18/12/15

Nước không lo giữ, chỉ sợ mất đảng, hết quyền

Phạm Trần (Danlambao) - Chuyện đang râm ran cuối năm 2015 ở Việt Nam là ai cũng muốn biết mặt mũi kẻ đã tung ra chiến dịch chống đòi đảng Cộng sản chấm dứt độc quyền lãnh đạo và từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản để đoàn kết dân chống đe dọa đô hộ từ Trung Quốc.
Các bài viết được phối hợp bởi Ban Tuyên giáo và Hội đồng Lý luận Trung ương. Ủy viên Bộ Chính trị khóa đảng XI, Đinh Thế Huynh là người đứng đầu cả hai tổ chức tuyên truyền này. 
Đôi khi Tổng cục Chính trị Quân đội cũng tham gia vào chiến dịch này. Do đó từ năm 2013, báo Quân đội Nhân dân của Bộ Quốc phòng đã đi tiên phong trong nhiệm vụ phản bác các quan điểm trái chiều với đảng. Các tác giả đã chỉ trích các lực lượng được họ gọi là “phản động”, “cơ hội chính trị”, “diễn biến hòa bình” và “các thế lực thù địch”, bao gồm cả các tổ chức chống đảng CSVN của người Việt Nam ở nước ngoài là những cá nhân và tổ chức chống đảng cầm quyền. 
Nội dung quan điểm của đội ngũ tuyên truyền Đảng được tập trung vào 2 điểm chính:
1.- Phải tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để làm nền tảng xây dựng đất nước. 
2.- Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác ngoài con đường xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Nhưng đảng lại không có tư liệu nào, dù nhỏ nhất, chứng minh nhân dân đã bỏ phiếu mời đảng lãnh đạo mình. 
Đây cũng chính là lập trường của đảng CSVN được ghi trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Trung ương XI sẽ trình ra trước Đại hội đảng XII, dự trù đầu năm 2016. 
Lập trường này không mới mà chỉ tái khẳng định quan điềm đã ghi trong “Cương lĩnh Xây dựng Đất nước Trong Thời kỳ Qúa độ lên Xã hội Chủ nghĩa Xã Hội”, nguyên thủy từ năm 1991 được bổ sung và phát triển rộng thêm năm 2011 tại Đại hội đàng XI. 
Lý luận hoang tưởng
Trong Cương lĩnh, được coi như Hiến pháp của đảng, Ban Tuyên giáo và Hội đồng Lý luận Trung ương đã lý luận giáo điều, bảo thủ lạc hậu, và chậm tiết rằng: “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản.” 
Nhưng quyết định bằng cách nào thì Cương lĩnh giải thích: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.” 
Trên thế giới chỉ còn lại 4 nước đi theo chủ nghĩa Cộng sản gồm Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba. Nhưng Trung Hoa đưa ra “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, coi đó là món đặc sản riêng dựa trên lý thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông. Việt Nam thì ỡm ờ với thứ chế độ theo Cộng sản nhưng núp dưới chiêu bài gọi là “để tiến tới”, hay “qúa độ lên Xã hội Chủ nghĩa” bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. 
Từ ngày khối Cộng sản tan rã từ 1989-1991, không có bất cứ nước nào trên thế giới chạy theo chủ nghĩa Cộng sản để thiết lập nhà nước Xã hội chủ nghĩa. Do đó, Cương lĩnh của đảng CSVN chỉ là tờ giấy có chữ nghĩa không tưởng, vô vọng và hão huyền. 
Không ai trong đảng CSVN, kể cả các Tổng Bí thư đã dám cam đoan đến bao giờ thì nhân dân Việt Nam được sống trong xã hội lý tưởng như đảng đang mơ trong giấc ngủ li bì. 
Hồi tháng 10 năm 2013, Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.” 
Nói như thế là phiêu lưu vô định hướng như người mù quờ quạng trong đếm tối. 
Bắc Hàn thì tiếp tục độc tài, nghèo nàn và lạc hậu trong khi Cuba chuẩn bị sang trang với quyết định bình thường quan hệ ngoại giao với Mỹ sau 50 năm chia cách và chịu cải thiện xã hội. 
Những “nhà lý luận của đảng” tiếp tục cù nhầy nói rằng mục tiêu của chế độ Xã hội Chủ nghĩa của Việt Nam là làm cho “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, nhưng họ lại không bào chữa được tại sao sau 30 năm đổi mới mà Việt Nam vẫn chưa làm nổi con ốc vít, vẫn ì ạch trong số các nước đứng cuối bảng về lợi tức đầu người; không tự chủ được kinh tế nên vẫn phải lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc để tồn tại; người dân không có các quyền dân chủ như quy định trong Hiến pháp; thiếu công bằng xã hội và lạc hậu hơn nhiều nước trong khu vực. 
Số người giầu ở Việt Nam tập trung vào những cán bộ, đảng viên biết tham nhũng, biết sử dụng chức vụ và quyền hành đề làm giầu và những người có cơ hội biết sống và doanh thương theo cơ chế. 
Đại đa số nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn sâu và vùng xa vẫn sống nghèo từ đời này qua đời nọ. 
Đạo đức cán bộ đi xuống, luân thường đạo lý đảo ngược, tội phạm xã hội và các tệ nạn ma túy, mại dâm, băng đảng tăng cao mỗi năm. 
Như thế mà Nguyễn Nhâm vẫn có thể ngụy biện trên Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận của đảng CSVN, rằng: “Để xây dựng đất nước theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Việt Nam không có con đường nào khác ngoài con đường xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội đích thực vẫn là tương lai của nhân loại, vẫn là xã hội thay thế chủ nghĩa tư bản hiện đại; vì chủ nghĩa tư bản hiện đại tuy có một số ưu điểm, thành tựu nhưng không thể khắc phục được quy luật vốn có của lịch sử mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra.” (TCCS, 6/11/2015 
Tác giả còn mơ màng nói rằng: “Ngày nay, khi mà nhân loại đang tiến tới thời đại kinh tế tri thức thì những tiêu chí của chủ nghĩa xã hội có nhiều cơ sở để trở thành hiện thực; mặc dù, thời gian có thể phải nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm. Thực tiễn trên đây cũng là cơ sở để lý giải về mối quan hệ gắn kết giữa yêu nước với yêu chủ nghĩa xã hội. Sự khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản hiện đại, sự “trở về” của nhân loại với học thuyết Mác - Lê-nin đang làm cho vấn đề “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” không chỉ là bài học lịch sử mà còn là yêu cầu khách quan của cả hiện tại và tương lai.” 
Tương tự, Tác giả Trần Văn Kim viết trên báo Quân đội Nhân Dân ngày 14/12/2015: “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng mà toàn Đảng, toàn quân cũng như mọi người dân Việt Nam đã và đang kiên trì, bền bỉ, quyết tâm thực hiện cho bằng được. Sẽ không có khó khăn, thách thức nào, không có thế lực chống đối nào có thể ngăn cản chúng ta thực hiện lý tưởng cao đẹp đó, bởi vì, đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.” 
Loại lập luận tầm phào-ba láp này đã đóng góp vào tình trạng hoang mang, mất định hướng và bỏ hàng ngũ của một số trong nhỏ cán bộ đảng viên đã được Bộ Chính trị nhìn nhận trong 2 nguy cơ mới là “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”. 
Hồi 1994, tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (20-25/1/1994), đảng đã nhìn nhận Việt Nam đang phải đối phó với 4 nguy cơ trước mắt là: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. 

