16/4/16

Sáng mắt trên lễ đài chiến thắng

Poitiers, Pháp, 28 tháng Tám, 1980
Tháng Tám vừa qua vào cao điểm mùa gió mùa ở Biển Đông, một chiếc thuyền bị rò rỉ nước trôi giạt vào bờ biển Indonesia. 64 người tỵ nạn Việt Nam cả người ướt đẫm, đói, và sợ hãi cố tiến vào bờ.
Sự kiện này lẽ ra hầu như bị lãng quên trong toàn bộ lịch sử đau khổ mà thuyền nhân Việt Nam chịu đựng, ngoại trừ một điều: Trong 64 người sống sót ấy có Trương Như Tảng, nhà cách mạng Việt Nam cao cấp nhất đào thoát sang Phương Tây.
Trong suốt sáu tháng kế tiếp ở trại tỵ nạn trên đảo Anambas, lý lịch của Tảng là người thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và là bộ trưởng tư pháp trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời vẫn còn là một bí mật mà chỉ vợ ông biết. Bí mật ấy vẫn còn giấu kín ngay cả sau khi Tảng được phép định cư ở Pháp, nơi một ủy ban người Việt lo nhà cho ông ở tại Poitiers và việc làm công nhân cho ông ở nhà máy lốp xe Michelin.
Tuy nhiên, vào tháng Sáu, Tảng đã trút bỏ vỏ bọc người tỵ nạn bình thường và thông báo lý lịch ông tại cuộc họp báo Paris.
“Là người đã dành trọn cuộc đời trưởng thành của mình cho sự nghiệp quốc gia Việt Nam,” ông tuyên bố, “tôi phải nói cho quý vị biết rằng công cuộc giải phóng ở Việt Nam đã bị phản bội.”
Để trốn thoát Tảng đã phải trải qua bao giông tố ngoài biển khơi, chạm trán với đội tuần tra an ninh Việt Nam, và thậm chí cả cuộc tấn công của hải tặc. Trải qua tất cả những khó khăn này, ông vẫn mơ về ngày ông có thể công khai nói thật ra những điều ông nghĩ ở Paris, và kêu gọi tất cả những người Việt Nam trong và ngoài nước hãy cùng nhau đấu tranh chống lại chế độ mới.
Cách đây vài tuần, trong cuộc phỏng vấn chứa đựng nhiều thông tin và chi tiết nhất từ trước đến nay, Trương Như Tảng cho phóng viên này biết sự đấu tranh có tổ chức đang bắt đầu thành hình ở Việt Nam. Đó không chỉ là kháng chiến rải rác của các lực lượng cũ, cánh hữu, thân Mỹ mà đã và đang tiếp tục từ năm 1975. Quan trọng hơn là, Tảng nói, nhiều người trước kia thuộc về “lực lượng thứ ba” và ngay cả những đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam bất đồng chính kiến đang tự tổ chức thành những ổ kháng chiến.
Thừa nhận Lê Duẩn (tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) và những người khác trong giới lãnh đạo Hà Nội vẫn kiểm soát chặt chẽ đất nước, Tảng tóm tắt một số nhân tố đang phá hoại sự ổn định của chính quyền của họ. Ông nhắc đến sự thiếu hụt lương thực nghiêm trọng, đàn áp chính trị, mà ông nói “thậm chí còn tệ hơn thời chế độ Thiệu ở Sài Gòn,” thương vong nặng nề trên chiến trường ở Cambodia, Liên Xô không cung cấp viện trợ kinh tế đầy đủ như đã hứa, và sự rạn nứt trong giới lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt về chính sách đối ngoại thân Liên Xô và lập trường thù địch đối với Trung Quốc của Việt Nam.
“Nhân dân Việt Nam không muốn đánh Trung Quốc,” Tảng khẳng định. “Cho dù bao nhiều lần đi nữa Lê Duẩn nói với nhân dân rằng Trung Quốc chịu trách nhiệm về những vấn đề kinh tế của đất nước, nhưng nhân dân thấy rất rõ ràng Hà Nội phải chịu trách nhiệm chuyện ấy.”
