TINH THẦN ĐẤU TRANH BẤT KHUẤT CỦA NGƯỜI VIỆT NAM
“Tay dơ lấy nước rửa, Nước dơ lấy gì để rửa” - Vua Duy Tân (lúc 7 tuổi)
Tâm Thường Định
Việt Nam có chiều dài lịch sử hơn 4000 năm, trong chuỗi thời gian
đó, bài học lịch sử mà chúng ta có thể học và đúc kết được là Tinh Thần
Chiến Đấu Bất Khuất Chống Ngoại Xâm. Từ thời lập nước của Vua Hùng
đến các triều đại Đinh-Lê-Lý-Trần hay lịch sử cận đại. Đất nước Việt
Nam có tự chủ, độc lập và thanh bình là nhờ người dân có tinh thần đấu
tranh bất khuất. Dân giàu nước mạnh là vì sự đồng lòng của mọi tầng
lớp, từ vua chúa đến người nông dân, từ chính quyền cho đến người ngư
dân bám biển để giữ vững bờ cõi. Tất cả người con đất Việt dù ở bất kỳ
nơi đâu cũng đều hướng về và một lòng phụng sự cho quê hương, đất nước.
Qua lịch sử của nước Việt Nam ta, khi người dân làm chủ, độc lập
tư tưởng, khi họ sống biết tha thứ bao dung, sống để cống hiến hết sức
mình là lúc đất nước ta ngày càng giàu mạnh. Truyền thống dân tộc của
người Việt Nam là những gì tốt đẹp và thiện mỹ mà người dân luôn nuôi
nấng qua nhiều thế hệ, trong đó có khát vọng tự chủ, bảo vệ lãnh thổ,
lãnh hải, dân chủ và quyền làm người.
Nhân dân ta đã bao lần đánh đuổi giặc Mông Nguyên, giặc Hán,
giặc Trung Hoa, giặc ngoại xâm không biết bao nhiêu lần vì quyền tự chủ
của dân tộc. Nhìn chung bất cứ một cuộc khởi nghĩa nào, người lính
nào, thời điểm nào cũng có cùng khát vọng và lý tưởng phục vụ cho một
tương lai dân tộc tốt đẹp hơn theo ý thức hệ của riêng mình.
Họ luôn chiến đấu với tinh thần bất khuất và dũng mãnh với tất cả
tấm lòng, xông pha trận mạc trong khả năng có thể của họ, từ thời Bà
Trưng, Bà Triệu đến Ngô Quyền, từ anh Hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ
đến nhà yêu nước Nguyễn Thái Học. Từ những trận mạc cận đại như tự
thủ Gạc Ma, Hoàng Sa vào năm 1974 hay bảo vệ biên giới phía Bắc vào năm
1979—mà Trung Quốc không muốn Việt Nam ngóc đầu sau chiến tranh—người
lính nào cũng chiến đấu anh dũng, kiên cường và hy sinh một cách hiên
ngang cho nghĩa lớn.
Đó là tinh thần Trần Bình Trọng “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không
thèm làm vương đất Bắc” trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông
lần thứ 2. Tinh thần đấu tranh bất khuất đó đi vào xương tuỷ của mỗi
người con Việt, nhất là thế hệ kế thừa. Còn nhớ không nhà Nguyễn đã thất
bại khi mang văn hoá ngoại xâm, luật lệ, phong tục ngoại bang
áp đặt lên muôn dân, nghĩ nho giáo là tốt nhất (ví dụ như tam-tòng
tứ đức) áp đặt và hà khắc chống lại truyền thống tinh hoa dân tộc
Việt Nam, nơi có bao nhiêu anh hùng, anh thư đã đứng lên khởi
nghĩa, tranh đấu bất khuất cho giống nòi. Ngoài những anh hùng dân tộc
như Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần
Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, v.v… Chúng ta
còn có những anh thư như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bà Lạc, Ỷ Lan (Linh
Nhân Hoàng thái hậu, Nữ Tướng Phùng Thị Chính, Đoan-Trang Công-Chúa, Nữ
tướng Bùi Thị Nhạn, Nữ tướng Bùi Thị Xuân, Đỗ Thị Tâm, v.v… Những sắc
thái và tinh hoa nữ tướng đó đã len lõi thấm vào dòng máu của những thế
hệ kế thừa.
Lịch sử cho ta thấy, bất cứ một thể chế nào, dù là phong kiến,
phiến quân, dân chủ, cộng hoà, xã hội chủ nghĩa, độc tài,... thì trong
một thời gian nhất định đều phải thay đổi hay bị đào thải. Triều đại
nào, chính quyền nào cũng muốn có một đất nước thanh-bình, ấm no cho
muôn dân; mong mỏi người dân biết yêu thương và kính phục nhau trong
tinh thần tương quan tương ái. Dân tộc Đức Quốc Xã đã hoà hiệp với nhau,
Nam Bắc đã ‘thống nhất’ trong ôn hoà. Chúng ta vì những nông nổi gì mà
không có được những điều như thế? Tuy nhiên, những gì xảy ra trong tương
lai là tuỳ thuộc vào những lối suy nghĩ, lời nói và hành động trong
hiện tại. Chúng ta có quyền tin tưởng rằng thế giới nói chung hay Việt
Nam nói riêng sẽ tốt đẹp hơn khi…
1. Thể chế độc tài toàn trị không còn hiện hữu trên thế giới
2. Chúng ta xoá bỏ tham-sân-si, hận thù, phục vụ cho tương lai dân tộc tốt đẹp hơn.
3. Chúng ta biết sống cho mình và cho tha nhân, cho cộng đồng và cho niềm tự hào của dân tộc mình.
Đất nước Việt Nam ta, hơn bao giờ hết không còn “Rừng vàng biển
bạc”, không còn “Ở trong thời chiến”, chúng ta đang có hơn 80 triệu dân,
chúng ta đang có những trái tim bất diệt Việt Nam. Triều đại nào,
thể chế nào rồi cũng mai một, cái còn lại là làm sao để chúng ta không
tách rời văn hóa truyền thống tốt đẹp, hợp với lòng dân. Đó là nghĩa cử
của người con Việt, nghĩa lớn đó là đặc thù của dân tộc. Vậy hãy tiếp
tục tinh thần đấu tranh bất khuất của người con Việt đối với giặc ngoại
xâm hay đảng phái bè lũ độc tài Cộng Sản Trung Hoa. Hãy sống với tinh
thần Phan Chu Trinh: “Sống không phải là ký sinh trùng của thế gian,
sống để mưu đồ một công cuộc hữu ích gì cho đồng bào tổ quốc” hay là
“Không thành công thì thành nhân” của Nguyễn Thái Học.
Tham Khảo
1. Nguyễn Hoàng Lãng Du, Bất-Khuất; tải xuống ngày 24 tháng 4, 2015 từhttp://langhue.org/index.php/giao-duc/pham-vat-cua-tran-gian/12062-bat-khuat-pham-vat-cua-tran-gian-nhld-2
2. Nguyễn Xuân Thiên Tường, Quẩy Gánh Non Sông; tải xuống ngày 1 tháng 5, 2015 từ http://phebach.blogspot.com/2015/04/quay-ganh-non-song-co-gai-chan-trau.html
nguồn: https://vietbao.com/a251973/tinh-than-dau-tranh-bat-khuat-cua-nguoi-viet-nam