26/4/16

Biến cố 30-4-1975: Nhớ lại và suy ngẫm

Ông Nguyễn Gia Kiểng trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành
Trần Quang Thành (Danlambao) - Lời giới thiệu: Biến cố 30/4/1975 xảy ra cách đây 41 năm. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, biến cố đó vẫn để lại nhiều nhận thức, nhiều thái độ, nhiều cách đánh giá khác nhau. Người Việt Nam vẫn chưa đạt tới đồng thuận về ý nghĩa của biến cố lịch sử này.
Chúng ta còn nhớ cách đây một năm vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày 30/4/1975 thủ tướng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng còn tung hô ngày 30/4/1975 như một ngày chiến thắng huy hoàng của "toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam" và hô to khẩu hiệu "đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào". Ông Nguyễn Tấn Dũng đã bị ngay một số đảng viên cộng sản kỳ cựu phê phán là lạc điệu.
Kỷ niệm 41 năm biến cố 30/4/1975, từ Paris ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, một nhân chứng của biến cố đó và cũng là người đã viết nhiều bài gây chú ý về biến cố lịch sử này đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Quang Thành. 
Nội dung như sau - Mời quí vị cùng theo dõi. Trần Quang Thành: Xin chào ông Nguyễn Gia Kiểng
Nguyễn Gia Kiểng: Chào ông Trần Quang Thành.
TQT: Biến cố 30/4/1975 diễn ra đến nay đã được 41 năm. 41 năm qua cộng sản đã đặt ách thống trị lên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam sau khi đã xâm chiếm được Việt Nam Cộng Hòa. 

Ngày đó ông Nguyễn Gia Kiểng mới ở tuổi ngoài 30. Ông từng làm phụ tá tổng trưởng kinh tế tức là chức thứ trưởng. 

Ngày 30/4/1975 đó ông quan sát thấy điều gì, cảm nghĩ ra sao và hiện nay trong đầu óc ông còn điều gì đáng suy tư thưa ông?
NGK: Những ngày trước và sau 30/4, nhất là ngày 30/4/1975, phải nói là những kỷ niệm "sống để bụng, chết mang theo". Đó là những ngày cực kỳ đen tối mà không một ngôn từ nào có thể diễn tả nổi. Lúc đó chúng tôi bồn chồn, hốt hoảng, thất vọng, tuyệt vọng. Mỗi một ngày thêm một tin khủng khiếp sau khi Buôn Mê Thuột bị thất thủ vào tay quân cộng sản, nhất là sau cuộc tháo chạy hỗn loạn của quân và dân miền Nam trên quốc lộ 7B; sau đó là Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang… lần lượt theo nhau rơi vào tay quân đội cộng sản hầu như không có một sự kháng cự nào, bởi vì quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã rã hàng và không còn sức kháng cự nữa. Ở miền Nam nói chung và nhất là ở Sài Gòn những người có khả năng, có phương tiện thì tìm cách chạy trốn ra nước ngoài. Cả nước sống trong một không khí tháo chạy hỗn loạn. Không có ngôn ngữ nào có thể tả được. 
Cũng như nhiều anh em khác, tôi không ngủ được trong hơn một tháng. Khi nào mệt quá thì thiếp đi, rồi lại thức dậy và bồn chồn, lo lắng. Ngày 30/4/1975 Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Quân cộng sản tràn vào Sài Gòn trong những tiếng reo hò vui mừng cộng với những tiếng súng chào mừng chiến thắng. Phải nói rằng lúc đó sự hân hoan của họ chỉ có thể so sánh được với sự buồn tủi của anh em chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều không biết những gì sẽ xảy ra cho mình trong những ngày sắp tới. Bởi vì không nên quên rằng trước đó hai tuần lễ, chiến thắng của quân Khơ-me Đỏ tại Campuchia đã khởi đầu cho một cuộc tàn sát rất dã man các viên chức của chế độ cũ. Riêng cá nhân tôi còn có một lý do đặc biệt để lo sợ hơn người khác bởi vì khi còn ở Paris, trước khi trở về Việt Nam, tôi là một người lãnh đạo phong trào chống cộng tại Pháp và Âu châu; tôi đã từng tranh luận với nhiều người cộng sản, kể cả những người sau này trở thành những viên chức cao cấp của chế độ. Nhưng có một điều rất là lạ sau 30/4/1975 tôi thấy mình ngủ được. Tôi thấy mình bình tĩnh trở lại. Có lẽ vì nghĩ rằng đã mất tất cả rồi, không còn gì để mất nữa, cái gì đến cứ đến. Tôi tự nghĩ mình đã làm tất cả những gì mình có thể làm và cũng không làm điều gì sai trái, không có gì để tự trách mình cả. 
Kỷ niệm sinh động nhất mà tôi còn nhớ rất rõ là vào sáng ngày 30/4/1975, lúc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi đã lấy lá cờ vàng ba sọc đỏ úp vào mặt khóc rất lâu. Tôi không khóc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa mà tôi chưa bao giờ đánh giá cao. Tôi đã chỉ muốn dựa vào nó để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản mà tôi cho là rất độc hại cho dân tộc Việt Nam, để rồi sau đó xây dựng một nước Việt Nam khác. Thế nhưng vào ngày 30/4/1975 tôi thấy hy vọng đó đã hoàn toàn tiêu tan. Tôi khóc cho lý tưởng của đời mình. Tôi cũng khóc cho đất nước Việt Nam vì tôi ý thức rất rõ ràng vào lúc đó rằng đất nước Việt Nam bắt đầu đi vào một thảm kịch rất lớn.
Hôm nay nhân dịp nhắc lại những kỷ niệm của ngày 30/4, tôi cũng xin nói lên một điều mà một cách kỳ lạ chưa thấy người Việt Nam nào nói đến. Đó là chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong thất bại thê thảm của nó cũng đã làm được một điều rất phi thường. Lúc đó tôi đang là chủ tịch ủy ban vật giá và tiếp tế ở bộ kinh tế. Anh em chúng tôi đã cố gắng hết sức giữ cho vật giá được ổn định và chúng tôi đã thành công. Cho đến ngày 30/4/1975 sinh hoạt kinh tế vẫn gần như bình thường, vật giá vẫn ổn định. Có thể nói đây là một điều chưa từng có trong lịch sử thế giới. Bởi vì nếu chúng ta nhìn các chế độ sắp sửa bị đánh gục vì chiến tranh trên thế giới, thì luôn luôn trước đó vật giá tăng lên gấp trăm lần, thậm chí gấp ngàn lần. Thế nhưng đồng tiền Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn ổn định, ổn định đến nỗi chế độ cộng sản không thay thế nó và họ còn giữ nó trong gần sáu tháng nữa, đến cuối tháng 9/1975 họ mới thay thế nó bằng một đồng tiền mới. Có thể nói tuy mặt trận quân sự tan rã nhưng mặt trận kinh tế vẫn ổn vững. Sau này tôi có gặp lại một số bạn bè người ngoại quốc có mặt ở Sài Gòn lúc đó, họ cũng nói với tôi rằng đó là một điều không thể tưởng tượng được và làm cho họ rất ngạc nhiên.
TQT: Thưa ông Nguyễn Gia Kiểng. Ông vừa nói kinh tế miền Nam trong cuộc chiến khá ổn định và vật giá không bị leo thang một cách bất thường. Điều đó cũng làm cho ông rất tự hào. Bây giờ nhìn lại cuộc chiến 1945 – 1975, trong cuộc chiến 30 năm đó mỗi người có một nhận thức khác nhau. Người cộng sản họ bảo đó là cuộc kháng chiến cứu nước. Lúc thì là chống thực dân Pháp, lúc thì là chống Mỹ xâm lược. Nói chung đây là cuộc kháng chiến cứu nước. Họ tự hào đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bây giờ họ đặt ách thống trị cộng sản lên toàn cõi Việt Nam. Nhưng nhiều người Việt Nam lại cho đây là một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Một cuộc chiến tranh mà những người cộng sản làm tay sai cho Quốc Tế Cộng Sản, như chính ông Lê Duẩn đã thừa nhận là "đánh cho Liên Xô và đánh cho Trung Quốc".

Ông Nguyễn Gia Kiểng có bình luận gì về cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, 1945 – 1975, ở Việt Nam ta?
NGK: Lập luận của Đảng Cộng Sản là một lập luận tự đắc và tuyên truyền trắng trợn mà ta phải bác bỏ. Phải trả lời một cách rất dứt khoát đây là một cuộc nội chiến. Cả hai giai đoạn mà họ gọi là "chống Pháp" và "chống Mỹ" đều chỉ là hai giai đoạn trong một cuộc nội chiến kéo dài 30 năm, bởi vì khi người trong một nước bắn giết nhau trên một qui mô lớn và trong một thời gian dài thì đó là nội chiến dù có hay không có sự can thiệp từ bên ngoài. Vả lại trong thế kỷ 20, nhất là sau thế chiến thứ hai, làm gì có cuộc nội chiến nào không có sự tiếp tay từ bên ngoài đâu. Nếu ta nhìn lại số người Pháp và số người Mỹ thiệt mạng trong hai giai đoạn của cuộc chiến này thì chúng ta thấy đó là một tỷ lệ không đáng kể so với số tử vong của người Việt Nam. Người Pháp đã thiệt hại 33.000 người, trong đó một phần đáng kể là những người lính châu Phi và Ả Rập, người Mỹ thiệt hại 58.000 người, trong khi đó số tử vong của người Việt ở cả hai phía là trên ba triệu. Nói chung tổng số quân đội nước ngoài thiệt mạng tại Việt Nam trong cuộc nội chiến này chưa bằng 3% của phía Việt Nam.
Tôi còn nhớ trong một bài báo đăng trên tờ Học Tập chính ông Trường Chinh cũng đã nhìn nhận đây là một cuộc nội chiến. Còn ông Lê Duẩn thì đã từng tuyên bố, như ông Thành vừa nhắc lại, cuộc chiến là để phục vụ nước ngoài. Thế thì đâu có gì là chính nghĩa giải phóng dân tộc? 
Khi nói về cuộc chiến này chúng ta cũng cần nhấn mạnh một điều, đó là nội chiến nằm ngay trong chính nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Chính Lenin đã nói rằng nội chiến và đấu tranh giai cấp chỉ là một, nội chiến chỉ là sự tăng cường và tiếp nối của đấu tranh giai cấp, đấu tranh giai cấp chắc chắn phải đưa đến nội chiến.
Còn một lý do nữa khiến những người cộng sản chủ trương nội chiến. Đó là nội chiến gây tác hại ghê gớm cho mọi dân tộc. Nó không chỉ gây ra những tổn thất về vật chất, về sinh mạng mà nó còn phá hủy tinh thần dân tộc. Khi người ta giết nhau là người ta không còn coi nhau là đồng bào nữa. Nội chiến có tác dụng phá hoại các quốc gia và việc xóa bỏ các quốc gia nó nằm trong nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta phải nhấn mạnh rằng không tội nào nặng hơn là tội gây ra nội chiến. Các quốc gia đều rất khó gượng dậy sau một cuộc nội chiến.
Bây giờ nếu bàn về khía cạnh chính trị và lịch sử của cuộc nội chiến này thì chúng ta cũng phải dứt khoát vất bỏ chiêu bài giải phóng của cộng sản. Bởi vì cả hai giai đoạn của cuộc nội chiến này đều là những cuộc chiến tranh không cần thiết, chỉ nhằm thiết lập chế độ cộng sản mà thôi. Nếu chỉ có nhu cầu và nguyện vọng giải phóng dân tộc và giành lại độc lập thì cuộc chiến đó không cần có.
Chúng ta nên biết là sau Thế Chiến II khi nhân quyền -tức là sự bình quyền giữa những con người thuộc mọi chủng tộc- đã trở thành một mẫu số chung trong bang giao quốc tế thì sự phân biệt chủng tộc không còn được đặt ra nữa. Bởi thế cho nên các nước Pháp, Anh và nói chung các đế quốc thực dân phải tìm cách tháo chạy nhanh chóng khỏi các thuộc địa nếu không muốn bị chiếm đóng ngược lại. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra vào giờ này nếu Việt Nam và Pháp vẫn là một? Nếu như thế thì trong các cuộc bầu cử tự do 100 triệu người Việt Nam sẽ có tiếng nói áp đảo so với 65 triệu người Pháp và như thế chính nước Pháp bị chiếm đóng chứ không phải Việt Nam! Dĩ nhiên người Pháp phải trả độc lập cho Việt Nam, họ phải tìm cách rút khỏi Việt Nam vì chính an ninh của họ. Điều đó không có nghĩa là tất cả đều tốt đẹp, chúng ta vẫn phải cố gắng để việc chuyển giao chủ quyền diễn ra trong những điều kiện thuận lợi nhất cho Việt Nam. Thế nhưng mà chúng ta không cần có một cuộc chiến tranh. 
Giai đoạn chống Mỹ lại càng lố bịch. Tôi xin nhắc lại là ngày 30/4 cũng là một ngày lịch sử rất lớn đối với nước Philippines ở gần chúng ta. Ngày 30/4/1898 quân đội Mỹ đã tiêu diệt toàn bộ quân đội Tây Ban Nha tại Philippines nhưng ngay sau đó Mỹ lại trả độc lập cho Philippines, bởi vì Mỹ là một cường quốc thương mại chứ không phải là một cường quốc thực dân, họ tìm đối tác chứ không tìm thuộc địa. Nói chung đây là một cuộc chiến do đảng cộng sản Việt Nam phát động để áp đặt chủ nghĩa Mác -Lê-nin lên toàn cõi Việt Nam và mở rộng thế lực của phong trào cộng sản thế giới, như lời ông Lê Duẩn mà ông vừa nhắc lại.
TQT: Cuộc chiến đã kết thúc hơn 40 năm, gần một nửa thế kỷ qua bên thắng cuộc, nghĩa là phe cộng sản, tự hào rằng họ đã đánh bại hai đế quốc to và thống nhất non sông Nam Bắc về một dải. Bên những người bị thôn tính là VNCH cũng đưa ra nhiều lý lẽ để cho rằng đây chỉ là một cuộc xâm lăng đối với một đất nước có chủ quyền. Ông đánh giá sao về việc Đảng Cộng Sản cho ràng họ có chính nghĩa?
NGK: Như tôi vừa nói không có cuộc nội chiến nào là có chính nghĩa cả. Không có bất cứ lý do gì có thể biện minh cho sự kiện đẩy người dân cùng một nước vào cảnh chém giết lẫn nhau. Không nên đặt vấn đề chính nghĩa ở đây.
Như tôi đã nói mục tiêu của Đảng Cộng Sản là áp đặt chủ nghĩa cộng sản trên cả nước và mở rộng thêm thế lực của phong trào cộng sản. Những người lãnh đạo cộng sản đã lý luận như là những người cộng sản chứ không phải như là những người Việt Nam. Nếu quyền lợi của đất nước Việt Nam được coi là trên hết thì đã không có cuộc chiến này. Cho nên chúng ta cũng không cần phải mất thì giờ để bàn cãi thêm nữa. Ngày nay tất cả người Việt đều đã thấy cuộc chiến này là một cuộc nội chiến tai hại, và là một cuộc nội chiến mà Đảng Cộng Sản phải chịu trách nhiệm. Chúng ta không có nhu cầu phải bàn cãi thêm nữa.

TQT: Cuộc chiến đã kết thúc với biến cố 30/4/1975 và cộng sản là người đã gây nên cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn đó. Nhìn lại 41 năm qua ông thấy Việt Nam ta dưới sự cai trị độc tài của cộng sản đã được gì, mất gì. Ông bình luận gì sau biến cố đó?
NGK: Nếu nói về những cái được thì chúng ta phải nói đây là ngày mà nội chiến chấm dứt, người Việt Nam không con chém giết nhau nữa. Điều này rất quan trọng. Và đất nước đã thống nhất. Dù đã không thống nhất trong những điều kiện chúng ta mong muốn, trái lại đã thống nhất trong những điều kiện tang tóc, nhưng dù sao đất nước đã thống nhất. Đó là điều chúng ta có thể ghi nhận là tích cực. 
Nhưng theo tôi yếu tố tích cực nhất là điều không ai chờ đợi, không ai dự đoán. Đó là sự hình thành của cộng đồng người Việt hải ngoại, những người đã chạy trốn chế độ cộng sản đi tìm tự do ở các nước khác. Hiện nay chúng ta, với sự sinh sản nhanh chóng của người Việt, đã có được hơn năm triệu người, phần lớn định cư phần lớn ở các nước tiến tiến. Nhờ đó đã có những người Việt Nam đã được thử nghiệm mọi nếp sống, mọi văn hóa, và mọi thể chế chính trị. Đã có những người Việt Nam làm việc ở mức độ cao, trong tất cả mọi địa hạt văn hóa, chính trị, luật pháp, khoa học, kỹ thuật. Khối người Việt đó trong tương lai sẽ là những đầu cầu văn hóa, thương mại, khoa học, kỹ thuật rất quí báu cho đất nước, cho cố gắng phát triển của Việt Nam. Nhưng trước hết nó là con mắt của người Việt để nhìn thế giới. Một trong những nguyên nhân sâu xa khiến chúng ta rơi vào thảm kịch 30/4/1975 và kéo cho tới ngày hôm nay là vì chúng ta đã không hiểu biết về thế giới. Hiện nay với cộng đồng người Việt hải ngoại này chúng ta vọng có một con mắt để quan sát những gì xảy ra trên thế giới. Tôi nghĩ đó là một bảo đảm để chúng ta không bao giờ rơi trở lại vào cái bẫy của cố chấp và thiển cận nữa. Chúng ta sẽ trở thành một dân tộc bình thường. Chúng ta có điều kiện để trở thành một dân tộc lớn. Cộng đồng người Việt hải ngoại cũng đã chứng tỏ khả năng người Việt. Trong một thời gian rất ngắn người Việt đã hội nhập và nói chung ở các nước tiên tiến đã đạt được mức sống trung bình và có khi hơn cả mức trung bình. Điều đó chứng tỏ khả năng của người Việt Nam và cho chúng ta một lý do để hy vọng.
Thế nhưng cái mất mát cũng rất nhiều, nhiều hơn những cái chúng ta đã được. Cách mà cuộc chiến đã chấm dứt đã mở đầu cho một giai đoạn lịch sử đen tối. Đảng cộng sản Việt Nam sau chiến thắng thay vì thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc họ đã thực hiện một chính sách chiếm đóng, cướp bóc, bỏ tù và hạ nhục tập thể đối với miền Nam và gây ra thù oán, khiến cho miền Nam sụp đổ hoàn toàn và khiến hận thù không bớt đi, không tiêu tan mà còn tích lũy nhiều hơn nữa.
Tôi xin kể hai trường hợp cụ thể: 
Trường hợp thứ nhất là một người anh họ tôi. Anh là một kỹ sư, tổng giám đốc một công ty. Sau 30/4 công ty đó bị cái mà người ta gọi là "tiếp thu" tức là bị tịch thu. Công ty đó chẳng có gì là quân sự cả, chỉ là một công ty xây cất thôi. Công ty đó còn nợ một ngân hàng một triệu đồng và người ta bắt anh phải thanh toán với tư cách giám đốc công ty mặc dầu công ty ấy đã bị tịch thu rồi. Mặt khác anh ấy còn một tài khoản tiết kiệm gần mười triệu đồng ở trong công ty đó thì người ta nói là để giải quyết sau nhưng không bao giờ giải quyết cả. Thật phi lý, phải nói là một sự cướp bóc trắng trợn. 
Trường hợp thứ hai là của một người mà tôi đặc biệt thán phục. Phải nói tôi chưa bao giờ thán phục ai hơn cụ Vũ Đình Mai. Cụ là một thanh niên nghèo ở miền Bắc một mình đi vào Nam năm 1940 ở tuổi 16 để chạy trốn sự nghèo khổ. Cụ đã phấn đấu, đã làm việc và học hỏi thêm. Năm 1975 cụ đang là chủ một công ty sản xuất đồ điện với trên 200 công nhân. Đó là một thành công hoàn toàn do mồ hôi, nước mắt, cố gắng và trí thông minh. Cụ Mai là một người mà dân tộc Việt Nam phải tự hào. Thế nhưng sau 30/4/1975 họ đã "tiếp thu" công ty của cụ Vũ Đình Mai và sau vài tháng công ty đó sụp đổ vì họ không biết quản trị, không biết phải làm gì. Sau này khi tôi gặp lại cụ Mai, cụ vẫn không hiểu cái gì đã xảy ra. Cụ là người rất thông minh một thiên tài về kinh doanh, một người rất lương thiện nhưng cụ không thể hiểu nổi. Cụ cứ hỏi tôi "ông thử giải thích cho tôi xem cái gì đã xảy ra". Thật đau lòng. 
Sau này cụ Mai đã vượt biên và qua được Canada. Năm nay cụ cao tuổi lắm rồi, đã 92 tuổi. Nhưng tôi hy vọng cụ vẫn còn nghe được buổi nói chuyện này để một lần nữa tôi bày tỏ sự kính trọng đối với cụ. 
Ngày hôm nay tôi có một điều muốn nhấn mạnh đó là chính sách tập trung cải tạo của đảng cộng sản sau ngày 30/4/1975. Như chúng ta đã biết tất cả thanh niên miền Nam có trình độ đại học đều bị động viên trong thời gian vài năm. Họ trở thành sĩ quan và sau đó họ giải ngũ trở về đời sống dân sự nhưng mang qui chế lý thuyết là "sĩ quan biệt phái". Sau ngày 30/4/1975 tất cả đã bị bắt đưa vào những trại tập trung. Thí dụ hư ông anh ruột tôi, sau khi tốt nghiệp đại học đã bị đi quân dịch trong vòng ba năm và giải ngũ với cấp bậc trung úy rồi trở về làm giảng viên trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn. Thế nhưng sau ngày 30/4/1975 anh tôi vẫn bị bắt đi tập trung cải tạo trong vòng 5 năm. Có nhiều người nói rằng Đảng Cộng Sản ngây thơ không biết những người đó là dân sự, họ đã giải ngũ rồi và không có liên quan gì đến quân đội cả. Tôi muốn nói chắc chắn là cộng sản biết rất rõ những người đó là dân sự không có liên quan gì đến quân đội cả. Họ không có lầm lẫn đâu bởi vì họ đã cài cắm một lớp điệp viên, một lớp cán bộ nằm vùng trong tất cả các cơ quan của Việt Nam Cộng Hòa. Ngay cả một phụ tá của ông Nguyễn Văn Thiệu sau này cũng được phát giác là một cán bộ nằm vùng. Ông tướng Nguyễn Hữu Hạnh mà tôi có gặp sau khi ở tù ra năm 1980 là phó tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong những ngày cuối cùng. Ông ấy cũng là một trong những cán bộ nằm vùng của cộng sản. Người cộng sản biết rất rõ rằng những người gọi là "sĩ quan biệt phái" không có liên quan gì đến quân đội cả. Nhưng họ vẫn tập trung cải tạo những người đó. Chúng ta phải hiểu cho rõ: đó là vì họ muốn đánh gục khả năng và ý chí của thành phần tinh nhuệ nhất của miền Nam. Bởi vì sau ngày 30/4/1975 sự thực rõ ràng là khả năng, trình độ văn hóa và kiến thức của miền Nam hơn hẳn miền Bắc, cho nên họ thấy cần phải đánh gục miền Nam, đánh gục những thành phần tinh nhuệ của miền Nam bằng chính sách đày đọa, hạ nhục trong một thời gian dài. Trong một bài viết cách đây 17 năm, năm 1999 -bài "Vết thương ngày 30/4"- tôi có nói đây là đổ vỡ lớn nhất, vết thương lớn nhất của đất nước Việt Nam và đây là một hành động có chủ ý của Đảng Cộng Sản. Chúng ta phải nói đảng cộng sản hoàn toàn không có quan tâm nào tới quyền lợi của đất nước cả, họ chỉ quan tâm bảo vệ quyền lực của đảng cộng sản, họ chỉ quan tâm đến thắng lợi của phong trào cộng sản. Tôi xin nhắc lại một lần nữa rằng những người lãnh đạo cộng sản đã hành động như những người cộng sản chứ không phải như những công dân Việt Nam.
TQT: Ông vừa đề cập đến những tội ác của cộng sản đối với những người dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Những điều đó là rõ ràng và khẳng định. Không chỉ thế những người dân miền Bắc, những người đã sống nhiều năm dưới chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do cộng sản cai trị cũng ngày càng bừng tỉnh thấy rằng chế độ cộng sản là một chế độ độc tài toàn trị mang lại tội ác đau thương cho cả dân tộc Việt Nam. Từ Nam chí Bắc đều chung quốc hận là cộng sản. Vậy tại sao Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên lại đề ra chủ trương bao dung hòa hợp, hòa giải và người ta nói đường hướng đó sẽ thất bại, tại sao ông vẫn kiên trì?
NGK: Tôi phải nói dứt khoát như thế này: Hòa giải là một bắt buộc đối với các dân tộc sau một cuộc nội chiến. Chúng ta đã thấy tại Hoa Kỳ sau một cuộc nội chiến chỉ kéo dài bốn năm cách đây một thế kỷ rưỡi chính quyền Mỹ đã làm tất cả để hòa giải hai miền Nam – Bắc. Tại Tây Ban Nha sau cuộc nội chiến cũng chỉ kéo dài có mấy năm thôi mà chính quyền hiện nay cũng vẫn còn phải cố gắng hết sức để hòa giải dân tộc. Bởi vì hòa giải là bắt buộc nếu chúng ta muốn động viên mọi khối óc và mọi bàn tay trong một cố gắng chung. Tôi đã đi khá nhiều nước để tìm câu trả lời cho một câu hỏi : "Tại sao theo các nhà khoa học mọi giống người sinh ra trên thế giới này đều tương đương với nhau về khả năng vậy mà có những quốc gia tiến bộ và phồn vinh trong khi đó các nước khác tụt hậu và nghèo khổ?" Câu trả lời mà tôi tìm được cũng chỉ xác nhận kết quả của những nghiên cứu chính trị mà thôi. Đó là một quốc gia chỉ tiến lên được nếu có hòa hợp dân tộc, nếu những người trong cùng một nước chấp nhận lẫn nhau và cùng cố gắng xây dựng và chia sẻ một tương lai chung. Hòa hợp dân tộc là một yếu tố không có không được để một quốc gia có thể phát triển được. Thế nhưng làm thế nào để có hòa hợp? Đối với các dân tộc đã trải qua nội chiến như Việt Nam thì trước đó phải có hòa giải dân tộc.
Ngày hôm nay chúng ta lại có một vấn đề khác. Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa. Phong trào toàn cầu hóa này đe dọa tất cả các quốc gia, nó chất vấn từ nền tảng khái niệm quốc gia, nó đặt câu hỏi "các quốc gia có cần cho con người hay không?" bởi vì phải nói rằng ngày nay con người là giá trị cao nhất, tất cả những gì không đạt được mục tiêu phục vụ con người đều không có lý do để tồn tại. Hiện nay chính đất nước Việt Nam đang bị chất vấn. Không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả các quốc gia không thành công -nghĩa là không đem lại tự do, phồn vinh và tự hào cho người dân- sẽ không có lý do tồn tại và sớm muộn gì cuối cùng sẽ tan vỡ mà thôi. Vậy thì hòa giải và hòa hợp dân tộc là điều kiện phải có để đất nước Việt Nam còn tồn tại. Hòa giải dân tộc để có thể hòa hợp dân tộc. Hòa hợp dân tộc để có thể tồn tại được. Cho nên yêu cầu hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng là một yêu cầu giữ nước.
Một lý do nữa là hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng là điều kiện để đánh bại được chế độ cộng sản, buộc chế độ cộng sản nhượng bộ và chấp nhận tiến trình dân chủ. Vì sao? Chúng ta đừng quên là các chế độ độc tài hung bạo không cần người dân yêu chúng, chúng chỉ cần người dân đừng thương yêu nhau để cho chúng dễ thống trị một xã hội bất lực vì chia rẽ. Cho nên hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng là một điều kiện phải có để giành thắng lợi cho dân chủ. 
Nói chung hòa giải, hòa hợp dân tộc là một điều kiện bắt buộc trong hoàn cảnh Việt Nam. Vấn đề là nhiều người nói là người cộng sản không muốn hòa giải. Điều đó đúng. Nhưng chúng ta đâu có bắt buộc phải chỉ làm những gì người cộng sản muốn đâu. Chúng ta làm rất nhiều điều mà đảng cộng sản không muốn. Nói chung phần lớn những điều chúng ta làm là những điều Đảng Cộng Sản không muốn. Hòa hợp và hòa giải dân tộc là một bắt buộc cho tương lai đất nước. Nếu Đảng Cộng Sản không muốn hòa giải như nhiều người nghĩ thì họ sẽ bị đào thải. Vấn đề chỉ giản dị như vậy thôi.
TQT: Kinh nghiệm trong cuộc sống cho thấy là người cộng sản luôn tráo trở trong vấn đề gọi là hòa hợp, hòa giải. Năm 1945 khi giành được chính quyền họ đã bầy ra trò hòa hợp, hòa giải. Năm 1975 họ cũng đã từng đưa ra cái bánh vẽ hòa hợp, hòa giải. Những người mắc lừa họ đã phải trả bằng xương máu cả cuộc đời. Ông đã từng chứng kiến như vậy, nhưng tại sao ông vẫn giữ ý nghĩ có thể hòa hợp, hòa giải với cộng sản?
