15/6/15

Làm sao để trẻ con trở thành kẻ giết người?

 Làm sao để trẻ con trở thành kẻ giết người?


Những đứa trẻ ở ngôi nhà Hạnh Phúc - Ảnh Tự Trung

Phạm Lan Phương - Khi một thây người đổ xuống, xã hội thấy một hung thủ - một con người – đã có một cuộc đời sứt mẻ và đi sai khỏi tuổi thơ vì một chuyện gì đó của người lớn.
Một đêm đi qua Hàng Xanh, tôi nhìn thấy một đám người lớn và một vũng nước đậm màu. Máu. Sáng hôm sau, Vnexpress viết về cậu trai đã đâm chết 2 người bạn trẻ nằm trên vũng máu như sau: “Tại cơ quan điều tra, hung thủ có dáng cao gầy, cúi đầu lí nhí khai nhận là em út trong nhà có 3 anh em trai. Cha mẹ ly dị và Tài sống với mẹ. Mới hết lớp 10, Tài nghỉ học để phụ gia đình bán quán ốc.”
Khi một thây người đổ xuống, xã hội thấy một hung thủ - một con người – đã có một cuộc đời sứt mẻ và đi sai khỏi tuổi thơ vì một chuyện gì đó của người lớn. Những tên tội phạm có cái tiểu sử na ná nhau khiến người đọc rùng mình, cha mẹ ly di, mẹ mất, cha lập gia đình mới, cha mẹ bỏ đi sống với bà, không cha mẹ, mồ côi... Có bao nhiêu điều “giá như” đã từng có thể xảy ra, để kẻ giết người không phải là em, hay để một đứa trẻ sứt mẻ không trở thành tội phạm?
Có lẽ cô Nguyễn Thị Kim Vân, trong cái phóng sự của nhà báo Phạm Vũ viết nhiều năm trước, là người tin rằng một điều “Giá như” ấy có thể xảy ra, để bớt đi một kẻ giết người, và thêm vào đời một đứa bé hạnh phúc.
Chị Vân kể về chuyện chị nhận nuôi 18 đứa con gái, 14 đứa con trai trên báo Tuổi Trẻ (Nhà báo Phạm Vũ phỏng vấn): “Đường Nguyễn Văn Linh khi ấy mới mở, đất rẻ nên mua được một rẻo, xây được căn nhà, thừa ra ít tiền để nuôi con, chuyển nghề. Sống ở đây vài năm thì khu xóm đông dần những người nhập cư. Họ đến ở nhà trọ, tìm việc làm và mang theo cả trẻ con. Ban ngày chúng nheo nhóc, lang thang, lại có đứa bị cha, mẹ bỏ lại lê la đi xin cơm mấy nhà hàng xóm. Thương, sợ chúng hư, chúng dốt nên tui gom chúng về nhà. Đầu tiên là dạy chữ, rồi cho ăn cơm, cho đi học, rồi mấy đứa bị bỏ rơi cứ vậy ở luôn. Đầu tiên một, rồi thành hai, thành năm, thành bảy. Rồi người đời truyền miệng rằng ở đây có nhà nuôi trẻ, cha, mẹ, ông bà nội, ngoại dẫn tụi nhỏ đến, khóc, kể, mỗi đứa mỗi cảnh, không từ chối được” (1)
Những đứa trẻ này, chúng mang cái “tiểu sử” giống hệt chính những sát thủ giết người, cướp xe chặt tay mà mấy năm qua chúng ta thường phải chứng kiến hay sợ sệt từng giờ. Nhà Hạnh Phúc của cô Vân đã đổi thay cái màu trên bàn cờ cuộc đời ác độc, nơi những tướng cướp sinh ra, giờ là những đứa trẻ đi học và lớn lên đàng hoàng, dù chúng sứt mẻ, mồ côi, bị vứt đi...
Nhưng tuần trước, khi đọc những dòng viết trên báo Tuổi Trẻ như vầy về cái tổ ấm chị Vân đã xây cho trẻ con: 
- Biên bản thứ nhất: “Cơ sở giữ trẻ nhà Hạnh Phúc hoạt động từ năm 2006, số lượng trẻ hiện nay 30 em, đối tượng trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn. Nguồn vận động để chăm lo từ bạn bè, người thân. Hồ sơ tiếp nhận chỉ có giấy khai sinh. Trẻ nhỏ nhất 4 tuổi, lớn nhất 21 tuổi. Hiện cơ sở chưa có giấy phép hoạt động. UBND xã đề nghị cơ sở ngưng hoạt động, không tiếp nhận trẻ, đồng thời liên hệ để xin giấy phép...”.

- Biên bản thứ hai: “Căn hộ gồm một nhà cấp 4 của vợ chồng anh Hoàng - chị Vân mua bằng giấy tay và một phần mái che tạm bợ. Hiện tại điểm giữ trẻ không xin được giấy phép. Đoàn kiểm tra của chúng tôi yêu cầu tạm ngưng hoạt động và trao trả trẻ về gia đình trong vòng bảy ngày. Anh Hoàng - chị Vân có ý kiến là hiện tại các bé đang đi học và gia đình ở tứ xứ không thể liên lạc nên xin gia hạn...”.
- Biên bản thứ ba: “UBND xã đề nghị ông Hoàng - bà Vân phải giao trả số trẻ về với gia đình chậm nhất vào ngày 15-6-2015 và phải có sự chứng kiến của UBND xã. Với những trẻ không còn người thân, phòng lao động sẽ hướng dẫn thủ tục đưa trẻ vào cơ sở bảo trợ xã hội...”.
Túm lại là sau chừng ấy năm cưu mang và cho những đứa trẻ con có một mái ấm sạch sẽ đàng hoàng, giờ đây chị Vân và anh Hoàng bị kết luận là: “đề nghị cơ sở ngưng hoạt động”, “yêu cầu tạm ngưng hoạt động và trao trả trẻ về gia đình trong vòng bảy ngày”. (2)
Đó là cách người ta “đòi” một tổ ấm phải kết thúc sứ mệnh của nó. Ngày nó ra đời, có ai đến với chị Vân chăng? – Ngày những bà ngoại, ông nội dắt đứa trẻ không cha không mẹ đến, có ai chìa tay ra đón chúng, ngoài vợ chồng nhà ấy chăng? – Ngày cái khu nhập cư Nguyễn Văn Linh ấy toàn bọn trẻ nhập cư vừa dốt vừa nghèo, người ta đâu có ai bận lòng đến hạch sách giấy phép chị Vân. Chúng chỉ như giun dế, sống nay chết mai, may mắn hơn thì chắc thành sát thủ (đàng nào cũng chết) ai quan tâm làm gì, ai đòi hỏi giấy phép làm chi.
Tới khi chị Vân cho chúng mái nhà, nuôi chúng ăn, cho chúng học, dạy chúng làm người, thì lập tức có người xuất hiện, đòi chưng ra giấy phép, hay nói khác hơn, nhà anh chị nghèo quá, không đủ tiền làm chủ quyền nhà, không có chủ quyền lấy gì mà xin giấy phép? – Không có giấy phép, chị Vân cũng không được làm mẹ những đứa bé ấy nữa.
Tôi đã không cầm lòng được khi xem đoạn phim mà phóng viên Phạm Vũ gửi lên, trong đêm chia tay cuối cùng trước ngày mà đám trẻ phải rời ngôi nhà Hạnh Phúc mà chúng đã từng được sống, được mẹ Vân đối xử như những con người suốt mấy năm qua. Những em bé gái cầm micro đứng khóc nức nở. Một em vừa khóc vừa nói: “Thực ra con cũng là một đứa trẻ quậy(...)Con biết rằng điều này không dễ nhưng con xin hứa sẽ tiếp tục đi học, tiếp tục sống tốt và yêu thương những người xung quanh con. Con cũng hứa là con sẽ ko đua đòi theo thế gian này, con sẽ cố gắng học hành." - Đám trẻ con ôm nhau, mẹ Vân cũng khóc.
Khi nhìn các em khóc thổn thức, tôi lại nhớ đến ngay những dòng lạnh lùng mà mỗi ngày những người làm phóng viên phải chạy đến hiện trường và viết ra. Ở đó, bạn đồng nghiệp tôi phải ngồi trước hiện trường với nạn nhân bị cướp chặt tay, về bà mẹ bị con ngáo đá đánh chết, về một câu đôi co vớ vẩn đã làm chết 2 người thanh niên trẻ. Sau những cuộc thư hùng sặc mùi máu tanh, phải chăng là những đứa trẻ như các em, chưa kịp đủ lông cánh lớn lên làm người, đã bị cuộc đời chụp lên đầu một linh hồn tội ác đầy uất hận.
Nhưng tại sao, khi có một cặp vợ chồng nghèo như thế, đã chọn cho mình sứ mệnh làm thay đổi những đứa trẻ bất hạnh ngập tràn từ số phận, thì những tờ biên bản kia lại giương đến, lạnh lùng, khả ố và sòng phẳng như một cái biên lai siêu thị, đòi mẹ Vân phải đóng cửa và "giao trả số trẻ về với gia đình chậm nhất vào ngày 15-6-2015".
Nhờ những cái biên bản, một mái ấm sắp không còn, những đứa trẻ sắp phải rời cái nơi đã đưa chúng cập vào bờ mái ấm lương thiện.
Đám bé con ngoan hiền ấy sẽ phải giong buồm ra khơi trước cuộc đời khả ố và tàn bạo để bị chà dẫm hệt như xưa, đúng như cái xuất phát điểm ngày người thân đưa chúng gửi vào bàn tay mẹ Vân.
Nhờ vậy chắc cuộc đời sẽ có thêm nhiều sát thủ mới, vì trẻ con bị đẩy ra đường trong bất hạnh?
Ngày 15/6 này, một cái "biên lai" nói đám trẻ phải rời khỏi Nhà Hạnh Phúc.
Làm sao để mái nhà còn nguyên cho những đứa bé con này được hạnh phúc lại như mới hôm qua đây?
Những đứa trẻ ở ngôi nhà Hạnh Phúc
15/06/2015
Phạm Lan Phương
__________________________________
Chú thích: