Bài ca tôi đã hát (phần 4) - “Trí thức trung dung - chính trị thớ lợ...”
Nguyễn Thượng Long (Danlambao)
- Không biết giờ đây dưới những tầng đất sâu trên cao nguyên Đà Lạt,
ông Trần Trọng Kim có khi nào cựa mình mà rơi lệ trước cảnh “Quốc Thổ trầm luân!”,
có chút hối hận nào cho việc đã quá dễ dàng trao quyền cho Việt Minh 70
năm về trước? Và ông có biết nhầm lẫn của ông cũng là nhầm lẫn của một
chính phủ 100% là trí thức ở bậc thượng thặng. Đây là một lần trí thức
Việt Nam mất điểm nghiêm trọng nhất trên chính trường nước nhà. Chẳng
trách tượng đài “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” đặt ở vườn hoa
Hàng Đậu, người ta chỉ khắc họa những người đàn ông mặc đồ đi trận, cầm
bom 3 càng và người phụ nữ cầm kiếm. Trong khi đó, cũng là đề tài này,
tượng đài “Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh” đặt bên cạnh đền Bà
Kiệu lại ghép thêm kẻ mặc thường phục có dáng dấp thư sinh, đầu trần cầm
súng quỳ gối lom khom đằng sau tượng trưng cho trí thức, thì đó cũng
chỉ là một lắp ghép gượng ép, vụng về có tính chính trị thớ lợ mà thôi.
Kể từ ngày gia nhập Đệ tam quốc tế của Lenin, qua mệnh lệnh của TBT Trần
Phú “Trí-Phú-Địa-Hào đào tận gốc trốc tận rễ”, ta thấy người
cộng sản Việt Nam cũng không coi trí thức ra gì, họ chủ trương phải tận
diệt trí thức trước những gì cần phải tận diệt.
Ở vườn hoa Hàng Đậu... đến đền Bà Kiệu Hồ Gươm |
Cho nên trong lịch sử cận đại và đương đại, khi phải đối diện với cường
quyền, để sống sót, đại đa số trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam không ai
bảo ai, cùng nhau lấy “Trung Dung Đạo” làm cứu cánh, bất kể vào lúc tàn nho và mạt Khổng này “Trung Dung Đạo”... chỉ còn là thái độ vị kỷ, xu thời, thích nghi bằng mọi giá mang tính yếm thế của loài “Tầm Gửi”.
Vậy mà chọn lựa này vẫn đang là mẫu số chung cho đại đa số trí thức
Việt Nam thời nay. Thật là không bình thường, ở bục giảng học đường, bài
“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu đã đem lại
biết bao danh hiệu giáo viên dậy giỏi cho thầy cô dậy Văn, nhưng than
ôi... hỏi đã có mấy thầy cô và học trò đã sống khí tiết như cụ Đồ Chiểu
năm xưa: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm / Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Cũng rất khó hiểu khi hội viên hội nhà văn Việt Nam có thể là niềm kiêu
hãnh cho cả một dòng họ, nhưng có mấy nhà văn dám tuyên ngôn như Nguyễn
Khải trong “Đi tìm cái tôi đã mất” vào lúc lâm chung:
“Một nửa đất nước đã được độc lập nhưng lòng người tan nát vì tài sản
một đời chắt chiu của họ đã bị nhà nước tịch thu hoặc trưng thu khiến
họ trở thành những người vô sản bất đắc dĩ. Tầng lớp trí thức chả có tài
sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự do, thì cái đầu cũng bị nhà nước
trưng thu luôn, vì từ nay họ chỉ được nghĩ, được viết theo sự chỉ dẫn
của một học thuyết, của một đường lối nếu họ không muốn giẫm vào vết
chân của nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm”. Một dân tộc đã làm nên chiến thắng
Điện Biên Phủ mà mặt người dân nám đen, mắt nhìn ngơ ngác, đi đứng lom
rom như một kẻ bại trận. Quả thật dân tộc Việt Nam đã thắng lớn trong
chiến tranh giải phóng nhưng lại thua đậm trong công cuộc xây dựng một
xã hội tự do và dân chủ. Thoát ách nô lệ của thực dân lại tự nguyện
tròng vào cổ cái ách của một học thuyết đã mất hết sức sống. Dân mình
sao lại phải chịu một số phận nghiệt ngã đến vậy!”.
Như Nguyễn Đình Thi sụt sùi trong bài “Gió Bay” lúc cuối đời:
“Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vương nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn”.
Như Chế Lan Viên run run sám hối trong bài “Ai? Tôi!”:
“Mậu Thân 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống có 30!
Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó?
Tôi! Người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong”.
Và Văn Cao với những tự bạch trong “Ba biến khúc ở tuổi 65”:
“Tôi đi trên phố
Bỗng nhiên mọi người nhìn tôi
Một ai đó kêu lên: Thằng ăn cắp...
Tôi chạy...
Tôi chạy...
Sao tôi lại chạy?
Tôi không hiểu tôi
Cả phố đuổi theo tôi
Xe cộ đuổi theo tôi...”
Công bằng mà nói, để đất nước có được diện mạo như hôm nay... phần "đóng
góp" của trí thức, văn nghệ sĩ cho đảng là vô cùng to lớn. Quá trình
tận tụy đó cũng là quá trình để trí thức vừa trở thành nạn nhân lại
vừa trở thành thủ phạm của tha hóa và cuối cùng họ cũng chỉ là những quả
chanh khô vô tích sự trong những thảm kịch cay đắng của dân tộc. Trong
những thảm kịch đó, trò chơi “Bạo lực cách mạng”, đã đặt người dân vào vị trí của những “con xe, con mã”, nhưng chính người dân lại trắng tay khi “Súng đạn đẻ ra chính quyền” rồi nhanh chóng trở thành những con “Chuột Bạch” đáng thương trong mô hình thí nghiệm: “Tổ đổi công - HTX nông nghiệp - Khu kinh tế mới” và đặc biệt điên rồ nhất là cuộc thí nghiệm mang tên “Làm chủ tập thể”
chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Có thể nói 70 năm cộng sản là
70 năm của những thí nghiệm, những cuộc thí nghiệm triền miên và cũng
thất bại triền miên đã làm tan nát xã hội Việt Nam từ thượng tầng kiến
trúc đến hạ tầng cơ sở, đẩy đất nước tụt hậu với thế giới hàng thế kỷ,
biến một dân tộc văn hiến thành một đám “Digan da vàng” không có tương lai, phải sống kiếp lưu đầy trên chính quê hương đất nước mình. Cuộc thí nghiệm về “Định Hướng XHCN” hiện đang rầm rộ rồi sẽ đi đến đâu nhỉ, khi ông Nguyễn Phú Trọng mới trực tiếp thú nhận: “Không biết đến hết thế kỷ này đã có CNXH hoàn chỉnh ở Việt Nam chưa?”.
Vậy là sau hơn 70 năm ĐCS đưa dân tộc đi tìm Thiên Đường hạ giới, đến
lúc này cái cần tìm vẫn chỉ lấp ló ở phía dưới đường chân trời và chỉ là
thứ “Thiên Đường Mù!” (Dương Thu Hương) mà thôi.
Ngay từ những ngày còn nằm trong bóng tối, biết rõ chính phủ Trần Trọng
Kim là chính thể quân chủ lập hiến, VNCH là nền cộng hòa tuy chưa hoàn
toàn hoàn thiện, nhưng sớm được vận hành bởi cơ chế tam quyền phân lập,
đa nguyên chính trị, cùng với những cởi mở hơn hẳn về nhân quyền... vẫn
bị người cộng sản coi là những chính thể bù nhìn của ngoại bang. Hôm
nay, biết giải thích thế nào trước một hiện thực thật đau xót là, sau 70
năm cộng sản miền Bắc, 40 năm đất nước liền một dải rồi mà trước mỗi kỳ
đại hội đảng, vẫn không thể thiếu màn xin ý kiến Tàu cộng về nhân sự.
Đón lãnh tụ họ Tập, ai ngầm cho con cháu mang cờ 6 sao ra đón? Ai đã chủ
động lờ đi để Tàu cộng đón các tướng lĩnh Việt Nam với những biển tên
tiếng Tầu? Trước khi đi Mỹ, ông Trọng đã phải đi chầu Bắc Kinh đã...
vậy đó là độc lập, chủ quyền, tự do kiểu gì?
Cũng ngược dòng lịch sử về cuối những năm 1950 đầu 1960 người ta bắt gặp
một xã hội miền Bắc (VNDCCH) đang khốn khổ sống trong nền kinh tế tập
trung quan liêu bao cấp và một miền Nam (VNCH) có kinh tế thị trường với
cơ sở hạ tầng, mức sống người dân lúc đó là hơn hẳn miền Bắc. Về kinh
tế lúc này VNCH không thua kém quốc gia nào trong khu vực. Vậy mà đảng
vẫn tuyên truyền dựng đứng rằng nhân dân miền Nam đang rên xiết dưới ách
cai trị của bè lũ Mỹ Ngụy, tạo cớ để tiến hành cuộc chiến xâm lược
VNCH, mang dáng dấp xung đột ý thức hệ 1954-1975 và huynh đệ tương tàn
vô cùng khốc liệt. Cuộc chiến đó đã đánh cho Mỹ rút, đánh cho “Ngụy”
nhào và nhuộm đỏ thành công nửa nước còn lại, nhưng cũng để lại trong
lòng dân tộc một hố sâu chia rẽ sâu sắc đến không ngờ. Một ngày 30/4 mà
người Việt Nam này gọi là ngày “Quốc Khánh”, người Việt Nam khác lại gọi là ngày “Quốc Hận”... gần đây lại có nhiều ý kiến nên gọi đó là ngày “Quốc Giỗ”, riêng nhà lãnh đạo cộng sản Võ Văn Kiệt thì đã từ lâu ông coi đó là ngày mà “Triệu người vui thì cũng có triệu người buồn”.
Hình ảnh chiếc xe tăng T54 của Nga Xô cố tình húc đổ cổng sắt của dinh
Độc Lập lúc đó không một bóng người, không hề có một động thái kháng cự
nào của đối phương không phải là một hình ảnh đẹp. Hình ảnh đó quá đẫm
chất bản năng, không phải là cách hành xử của những người có cùng huyết
thống. Giờ đây nếu Văn Cao tiên sinh mà sống lại... tôi tin rằng ông sẽ
buồn lắm trước ngộ nhận:
“Từ nay người biết thương người / Từ nay người biết yêu người” (Mùa
Xuân Đầu Tiên - Nhạc và lời Văn Cao). Hình ảnh đó đã gợi cảm hứng cho
câu thơ nổi tiếng của Ts. Hà Sĩ Phu mô tả đây là một trận “Đánh cho dân tộc tan hoang / Trận đánh đẹp đi vào lịch sử”. Nền chính trị cổ võ cho những hoạt cảnh nặng về mục đích tuyên truyền, trình diễn như thế chính là nền “Chính Trị Thớ Lợ”.
Sau tam phen tứ phen cay đắng vì người hàng xóm phương Bắc và biết quá
rõ từ tổ tiên, ông bà đến đảng cộng sản Tàu, nhà cầm quyền Trung cộng
hôm nay không bao giờ thật lòng với Việt Nam và chưa bao giờ họ từ bỏ ý
định thôn tính và đồng hóa Việt Nam... vẫn cúi đầu coi Trung cộng là hậu
phương rộng lớn, “Bên ni biên giới là nhà / Bên tê biên giới cũng là quê hương” (Tố Hữu) là “Bác Hồ ta đó chính là bác Mao!”
(CLV). vẫn tình nguyện núp bóng lá bùa “16 chữ vàng - 4 tốt” đầy ma mị
để được tồn tại, nền chính trị chủ trương cúi đầu bằng mọi giá như thế,
là nền “Chính Trị Thớ Lợ”. Gần đây, khi hàng loạt những
đảo nhân tạo ở Trường Sa nằm rất xa với lãnh thổ Hoa lục được Tàu cộng
gấp rút hoàn thiện, trở thành những tiền đồn đặt giữa vùng Đông Nam Á,
là những hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm, kết hợp với những lợi
thế có được từ lâu trên đất liền Việt Nam như việc Tàu cộng sở hữu nhiều
trăm nghìn ha rừng thượng nguồn, nhiều vạn lao động trá hình đã đứng
chân được trên nóc nhà Tây Nguyên và cửa biển Vũng Áng... cùng với bản
đồ “Lưỡi Bò 9 đoạn” ở Biển Đông... không chỉ đặt riêng Việt Nam
vào thế tứ bề thọ địch, mà còn làm cả Asean lo ngại. Những lợi ích thông
thương của Hoa Kỳ cũng bị đe dọa, buộc họ phải xoay trục về Châu Á và
Thái Bình Dương, tình nguyện đảm nhiệm sứ mạng làm đối trọng với những
tham vọng điên cuồng của Tàu cộng... thì lạ thay, tại Đối Thoại
Shangri-La 30.5.2015 vừa qua, Thứ Trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh
có những tuyên bố chính trị cho biết Việt Nam đâu có đu dây với ai...
Việt Nam chọn thái độ “Nhất Biên Đảo” (Ngả hẳn về một phía) với Tàu cộng đấy chứ... khi ông Vịnh nói với báo chí quốc tế:
Nguyễn Chí Vịnh |
“Việt Nam là bạn, là đối tác nhưng không tham gia liên minh quân sự.
Càng căng thẳng thì càng phải độc lập tự chủ. Càng căng thẳng thì càng
không bao giờ để kéo vào những liên minh với nước này để chống nước
khác. Đó là nguyên tắc không chỉ bây giờ mà còn là từ xưa trong việc bảo
vệ tổ quốc Việt Nam chúng tôi”. (Tuổi trẻ online).
Tôi nghĩ, ông thượng tướng chỉ được cái hay nói đùa, đã có người Việt
Nam nào trong chúng tôi quên câu nói nổi tiếng của TBT Lê Duẩn “Ta đánh là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc”,
nếu không liên minh với họ thì Việt Nam lấy đâu súng đạn, lương thực để
đánh Pháp, đuổi Mỹ và việc gì ông Nguyễn Tấn Dũng trong diễn văn chào
mừng lễ kỷ niệm 30-4-2015 lại phải lớn tiếng cám ơn Liên Xô-Trung Quốc
và đánh Mỹ kiên quyết đến thế... thưa ông Vịnh!
Có lẽ tuyên ngôn chính trị này của ông Vịnh chỉ dành riêng cho Trung
cộng, để Trung cộng yên lòng thực hiện các toan tính của mình. Với Asean
và Hoa Kỳ... thông điệp của ông Vịnh được hiểu là “Xin các quý vị đừng hy vọng gì ở chúng tôi!”. Tuyên ngôn chính trị chỉ chất chứa những toan tính cá nhân hết sức bất lợi cho dân tộc như thế chỉ là thứ “Chính trị thớ lợ”
mà thôi. Rất may, trong gặp gỡ giữa bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter và
các yếu nhân khác của Việt Nam 31/5 - 2/6 vừa qua tại Hà Nội, có thể vì
áp lực của dư luận mà mọi sự đã diễn ra không theo chiều “Vị Tầu” một cách thô thiển và ươn hèn quá như vậy.
Tôi nghĩ rằng, để đất nước mãi trầm luân bởi thứ “Chính Trị Thớ Lợ”
kiểu này, đương nhiên ĐCS Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước lịch
sử, nhưng cũng có rất rất nhiều người, rất nhiều trí thức, chính trị
gia, văn nghệ sĩ Việt Nam thuộc nhiều thế hệ sẽ phải viết lời “Gió bay” như những gì Nguyễn Đình Thi đã viết, dám nhận về mình những câu hỏi “Ai? Tôi!” như những gì mà Chế Lan Viên đã nhận, dám tự bạch về mình những gì như Văn Cao đã tự bạch trong “Biến khúc ở tuổi 65” và tự nguyện bảo nhau “Đi tìm cái tôi đã mất”
như những gì Nguyễn Khải đã đi tìm, vì chính họ đã dốc sức để giúp đảng
tạo ra biết bao những nghịch cảnh giữa đời thường. Những nghịch cảnh
dưới đây chỉ là những giọt nước trong biển cả khổ đau của dân tộc. Buồn
thay, những nghịch cảnh này dường như lại đang trở thành bình thường
trong con mắt ơ hờ của nhiều người, trong đó có cả số đông là trí thức.
NGHỊCH CẢNH I:
Cơn mưa bất chợt hôm đó đã đưa tôi vào trú mưa trong một quán cóc bên hè
đường đối diện với Công Viên Lưu Hữu Phước tại Thành Phố Cần Thơ, tôi
buồn đến nao lòng khi phải chứng kiến một hiện thực có sức tố cáo quá
mạnh. Cùng trú mưa với tôi hôm đó là một người phụ nữ béo tốt tóc nhuộm
vàng, móng tay chân sơn đỏ. Trong tay là điện thoại, miệng bà ta luôn xổ
ra những mệnh lệnh bằng thổ ngữ của người miền Tây vô cùng khó nghe.
Một lúc sau tôi thấy 2 đứa bé một giai và một gái lem luốc, gầy guộc,
hấp tấp chậy đến. Trong tay mỗi đứa là những tập vé số được bọc cẩn thận
trong những túi nylon để khỏi ướt và theo lệnh của bà ta, cả 2 đứa bé
lại cùng nhào vào trong mưa rồi mất hút trong các nhà hàng sang trọng
bên kia công viên Lưu Hữu Phước để tác nghiệp. Tôi chưa kịp nói câu nào
bênh vực những đứa bé đáng thương này thì người phụ nữ đó bỗng ngoe
nguẩy che ô bước đi. Chị chủ quán người gốc Quảng Trị chép miệng:
“Mẹ mìn đấy ông nhà báo ạ, là con đẻ ai lại độc ác thế! Những đứa trẻ
này nếu không bị bắt cóc thì cũng là thuê của những gia đình quá đói
nghèo từ miền Bắc, miền Trung tha hương vào sống vật vờ chui rúc ở xó
xỉnh nào đó trong thành phố thủ đô của miền Tây hào nhoáng này”.
Vì sao lại có những nghịch cảnh này? Bạn nghĩ gì về nghịch cảnh này?
Theo tôi... cũng chỉ vì nhiều thập kỷ nay, dân tộc đã quá hồn nhiên với
món “Lẩu thập cẩm” chứa đầy rủi ro có tên “Chính trị thớ lợ”, cũng còn vì đại đa số trí thức đến hôm nay vẫn đang hài lòng và viên mãn lắm trước chọn lựa mang tên “Trung dung & Xu thời”. Buồn thay cho sĩ khí nước nhà và cũng bất hạnh thay cho số phận chẳng ra gì của dân tộc mình.
NGHỊCH CẢNH II:
Khi chuyến Nam du của tôi chưa bắt đầu, đã có người đến hỏi tôi về
chuyến đi này. Tôi biết là các con chíp điện tử đã âm thầm hoàn thành
sứ mạng của nó rồi. Không ai có thể hài lòng trước sự “săn sóc”
quá mức như vậy, nhưng là người sống đàng hoàng, tôi thấy cũng chẳng có
gì mà phải dấu giếm. Tôi cho họ biết ngoài việc thăm thú người thân, từ
lâu tôi rất muốn được cùng mọi người hít thở không khí thực sự đường phố
của ngày 30-4 tại nơi liên quan trực tiếp đến sự kiện này và có thể tôi
sẽ chủ động kiến diện những gương mặt tranh đấu nổi tiếng của mảnh đất
phương Nam, những con người tôi vô cùng kính trọng.
Tôi đinh ninh khát vọng đó là bình thường, là vô hại với tất cả mọi
người. Tôi đã nhầm, kể từ lúc tôi bước chân lên tầu, cũng là lúc cỗ máy
giám sát tôi cũng được vận hành ở mức tối đa. Vừa bước chân vào nhà
người em ở Sài gòn, vợ tôi đã hớt hải gọi vào cho biết đang phải tiếp
những vị khách lạ. Họ nói rằng họ muốn biết địa chỉ của các em tôi ở
trong đó để họ có kế hoạch bảo vệ tôi (Sic), vì theo họ trong đó người
tán thành những bài phản biện của tôi cũng có và người thù ghét tôi vì
những bài viết đó cũng nhiều. Qua vợ tôi tôi đã nói với họ:
“Tôi chủ trương sống lương thiện với tất cả mọi người, tôi không quá
quan tâm việc có người sẵn sàng độc ác với tôi, Xin cám ơn quý vị về
những lo lắng mà quý vị đã dành cho tôi”.
Và chuyến Nam du đó, tôi chỉ toại nguyện được phần thăm thú dành cho
người thân trong gia đình. Với lễ kỷ niệm 30-4, tôi là khách không mời
và không được đến. Tôi buộc phải chứng kiến những lời chửi Mỹ và cám ơn
Nga-Tầu của ông Nguyễn Tấn Dũng nhờ HTV phát trực tiếp. Tôi đã không thể
gặp được những người mà tôi rất muốn gặp.
Xin hỏi thể chế chính trị tước đoạt hết mọi tự do cá nhân, người dân đi
đâu cũng phải bẩm báo, ai cũng có thể bị gắn chíp là xã hội kiểu gì?
Câu hỏi này tôi dành cho những ai đã quá quan tâm tới chuyến đi của tôi,
vì vậy mà tôi càng có ấn tượng với câu nói của Giáo Sư Ngô Bảo Châu
rằng: “Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng”. Chính vì không muốn phải chết lâm sàng mà bấy lâu nay tôi phải tìm đến ngòi bút và bài viết này cũng không là một ngoại lệ.
Từ thành phố Cần Thơ đến Hà Đông một chiều tháng 5-2015.
Nguyễn Thượng Long
- Nơi ở : Ngách 102/12, Đường Văn La, Phú La, Hà Đông - Hà nội.
- Điện thoại : 0433521066 & 01652323836.
- Email: nguyenthuonglong571@gmail.com
Bài đã đăng: