21/4/16

Đừng chọn ngày giổ của... tao... để ăn nhậu!!!

- Cô ơi! sắp có chương trình Cải Lương và Hồ Quảng tháng 6, cô mua vài vé ủng hộ nhé!
- Con lựa cho cô chỗ ngồi tốt, cô đặt trước 2 vé, ngồi ở giữa con nhé.
- Vâng! Cám ơn cô.
- Cứ làm gì giữ văn hóa là cô ủng hộ.
Câu trả lời của một bác lớn tuổi làm tôi ấm lòng, không phải ấm lòng vì show mình bán được vé, mà chính là câu nói sau của bác, chỉ cần giữ văn hóa là ủng hộ. Không chỉ riêng tôi, từ đầu tháng tư, liên tiếp các chương trình văn hóa và văn nghệ đều đông đảo khán giả đến xem.
Tuần trước, chương trình giổ tổ Hùng Vương của hội Cao Niên Á Mỹ, đông nghẹt người đến tham dự, sau đó đến chương trình kịch nói của nữ nghệ sĩ Túy Hồng “Giả Biệt Sân Khấu” 2 suất đều đầy rạp. 
Có thể nói sau thời gian “loạn” vì nhiều chương trình văn nghệ tạp nhạp, hài hước vớ vẩn, những người Việt ở Bolsa đã bắt đầu gạn lọc các chương trình để đi xem. Dường như họ không còn “bầy đàn” theo kiểu “có nghệ sĩ ở Việt Nam sang trình diễn”, hay các chương trình “nói tục” của các nghệ sĩ hài ở Việt Nam câu khách. 
Nhiều người Việt ở Bolsa đã tỏ ra nghiêm túc hơn, họ chọn lựa chương trình đi xem, và khi đến rạp xem đều tỏ thái độ tôn trọng những nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu. Tư cách thức bước vào rạp, đến lúc ngồi xem đều có chừng mực. Hoàn toàn khác hẳn với thời gian trước đó, do ảnh hưởng của lối trình diễn “chụp giựt” của một số nghệ sĩ ở Việt Nam sang, nào là đang diễn thì khán giả cầm tiền lên “lì xì”, nghệ sĩ đang khóc nức nở thò tay nhận tiền, nào là cầm rượu cụng ly với khán giả ở sân khấu trong các nhà hàng, nào là nhảy lên sân khấu ỏng ẹo với các ca sĩ trình diễn. 
Tôi chứng kiến 3,4 show liên tục, các khán giả khi vào chổ ngồi rất nghiêm túc, đa phần là người lớn tuổi, các bác các cụ đều im lặng theo dõi và thưởng thức những tiết mục trình diễn. Có vẻ Bolsa sau thời gian chao đảo đã có những dấu hiệu đáng mừng. 
Cùng một thời gian, khi xem các hình ảnh giổ tổ Hùng Vương ở Việt Nam, tôi cảm thấy... rùng mình. Nào là dẫm đạp lên nhau chen chúc giành giựt, nào là “bánh chưng kỷ lục thế giới”, nào là ăn nhậu mừng... giổ tổ Vua Hùng. 
Hèn chi trên mạng Xã Hội, gần đây lan truyền tấm hình vẽ Vua Hùng với hàng chữ “Ta không muốn các con rủ rê, tụ tập ăn nhậu say xỉn, rồi nói là đi đám giổ của ta”. Trong lúc người Việt ở Bolsa và nhiều nơi khác trên khắp nước Mỹ, đang hàng ngày cố gắng gìn giữ nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thì tại Việt Nam những nét văn hóa đã bị biến thành “dị dạng”, “quái thai”. 
- Chú ơi! Chán lắm, giờ show cải Lương có vài chục người xem à!
- Họ giết Cải Lương rồi chú ơi! Tuồng kinh điển Tô Ánh Nguyệt đã bị bóp méo thành “dị hợm”.
- Thấy cô tổ chức chương trình ở Mỹ mà ham quá, ước gì con được... sang Mỹ xem cô diễn. 
Các em, các cháu, hầu hết là fans của bà xã tôi inbox cho tôi và tâm tình về thực trạng văn hóa của Việt Nam hiện nay, có nhiều câu còn khó nghe hơn. Theo lời các em, các cháu, thì giờ đây, những “game show” truyền hình ở Việt Nam, với những lối hài “tục tĩu”, bất chấp mọi giá để chọc cười khán giả đã đẩy thế hệ các em, các cháu xuống tận “vũng bùn văn hóa”. 
Cả thành phố Sài Gòn, giờ đến 11, 12 triệu dân sinh sống, thế mà những chương trình Cải Lương nghiêm túc, chỉ vài chục đến hơn trăm người xem, mặc dù xuất hiện trong show có nhiều “ngôi sao” từng một thời làm mưa làm gió ở Sài Gòn xưa kia. 
Trong lúc người Việt ở Bolsa mừng vì mấy năm nay, đã có một rạp hát do người Việt làm chủ ngay giữa trung tâm Little Sài Gòn, để mọi người không cần phải lái xe xa đi xem văn nghệ, thì ở Sài Gòn họ bắt đầu đập phá những di tích văn hóa cổ xưa của thành phố hơn 300 tuổi này, họ nhân danh “phát triển” để triệt tiêu những di tích văn hóa của người miền nam.
Giữa lúc người Việt ở Bolsa mỗi ngày vẫn tìm cách thu lượm từng vật thể văn hóa, từng tác phẩm văn học, in ấn lại, lưu giữ lại thì tại Việt Nam, hầu hết các đài truyền hình của “đảng” đều đưa “Cô Dâu 8 Tuổi”, “Hậu Duệ Mắt Trời”, những “game show” mua lại của Hoa Kỳ, Anh Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc vào những giờ “Vàng”, đẩy hết các chương trình văn hóa của dân tộc vào những giờ “thổ tả” không có ai xem. 
Giữa lúc người Việt ở Bolsa mua từng tấm vé để ủng hộ gìn giữ những nét văn hóa của dân tộc, ủng hộ những sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật của người Việt trên xứ người, tìm cách đưa những tác phẩm đó chuyển thể sang Anh Ngữ để đưa vào các hệ thống thư viện của Hoa Kỳ, các hệ thống truyền hình bản xứ, thì tại Việt Nam, hệ thống truyền hình của “đảng” không cho phép công dân Việt Nam được làm chủ các hệ thống truyền hình, ngược lại thì mở cửa cho hàng tấn phim Mỹ, phim Thái, phim Ấn Độ, phim Hàn Quốc chiếm đầy dẫy trên các hệ thống truyền hình “cáp” cho đến truyền hình công cộng. 
Giữa lúc người Việt Bolsa vất vả tìm kiếm rạp chiếu cho những phim do người Việt Nam sản xuất, để giới thiệu với người bản xứ về điện ảnh Việt Nam, thì “Siêu Trộm” của Hàm Trần chỉ được chiếu 2 tuần kể từ khi ra mắt ở các xuất chiếu đông khách, thì sau đó, bị “dìm” vào những giờ chả ai muốn tới rạp xem phim. Những giờ “tốt” lại cho “Ip Man 3”, cho “X-men”. 
Và khi con em của người Việt tại Bolsa đang vất vã “trẹo họng” để học hát lại một câu Vọng Cổ, ôm từng cây đàn tranh, đàn bầu trình diễn trong các buổi tổ chức văn hóa ở trường học bản xứ, thì tại Việt Nam, tiếng Trung Quốc được chính thức đưa vào giảng dạy cho các bật tiểu học đến trung học, các em muốn diễn một trích đoạn Cải Lương hay Hồ Quảng, thì bị “bác bỏ”, để thế vào đó là văn hóa của “hip hop”, của nhạc Tây, nhạc Hàn. 
- Giờ họ cho diễn lại mấy tuồng “tàu” rồi chú, nhưng lệnh “miệng” của sở văn hóa thì giảm bớt các tuồng “chống tàu” vì.... “tế nhị ngoại giao”. 
- Rạp Hưng Đạo xây xong rồi, nhưng xây theo kiểu “biểu diễn thời trang”, giờ đi kiếm rạp diễn Cải Lương thì nằm ở các “hóc bà tó”.
Trời đất! Rạp Hưng Đạo suốt mấy mươi năm qua, từng được mệnh danh là “Thánh Đường Cải Lương” đã bị đập phá đi xây lại, nhưng kể từ khi xây xong thì trở thành một “thánh đường tạp nhạp”, nghệ sĩ cổ nhạc trở thành chơ vơ, chạy chỗ này, chỗ kia lập đoàn, trong khi ngôi “Thánh Đường Cải Lương” ngay giữa trung tâm thành phố Sài Gòn thì trở thành món hàng không thể “rớ tới”. 
Nhìn thấy hình ảnh các con em người Việt ở Bolsa, múa hát với trang phục cổ truyền trong ngày tổ chức giổ tổ Hùng Vương, cái cảm xúc khó tả này không biết phải nói như thế nào, các em say mê múa, trình diễn một cách thật nghiêm túc và trang trọng, nó khác xa với cái hình ảnh dự lể hội giổ tổ Vua Hùng ở Việt Nam. 
