Thiên
đàng là đây
Phạm Minh Châu
Bài viết này kính tặng ông
Hilgärtner Walter
Quay đi quay lại mà cũng trên hai
mươi năm trôi qua, tôi đã đến và sống tại
đây, một đất nước có cái tên gọi thật quen thuộc, nhưng cũng có lẽ vì cái tên quen thuộc đó mà
nhiều người lại hay nhầm lẫn nó với tên của một quốc gia khác, thậm chí thư từ
trước khi đến đúng địa chỉ của người nhận, đôi khi cũng phải đi một vòng tới tận
Australia, trước khi trở lại Austria là nơi mà tôi xem như Quê Hương thật sự của
mình.
Không biết những người khác có
cùng suy nghĩ giống tôi hay không, nhưng khi đã cầm trong tay cái Passport cùng
với lời thuyên thệ lúc xin vào quốc tịch nước sở tại rồi, thì dù có mang giòng
máu nào, hay sử dụng một ngôn ngữ khác, hoặc màu da không giống như những người
chung quanh, thì tôi thực sự trở thành công dân của đất nước mà tôi đã tình
nguyện xin được gia nhập rồi… Do vậy không có cái cớ nào để tôi phải nói rằng:
„Đây không phải là Quê Hương mình“, dù đó chỉ là một câu nói đùa vui!
Nhớ lại những giây phút đầu tiên đầy
bỡ ngỡ khi đặt chân đến đây, nhìn đâu cũng thấy khác lạ, nhưng những sự khác lạ
này không làm cho tôi cảm thấy sợ hãi, mà ngược lại, nó tạo thêm cảm giác yên ổn
và an toàn về mọi mặt. Khi nhìn thấy những chú chim, những con vịt trời, thiên
nga hay hươu nai chạy lại mỗi khi thấy có bóng người đến gần, làm cho tôi vui
thật sự vì nhận ra rằng, đất nước này qủa thật qúa yên bình đến nỗi thú vật
trong thiên nhiên luôn muốn làm bạn với con người…
Cảm giác đó càng được tô đậm thêm
theo năm tháng và theo dòng thời gian tôi lại càng khám phá thêm được những điều
thú vị mà tại nơi tôi đã ra đi, hình như chỉ có trong chuyện cổ tích. Thí dụ
như các bạn tôi ở nơi đó thường tỏ ra ngạc nhiên khi nghe kể rằng, ở đây không
có các bãi giử xe hai bánh và thậm chí khỏi phải khóa, dựng đại ở đâu đó ngoài
đường phố cũng không ai thèm ngó ngàng tới hay sợ bị mất…
Dĩ nhiên không phải là không có
người gian manh hay kẻ tham lam, nhưng nhìn chung thì người dân tại đây họ có
tinh thần tự giác cao và chỉ sử dụng những thứ gì thuộc về họ thôi. Đó là điều
mà tôi cảm thấy thích thú và luôn bắt chước theo.
Ngoài ra, tôi còn khám phá ra rằng,
người Tây Phương hay người Áo nói riêng, họ là những dân tộc sống rất có tình
người, đặc biệt là đối với những người xa lạ không cùng màu da và ngôn ngữ. Cái
vẻ mặt lạnh lùng bên ngoài không hẵn là chứa đựng một trái tim lạnh gía, mà ngược
lại, nhiều khi dấu kín trong những khuôn mặt luôn tươi cười rạng rở lại là những trái tim khép kín. Do vậy,
tôi không ngạc nhiên khi thấy rằng, họ luôn thực hiện lời hứa mà không cần phải
có mối ràng buộc về tình cảm hay ơn nghĩa nào cả. Đơn giản, lòng tốt không có sự
cân nhắc hay tính suy!
Cứ mỗi lần Giáng sinh về, theo dõi
trên báo chí hay các phương tiện truyền thông, tôi thường thấy nhiều lời kêu gọi
giúp đỡ những người thiếu may mắn và luôn được hưởng ứng rộng rãi, vì giáng
sinh đối với người Tây Phương là dịp để hội họp trong gia đình, để suy nghĩ và
để chia sẽ niềm vui với người khác, chứ không phải để khoe khoang hay phô
trương sự giàu sang phung phí của mình. Thậm chí sau giáng sinh, gần một trăm
ngàn cô cậu bé thiếu niên đủ màu da sống tại khắp nước Áo, cải trang thành ba
vua, ngang dọc trong thời tiết khắt khe giữa mùa đông gía buốt, gỏ cửa từng nhà, hát lên những bài ca, để quyên góp tiền
giúp đỡ cho những chương trình từ thiện tại các nước thứ ba nghèo khổ... Rồi thỉnh
thoảng đâu đó trên hành tinh này, xảy ra thiên tai hay chiến tranh … thì mọi
người lại được dịp đóng góp ít nhiều để giúp cho các nạn nhân tại những nơi đó.
