14/4/16

Đảng không cử, thì dân không bầu!!!

Đại Nghĩa (Danlambao) - Người nào được đảng cử thì dân bầu, hãy yên tâm chờ đắc cử, còn người nào đảng không cử (tự ứng cử) thì hãy ráng chịu trận màn đấu tố do MTTQ và tổ dân phố dàn dựng xong rồi gạt nước mắt ra về như Thạc sĩ Nguyễn Trang Nhung vì bị loại, sẽ không có tên trong danh sách ứng viên, nhân dân sẽ không được bầu.
Phó chủ tịch QH CSVN Nguyễn Văn Yểu đối thoại trực tuyến với bạn đọc báo Điện tử của đảng CS trả lời một số câu hỏi về vấn đề tranh cử ở Việt Nam, thì ông Yểu cho biết: “VN không có chế độ tranh cử”. Ở Việt Nam theo thông lệ thì đảng cử dân bầu, mà đảng cử thì là người của đảng chỉ cử tròn số đại biểu cần nên không có ai rớt cả, vì thế những ứng viên không cần phải tranh cử để rồi bôi bẩn lẫn nhau như ở bên Mỹ. Ông Yểu cho biết: 
“Ở các nước khác có chế độ tranh cử, ở Việt Nam không có tranh cử mà là vận động bầu cử và theo quy định.
Bầu cử khác với tranh cử, ứng cử viên không ai tranh ai, khi thực hiện vận động thì không làm phương hại đến lợi ích chung của các cơ quan, đơn vị khác. Có thể nói tốt về các đại biểu khác hoặc cơ quan khác nhưng ứng cử viên không được nói gì phương hại đến ứng cử viên khác”. (BBC online ngày 2-5-2007)
Theo tác giả Lê Nhung thì:
“Ai trúng, ai trượt là quyền của cử tri”.

“Nhưng ai được ứng cử là quyền của đảng - GS Trần Hữu Dũng. BVN giải thích thêm: Bởi vì ai trúng ai trượt cũng đều là người do đảng lựa chọn, dân có bầu thế nào thì cũng chỉ nằm trong vòng tay êm ái của đảng mà thôi. Thế mới biết Mặt trận đúng là tổ chức của đảng, do đảng và vì…đảng!” (Boxitvn online ngày 23-2-2011)
Trong phiên họp Hiệp thương ngày 22-3-2011 của MTTQ có một vị đại biểu phát biểu gây ấn tượng nhất là Đại biểu Nguyễn Túc chia sẻ:
“Dân gian hay nói câu truyền miệng ‘Đảng chỉ tay, Chính phủ ra tay, Quốc hội giơ tay và Mặt trận vỗ tay”. (DanTri online ngày 22-3-2011)
Tôi xin mách nhỏ, chủ tịch Mặt trận tổ quốc là ông Nguyễn Thiện Nhân, là ủy viên Bộ chính trị của đảng CSVN chính cống, thế thì không vì đảng còn vì ai nữa.
Ở Việt Nam ai cũng biết rằng những ứng cử viên muốn được ghi vào danh sách ứng cử phải qua thủ tục hiệp thương do Mặt trận tổ quốc gạn lọc, với ứng cử viên tự do thì gọi là đấu tố. Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam trả lời đài RFI về vấn đề hiệp thương như sau:
“Ví dụ, trong vấn đề danh sách bầu cử ứng cử, việc hiểu cho đúng nghĩa chữ ‘hiệp thương’ như thế nào, bản thân tôi cũng thấy nó lờ mờ. Bởi vì, như thế là Mặt trận lại áp đặt cái ý chí chủ quan của mình vào cho dân rồi...

Còn nếu không, nếu chỉ do một tổ chức đưa ra một danh sách, rồi dân căn cứ vào đó mà bầu, thì nhiều khi cái chuyện bầu này nó cũng chỉ hình thức và chưa thực sự dân chủ”. (RFI online ngày 1-3-2011)
Trước cuộc bầu cử năm 2011, ông Trung Ngôn đã thấy được mọi việc hiệp thương của MTTQ là không công bình và cũng không dân chủ cho nên ông đã nói lên nguyện vọng của mình là “Mong cuộc bầu cử QH lần này được tiến hành thật sự dân chủ”. Vì ông đã thấy:
“Vấn đề Ủy ban Mặt trận hiệp thương về nhân sự ứng cử đại biểu QH, tuy trong luật có quy định, tôi vẫn ngại có thể phát sinh mất dân chủ. UBMT các cấp không phải do dân bầu mà lại có quyền ‘hiệp thương’ để người này gạt người kia dẫn đến có người tự nhiên mất quyền công dân, mất quyền tự do ứng cử. Có đại biểu khóa trước hay nói thẳng hay chất vấn phê bình, lần này có ứng cử nữa cũng bị gạt đi, người hay phản biện cũng có thể bị gạt tên, vô hình trung ‘Mặt trận’ có quyền cao hơn Hiến pháp và là Mặt trận chọn người hộ cử tri. Không phải cử tri được bầu tự do theo ý mình”. (Boxitvn online ngày 25-2-2011)
Ngoan ngoãn như một đàn cừu, cứ mỗi lần có cuộc bầu cử thì y như rằng, trong ngày bầu cử đảng cho âm binh đi lùa cử tri đến phòng phiếu, đảng đưa phiếu bầu cho ai thì bầu người đó; do vậy mà tỷ lệ người đi bầu rất cao, tỷ lệ người thắng cử rất cao và tỷ lệ dân chủ thế là cùng!
Một nhân vật đầy quyền thế của chế độ đã về hưu, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nói về cái kinh nghiệm của ông về chuyện bầu cử dưới chế độ cộng sản như sau:

“Tôi đã 75 tuổi rồi, đi bầu rất nhiều lần, đã thấy chúng ta bầu QH như thế nào. Đến ngày bầu cử, chúng ta vào phòng bỏ phiếu; chúng ta được xem một danh sách ứng cử viên; chúng ta cũng đọc lý lịch ông này, bà kia; rồi chúng ta chọn... như thế dân chủ quá rồi còn gì nữa. Nhưng thực ra đó cũng chưa phải là dân chủ, ở chỗ cái danh sách đó ở đâu ra? Ai đưa ra? Đó là Mặt trận tổ quốc, là Ban bầu cử. Nhưng danh sách đó ở đâu ra?” (Vietnamnet online ngày 28-1-2011)
Vì đã chán ngấy cái trò bầu cử giả dối gây hao tốn cho ngân quỷ nên có một số người kêu gọi tẩy chay bầu cử và một trong những người kêu gọi tẩy chay bầu cử năm 2011 là Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, một vị lãnh đạo tinh thần tại Huế cho biết quyết định của mình:
“Cộng sản Việt Nam gọi ngày 22 tháng 5 là ngày hội của toàn dân, thực chất đó là ngày ‘ô nhục’ của đất nước, vì đây là cuộc bầu cử giả hiệu, chỉ tạo ra một QH gồm những ‘tôi trung của đảng’, đa số các ứng viên đều là đảng viên, có một số ngoài đảng nhưng được đảng chọn lọc rất kỹ, có cảm tình, dễ vâng lời đảng”. (RFA online ngày 22-5-2011)
Khâu đảng cử dân bầu có khi chưa chắc ăn, đảng cộng sản còn dàn cảnh gian lận trong việc lấy phiếu. Những cán bộ được phân công trông coi thùng phiếu phải sanh sửa thế nào cho ta thắng lớn theo yêu cầu của đảng.
Sau cuộc đấu tố Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện lên tiếng:

“Tôi không công nhận kết quả bỏ phiếu”.

“Và tôi không công nhận kết quả bỏ phiếu đó, bởi vì kết quả bỏ phiếu đó, phiếu không được kiểm công khai, minh bạch và tôi tin rằng không phải là phiếu thật.

Một trong những tiêu chuẩn, yêu cầu công tác kiểm phiếu là phải công khai, nhưng mà cả hai nơi như vậy họ đều đem thùng phiếu vào một phòng kín, đóng của lại và họ kiểm phiếu ở đấy”. (BBC online ngày 10-4-2016)
Dưới đây là sự bộc bạch của một quan chức trong một lần lấy phiếu tín nhiệm ma giáo trong quốc hội:

“... Ông Huỳnh Văn Tý là trưởng Ban kiểm phiếu, thì nói là trong kỳ họp này có 485 đại biểu có mặt. Và trong 485 phiếu ấy thì có một số phiếu, tôi xin nhấn mạnh: một số phiếu trắng. Và có một số phiếu chỉ đánh dấu vào hai cột thôi, chứ không phải ba cột: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Thế thì những phiếu ấy, theo đại biểu Huỳnh Văn Tý, trưởng Ban kiểm phiếu là không hợp lệ.

“Thế nhưng mà tôi tra ra là có những vị như là ông Nguyễn Sinh Hùng hay là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, như là bà Nguyễn Thị Đoan, thì vẫn đủ - cộng ba loại ấy lại thì vẫn đủ”
“Và Giáo sư Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục... của QH đặt dấu hỏi: ‘Như thế không hiểu là số phiếu không hợp lệ nó nằm ở đâu?” (BBC online ngày 20-11-2014)
Việc bầu cử đã do đảng cộng sản đạo diễn từ A đến Z, như vậy có cần tổ chức bầu cử nữa không khi mà chi phí tốn kém cho mỗi lần tổ chức bầu cử lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Cứ mỗi lần tổ chức bầu bán vô bổ ở Việt Nam nghe ra mà nóng lạnh, nghĩ thương cho những người dân lao động phải đóng góp vào việc làm quá phí phạm của bọn đầu tư quyền lực. Chi phí cho cuộc bầu cử QH khóa 14 và HĐND các cấp được “Đề xuất chi 3.600 tỉ đồng cho bầu cử”. 
“Liên quan đến tài chính phục vụ bầu cừ, báo cáo cho biết, đến nay Văn phòng HĐBCQG đã nhận được đầy đủ dự toán kinh phí của 63 địa phương với tổng nhu cầu kinh phí là 3.594 tỉ đồng và 5 cơ quan T.Ư với nhu cầu kinh phí là 32 tỉ đồng”. (Motthegioi online ngày 13-4-2016)
Mở đầu cuộc bầu cử năm nay, báo chí lề đảng đã tung tin rào đón nhằm chụp mũ những người tự ứng cử để “Tạo không khí bầu cử dân chủ, cởi mở” (?)
“Đoàn giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay đã là thủ tướng) Phó chủ tịch thường trực Hội đồng dẫn đầu sáng nay làm việc với TP Hà Nội về kết quả triển khai công tác bầu cử...
Một thành viên trong đoàn giám sát nói: Kỳ bầu cử đại biểu QH và HĐND lần nầy so với năm 2011 phức tạp hơn rất nhiều, đã hình thành một phong trào tự ứng cử. Theo thông tin của tiểu ban an ninh, đứng sau người tự ứng cử có một số tổ chức phản động trong nước và nước ngoài hỗ trợ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động, tranh thủ số phiếu của cử tri”. (Vietnamnet online ngày 15-3-2016)
Mùa bầu cử năm nay, nhân dân Việt Nam lại có dịp trình diễn màn bầu cử cụi, vì hầu như mọi việc đảng cộng sản đã chọn tứ trụ xong, chỉ cần nhân dân ngoan ngoãn đến phòng phiếu là “đúng luật”.
Theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập cho biết trong lần bầu cử Quốc hội năm 2011 luật sư Lê Quốc Quân, luật sư Võ An Đôn,... tự ứng cử bị Mặt trận tổ quốc tổ chức đưa ra nhóm “nhân dân tự phát đấu tố” cho là thành phần bất hảo nên không được Tổ dân phố tín nhiệm, thế là luật sư Quân, luật sư Đôn... “vỡ mộng làm đại biểu”.
“Lần này biện pháp ‘đấu tố’ trên lại đang lăm le được thực thi. Ngay sau hội nghị hiệp thương lần 2 ở Hà Nội, người tự ứng cử đầu tiên và cũng là người phát động phong trào tự ứng cử ở Việt Nam - Tiến sĩ Nguyễn Quang A - đã phát hiện tổ trưởng tổ dân phố nơi ông cư trú đến từng nhà trong tổ phát tài liệu lên án ông. Chiến dịch ‘Quần chúng tự phát’ bắt đầu lên nòng. Nhịp nhàng cùng lúc, giới dư luận viên tung ra những clip bôi nhọ người tự ứng cử trên mạng xã hội”. (VOA online ngày 27-3-2016)
Kết qua sau hội nghị hiệp thương do MTTQ dàn dựng thì Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã chua chát bị loại khỏi danh sách ứng cử, thế là ông phải về chờ thêm 5 năm nữa lại thử thời.
Bình luận về diễn biến xảy ra xung quanh các hội nghị hiệp thương đối với nhiều người tự ứng cử đại biểu QH năm 2016 nhận định như sau:
“Theo Tiến sĩ Quang A, các ứng cử viên tự ứng cử ĐBQH là những người trong nhóm đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền đã bị ‘loại hết ra’ trong các Hội nghị cử tri tại Hà Nội, nơi mà con số người tự ứng cử lên tới 48…
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, nhà nghiên cứu văn hóa chia sẻ:“Qua quan sát tôi thấy tất cả hội nghị cử tri và những ứng viên tham gia như là một cuộc đấu tố man rợ và bỉ ổi của cải cách ruộng đất. Tối hôm qua đã đến hội nghị cử tri của tôi như là đi vào pháp trường với sự thị uy của lực lượng chức năng, công an, rồi công an chìm băng đỏ các thứ nhưng rồi cái kết quả là thứ nhất, những ứng cử viên độc lập đều nếm trải cuộc đấu tố”. (BBC online ngày 10-4-2016)
Tâm sự của Luật sư Võ An Đôn, một thanh niên trí thức giàu nhiệt huyết và hảo tâm, người đã hai lần bị loại khỏi danh sách ứng cử chính thức năm 2011 và lần này. Luật sư Đôn kể:
“Tham dự hội nghị có hơn 100 người, phần lớn là công an, người nhà công an, cán bộ đoàn thể chính quyền địa phương, người lạ mặt ở địa phương khác, dân chúng trong thôn chỉ vài người được mời đến dự…
Điều đáng buồn là chính lãnh đạo Đoàn luật sư được mời đến dự lại đấu tố tôi, cho rằng tôi vừa bị Sở Tư pháp phạt tiền vì không lập sổ tài chính nhưng không khai báo và tôi có tư tưởng không đảm bảo để bầu vào quốc hội”. (BBC online ngày 1-4-2016)
Nhà thơ Bùi Minh Quốc, Phó chủ tịch hội nhà báo độc lập cho hay về trường họp tự ứng cử của ông như sau:
“Họ tiến hành cuộc đấu tố tôi, tôi tuyên bố tôi bỏ về, và sau đó tôi về luôn, thành ra sau đó họ biểu quyết thế nào thì tôi chưa rõ.