Nhìn khán giả rơi từng giọt lệ trong buổi diễn “Giã Biệt Sân Khấu” của nữ nghệ sĩ tiền bối Túy Hồng, những bó hoa trang trọng dành cho người tiền bối đã đóng góp hơn nửa thế kỷ cho nghệ thuật kịch nói của dân tộc, nó hoàn toàn khác xa với những hình ảnh nhảm nhí của “tài tử tranh tài”, của “Tô Ánh Nguyệt” Trấn Thành trên YouTube.
Nhìn thấy từng hàng người xếp hàng chờ vào rạp xem chương trình văn hóa ở trung tâm Little Saigon, nó khác xa với hình ảnh những con đường bây giờ ở Sài Gòn tràn ngập người ngồi trong các... quán nhậu. 
Nhìn những nghệ sĩ đến từ sớm để chuẩn bị cho suất diển, từ quần áo, đạo cụ, cảnh trí, hoàn toàn khác biệt với những chương trình đại nhạc hội “tạp nhạp” ở các tỉnh miền tây Việt Nam, khi nghệ sĩ trình diễn thì “đệ tử” rồ sẳn máy xe để chạy show nơi khác một cách rất “chụp giựt”. 
Và khi con em của người Việt ở Bolsa mỗi cuối tuần đến các trung tâm để học tiếng Việt, học hát Cải Lương, học đàn tranh, đàn bầu hay học võ, thì ở Việt Nam, những em đồng trang lứa khóc thét lên vì “thần tượng” A, B,C,D của Hàn Quốc, của Ấn Độ đến Việt Nam. Khi con em của người Việt ở Bolsa rữa xe gây quỹ, lượm rác ở bãi biển, đóng góp vào những chương trình từ thiện xã hội cộng đồng, thì học sinh ở Việt Nam “bề hội đồng” bạn học, đánh cô giáo và thậm chí còn “xin tí huyết” thầy giáo. 
Cùng là người Việt Nam nhưng sống trong xã hội khác nhau, thì đã có những phát triển khác nhau. Vấn đề thật ra nằm ở chổ nào? Tôi cho rằng nền giáo dục và ý thức văn hóa chính là nguồn gốc dẫn đến sự khác biệt về cách ứng xử và sự phát triển. 
Người miền Nam tuy có nền văn hóa xuề xòa, cầu an, nhưng ý thức bảo vệ văn hóa của tiền nhân rất cao, do đó khi ra đến hải ngoại, họ gìn giữ rất cẩn thận các nét văn hóa của dân tộc.
Còn người miền Bắc, do đi theo một ý thức hệ ngoại lai nhiều hơn, thích trọng mắt mũi hơn, và vì sống trong một xã hội nghèo đói nhiều năm, nên mặc cảm nghèo đói đã dẫn đến một nền văn hóa khoe của, khoe “hàng”, đến khi nương nhờ “quan hệ” ông nọ bà kia kiếm được chút tiền thì bắt đầu khoe của, phô trương. 
Thành phố Sài Gòn giờ có đến hơn phân nữa là những người trôi giạt từ miền bắc vào nam kiếm ăn, sinh sống, họ đã đem cái văn hóa “mặc cảm” đó vào miền nam, và đang biến Sài Gòn càng lúc càng “dị dạng” hơn, điều nguy hiểm là loại văn hóa này, hiện nay không chỉ nằm ở Sài Gòn, mà nó còn lan tỏa ra các tỉnh khác của miền nam, người nông dân đã không còn chất mộc mạc truyền thống, mà thay váo đó là những trò lừa gạt, bịp bợm để sinh tồn.
Nhìn lại Bolsa hôm nay, nhìn lại hình ảnh Sài Gòn hôm nay, tôi chợt thấy may mắn, may mắn là nếu còn ở lại Việt Nam, nói không chừng tôi còn chửi thề nhiều hơn người trong nước, hay sống theo kiểu “chụp giựt” và cho đó là điều tự nhiên trong xã hội mà “đỉnh cao trí tuệ” đang lãnh đạo. 
Thôi thì mảnh đất tôi đang sống hiện nay, có thể trở thành một vùng đất mà sẽ còn hàng triệu người Việt trong nước tìm đến bằng mọi giá, thay vì mơ mộng “về đất nước thanh bình” nào đó, tôi cũng nên an phận với vùng đất này, nơi mà con người Việt Nam đang chọn để làm quê hương duy nhất, để con cháu họ có đời sống hạnh phúc. Còn quê hương gốc, thì đành chờ vài năm nữa, tiếng Quan Thoại sẽ trở thành... quốc ngữ. 
21.04.2016