Nguyễn Dư (Danlambao) - Đặt
ra câu hỏi này cũng để trả lời: chắc chắn là không. Bởi lẽ, tham nhũng
chập chờn giống như cái bóng ma lúc ẩn lúc hiện, hư hư thực thực, muôn
hình vạn trạng, biến hóa đủ mọi chiêu trò. Có hàng ngàn, thậm chí hàng
vài trăm ngàn hình thức tham nhũng khác nhau. Thế thì làm sao mà chống!?
"Tham nhũng", lúc đầu bắt nguồn từ nền văn hóa lâu đời của dân tộc; nó là lễ nghĩa trong cách xã giao; là "bánh ít đi thì bánh quy lại" (biếu xén). Đôi khi, người có của, kẻ có quyền thế thì đền đáp cho người có công, kẻ ơn, người chịu. Hoặc là: "ông đưa chân giò, bà thò chai rượu".
Những thứ trao đổi vừa nêu, thoạt nhìn người ta cứ tưởng như bất vụ
lợi, nhưng thật ra đàng sau nó chất chứa một ẩn số có tính toán. Bởi lẽ,
"của biếu là của lo, mà của cho là của nợ"; nó là hình thức đền ơn, đáp nghĩa; là "nét đẹp" ngàn đời trong nền văn hóa... hối lộ và tham nhũng ở nước ta.
Nhưng đến thời cộng sản, vì một hệ thống lãnh đạo tồi, dốt nát, cố chấp,
tự cao, tự mãn không chịu lắng nghe, cho nên dẫn theo nhiều sai lầm một
chuỗi dài trong cái nghèo đói sau chiến tranh, do đó tham nhũng và đưa
hối lộ càng ngày càng có cơ hội nảy nở và biến tướng "sau công cuộc đổi
mới" của đảng. Họ bừng tỉnh, biết phải làm gì lột xác để sống còn. Cán
bộ, công an, quân đội được làm ăn tự do, nạnh ai nấy "thi đua, phấn đấu
lao động tốt", lấy của công trao đổi, sang nhượng, chia chác, biếu xén,
biến hóa (như ảo thuật) một cách khá tinh vi. Họ còn kêu gọi các đảng
viên phải đoàn kết, đồng thuận, nhất trí cao; giới thiệu cảm tình đoàn
đảng kể cả làm lơ cho các đồng chí lôi kéo gia tộc vào các cơ quan công
quyền có chỗ ngồi béo bở. Đoàn kết, nhất trí, đồng thuận theo cái kiểu
của họ là chết... mẹ dân đen!
Hàng chục năm trước đây, nhà cầm quyền cộng sản đưa ra quy định biếu
xén, quà cáp để kiểm soát tham nhũng, nghe bàn cãi rân trời, cuối cùng
thì tất cả rơi vào im lặng. Làm sao mà quy định cho được! Giá trị là bao
nhiêu mới được phép và cấm trong việc biếu xén!? Rồi ai kiểm soát ai?
Chẳng lẽ biếu xén là "nét đẹp" văn hóa trong cách xã giao mà cũng bị soi
mói, bị cấm tiệt luôn sao!?
Thế rồi đến việc kê khai tài sản, việc làm này cũng bàn cãi không ít.
Lúc đầu cũng làm rầm rộ lắm. Trước đó, những người tham nhũng có chức có
quyền đã phòng thân, đánh hơi nên cũng đã biết được đường đi nước bước,
tẩu tán tài sản rồi. Cho đến khi đưa ra quy định kê khai tài sản lại
làm cho cái đám sâu dân, mọt nước lúc nhúc nhởn nhơ, bảo ban nhau có
kinh nghiệm hơn, nên lèo lách tẩu tán càng thành thạo hơn.
Như thế cho nên nhà cầm quyền cộng sản đành bó tay trong hai kế hoạch gọi là "quyết tâm phòng chống tham nhũng". Đến bây giời thì hết thuốc chữa. Chỉ còn lại một cách duy nhất là "vạch lá tìm sâu"
trong một đám rừng tham nhũng và đưa hối lộ dày đặc. Rồi thì hiện nay
nó đã trở thành một nét... "văn hóa" méo mó, không còn khả năng kiểm
soát, làm nhơ nhớp thêm bộ mặt của chế độ.
Tách riêng ra hai động từ gọi là tham và nhũng: "tham" là lòng tham ít
nhiều trong mỗi con người; còn "nhũng" là nhũng nhiễu, hay gọi cách khác
là "đòi" người khác bằng nhiều hình thức kể cả ẩn ý để phục vụ lòng
tham cho bản thân.
Tham nhũng không chỉ đơn thuần là bằng tiền bạc, mà có cả những cái
trong đó còn đẻ ra nhiều thứ có giá trị, hưởng lộc được về lâu về dài
nhiều hơn.
Trưng ra một vài thí dụ: là mới đây, theo lá thư Nguyễn Tấn Dũng gởi cho
Nguyễn Phú Trọng và bộ chính trị thì ông Dũng mạnh miệng chối bay chối
biến là ông không tham nhũng. Con ông được tổ chức đảng có thẩm quyền
bầu vào các vị trí chứ ông không có chi phối (đòi) nào trong vấn đề này.
