21/4/16

Tâm tình của một người Việt Nam tại Hải ngoại về những gì xảy ra sau biến cố 30.04.1975

Paulus Lê Sơn (Danlambao) -  Sau 41 năm kể từ ngày 30.04.1975, cái ngày mà Cộng sản Bắc Việt đã có mặt tại Miền Nam Việt Nam một cách hoàn toàn và được gọi là thống nhất đất nước. Nhưng với hàng triệu dân Miền Nam sống trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) thì coi ngày đó là thảm họa, và họ gọi là tháng 4 đen.
Vậy sau 41 năm được gọi là thống nhất đất nước thì hàng triệu người dân miền Nam Việt Nam đã ra sao? Họ đã chịu những đau khổ và mất mát như thế nào? Vì sao họ phải liều mình nơi biển cả để vượt biên đi nước ngoài?
Họ ra nước ngoài thì điều gì xảy đến với họ nơi xứ người? tại sao họ không thể sống trong một đất nước được gọi là thống nhất? Dù xa quê hương nhưng họ đã, đang làm gì để xây dựng cho đất nước? Ý nghĩa ngày 30.04 đối với họ như thế nào?
Xin mời quí vị theo dõi cuộc phỏng vấn của Paulus Lê Sơn Pv GNsP với bà Vũ Thị Kiều Hạnh, một người đang định cư tại Đức. Tất cả suy nghĩ và cách diễn đạt là thể hiện chính kiến của cá nhân bà Hạnh.
Paulus Lê Sơn: Thưa bà, xin bà giới thiệu đôi chút về bản thân mình?
Bà Vũ Thị Kiều Hạnh: Tôi tên Vũ Thị Kiều Hạnh, năm nay 54 tuổi, hiện đang sống tại Friedrich Ebert St. 2 25421 Pinneberg, Germany.
Paulus Lê Sơn: Xin bà cho biết bà và gia đình ra nước ngoài từ khi nào và điều gì xảy ra khi bà quyết định rời xa quê hương?
Bà Vũ Thị Kiều Hạnh: Năm 1980 tôi sinh sống tại Vũng Tầu, và tôi đã cùng với anh chị em trong gia đình vượt biển để đi tìm tự do. Bố Mẹ tôi là người Bắc di cư vào miền Nam, nên hiểu rất rõ chế độ cộng sản vô thần.
May mắn cho chị em chúng tôi đã được con tàu Cap Anamur cứu vớt trên biển và định cư tại Đức. Nếu không có con tàu nhận đạo của Đức thì chị em tôi và các cháu đã chịu đói khát trên biển trước khi chết.
Paulus Lê Sơn: Sau biến cố 30.04.1975 thì bà chứng kiến cuộc sống của người dân Miền Nam cũng như bản thân bà và gia đình như thế nào?
Bà Vũ Thị Kiều Hạnh: Ngày 30.04.1975 miền Nam đã bị cộng sản vô thần thống trị, những người cộng sản đã giam tù quân dân cán chính làm việc cho chính phủ VNCH. Cộng sản đưa ra những chính sách quái đản, ví dụ như Đổi tiền, tem phiếu v.v...
Bố Mẹ tôi là người đạo Công Giáo, 2 ông bà biết cộng sản sẽ trù dập người Công Giáo và những người mà họ không ưa rất tàn ác như qua Cải Cách Ruộng Đất ở Miền Bắc hồi thập niên 50s, nên khuyến khích con cháu tìm đường trốn chạy đi tìm tự do.
Trong gia đình cũng bị 1 người anh chết mất xác trên biển, không biết xác anh nay ở nơi nào?.
Paulus Lê Sơn: Thưa bà, sống tại Đức bà và thân nhân gia đình đã và đang làm những việc gì để xây dựng quê hương Việt Nam?
Bà Vũ Thị Kiều Hạnh: Tôi đã làm việc tại Đức và tham gia những sinh hoạt của Cộng Đồng Người Việt tị nạn cộng sản tại Đức, biểu tình phản đối những phái đoàn của lãnh đạo nhà nước cộng sản Việt Nam đến Đức ăn xin viện trợ.
Biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược, ngày Quốc tế nhân quyền đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản phải trả tự do cho những Tù nhân lương tâm, tham gia các buổi cầu nguyện cho tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Xin chữ ký tại nhiều nhà thờ, lên tiếng với những người bạn Đức để họ quan tâm nhiều hơn nữa về tình trạng vi phạm Nhân Quyền tồi tệ tại Việt Nam.
Cùng với bà con Hải Ngoại đã tổ chức những buổi bán thức ăn gây quỹ cho những nhà Đấu Tranh cho Dân Chủ tại Việt Nam.
Paulus Lê Sơn: Bà nghĩ gì về ngày 30.04.1975và việc hòa hợp hòa giải dân tộc, thưa bà?
Bà Vũ Thị Kiều Hạnh: Đối với tôi ngày thống nhất đất nước mang lại một đại nạn cho cả Dân Tộc Việt Nam, cả nước bị sống dưới chế độ độc tài cộng sản, tự do tôn giáo bị bách hại, cả nước sống trong lầm than khốn khổ.
Hòa hợp dân tộc chỉ khi nào nhà cầm quyền cộng sản thả những TNLT, bầu cử tự do, tôn trọng những người bất đồng chính kiến. Ngày 30.04 tưởng niệm những nạn nhân đã chết, chứ không thể là ngày ăn mừng chiến thắng được.
Paulus Lê Sơn: Xin chân thành cám ơn bà đã cho GNsP cuộc phỏng vấn này.
Vũ Thị Kiều Hạnh lên tiếng cho Tù Nhân Lương Tâm đang bị cầm tù.