Trần Quốc Việt (Danlambao)
- Sống dưới chế độ toàn trị đối với đại đa số mọi người là chọn thỏa
hiệp và im lặng. Thỏa hiệp và im lặng cho bản thân và cho gia đình từ
ngày này sang ngày khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cuối đường dài
thỏa hiệp bất tận ấy là cá nhân được tồn tại ngày càng mong manh giữa
môi trường sống tinh thần, văn minh và tự nhiên ngày càng nhiễm độc và
lụi tàn.
Thỏa hiệp và im lặng ấy đồng nghĩa với chờ đợi ngày mai tươi sáng mà
không bao giờ đến khi đa số chọn đứng bên lề, với ảo vọng mà ta cứ tưởng
là hy vọng về sự tất yếu của lịch sử rằng rồi cuối cùng thiện thắng ác
và ánh sáng thắng bóng tối.
Đại đa số ấy chính là chúng ta- những kẻ đứng bên lề cuộc đấu tranh tập
thể và sự lên tiếng tập thể trước bao cái ác rành rành của bạo quyền.
Vì sự thỏa hiệp và im lặng ấy lịch sử Việt Nam từ hậu bán thế kỷ hai
mươi đến nay là những núi xương sông máu trải dài trên khắp nước từ cải
cách ruộng đất đến cuộc nội chiến với hàng triệu người chết đến bao tội
ác cộng sản thời hậu chiến. Dưới ánh sáng của lương tâm và đạo lý muôn
đời những kẻ gây ra tội ác ấy được coi như là đã chết trước khi họ thật
sự chết. Nhưng những kẻ chọn thỏa hiệp và im lặng trước tội ác của họ
phải chịu trách nhiệm trước lương tâm mình và trước những thế hệ sau.
Vì, xét cho cùng, qua thỏa hiệp và im lặng trước cái ác, chúng ta hạ
mình xuống như là những đồng phạm ngang hàng với những kẻ thủ ác.
Nhà văn-triết gia Mỹ Ayn Rand khẳng định như sau về sự thỏa hiệp và đạo đức:
“Không thể nào có thỏa hiệp về những nguyên tắc đạo đức. "Trong bất
kỳ thỏa hiệp nào giữa thực phẩm và thuốc độc, chỉ cái chết có thể thắng.
Trong bất kỳ thỏa hiệp nào giữa thiện và ác, chỉ cái ác có thể có lợi.”
(Atlas Shrugged.) Lần sau nếu ta muốn hỏi: “Phải chăng cuộc sống không
cần thỏa hiệp?” thì hãy chuyển câu hỏi ấy sang câu hỏi khác mang ý nghĩa
thật sự: “Phải chăng cuộc sống cần từ bỏ điều đúng và thiện cho điều
giả dối và ác?" Câu trả lời là rằng đấy chính là điều cuộc sống cấm- nếu
ta hoàn toàn không muốn đạt đến những năm dài tra tấn trong sự tự hủy
diệt từ từ."
Chúng ta không thể đứng bên lề và im lặng mãi trước cái ác trước mặt
mình. Lòng nhân ái và lương tâm thúc giục chúng ta phải lên tiếng dù kết
quả có được hay không. Vì thế, ngày chủ nhật này chúng ta hãy xuống
đường không chỉ vì hàng trăm ngàn con cá đáng thương bị giết chết hay vì
hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng sinh kế vì thảm họa môi trường ngày
đang lan rộng hay để giữ gìn biển cả cho mình và thế hệ sau mà còn chính
vì để cứu lương tâm thiên phú đã bị hoen ố ít nhiều của chúng ta.