Nguyễn Minh Chính: DÂN CHỦ PHÁP TRỊ-HƯỚNG ĐI TẤT YẾU CHO VIÊT NAM

Nhận lời một người bạn cùng chung  Đại Học trước năm 1975 ở Pháp, về tham dự đám cưới cậu con trai đầu lòng, được tổ chức tại Vientiane ( Laos ) , cháu Jonathan và người bạn gái người Lào, hai cháu làm việc và quen nhau tại thành phố New York. Ngoài tình nghĩa bạn bè ngày xưa để tham dự lễ cưới, tôi cũng muốn thăm đất nước Lào, một quốc gia kế cận Việtnam, sau 40 năm bị cai trị dưới chế độ cộng sản. Và cũng nhân dịp này, một vài người bạn trẻ, cựu du sinh mà tôi có dịp quen từ những năm 2005 tại Pháp, đang làm việc nơi quê nhà, muốn gặp lại tôi sau nhiều năm xa cách !
        Đầu tháng 11 năm 2015,thành phố Vạn Tượng hiện dần dưới mắt tôi qua khung cửa chiếc phi cơ nhỏ của hảng Asian Airlines bay từ Bangkok. Từ trên cao nhìn xuống thành phố, Vạn Tượng không cho tôi được cái cảm nhận của một thành phố đang phát triển, những căn nhà nhỏ mái tole nằm chen chút bên cạnh quốc lộ chưa được trải nhựa và giòng sông Mékong uốn lượn quanh thành phố là biên giới thiên nhiên Thái-Lào. Mặc dầu không phải là quê tôi, nhưng cũng đủ để tâm hồn tôi giao động, một cảm giác buồn tủi khó diễn tả được ! Có lẻ xa xa bên kia ngọn núi và cuối dòng sông uốn khúc kia là quê nhà của tôi ? 
        Còn vài hôm nữa mới đến ngày vui của gia đình anh chị Phúc-Hoa, tôi có dịp tham quan thành phố và một vài làng xã ngoại ô cũng như gặp lại Châu, người bạn trẻ học cao học xây dựng tại CHEBAP Paris sau khi tốt nghiệp Kỹ Sư xây dựng tại Đai Học Giao Thông Hà Nội, có thêm Tiến, cậu học trò đất Nghệ, tốt nghiệp Tin Học tạì INSA  Lyon, về nước làm việc cho một công ty nước ngoài tại Saigon và Hiền, cô sinh viên người Hải Phòng, tốt nghiệp ngành  Quản Trị Kinh Doanh của trường EM Lyon, về nuớc từ những năm 2009 !
         Đi dạo trên đường phố trung tâm Vạn Tượng, cũng như Saigon mà tôi được xem qua hình ảnh, những đường giây điện chằng chịt bắt dọc phía trước mặt tiền cũ kỷ,không tu sửa  của các căn phố , lề đường ngổn ngang bày bán thức ăn và quần áo, đường xá lồi lõm , cống rảnh không thoát được nước thải xông lên mùi nồng  khó thở ! Phố xá Vạn Tượng khá đông người qua lại, xe hơi cũng  nhiều như xe gắn máy và xe tuc-tuc , một loại xe Lam kéo, gần giống như Saigon ngày xưa, một phương tiện di chuyển bình dân  như ở Bangkok ! Sau 40 năm dưới chế độ công sản, người dân Lào hiền hòa , niềm nở, dễ thương hình như không còn thấy nữa, họ đã đánh mất đi nụ cười và trên khuôn mặt xạm nắng kia chỉ còn những vết hằn nhăn  lo âu cho cuôc sống. Qua vài con đường dọc ngang của thành phố, người ta cảm nhận được sự chênh lệch rất lớn của giai tầng xã hội, một thế giới riêng biệt của kẻ giàu có , liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với nhà cầm quyền CS Lào, một thế giới của những người vô cảm trước sự nhọc nhằn của đại đa số quần chúng, đó là hình ảnh những chiếc xe BMW X6 v.v… đắt tiền,chạy vụt qua, tung bụi mù đất đỏ trên những chiếc xe thồ bán thức ăn của những người dân lam lũ, đang còng lưng kéo đẩy để rao bán kiếm cơm hàng ngày. Điều ngạc nhiên ở đây là ít nhìn thấy những công an, cảnh sát mặc quân phục, cũng như rất hiếm những biểu ngữ, cờ đảng CS Lào treo ở đường phố…có vẻ như người dân, và ngay cả đến người cộng sản, không còn niềm tin gì vào những lời câu sáo ngữ  của giai cấp cai trị nữa !
        Tôi hẹn gặp những người bạn trẻ nơi quán Một Góc Nhỏ Hà Nội, quán nằm bên bờ sông Mékong, đối diện với một công viên  khá lớn, công viên này được tài trợ bởi quốc gia Nam Hàn  từ nhiều năm trước nhưng không được bảo trì nên xuống cấp khá trầm trọng, và xa hơn vài trăm thước là khu chợ đêm của cư dân Việt, họ sống khá nhọc nhằn, bày bán quần áo và giày dép nhập cảng lậu từ Trung Cộng với giá rẻ như bèo, khoảng 2 USD/ một đôi giép da, đa số là những người trẻ đến từ miền Bắc VN. Tội nghiệp quá ! Thế hệ tương lai của đất nước là đây sao ? Bỏ quê làng ra đi cầu thực nơi đất khách với một sự nghiệp và tương lai như thế sao ? Họ đã phải đánh đổi tất cả để sống như vậy ở đây, còn những người ở lại trong xứ thì cùng cực đến mức nào ?
        Châu, Tiến và Hiền không thay đổi gì nhiều, lẻ đương nhiên họ trưởng thành hơn, dày dạn sương gió hơn khi còn học ở Pháp. Chưa ai trong họ đã lập gia đình, Hiền cười nói với tôi rằng chúng em dành ưu tiên cho việc thực hiện giấc mơ của mình, một giấc mơ của một người bình thường , mơ được sống và thở trong bầu khí trời ViệtNam Dân Chủ.
Bên ngoài  một vài cột đèn đường đã bắt đầu thắp , tôi nhìn thẳng vào đôi mắt sáng của các bạn, tôi tìm thấy nơi đó một hoài bảo sáng ngời của dân tộc Việt, lòng tôi ấm hẳn lên và những niềm hy vọng vỗ bờ trở về lại trong tôi.
         Ngày 10/10/2015 vừa qua, tôi bắt đầu trình bày với các bạn trẻ rằng , Hội Ái Hữu Người Việt Miền Trung Tỵ Nạn Cộng Sản tại Âu Châu đã tổ chức một ngày sinh hoạt với chủ đề : 40 năm : TriÂn-HộiNgộ- DấnThân rất thành công tại Strasbourg. Tri Ân để cám ơn các quốc gia Âu Châu đã đón tiếp và giúp đỡ người tỵ nạn ViệtNam, Hội Ngộ để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sống nơi đất người, và Dấn Thân để cùng nhau không quên cội nguồn  dân tộc, trách nhiệm của người con nước Việt trước vận nước điêu linh . Biết ơn, mang ơn và trả ơn là bản tính sâu đậm của nền văn hóa thuần túy ViệtNam.
        40 năm đã qua, chúng ta đã bàn thảo, vận động chính giới của nhiều quốc gia tiên tiến, về vấn đề dân chủ cho đất nước chúng ta, bởi vì chúng ta tin tưởng mãnh liệt rằng con đường phát triển đi đến sự thịnh vượng và văn minh , không có cách nào khác , là con đường dân chủ pháp trị. Chúng ta cũng đã đồng ý với nhau rằng Chính Trị là ưu tiên hàng đầu cho những bước đi cần thiết, vì Chính Trị là phương cách tổ chức và điều hành quốc gia để đạt được phúc lợi chung. Do đó, khi muốn tiến bước trên con đường dân chủ hóa đất nước, chúng ta phải tôn trọng quyền Tự Do Ngôn Luận như là một quyền Tự Do căn bản của con người, đặt nền móng trên tinh thần ôn hòa, nếu việc xữ dụng quyền này không gây hận thù về chủng tộc và tôn giáo !
        Ngồi bên hàng hiên của quán vào giữa tháng 11, lâu lâu có những cơn gió nóng thổi hắt vào từ phía giòng sông Mékong cạn nước không làm chúng tôi đễ chịu hơn, cơn gió chiều nay làm tôi rùng mình nhớ về những cơn gió Lào ngày nào thổi ngang quê tôi ! quê hương miền Trung với khí hậu không được thuận lợi, đã un đúc nên những con người miền Trung chịu thương chịu khó, xứng đáng để được tuyên xưng là đòn gánh nối liền hai miền Nam Bắc .
       Tiến, người bạn nhỏ miền Trung xứ Nghệ , kéo tôi trở về thực tại khi tôi trầm ngâm đôi phút, đặt vấn đề với tôi về việc thắng cử của đảng Liên Minh Quốc Gia vì Dân Chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo trong cuôc bầu cử Quốc Hội vừa qua, cũng như 2 vụ khủng bố tại Paris , một vụ xảy ra vào ngày 07/01/2015 vào tòa soạn báo biếm họa Charlie Hebdo, vụ thứ hai thật khủng khiếp vào ngày 13/11/2015 tại nhà hát Bataclan, khi tôi đang có mặt tại Lào.