Báo cáo chính trị nói hết 
Giờ đây 21 năm sau, ngoài 4 nguy cơ vẫn tồn tại đảng còn chuốc thêm 2 nguy cơ đang làm lung lay đảng thì đã đủ để trả lời cho những lập luận “bảo hoàng hơn vua” của những cái loa tuyên truyền vô cảm của Tuyên giáo chưa? 
Những người này cũng nên biết tại sao Dự thảo báo cáo Chính trị tại Đại hội XII đã viết: “Công tác bảo vệ chính trị nội bộ có mặt còn hạn chế. Chưa nắm và giải quyết tốt vấn đề chính trị hiện nay, trong khi những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Không ít cán bộ, đảng viên có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên.” 
Ngoài ra, khi họ chỉ biết cúi đầu xuống cát để bênh vực chế độ thì họ lại quên đi những việc làm hại dân, phá hoại đất nước của các đảng viên xấu. 
Bằng chứng này không cần tìm đâu xa. Dự thảo Báo cáo chính trị đã viết: “Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chưa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu, yêu cầu. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ.” 
Nói vế nhân sự đảng, Dự thảo viết: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trước nhân dân…Còn có biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít chậm được khắc phục.” 
Theo báo Tiền Phong thì báo cáo của nhà nước cho biết năm 2015, các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại gần 1 nghìn tỷ đồng, 10 nghìn m2 đất, nhưng chỉ thu hồi được hơn 500 tỷ và gần 3 nghìn m2 đất. 
Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ giải thích với Tiền Phong: “Tỷ lệ thu hồi tài sản năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên kết quả đạt được vẫn còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của công tác PCTN và kỳ vọng của nhân dân.

Nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố chủ quan như: 

- Một số quan điểm, chủ trương của Đảng về thu hồi tài sản tham nhũng chưa được thể chế hóa kịp thời; các quy định của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng phần lớn mang tính nguyên tắc, quy định trách nhiệm của từng cơ quan và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chưa rõ ràng; việc nội luật hóa các quy định về thu hồi tài sản theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng còn chậm. 

- Cơ chế kiểm soát tài sản, kiểm soát thu nhập, quản lý các giao dịch về tài sản còn bất cập. Hệ thống đăng ký tài sản chưa phát triển. Giải pháp minh bạch tài sản, thu nhập nhằm phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp. 

- Công tác phát hiện tham nhũng còn hạn chế, không kịp thời. Không ít trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng chưa chú ý, không kịp thời áp dụng các biện pháp tư pháp, biện pháp khẩn cấp tạm thời: kê biên, tạm giữ, cấm dịch chuyển tài sản, phong tỏa tài khoản của bị can, bị cáo, tổ chức có liên quan v.v... 

- Việc xác định tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng hoặc bị thiệt hại do tham nhũng trong nhiều vụ việc rất phức tạp. Nhiều vụ còn có trở ngại từ công tác giám định tư pháp.” 
Cười ra nước mắt
Liên quan đến chuyện kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, nhất là các cấp lãnh đạo và có trách nhiệm liên hệ đến các cơ chế làm ra tiền, đóng thuế, cửa khẩu, ngân hàng, đất đai v.v... thì ở Việt Nam thời Cộng sản có nhiều chuyện cười ra nước mắt. 
Một trong nhưng mẩu chuyện được ông Ngô Mạnh Hùng, phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), nêu lên tại hội thảo quốc tế “Xây dựng thiết chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn” do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức tại Quảng Ninh ngày 10/12/2015. 
Báo Tuổi trẻ ghi lại lời ông Hùng kể về một trường hợp cụ thể là ông Nguyễn Văn A (không phải tên thật) cho biết: "Đầu tiên ông này kê khai tài sản gồm có 3 căn nhà, 1 ôtô, thu nhập 360 triệu đồng/năm. 

Sau khi có đơn tố cáo, cơ quan chức năng yêu cầu kê khai bổ sung, ông này kê khai thêm hai tài sản lớn hơn là một căn nhà ở quận 2, TP.HCM diện tích 539m2 và một mảnh đất tại quận 9 có diện tích 10.000m2 mua cùng bạn. 

Tiếp tục được yêu cầu kê khai bổ sung lần thứ hai, ông kê thêm 6 thửa đất ở quận 9 (trong đó có 2 thửa vừa chuyển nhượng cho người khác) và một thửa đất ở quận 2. 

Cơ quan chức năng xác minh thì thấy ông này còn có thêm 9 thửa đất khác tại quận 9 và quận 2 với tổng diện tích khoảng 15.000m2 và tổng cổ phiếu nắm giữ gần 24 tỉ đồng.” 
Tuổi Trẻ viết tiếp: “Ngạc nhiên hơn, khi ông Hùng cho hay dù ông A nhiều lần không trung thực, kê khai tài sản không đúng nhưng hình thức xử lý với ông này chỉ là "khiển trách về Đảng". Sau vụ việc, cũng không một cơ quan nào xác minh dòng thu nhập ra, vào, cũng không thấy một cơ quan nào thanh tra xem việc thăng tiến, chức vụ, quan hệ ông này ra sao.” 
Tài sản công dần trở thành tài sản tư 
Tham gia phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Quyền - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho hay: “Trong khi ở VN kiểm soát thu nhập yếu, khi kê khai thường không có gì. "Chẳng ai dại gì mà kê khai xe hơi xịn hàng chục tỉ, mua nhà hàng trăm tỉ. Người ta nói con đường đi lên của các đại gia ở VN gần giống như con đường đi lên của các đại gia ở Nga thời hậu Xô viết, đó là con đường những tài sản công dần trở thành những tài sản tư thông qua cổ phần hóa, tham nhũng” 
Cũng tại Hội thảo này, nhiều tham dự viên than phiền rằng, khi khai thì Bộ trưởng nói không có gì nhưng vợ con lại chi tiêu tiền tỷ, có nhiều tài sản thì họ lại không nằm trong diện bị điếu tra nên tham nhũng bị phân tán dễ dàng. 
Chế độ như thế thì dân phải đói nghèo và bị bóc lột là chuyện đã xảy ra cho nên cần phải thay đổi để cứu nước, an dân. Một cách cụ thể nhất là đảng CSVN phải biết đặt quyền lợi tối thượng của đất nước lên trên quyến lợi đảng để từ bỏ độc quyền lãnh đạo, trả lại quyền làm chủ đất nước cho dân. 
Việt Nam cần có một Nhà nước mới dân chủ do dân lập ra và biết tôn trọng mọi quyền tự do cơ bản của công dân như Hiến pháp năm 2013 đã viết. 
Trước thềm Đại hội đảng XII, nhiều khối tranh đấu và trí thức trong nước đã lên tiếng khuyên đảng hãy vì quyền lợi tối cao của đất nước mà thay đổi để cứu nước và đoàn kết toàn dân trước nguy cơ đô hộ của Trung Quốc. 
Nhưng ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chống lại. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 13 ngày 14/12 (2015), ông Trọng tiết lộ trong số những ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện đảng XII “Cũng có những ý kiến chưa tán thành hoặc chưa nhất trí cao một số nội dung cụ thể.” 
Ông nói: “Cá biệt, có ý kiến đề nghị Đại hội XII của Đảng thay đổi Cương lĩnh và Điều lệ Đảng, đi ngược lại quan điểm, đường lối cơ bản của Đảng đã được khẳng định tại Cương lĩnh của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013.” 
Sau đó, ông kêu gọi các Ủy viên Trung ương 11 hãy: “Bày tỏ chính kiến đối với những ý kiến sai trái, đi ngược lại quan điểm, đường lối cơ bản của Đảng. Từ đó, xem xét thông qua toàn văn Báo cáo chính trị và Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XII của Đảng.” 
Như thế là ông Trọng đã đứng về phe Tuyên Giáo, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tổng Cục Chính trị Quân đội để tiếp tục bảo vệ chế độ theo chủ nghĩa Cộng sản và bảo vệ quyền cai trị độc tôn cho đảng. 
Ông Trọng đã đặt quyền lợi của thiểu số trên 3 triệu Đảng viên lên trên quyền lợi thiêng liêng và tối thượng của 90 triệu dân. 
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói Tổ Quốc không phải của riêng ai, nhưng hành động của ông Nguyễn Phú Trọng đã coi đảng cũng là Tổ quốc nên đất nước lâm nguy là tất yếu. 
Việc này cũng đã được Phùng Quang Thanh, Đại tướng Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trường Quốc phòng nói tại Quốc hội ngày 22/10/2015: “Nếu mà mất Đảng, mất chế độ thì biển đảo cũng mất.” 
Nhưng ông Thanh cũng đã biết dù đảng của ông còn sống mà Hoàng Sa đã nằm gọn trong tay Trung Quốc từ tháng 1/1974 và 7 đảo và bãi đã của Việt Nam ở Trường Sa cũng đã bị quân Trung Quốc đánh chiếm từ ngày 14/3/1988. 
Trong khi đó ngư dân Việt Nam tiếp tục bị hải quân Trung Quốc tấn công, đánh đập và tích thu tài sản khi đánh bắt ở Hoàng Sa và Trường Sa thì ông Phùng Quang Thanh ở đâu, làm gì mà không dám hé răng? 
Trung Quốc cũng đã cải tạo các khu chiếm được của Việt Nam ở Trường Sa để xây căn cứ quân sự đe dọa an ninh Việt Nam bây giờ và mai sau mà ông Thanh vẫn hớn hở nói trước Quốc Hội: “Về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý vẫn bảo vệ tốt, không ai xâm phạm được, các điểm đóng quân của ta ở quần đảo Trường Sa vẫn được đảm bảo, không mất điểm nào. Khu vực thềm lục địa, chúng ta có các nhà giàn dầu khí, vẫn đảm bảm tốt. Ta có sửa chữa, nâng cấp, cải tạo mới thêm một số nhà giàn. Góp phần đảm bảo giữ chủ quyền, không để cho nước ngoài đến đóng xen kẽ vào… 

Chúng ta đảm bảo chủ quyền trên biển, các hoạt động kinh tế như mấy chục giếng khoan dầu vẫn hoạt động tốt, chúng ta bảo vệ để không giếng nào bị ngừng hoạt động. Khai thác nghề cá của ngư dân không bị ảnh hưởng, trong 200 hải lý thì bà con vẫn đánh cá bình thường, những âu tàu mà chúng ta làm được càng khuyến khích ngư dân bám biển, kết hợp với bảo vệ chủ quyền. 

Quản lý trên biển đã giữ được hòa bình, ổn định, trên thực địa thì phải bảo vệ rất quyết liệt nhưng tuyệt đối không dùng vũ lực, đúng với quy định của luật pháp quốc tế.” (báo Tuổi Trẻ, 20/10/2015) 
Nói như thế là ông Thanh đã chấp nhận “giữ nguyên trạng” tình hình ở Biển Đông để thừa nhận quyến làm chủ của Trung Quốc ở Hoàng Sa và một phần Trường Sa. 
Quốc hội Việt Nam, những người mang danh đại biểu của dân mà không biết cái ý thâm độc “nối giáo cho giặc” của ông Phùng Quang Thanh hay sao mà chưa thấy ai lên tiếng? 
Như vậy rõ ràng là Đảng, quân đội và nhà nước CSVN đã không dám đấu tranh giành lại chủ quyền toàn vẹn ở Hoàng Sa và Trường Sa, dù bằng biện pháp hòa bình là kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế như Phi Luật Tân đã làm thì đảng và chế độ này có đáng tồn tại không, hay cứ vô cảm để vô ích? -/- 
(12/015)