Trong ánh sáng lờ mờ trong căn nhà hầu như chẳng bày biện gì ở Poitiers, ông có vẻ như chẳng màng đến cái giá riêng tư ông phải trả để được nói thẳng công khai. Khác với đa số những người tỵ nạn Việt Nam trốn thoát khỏi cảnh đói kém và đàn áp sắc tộc để có cuộc sống tốt hơn ở Phương Tây, ông đã đổi biệt thự sang trọng có người giúp việc, xe hơi riêng, khẩu phần thịt và đường cao hơn bình thường để lấy sự tồn tại nghèo nàn và bấp bênh của một công nhân di dân ở Pháp.
“Tôi không thể im lặng mãi,” ông nói về lý do ông trốn thoát. “Tôi không thể nào đứng nhìn một cách thụ động để thấy mọi thứ mà nhân dân tôi đã đấu tranh suốt 20 năm trời bị hủy diệt.”
Cách đây 20 năm Trương Như Tảng đã quay lưng lại với nền giáo dục từ Sài Gòn giàu có và học vấn đại học từ Paris của mình để gia nhập cách mạng Việt Nam. Ông là một trong 60 người Miền Nam tham gia thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam vào năm 1960.
Chẳng bao lâu sau đó bị tù vì những hoạt động cách mạng, ông thoát khỏi có lẽ cái chết dưới tay nhà cầm quyền Sài Gòn khi ông được trao đổi lấy ba tù binh Mỹ vào năm 1968. Rồi ông biến mất vào những căn cứ bưng biền của Việt Cộng.
Khi chính phủ cách mạnh lâm thời được thành lập vào năm sau, Tảng được bổ nhiệm làm bộ trưởng tư pháp. Mặc dù các đội tìm-và-diệt của Mỹ thường đến gần công sự trong rừng của Tảng trong vòng 100 mét, nhưng trong suốt thời gian chiến tranh ông tập trung thảo ra những kế hoạch để chuẩn bị cho bộ tư pháp hoạt động ở Miền Nam Việt Nam mới sau chiến thắng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời.
Chiến thắng đến, nhưng Tảng không bao giờ có cơ hội thực hiện những kế hoạch của mình. Khi duyệt binh từ lễ đài trong buổi lễ chào mừng chiến thắng ở thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ) vào tháng Năm 1975, ông bị cú sốc lớn đầu tiên: Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam và Chính phủ Lâm thời không nhìn thấy đâu cả. Khi ông hỏi tướng Văn Tiến Dũng (bộ trưởng quốc phòng Việt Nam hiện nay) về lý do tại sao chỉ có cờ Miền Bắc Việt Nam tung bay, tướng này đã trả lời ông một cách khinh thường, “Quân đội đã được thống nhất.”
Giai đoạn kế tiếp là giai đoạn vỡ mộng đối với Tảng. Ông cố gắng tập hợp ban chuyên gia pháp lý cho bộ tư pháp, nhưng những ai mà các cán bộ cộng sản không thích đều lặng lẽ bị đưa đến các trại “cải tạo”. Những người dân thường đòi biết ông, với tư cách bộ trưởng tư pháp, làm được gì cho bạn bè và người thân của họ bị tịch thu tài sản hay cho những người bị buộc phải dọn lên các vùng kinh tế mới.
“Tôi chứng kiến một chế độ độc tài phát-xít đang được xây dựng lên,” Tảng buồn bã nói, “và mặc dù tôi đã tranh cãi, nhưng tôi chẳng thể làm được gì. Các mệnh lệnh đều xuất phát từ Hà Nội, và quân đội và công an mật luôn luôn sẵn sàng ủng hộ họ.”
Vào năm 1976 Việt Nam được thống nhất theo cách ông mô tả là “bạo lực và trả thù.” Hồ Chí Minh thường tuyên bố khi thống nhất đến quá trình thống nhất nên chậm và theo từng bước một. Nhưng vào năm 1976, vấn đề thống nhất bị áp đặt lên Miền Nam, và họ không có cơ hội phản đối điều ấy.
“Lê Duẩn ra sức củng cố quyền lực này rất nhanh chóng,” Tảng tin.“Ông ta không thể nào để Miền Nam phát triển thành nơi cuối cùng phản đối cương quyết các chính sách của ông.”
Trong số 24 thành viên của Chính phủ Lâm thời vào thời điểm hiệp định hòa bình Paris được ký vào năm 1973, chỉ có ba thành viên được trao cho những chức vụ trong chính phủ thống nhất sau năm 1976. Tảng nói ngoại trừ một vài người khác là các viên chức quân đội, còn tất cả những người còn lại của Chính phủ Lâm thời cũ đều sống trong cảnh hoàn toàn ẩn dật và trong lòng họ rất ghê tởm những gì đã diễn ra.
Nhằm cố gắng giữ ông trong đoàn thể, sau thống nhất giới lãnh đạo Hà Nội ban cho ông chức vụ nhỏ trong bộ lương thực. Ông từ chối, không muốn tiếp tục đồng lõa với chính quyền ông chống đối, ông cũng không muốn bị giám sát thường xuyên ở Hà Nội. Khi ông cuối cùng chấp nhận công việc làm giám đốc công ty cao su vào năm 1978, lý do ông làm thế là để tạo vỏ bọc nhằm tổ chức kế hoạch đào thoát.
Trong sáu tháng ở trại tỵ nạn ông có nhiều thời gian suy nghĩ về chuyện tại sao cách mạng Việt Nam không thành công. Bây giờ ông tố cáo giới lãnh đạo hiện nay đã từ bỏ định hướng về thống nhất dân tộc và phi liên kết quốc tế được Hồ Chí Minh đề ra. Từ ngữ mị dân Mác-xít, ông nói, chỉ là ngôn ngữ áp bức mới ở Việt Nam.
“Ở Việt Nam hiện nay không có chuyên chính vô sản,” ông nói. “Chỉ có điều mà chúng tôi gọi bằng tiếng Việt là ‘gia đình trị’-tức độc tài của các dòng họ. Trong trường hợp này đó là các gia đình của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ (trưởng ban tổ chức Đảng) kiểm soát tất cả mọi thứ.”
Để chứng minh điều này là đúng, Tảng kể ra danh sách gồm các con trai, anh em, anh em vợ của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đang giữ những chức vụ chủ chốt từ đứng đầu công an mật tới bí thư chính ủy lực lượng không quân.
Tiếng Pháp rất giỏi của ông hay cách nói năng nhẹ nhàng của ông vẫn không có thể che giấu sự cay đắng trong giọng nói khi Tảng nói. Nhưng bất chấp những từng trải của mình, lý tưởng của ông vẫn còn nguyên vẹn. Ông nhất định không từ bỏ giấc mơ của mình về xã hội công bằng và dân chủ ở Việt Nam.
Mặc dù ông ban đầu dự định hoạt động chính trị từ từ trong lúc ông thích nghi với cuộc sống mới ở Paris, nhưng bây giờ ông thấy mình thường xuyên đến Paris để tham gia vào các nỗ lực nhằm củng cố phong trào kháng chiến Việt Nam và để hình thành cầu nối với các lực lượng kháng chiến Lào và Cambodia. Ông đã tiếp xúc với bạn học cũ vào thời trung học - hoàng thân Norodom Sihanouk, cựu quốc trưởng Cambodia - và hai người đã trao đổi những lời hứa đoàn kết.
Tảng không mất đi sự mỉa mai khi ông nói về mặt trận chung của nhân dân Việt Nam, Cambodia, và Lào chống lại những kẻ mà ông gọi là “kẻ thù chung”: giới lãnh đạo Hà Nội và những kẻ ủng hộ Liên Xô của họ. Ông ý thức rằng điều ông đang đề xuất thể hiện sự bắt đầu lại từ đầu hội nghị thượng đỉnh của nhân dân Đông Dương vào năm 1970, nơi các nhà lãnh đạo Mặt trận Giải phóng Dân tộc Miền Nam Việt Nam, Miền Bắc Việt Nam, Cambodia, và Lào đã gặp nhau ở Trung Quốc để thành lập liên minh chung chống lại Hoa Kỳ và chế độ Sài Gòn.
Trên đất Pháp ngoại quốc, Trương Như Tảng lại bắt đầu lại từ đầu, làm những gì ông đã làm cách đây 20 năm ở Sài Gòn - đặt nền tảng cho cuộc cách mạng Việt Nam.
Nguồn:
Dịch từ báo Christian Science Monitor số ra ngày 28/8/1980. Tựa đề của người dịch. Tựa đề tiếng Anh là “A revolution who fled the revolution”.
Bản tiếng Việt: