22/7/15

Giáo dục Việt Nam: Chính sách ngu dân?

 Giáo dục Việt Nam: Chính sách ngu dân?




Thành Lê TVN - Từ lâu tôi đã muốn góp 1 tiếng nói về giáo dục Việt Nam nhưng chưa có thời gian tìm hiểu cụ thể. Gần đây trước nhiều sự việc gây tranh cãi như nạn bạo lực học đường ngày càng ra tăng, mức độ ghê gớm cũng ngày càng cao hơn; 1 nữ sinh viên trường y tự tử vì không được học ngành mong muốn; 2 bố con ôm nhau khóc vì cậu con trai bị đình chỉ thi bởi 1 cuộc điện thoại khi đang trong phòng thi, cuộc gọi lại chính từ người bố đang mong mỏi bên ngoài; hay các bạn sinh viên tình nguyện lại trở thành giải phân cách sống dưới trời nắng trên 40 độ C trong kỳ thi Quốc gia vừa qua, khiến tôi quyết tâm viết bài này, xem chúng ta đang để con em mình làm nạn nhân của hệ thống giáo dục này như thế nào.
Để tiếp cận 1 một vấn đề hết sức khoa học, tôi lại muốn bắt đầu bằng cảm tính của mình. Khi còn trên ghế nhà trường, tôi luôn cảm thấy có rất nhiều điều bất ổn trong giáo dục, như việc học kiến thức dàn chải mà thiếu tính ứng dụng; Sử dụng một hệ thống đánh giá năng lực đơn điệu để cào bằng tất cả học sinh; Cho học sinh tập dượt trước khi có người dự giờ; đa số học sinh học hết phổ thông mà không biết mình thực sự giỏi cái gì, đam mê cái gì và nên thi đại học vào ngành gì; sau đó là hiện tượng mua điểm, đút tiền qua môn, học hộ, thi hộ…trong môi trường đại học và cuối cùng là ra trường lại thất nghiệp hoặc phần lớn làm trái ngành trái nghề; đổi mới và cải cách là những từ được nghe như cơm bữa mà mãi chẳng thấy khá khẩm hơn... những vấn đề đó tồn tại năm này qua năm khác. Khi tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, tôi đã bày tỏ những suy nghĩ đó và nhận được sự đồng cảm thất vọng về giáo dục Việt Nam từ họ. Nhưng chúng tôi cũng chỉ dừng lại ở nghi vấn, bởi chẳng có gì để so sánh, biết đâu chừng nó là điều tất yếu của cuộc sống, chẳng có gì là toàn mỹ, và chắc giáo dục ở đâu cũng vậy thôi. Khi có những phương tiện để tìm hiểu cũng như tiếp cận với những nền giáo dục khác, tôi đã biết tới những nền giáo dục, không chỉ những vấn nạn trên mà còn có những khía cạnh khác họ đã giải quyết hết sức hoàn thiện.
Cách đây vài tháng tôi có đọc 1 bài báo với tựa đề “Chúng ta đang dạy con trẻ dối trá”, bài viết nói về “Cuộc thi sáng tạo trẻ thơ” ở trường tiểu học nọ. Trong cuộc thi, người ta tập hợp các sáng chế của chính các em học sinh lớp 4-5. Nhưng sự thật, các dụng cụ sáng tạo đó đều hoặc do thày cô hoặc do phụ huynh thiết kế rồi đăng ký tên cho các em, phần diễn giải cũng được viết sẵn cho các em học thuộc. Ngày thi, từng tốp các em lên thao thao thuyết minh cho sáng tạo nhận vơ của mình, rất chuyên nghiệp & trôi chảy. Phía dưới sân khấu là hàng trăm học sinh khác làm khán giả, chúng cũng râm ran bàn tán theo từng sáng tạo, đáng buồn, chúng xôn xao không phải vì thích thú với những sản phẩm độc lạ, mà vì khó chịu với những người bạn ra oai mô tả sản phẩm sáng tạo chẳng phải của mình: “chiếc bình tưới đa năng kia là của thầy T. làm, thầy cho ba bạn học sinh giỏi đứng tên... Sướng thật! Nhưng đâu phải của mấy bạn làm mà tỏ vẻ ta đây! Nhìn thấy ghét...”. Câu chuyện nhỏ ở 1 ngôi trường nhỏ, nhưng thể hiện rất to và rõ ràng bộ mặt của cả một nền giáo dục. Những đứa trẻ ngây ngây thơ thơ đó, chưa đủ nhận thức để có thể thốt lên “thày cô, bố mẹ, các bạn làm như thế là SAI”, mà trong thâm tâm chúng lại hình thành nhận thức mơ hồ về 1 vấn đề khác: “À, hóa ra nói dối là điều được chấp nhận và chẳng có gì phải xấu hổ khi nói dối cả”, cứ như thế nhận thức đó ngày càng được khẳng định và tích tụ thêm khi chúng lớn lên và quan sát những điều giả dối quanh mình, tự lúc nào, chúng cũng sẵn sàng dối trá và không thấy xấu hổ. Chỉ vì hình thức và thành tích phù phiếm, chúng ta đã hại đời con cháu của chúng ta như thế.
1 câu chuyện khác, bài viết có tựa đề “Người trẻ nên biết điều này trước khi quá muộn” đề cập đến tình trạng hiện nay ở mỗi thành phố lớn có hàng chục ngàn thiếu niên tuổi mới 13-15 đã phải tìm những công việc để mưu sinh, số lượng ngày càng tăng. Các em làm những công việc đòi hỏi từ 15-16 tiếng/ngày chỉ để...ngồi 1 chỗ, như giữ xe, ngồi xếp trái cây, đứng xếp sữa lên kệ... Tác giả nhận thấy việc ngồi không cả ngày là quá lãng phí thời gian, những đứa trẻ đó nên biết tranh thủ đọc 1 cuốn sách hoặc tự học 1 cái gì đó sẽ tốt cho tương lai. Tôi lại có suy nghĩ khác, điều nên băn khoăn là vì sao lại có quá nhiều những đứa trẻ đang tuổi đi học lại phải lỡ rở mà bỏ quê hương lên thành phố mưu sinh như thế? Trách nhiệm của chính phủ ra sao trước thực trạng này chứ không được cư xử như thể vô can trước cả 1 thế hệ tương lai! Tôi chẳng hy vọng nhiều đến thế rằng chúng sẽ biết tự đọc 1 cuốn sách khoa học khô khan ở cái tuổi nhất quỷ, nhì ma, ăn chưa no, lo chưa tới, chúng không xa ngã vào những tệ nạn đã là may rồi. Đương nhiên vẫn có những đứa trẻ biết tự ý thức, nhưng đó chỉ là thiểu số, và xã hội không chỉ của thiểu số. Trẻ em cần được giáo dục để hoàn thiện chứ không phải hy vọng chúng tự hoàn thiện.
Các bậc cha mẹ thì luôn lo lắng cho con cái nhưng cách lo lắng thì cần xem lại. Trong bài viết “Sợ cải cách giáo dục”, tác giả Nguyễn Anh Thi là 1 nhà báo cũng là 1 người mẹ đã trăn trở: “trường học nay giống như cái phòng thí nghiệm với đủ thứ thay đổi, cải cách diễn ra liên tục.... mà con tôi không chỉ chờ một ngày để có kết quả...mà là đằng đẵng 20 năm ăn học...và không rõ sẽ thành người thế nào”, “Tôi ngày ngày phải tìm cách đối phó và chống đỡ những thay đổi chóng mặt đó. Nào là tích cực đọc báo, xem thông tin có gì mới về cải cách mà ảnh hưởng đến con hay không, rồi thì tìm văn bản, tài liệu, hỏi thày cô. Nào là cho con đi học thêm để theo kịp cải cách...”, “Nỗi sợ hãi lớn hơn của tôi là hằng ngày nhìn con gồng mình chạy theo những cuộc cải cách... Sức khỏe không tốt lên bao nhiêu vì không có thời gian bổi bổ ăn uống, tập thể dục, thể thao mà mắt thì càng ngày càng cận nặng. Học mà cháu chỉ biết chép bài theo mẫu, làm bài theo mánh mà thiếu tính sáng tạo, chủ động, tự tìm tòi kiến thức, tự lực tư duy...”. Đúng vậy, trường học giờ đây như thể những phòng thí nghiệm, và con em chúng ta như những con chuột bạch, ruồi giấm. Nguy hại hơn là phải mất 20 năm mới biết kết quả, điều đó nói lên tầm quan trọng của việc chọn lựa cách giáo dục. Nếu để con học tập dưới 1 nền giáo dục kém cỏi, chúng ta đang gián tiếp hủy hoại tương lai con em mình. Cách giúp con cũng không phải thúc ép con hay học thay con, mà là tạo ra 1 môi trường học tập bình đẳng và nhân văn, giúp trẻ tự tin, tư duy độc lập, đam mê và sáng tạo. Nỗi sợ hãi lớn nhất của nhiều bậc cha mẹ về sức khỏe của con là rất chính xác, thử nghĩ xem, 1 hệ thống giáo dục mà có quá nhiều môn vô bổ làm mất thời gian của các em, học dạy thêm thì tràn lan, cách giáo dục thì thụ động... khiến lũ trẻ không có cả thời gian để thể dục thể thao, còn với trẻ em ở nhiều vùng uống sữa vẫn là điều xa xỉ nói gì có đủ dinh dưỡng để phát triển. Vừa không có thời gian vừa không đủ dinh dưỡng, nền giáo dục Việt Nam đang góp sức hủy hoại nòi giống Việt cả về tư duy lẫn thể chất, không đơn giản đâu. Trước chúng ta thường nói 1 từ chắc có ý giễu cợt “Nhật lùn”, nay thì người Việt đã lùn nhất châu Á rồi, có liên quan đến giáo dục không?
Chúng ta đang cố tìm xem lỗi giáo dục nằm ở đâu, ở tính cách người Việt, phụ huynh hay thày cô? Không! Những tiêu cực trong giáo dục hiện nay không chỉ ở 1-2 gia đình hay 1-2 thày cô mà ở cấp độ toàn xã hội. Thày cô hay phụ huynh cũng chỉ là nạn nhân bị cuốn theo bởi nền giáo dục này mà thôi. 1 cá nhân không thể chống lại cả xã hội, dù đó có thể là 1 xã hội băng hoại, họ, hoặc bị đồng hóa hoặc sẽ bị đào thải. 1 tệ nạn mà ở tầm vĩ mô toàn xã hội thì điểm lỗi đầu tiên chúng ta nên nhìn tới chính là bộ máy lãnh đạo ở thượng tầng.
Về cơ bản, những tiêu cực trong nền giáo dục Việt Nam phát xuất từ việc chúng ta đang sở hữu 1 nền giáo dục “phi giáo dục”, nghe hơi khó hiểu ha, không sao, tôi sẽ cố gắng nói rõ trong tầm hiểu biết của mình, dù có thể thiếu sót. Cụ thể:
Thứ 1, phi thực tế: những đứa trẻ khi còn ngồi trên ghế nhà trường luôn được dạy về đất nước Việt Nam giàu có và tươi đẹp, được cả thế giới nể trọng, mọi người dân đều được ăn no mặc ấm, được học hành tử tế, đất nước được dẫn dắt bởi 1 bộ máy lãnh đạo ưu việt nhất hành tinh, và chúng đang được sống trong 1 xã hội công bằng, dân chủ, văn minh bla..bla..những viễn cảnh tươi hồng đó khiến cho những đứa trẻ luôn trong trạng thái ảo tưởng và tự mãn, không có cái nhìn chính xác về tình hình đất nước. Rồi chính những đứa trẻ đó, trưởng thành bước vào đời đã hoàn toàn bị vỡ mộng khi đứng trước một xã hội nham nhở khác hoàn toàn với cái bánh vẽ mà chúng được ăn bấy lâu, bất công thì tràn lan, sinh viên lười vẫn có điểm cao như sinh viên chăm chỉ bằng cách mua điểm; thi vào làm công chức thì tài năng xếp sau tiền bạc và quan hệ; nhiều trẻ em ăn còn chưa no nói gì đến học hành tử tế; Việt Nam cũng chẳng được thế giới coi trọng, vẫn là 1 nhược quốc, không có tiếng nói, người Việt đi đến đâu cũng bị cảnh giác và phân biệt; bộ máy lãnh đạo ưu việt gì mà quá nhiều những kẻ bất tài vô tướng, tham ô, tham nhũng...đưa đất nước đến tình trạng nghèo nàn, môi trường bị hủy hoại, mất tài nguyên, mất biển đảo… những đứa trẻ mới lớn cũng dần nhận ra, không phải cứ đem ruộng đất chia thật đều cho mỗi người đã là công bằng, không phải cứ được đi bỏ phiếu đã là dân chủ, không phải cứ có đồ tây sài xúng xính thì đã là văn minh..v.v. Rất tiếc, đa số chúng chẳng hề có liên đới trách nhiệm gì giữa thực trạng bê bết của đất nước với những người cho chúng ăn no bánh vẽ trong quá khứ, chúng chỉ nghĩ đơn giản, xã hội là vậy, sự kém tư duy đó cũng là lỗi của giáo dục ở tính chất tiếp theo đây.
Thứ 2, phi tự nhiên: Mỗi con người sinh ra đã là một bản sắc riêng biệt, với năng lực khác nhau, yêu ghét khác nhau, tư duy khác nhau...Một nền giáo dục tiên tiến phải phát hiện được và phát triển khả năng nổi trội của mỗi cá nhân, không gò ép bất cứ ai vào 1 khuôn mẫu sơ cứng. Albert Einstein từng nói "Mỗi người sinh ra đều là thiên tài. Nhưng nếu bạn bắt một con cá thể hiện khả năng qua việc trèo cây, thì cả đời của nó sẽ sống và tin rằng nó chỉ là một đứa ngốc", rất tiếc đó đang là cách làm giáo dục của chúng ta. Trong nhiều năm, chúng ta đã áp đặt một hệ thống kiến thức như nhau, cách dạy và học, cách đánh giá năng lực như nhau áp dụng cho tất cả trẻ em. Với cách làm giáo dục phản tự nhiên như vậy, tôi dám chắc Việt Nam đã đánh rơi rất nhiều nhân tài, đã có vô số con cá sống với tự ti vì không thể leo cây. Hẳn quý vị còn nhớ về Bài văn tả ông bố lười rất dễ thương của cậu bé lớp 2 gây xôn xao dư luận thời gian trước, điều khiến tôi ấn tượng là cách dạy con của ông bố “lười” Đỗ Mạnh Hà. Anh chia sẻ “Tôi luôn hướng cháu đến sự phát triển tự nhiên, không dạy chữ trước khi vào lớp một và cháu chỉ đạt học sinh trung bình. Thế nhưng tôi dạy con về cách ứng xử, chăm lo cho bản thân và em gái 3 tuổi, biết tự qua đường, nấu cơm giúp mẹ...", cách dạy dỗ con cái của anh Hà cũng là do anh được thụ hưởng từ người bố của mình, người luôn để anh được phát triển tự nhiên. Trong những năm phổ thông anh luôn là học sinh cá biệt về học lực, chưa 1 lần được giấy khen, và bây giờ anh đang là 1 thạc sĩ, giảng viên đại học. Theo tôi đây là cách dạy con đúng đắn, trẻ em cần học về nhân cách và tính tự lập hơn là những con điểm để làm vừa lòng thày cô và bố mẹ. Vấn đề là những đứa trẻ được bố mẹ dạy dỗ theo cách này thường các em lại phải chịu thiệt thòi khi học tập trong 1 hệ thống giáo dục nặng hình thức và thành tích, trách nhiệm của người lớn là phải thiết lập cả 1 nền giáo dục mà ở đó mỗi đứa trẻ đều được đối xử công bằng và phát triển hài hòa. Gần đây, đã có vài cải cách để cải thiện chất lượng giáo dục, nhưng tất cả chỉ là nửa mùa và giả tạo, tại sao tôi nói như vậy, hồi sau quý vị sẽ rõ.
Nói chung 1 nền giáo dục mà lại phi giáo dục sẽ tạo ra những con người không có đam mê, nhiệt huyết, cùng với những tiêu cực của xã hội, họ sẽ chỉ lao động một cách chống đối và cầm chừng, tình trạng đó ở tầm vĩ mô đã kéo tụt sự phát triển của cả quốc gia. Có người sẽ nghĩ tôi đang nghiêm trọng hóa vấn đề, không hề, Việt Nam đang là nước có năng suất lao động thấp nhất châu Á.
Vậy rốt cục, phải làm gì để thay đổi hoàn toàn nền giáo dục với đầy ung nhọt như hiện nay? Tôi xin mạnh dạn đề ra 4 yêu sách mà chúng ta cần phải kiên quyết đòi hỏi Bộ Giáo dục và chính phủ đáp ứng ngay lập tức:
1. Hệ thống giáo dục miễn phí, ít nhất là hết bậc phổ thông:
Khi giáo dục là miễn phí, nhiều người sẽ có cơ hội tiếp cận với giáo dục hơn, giảm gánh nặng cho tầng lớp người nghèo trong xã hội, sẽ không còn việc bố mẹ thắt lưng buộc bụng chỉ vì phải nuôi con ăn học. Tránh những bất cập như phải học 1 ngành chỉ để làm vừa lòng bố mẹ, vì bố mẹ quyết định về tài chính hoặc học 1 ngành nào đó chỉ vì tâm lý tiếc rẻ, ví dụ như hiện nay nhiều em học các ngành như Sư phạm, An ninh, Quân đội chẳng phải vì đam mê, mà vì những ngành này miễn học phí. Quý vị có thể lo lắng là nếu miễn phí đại học thì sẽ ra tăng tình trạng “thừa thày – thiếu thợ”, không hề, 1 nền giáo dục miễn phí và thực tế ngay từ đầu sẽ giúp học sinh tự biết năng lực của mình đến đâu và có theo đại học hay không chỉ đơn giản là muốn nghiên cứu chuyên sâu hơn hay không mà thôi. Thực ra ngay cái tâm lý “Thày Thợ” cũng là do nền giáo dục nặng hình thức và thành tích này tạo ra. Bằng cách nào mà 1 tấm bằng lại đảm bảo tôi sẽ được làm thày người khác chứ? Vậy đòi hỏi miễn phí trong giáo dục có chính đáng hay không? Hoàn toàn chính đáng, vì nhiều nước không có Đảng lãnh đạo thiên tài như chúng ta họ đã làm được rồi.
Giáo dục phổ thông ở các nước Mỹ, Canada đều miễn phí, giáo dục đại học có học phí, nhưng sinh viên của họ sẽ được chính phủ hỗ trợ bằng cách cho vay từ 80-100% chi phí học tập với lãi suất 0% hoặc cực thấp, họ chỉ phải trả khi đã tốt nghiệp và có việc làm, có thể trả 1 lần hoặc trả góp, ngoài ra còn có rất nhiều các chương trình học bổng lớn nhỏ. Nhìn chung với người dân của họ việc học đại học được tạo điều kiện tối đa.
Cộng hòa liên bang Đức là 1 nước có nhiều tổn thương trong quá khứ khá giống với Việt Nam, cũng bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, cũng có thời kỳ bị chia cắt hai miền nhưng rồi thống nhất không đổ máu, nói chung Đức từng là 1 dân tộc bất hạnh như Việt Nam, nhưng bây giờ họ đã thoát rồi, còn chúng ta thì chưa. Giáo dục Đức hiện nay miễn phí ở tất cả các cấp, từ mẫu giáo đến cao học, cho người dân có cơ hội học tập tốt nhất.
Thái Lan cùng khu vực, mà Việt Nam cho là rất bất ổn nhưng vẫn sang du lịch đều đều, họ cũng có 1 nền giáo dục phổ thông hoàn toàn miễn phí cho nhân dân của họ.
Hay trên chính quê hương của mình, ở chế độ cũ Việt Nam Cộng hòa, người dân miền Nam cũng được học hành miễn phí bậc phổ thông.
Có người sẽ nghĩ rằng tại nước họ giàu mới miễn phí được giáo dục, mà chẳng nghĩ xem vì sao họ giàu. Thì ừ cứ cho họ giàu vì tiền trên giời rơi xuống, còn ta nghèo vì những con giời bắt chúng ta nghèo, thì vẫn có vô số những khoản tiền chỗ hà ra chỗ hổng mà chúng hoàn toàn có thể được dùng để giảm phí thậm chí miễn phí cho giáo dục. Nếu không có những công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ làm mất hàng trăm nghìn tỉ tiền thuế, nếu không có những con đường đắt nhất hành tinh và nhanh hỏng nhất hệ mặt trời, không có những ông làm quan có mấy năm mà tài sản lên tới hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỉ như 1 ĐBQH đã nói, không có những công trình tượng đài, đền thờ, miếu mạo hết sức vô bổ trong khi đất nước còn bao khoản phải chi tiêu…tất cả số tiền khổng lồ bị mất mát đó, biết đâu chừng cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà chúng ta không thấy được, với số tiền ấy, miễn phí cho giáo dục, có là gì? Cũng xin đừng nghĩ rằng chính phủ các nước nọ tử tế, đó là vai trò 1 chính phủ phải làm và họ làm tròn nhiệm vụ của họ mà thôi, tất cả đều là tiền thuế của dân, chỉ là tiền thuế của dân nước họ được sử dụng 1 cách minh bạch và hiệu quả.
Tôi xin kể 1 câu chuyện, trong thời kỳ tái thiết đất nước từ đống tro tàn sau Đệ nhị Thế chiến, Nhật Bản rất chú trọng đến giáo dục, nhưng cũng như bao nước hậu chiến khác, nước Nhật gần như kiệt quệ, lĩnh vực nào cũng cần tiền để xây dựng lại, ngành giáo dục với tài chính eo hẹp vô cùng khó khăn để dành cho mỗi học sinh những trang thiết bị cơ bản nhất. Tới nỗi Vụ trưởng giáo dục Hikada lúc bấy giờ đã rơi nước mắt và nấc nghẹn khi phải thừa nhận đem đến cho mỗi học sinh một cuốn sách giáo khoa miễn phí thật khó khăn. Tôi chưa từng thấy giọt nước mắt nào của 1 nhà làm giáo dục cấp cao nào của Việt Nam khi thấy học sinh phải đu dây đến trường, chui bao nilong để qua suối hay học tập trong những ngôi trường tàn tệ hơn cả chuồng gia súc, tôi xin lỗi nhưng sự thật cay đắng như vậy đó, hay những lớp học lộ thiên, ngay giữa thế kỷ XXI này, không giọt nước mắt nào cho những điều như vậy, nói gì đến 1 cuốn sách giáo khoa miễn phí! Phải chăng đối với họ tình yêu thương, trách nhiệm và tự trọng là những xa xỉ phẩm?
Quý vị đã từng nghe về người bố 10 năm sống trong ống cống để nuôi con ăn học chưa?
Quý vị đã từng nghe về người mẹ mỗi ngày đi về hơn trăm cây số để cùng người con vừa mù vừa bại liệt đến trường đi học?
Đã nghe về người mẹ phải tự vẫn để lấy tiền phúng điếu cho con đi học hay chưa?
Khi nghe về những trường hợp ấy mà chúng ta chỉ nghĩ, ôi, họ đúng là những bố mẹ tuyệt vời nhất hệ mặt trời, thì chúng ta quá ích kỷ. Không đơn giản chỉ là sự hy sinh cao cả, nếu có 1 hệ thống giáo dục và y tế lo lắng và vì dân hơn, những ông bố bà mẹ ấy sẽ không phải có những lựa chọn nghiệt ngã đến thế. Xã hội này có thật là ổn định để phát triển không?
Người dân Việt Nam với mức thu nhập thấp lại phải đối diện với tình trạng học phí ngày càng tăng, hết sức vô lý vì nó chẳng đi cùng với chất lượng giáo dục tăng lên. Tôi cũng không thấy có gì cần thiết phải làm tiền trong giáo dục. Hãy đòi hỏi 1 nền giáo dục miễn phí như chúng ta và con cháu chúng ta đáng được hưởng.
2. Bỏ độc quyền trong giáo dục:
Mỗi cá nhân là 1 màu sắc riêng biệt thì giáo dục cũng phải đa dạng mới đáp ứng được cho tất cả mọi người. Bản thân việc độc quyền đã là 1 sự bó buộc không cần thiết với giáo dục, 1 ngành luôn phải vận động và thay đổi. Một giáo sư tiến sĩ từng than thở: "các nước có nền giáo dục xuất sắc như Anh, Mỹ hay Canada không bàn về đổi mới giáo dục, nhưng tại sao giáo dục của họ vẫn đổi mới? Nước trong khu vực Singapore cũng vậy, họ không đổi mới mà vẫn như đổi mới trong khi chúng ta…”, thưa giáo sư, những nền giáo dục tiên tiến chẳng mấy khi bàn đến cải cách, đổi mới, vì bản thân nó đã luôn chấp nhận những khuynh hướng khác biệt, tạo nên sự đổi mới tự nhiên và liên tục. Độc quyền giáo dục cũng lý giải cho sự trì trệ trong đổi mới và xử lý các tiêu cực trong giáo dục mà qua hàng thập kỷ vẫn ngang nhiên tồn tại. Nhiều nhà giáo, giáo sư mái đầu đã bạc trắng vẫn tâm huyết với giáo dục nước nhà như giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Chu Hảo, những đề án cải cách giáo dục của các vị ấy là công trình nghiên cứu công phu, chắt lọc từ những nền giáo dục hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật, Bỉ, Úc chắc chắn có tính thực tiễn và tiến bộ, nhưng cũng bị trì hoãn đưa vào thực tế vì 2 chữ “độc quyền”. Cách đây vài năm, trong buổi ra mắt cuốn sách “Dân chủ và Giáo dục” của nhà triết học và cải cách giáo dục nổi tiếng người Mỹ John Dewey, giáo sư Chu Hảo đã bức xúc khi nói về thái độ của Bộ giáo dục: “Cho đến bây giờ, không có một trả lời nào của cấp cao nhất lẫn Bộ GD-ĐT. Bộ GD không bao giờ đối thoại với chúng tôi, không bao giờ trả lời, không bao giờ tranh luận”. Hóa ra làm khoa học ở Việt Nam cũng chẳng sung sướng gì, muốn chính quyền coi trọng ư? Tùy hứng thôi! Kìm hãm sự đổi mới của giáo dục lại chính là giới lãnh đạo, hành động lạnh nhạt của họ hoàn toàn trái ngược với những lời thống thiết khi họ xin ngân sách để làm cải cách. Giáo dục Việt Nam không có vướng mắc gì để không đổi mới thì chính quyền lại không muốn nó đổi mới, là tại làm sao? Tôi cứ nghĩ hoài, hay họ cứ để đó lâu lâu lại giả vờ cải cách xin vài chục nghìn tỷ để chấm mút với nhau, à, hay phải chăng đó là 1 Chính sách ngu dân? Chắc không phải đâu ha, vì chúng ta đang sống trong thời đại rực rỡ nhất lịch sử dân tộc kia mà?
3. Phi chính trị hóa giáo dục:
Chức năng thuần túy của giáo dục là gây dựng cho con người một nhân cách lành mạnh và một trí tuệ sáng suốt nhận biết sự vật xung quanh, biết quy luật các sự vật hiện tượng, từ đó không ngừng sáng tạo và hoàn thiện kỹ năng sống, nhưng một khi có yếu tố chính trị trong giáo dục, ngoài những chức năng trên, nó sẽ luôn sử dụng 1 hình tượng, 1 chủ thuyết nhằm thao túng lý trí người khác, phục vụ cho những mưu tính riêng.
Người Nhật Bản, sau thế chiến 2, đã tiến hành cải cách giáo dục dưới sự cố vấn và giám sát của Hoa Kỳ, và 1 trong những động thái đầu tiên để cải cách là họ đã thực hiện phi chính trị hóa giáo dục. Môn Tu Thân trong giáo trình Nhật thời đó bị đình chỉ ngay lập tức vì có nội dung cổ xúy tư tưởng dân Nhật phải thần phục tuyệt đối Nhật hoàng và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, những người dân bị thao túng lý trí đã trở nên vô cùng hung hăng hiếu chiến, đem gót giày dẫm đạp lên khắp thế giới, để rồi nhận lấy sự thất bại cay đắng. Rồi vẫn những người Nhật ấy, sống dưới một chế độ mới, một nền giáo dục mới, đã trở nên hiền hòa cùng nhau dựng xây nên 1 nước Nhật tươi đẹp, thanh bình như hôm nay.
Màu sắc chính trị trong giáo dục Việt Nam có thể nói là vô cùng đậm đặc và không có dấu hiệu giảm bớt. Cụ thể như trong đề cương “Chiến lược Phát triển giáo dục 2011 – 2020”, chính quyền đề ra 4 “Quan điểm chỉ đạo” ngành giáo dục:
(1) Phát triển giáo dục phải thực sự là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.
(2) Xây dựng nền giáo dục có tính nhân dân, dân tộc, tiên tiến, hiện đại, xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.
(3) Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
(4) Hội nhập quốc tế sâu, rộng về giáo dục trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, giữ vững độc lập, tự chủ, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghe qua rất hay nhưng đọc kỹ thì sáo rỗng, và có 4 quan điểm chỉ đạo thì cả 4 đều dính dáng đến chính trị. Tôi chưa nói đến các yếu tố chính trị này có kéo tụt giáo dục xuống hay không, nhưng cứ nhìn thực tế nền giáo dục bế tắc bao năm qua, cũng thấy những yếu tố chính trị này chẳng đóng góp được gì, tốt nhất là nên bỏ quách nó đi. Thời sinh viên chẳng mấy ai thích các môn chủ nghĩa Mác - Lênin hay tư tưởng HCM, phải học thì học thôi. Đã bao giờ chúng ta tự hỏi, sao môn mình không thích mà vẫn cứ phải học? Trong khi 1 năm tốn bao nhiêu tiền để in sách và trả lương giảng viên, và tiền đó chẳng từ thuế mà bố mẹ chúng ta nai lưng ra đóng đó sao! Hãy lên tiếng để đòi lại sự độc lập cho nhà trường. Nếu vẫn còn độc quyền và chính trị hóa giáo dục thì mọi kêu gào cải cách chỉ là giả cầy mà thôi.
4. Học tập từ một nền giáo dục đã thành công:
Thực ra riêng yêu sách này đã bao hàm 3 mục trên nhưng vì việc lựa chọn nền giáo dục nào cho phù hợp còn cần thời gian ngắn để nghiên cứu nên cứ tách nó thành 1 yêu sách.
Hệ thống giáo dục của Úc hoàn toàn không mang tính hơn thua, so sánh. Các học sinh được làm cho cảm thấy rằng các em đều như nhau và không có mặc cảm mình học kém. Tôi hoàn toàn thích thú khi biết bên Úc không có kiểu họp phụ huynh như Việt Nam là tập hợp các phụ huynh lại, vấn đề đầu tiên luôn là tiền đâu, sau đó là khen em này, chê em kia, để rồi các ông bố bà mẹ có con học kém lại về chút giận lên con cái “tao cho mày tiền ăn học mà mày học hành thế hả?”, tạo áp lực và tâm lý tự ti cho các em. Các phụ huynh Việt Nam có từng nghĩ, bao nhiêu phần kiến thức trong cái cặp lặc lè mà con đi học thêm lúc 6-7 tuổi sẽ đảm bảo tương lai khi chúng 20-30 tuổi? Bao nhiêu con điểm 4-5 thì chắc chắn tương lai sẽ mịt mù khi chúng trưởng thành? Chẳng có gì đảm bảo cả, tương lai còn xa và phụ thuộc vào nhiều thứ lắm, đừng quan trọng những thứ nhãn tiền đó. Ở Úc, báo cáo chi tiết học tập của học sinh được cho vào phong bì dán kín và gửi trực tiếp cho phụ huynh. Vì thế không học sinh nào biết phân loại của học sinh khác. Sau đó phụ huynh tùy theo bản báo cáo sẽ làm việc trực tiếp với giáo viên để tìm cách giúp đỡ con cái của mình. Cách làm giáo dục nhân văn như vậy chúng ta không học hỏi còn phải loay hoay đi đâu tìm nữa?
Hàn Quốc nghèo nàn những năm 60 thế kỷ trước đã quyết định cải cách giáo dục bằng việc lấy nguyên giáo trình của Nhật Bản dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, chỉ điều chỉnh các môn xã hội. Quyết định học hỏi Nhật Bản là hết sức sáng suốt vì giáo dục Nhật Bản mất thời gian hoàn thiện cả trăm năm trước đó, tiếp thu văn hóa Tây phương, nhất là nền giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ kể từ khi nước này tiếp quản Nhật sau Thế chiến 2, vì vậy mà giáo dục Nhật vô cùng phù hợp với Hàn Quốc. Nhưng học hỏi Nhật cũng là 1 quyết định khó khăn bởi Nhật Bản là cựu thù của họ, dân tộc Hàn Quốc đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi trước người Nhật trong quá khứ, lòng tự tôn dân tộc thật khó vượt qua. Nhưng đứng trước những đòi hỏi về tài chính và thời gian, cùng với 1 thể chế luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc làm đầu, họ đã gác lại quá khứ, học hỏi tinh hoa của cựu thù, miễn rằng điều đó có lợi cho nhân dân của họ. Rốt cục một Hàn Quốc phú cường hôm nay cũng là trái ngọt mà họ xứng đáng được hưởng từ những cây non đầu tiên đầy khó khăn ấy. Nhìn về Việt Nam, sau khi thống nhất đất nước, đã có 1 bộ phận lãnh đạo quá bảo thủ, kiêu ngạo và hẹp hòi, cho rằng họ thông minh hơn phần còn lại của Việt Nam và cả thế giới, để rồi áp đặt những đường lối “tuyệt đối” đúng đắn của họ, để rồi, Việt Nam nói chung và giáo dục Việt Nam nói riêng, sau hàng thập kỷ vẫn chẳng đâu vào đâu.
Không nói đâu xa, nền giáo dục thời VNCH đã rất tiến bộ với triết lý giáo dục là nhân bản, dân tộc, khai phóng với tính chất là đại chúng và thực tiễn. Đó sẽ là nền giáo dục tiên tiến giàu bản sắc Việt, tiếc là nó đã không có cơ hội để hoàn thiện. Những nhà cải cách giáo dục hiện nay cứ tìm hiểu lại nền giáo dục VNCH cũng học hỏi được nhiều điều.
Rất rõ ràng là học tập một nền giáo dục đã thành công sẽ giúp chúng ta tiết kiệm về tiền bạc và thời gian, cũng giải quyết luôn những vấn đề như quan điểm hay triết lý giáo dục. Theo tôi chúng ta nên học hỏi 1 nền giáo dục Á Đông đã thành công, và tôi xin gợi ý theo thứ tự ưu tiên, hoặc Hàn Quốc hoặc Nhật Bản hoặc Singapore.
Tôi xin tóm lược lại 4 yêu sách mà chúng ta cần đòi hỏi chính quyền thực hiện ngay:
1. Miễn phí giáo dục
2. Bỏ độc quyền giáo dục
3. Phi chính trị hóa giáo dục
4. Học tập từ một nền giáo dục đã thành công
Đây như thể đơn thuốc cho một nền giáo dục đầy bệnh tật, đương nhiên đây chỉ là đơn thuốc của tôi, nên có muốn chữa bệnh hay không và có chữa bệnh theo đơn thuốc này hay không là quyền của quý vị, nhưng tôi muốn nói rằng, chậm ngày nào chúng ta sẽ lại đẩy ra xã hội 1 thế hệ những đứa trẻ bị tổn thương ngày đó. Nếu giáo dục Việt Nam đáp ứng được 4 yêu sách trên sẽ chỉ mất khoảng 5 năm để tạo nên 1 thế hệ tương lai hoàn toàn khác, các em sẽ rất tự tin, thực tế, biết tư duy độc lập và sáng tạo.
Nhiều phụ huynh nhận thấy sự tồi tệ của nền giáo dục Việt Nam nên cố gắng cho con cái ra nước ngoài du học, thậm chí muốn chúng ở lại làm ăn, sinh sống luôn. Cũng tốt thôi, nhưng nếu ai cũng muốn ra đi thì đất nước này sẽ ra sao? Tại sao không đứng ở đây và cùng nhau cải tạo nó ngay hôm nay?
Đã đến lúc chúng ta phải thành thật với nhau, đừng tự huyễn hoặc bằng những giá trị ảo, những chủ thuyết ảo tưởng nữa. Nếu bản thân người lớn cũng đang luồn cúi, sống bằng cách thỏa hiệp với cái dối trá thì chẳng có niềm tin nào rằng con cháu chúng ta sẽ được sống tử tế hơn đâu. Hãy lên tiếng đòi hỏi 1 nền giáo dục độc lập, nhân văn và tiên tiến để đảm bảo 1 tương lai tốt đẹp hơn cho con em của chúng ta, chẳng có điều gì tự nó tốt đẹp lên và chẳng có điều tốt đẹp nào tự đến với những người chỉ biết trông chờ, hãy hành động.
Tôi xin kết thúc bài viết này bằng 2 câu hỏi, dành cho tất cả người Việt Nam, từ 16 não trạng đỉnh cao trong Bộ chính trị, đến báo giới, trí thức, quân đội, công an, đến những người dân bần cùng chỉ biết làm lụng để nuôi con và đóng thuế:
Câu hỏi 1: Chúng ta có muốn con cái được dạy dỗ bởi nền giáo dục của Việt Nam hiện nay hay không?
Câu hỏi 2: Chúng ta muốn con cái được đến học tập ở những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới hay muốn chúng được học 1 nền giáo dục tiên tiến ngay trên quê hương mình?

Thành Lê TVN
Facebook