Từ miệng đảng đến lưỡi quốc hội
Phạm Trần (Danlambao)
- “Lực lượng thù địch” hay “thế lực thù địch” là hai nhóm chữ quen
thuộc phát ra từ miệng Đảng từ lâu đã leo qua cái lưỡi Quốc hội từ khi
xảy ra thảm họa cá chết ở miền Trung. Hiện tượng này tuy mới mà không
lạ vì Đại biểu Quốc hội cũng là đảng viên nên đảng nói sao thì đại biểu
dân phải nói thế. Mèo không thể nói khác mỉu.
Nhưng khi Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại
Quang, cũng là Đại biểu Quốc hội, tìm cách buộc tội “các thế lực thù
địch” để che đậy thất bại của đảng và nhà nước thì tự họ đã biểu lộ
những thiếu sót và bất cập của bản thân.
Chẳng hạn như khi đánh giá kết quả cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ngày 22/5/2016, ông Trọng đã nói rằng: "Cuộc
bầu cử diễn ra có nhiều thuận lợi song sự cố cá chết bất thường ở miền
Trung, sự chống phá của các lực lượng thù địch... đã gây không ít khó
khăn cho công tác bầu cử" (báo Người Lao Động, 18/07/2016).
Trước hết không phải tự nhiên mà cá chết nên không “bất thường”. Formosa
mà đảng đã nhắm mắt rước vào Hà Tĩnh đã thải chất độc ra biển nên sinh
vật biển mới chết. Khoảng 5 triệu người dân của 4 Tỉnh Hà Tĩnh, Quảng
Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đang sống điêu đứng cũng chẳng phải là
“bất thường”.
Nhiều viên chức đảng và nhà nước đã hạ thấp thảm họa môi trường và cá
chết xuống hàng “sự cố” (tai nạn) trong khi Formosa đã chủ tâm xả chất
độc ra biển với sự tiếp tay của những cán bộ lãnh đạo Hà Tĩnh bất chính
và vô trách nhiệm, hàng đầu là các viên chức Tài Nguyên và Môi trường
kém hay không có kiến thức khoa học và thiếu chuyên môn công nghiệp từ
địa phương Hà Tĩnh về Trung ương Hà Nội.
Thứ hai là từ ngày xảy ra cá chết (6/4/2016) đến ngày bầu cử (22/5/2016)
là 28 ngày mà ông Trọng đã không dám nói tiếng nào về thảm họa môi
trường khủng khiếp này. Ông cũng không thèm đi thăm các nạn nhân để xem
họ đang gặp những khó khăn như thế nào trong đời sống.
Ông Trọng đã ngồi ở Hà Nội và đi đây đó hô hào tổ chức bầu cử như không
có chuyện cá chết. Là người lãnh đạo nhưng đã hành động thiếu nhân bản
và vô trách nhiệm như thế mà ông lại muốn dân đi bỏ phiếu bầu lên những
Đại biểu cũng vô tâm và vô cảm như ông thì ông Trọng chưa mắc bệnh tâm
thần là may.
Ai cũng biết người dân trong vùng bị nạn khi ấy hoang mang và hoảng sợ
tột cùng. Hàng trăm ngàn ngư dân không còn biển để kiếm cơm. Thuyền đã
phơi bờ, nhà đói, tiền cạn và sự chết đã bao phủ một vùng bao la trải
dài hơn 200 cây số từ ven bờ đến xa bờ và trên đất liền.
Nhưng nhiều màn kịch tắm biển, “ăn cá an toàn” trơ trẽn phản cảm của các
viên chức lãnh đạo đảng và nhà nước đã diễn ra, như trường hợp Bộ
trưởng Thông tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn ở Quảng Bình hôm
30/04/2016.
Người dân ở nhiều vùng đất nước đã xuống đường phản kháng và lên án cách
giải quyết rùa bò, lúng túng và chắp vá của nhà nước. Trước hoàn cảnh
kinh tế và việc làm khó khăn như thế thì có nạn nhân nào còn lòng dạ đi
bỏ phiếu để bầu ra những đại diện giống ông Trọng?
Vì vậy họ đã chọn ngồi nhà cho khỏi đói, đồng thời cũng để bày tỏ thái
độ tẩy chay bầu cử khiến ông Trọng bực tức. Ông ta đã lên án và quy
chụp họ vào với “chống phá của các lực lượng thù địch” để biện minh cho bầu cử không đạt yêu cầu.
