Phạm Trần (Danlambao)
- Cuối năm ở Việt Nam là cơ hội để đảng và nhà nước báo cáo thành tích,
ít nhận thất bại, hứa làm tốt hơn năm tới nhưng không dám nhận tham
nhũng vẫn là kẻ tiếp tục thắng lớn. Hãy bắt đầu từ báo cáo thành tích
phòng, chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo phòng, chống Tham nhũng Trung
ương (PCTNTƯ) do Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban từ
ngày 01-02-2013.
Ông Trọng đã đích thân chỉ huy chống tham nhũng sau 7 năm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoàn toàn thất bại trong nhiệm vụ này.
Khi ông Trọng nhận nhiệm vụ thì đảng phải đối phó với 10 vụ án tham
nhũng được gọi là “nghiêm trọng” tồn tại trong nhiều năm nhưng không ai
dám đụng tới vì sợ vứt giây động rừng, trong đó có hai vụ Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) và Vinalines (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) đã gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.
Trong số 8 vụ được gọi là “trọng điểm” còn lại thì Ủy ban khoe tại kỳ họp 9 ngày 28/12/2015: “Đã
đưa ra xét xử sơ thẩm 06 vụ án, gồm: (1) vụ án xảy ra tại Công ty chế
biến thực phẩm Phương Nam tỉnh Sóc Trăng. (2) vụ án xảy ra tại Agribank
Chi nhánh 7 Thành phố Hồ Chí Minh, (3) vụ án xảy ra tại Ban quản lý các
dự án đường sắt (RPMU), (4) vụ án xảy ra tại Công ty Dệt kim Đông Phương
thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Agribank Chi nhánh 6 Thành phố Hồ
Chí Minh, (5) vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALC II),
(6) vụ án xảy ra tại ALC II, Công ty công nghệ biển Hải Phòng và Công ty
trách nhiệm hữu hạn vận tải biển Đại Phát; đang xét xử 01 vụ (vụ án xảy
ra tại Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam và Agribank Chi nhánh Nam Hà
Nội); còn 01 vụ đã có lịch xét xử sơ thẩm vào cuối tháng 12-2015 (vụ án
xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thương mại Dầu
khí Đồng Tháp); ngoài ra đã kết thúc điều tra và đang xây dựng Cáo trạng
đối với vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt
Nam.”
Tổng số tiền tham nhũng của 6 trong 8 vụ đã lên ngót 1,700 tỷ đồng,
nhưng không thấy ông Trọng thông tin đã lấy lại được bao nhiều tiền cho
dân. Nhà nước chỉ cho biết Lâm Ngọc Khuân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị
Công ty Phương Nam và và con gái đã bỏ trốn sau khi tổ chức lừa đảo gần
800 tỷ đồng.
Người dân cũng được nghe Ủy ban của ông Trọng nói chung chung thế này: “Công
tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 tiếp tục được tăng cường và đạt
nhiều kết quả tích cực: Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp
tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4
(khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị
03-CT/TW của Bộ Chính trị, gắn với đẩy mạnh công tác phòng, chống tham
nhũng, lãng phí.”
Tại phiên họp này, lần đầu tiên thấy ông Trọng thừa nhận: “Chống tham
nhũng khó là ở chỗ lợi ích nhóm, liên quan chằng chịt giữa kinh tế và
chính trị, giữa doanh nhân với những người có chức, có quyền, ngoắt
ngoéo với nhau. Không giải quyết được thì đó là một trong bốn nguy cơ.” (Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN)/ 28-12-2015)
Ba nguy cơ kia là: “Tiếp tục tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch
hướng xã hội chủ nghĩa; âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của
các thế lực thù địch” đã được đảng nhìn nhận từ năm 1994. Đến năm
2015, lại có thêm hai nguy cơ mới là “Tự diễn biến” và “Tự chuyển hóa”
trong cán bộ đảng viên.
Nghe qua cũng thấy lạ. Ông Trọng có trong tay trên 60,000 đảng viên Công
an và trong số này có nhiều người được giao nhiệm vụ điêu tra tham
nhũng. Cộng thêm là lực lượng hàng ngàn cán bộ báo chí, Ban Kiểm tra
Trung ương của đảng và Ban Thanh tra nhà nước mà để cho các nhóm lợi ích
tự do tung hoành, cấu kết chằng chịt để hại dân hại nước thì ông chỉ
đạo được ai? Chẳng nhẽ chúng không coi ông ra gì nữa hay sao?
Kết quả này có lẽ đã giải thích tại sao từ ngày ông Trọng giữ chức
Trưởng ban Chỉ đạo PCTN, các vụ “nghiêm trọng” đã vượt qua 10 vụ vào lúc
ông nhận chức.
TTXVN viết: “Trong ba năm qua, từ phiên họp thứ 3 đến nay, Ban Chỉ
đạo đã đưa 243 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp
vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo
dõi, đôn đốc, thành ủy chỉ đạo, xử lý. Đến nay đã có 63 vụ việc, vụ án
giải quyết xong, số còn lại tiếp tục được theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc xử
lý theo quy định của pháp luật.”
Vẫn khó chịu - ngứa ngáy
Kiểm điểm công tác phòng, chống tham nhũng sau 3 năm chỉ đạo, ông Trọng nói:
“Cũng phải thừa nhận có những việc chưa tốt, chưa kịp thời, chờ đợi
nhau, thậm chí né tránh phải bàn bạc thẳng thắn vì đây là trách nhiệm
chung, cần làm đúng chức năng, nhiệm vụ.”
Trong lĩnh vực thu hồi tài sản kẻ tham nhũng đã bị phát giác, từ lâu
đảng chẳng lấy lại được bao nhiêu. Khối lượng tài sản này trị giá bao
nhiêu tiền mặt hay bất động sản đáng giá bao nhiêu cũng không thấy đảng
công khai cho dân biết. Người dân chỉ được nghe viên chức này, quan chức
nọ than phiền dù biết các tài sản này đã bị sang tên cho người khác
nhưng không có bằng chứng và những kẻ nhận tài sản của kẻ gian lại không
thuộc diện bị điều tra theo pháp luật nên nhà nước đành bó tay.
Thậm chí ngay Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng than rằng các tài khoản
tham nhũng được gửi ở ngân hàng nước ngoài thì khi cần hỏi ngân hàng
cũng không nói thì đành chịu!
Vì vậy ông Trọng đã buồn rầu thừa nhận: “Khâu thu hồi tài sản, xử lý các vụ tham nhũng lớn thì đã rõ, nhưng tham nhũng vặt vẫn khó chịu, ngứa ngáy.”
Nhưng bao nhiêu là “vặt” và bao nhiêu là “không vặt”? Dù ăn cắp của dân
hay biển thủ công quỹ của nước 1 đồng cũng có tội, huống chi tiền ngàn,
tiền triệu hay tiền tỷ của mồ hôi nước mắt của nhân dân?
Nhưng ông Trọng cũng chỉ biết hứa: “Sắp tới cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tố giác, phát hiện tham nhũng, rồi tăng cường thanh tra, điều tra”, dù ông đã biết “việc kê khai tài sản vẫn còn hình thức, cần phải nhìn thẳng vào sự thật, thấy hạn chế để khắc phục.”
Nhưng sự thật đã hiện ra trước mắt ông trong suốt 5 năm nhiệm kỳ Tổng Bí
thư của ông từ 2011 chứ đâu chỉ mới 3 năm. Lệnh kê khai tài sản cũng đã
có từ năm Năm 1998, trong Pháp lệnh Phòng, chống tham nhũng.
Theo báo Pháp Luật online thì năm 2005, “văn bản này đã được nâng lên
thành luật rồi tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào năm 2012 và gần đây
(2013) các Nghị định, Thông tư của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ
hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng liên quan đến công khai
tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã được ban hành.”
Là Tổng Bí thư và Trưởng ban Chỉ đạo PCTN thì ông Trọng phải biết việc
kê khai tài sản đã bị bôi bác và làm hình thức như thế nào trong suốt 27
năm qua, chứ đâu mới có đây thôi?
Bằng chứng thất bại đã do chính Bộ Chính trị do ông Trọng cầm đầu nhìn nhận trong Chỉ thị số 33 - CT/TW ngày 3/1/2014: "Kê
khai và kiểm soát việc kê khai tài sản là giải pháp quan trọng trong
công tác phòng, chống tham nhũng. Đảng đã có chủ trương và Nhà nước đã
thể chế hóa thành những quy định cụ thể để triển khai thực hiện. Song,
trong thời gian vừa qua, việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình
thức; việc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc;
các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động tiến
hành xác minh tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc
diện phải kê khai; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định
về kê khai tài sản còn hạn chế."
Nhưng rồi tại phiên họp ngày 28/12/2015, người ta lại nghe ông Trọng hứa cho qua cầu: “Năm
tới, sau Đại hội 12 của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng phải
được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa, có bước tiến mạnh hơn nữa, hiệu quả rõ
ràng hơn.”
Bởi vì, ông bảo: “Theo điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo
Trung ương, một trong những điều mà dân bức xúc bây giờ vẫn là tham
nhũng. Đây cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp, đấu tranh trong
mỗi con người, mỗi tổ chức.”
Nhưng tại sao lại gian khổ, phức tạp và lâu dài thì ông Trọng giải thích:
“Khó là ở chỗ lợi ích nhóm, liên quan chằng chịt giữa kinh tế và chính
trị, giữa doanh nhân với những người có chức, có quyền, ngoắt ngoéo với
nhau. Không giải quyết được thì đó là một trong bốn nguy cơ, phải thấy
hết trách nhiệm để quyết tâm cao hơn, sắp tới làm quyết liệt hơn, kiên
trì, kiên quyết với phương pháp đúng, làm bài bản, có cơ chế, nguyên
tắc, phối hợp với nhau để hạn chế tiêu cực.”
