22/6/15

Ong và nhân dân

 Ong và nhân dân


Lời người dịch: Mikhail Zoshchenko (1895-1958) là nhà văn châm biếm người Nga nổi tiếng.Vì những truyện ngắn châm biếm chỉ trích kín đáo chế độ Xô Viết, ông bị chính Stalin nêu tên trong một cuộc họp với giới lãnh đạo văn nghệ. Từ đấy ông bị lên án là “chống Xô viết” và bị khai trừ ra khỏi Hội Nhà văn Liên Xô cùng một lúc với nhà thơ Anna Akhmatova vào năm 1946. Ông ngừng viết và qua đời trong cảnh đói khổ.
*
Một người lính Hồng Quân đến thăm nông trường tập thể nào đó. Anh mang lọ mật ong hoa làm quà cho bà con.
Mọi người thích mật ong này đến nỗi nông trường quyết định tự nuôi ong lấy.
Nhưng trong vùng chẳng ai nuôi ong, vì thế các nông dân tập thể phải bắt đầu làm tất cả mọi thứ từ đầu- từ việc làm tổ ong đến đưa ong từ rừng vào các căn hộ mới của họ.
Khi họ thấy tất cả chuyện này mất quá nhiều thời gian công sức họ đâm ra chán nản. “Công việc này chẳng biết bao giờ mới xong,” họ nói. “Mà dù đến lúc chúng ta làm xong mọi việc rồi thì mùa đông lại đến, và đến năm sau chúng ta may ra mới thấy mật ong. Nhưng chúng ta cần mật ong ngay bây giờ.”
Nhưng có một nông dân tháo vát, Ivan Panfilich nào đó, một người già bảy mươi hai tuổi. Vào thời trai trẻ ông từng nuôi ong.
Nghe vậy ông nói, “Nếu năm này chúng ta muốn uống trà với mật ong, thì chúng ta phải đi đến tận nơi người ta nuôi ong để mua những con ong chúng ta mơ ước.”
Các nông dân nói, “Nông trường ta rất giàu có. Tiền bạc chẳng thành vấn đề. Chúng ta hãy mua ong đang độ sung sức nhất, ong đã ở sẵn trong tổ rồi ấy. Vì nếu chúng ta đi đưa ong rừng về biết đâu chúng ta gặp phải loại ong chẳng ra gì. Biết đâu chúng bắt đầu tạo ra loại mật quá tệ như mật ong cây chanh. Nhưng chúng ta muốn mật ong hoa.”
Thế là họ trao tiền cho Ivan Panfilich và phái ông đi đến thành phố Tambov.
Ông đến Tambov, và người ở đấy bảo ông, “Ông may mắn đến đây thật đúng lúc. Chúng tôi vừa tái định cư ba làng lên vùng Viễn Đông nên còn một trại nuôi ong dư phải bỏ lại. Chúng tôi coi như cho không ông trại này vậy. Nhưng vấn đề là chúng tôi không biết-làm sao ông vận chuyển những con ong này? Như người ta nói mua hàng này chẳng khác gì mua vịt trời vì chúng có cánh. Hở chút là chúng bay tứ tán. Chúng tôi chỉ sợ khi về đến nơi thì ông chẳng còn gì trên tay ngoại trừ các tổ ong và trứng.”
Panfilich đáp, “Cách gì tôi cũng phải mang chúng về cho được. Tôi biết ong mà. Đã gắn bó với ong suốt cả đời mình.”
Ông đưa mười sáu tổ ong ra nhà ga trên hai chiếc xe thồ. Ở nhà ga ông khó nhọc lắm mới kiếm được một toa trần. Ông đặt các tổ ong trên toa rồi lấy vải dầu che chúng lại.
Một lát sau tàu hàng bắt đầu chạy và toa của chúng ta chuyển bánh theo.
Panfilich đứng trang nghiêm trên toa và nói với ong:”Các bạn bé nhỏ ơi, mọi sự đều tốt cả.” ông nói, “Chúng ta sẽ đi đến nơi bình an! Các bạn hãy chịu khó ở trong bóng tối một thời gian ngắn rồi khi chúng ta đến nơi tôi sẽ thả các bạn ra với hoa.Và tôi nghĩ ở đấy các bạn sẽ tìm thấy thứ các bạn muốn. Nhưng dù các bạn làm gì chăng nữa xin cũng đừng giận tôi đã đưa bạn đi trong bóng tối như thế này. Tôi cố ý che kín các bạn lại bằng vải dầu để không ai khờ dại đến mức bay ra ngoài lúc tàu đang chạy. Biết đâu chuyện gì đó xảy ra và bạn không thể nào trở lại tàu.”
Tàu chạy một ngày. Rồi thêm một ngày nữa.
Đến ngày thứ ba Panfilich chợt hơi lo lắng. Tàu chạy chậm. Ga nào cũng dừng lại. Mà dừng đến hàng giờ đồng hồ. Ông chẳng biết khi nào tàu mới đến nơi.
Ở nhà ga Polya Panfilich bước xuống tàu và đi tìm người xếp ga. “Thưa ông, ông cho tôi biết chúng tôi dừng ở ga ông lâu không?”
“Nói thật với ông, tôi cũng không biết.” Xếp ga đáp, “Ông chắc có thể ở đây đến chiều.”
“Nếu chúng tôi ở đây đến chiều, “Panfilich nói, “thì tôi sẽ mở tấm vải dầu ra cho ong của tôi bay vào những cánh đồng của ông ở đây. Nếu không chúng sẽ mệt lả vì chuyến đi này. Cả ba ngày trời này chúng phải ở dưới vải dầu. Chúng đói lắm rồi. Chúng chẳng ăn uống gì, và chúng chẳng thể cho ong con ăn.”
“Ông muốn làm gì mặc ông! Tại sao tôi quan tâm đến những hành khách có cánh của ông! Không có chúng tôi cũng đã quá bận rồi. Tôi còn phải lo lắng cho bọn ong con của ông nữa hay sao. Thật là ngu ngốc quá đáng…!”
Panfilich quay trở lại sân ga và tháo vải dầu ra.
Thời tiết hôm ấy rất đẹp. Bầu trời trong xanh. Nắng tháng Bảy dễ chịu. Chung quanh là những cánh đồng.Đang độ mùa hoa. Một lùm cây dẻ đang ra hoa.
Panfilich tháo vải dầu ra khỏi toa thì ngay lập tức vô vàn con ong bay túa vào trời xanh.
Ong bay tròn, nhìn quanh, rồi tiến thẳng về các cánh đồng và những khu rừng.
Hành khách xúm lại quanh toa, và Panfilich đứng trên toa để giảng giải cho họ biết sự ích lợi của ong. Nhưng trong lúc ông nói, xếp ga bước ra khỏi nhà ga và ra hiệu cho người lái tàu khởi hành.
Panfilich nói hổn hển “Trời ơi!” lúc ông nhìn thấy những dấu hiệu này. Hốt hoảng vô cùng, ông khẩn cầu với xếp ga, “Thưa ông, xin ông đừng cho tàu chạy ngay, tất cả ong của tôi đều ở ngoài kia!”
Xếp ga đáp, “Thì ông cứ tuýt còi kêu chúng mau trở lại! Tôi không thể nào bắt tàu chờ lâu hơn ba phút.”
Panfilich nói, “Tôi van ông! Chỉ cần ông để tàu chờ đến mặt trời lặn thôi. Lúc mặt trời lặn ong sẽ trở về tổ. Hay ít ra ông cũng tháo toa xe tôi ra. Chứ tôi không thể nào đi nếu không có ong. Ở đây tôi chỉ còn lại một ngàn con; còn mười lăm ngàn con đang ở ngoài đồng. Mong ông cố gắng thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của tôi! Hãy đừng tàn nhẫn trước bi kịch này!”
Xếp ga đáp, “Tôi không trông coi trại nghỉ mát cho ong nhé! Tôi trông coi đường sắt! Ong đã bay đi! Tuyệt! Rồi tàu kế tiếp đến họ sẽ bảo tôi ruồi đã bay đi! Hay lũ rận đã nhảy ra khỏi toa giường ngủ! Chẳng lẽ vì thế tôi phải giữ tàu lại hay sao? Ông đừng chọc tôi cười!” Nói xong ông lại ra hiệu cho người lái tàu.
Rồi tàu bắt đầu chạy.
Panfilich, mặt trắng bệch, đứng trên toa, hai tay vung ra đầy thất vọng, nhìn mọi phía, tức giận đến run người.
Nhưng tàu vẫn chạy.
Một số ong cũng đã lên được lúc tàu chạy. Nhưng đa số ong vẫn còn ở lại trên các cánh đồng và các lùm cây phía sau.
Chẳng mấy chốc tàu khuất bóng.
Xếp ga trở lại nhà ga và bắt đầu chăm chú làm việc. Ông đang viết gì đấy vào sổ và uống trà với chanh. Bất ngờ ông nghe tiếng ồn ào huyên náo trên sân ga.
Ông mở cửa sổ để xem chuyện gì xảy ra và ông thấy hành khách chờ tàu ở đấy la thất thanh, chạy lảo đảo tán loạn khắp mọi nơi. Xếp ga hỏi, “Chuyện gì vậy?”
“Ong đã chích ba hành khách ở đây,” họ đáp, “Và bây giờ chúng đang tấn công tất cả mọi người. Ong bay đen kín cả bầu trời!”
Rồi xếp ga thấy cả một đám mây ong lớn đen đặc đang bay vòng vòng quanh ga. Tất nhiên, chúng đang tìm lại toa trần của chúng. Nhưng toa chẳng ở đấy. Nó đã không còn nữa. Cho nên ong tấn công người và bất luận những gì khác cản đường.
Xếp ga vừa rời cửa sổ để đi ra sân ga thì một bầy ong điên cuồng bay ào vào qua cửa sổ. Ông chụp cái khăn lớn và bắt đầu vẫy khăn quanh mình để đuổi ong ra khỏi phòng.
Nhưng rõ ràng làm như thế là tự giết mình.
Hai con ong chích vào cổ ông, con thứ ba chích vào tai, còn con thứ tư chích vào trán.
Xếp ga quấn khăn quanh người và nằm trên ghế sofa và bắt đầu thốt ra những tiếng rên rỉ đáng thương. Lát sau viên trợ lý của ông chạy vào và nói, “Ngoài ông ra ong còn chích nhiều người khác. Nhân viên điện tín bị chích vào má, và bây giờ không chịu làm việc.”
Nằm trên ghế, xếp ga than, “Đau quá đi! Chúng ta làm gì đây?”
Vào lúc này một nhân viên khác chạy vào và nói, “Nhân viên bán vé, tức vợ ông, Klavdia Ivanova, vừa mới bị chích vào mũi. Bây giờ mặt mày trông rất khó coi.”
Xếp ga rên rỉ càng to hơn rồi nói, “Chúng ta phải đưa cái toa trần có lão nuôi ong khùng điên ấy trở lại đây ngay lập tức.” Ông đứng bật dậy khỏi ghế và chụp lấy điện thoại. Và từ nhà ga kế tiếp họ trả lời:” Được rồi. Chúng tôi sẽ tháo toa ấy ra ngay. Chỉ có điều chúng tôi không có đầu máy để kéo nó về lại chỗ ông.”
Xếp ga hét lên, “Chúng tôi sẽ đưa đầu máy đến! Hãy tháo cái toa ấy ra ngay! Ong đã chích vợ tôi! Ga tôi Polya giờ vắng tanh! Tất cả các hành khách đều trốn hết trong nhà kho! Ở đây chỉ có ong bay vòng vòng trên trời thôi! Còn tôi cương quyết không bước chân ra ngoài- mặc kệ cho tàu tông nhau!”
Chẳng bao lâu toa được đưa về đến nơi. Mọi người thở phào khi họ thấy Panfilich đứng trên toa.
Panfilich ra lệnh họ đặt toa chính xác ở chỗ cũ trước đây, và ong khi thấy toa trần liền lập tức bay đến. Nhưng có quá nhiều ong, và chúng vội vã đổ xô trở về chỗ mình đến nỗi gây ra cảnh chen lấn nhau khủng khiếp. Tiếng ong kêu vo vo vang trời khiến chó giật mình cất tiếng tru và bồ câu bay tán loạn vào bầu trời.
Panfilich đứng trên toa nói, “Từ từ, các bạn nhỏ ơi, đừng chen lấn nhau như thế. Thời gian còn nhiều mà! Nhớ chỗ ai người nấy ngồi nhé!” Mười phút sau yên lặng như tờ. Sau khi tin chắc mọi sự đều sắp xếp đâu vào đó, Panfilich bước xuống toa. Những người ở nhà ga bắt đầu vỗ tay. Panfilich như diễn viên cúi đầu cảm ơn họ rồi nói: “Mọi người hãy lật cổ áo xuống! Không cần phải che mặt! Và cũng đừng run sợ-giờ chẳng ai sợ bị chích nữa!”
Nói xong, ông đi gặp xếp ga. Xếp ga, quấn khăn quanh mình, vẫn còn nằm trên ghế thở hổn hển và rên rỉ. Khi Panfilich bước vào ông càng rên to hơn.
Panfilich nói, “Thưa ông, tôi rất lấy làm tiếc ong của tôi đã chích ông. Nhưng lỗi chính là do ông. Ông không thể quá thờ ơ trước mọi sự, dù nhỏ hay lớn. Những con ong không thể nào chịu đựng sự thờ ơ ấy. Ong chích người mà chẳng nghĩ tới nghĩ lui gì hết.”
Xếp ga rên càng to hơn, nhưng Panfilich tiếp tục nói, “Ong tuyệt đối không thể nào chịu đựng được thói quan liêu cửa quyền hay vô cảm trước số phận của chúng. Có lẽ ông đã đối xử với ong như cách ông đối xử với nhân dân-cho nên ông thấy hậu quả ông phải nhận lấy.”
Panfilich liếc nhìn ra ngoài cửa sổ rồi nói tiếp, “Mặt trời đã lặn. Những người bạn đường của tôi cũng đã ở đâu vào đấy rồi. Thôi tôi xin chào từ biệt ông! Chúng tôi lên đường!”
Xếp ga gật đầu một cách yếu ớt như thể muốn nói, “Đi nhanh cho rồi!” Rồi ông ta nói thì thầm nhỏ nhẹ, “Ông phải chắc chắn đã bắt hết ong chưa? Nhớ nhìn cho thật kỹ để đừng để sót bất kỳ một con nào ở đây!”
Panfilich nói, “Cho dù còn sót lại hai hay ba con thì chúng cũng có lợi cho ông thôi. Tiếng vo vo của chúng sẽ nhắc ông nhớ chuyện đã xảy ra.” Nói xong lời này, ông bước ra khỏi phòng.
Vào chiều hôm sau Panfilich tuyệt vời của chúng ta cùng với ong đến nơi. Những nông dân tập thể chơi nhạc đón mừng ông trở về.
(1941)
Nguồn: Dịch từ tác phẩm “The Portable Twentieth-Century Russian Reader” của tác giả Clarence Brown, nhà xuất bản Penguin Books, 1985, trang 217-222. Tựa đề tiếng Anh “Bees and People”. Bản dịch tiếng Anh của Clarence Brown.
Bản tiếng Việt: