Vũ Đông Hà (Danlambao)
- Một trong những điều mà Formosa lo sợ nhất là uy tín của họ bị ảnh
hưởng tiêu cực một cách trầm trọng trên thương trường quốc tế. Do đó,
chúng ta cần có những cuộc biểu tình trải rộng khắp nơi từ trong nước ra
đến nhiều quốc gia trên thế giới để tố cáo Formosa cùng với những thủ
phạm và đồng phạm đã gây ra thảm họa môi trường tệ hại nhất trong lịch
sử Việt Nam.
Từ Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Nội và nhiều thành phố trong
nước, đến Paris, Berlin, London, Olso... Từ Los Angeles, San Jose, San
Francisco, Washington DC, Houston, Dallas... Từ Toronto, Montreal đến
Melbourne, Sydney, qua tận Đài Loan, Bangkok... nếu ở đâu cũng có những
đoàn người Việt Nam liên tục nhiều tuần giương cao khẩu hiệu "Formosa
Hủy Diệt Môi trường", "Formosa cút khỏi Việt Nam", "Formosa:
Environmental killer", "Formosa: Get Out of Vietnam!" thì không sớm thì
muộn các cổ đông, hội đồng quản trị của tập đoàn Formosa sẽ đặt vấn đề
và ban quản trị của Formosa tại Đài Loan phải đối diện với lựa chọn:
đóng cửa dự án FHS và Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa tại Việt Nam hay
bị ảnh hưởng uy tín trên thương trường thế giới.
Tập đoàn Formosa bao gồm Formosa Plastics Corp, Nan Ya Plastics, Formosa
Petrochemical và Formosa Chemicals & Fibre với hàng trăm công ty
con trực thuộc, hoạt động khắp nơi trên thế giới. Thương hiệu Formosa là
cái mà tập đoàn này dày công xây dựng kể từ khi thành lập vào năm 1954.
Ngày nào FHS còn hoạt động ở Việt Nam, ngày đó hiểm họa môi trường còn
tiếp diễn. Ngày nào hiểm họa phenol, cyanide và nhiều hóa chất độc hại
khác còn thải ra biển và lòng đất Việt Nam, ngày đó chúng ta còn tiếp
tục tấn công vào thương hiệu Formosa.
Xuống đường biểu tình đòi Formosa phải cút khỏi Việt Nam là cần thiết vì
thảm hoạ xảy ra tại Việt Nam. Nhưng chỉ giới hạn ở Việt Nam thì không
đủ. Chưa kể việc này chỉ trở thành sự đối đầu của người dân tại Việt Nam
với đảng và nhà nước CSVN vốn muốn duy trì hoạt động của FHS tại Hà
Tĩnh. Và Formosa xem đó là chuyện nội bộ của Việt Nam để rồi vẫn tự tung
tự tác xả thải ra môi trường như chúng ta đã chứng kiến nhiều tuần sau
khi Formosa nhận tội, xin lỗi và bồi thường với con số rẻ mạt 500 triệu
đô.
Do đó, công cuộc tranh đấu bảo vệ môi trường không chỉ nằm trên đôi vai
của những người Việt trong nước. Nó đòi hỏi sự tham gia của cộng đồng
người Việt khắp nơi trên thế giới. Chúng ta có một lực lượng, một khí
giới mà nhiều quốc gia khác không có. Đó là sự hiện diện của các cộng
đồng người Việt trải rộng khắp thế giới. Hãy sử dụng sức mạnh quý giá
này, hãy cùng nhau bắt tay nhau để đồng loạt đứng lên từ khắp năm châu.
Hơn bao giờ hết, trong mối nguy cơ hiểm nghèo mà đất nước đối diện, đây
là cơ hội để tất cả chúng ta cùng nhau vai sát vai cứu nước.
Căn nhà Việt Nam đang cháy. Mỗi người dù chỉ với một gáo nước nhỏ nhưng
cùng nhau sẽ làm nên giòng thác vĩ đại làm lụi tàn ngọn lửa đang ngùn
ngụt cháy. Lúc này không thể còn là lúc chúng ta nhìn người bên cạnh
đang chữa cháy và vì những bất đồng, khác biệt nào đó để rồi xuôi tay,
đứng yên, ngồi nhìn.
25.07.2016