Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sẵng (Danlambao)
- Từ khi trở thành Tổng Bí Thư đảng cộng sản, Tập Cận Bình đã để lộ ý
đồ của kẻ cướp biển. Trước hết ông ta thâu tóm những chức vụ tối quan
trọng như Tổng Bi Thư đảng, Chủ Tịch nước, Bí Thư Quân Ủy trung ương.
Với những chức vụ tóm thâu được, ông trở thành người lãnh đạo quyền lực
nhất đất nước. Nhân vật số hai, Lý Khắc Cường trong vài năm qua rất lu
mờ, ít khi thấy báo chí nhắc đến nữa.
Xin nhìn lại lịch sử Trung Cộng, nước có chung biên giới với mười bốn
quốc gia khác, tất cả mười bốn nước nầy đều bị Trung Cộng gây chiến để
nới rộng, lấn chiếm biên giới, kể cả Liên Xô hùng cường cũng không thoát
khỏi lòng tham vô biên của người Hán. Đó là Cướp Đất.
Đến thời đại của Tập Cận Bình thì họ quyết liệt hơn trong việc Cướp
Biển. Họ ngang ngược vẽ ra đường Lưỡi Bò chín điểm bao gồm gần 90% Biển
Đông, nơi giàu tài nguyên, hải sản và tuyên bố họ có chủ quyền không thể
tranh cãi. Lý luận của kẻ cướp có sức mạnh trong tay làm điên đảo những
quốc gia nhỏ, yếu trong vùng. Trung Cộng hành động giống như Việt cộng
hể thấy khu vực đất đai, tài sản của dân có giá trị cao thì “qui hoạch”
để chiếm bằng vũ lực. Đó là nét tương đồng của người cộng sản, không có
ngoại lệ cho dù cùng giao thương trên căn bản Bốn Tốt, Mười Sáu Chữ
Vàng, nhưng “bạn vàng” có gì vừa ý là cướp “vô tư”.
Ngày 12 tháng Bảy 2016 Tòa án quốc tế đã tuyên bố rõ ràng Tàu không có
bằng chứng pháp lý nào về chủ quyền trên Bải Cạn và những rặng san hô để
được hưởng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ đó, không có bằng chứng nào
về chủ quyền lịch sử trên đường Chín Đoạn và 90% Biển Đông. Và việc bồi
đắp những rặng san hô, Tàu tận diệt hải sản ở Biển Đông và phá hoại môi
trường sinh thái khu vực.
Lập tức Tân Hoa Xã tuyên bố Trung Quốc "không tiếp thu và không chấp nhận"
phán quyết của tòa trọng tài về tranh chấp trên Biển Đông mà Trung Quốc
gọi là Nam Hải. Họ cho rằng tòa quốc tế ở Hague không có quyền tài phán
và phán quyết "đi ngược với luật pháp quốc tế".(BBC)
Cho đến hôm nay thì cũng chỉ có những “trận giặc mồm” của Trung Cộng nào
là đưa 4 tên tướng giỏi nhất của họ tới Biển Đông cùng bao nhiêu hải
đội, phi cơ chiến đấu, tàu ngầm trong tư thế sẵn sàng tác chiến theo
lệnh Tập. Nhưng họ tự ý đổi giọng ôn tồn hơn vì thừa biết rằng hải quân
của họ chưa phải là đối thủ của Mỹ, đó là chưa nói đến đồng minh của Mỹ
trong vùng như Nhật, Nam Hàn, Úc, Phi và Ấn Độ. Theo một số bình luận
gia thì khoản 30 năm nữa hải quân Trung Cộng mới đạt được mức hiện tại
của Hoa Kỳ.
Nếu quí độc giả có dịp nhìn bức hình của quân Tàu, sau khi thua Nhật,
với đoàn bại binh chừng 10 ngàn người sắp hàng dài, cúi mặt lặng lẽ đi
theo khoảng 50 người lính Nhật chỉ huy thì mới thấy sự hèn nhát của quân
đội Tàu như thế nào. Tàu chỉ giỏi khoe khoang, khoác lác, khiếm nhã,
tham lam. Họ chỉ giỏi ăn cắp phát minh của người khác, rồi nhại lại,
nghề nầy họ giỏi hơn thế giới nhiều lần.
Theo đài truyền hình ABS-CBN của Phi, hôm thứ Năm 14/7 đội tàu phòng
duyên của Tàu vẫn ngăn chận các tàu cá của Philippines vào Bải Cạn trong
vùng biển tranh chấp như một hành động không chấp nhận phán quyết của
tòa án quốc tế. Nhà báo Chiara Zambrano của ABS-CBN tường thuật rằng hai
chiếc tàu cao tốc của Trung Cộng tiến sát, bao vây chiếc tàu chở nhà
báo và những tàu đánh cá của Phi, không cho họ vào đánh cá gần đảo Bải
Cạn (Scarborough Shoal). Trong một video khác nhà báo cho biết là nhân
viên Trung Cộng lái tàu cao tốc, dùng loa phóng thanh ra lệnh họ phải
lập tức rời khỏi vùng nầy. Ông Arsenia Lim, thị trưởng thành phố
Masinloc tuyên bố ngư dân ông vẫn vào vùng nầy để trắc nghiệm phản ứng
của Trung Cộng trong việc chấp hành phán quyết của tòa tối cao.
Cùng ngày thứ Năm 14/7, vị tân Tổng Thống Phi, Duterte, người có khuynh
hướng muốn có vị trí thuận lợi sau phán quyết để đối thoại song phương
với Tàu. Tổng Thống Duterte dự định cử cựu Tổng Thống Fidel Ramos, 88
tuổi, người lãnh đạo Phi từ 1992-1998, sẽ sang Tàu đàm phán, giải quyết
những tranh chấp.
Tổng Thống Duterte vừa nhậm chức vào ngày 30 tháng Sáu, người được xem
là có khuynh hướng thực dụng, muốn có sự liên hệ tốt để thu hút sự đầu
tư hạ tầng cơ sở từ Tàu, vì vậy trước ngày toà án trọng tài quốc tế đưa
ra phán quyết, ngoại trưởng Phi Perfecto Yasay đã tuyên bố Phi sẵn sàng
chia sẻ lợi ích, tài nguyên với Trung Cộng trong vùng Bãi Cạn.
Theo hãng thông tấn Reuters ngày 12/7 thuật lại lời tuyên bố của đại sứ
Trung Cộng tại Mỹ Cui Tiankai, cho rằng phán quyết của toà án trọng tài
quốc tế “sẽ tạo thêm căng thẳng có thể đưa đến sự đối đầu”. Cui
vẫn đổ lỗi cho Mỹ tạo ra sự căng thẳng tại Biển Đông vì chính sách xoay
trục trong những năm gần đây, để che đậy sự tham lam vô độ của Trung
Cộng. Cui cũng không quên lên án toà án trọng tài đã “Mở đầu những lạm dụng pháp lý về tài phán”.
Cui cho biết Trung Cộng đã tẩy chay phiên tòa và coi đó là trò hề quốc
tế, nhưng những chuyên gia luật pháp, những chuyên viên về chánh sách
Châu Á lại cho rằng nếu Trung Cộng cứ tiếp tục giọng điệu thách thức,
bất chấp luật pháp quốc tế, họ sẽ đối mặt với nhiều bất lợi trên trường
quốc tế.
Julia Guifang Xue, giáo sư đại học Shanghai Jiao Tong cho rằng “đối
với vấn đề nhạy cảm về chủ quyền và an ninh “chúng ta sẽ không ngạc
nhiên khi thấy Bắc Kinh sẽ tăng cường khả năng để củng cố những yêu sách
trong vùng”.
Điều kỳ hoặc nhất là Thứ trưởng Ngoại Giao Lưu Chấn Dân đăng tải một bài
viết vào ngày 13/7 trong đó ông cho rằng phiên toà đã bị mua chuộc. Ông
Lưu nói 5 người trong hội đồng tòa án đều tới từ châu Âu và nghi ngờ họ
bị mua chuộc bằng tiền.
Các phân tích gia chính trị quan ngại rằng Tàu có thể trả đũa lại phán quyết của toà án bằng ba giải pháp sau đây:
- Rút lui khỏi Công Ước LHQ về Luật biển (UNCLOS);
- Tăng cường bồi lấp và xây dựng trái phép đảo nhân tạo;
- Thiết lập vùng nhận diện phòng không.
Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc, Josh Earnest nói với phóng viên báo chí rằng “chúng
tôi nhất định yêu cầu các bên tranh chấp không được lợi dụng cơ hội nầy
để tạo thêm căng thẳng, hoặc có hành động khiêu khích”.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, John Kirby cho biết trong thời
gian gần đây Trung Cộng vẫn tiếp tục quân sự hóa những bãi đá trong vùng
Biển Đông. Đồng thời vị cố vấn cao cấp về Châu Á của Tổng Thống Obama,
ông Daniel Kritenbrink cho rằng Hoa Kỳ không có lợi ích gì để tạo ra sự
căng thẳng trong vùng, và đó cũng không phải là lý cớ để nhảy vào khu
vực nầy.
Ông Chas Freeman, người thông dịch cho Tổng Thống Richard Nixon trong chuyến công du lịch sử tại Tàu năm 1972 bày tỏ “sau
quyết định của toà án trọng tài, con đường duy nhất còn lại để giải
quyết tranh chấp là dùng vũ lực, vì biên pháp ngoại giao tắt lối, và
tiến trình pháp lý đã hết”.
Viên chức Hoa Kỳ giúp thiết kế sách lược cho Châu Á nghĩ rằng Trung Cộng
vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền của họ trên những vùng họ tự nhận và
đề nghị các quốc gia liên quan, kể cả Hoa Kỳ nên tránh những khiêu
khích, hãy mở rộng cửa để Bắc Kinh tự tìm giải pháp êm thấm, nhất là
đừng làm cho tình thế khó khăn thêm.
Viên chức nầy cũng đề nghị thêm rằng Hoa Kỳ phải tôn trọng những cam kết
với các nước như Phi, Việt Nam cùng các nước trong khu vực, và Tổng
Thống Obama phải giữ lời hứa tăng thêm phương tiện để bảo vệ an ninh
vùng Châu Á.
Giải pháp cưỡng chế thi hành phán quyết của toà án được vị dân biểu
Randy Forbes, thuộc đảng Cộng Hòa Virginia đề xuất để bảo vệ giá trị và
quyền lợi Hoa Kỳ.
Một viên chức trung cấp Hoa Kỳ, không nêu tên, đề nghị giải pháp cưỡng chế ba giai đoạn
- (1) Hoa Kỳ cùng đồng minh như các nước Âu Châu, Anh, Nhật, Úc, Ấn Độ, Nam Hàn liên kết thúc đẩy Tàu phải thi hành phán quyết,
- (2) Hoa Kỳ và đồng minh cùng thông báo cho Tàu biết họ sẽ cưỡng chế
thi hành lệnh để Tàu có cơ hội tự lặng lẽ thi hành để tránh mất mặt,
- (3) Hoa Kỳ và các nước đồng minh nào chưa tham gia UNCLOS, phải tham gia,
để phản bác lập luận của Tàu là Hoa Kỳ không phải là thành viên của UNCLOS không nên chấp nhận phán quyết của cơ quan nầy.
Viên chức nầy thêm rằng nếu Tàu vẫn không thi hành thì áp dụng biện pháp
cấm vận kinh tế, và nếu Tàu làm lơ việc cấm vận kinh tế thì Hoa Kỳ và
đồng minh phải dùng biện pháp quân sự giúp Phi bảo vệ chủ quyền vùng đảo
mà toà án chấp nhận chủ quyền cho Phi như Bãi Cạn và bãi Second Thomas
Shoal.
Ngoại Trưởng Phi, ông Perfecto Yasay kêu gọi mọi phía phải kiềm chế và bình tĩnh.
Dịp nầy vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki-moon đưa ra lời kêu gọi
các bên tranh chấp nên giải quyết sự khác biết trong phương cách hòa
bình, hữu nghị, phù hợp với luật lệ quốc tế.
Tóm lại, Trung cộng hành xử với các nước ven biển Đông Nam Á như kẻ
cướp, nhưng với Việt Nam thì khác. Hoàng Sa, Trường Sa đã bị Phạm Văn
Đồng dâng cho Trung Cộng từ năm 1958 thế cho nên năm 1988 khi Trung cộng
chiếm Gạc Ma, thuộc đảo Trường Sa Lê Đức Anh không cho bộ đội chống lại
quân Trung Cộng, mà chỉ đứng yên làm bia đỡ đạn, chết thảm thương trong
tay giặc. Lê Khả Phiêu vì dại gái mà đem một phần lãnh hải thuộc vịnh
Bắc Việt dâng cho Tàu. Vì thế khi hai chiếc máy bay bị Tàu bắn rơi và
hàng chục quân nhân tài ba của họ bị sát hại chỉ cách đảo Bạch Long Vĩ
khoảng 10 dậm mà không dám lên tiếng chỉ mặt kẻ thù. Mười tỉnh đầu nguồn
cho thuê bao giờ thu hồi lại? Những đặc khu kinh tế có phải là tô giới
Tàu được ngụy trang? Dân chúng biểu tình chống Tàu họ đàn áp tàn bạo,
coi như kẻ thù. Tàu đánh cá của ngư dân bị giặc Tàu đâm chìm trong hải
phận, ngư cụ bị cướp, ngư dân bị bắt để đòi tiền chuộc, họ không hề dám
hở môi, chỉ dám nói là tàu lạ. Tất cả đã đem bán cho Tàu để giữ vững chế
độ, tiếp tục bóc lột dân nghèo tận xương tủy với hằng trăm thứ thuế,
phí để tạo những dinh thự nguy nga, tráng lệ, xe cộ siêu sang trọng để
vinh thân, phì gia. Họ bán rẻ quê hương cho giặc, coi dân như nô lệ. Họ
tiếp tục cúi mặt mãi mãi trước kẻ thù không đội Trời chung, mặc cho dân
tộc lầm than, thống hận.
Thử hỏi đảng Cộng Sản Việt Nam có công hay có tôi với đất nước, với dân tộc nầy?
17.07.2016