Nhà thơ phản kháng Bùi Minh Quốc với bài thơ khóc vợ nổi tiếng...
Mai Tú Ân (Danlambao)
- Cây đại thụ im lìm, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã nổi tiếng trong văn đàn
mấy chục năm rồi, và giờ đây ở tuổi 76, ông như đang đếm những chiếc lá
cuối cùng rụng xuống của cuộc đời thơ ca đầy tự hào, và với những bài
thơ khóc vợ bi tráng nhất thì hẳn có lúc nhà thơ của chúng ta thấy thật
đáng hãnh diện khi nhìn lại chính mình.
Nhà thơ phản kháng Bùi Minh Quốc
lúc còn trẻ
|
Cuộc đời của Bùi Minh Quốc không trao cho ông những điều kiện tốt nhất
để phát triển cái hồn thơ lãng mạn và bay bổng của mình. Định mệnh bắt
ông phải trở thành một chiến sĩ với cuộc đời là lời thề chiến đấu cho
độc lập, tự do của nước nhà, với cái chết, sự hy sinh luôn bủa vây đeo
đuổi trong một cuộc đời gió sương nghiệt ngã nhất. Rồi một ngày kia trên
chiến trường, ông nhận được tin dữ bay mau bay xa:
Sao không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương…
Tiếng gào ngàn khóc núi của thi sĩ Hữu Loan khi khóc người gái nhỏ hậu
phương trên khác hẳn với tiếng khóc thảng thốt nghẹn lời của Bùi thi sĩ,
khi người bạn đời của ông, nhà văn Dương Thị Xuân Quí ngã xuống giữa
trận tiền mưa bay đạn nổ, khi cả hai đều cùng tuổi thanh xuân phơi phới
trên chiến trường. Nhưng nỗi đau của cả hai luôn giống nhau, cùng đau
đáu nỗi đau đớn cùng trải nghiệm càng lâu càng nhung nhớ đầy vơi của một
người nơi Cõi Tạm đầy khổ đau nhớ người trên miền Cực Lạc vun đầy. Nhớ
một đời dài lâu đầy nỗi nhớ, nhớ giây phút chia xa không thể nào quên:
Thôi rồi, tay nắm tay lần cuối
Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau…
(Vũ Hoàng Chương)
Hữu Loan khóc vợ qua bài thơ Những Đồi Hoa Sim với những màu hoa tím
chiều hoang biền biệt thì Bùi Minh Quốc khóc vợ bằng một loạt những Bài
Thơ Hạnh Phúc để tưởng nhớ XQ thân yêu. Đây là những bài thơ hay nhất
của ông, với tiếng khóc ẩn sau những tiếng nấc giản dị, đời thường của
người chiến binh khóc vợ nơi chiến trường…
Bài thơ về hạnh phúc
(Tưởng nhớ XQ thân yêu)
Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt
Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng
Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng
Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt
Bao giốc cao em cần cù đã vượt
Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh
Em nói tới những điều em định viết
Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép
Con sông Giàng gầm réo miên man
Nước lũ về... Trang giấy nhỏ mưa chan
Em vẫn viết: lòng dạt dào cảm xúc
Và em gọi đó là hạnh phúc...
Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai...
Bùi Minh Quốc
Bài thơ "Không tìm đau chỉ tìm nhớ" này của ông có những câu cuối
thật đau lòng. Bùi Minh Quốc than vãn sâu lắng về sự ra đi của người
vợ, sự ra đi mà có lẽ ông đã biết trước như một định mệnh, vì chiến
tranh nào chừa một ai trong cơn hủy diệt bạo tàn của nó. Không hề có
những từ ngữ đao to búa lớn, không có những sự hi sinh thần thánh: "Như hóa thành bất tử".
Nhà thơ chỉ biết tự an ủi mình khi đẩy ánh mắt của vợ trước giờ ra đi
như một thứ ánh sáng, ánh hào quang góp vào nguồn sáng ban ngày.
Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai...
Đó là niềm hạnh phúc lớn lao mà theo thời gian ta mới thấy nó lớn lên,
hiển hiện hàng ngày, như một Chân Phước mà người vợ ông được hưởng bởi
Thiên Đường luôn mở cửa cho những số phận buồn tủi, đau thương, nghiệt
ngã nơi trần gian đầy nỗi khổ đau…
Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt
Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng
Đây có thể nói là một bài thơ khóc vợ bi tráng nhất của nhà thơ Bùi Minh
Quốc. Vì cái thâm sâu đau đáu của nhà thơ thì không phải là những ngày
quen nhau, yêu nhau, hay nhớ cái đám cưới vinh qui, nhớ buổi trao thân
tối qui phòng, mà chỉ nhớ đến những buổi tối đói quay, đói quắt, chia
nhau nửa bát măng rừng…
Theo những tấm gương thơ không CS, các tác giả thơ trong lịch sử nước
nhà phải rơi vào cơn chấn động tâm can bởi sự ra đi đột ngột của người
vợ, thường chọn những tiểu tiết nhỏ bé, hành động, lời nói hoặc những cử
chỉ dịu dàng nhỏ bé nhưng bao quát, phủ trùm lên người vợ đã chẳng may
khuất núi.
Ta có thể tham khảo nhiều tác giả khác viết về nỗi đau mất vợ, xa vợ khi bỗng dưng:
Em ơi! lửa tắt bình khô rượu,
Đời vắng em rồi say với ai?
Ca dao:
Thương thương nhớ nhớ sầu sầu
Một ngày ba bận ra cầu đứng trông
Khóc vợ của nhà thơ Nguyễn Khuyến
Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng,
Búi tóc củ hành, buông quần lá tọa,
Gật gù tay đũa tay chén,
Cùng ai kể lể chuyện trăm năm?
Trích bài thơ Khóc Vợ của nhà thơ Bùi Văn Hoàng:
Em sớm bỏ kiếp người chưa trọn vẹn
Tấm lòng son em lỗi hẹn thiên thu
Đời buồn vui em lặng lẽ giã từ
Sầu nhân thế từ nay em vĩnh biệt…
Hẳn là nhà thơ của chúng ta đã có biết bao nhiêu ngày, biết bao nhiêu
đêm, bao nhiêu khoảng khắc lúc sáng tinh sương đang lên, khi không gian
chưa bị lấm bụi trần, hay bao nhiêu khoảng khắc lúc chiều buông lả
xuống, khi nỗi nhớ dâng lên đầy vơi, và nhất là khi đêm lạnh ùa về trong
căn phòng không, ngọn đèn mờ soi tỏ căn phòng cô độc, giường một, gối
chiếc thì bóng dáng của người vợ trẻ thân thương bỗng trở trở về bên nhà
thơ với đầy vẻ liêu trai, thảng thốt…
Vợ của nhà thơ Bùi Minh Quốc là nhà văn Dương Thị Xuân Quí. Hai vợ
chồng, anh trước, em sau đã tình nguyện vào Nam chiến đấu trong những
năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất.
Than than ôi! Người vợ trẻ xuân thì như cây hướng dương, bỗng đột ngột
bị cắt gốc, ứa hàng lệ máu chan, lỡ vòng tay níu. Nàng chết, khi tình
yêu và nghĩa phu thê còn đọng trên môi, trên mắt, trên mi khiến trái tim
Bùi thi sĩ như thấy trái đất vỡ vụn, vũ trụ tan tành…
Sao không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương…
Nỗi đau chen lẫn nỗi đau, sự nghiệt ngã xô đẩy cùng sự nghiệt ngã, tất
cả như đổ về với người chiến sĩ – nhà thơ Bùi Minh Quốc khi anh đang ở
tuổi 30 tràn đầy sức sống và tấm lòng chất ngất yêu thương. Và giờ đây,
gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đau khổ ấy, vợ nhà thơ vẫn trở về
với ông, nguyên vẹn và lung linh...
Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi…