18/12/15

Cộng Đồng: Thành Quả Lớn

18/12/201500:00:00
Nói gì thì nói, nhưng đứng trên phương diện chánh trị và xã hội học, thành quả lớn nhứt của người Việt tỵ nạn CS trong 40 năm qua, là Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại. Đó là một tập thể, một thực thể, một cộng đồng gần giống như cộng đồng quốc gia vậy. Một Việt Nam Hải Ngoại đối kháng với chế độ CS đang thống trị dân tộc VN, một cộng đồng quốc gia trong nước.

Đó là thành công xuất sắc nhứt, thành quả được đánh giá quan trọng nhứt. Đó là vốn quí, nhân tài vật lực mà Tổ Quốc VN “mong cho mai sau” để khôi phục, tái thiết, phát triển nước nhà VN khi CS Hà Nội sụp đổ. Các nước CS Đông Âu, Nga không có đối lực, tiềm năng này nên công cuộc phi cộng sản, dân chủ hóa, phục hồi kinh tế đất nước hơi chậm. Trong cái rủi quốc gia dân tộc sa vào gông cùm CS, có cái may. Trên hai triệu người thoát được ra ngoại quốc và thành lập nên một cộng đồng hải ngoại trong lòng văn minh Tây Phương với kinh tế phát triển tiền tiến, chánh trị tự do, dân chủ, khoa học kỹ thuật cao nhứt hoàn cầu. Cái gương đã thấy rõ. Cộng Đồng hải ngoại Trung Hoa, Ấn Độ, Cuba, nhứt là Do Thái ở Mỹ đã giúp cho nước nhà vô vàn tiến bộ. Cái mộng của Nguyễn Trường Tộ, của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, Tây Du, Đông Du đã thành hiện thực.


Không phải dễ gì một quốc gia nào đó có thể có được một cộng đồng ở hải ngoại trong lòng văn minh Tây Phương, nhứt là ở Mỹ như cộng đồng Việt Nam nay đã lên gần hai triệu người. Cần phải có một số lượng đông đủ nào đó mới thành một cộng đồng được. Thí dụ ở Mỹ phải trên hai ba triệu người, nên anh chị em đi trước trong cuộc di tản sau 30-4-75 ở Mỹ đã nỗ lực vận động nhiều Tổng Thống Mỹ tăng số lượng cho thuyền nhân, cho HO, cho ODP người Việt để đạt được túc số trở thành cộng đồng. Phải cần có một ý chí sống chung, một cảm nghĩ thuộc về, một mẫu số chung văn hóa, chánh trị, xã hội nào đó mới hội đủ điều kiện hình thành một cộng đồng sắc tộc tuy thiểu số nhưng thiểu số có ảnh hưởng trong xã hội đa nguyên, đa văn hóa Mỹ. Phải cần có một môi trường xã hội, một khung cảnh pháp lý thuận tiện nào đó, cộng đồng sắc tộc mới thành hình và phát triển được như cộng đồng người Việt định cư ở các nước Tây Âu, Bắc Mỹ và Úc Châu..

Tuy bây giờ cộng người Việt Hải Ngoại tại nhiều nơi chưa thành một cộng đồng tổ chức “thống nhứt” kim tự tháp như nhiều người mong mỏi, nhưng đã “thuần nhứt” qua liên kết nhau theo chiều ngang trong nhiều vấn đề, nhứt là trong các lễ hội truyền thống, đấu tranh chánh trị chống CS, đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN. Cộng đồng người Việt đang hoạt động với nhau theo tinh thần giống như liên bang của Mỹ. Washington DC, Liên xô khi xưa, Trung Cộng bây giờ có thể tấn công phá hoại, nhưng các tiểu bang California, Texas, Oregon, Arkansas vẫn còn chánh quyền và sẽ kết hợp lại, chánh quyền Liên bang vẫn sống với các tiểu bang, để phối hợp quét sạch quân xâm lược và trả đũa kẻ thù ngay tại quốc gia họ. CS Hà Nội có thể móc nối một số người Việt mất gốc nào đó ở thành phố nào đó, nhưng cộng đồng các nơi sẽ la lên, tiếp viện loại được thành phần ung thúi này đi. Đúng, cộng đồng người Việt hải ngoại có chia rẽ, có chống đối, nhưng chỉ trên phương diện cá nhân, chớ không trên phương diện cơ cấu, đường lối chiến lược chánh trị, nói chung. Nói khác, có khác biệt trong chiến thuật nhưng không trong chiến lược.

Xét quá trình thành lập, cộng đồng người Việt Hải Ngoại là một cộng đồng tự nguyện muốn sống chung, một yếu tố, theo sử quan mới, còn quan trọng hơn lãnh thổ, chánh quyền nữa. Người Việt Hải Ngoại tự đến với nhau, tự nguyện, tự khởi hợp đoàn, thúc đẩy bởi khối óc và con tim Việt, như “Chim Việt đậu cành Nam” vậy. Hoàn toàn không có Chánh Phủ Lưu Vong hay tổ chức nào qui tụ. Việc hình thành thường ngoài ý muốn của quốc gia cho định cư thường muốn trộn di dân chung lộn với người sở tại để thúc đẩy tiến trình hòa nhập sâu sát, nhanh chóng hơn. Còn người Việt Hải Ngoại đi trước hướng dẫn người Việt đi sau. Người Việt đi sau lôi cuốn người Việt sắp tới. Và từ đó, bất cứ nơi nào có người Việt định cư là có tổ chức thành tập thể, thành cộng đồng.

40 năm sau, chỉ hơn một thế hệ xã hội học thôi, non nửa đời người thôi, bất cứ nơi nào có cộng đồng người Việt là có các tổ chức chánh trị, hội đoàn, văn hóa, xã hội ngoại vi, thân hào nhân sĩ vừa là đối tượng vừa là chủ thể của cộng đồng người Việt Hải Ngoại.

Đáng kính phục thay những người bỏ công bỏ của riêng, “ăn cơm nhà ra vác ngà voi hành tổng” để phục vụ cộng đồng. Khen thì ít, chê lại nhiều, nhưng tinh thần cộng đồng trong tim óc vẫn mạnh hơn những lời ra tiếng vào vốn phải có trong sinh hoạt tập thể. Lòng can đảm của những người Việt ra gánh vác việc cộng đồng, cao quí như lòng can đảm của người mẹ nuôi con. Có thể nói lớn hơn lòng can đảm của một chiến sĩ xông pha ngoài mặt trận. Người chiến sĩ chỉ cần can đảm khi xung phong nhưng người làm việc cộng đồng và người mẹ phải can đảm liên tục lắm mới chịu đựng được những lời phê bình liên tục, mới không ngã lòng để hy sinh liên tục trong vô vàn công việc chung không tên hàng ngày.

Giá trị của cộng đồng và các đoàn thể người Việt Hải Ngoại rất lớn trong công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền cho hơn 90 triệu đồng bào đang sống dưới gót giày của CS Hà Nội. Quốc tế vận của người Việt Hải Ngoại đã đem lại những kỳ tích làm ngạc nhiên nhiều cộng đồng bạn. Tại Mỹ, tính đến năm thứ 40 đã có cả chục tiểu bang, hàng trăm quận hạt, 6 thành phố chánh thức công nhận quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ được treo ngang hàng với quốc kỳ Hoa Kỳ tại các cơ quan hành chánh, trong các trường học, cũng như trong các lễ hội. Nhưng đơn vị hành chánh là nơi sống và làm việc của phân nửa dân số Mỹ.

CS Hà Nội từng bị liệt vào 1 trong 8 nước cần phải quan tâm đặc biệt vì lý do đàn áp tôn giáo. Nhân quyền VN đã đi vào Lập Pháp, Hành Pháp Mỹ và một số nước Liên Âu và Úc. Nhân quyền VN, mục tiêu đấu tranh, quốc tế vận của người Việt Hải ngoại là trở ngại hàng đầu trong ngoại giao của CS Hà Nội. Như lời Thứ Trưởng Ngoại Giao CS Hà Nội, Nguyễn Đình Binh, hồi tháng 6 năm rồi, nói tại trụ sở Ngân Hàng Thế Giới, “Hiện nay có hai vấn đề nổi cộm và xúc phạm không thể chấp nhận được, và đã cản trở sự phát triển quan hệ với Hoa Kỳ. Đó là dự luật Nhân Quyền và sự kiện một số thành phố hay thị trấn của Hoa Kỳ đã đưa ra nghị quyết công nhận cho treo cờ 3 sọc của chế độ thân Mỹ từ 28 năm qua vẫn còn tồn tại”.

Được thế là nhờ cộng đồng VN vận dụng một cách hữu hiệu việc hội nhập vào dòng chánh kinh tế, chánh tri, quân sự, giáo dục. Tại Mỹ nơi đông người Việt định cư nhứt thế giới, kinh tế tài chánh sở hữu của người Việt thừa sức phục hồi nền kinh tế nước nhà khi CS sụp đổ. Người Việt đã từng đi vào Quốc Hội liên bang, tiểu bang, ngồi ghế Thứ Trưởng Bộ Liên bang, chủ nhiệm bộ môn đại học, làm tướng lãnh Mỹ đứng chỉ huy điều động đoàn Thủy Quân Lục Chiến thiện chiến và Hạm trưởng Hải Quân. Lá phiếu người Việt chưa tự làm ra được một tổng thống, một nghị sĩ, dân biểu liên bang nhưng đã biết liên kết làm thành giọt nước tràn thắng cử cấp liên bang. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học Mỹ ngang hàng với người Mỹ Trắng. Kiến thức khoa học kỹ thuật người Việt qua dư để tái thiết nước nhà.

CS Hà Nội khan cổ kêu gọi đầu tư, mời mọc chất xám, chiêu dụ khúc ruột ngàn dặm của quê hương. Nhưng vô ích, về chơi thì có, bỏ chút tiền cho bà con làm thì có, chớ làm việc cho CS thì không. Vì đại đa số đều nhớ nguồn gốc, thân phận của cộng đồng người Việt Hải Ngoại là tỵ nạn CS, là người Quốc Gia, yêu tự do, dân chủ vốn là khắc tinh của CS Hà Nội độc tài, đảng trị toàn diện. Mục tiêu cuối cùng, cứu cánh sau rốt vẫn là giành lại tự do, dân chủ cho đồng bào trong nước./.(Vi Anh)

nguồn: https://vietbao.com/a246902/cong-dong-thanh-qua-lon