Địch thủ tố cáo ông chỉ nói khơi khơi mà không đưa ra được bằng chứng
nào cụ thể. Bằng chứng đâu mà đưa! Nó là một thế lực ngầm, ai dám đụng
đến và đứng ra làm chứng! Quật ngược lại, ông Dũng còn gọi họ là vu
khống.
Nếu biết rõ ai "vu khống" ông thủ tướng, thì chắc tội sẽ còn nặng hơn
bảy năm tù dành cho hai bao cao su của Cù Huy Hà Vũ. Hay nặng hơn, là
cái giá phải trả như Nguyễn Bá Thanh cũng không chừng.
Thế thì, xin hỏi: ông Nguyễn Tấn Dũng có tham nhũng không? Theo như
những dẫn chứng ở trên, thì rõ ràng ông Dũng là một người tham nhũng.
Nếu không tham nhũng thì tại sao cả ba đứa con ông đều ngồi trong chức
vụ cao béo bở? Trong cái xã hội nhiễu nhương như hiện nay ở Việt Nam,
không thể nói chuyện bầu bán hay bằng cấp được nữa, bởi nó không có giá
trị công bằng đối với mọi công dân. Người ta chỉ muốn ông Dũng đừng
quanh co; chỉ cần chứng minh khả năng của ba đứa con đang ngồi trong vị
trí đó thôi. Không chứng minh được, tức là ông đã tham nhũng.
Như ông Nguyễn Tấn Dũng, DM họ Nông, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Minh Triết,
Nguyễn Sinh Hùng... nói chung các lãnh đạo đầu sỏ trong bộ chính trị từ
thời còn chiến tranh đến giờ, có ai dám thật lòng kê biên tài sản của
mình ra đâu, cái gì họ cũng lo giấu giấu giếm giếm như mèo giấu cứt; chỉ
dành mọi ưu tiên cho vợ con, người thân thuộc rồi đến các đồng chí thân
quen. Mà nếu có kê khai tài sản thì các đồng chí cùng cơ quan nhà ta
cũng đoàn kết, nhất trí cao là mọi người ai cũng như ai, hoàn toàn
đều... vô sản cả. Không có bằng chứng thì lấy đâu ra mà gọi họ là tham
nhũng cho được!
Xin nói thêm một đoạn, đại ý trong thư ông Dũng viết: Người ta tố cáo
ông là yếu kém trong quản lý, không có tầm nhìn chiến lược nên đưa ra
nhiều quyết định điều hành kinh tế sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng. Rồi
thì ông Dũng bào chữa, chối tội, nói rằng những kỳ họp ban chấp hành
trung ương, họp quốc hội nhiệm kỳ, tại sao không ai đưa ra phê bình,
kiểm điểm như đơn tố cáo vừa nêu. Cái ẩn ý của ông Dũng là phê bình,
kiểm điểm trước tập thể đảng thì là công khai, danh chính, ngôn thuận,
có giá trị; còn viết thư tố cáo ông với đảng bộ là nặc danh, ông không
công nhận. Nhưng, ở đây cái mà người ta cần biết, và ông Dũng cần phải
trả lời rõ ràng, là tố cáo như thế đúng hay sai? Tại sao ông lại cố
chấp, quanh co?
Chống tham nhũng hoặc là triệt tiêu mọi tệ nạn xã hội không phải làm một ngày hay một bữa; cũng không phải theo cách "bắt cua bỏ rọ"; cũng không cần học theo đạo đức hay bắt chước tư cách bất cứ một ai. Chống tham nhũng theo cái kiểu "lấy thúng úp voi"
rồi kết tội tham nhũng từ tử hình, giảm xuống còn chung thân, rồi từ
chung thân được ân xá. Nghe nói định cho ra đời một dự luật - người tham
nhũng trả lại một số tiền, tài sản thì sẽ miễn trách nhiệm hình sự- sao
mà nó giống như "buộc cẳng chim trời" quá! Lâu lâu bắt được một vài con như "chó ngáp phải ruồi" rồi thả. Tội nghiệp cho những người ngờ nghệch, hứa quyết tâm chống tham nhũng, họ tưởng rằng họ có thế "đội đá, vá trời"!
Nói cho các ông biết, muốn thật sự chống tham nhũng thì cần phải có một
thời gian dân chủ lâu dài, trong đó tự do ngôn luận qua nhiều thế hệ là
yếu tố tiên quyết cho việc phòng chóng tham nhũng. Có được như thế thì
đất nước mới công bằng, trong sạch, rồi thì sẽ mất dần mọi tệ nạn. Đó
mới là một đảng cầm quyền có một tầm nhìn chiến lược, cải tổ xã hội từng
bước. Như đường lối lãnh đạo -nghe nói cải tổ hoài- của đảng ta trong
suốt thời gian qua và cho đến tận bây giờ, rồi cứ tiếp tục như thế thì
chỉ có nước là từ... chết cho tới... bị thương mà thôi.
27/12/2015