4/4/16

Bốn mươi mốt cái xuân hận

Cánh Dù lộng gió (Danlambao) - Xoay qua, xoay lại đã 41 năm kể từ ngày Quốc Hận đầu tiên 30 tháng 4 năm 1975. Ngày mà có trăm người vui, có vạn người buồn, tôi không có ý nói theo Võ Văn Kiệt, tôi chỉ muốn nói số vui chỉ là số ít, còn lại toàn bộ miền Nam là một màu tang trắng. Tôi đã để tang trong ngày này, vì đất nước tôi, miền Nam tôi bắt đầu tang tóc, bắt đầu những ngày đen tối dưới tay của bên thắng cuộc.

Kẻ ở người đi, cái ngày đó sao mà buồn và thê lương đến thế. Khi bước chân ra đi ai cũng nghĩ là mãi mãi vĩnh biệt Sài Gòn, không bao giờ có ngày trở lại như trong bản nhạc "Sài Gòn ơi! Vĩnh Biệt" của MC trung tâm ASIA Nam Lộc dưới đây.



Trên khuôn mặt thất thần của mọi người, ai cũng ngờ đâu lại có ngày này, và ngày này lại đến quá nhanh, hết sức tưởng tượng, nhất là với những quân nhân phải buông súng, ngã ngựa, càng ngỡ ngàng hơn.

Trước đây khi nghe 2 từ Việt Cộng ai cũng hoảng sợ vì những gì chúng đã gây ra trước năm 1975 như ám sát, giết hại thường dân vô tội, xử tử những người được chúng cho là phản động bằng mọi cách dã man, như chặt đầu, mổ bụng thả trồi sông, bắn chết rồi treo lên cây cho mọi người thấy, đặt chất nổ những nơi đông người như nhà hàng, chợ búa, rạp chiếu phim, đắp mô, giật mìn xe đò chở khách, pháo kích vào trường học, nhà thương, bất kể nơi đâu. Trước năm 1975 cứ nghe đến 2 từ VC là ai cũng kinh hãi, khiếp sợ. Vì thế khi nghe VC phỏng giới thì mạng ai nấy chạy, họ chỉ biết chạy đến chỗ nào họ cho là an toàn, đâu hay biết là sau đó giặc Đỏ đã lan tràn khắp miền Nam từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau phần đất cuối cùng của Tổ Quốc.
Như một vết dầu lan nhanh, chúng kéo quân vào rầm rộ, xe pháo đông như kiến, xe tăng T54 lăn bánh xích rung chuyển trên mặt đường. Đoàn quân ô hợp khăn gói, gồng gánh súng đạn Liên Sô và Trung Cộng rồng rắn nối đuôi nhau vào Thành Phố, bỏ lại sự sợ hãi, nháo nhác và tò mò của người Dân miền Nam lúc bấy giờ, vì lần đầu tiên họ mới thấy VC bằng xương, bằng thịt.
Những người có cơ hội và điều kiện thì vội vàng thu vén ít hành lý ra đi bằng mọi phương tiện, xuống bến Tàu, vào sân bay hay tự túc ra Biển, một số người nhà và bạn bè của các Phi Công Trực Thăng thì bay ra Đệ Thất Hạm Đội.
Quang cảnh náo loạn này ai cũng phải trải qua sau khi VC tiến vào Sài Gòn.

Những người không có cơ hội và điều kiện thì chuẩn bị tinh thần sống chung với lũ, nơm nớp lo sợ không biết rồi đây sẽ ra sao khi phải sống với bọn Quỷ Đỏ uống máu người không tanh.

Đoàn xe Molotova của VC chở hàng hóa từ Nam ra Bắc ngày đêm cả tháng trời ròng rã, mui xe bít bùng không ai nhìn thấy trong đó chở gì, nhưng chắc chắn là đồ đạc của miền Nam chở ra miền Bắc.
Những ngày sau đó chúng vác loa kêu gọi mọi người trình diện từ Lính cho tới Quan, nói chung là Quân Dân Cán Chính VNCH. Học tập trong 3 ngày thì cho từ thượng sĩ nhất trở xuống ra về với cái giấy chứng nhận của Quỷ Ban Quanh Quẩn HCM "Ủy Ban Quân Quản HCM". Người Dân miền Nam được họ tập chính sách của đảng và nhà nước hàng ngày, hàng đêm liên tục mấy năm liền, nói chung đừng "no" để nhà nước "no", cứ yên tâm học tập, một năm 2 thước vải thô với ít nhu yếu phẩm cần thiết là ăn mặc thoải mái, hở áo, lòi... ra cũng chẳng sao.
Những ngày sau đó trấn an mọi người yên tâm, rồi lập mưu bắt các Quân Dân Cán Chính ra trình diện học tập để về làm ăn, nhưng cuối cùng đưa đi các trại cải tạo biền biệt không có ngày về, lớp chết, lớp èo uột thoi thóp, nếu Quốc Tế và Mỹ không can thiệp thì sẽ chết hết cho đến người tù cải tạo cuối cùng, vì đói rét, lao động cực nhọc, khổ sai.
Dân chúng sau đó được tận mắt thấy thiên đường Xã Nghĩa, vì mọi cái đều do nhà Nước quản lý, mọi mặt hàng đều được tập trung vào HTX hay thương nghiệp Quốc Doanh nhà nước để phân phối theo tem phiếu, người Dân có quyền tự do xếp hàng từ sáng sớm cho tới hết ngày để mua nhu yếu phẩm cần thiết theo tiêu chuẩn, như gạo, mắm muối, dầu hôi v.v...
Bao nhiêu nhà cửa, doanh trại, đồ đạc của VNCH để lại chưa vừa ý đám rừng rú Trường Sơn ra thành phố, nên chúng tổ chức đổi tiền VNCH ra tiền của chúng để cướp trắng của người Dân miền Nam bằng cách 500$ VNCH đổi lại được 1 đồng VC, mỗi nhà chỉ đổi được tối đa 10$ VC, còn bao nhiêu mất trắng.
Ác nghiệt hơn nữa chính Đỗ Mười đã tổ chức đánh tư sản, với cái mỹ từ là đánh đổ "Tư Sản Mại Bản", chủ yếu là Cướp trắng của các nhà giàu VNCH còn ở lại trong nước. Nhiều người thất vọng buồn quá đã tự tử.

Chết trong trại tù cải tạo không nói, nhưng chết ngoài biển khơi thì quá nhiều không thể thống kê chính xác. Lớp bị chết vì thiếu nước ngọt, thiếu lương thực vì lênh đênh trên biển, lớp bị Cướp biển giết chết, lớp bị sóng biển đánh chìm tàu thuyền không ai vớt.

Trên đây là tóm tắt viễn cảnh sau ngày Quốc Hận 30/4/1975, ngày mà người miền Nam bị mất nước, ngày mà bọn người rừng rú ra thành thị học làm người sang. Xin ghi lại một ít để tưởng nhớ lại những năm tháng nhục nhằn và lo sợ.
Chúng ta cũng không quên tưởng nhớ những Chiến Sĩ đã chiến đấu dũng cảm can trường trong những ngày cuối, trước khi kết thúc cuộc chiến và những đồng bào đã bỏ mình trên đất liền do súng đạn của giặc Cộng và trên biển cả vì không muốn sống chung với lũ bạo tàn CS. Xin một phút mặc niệm cúi đầu để tưởng nhớ./.
Ngày 04/004/2016