Bùi Bảo Trúc
Danh
từ "trẻ trâu" xuất hiện ở Việt Nam cách đây không lâu. Hai chữ này được
dùng để mô tả những thiếu niên hư hỏng, ăn nói vô giáo dục, thô tục, mở
miệng là chửi thề bằng những ngôn từ hết sức dơ bẩn, độc ác và tục tĩu,
sẵn sàng tung chưởng giao chiến dữ dội ở bất cứ mọi nơi, trong lớp,
ngoài đường. Những thành phần này xuất hiện rất nhiều ngay sau khi miền
Nam đổi chủ với những đợt bộ đội, cán bộ cùng gia đình và đám dân từ
miền Bắc kéo vào. Chúng gây kinh hoàng trong các lớp học ở miền Nam, cả
tiểu học lẫn trung học. Không chỉ những thành phần nhỏ tuổi, mà luôn cả
các sinh viên đại học, kể cả các giáo sinh sư phạm ở Hà Nội cũng ăn nói
cùng một loại ngôn ngữ như thế. Chính báo chí trong nước, từ những năm
70 kể cả tờ Nhân Dân cũng lớn tiếng phàn nàn nhiều lần.
Danh
từ trẻ trâu được cho vào tiếng Việt chắc là để thay cho hai chữ cao bồi
đã được du nhập vào tiếng Việt từ những năm 1950 ở Hà Nội, rồi cao bồi
lô canh nghĩa là cao bồi nội địa chứ không phải là những anh chăn bò
trong các phim kể chuyện miền viễn tây nước Mỹ. Thực ra những thứ gọi là
cao bồi lô canh hồi đó cũng không mất dậy và khốn nạn như bọn trẻ trâu
hiện nay. Nhiều lắm thì cũng kiếm cái áo sơ mi ca rô mặc vào, tay khuỳnh
khuỳnh ăn nói hơi du côn một chút là cùng.
Trẻ
trâu thì dữ dằn hơn nhiều. Bọn này thường tuổi tác khoảng 9 hay 10 tuổi
cho đến 14 hay 15, bé thì không còn bé nữa, mà lớn thì cũng chưa lớn
hẳn. Nhưng mức độ mất dậy thì đúng là không đợi tuổi. Gọi chung chúng là
"trẻ trâu" vì chúng bị coi là những đứa trẻ thất học hư đốn, mất dậy
như bọn chăn trâu chăn bò vậy. Thế là chú bé mục đồng của bài tập đọc
trong bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư mà ai cũng yêu quí bỗng nhiên bị làm bẩn
đi rất nhiều vì hai chữ trẻ trâu ngày nay ở trong nước.
Với
sự phổ biến ngày càng rộng rãi của những chiếc điện thoại di động, hình
ảnh, ngôn từ của chúng được đưa đi khắp nơi chỉ trong tích tắc. Vào
internet, đánh những chữ "trẻ trâu đánh nhau" là người ta có thể xem
hàng mấy chục video clip thu lại cảnh chửi bới, đánh nhau kinh hoàng của
chúng.
Những
vụ đánh nhau như thế diễn ra gần như ở khắp nơi, không chỉ ở vài ba
vùng nam hay bắc. Chỉ cần nghe những câu chửi bới của chúng là có thể
biết chúng là người vùng nào ngay. Chúng dùng những đòn độc để đánh
nhau: túm tóc, đá đạp vào mặt, vào bụng, nhắm những chỗ hiểm, ghì đầu
xuống, lên gối... Trong những vụ bạo hành đó, người ta thấy đa số các
bên là giữa các trẻ gái, ăn mặc sạch sẽ rất thời trang và gần như luôn
luôn có cảnh xé quần áo của nhau giữa những tiếng cổ võ của đám đông
đứng chung quanh. Đặc biệt là những đám đông đó rất ít khi can thiệp,
ngăn cản những vụ bạo động đó, trái lại chỉ đứng xem, cổ võ, xúi đánh
những đòn mạnh hơn, tụt quần áo của nhau và dùng điện thoại thu hình để
bỏ lên face book phổ biến rộng rãi. Ngay giữa Hà Nội, một ngôi trường đã
phải dựng bảng yết thị nói rõ là các học sinh không được cởi quần áo
của nhau. Điều này cho thấy những vụ xé quần áo của nhau rất thường xẩy
ra. Trong những vụ đánh nhau như thế, thành phần đứng xem phần lớn bao
giờ cũng là các nam sinh và rất ít khi bước vào can ngăn. Các trẻ gái
này vừa đánh vừa chửi những câu thông thường tưởng chỉ từ mồm miệng của
những người đàn ông tục tĩu xúc phạm mẹ của nhau.
Nguyên
do đưa tới những vụ bạo động ấy nhiều khi chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ ở
trong lớp, ở cửa trường. Và cũng còn cả những vụ tranh giành bạn trai
của nhau. Những vụ đánh ghen như thế diễn ra giữa những trẻ gái chỉ mới
11 hay 12 tuổi. Rất nhiều vụ đánh nhau diễn ra với sự tham gia của ba
bốn trẻ ở một bên nhắm vào một đối tượng hệt như cảnh đấu tố giữa sân
làng...
Xem
những video clip đó người ta không thể không thắc mắc chúng là những
thành phần như thế nào. Nhìn quần áo, giầy dép của chúng, người ta thấy
chúng là những đứa thuộc gia đình không đến nỗi túng thiếu. Có cả những
thứ hàng hiệu trên người của chúng. Một số còn đeo ở cổ những chiếc khăn
quàng đỏ. Biết đâu gia đình của chúng lại chẳng được coi là "gia đình
văn hoá" có gắn bảng ghi rõ ngoài cửa. Chúng có thể là những "cháu ngoan
bác Hồ" giao chiến ngay trong lớp, dùng bàn ghế đánh nhau trong khi
trên tường treo những tấm bảng kêu gọi chúng "học tốt theo gương đạo đức
của Hồ Chí Minh"...
Những
đứa trẻ trâu ấy vài ba năm nữa chúng sẽ thành niên và sẽ hội nhập vào
xã hội của người lớn. Lúc đó chúng sẽ là những người như thế nào?
Lại nhớ một câu trong Kiều:
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh...