Ngồi buồn gãi háng, dái lăn tăn… - Trần Văn Hương
S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến (Danlambao)
- Tác giả câu thơ thượng dẫn là một chính khách rất tài tử, và vô
cùng mờ nhạt. Không mấy ai nhớ rằng ông đã từng giữ những chức vụ như
Thủ Tướng, Phó Tổng Thống, và Tổng Thống trong thời Đệ II Cộng Hòa – ở
miền Nam Việt Nam.
Dân chúng ở miền đất này thường chỉ nhớ đến Trần Văn Hương như một người
lập dị. Ổng hay đi làm bằng xe đạp, trong thời gian là Đô Trưởng Sài
Gòn, và thỉnh thoảng lại sáng tác ra những câu thơ (hơi) kỳ cục:
Ngồi buồn gãi háng, dái lăn tăn…
Ông Trần Văn Hương
Ở miền Bắc phần lớn quí vị chính khách đều hành nghề cách mạng một cách
bền bỉ, liên lỉ và chuyên nghiệp hơn nhiều. Họ cũng sính chuyện thơ văn
hơn, và cách họ làm thơ (hoặc viết văn) cũng gây lôi thôi phiền phức
nhiều hơn – cho cả đống người!
Khi ngồi buồn, họ không gãi háng. Lúc rảnh rỗi, họ cũng không chịu viết
văn hay làm thơ chỉ để đọc chơi thôi. Văn thơ của họ khiến cho cả nước
phải bận lòng, và không ít người phải bỏ mẹ, hay bỏ mạng! Xin đơn cử một
thí dụ, một câu thơ nổi tiếng hơn, của một chính khách tăm tiếng (và
tai tiếng) hơn nhiều:
Bỗng nghe vần thắng vút lên cao…
Nói theo ngôn ngữ của binh pháp thì tác giả câu thơ vừa dẫn, ông Hồ Chí
Minh, là một người cư an tư nguy. Ông Trần Văn Hương thì ngược lại. Ổng
cư nguy tư an. Nói cách khác, và nói theo kiểu miền Nam, là thằng chả lè
phè hết biết luôn!
Nghiêm túc, khẩn trương, hiếu chiến và hiếu thắng… không phải là
quan niệm sống riêng của ông Hồ. Thi đua lập chiến công dâng Đảng, đánh
cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào, một người làm việc bằng hai, nghiêng đồng
cho nước chẩy ra ngoài… là chỉ thị của “trên” đưa xuống và nửa nước
bắt buộc phải (triệt để) tuân hành.
Lè phè cũng không phải là thái độ sống chỉ có nơi ông Trần Văn Hương. Đó
là cung cách chung của hầu hết người dân miền Nam. Sự khác biệt giữa
ông Trần Văn Hương và dân chúng, có chăng, chỉ là mức độ.
Không mấy người dân miền Nam, lúc buồn, chịu ngồi gãi háng (suông) như
ông Tổng Thống. Họ thường vừa gãi háng vừa nhậu lai rai (vài xị) cho
vui – nếu là đàn ông. Họ đánh tứ sắc, đi coi cải lương, hoặc đi cầm đồ
để mua sầu riêng ăn chơi cho đỡ ghiền – nếu là đàn bà, ở đô thị. Và họ
đi Hồng Kông hay Nhựt Bổn để mua đồ lót và son phấn, nếu là bà lớn.
Họ đi buôn lậu (không chừng) nếu là ông lớn. Và cả đám đều hân hoan
chơi tạt lon, thả diều, đá banh, đá bóng, đá dế, đá cầu, đá kiện, đá cá
lia thia hay lắc bầu cua cá cọp – nếu là con nít nhỏ, ở thành phố.
Chuyện đánh đấm là “chuyện riêng” của một giới người, tụi lính. Hứng
chịu bom đạn, tai ương của chiến tranh là nỗi bất hạnh riêng của một số
người khác nữa – đám nông dân.
Những chiến dịch hay phong trào hoàn thành kế hoạch nhỏ, nhi đồng cứu
quốc, thay trời làm mưa, quyết tâm thu hoạch vượt chỉ tiêu vụ này vụ nọ…
nếu phát động ở miền Nam (e) sẽ không có người tham gia, và tác giả của
chúng – chắc chắn – sẽ bị dân chúng cũng như báo chí chửi cho… tắt bếp!
Chuyện Nam – Bắc đánh nhau kết thúc ra sao, vào ngày 30 tháng tư năm 1975, mọi người đều rõ. Viết thêm nửa chữ cũng thừa.
Cuộc chiến tàn. Theo sự hứa hẹn của quí vị lãnh tụ (của phe thắng trận)
thì từ đây ta sẽ xây dựng đất nước gấp mười lần hơn, ta cũng sẽ đi tắt
đón đầu nhân loại, và ta sẽ chuyển đổi từ ăn no mặc ấm qua ăn sang mặc
đẹp…
Chuyện dân Việt ăn mặc (sang trọng và đẹp đẽ) ra sao để từ từ rồi tính
tới nhưng riêng về cách họ dùng lon, thay gáo, uống nước thì ngó bộ quá
tốn công và rất…cầu kỳ – theo như ghi nhận của nhà văn Bùi Ngọc Tấn:
“Lần về phép này Bá có thêm một thứ quà đặc biệt văn minh khác: Những
vỏ đồ hộp nước giải khát các loại. Các mầu xanh, đỏ, hồng, da cam,
vàng, lon Heineken, lon Coca Cola, Pepsi Cola, những lon Tiger,
San-Miguel, những lon nước ngọt đã uống cạn mà trong những lần xuống tầu
đi nước ngoài anh lượm được cho vào túi ni lông mang về…
Anh Vận chọn ra những vỏ đẹp nhất, mỗi loại một chiếc, không móp,
không méo, đem ra giếng súc rửa sạch rồi bầy vào tủ. Và nhặt bốn vỏ lon
khác, mỗi chiếc một mầu bảo lũ trẻ con mài trên nền xi măng trong nhà.
Mấy đứa trẻ lao vào mài theo đúng hướng dẫn của anh. Tiếng sào sạo sạo
sạo ghê người. Chẳng mấy chốc, cái nắp hộp rời ra. Anh xếp bốn chiếc vỏ
hộp lên bàn, nở nụ cười mãn nguyện:
– Làm cốc uống nước…
Những chiếc vỏ hộp trên bàn, trong tủ, những dấu vết ấy của văn minh
làm nhà anh cứ sáng trưng lên, khác hẳn mọi nhà chung quanh. Nhà anh đã
có hơi hướm của một thế giới khác, một thời đại khác khi các nhà chung
quanh vẫn còn đang triền miên thời làm nương, thời lúa nước.
Và đến khi lũ trẻ được thoải mái chơi nghịch những vỏ lon còn lại mới thật tưng bừng. Đúng là một ngày hội…” (Bùi Ngọc Tấn. Biển Và Chim Bói Cá. Hội Nhà Văn. Hà Nội: 2008, 436 – 437).
Điều kiện sống, cũng như niềm vui “tưng bừng” trong “ngày hội” của dân
Việt, như vừa được mô tả – dường như – có làm cho một số người cảm thấy
bất an, hoặc không được hài lòng cho lắm. Tác phẩm Biển Và Chim Bói Cá
(trong một buổi hội thảo, do công ty Nhã Nam tổ chức, vào ngày 20 tháng 3
năm 2009) đã được “bình” và “phê” như sau:
“…chi tiết rất quan trọng trong tiểu thuyết. Nhưng đưa quá nhiều chi
tiết mà chưa được tổ chức một cách chặt chẽ như Bùi Ngọc Tấn, theo anh
không hẳn đã là một thành công. Thanh Sơn cũng nhấn mạnh, sự ngồn ngộn
của chi tiết khiến độc giả rất khó đọc, rất mệt để đọc đến những dòng
cuối cùng.”
Có lẽ, người ta chỉ cảm thấy bớt mệt (và thở phào nhẹ nhõm) khi Hà Linh –
người viết bài tường thuật thượng dẫn – cho biết thêm rằng “Biển và chim bói cá lấy bối cảnh thời bao cấp.” Thiệt là mừng hết lớn.
Đó là một thời đã qua rồi!
Lịch sử đã sang trang. Chuyện cầu cạnh, bon chen, cậy cục, vay mượn,
chạy chọt cho có cơ hội được bước xuống tầu viễn dương – làm một chuyến
viễn du, hay nói một cách lịch sự và lịch sử là Đông Du – đi
đến những chân trời xa lạ (để mang về những cái chai và lon.. rỗng)
không còn phải là đặc quyền của riêng một giới người nào nữa.
Hai mươi năm sau, kể từ lúc “Đảng dũng cảm và quyết tâm đổi mới,” vào năm 2006, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng còn lớn tiếng hô hào toàn dân “hãy bước ra biển lớn.”
Mệnh lệnh của ông đã khiến cho dư luận (hết sức) xôn xao và (vô cùng)
phấn khích – trong một thời gian rất dài – qua diễn đàn Vươn Ra Biển
Lớn, trên Tuổi Trẻ Online.
Nhiều năm sau nữa, sau khi thuyền (đã) ra cửa biển, cuộc sống – xem
chừng – cũng không khác trước là bao. Hãy thử đọc một đoạn văn khác, của
một ngòi viết khác, về sinh hoạt của một vùng đất khác – ở Việt Nam –
bây giờ:
“Cả bản xôn xao khi thấy người lạ xuất hiện. Đám trẻ con hầu hết
không quần áo, hoặc trên mình chỉ mang một trong hai thứ, mặt mày chúng
trông bẩn thỉu, lem luốc và chi chít vết ruồi vàng bọ chó cắn.
Tôi hỏi thăm đường đến nhà mấy giáo viên cắm bản, nhưng chẳng có ai
biết nói tiếng Kinh cả. Nhìn về phía cuối bản, tôi bỗng thấy một lá cờ
đỏ bay phấp phới, đoán rằng đấy chắc là khu vực lớp học, tôi lại nặng nề
lê bước về phía đó. Mấy thầy cô giáo thấy tôi xuất hiện, họ không khỏi
ngỡ ngàng. Với họ, sự xuất hiện của người Kinh ở bản biên giới này hình
như hiếm lắm…
Có lẽ cuộc sống người dân tộc La Hủ ở Pa Ủ cũng đơn giản như chính
những ngôi nhà mái tranh vách phên của họ. Đơn giản đến lo ngại như
những liếp phên cứ rung lên bần bật bởi gió rừng. Ở những túp lều bé nhỏ
đến chật chội vì quá đông người đó, mỗi nơi lại có một câu chuyện về
hoàn cảnh và những số phận con người. Cuộc sống của mỗi gia đình ngày
hai bữa sáng, tối phải lót dạ một cách dè dặt với canh sắn, ngô đồ, còn
măng và rau sắn thì dường như ngự trị bữa ăn…, để có một nồi cơm độn sắn
cũng hết sức khó khăn! (“Thương Lắm Những Búp Non Ở Trên Cành”) Mạnh Hà, phóng viên TTXVN tại Lai Châu).
Ảnh: Báo Lai Châu
Thôi chết mẹ! Vậy là khi tầu hạ thủy – vì lu bu nhiều chuyện quá – Đảng
và Nhà Nước đã quên (hú) những người dân ở miền sâu, miền xa, miền rừng
núi rồi. Đúng không?
– Thưa không! Cả đống còn đang đứng (lóng ngóng) trên bờ, chớ đâu có riêng chi mấy đám dân bản địa.
Trong một cuộc chất vấn dành cho những đại biểu quốc hội, Bộ Trưởng Nông
Nghiệp Cao Đức Phát cho biết ở thôn quê “vẫn còn hàng trăm nghìn đồng
bào chỉ được ăn cơm khi ngày lễ, ngày tết, khi bị ốm!”
Như vậy là đám nông dân, ở miền xuôi, cũng bị bỏ lại luôn sao?
– Chắc bi họ đông quá nên mang theo (e) quá tải chăng?
– Thế còn đám công nhân?
Xin đọc qua đôi dòng tường thuật của ký giả Nguyễn Bay:
Một ngọn đèn dầu, cái giỏ nhựa đựng đồ nghề đấm bóp, giác hơi, chiếu
cói, gối hoa trải sẵn hoặc chỉ là một tấm áo mưa. Thợ giác hơi quanh KCN
Tân Tạo đa số là nữ với các ‘chiếu’ trên vỉa hè, ven đường, thậm chí
chỉ một mô đất giữa ruộng; hoạt động từ 18g30 đến 3-4 giờ sáng...
Gần một năm nay, các "chiếu" giác hơi ngày một dài thêm hàng cây số
(đường đi Long An, An Sương). Lúp xúp trong bụi cây, bờ cỏ, chúng tôi
nhận ra nhiều thợ vốn là công nhân... Những khi tan ca, họ lẫn vào dòng
thợ ‘chào hàng’... Tiền công 10.000 - 15.000 đồng/lần, bằng nửa ngày
công... làm thợ.
Dẫy chiếu “ngày một dài thêm” vì vật giá mỗi lúc một tăng mà đồng lương
thì không. Lương bổng công nhân Việt Nam không thể nâng cao hơn vì những
người lãnh đạo ở xứ sở này đã lựa chọn một … quốc sách thấp – theo lời ông Hồ Xuân Lâm, trưởng phòng quản lý lao động các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM:
"Chúng tôi đã có cuộc họp với Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan và tư
vấn cho họ hãy trả lương cao hơn để tránh đình công. Họ nói là rất muốn
trả cao hơn nhưng không thể vì quy định lương của Chính phủ Việt Nam quá
thấp, các đối tác nước ngoài dựa vào đó kềm giá đơn hàng nên có muốn
cũng không thể tăng hơn được."
Nói tóm lại – và vẫn nói theo kiểu miền Nam – là thuyền đã ra cửa biển…
mình ên! Nhắc đến miền Nam, tôi lại chợt nhớ đến những chuyến tầu (bay)
vội vã rời khỏi Sài Gòn – vào tháng Tư, bốn muơi năm trước – năm 1975.
Trên một số những con tầu này chỉ có qúi ông qúi bà tai to mặt lớn
(cùng với của cải, thân nhân và gia nhân của họ) mà thôi.
Bây giờ, sau khi bước ra biển lớn, kiểm điểm lại cũng chỉ thấy dưới
thuyền không có ai khác – ngoài những kẻ cầm quyền, cùng với hành lý,
thân nhân và gia nhân của họ. Thuyền đi càng xa, khoảng cách giàu nghèo
(rõ ràng) càng rộng. Ông bạn Lê Diễn Đức gọi đó là sự đểu cáng thời vươn
ra biển lớn.
Phải đốt cả dẫy Trường Sơn, phải hy sinh đến cái lai quần, và hàng chục
triệu mạng người – thuộc mấy thế hệ kế tiếp nhau – chỉ để đổi lấy sự đểu
cáng như thế thì (đ… mẹ) không chửi thề sao được chớ.