Sau khi nghe ông nói, có ai ở Việt Nam dám đánh cá một ăn một ngàn rằng
ông Trọng (nếu lại làm Tổng Bí thư thêm khóa nữa) và khóa đảng XII sẽ
chế ngự được giặc tham nhũng và các nhóm lợi ích đến đâu, hay cũng chỉ
dám đánh võ gió loanh quanh quận Ba Đình?
Báo Pháp Luật online viết mỉa mai ngày 13/03/2014: “Sự “hình thức”
trên rõ ràng bấy lâu ai cũng biết, nhưng ít có dẫn chứng cụ thể để chỉ
tên, điểm mặt, chỉ tới khi những vụ việc kiểu như đại án tham nhũng ở
TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bị đưa ra ánh sáng thì người ta mới
hay nguyên Chủ tịch “Tổng” này có nhà siêu sang tặng “bồ nhí” tại một số
cao ốc chọc trời thuộc Hà Nội...
Hay tin, nhiều người đặt câu hỏi: Tiền đâu để Dương Chí Dũng mua nhà?
Tổ chức, đơn vị có thẩm quyền có thẩm tra, xác minh tài sản trước khi
bổ nhiệm Dũng làm Cục trưởng ở Bộ Giao thông…?
Chưa hết, gần đây dư luận lại “nóng” hơn khi báo chí tiết lộ thông
tin, hình ảnh về những khối tài sản cực lớn được cho là của cựu Tổng
Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Vị cựu quan chức một thời đứng đầu
cơ quan vốn chủ việc phòng, chống tham nhũng của Chính phủ sau đó đã lên
tiếng phủ nhận “cáo buộc” của truyền thông...
Nhưng, những dẫn chứng kiểu này cũng ít nhiều cho thấy việc kê khai
và minh bạch tài sản, thu nhập mà chúng ta đang làm đều đặn mỗi năm là
hết sức hời hợt và dần trở thành một “căn bệnh” tái đi, tái lại đối với
một bộ phận không nhỏ những người thuộc diện phải kê khai.”
Lỗi tại ai?
Vậy toàn chuyện chống tham nhũng thất bại là lỗi tại ai hay cứ đổ cho
“lỗi tại hệ thống” là huề cả làng? Nhưng có phải hệ thống là bộ máy cai
trị do con người của đảng dựng lên để cho đảng cầm quyền độc tài thì lỗi
không phải của đảng thì của ai? Chẳng nhẽ do dân đã khờ dại giao phó
hết việc nước cho đảng sinh sát nên ráng mà chịu khi đảng viên tha hóa,
bất lực?
Báo điện tử Zing.VN tiết lộ ngày 28/12/2015 khi viết về báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng (PCTN):
"Theo báo cáo của Ban chỉ đạo về tình hình, kết quả công tác PCTN năm
2015 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2016, số vụ việc có dấu hiệu
tham nhũng được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm toán chuyển sang
cơ quan điều tra còn ít; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong
các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất yếu.
Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan,
tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp; chưa có cơ chế kiểm soát
hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; chưa có biện
pháp hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo tham nhũng.
Ban chỉ đạo cũng đánh giá tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức
tạp; với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn; tính có tổ chức của
các vụ việc, vụ án tham nhũng ngày rõ nét hơn. Tham nhũng có tính chất
lợi ích nhóm đã xuất hiện trong một số lĩnh vực.
Thêm vào đó, tình trạng sách nhiễu “tham nhũng vặt” trong khu vực
công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao
dịch với các cơ quan công quyền; tặng quà, biếu xén với mục đích vụ
lợi.”
Zing viết tiếp: "Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, Ban chỉ đạo
cho rằng nhiều cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức,
đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức tới việc lãnh đạo, chỉ đạo thực
hiện, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN.
Hơn nữa, thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số
lĩnh vực còn bất cập, sơ hở; quy định về một số giải pháp phòng ngừa
tham nhũng tính khả thi không cao...
Thậm chí, do sợ mất thành tích, bị xử lý trách nhiệm nên không ít
người đứng đầu chưa tích cực, chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng trong
cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách."
Thế là hết chuyện phải không ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng? Khi ông đổ lỗi cho những người đứng đầu như “cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị” sao
lãng công tác, vô trách nhiệm để cho tham nhũng sinh sôi nẩy nở tưng
bừng thì ông có phải là người đứng đâu to nhất trên hàng triệu những kẻ
đứng đầu đã bị ông cạo đầu, không bằng hành động kỷ luật mà chỉ bằng chữ
nghĩa nói cho sang thôi?
Chẳng nhẽ ông là người đứng đầu đảng mà chỉ biết lên án, chỉ trích kẻ
dưới không làm tròn nhiệm vụ còn ông lãnh đạo tối cao của cả nước mà cứ
để cho tham nhũng nghênh ngang coi thường luật pháp như hiện nay thì còn
gì là thể diện quốc gia?
Hay ông cũng nhàng nhàng bình dân như chị hai đầu ngõ bán rong hoặc anh
ba lái xe ôm cuối xóm cứ nói cho đã rồi nhậu thêm vài chai cho quên
những tháng ngày cơ cực mặc cho phận nước nổi trôi?-/-
(12/015)