        Tôi nói với các bạn trẻ của tôi là tôi thật sự xúc động khi nghe được tin thắng cử của bà Aung Suu Kyi. Ngoài việc cảm phục sự tranh đấu kiên trì,bất bạo động, ôn hòa, hòa hợp hòa giải của bà cho việc dân chủ hóa đất nước Miến Điện, tôi cũng không tiếc lời ca ngợi sự sáng suốt của giới cầm quyền quân phiệt, đã biết đặt quyền lợi cao cả của đất nước lên trên quyền lợi cá nhân và đảng phái. Bà Aung Suu Kyi dõng dạc tuyên bố rằng, sự thắng cử của đảng do bà lãnh đạo đã tiếp cận được với dân chúng, nguyện vọng của dân chúng là nguyện vọng của bà, thêm vào đó, tuổi trẻ là lực lượng nồng cốt của dân tộc, chúng ta phải trao cho tuổi trẻ niềm hy vọng đó ! Cái gương của dân tộc Miến đáng làm chúng ta phải tôn vinh và suy nghiệm cho vận mệnh dân tộc Việt.
         Riêng về các vụ khủng bố tại Paris, như tôi đã trình bày với các bạn,quyền Tự Do Ngôn Luận là quyền Tự Do Dân Chủ căn bản của xã hội, vì xã hội có Tự Do Ngôn Luận thì xã hội đó được điều hành bởi lý trí chứ không phải bị cai trị bởi đức tin sùng bái, bất đồng được giải quyết bởi lý lẽ chứ không phải bằng bạo lực.
          Triết gia Voltaire nói : …..Tôi không đồng ý những điều ông nói nhưng tôi sẽ tranh đấu để cho ông có quyền nói điều đó.
          Cuộc tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo là một cuộc tấn công trực tiếp vào chế độ dân chủ và quyền Tự Do Ngôn Luận ; Và cuộc tấn công  vào nhà hát Bataclan là một hành động dã man. Đôi khi đọc báo biếm họa Charlie Hebdo, chúng ta không đồng tình với họ nhưng chúng ta luôn luôn tôn trọng quyền Tự Do Ngôn Luận, tự do báo chí của mọi phương tiện truyền thông. Mượn danh nghĩa của bất kỳ một tôn giáo nào, một chế độ nào để khủng bố, giết người là một tội ác.
          Xã hội phương tây hiện đại là sản phẩm của thời đại khai sáng, cho rằng mọi tư tưởng và đức tin đều có thể được đem ra tranh luận. Nói cho cùng, từ ngàn năm đã có những xung đột giữa hai nền tôn giáo lớn, đó là Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo. Từ một nhóm người du mục,vào thế kỷ thứ 7, sống heo hút nơi sa mạc Syro-Arabia, họ đã mau chóng biến thành những con người đầy quyền lực, tung hoành từ cận Đông đến Âu Châu và từ Bắc Phi đến tận các nước Á Châu. Ý niệm thánh chiến (Jihad) và ý niệm tử đạo (martyrdom) hoàn toàn phù hợp với tâm lý hung bạo của người Ả Rập vì họ rất quen thuộc với cuộc sống đầy bất trắc nơi sa mạc.
          Qua sự việc khủng bố và giết người tàn bạo này đã làm phẩn nộ mọi người dân trên khắp các châu lục….những tấm bảng ghi hàng chữ JE SUIS CHARLIE , JE SUIS PARIS…đã được mọi người giương cao trong các cuộc biểu tình, và theo một nghĩa nào đó, chúng ta đều là CHARLIE, đều là PARIS.
         Trong tháng 11 năm 2015, chúng ta đã chứng kiến được 2 sự kiện nổi bật tại Miến Điện và tại Pháp, chúng ta đã rút được những kinh nghiệm qúy báu nào cho công cuộc dân chủ hóa đất nước chúng ta ? Trước hết chúng ta phải trả lời cho được câu hỏi : chúng ta muốn gì cho đất nước chúng ta ? và  lẻ đương nhiên , sau khi đã có câu trả lời chính xác, chúng ta sẽ đặt đúng vai trò của mình vào nơi thích hợp cho sự chuyển mình của trào lưu dân chủ, bởi vì dân chủ là ước muốn tự nhiên của con người và mục đích ngàn năm của con người là được sống TỰ DO.
          Trời đã khuya, các cư dân Việt bán hàng ở chợ đêm  bắt đầu thu dọn quày hàng, chúng tôi cùng đi bên nhau , tiếp tục câu chuyện còn dỡ dang, đi ngang qua lều vải của các bạn, ánh đèn đường ban đêm không đủ sáng , nhưng chúng tôi biết được rằng trên khuôn mặt đồng bào của tôi không dấu được sự nhọc nhằn của một ngày tranh sống nơi đất khách quê người. Chúng tôi nói vừa đủ cho nhau nghe : MAI NÀY CHÚNG TA CÙNG VỀ XÂY DỰNG LẠI VIÊT NAM.
                                                                      Vạn Tượng, những ngày cuối năm 2015 .
                                                                            Nguyễn Minh Chính ( Pháp Quốc )