Trần Hoàng Lan (Danlambao) - ...Cũng
là những màn nâng bi thủ tướng nhưng điểm thú vị trong màn nâng bi của
ông Tuấn không hẳn ở chỗ đã đánh trúng tâm lý vọng ngoại của người Việt,
hay đã khéo léo đưa cả ba thủ tướng Đức, Nhật, Việt vào "cùng một rọ",
mà là nó như một hiệu lệnh mở màn cho hàng chục màn nâng bi khác - đồng
loạt, hồ hởi, tấp nập, rình rang... trên các báo nhà nước...
*
Trong tiếng Việt "nịnh" là động từ chỉ hành động "khen ngợi người trên
một cách quá đáng và hèn hạ để cầu lợi", còn "xu nịnh" chỉ kẻ "nịnh" và
"ưa nịnh" chỉ đối tượng mà kẻ nịnh nhằm tới để cầu lợi. Tuy không có
trong từ điển nhưng "nâng bi"(cùng nghĩa với nịnh) được dùng khá nhiều ở
thời điểm hiện tại nhất là vào mục đích châm biếm mỉa mai.
Nịnh thì thời nào cũng có nhưng khác nhau ở số lượng, cách thức hành
nghề của đội ngũ xu nịnh. Thời phong kiến, như một quy luật: triều đại
nào vua hiền thì lắm tôi trung, ít nịnh thần, triều đại nào vua hôn quân
vô đạo thì ít tôi trung và lắm nịnh thần. Đây là thời lạc hậu nên ngay
cả những nịnh thần nổi danh cũng chỉ biết mỗi chiêu nói khéo để lấy
lòng.
Sau CM tháng 8/1945 chế độ thực dân phong kiến ở Việt Nam bị xóa bỏ để
thay bằng chế độ cộng sản có tên là Việt Nam DCCH sau 1975 đổi thành
CHXHCN Việt Nam. Gọi thì nghe rất mỹ miều nhưng thực chất chỉ là chế độ
"phong kiến biến tướng" với "vua tập thể" là các UVBCT, "quan tập thể"
là UVBCH đảng bộ các cấp. Sau 70 năm điều hành đất nước đội ngũ " vua,
quan tập thể" này đã phát động vài cuộc chiến tranh (không cần thiết
phải xảy ra) làm hàng triệu người chết nhưng rốt cuộc đất đai, biển, đảo
vẫn bị mất, còn chính quyền thì lệ thuộc vào ngoại bang. Đã trực tiếp,
gián tiếp gây ra nhiều tội ác cướp đi sinh mạng của hàng chục vạn người.
Đã thi hành hàng loạt những chủ trương, chính sách sai lầm làm cho đất
nước một thời tiêu điều xơ xác, hiện thời đang tụt hậu với ngay cả những
nước kém phát triển trong khu vực.
Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước do sợ mất vai trò lãnh đạo nên đã tự
nguyện trở thành chư hầu của Tàu cộng làm cho Việt Nam ngày càng lún sâu
vào vòng lệ thuộc và đứng trước hiểm họa mất nước. Với thành tích bất
hảo trên thì các "vua, quan tập thể" đích thị là lũ "hôn quân, quan, vô
đạo, bán nước" của "triều đại cộng sản".
Vì không ít nên theo quy luật tất phải có một đội ngũ "xu nịnh viên"
đông đảo để thường xuyên đánh bóng, nâng bi, thổi kèn cho chúng. Để hoạt
động hiệu quả, các "xu nịnh viên" được tổ chức rất chặt chẽ từ trung
ương tới cơ sở. Chúng thường nằm trong các tổ chức của nhà nước chuyên
về các ngành như tuyên giáo, văn hóa tư tưởng, báo chí, văn học nghệ
thuật, thông tin truyền thông,... Được dẫn dắt, điều hành bởi các "đỉnh
cao trí tuệ" nên chúng có đủ các cách thức hành nghề. Cái thời mà thông
tin còn dễ bưng bít với những lợi thế trên chúng đã làm rất tốt vai trò
của mình. Chẳng hạn: ngoài mục đích lấy lòng chúng còn khiến không ít
người lầm tưởng tội đồ là anh hùng, vĩ nhân, cứu tinh của dân tộc. Đến
thời internet thì chúng hành nghề khó khăn hơn. Phần vì sự thật khó bưng
bít, phần do các quân, quan thời nay ngày càng trở nên khó khen ngợi.
Nhưng cái khó không thể bó được cái khôn. Nhiều "xu nịnh viên" vốn có óc
sáng tạo, lòng kiên trì lại được rèn rũa qua các đợt "học tập, làm việc
theo tấm gương..." vẫn đều đặn làm tròn chức năng của mình.
Điển hình trong số đó là ông Nguyễn Anh Tuấn cựu tổng biên tập báo
Vietnamnet với màn nâng bi thủ tướng. Diễn ra tuần tự như sau:
Đoán chừng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều khả năng sẽ trở thành tổng bí
thư đảng cộng sản Việt Nam sau đại hội 12, cựu tổng biên tập của báo
Vietnamnet đã quyết định nâng bi ngài. Và ngay tắp lự chứ không chờ đến
khi đại hội 12 kết thúc vì ông nghĩ: "đồng tiền đi trước là đồng tiền
khôn", vả lại giá trị của màn nâng bi sẽ tăng gấp bội khi nó đánh bóng
tên tuổi giúp cộng thêm điểm để thủ tướng giành chiến thắng trong bầu
bán ở đại hội.
Nhận thấy tâm lý vọng ngoại vốn rất phổ biến trong nước ông bèn sử dụng
diễn đàn toàn cầu với cái tên rất ngoại là Boston Global Forum (BGF) để
vinh danh cho thủ tướng. Công việc này được thực hiện dễ như trở bàn tay
vì các thành viên của diễn đàn toàn cầu đều là bạn ông còn bản thân ông
thì giữ cả ba cương vị giám đốc điều hành, ban tư tưởng và tổng biên
tập. Để tránh dị nghị, đồng thời nâng thêm uy tín cho thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng, ông vinh danh luôn cả hai thủ tướng của các cường quốc Đức,
Nhật.
Ngay sau khi danh sách được diễn đàn công bố, như một hiệu ứng dây
chuyền, hàng loạt các báo nhà nước nở bung các tít đại loại "diễn đàn
toàn cầu vinh danh thủ tướng", "thủ tướng được diễn đàn toàn cầu vinh
danh", "niềm tự hào của Việt Nam khi thủ tướng được vinh danh" hoặc"
nhân vật nọ, nhân vật kia chúc mừng thủ tướng được vinh danh"...
Cũng là những màn nâng bi thủ tướng nhưng điểm thú vị trong màn nâng bi
của ông Tuấn không hẳn ở chỗ đã đánh trúng tâm lý vọng ngoại của người
Việt, hay đã khéo léo đưa cả ba thủ tướng Đức, Nhật, Việt vào "cùng một
rọ", mà là nó như một hiệu lệnh mở màn cho hàng chục màn nâng bi khác -
đồng loạt, hồ hởi, tấp nập, rình rang... trên các báo nhà nước. Hẳn là,
nếu có một diễn đàn nào đó ở Việt Nam vinh danh các "xu nịnh viên" chắc
chắn ông Tuấn phải đạt danh hiệu "number one" với màn nâng bi vô cùng ấn
tượng trên.