NGK: Sự gian trá, sự phản trác nằm ngay trong bản chất của chế độ cộng sản. Tôi không cần ai dạy tôi điều đó cả. Ông Thành đã từng sống dưới chế độ cộng sản. Vào ngày 30/4/1975 hai vị trí giữa ông và tôi rất khác nhau. Ông thuộc phe chiến thắng, tôi thuộc phe chiến bại. Tôi không biết ngày hôm đó ông Thành có hân hoan hay không nhưng ngày hôm đó là tủi nhục đối với tôi. Chúng ta khác biệt nhau lắm. Thế mà hôm nay chúng ta vẫn có thể nói chuyện với nhau thân mật như thế này. Điều đó chứng tỏ thời gian đã làm nhiệm vụ của nó và hòa giải dân tộc giữa những người biết điều và yêu nước là lẽ tự nhiên. Nhưng trở lại vấn đề day dứt là nhiều người sợ là Đảng Cộng sản vẫn cứ tráo trở. Chúng ta phải biết sự tráo trở đó nằm trong bản chất của chế độ cộng sản. Ông Thành lớn lên trong chế độ cộng sản chắc phải biết Lenin định nghĩa đạo đức là như thế nào chứ gì? Lenin định nghĩa đạo đức là những gì có lợi cho đảng cộng sản. Nghĩa là nếu sự phản trác, lật lọng, giết người mà có lợi cho đảng cộng sản thì họ vẫn làm. Như vậy không có ai lầm, không có ai ngây thơ cả. Vấn đề là đảng cộng sản có khả năng để mà lật lọng hay không. Chúng ta đều nghĩ rằng sự lật lọng của Đảng Cộng Sản là có thật, nhưng cái lỗi của những người chống cộng – nghĩa là chế độ Việt Nam Cộng Hòa và những người dân chủ nói chung- là chúng ta quá yếu nên chúng ta đã để cho đảng cộng sản có thể lật lọng. Tôi nghĩ nếu chúng ta mạnh hơn họ thì Đảng Cộng Sản sẽ không mong gì hơn là tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc được thực hiện một cách thành thực. Thí dụ như tại sao họ không lật lọng tại Ba Lan như họ đã từng lật lọng? Tại sao ở Hungary trước đây họ đã từng lật lọng nhưng bây giờ lại không lật lọng? Tại Romania ngày trước họ gian xảo bao nhiêu bây giờ họ ngoan ngoãn bấy nhiêu? Đó là vì họ ở trong thế yếu. Chúng ta bị phản bội vì chúng ta yếu. Trách nhiệm ở đâu? Nếu chúng ta nhìn lại thì sau Thế chiến thứ hai có hai quốc gia ở châu Á -Cao Ly và Việt Nam- có một nền văn hóa giống nhau, có mức độ phát triển tương đương với nhau và cùng bị chia cắt bởi cùng một làn ranh ý thức hệ. Trong cả hai nước chế độ cộng sản miền Bắc đã gây chiến để thôn tính nền dân chủ non trẻ ở phía Nam. Trong cả hai trường hợp Hoa Kỳ và thế giới đã can thiệp rất mạnh mẽ để ủng hộ miền Nam. Thế nhưng kết quả đã rất khác, hai cuộc chiến đã kết thúc rất khác ở Cao Ly và ở Việt Nam, và Hàn Quốc đã có tương lai khác hẳn với Việt Nam. Vì sao? Bởi vì trí thức Việt Nam không bằng trí thức Đại Hàn, trí thức Việt Nam thua xa trí thức Đại Hàn. Như vậy thay vì lý luận quanh co là Đảng Cộng Sản lật lọng, điều ai cũng biết, chúng ta nên nhìn vào cái lý do căn bản hơn là vì chúng ta yếu cho nên Đảng Cộng Sản mới có khả năng và dám phản bội.
Đây là dịp để nhìn lại lý do tại sao chúng ta yếu. Đó là vì trí thức Việt Nam ảnh hưởng của văn hóa Khổng giáo quá nặng nề nên không có kiến thức chính trị. Chế độ Khổng Giáo xét cho cùng nó cũng tương tự như chế độ cộng sản, nó cũng bất dung và toàn trị như chế độ cộng sản thôi. Trí thức Việt Nam lớn lên theo văn hóa làm quan. Người trí thức Việt Nam có thể có bằng cấp cao, có kiến thức chuyên môn cao nhưng về chính trị cũng gần như những người vô học, cũng không khác gì người dân. Trí thức Việt Nam quan niệm chính trị như một trò chơi để tranh giành công danh chứ không phải là một trách nhiệm đối với xã hội. Đó mới là nguyên nhân đưa đến sự yếu kém của sức đề kháng của nhân dân Việt Nam. Xét cho cùng thì Wilson Churchill đã có một câu nói đúng là dân tộc nào cũng xứng đáng với chế độ mà họ có. Dân tộc nào cũng cần có một đội ngũ trí thức chính trị để lãnh đạo họ. Nhưng Việt Nam đã thiếu tầng lớp trí thức chính trị đó. Trí thức Việt Nam do đó không làm được bổn phận của mọi trí thức là lãnh đạo dân tộc. Chứ không phải là đảng cộng sản gian trá, phản trắc, điều đó ai cũng biết không cần phải nhắc lại nữa. Điều mà chúng ta phải nhắc lại nhiều lần là chúng ta phải có một sức bật mới; phải có một cuộc cách mạng văn hóa để cho những người trí thức Việt Nam hiểu rằng chính trị không phải cứ tự nhiên là có thể làm được. Chính trị là một bộ môn rất khó, đòi hỏi những cố gắng học hỏi và trải nghiệm rất lớn. Nếu chúng ta ý thức được điều đó thì không có gì đáng lo sợ cả. Tôi nghĩ rằng ngày nay chúng ta có hy vọng. Chúng ta cần tổ chức lại thành một đội ngũ những người trí thức hiểu biết những vấn đề của đất nước; hiểu thế nào là một quốc gia, một dân tộc; làm thế nào đưa đất nước đi lên; những yếu tố nào khiến một quốc gia suy vong hoặc hưng thịnh; chúng ta đang sống trong bối cảnh thế giới bối nào đang đứng trước những thử thách nào và đang có những hy vọng nào v.v... Nếu có một tầng lớp trí thức như thế – mà tôi thấy đang có – thì chúng ta không sợ sự lật lọng của đảng cộng sản. Họ không còn khả năng để lật lọng nữa.
Vấn đề là giữa người Việt Nam với nhau là trước hết chúng ta phải hòa giải với nhau, phải nhận ra những khuyết điểm của mình, chúng ta phải tha thứ cho nhau, nhận nhau là anh em trong một cố gắng chung để xây dựng một tương lai chung. Điều đó mới là điều căn bản.
TQT: Sau một giai đoạn chiến tranh khốc liệt 1945 – 1975, những người cộng sản họ tự hào rằng họ đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ để đưa non sông về một dải. Họ cũng tự hào là đánh cho cả Liên Xô và Trung Quốc, cho Quốc Tế Cộng Sản.
Còn những người Việt Nam yêu nước, những người đã từng sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản xâm chiếm, tước đi quyền tự do họ đang có, và hiện nay kể cả những người ở miền Bắc đã từng sống dưới chế độ cộng sản cũng thấy mình là nạn nhân của chế độ cộng sản, thì nghĩ đến ngày quốc hận.

Còn ông Nguyễn Gia Kiểng nghĩ sao, nên đặt tên cho ngày 30/4/1975 là ngày gì?
NGK: Đây chắc chắn không phải là ngày chiến thắng như Đảng Cộng Sản đã rêu rao đâu. Phải tăm tối như ông Nguyễn Tấn Dũng trong ngày 30-4 năm ngoái mới có thể huênh hoang mà nói đó là ngày đại thắng, ngày "đánh cho Mỹ cút - đánh cho ngụy nhào"?! Tôi nghĩ ngày nay đa số đảng viên cộng sản cũng không còn coi ngày 30/4 như một ngày chiến thắng để mà khoe khoang nữa đâu. Cùng lắm nó đã là một ngày chiến thắng cho Đảng Cộng Sản, nhưng đối với dân tộc Việt Nam nó đã là một ngày khởi đầu cho một giai đoạn đen tối, đầy những mất mát và đổ vỡ. Đối với dân tộc Việt Nam, đối với đất nước Việt Nam đó là một ngày buồn.
Nó có phải là một ngày thống nhất như họ nói hay không? Theo nghĩa đen thì nó đúng là một ngày thống nhất. Nhưng tôi không nghĩ là ngày 30/4 xứng đáng với tên gọi này vì mới chỉ thống nhất về mặt địa lý và hành chính thôi chứ không có thống nhất trong lòng người, trong ý chí xây dựng một tương lai chung. 
Nhiều người, và nhất là ở hải ngoại, nói là một ngày quốc hận. Tôi nghĩ không nên gọi 30/4 là một ngày quốc hận. Đúng là chúng ta có rất nhiều điều để ân hận. Chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội và đã để đất nước rơi vào thảm kịch. Nhưng trong tiếng Việt chữ "hận" cũng có nghĩa là hận thù, mà hận thù là điều chúng ta phải xóa bỏ một cách dứt khoát và vĩnh viễn nếu muốn quốc gia Việt Nam còn có thể tồn tại và vươn lên
Dầu sao thì ngày 30/4/1975 cũng vẫn là một ngày của một biến cố lịch sử rất lớn. Theo tôi nên coi đó là một ngày để cả nước suy nghĩ về đất nước mình và để rút ra những bài học cho tương lai.
Tôi hình dung ngày 30/4 sau này là một ngày nghỉ. Cả nước sẽ cùng hồi tưởng lại cuộc nội chiến. Sẽ có những cuộc hội thảo tại các trường đại học. Tại đảo Côn Sơn sẽ có một ngày lễ lớn dưới chân một tượng lớn của bà mẹ Việt Nam nhìn ra biển cả để tưởng nhớ những đứa con đã bỏ mình trên biển cả trong lúc đi tìm tự do. Trên khắp mọi miền đất nước người ta sẽ tới thắp hương, đặt hoa trên mộ các nạn nhân thuộc cả hai phía trong cuộc chiến này. Ở ngoài phố người ta chào hỏi nhau, bắt tay nhau trong tình anh em và bạn bè để biểu lộ một ý chí chung là xây dựng một đất nước Việt Nam có chỗ đứng, có tiếng nói và có niềm tự hào cho tất cả mọi người.
Theo tôi nên gọi ngày 30/4 là ngày hòa giải và hòa hợp dân tộc.

TQT: Xin cảm ơn ông Nguyễn Gia Kiểng



Trần Quang Thành
danlambaovn.blogspot.com