Lòng nhân ái này còn diễn ra hàng
ngày chung quanh tôi, từ những nơi công cộng như bến xe cho đến các công sở
hành chánh, mọi người hình như luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau khi gặp trở ngại. Nó
đã trở nên qúa thông thường đến nỗi nhiều người từ các quốc gia khác mới tới
đây sinh sống thường lầm lẫn rằng, đó là bổn phận của người bản xứ thì phải ?
Từ hình ảnh một phụ nữ với xe đẩy baby luôn được một ai đó giúp đỡ đưa vào xe
bus, cho tới việc những thiếu niên luôn sẵn sàng nhường chỗ cho một người lớn
tuổi hay tàn tật, hoặc những nụ cười thân thiện không tỏ vẻ hống hách của các
nhân viên hành chánh sẵn sàn giúp đỡ bằng nhiều cách khác nhau cho người nước
ngoài dù họ không biết ngoại ngữ ... đã trở nên qúa quen thuộc trong cuộc sống
hàng ngày tại đây.
Ngay đối với bản thân tôi, một
trong hàng trăm ngàn người xa lạ, không dính dáng gì đến dân tộc và đất nước
này, cũng đã được họ dang tay đón nhận, giúp đỡ rồi tạo
mọi cơ hội để có thể hòa nhập vào cuộc sống bình thường như chính công dân của
họ, được hưởng đầy đủ quyền lợi mà nghĩa vụ phải đóng góp thì ít khi thấy
ai nhắc nhở tới.
Do vậy, nếu phải kể về nơi được
sinh ra, thì tôi sẽ kể về Việt Nam, còn nếu kể về Quê Hương, thì tôi thích kể về
nước Áo hơn, nơi có khoảng tám triệu dân cư đủ thứ sắc tộc, sinh sống bình yên
trong chín tỉnh lớn nhỏ khác nhau và có biên giới chung với bảy nước láng giềng
vừa tây và đông âu. Đặc biệt, dù sống ở bất cứ nơi nào trên nước Áo, mọi người
và tôi đều có quyền công dân như nhau, được phát biểu và nói lên ý kiến của
mình, được tham gia ủng hộ hoặc chống đối các đảng phái chính trị khác nhau, được
làm tín đồ của bất cứ tôn giáo nào mình muốn, được lập hội đoàn và nếu hội đoàn
đó lớn mạnh thì nhà nước còn giúp đỡ về tài chánh hay địa điểm cho hội hoạt động
dể dàng hơn …
Một điều thú vị nữa là tất cả các
trẻ em mà cha mẹ đến từ bất cứ quốc gia nào, nhưng khi được sanh ra tại Áo, thì
là người Áo. Nó hoàn toàn khác xa vài quốc gia, mà nơi đó có nhiều người dân bản
xứ từ khi sinh ra cho tới lúc từ trần, vẫn không được cấp một tờ giấy khai
sinh, không một mảnh giấy tùy thân, không được làm quyền công dân cơ bản nhất,
không được đi học, tất cả đều không có gì hết, chỉ vì họ nghèo, không có nỗi một
cái lều để che thân chẳng hạn…
Tục ngử Việt Nam có câu „Đất lành
chim đậu“và qủa thật điều này chẳng sai tí nào. Hai ba chục năm trước đây, khi
nói đến nước Áo, hình như những người thân quen của tôi chẳng biết nó nằm ở
đâu, nhưng nay, mỗi lần đi ra phố và nhất là tại các thành phố lớn, tôi đều bắt
gặp và nghe được tiếng trò chuyện của những người đồng hương từ đủ mọi miền đất
nước xa xôi đến đây lập nghiệp. Đặc biệt trong các ngày lễ hội hay họp mặt cộng
đồng thì hình như những khuôn mặt mới lạ xuất hiện càng nhiều hơn, nhất là giới
trẻ. Điều này chứng tỏ rằng, Áo Quốc cũng có những cái gì đó khá đặc biệt để
lôi cuốn những dòng người xa lạ tiếp tục đến đây định cư, mà trong đó có nhiều
người lắm của thừa tiền từ nơi quê xa nữa. Tôi tự hỏi, phải chăng điều đặc biệt
đó chính là sự tự do và quyền được làm người?
Chắc chắn phải là như thế, vì ngẫm
nghĩ lại, tôi thấy ngay hình ảnh của vài người bạn mà trước đây khi còn sống ở
quê nhà, họ đã cố gắng vươn lên và muốn đóng góp công sức mình cho xả hội,
nhưng không ai cho họ cơ hội đó với nhiều lý do. Qua đây, tài năng đó giống như
hạt mầm được gieo trồng trúng đất tốt, nên họ đã trở thành những người lỗi lạc
trong vài lãnh vực mà người bản xứ cũng phải khâm phục và yêu mến. Những đóng
góp của họ đã làm cho nước Áo trở nên đa dạng hơn về nhiều mặt và ngay với tôi,
khi nhắc tới những người này tôi cũng hãnh diện theo.