Thế rồi tại buổi khai mạc Khóa họp đầu tiên của Quốc hội khóa 14 ngày
20/07/2016, ông Trọng lại bị ám ảnh bởi hình ảnh “thù địch” đã chen vào
đầu các Đại biểu khi ông nói trong diễn văn: "Trong việc xây dựng và
hoàn thiện hệ thống luật pháp của nước ta phải luôn kiên định lập trường
tư tưởng, giữ vững mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng, chú trọng
nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tiếp thu có
chọn lọc, vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam.”
Rồi ông ra lệnh: "Tuyệt đối không mơ hồ, mất cảnh giác để cho các thế
lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá chúng ta bằng cách hướng lái hệ
thống luật pháp của chúng ta đi con đường khác, nhất là trong điều kiện
đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay."
Thiết tưởng ông Trọng đã quá dè dặt đến mất tự tin khi sử dụng các chữ
“thế lực xấu, thù địch” để hù họa các Đại biểu trong công tác làm luật.
Ai cũng biết tất cả các Dự luật đều cho đảng và nhà nước soạn cho Quốc
hội thảo luận lấy lệ để thông qua cho có vẻ dân chủ và hợp hiến. Do đó,
từ bao lâu nay, dù có cố gắng mấy, Quốc hội cũng không sao gột tẩy được
nhãn hiệu “đảng cử dân bầu” hay “con dấu vô tri” cho đảng sử dụng.
Chủ tịch nước
Đến lượt Đại tướng Công an, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng chỉ biết nói theo ông Trọng.
Sau khi được Quốc hội chính thức bổ nhiệm ngày 25/07/2016, ông Quang
cũng chỉ biết nói lại những điều người dân đã phải nghe mỏi tai hàng
chục năm qua.
Ông bình luận tình hình hiện nay với báo chí trong cuộc phỏng vấn được chuẩn bị từ trước: "Chiến
tranh cục bộ, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh
thổ, biển, đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ,
ly khai, khủng bố quốc tế tiếp tục gia tăng với tính chất, mức độ ngày
càng nghiêm trọng.
Các thế lực thù địch, phản động ráo riết đẩy mạnh các hoạt động “diễn
biến hòa bình,” bạo loạn, lật đổ với nhiều âm mưu, thủ đoạn mới hết sức
thâm độc và xảo quyệt hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ
xã hội chủ nghĩa ở nước ta.” (theo TTXVN, Thông tấn xã Việt Nam)
Điều được gọi là “diễn biến hòa bình” thông thường nằm trong đầu các
lãnh đạo Cộng sản Việt Nam (CSVN) là hình ảnh của các nước Tây phương do
Hoa Kỳ cầm đầu. Những đòi hỏi Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, tự do
báo chí, tự do tự tưởng, tôn giáo và hoạt động của các tổ chức dân sự,
của những Bloggers, Nhà báo độc lập ngoài báo lề đảng v.v… đều nằm trong
cái khung gọi là “diễn biến hòa bình”. Những hoạt động của bất cứ ai,
bất luận từ đâu đến hay của quốc gia nào nhằm vào Việt Nam cũng đều bị
nhà nước đội cho cái mũ chống đảng, chống nhân dân và chủ trương bạo
động lật đổ chế độ.
Không có dấu hiệu nào cho thấy các hoạt động của Trung Quốc nhắm vào
Việt Nam được nhà nước xếp vào hàng ngũ “diễn biến hòa bình”. Nhưng
tình trạng lệ thuộc kinh tế và kỹ nghệ vào Trung Quốc, cũng như quan hệ
lâu đời giữa hai đảng Cộng sản Trung-Việt đã đặt Việt Nam nằm gọn trong
chiếc còng nô lệ Trung Quốc. Dù lãnh đạo đảng có cải chính cũng không
được. Bằng chứng 90 phần trăm các dự án kinh tế ở Việt Nam nằm trong tay
các Công ty Trung Quốc đã chứng minh.
Trong suốt cuộc phỏng vấn của một số báo, không có câu hỏi nào trực tiếp
đến tình hình Biển Đông hay áp lực của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Ông Quang chi nói chung chung, đại khái lập lại chủ trương của đảng là: "Quan
tâm củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, khả năng sẵn sàng
chiến đấu, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ
quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ biên giới và chủ quyền
biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế
độ xã hội chủ nghĩa; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để
phát triển bền vững đất nước.”
Chủ tịch quốc hội
Đến lượt Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân cũng không khá hơn. Nhiều
câu nói của Bà coi như “tát nước theo mưa” cho không chệch hướng.
Cách hành xử của Bà làm cho vai trò Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất
nước và là Đại diện cho dân không còn là của dân nữa.
Chẳng hạn như 4 ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội (22/05/2016), bà Ngân kêu gọi: "Văn
phòng Hội đồng bầu cử đề nghị tăng cường an ninh, trật tự, an toàn xã
hội, đề phòng sự phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, phối hợp
chặt chẽ giữa các lực lượng để bảo vệ bầu cử."
"Kiên quyết không để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo quần
chúng, phá hoại cuộc bầu cử, bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, tạo
không khí phấn khởi, tin tưởng của nhân dân trong dịp bầu cử", báo cáo
của Hội đồng bầu cử nêu.”
Rồi bà Ngân, giống như ông Trọng, đã ghép chuyện cá chết miền Trung vào với âm mưu “phá hoại cuộc bầu cử”.
Bà nói: "Thời gian qua, sau sự việc cá chết hàng loạt ở miền Trung,
dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường, hàng nghìn người đã tụ tập gây mất an
ninh trật tự ở một số tỉnh, thành. Họ mang theo hơi cay, có nhiều hành
vi quá khích gây thương tích cho lực lượng chức năng. Công an TP HCM
nhận định đằng sau động thái gây rối là âm mưu của tổ chức Việt Tân "tạo bạo loạn chính trị", "phá hoại cuộc bầu cử".
Khi đưa lời cáo buộc mà chỉ biết căn cứ vào “nhận định của Công an Thành phố Hồ Chí Minh”
để suy diễn thì thật nguy hiểm. Tại sao bà Ngân lại coi hành động đòi
nước sạch, biển sạch của dân vùng cá chết miền Trung có liên hệ với âm
mưu bạo loạn chính trị để phá bầu cử của tổ chức Việt Tân mà không đưa
ra chứng cớ nào?
Hành động của Bà Chủ tịch Quốc hội hiển nhiên đã coi thường những khó
khăn của dân vùng bị nạn. Hàng ngàn người Công giáo đã xuống đường biểu
tình phản đối Formosa, đòi trừng phạt những cán bộ đã tiếp tay cho
Formosa hủy hoại môi trường, giết hại sinh vật biển gây khốn khổ kinh tế
cho dân mà bà lại buộc họ “bạo loạn chính trị” để “phá hoại bầu cử” thì
bà có còn là Đại biểu của dân Việt Nam không?
Cũng không thấy bà đi thăm dân bị nạn, chẳng thấy bóng dáng bà Chủ tịch
Ngân ở bất cứ nơi nào có cá chết. Bà còn không muốn lập ban điều tra vụ
cá chết và Formosa do Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị.
Trong cuộc họp báo ngày 23/07/2016, các báo cùng tường thuật: "Bà
Ngân cho biết, hiện nay chưa có chủ trương lập ủy ban lâm thời. Để có
kết luận về Formosa, Chính phủ đã rất cố gắng, tổ chức gây ra đã nhận
lỗi và cam kết khắc phục, đó là thắng lợi bước đầu…. không chỉ Chính
phủ, các cơ quan chức năng mà Quốc hội cũng đang có nhưng giám sát độc
lập riêng để đánh giá đầy đủ, khách quan.”
Lạ chưa? Chuyện của Hành pháp điều tra vụ cá chết và Thủ phạm Formosa là
chuyện của nhà nước, không phải nhiệm vụ của Quốc hội, cơ quan đại diện
cho dân. Khi bà Ngân chống thành lập Ban điều tra riêng là bà đã trúng
bẫy tuyên truyền của Ban Tuyên giáo đảng từ bấy lâu nay lập luận rằng “mọi việc đã có nhà nước lo”.
Hơn nữa khi nhà nước nhận 500 triệu dollars bồi thường của Formosa thì
Quốc hội cũng chưa biết chắc là đủ hay thiếu để bồi thường cho dân và
khắc phục mội trường theo lời hứa của Formosa. Còn chuyện Quốc hội “giám
sát” thì từa xưa đến nay, Quốc hội không giám sát được đảng mà chỉ biết
cúi đầu nhận lệnh.
Quốc hội không dám điều tra Dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên vì Bộ
Chính trị đã làm theo yêu cầu của Trung Quốc. Quốc hội cũng không dám ra
Nghị quyết lên án hành động lấn chiếm biển đảo Việt Nam của Bắc Kinh ở
Biển Đông là hai bằng chứng tiêu biểu cho bất lực, vô dụng của Quốc hội.
Luật biểu tình - biển đông
Cũng trong cuộc họp báo ngày 23/07/2016, Bà Ngân còn biện bạch cho việc trì hoãn Luật biểu tình chưa đưa ra Quốc hội vì còn nhiều ý kiến khác biệt. Dự luật này do Bộ Công an phối hợp với Bộ Quốc phòng soạn thảo đáng lẽ đã phải đưa ra thảo luận trong lần họp thứ 11 của Quốc hội khóa trước (13), nhưng phía Quân đội quyết chống. Phe này cho rằng nếu không cẩn thận thì Luật biểu tình sẽ là “đổi mới chính trị” đe dọa trực tiếp đến quyền lãnh đạo độc tôn của đảng.
Bà Ngân nói: "Luật Biểu tình liên quan đến quyền của công dân, việc
lùi là để nghiên cứu căn cơ thấu đáo phù hợp với tình hình của đất nước.
Đất nước ta ổn định, trong khi nhiều nơi tình hình cho thấy rất lo
lắng, nên việc ban hành luật phải phù hợp tình hình, bảo đảm lợi ích của
đất nước, bảo đảm quyền của người dân, nhưng không làm rối loạn đất
nước."
Lập luận nước đôi của Bà Ngân có khác quan điểm bảo thủ, độc tài và vi
hiến của Bộ Quốc phòng không? Bởi vì điều 25 của Hiến pháp 2013 đã quy
định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận
thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do
pháp luật quy định."
Như vậy, một khi chưa có luật thì dân mất quyền và Hiến pháp cũng vô
dụng, do đó theo tường thuật của báo Việt Nam thì Bà Ngân đã chữa cháy: "Tuy
nhiên, bà cho biết, Luật Biểu tình sẽ được Quốc hội khóa 14 nghiêm túc
xem xét sau khi Chính phủ trình, chứ không lùi vô thời hạn.”
Nhưng nếu bên Chính phủ cứ bảo “chưa thống nhất ý kiến” nên chưa thể
trình ra Quốc hội thì bà Ngân làm gì được? Toàn là chuyện tầm phào, lãng
nhách - theo ngôn ngữ của người Nam Bộ như bà Ngân.
Liên quan đến tình hình Biển Đông và áp lực của Trung Quốc, Bà Ngân nói mang máng giống như ông Nguyễn Phú Trọng: "Việt
Nam nhất quán một quan điểm về chủ quyền, chưa bao giờ thay đổi, đó là
vấn đề thiêng liêng với mỗi một người dân Việt Nam. Người Việt Nam hơn
bất cứ đâu đều yêu chuộng hòa bình. Việt Nam có nhiều biện pháp đấu
tranh để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng đảm bảo môi trường hòa
bình, ổn định cho người dân.
“Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế
khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên
tiếng hô hào thế này thế nọ như những người đó, tổ chức đó làm gì cho
đất nước? Chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động các phần tử để làm rối
tình hình.”
Đây là lần đầu tiên người ta được nghe từ miệng bà Ngân những lời lên án
các công dân Việt Nam trong và ngoài nước đã và đang đấu tranh chống
Trung Quốc và chống thái độ thờ ơ, sợ hãi Trung Quốc của đảng CSVN.
Không biết những lần người dân xuống đường biểu tình chống Tầu đàn áp,
giết hại ngư dân và ăn cướp tài sản của họ ở Biển Đông từ năm 2007 đến
năm 2012 thì bà Ngân ở xó xỉnh nào mà không thấy lên tiếng nói năng vài
lời?
Cũng chưa bao giờ thấy bà dám hé răng lên án Công an và côn đồ của Công
an đã đàn áp gây đổ máu cho người dân trong các cuộc tập hợp truy ơn các
chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh ở Hoàng Sa năm 1974 và các chiên
sỹ quân đội nhân dân đã bỏ mình vì tổ quốc ở Trường Sa năm 1988.
Khi nhân dân kỷ niệm và truy điệu trên 40 ngàn chiến sỹ và đồng bào đã
hy sinh trong cuộc chiến chống quân Tầu xăm lược ở Biên giới Việt-Trung
năm 1979 thì có ai thấy mặt bà Ngân ở đâu không?
Do đó khi nghe bà chất vấn lòng yêu nước của “những người đó, tổ chức đó
làm gì cho đất nước?” thì bà hãy soi mặt vào gương mà tự hỏi mình “đã
làm gì cho đất nước” chưa?
Thế mới biết những gì Đảng nói xưa nay đã dính vào cái lưỡi của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. -/-
(07/016)