Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Ngày
15/12/2015 luật sư Nguyễn Văn Đài bị bộ công an khởi tố và bắt giam với
cáo buộc "tuyên truyền chống phá nhà nước" theo điều 88 BLHS. Trước đó
gần chục ngày, 6/12/2012 ông cũng từng bị công an Nghệ An đánh đập dã
man sau khi tổ chức các khóa học phổ biến kiến thức về nhân quyền cho
người dân. Và gần chục năm trước năm 2007, sau khi tổ chức lớp học nhân
quyền cho sinh viên tại văn phòng luật sư Thiên Ân ông cũng đã bị kết án
5 năm tù giam, 3 năm quản chế với cùng tội danh trên. Xâu các sự kiện
trên lại có thể thấy hành vi "tuyên truyền chống phá nhà nước" của ông
Đài là đã phổ biến nhân quyền cho người dân. Tất nhiên đó là nhân quyền
phổ cập gồm những quyền con người ghi trong tuyên ngôn nhân quyền và các
công ước của quốc tế mà nhà nước cộng sản Việt Nam đã tham gia ký kết
chứ không phải thứ nhân quyền dởm, vì nếu không ông đã bị truy tố bởi
hành vi tuyên truyền lừa đảo.
Hành động đánh đập dã man và ngay sau đó lại bắt giam lần thứ hai một
luật sư nhân quyền vào đúng ngày nhân quyền quốc tế, ngày đang diễn ra
cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 5 Liên Âu - Việt Nam ở Hà Nội, sau khi
ký kết TPP chưa ráo mực như một thách thức với dư luận quốc tế vốn đang
quan tâm tới thực trạng nhân quyền ở Việt Nam. Ngay lập tức các hãng
thông tấn hàng đầu thế giới như Reuters, AFP, BBC World..., các tổ chức
phi chính phủ lớn nhất thế giới như Amnesty International, Human Rights
Watch..., Liên hiệp Châu Âu, chính phủ Đức, dân biểu Úc... và đặc biệt
cả Văn phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền Paris (VCHR) đã đồng
loạt lên án nhà nước cộng sản Việt Nam, yêu cầu phải trả tự do cho ông
Đài, kêu gọi Liên Âu hãy áp lực Việt Nam khẩn cấp cam kết sự cải tiến
nhân quyền.
Không chỉ ông Đài, theo thống kê của một tổ chức hoạt động nhân quyền
của quốc tế thì chỉ tính riêng trong năm 2015 (tới thời điểm ông Đài bị
bắt giữ) đã có tổng cộng 36 vụ tấn công bằng bạo lực của côn đồ, công an
mặc thường phục nhằm vào những người bảo vệ nhân quyền, dân oan và gia
đình họ ảnh hưởng tới 69 người trong số đó có cả những luật sư như ông.
Ngoài tấn công bằng bạo lực, công an còn bắt giữ tra hỏi tùy tiện ít
nhất là 28 người khác. Thống kê trên cùng với số lượng hàng trăm tù nhân
lương tâm gồm những người bất đồng chính kiến, đòi quyền con người, đòi
tự do dân chủ, dân oan, hiện bị giam giữ bởi những điều luật 79, 88,
258, gây rối trật tự công cộng,... hàng trăm cái chết oan ức trong đồn
công an trong vài năm gần đây, hàng vạn dân oan bị cướp đất ở khắp mọi
miền,... là những bằng chứng tố cáo sự vi phạm nhân quyền một cách có tổ
chức có hệ thống của nhà nước cộng sản Việt Nam. Các vụ vi phạm ngày
càng gia tăng về số lượng, mức độ khốc liệt và đối tượng nhằm cả vào các
luật sư chứng tỏ nhà nước cộng sản không hề muốn cải thiện nhân quyền.
Điều này chỉ có thể giải thích bằng quy luật: độc tài độc đảng và dân
chủ tự do là không thể song hành. Tâm địa thì như vậy nhưng họ lại rất
siêng năng hứa hẹn, cam kết về nhân quyền nhất là sau thời điểm trở
thành thành viên của Liên hiệp quốc, mở cửa hội nhập với thế giới.
Tuyên ngôn độc lập đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 lấy ý
tưởng từ tuyên ngôn độc lập của Mỹ có đề cao quyền con người.