Tôi không muốn đứng đấy để nghe người ta đấu tố và chứng kiến một sự biểu quyết theo sự sắp đặt của một cuộc đấu tố như thế”. (BBC online ngày 2-4-2016)
Nhà báo Đoan Trang đưa tin bà Nguyễn Thúy Hạnh, ứng viên ĐBQH độc lập bị “Đóng cửa đấu tố ứng viên, không cho cả... chồng con vào dự”. Dân chủ thế là cùng!
“Ngay cả chồng, con bà Nguyễn Thúy Hạnh cũng không được vào dự phiên đấu tố, chưa nói tới bạn bè, người thân, độc giả và hàng trăm cử tri ủng hộ bà. Đồng thời, phiên đấu tố dự kiến kéo dài hai tiếng song bà Hạnh chỉ được phép nói trong vòng... 5-6 phút (không rõ quy luật nào)!” (Boxitvn online ngày 10-4-2016).
Qua những sự kiện xảy ra như trên cho thấy rằng một tên gia nô đang đánh bóng cho chế độ, hay nói rõ hơn là đánh bóng cho “ngài Tổng bí thư kính mến” bằng bài viết: “TBT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng hậu thuẫn giới đấu tranh dân chủ vào quốc hội”. Nâng bi thế là cùng!
“...điều này là quan trọng hơn cả, đương kim TBT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng hậu thuẫn giới đấu tranh dân chủ ở Việt Nam vào Quốc hội...

Rồi với phát biểu hùng hồn ‘Dân chủ thế là cùng!’ như đã đề cập ở đầu bài viết, chắc chắn TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ không cho phép tàn quân của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay của bất cứ thế lực thù địch Dân chủ nào khác loại bỏ một cách độc đoán, phi hiến pháp những người đấu tranh dân chủ tự ứng cử ĐBQH khỏi danh sách bầu cử chính thức”. (VOA online ngày 27-3-2016)
14.04.2016