Một cô bạn từ Sài Gòn vừa kể cho
tôi nghe vài nét về đêm giáng sinh tại đó. Bên cạnh cái vẻ đẹp lộng lẫy đầy màu
sắc của những ánh đèn lấp lánh cùng với sự nhộn nhịp của dòng người vui chơi
thâu đêm, thì vẫn luôn có bóng dáng nhỏ tí xíu của nhiều trẻ em bập bẹ học vài
câu tiếng anh để xin tiền du khách nước ngoài, tụi thiếu niên choai choai thì
lúc nào cũng chỉ biết cắm đầu xuống đất để đánh bóng vài chiếc giày của khách
thập phương, các cô gái mới lớn thì luôn vội vả giành nhau cặp bồ với những anh
thủy thủ đủ thứ màu da từ một chiếc tàu nào đó vừa cặp bến; những gã thanh niên
chán đời thì lúc nào cũng thấy loạng choạng với men rượu cùng khói thuốc, và lủi
thủi giữa đêm khuya vắng là hình bóng những chiếc lưng khòng đang thu lượm rác
rưởi phế thải do dòng người vui đùa trong đêm thải ra…
Tôi lại tự hỏi, không biết những
người đồng hương của tôi, mang quốc tịch Áo đã lâu, chửi rủa chê bai đất nước
này cũng nhiều, bòn mót từng đồng từng xu từ của cải phúc lợi xả hôi một cách
không thương tiếc, đi làm thì không thích mà đi về nơi chôn nhau cắt rún của họ
như đi chợ thì sẵn sàng, nhưng sống ở đó thì hình như không ai muốn dù vẫn luôn
miệng ngợi ca …! Có bao giờ họ nhìn thấy được những hình ảnh như cô bạn tôi vừa
kể như trên không, hay họ bị mờ mắt vì những ánh đèn sáng chói từ các nhà hàng
và khách sạn lộng lẫy chiếu ra, mà sự thật, nếu còn sống ở đó có khi cả đời họ
không có được một cơ hội đến gần.
Qủa thực tôi không biết họ nghĩ
gì, nhưng tôi biết rằng, để có được những thứ áo gấm về làng đó, đất nước và
dân tộc này đã luôn hy sinh nhiều thứ để chia sẽ quyền lợi của họ cho mọi người
xa lạ muốn được che chở tại nơi đây, trong đó có cả tôi. Do vậy, tôi luôn mang
nặng ơn nghĩa với đất nước và dân tộc này vì họ đã cho tôi một cuộc đời tốt đẹp
mà trước đây tôi không bao giờ dám mơ tới. Tôi hiểu rỏ rằng, nếu vòng tay nhân
ái của họ không mở rộng ra, thì có lẽ giờ này tôi cũng đang sống một cuộc đời
không có ngày mai, như bao nhiêu triệu người bất hạnh khốn khổ khác nơi quê
nhà.
Tôi không thể nào quên được thời
gian đầu khi đặt chân tới đây, với sự quan tâm giúp đỡ tận tình của nhà nước và
người dân, họ luôn tạo nhiều điều kiện cho tôi học tập để có thể hòa nhập vào
cuộc sống của đất nước này. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh vài người bản xứ không
quen biết, thỉnh thoảng vẫn dúi vào tay một ít tiền mỗi khi tình cờ gặp mặt
ngoài phố với những lời an ủi động viên … Và một trong những người đó đã trở
thành người bảo trợ thân thiết nhất của đời tôi. Họ đã xem tôi như con cái họ, dành cho nhiều sự ưu ái
nhất, dạy dỗ và hướng dẫn mọi thứ chỉ để mong tôi được hạnh phúc sống tốt đẹp ở
nơi này…
Hôm nay viết bài này, tôi muốn gợi lại vài hình
ảnh trong vô số hình ảnh đẹp khác đã đi qua cuộc đời, để nhắc nhở cho chính
mình đừng bao giờ quên đi những ngày tháng cũ. Có được một cuộc sống như hiện tại,
phải nói thẳng ra là nhờ tôi được sống trong một đất nước mà quyền sống của con
người luôn được tôn trọng hơn hết, trong đó tình người vớí nhau cũng rất bao
la.
Mọi người thường nghĩ rằng thiên đường ở rất
xa, nhưng tôi lại thấy thiên đường luôn ở cạnh bên mình, do vậy tôi muốn gìn giữ nó mãi bằng chính sự đóng góp
công sức của mình, nhiều hơn những gì mà thiên đường này đã ban tặng cho tôi.
Xin chân thành bày tỏ lòng tri ân đối với một đất
nước tuyệt vời, nơi có những con người mà tôi không thể nào rời xa được.
Phạm Minh Châu - Linz 05-01-2010
Trich từ: đặc san hội ngộ Bodensee 13.03.2010