Các hiến pháp đều đề cập tới các quyền tự do dân chủ.
Sau khi trở thành thành viên của Liên Hiệp Quốc, năm 1981 Việt Nam đã ký
kết công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, năm 1982
gia nhập công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội, năm
1991 là thành viên của công ước quốc tế về quyền trẻ em. Gần đây năm
2013 đã ký kết công ước chống tra tấn và đã vận động để được trở thành
thành viên hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc khóa 2014 - 2016.
Không khó để nhận ra: họ muốn quốc tế nhìn nhận, đánh giá Việt Nam là
quốc gia hội nhập, có tiến bộ về nhân quyền. Và đằng sau là những khoản
đầu tư, hợp đồng, viện trợ,... Những thứ mà đội ngũ "ăn của dân không từ một thứ gì"
dễ tham nhũng, đục khoét. Nhưng ngoại trừ những biện bạch, chối cãi, vờ
vĩnh sửa luật pháp khi nhận được các khuyến cáo của quốc tế, nhà nước
cộng sản không hề có bất kỳ một hành động cụ thể thiết thực để cải thiện
nhân quyền. Bởi vậy những hứa hẹn, cam kết xuông của họ chỉ để sơn phết
cho thực trạng nhân quyền tồi tệ. Tương tự như việc đánh bóng con cá gỗ
để xin nước mắm của ông thầy đồ xứ Nghệ trong truyền thuyết sau:
"Một thầy đồ Nghệ lên đường ra Bắc tìm nơi dạy học. Lên đường thầy
mang theo con cá gỗ. Thầy đã mất công nhiều ngày đêm để tạc con cá gỗ y
như cá thật. Thầy chỉ giắt trong lưng quần quan tiền để đi đường uống
nước. Đến buổi ăn, thầy vào quán bên đàng để ngồi nhờ xin bà hàng chút
nước mắm để ăn cơm nắm. Thầy tìm chỗ khuất, ngồi ăn. Cá gỗ được chạm vẽ
tinh vi, lại phết qua lớp sơn mỏng, bỏ vào bát nước mắm, ai trông thấy,
óng ánh như cá rán mỡ: đẹp mắt và ngon miệng. Cơm ăn hết, nước mắm vơi,
thầy lấy con cá chùi sạch cẩn thận, gói giấy lại, bỏ vào túi, rồi xin
chút nước tráng miệng. Đến giờ ăn khác, thầy lại vào hàng, nói với nhà
hàng để lại cho bát gạo và thổi hộ niêu cơm. Cơm chín, cá gỗ lại được
bày ra và thầy lại xin chút nước mắm. Cứ thế, cho đến nơi dạy học. Cuối
năm, khi về nhà, “cá gỗ” vẫn nguyên cá, và quan tiền dắt theo vẫn
“nguyên quan” vì có ai nỡ lấy tiền thầy, khi thầy xin chút nước tráng
miệng".
Khác nhau là:
Thày đồ đã kiên trì, khéo léo nhiều ngày đêm biến con cá gỗ thành con cá
thật trong con mắt nhà hàng và giả sử có bị phát hiện ra chắc chắn con
người nghèo khó, kiên trì, hà tiện vẫn nhận được sự thông cảm. Nhà nước
cộng sản Việt Nam với bản chất xảo trá tuy đã lừa được một số người
trong nước nhưng không lừa nổi quốc tế do đó thường xuyên bị lên án và
nhân quyền của Việt Nam luôn luôn ở vào tốp cuối trong bảng xếp hạng.
Thêm nữa, con cá của thầy đồ là con cá gỗ không ăn được. Còn thực trạng
nhân quyền Việt Nam tuy rằng "nặng mùi" như "cá thối" nhưng lại là món
"khoái khẩu" với nhà nước cộng sản. Bởi họ vẫn nhâm nhi nó thường xuyên
và thỉnh thoảng lại gật gù "...dân chủ gấp triệu lần..." trong suốt 70
năm qua. Tệ hơn, dù biết dân tình không ưa món này nhưng họ vẫn bắt
thường xuyên phải nếm, phải khen ngon, ai chống đối sẽ bị quy kết là các
"thế lực thù địch" và bị trừng phạt bởi hàng loạt các điều luật rừng.
21/12/2015