi chân không có sao.
  Khi đến hãng thì vừa lúc bà chủ hãng từ văn phòng đi ra thấy tôi ướt đẫm cả mình mẩy, bà vội vàng kéo tôi lên lầu vào phòng bà, rồi bà lấy áo khoát của tôi đem đi hơ trên lò sưởi trong phòng khách, và đem khăn ra lau giùm đầu tóc tôi. Tôi nhìn bà mà lòng cảm động lắm! Và nói Danke schön – Cám ơn. Bà chủ vui vẻ vừa sấy tóc tôi vừa hỏi: Sind Sie verletzt ? – Bà có bị thương không? – Nein – Không.
  Tôi mãi mãi không quên được gương mặt hiền từ và trong sáng của bà. Sau đó bà nhìn thấy đôi giày của tôi cũ quá, bà lấy đôi giày của bà đưa cho tôi, bà nói bà mới mua chỉ đi có 1 lần, tuy dáng dấp bà chủ có cao lớn hơn tôi, vì là người Âu Châu, nhưng giày của bà thì lại bằng số giày của tôi, bà đưa cho tôi mang thử, rồi bà cười vang lên mừng rỡ, nụ cười ôi sao quá hiền từ! – đôi giày nầy của bà, nên nó mới vừa chân bà, tôi tặng bà đó, đừng mang đôi giày cũ nữa đế đã mòn hết rồi!
  Hai mươi chín năm qua bây giờ nhìn lại hai đôi giày tuy có khác nhau về hình thể, nhưng cũng một tấm lòng nhân đạo như nhau.
  Một đôi giày của một bà cụ già nua chống gậy đầy lòng nhân ái, còn đây là một đôi giày của một bà chủ sang trọng và đôn hậu hiền từ.
 Trong đời của tôi, người tôi thương mến nhứt là mẹ tôi, thì người thứ hai là bà chủ của tôi, bà Fichter, nhớ lại những cơn hoạn nạn ở xứ lạ quê người, bà đã ra tay tương trợ thương yêu tôi như một người mẹ nuôi, nói làm sao hết tình thương yêu nhân loại đầy cao quý mà tôi đang ghi lại trong quyển hồi ký của tôi. Trong 31 năm sống trên nước Đức sẽ có đầy đủ những chi tiết của những quả tim đầy nhân ái.
 Dù không cùng chung chủng tộc, không cùng ngôn ngữ, không cùng sắc màu như nhau, nhưng cũng cùng một trái tim, trái tim của con người cùng máu đỏ và cùng một tâm hồn yêu thương chân thành.
  Hai đôi giày còn lại đây, nhưng những người thân đã ra đi vĩnh viễn! Mà hình ảnh bất di bất dịch đó mãi mãi tôi vẫn tôn thờ và ngự trị trong trái tim tôi.
  Vậy tôi cũng mong rằng những người ở hải ngoại, cùng sống ở nơi đất khách quê người, có lòng từ lương mà chia xẻ những vui buồn từ bao nhiêu năm trời đã giúp cho ta có nhiều sự cảm thông ở tha hương. Những chuyến tàu Cap Anamur là hình ảnh vị tha, nhân từ không phân biệt chủng tộc, giống nòi, cũng là hình ảnh của Đức Phật ở muôn nơi, Đức Thánh Khổng Phu Tử cũng đã dạy ta rằng „nhân nghĩa chi đạo“, thì dù một ngày thọ ơn cũng xin đừng quên, tôi không dám học đòi theo các vị thánh nhân mà tôi chỉ muốn nói lên một chút lòng chân thật.

•Lý Phách Mai

Immensatdt 06.11.2009
Trích từ đặc san hội ngộ Bodensee 13.03.2010