Báo “cách” kiểu gì cũng lạc hậu
Phạm Trần (Danlambao)
- Làng báo Nhà nước Cộng sản Việt Nam kỷ niệm 90 năm ngày gọi là “báo
chí cách mạng” 21/06/1925 -21/06/2015, nhưng càng “cách” bao nhiêu thì
35 nghìn người làm báo càng lạc hậu và dân càng xa đảng bấy nhiêu.
Hiện tượng này không lạ từ mấy năm qua khi báo đài nhà nước phải kéo cờ
trắng đầu hàng các mạng báo xã hội và các nhà báo công dân tự do về
phương diên thông tin nhanh đến đại chúng. Từ yếu điểm này, báo in của
849 cơ quan, 67 đài phát thanh - truyền hình, 98 báo, tạp chí điện tử,
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phần lớn đều lâm vào tình trạng tài chính
khó khăn vì số người mua báo càng ngày càng giảm đi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhìn nhận tại một phiên họp với các đại diện tòa báo: “Trong
bối cảnh mới, báo chí phải làm được nhiệm vụ chính trị của mình trong
điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh rất gay gắt, kinh phí Nhà nước
lại không thể bao cấp. Đây là một việc rất khó”. (theo Infonet của Bộ Thông tin&Truyền Thông)
Tuy nhiên ông Dũng đã không có ngay chiếc đũa thần để cứu nguy mà đề nghị: "Các
cơ quan báo chí cùng suy nghĩ, đề xuất xem nên làm thế nào để vừa làm
được nhiệm vụ chính trị - tuyên truyền thông tin định hướng đường lối
chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa có nguồn thu, thu nhập. Nếu không
có thu nhập thì khó có thể tồn tại, phát triển được trong điều kiện cạnh
tranh như hiện nay."
Một giải pháp của Bộ Thông tin và Truyền Thông gọi là “quy hoạch báo
chí” đã được trình cho Bộ Chính trị xem xét nhưng chưa thi hành vì còn
nhiều vướng mắc giữa nhà nước và các cơ quan chủ quản báo (đứng tên chủ
báo).
Mục đích quy hoạch là thu gọn lại, không để cho báo chí ra báo phụ và
báo điện tử tràn lan như hiện nay. Bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông
Nguyễn Bắc Son nói: “Quy hoạch để báo chí ngày càng phát triển hơn,
ngày càng chất lượng tốt hơn, định hướng của Bộ chính trị ghi rõ, trong
quy hoạch phải khẳng định làm sao cho báo chí tốt hơn, không có báo tư
nhân, không được tư nhân núp bóng; không cần nhiều, nhưng cần chất
lượng.”
Tuy nhiên, phía báo chí thì lo ngại dự án quy hoạch sẽ làm mất việc làm
của không ít 35 nghìn người, trong số có 18.000 nhà báo từ trung ương
xuống địa phương.
Vẫn theo Infonet thì nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết: “Việc
nhiều người chuyển sang đọc báo điện tử khiến cho báo giấy khó khăn.
Thậm chí các công ty phát hành tư nhân, bám rất sát thị trường, năng
động, cũng không sống nổi. Theo lời chủ một công ty phát hành lớn nhất ở
miền Nam vừa cho biết thì trong năm ngoái, công ty này đã sụt giảm mất
40% sản lượng phát hành”.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet (cũng của Bộ Thông tin &Truyền thông) trình bày: "Báo
điện tử đang rất khó khăn về mặt kinh tế vì phát hành miễn phí, chủ yếu
sống bằng quảng cáo. Chúng tôi phải sống như một doanh nghiệp nhưng lại
phải làm nhiệm vụ chính trị. Chúng tôi mong muốn được quan tâm hơn để
không phải làm kinh tế như doanh nghiệp bình thường".
Nhưng tại sao Bộ Thông tin&Truyền Thông lại có tới 2 báo Điện tử để
cạnh tranh với các báo khác? Nhân viên của hai báo này là cán bộ nhà
nước hay dân thường có nghiệp vụ làm báo được tuyển dụng?
Cũng như cơ quan Thông tấn quốc gia TTXVN lại có thêm báo điện tử Tin Tức để làm gì?
Theo Infonet nhà báo Lê Xuân Sơn thừa nhận: "Đúng là chúng ta có
nhiều cơ quan báo chí, nhiều đầu báo, đầu tạp chí thật, nhưng cũng có
thông tin rằng số lượng đầu báo/đầu người của Việt Nam khá thấp so với
thế giới. Nếu loại bỏ nhiều cơ quan báo chí thì tỷ lệ ấy còn thấp hơn
nữa, ảnh hưởng tới quyền được thông tin cũng như dân trí."
Ở Việt Nam không có báo tư nhân. Tất cả báo đều do các tổ chức hay cơ
quan của đảng nắm giữ. Được tài trợ ít hay toàn phần, tùy đơn vị chủ
quản. Vì vậy, mỗi cơ quan, đơn vị có báo đều tìm mọi cách, đôi khi có
cả những hành động làm mất phẩm chất của báo chí, để kiếm tiền nuôi nhau
béo thêm.
Báo đảng và đạo đức nhà báo
Tuy nhiên, với dân số trên 90 triệu người như Việt Nam mà chỉ có 849 cơ
quan có báo in thì quá chậm tiến so với các nước trong khu vực Đông Nam
Á. Nhưng số người bỏ tiền ra mua báo đọc lại không nhiều nên các báo
chính thống của đảng như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Sài Gòn Giải
Phóng, Hà Nội Mới v.v... đã được “ép bán” cho các cơ quan, đơn vị, hay
các cơ sở thương mại để tồn tại.
Bên cạnh các báo in, hầu hết các cơ quan chủ quản đã in thêm nhiều loại
báo phụ và lập ra báo mạng để lấy quảng cáo và làm áp-phe kiếm tiền.
Tuy nhiên không ai biết mỗi ngày đã có bao nhiêu người Việt Nam vào
Internet để đọc các báo điện tử của nhà nước, hay còn được gọi là “báo
lề đảng”, nhưng số người vào các trang báo “lề dân”, hay mạng xã hội tự
do thì có hàng triệu người.
Lý do báo “lề dân” phát triển nhanh, được nhiều người truy cập hơn báo
“lề đảng” vì tin của “lề dân” nhanh hơn, tuy đôi khi cũng có sai trái vì
thiếu kiểm chứng. Các bài bình luận hay phân tích thời sự Việt Nam và
Thế giới của báo “lề dân” hoàn toàn tự do, dân chủ và tôn trọng lẫn
nhau. Ngược lại, các bài viết, kể cả tin tức của báo “lề đảng”, trước
khi được phổ biến, phải qua kiểm duyệt bởi nhiều cấp trong Ban Tuyên
giáo đảng hay các cơ quan chủ quản để bảo đảm không gây khó khăn cho cơ
quan, có lợi cho nhà nước và đạt mục tiêu tuyên truyền theo ý muốn của
đảng.
Ngược lại, vì được hoạt động tự do nên các báo điện tử của “lề dân” đưa
tin nhanh gấp 100 lần hơn “lề đảng”. Các loại tin mà nhà nước Việt Nam
gọi là “nhạy cảm”, có thể gây tranh cãi, sợ lộ ra thì xấu mặt, nhất là
có dính líu đến người hàng xóm “vừa là đồng chí vừa là anh em” Trung
Quốc thì báo đảng phải tránh xa.
Các loại tin thuộc loại “cấm kỵ” như tin dân oan xuống đường đòi công lý
bị công an đánh đập, hay người dân biểu tình chống Trung cộng bị côn đồ
tấn công, bị công an hốt lên xe đưa về trại “phục hồi nhân phẩm”, như
đã xảy ra ở Hà Nội và Sài Gòn từ năm 2007 đến 2014 thì phải coi như
không có chuyện gì xảy ra!
Vì vậy mới có chuyện ngược đời không biết xấu hổ của làng báo tự phong
“cách mạng” nhưng rất lạc hậu, ấu trĩ hơn cả làng báo Lào và Cam Bốt. Đó
là khi cả thế giới được đọc, được xem hình và cả video cảnh người dân
biểu tình chống Trung cộng xâm lược ở Sài Gòn và Hà Nội thì “dân cả nước
A Nam” không hay biết gì, cứ ngớ ra như người ngoài hành tinh!
Vì vậy để cạnh tranh tìm miếng cơm manh áo, nhiều “nhà báo cách mạng” đã
biến thành “cách miệng”, miễn sao kiếm được đầy túi, không cần bận tâm
đến mấy chữ “đạo đức nghề nghiệp” cho mất thời giờ.
Nhà báo 83 tuổi Hữu Thọ, Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Nguyên
Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương đã phê bình sự xuống cấp này tại
một cuộc Hội thảo vào dịp 90 năm báo chí.
Ông nói: “những tồn tại không ít và có việc không nhỏ, nổi lên là
thông tin sai sự thật quá nhiều, thậm chí bịa đặt, suy diễn gây bức xúc
xã hội, có những sai sót mà chúng tôi cũng không thể ngờ…, cùng những
hành vi tiêu cực khác mà tôi rất đau lòng khi phải nói lên một sự thật
rằng uy tín của giới báo chí đang giảm sút.
Theo dõi thì thấy kỳ họp báo chí toàn quốc nào cũng được phê phán,
nhắc nhở nhưng tôi có cảm giác là hiệu lực không cao, những sai phạm vẫn
tiếp tục.”
“Vì sao có tình trạng đó?”, ông Hữu Thọ hỏi và trả lời: "Đây là đề
tài có thể thảo luận sôi nổi, và chắc chắn còn có nhiều ý kiến khác
nhau, có cuộc hội thảo đã nêu ra 6 nguyên nhân. Với sự hiểu biết có hạn,
tôi nghĩ, phải chăng những nguyên nhân chính là:
Trước hết, nhiều tờ báo hiện đang khó khăn cân đối thu chi cho nên
một số tờ báo tìm cách đưa tin giật gân, câu khách để bán báo, câu số
người truy nhập để có thêm quảng cáo, có tiền nuôi quân, giữ cây bút
giỏi. Các số phụ, các trang tin điện tử ồ ạt ra đời trong mấy năm vừa
rồi (đã có tới 1.500 trang thông tin điện tử), phải chăng là nguyên nhân
quan trọng của xu thế thương mại hóa báo chí?
Nhưng nguyên nhân chính và căn bản phải nói tới việc kém rèn luyện,
tu dưỡng của phóng viên và sự giám sát lỏng lẻo của các Ban biên tập về
hành vi đạo đức của những người viết báo, không chỉ là những người làm
báo trẻ; trong đó trách nhiệm của các đồng chí Tổng biên tập các tờ báo
là rất quan trọng.”
Nhưng suy thoái đạo đức trong nghề báo có nguy hiểm cho chế độ bằng suy
thoái tư tưởng và đạo đức trong hệ thống cầm quyền của đảng và nhà nước
không?
Tất nhiên anh nhà báo không thể nào tham nhũng bằng một cán bộ có chức
có quyền, và càng không tạo được vây cánh để bảo vệ cho quyền lợi phe
nhóm như đang sôi nổi diễn ra trong đảng.
Vì vậy, theo ông Hữu Thọ thì “báo đã bị lợi dụng”, căn cứ vào những gì đã và đang diễn ra trong hoạt động của báo chí hiện nay.
Ông kể ra các hình thức báo bị các thế lực lợi dụng gồm:
- “Lợi dụng báo chí như công cụ để tự đề cao, để nổi danh hòng trúng
cử trong các cuộc “thi”, không chỉ có chuyện "loạn Sao, loạn Hậu” mà cả
trong những cuộc tranh giành chức vụ chính trị;
- Lợi dụng báo chí để hạ đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh và trong cả chính trị;
- Lợi dụng báo chí để trả thù cá nhân;
- Lợi dụng báo chí đế che chắn tội ác, bảo vệ tội phạm...”
Vậy sự lạm dụng thế lực của nhà báo có không? Ông Hữu Thọ liệt kê ra 6 nhóm như:
- Ép, van nài, đe dọa các doanh nghiệp để xin quảng cáo, ăn hoa hồng;
- Viết bài tâng bốc theo lối quảng cáo để nhận thù lao các kiểu;
- Mang thư bạn đọc đi đe dọa các đơn vị và người bị "tố cáo" để đòi tiền;
- Hùa nhau đánh thuê, đánh lên cao theo kiểu "Erostat đốt đền”;
- Viết bài bảo vệ tội phạm theo kiểu “dùng chữ nghĩa, hình ảnh để bảo kê”;
- Lợi dụng sự quen biết rộng rãi để tham gia đường dây chạy các thứ,
kể cả chạy chức, chạy quyền... Những người bị lợi dụng hay lạm dụng như
trên tôi vừa nói, thực sự không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn
không xứng đáng với đạo làm người, có trường hợp vi phạm luật pháp. Họ
thực sự không còn giữ được sự trung thực, thẳng thắn là cái cốt lõi
trong đạo đức của người cầm bút, gõ máy.”
Tát nước theo mưa
Cùng hùa theo mạt sát báo chí là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son. Ông thừa nhận có “Một
bộ phận những người làm báo vẫn còn non kém về nhận thức chính trị, đã
bộc lộ những khuyết điểm, yếu kém, vi phạm đạo đức nghề nghiệp...”
Ông nói: “Người đứng đầu một số cơ quan báo chí đã buông lỏng quản lý
nội dung thông tin, quản lý đội ngũ phóng viên, coi trọng lợi nhuận,
khai thác nhiều đề tài mặt trái của xã hội với mức độ thông tin dày
đặc... Cùng với những thông tin giật gân, câu khách, vi phạm thuần phong
mỹ tục là xu hướng xem nhẹ quy trình thẩm định nguồn tin, thông tin sai
sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, làm ảnh hưởng xấu đến uy
tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân...
Những hạn chế, khuyết điểm của báo chí là một trong những nguyên nhân
làm giảm tính chính trị, tư tưởng, tính văn hóa, giáo dục của báo chí
cách mạng Việt Nam.”
Rất ngạc nhiên không thấy ông Son nhận có trách nhiệm gì trong tình trạng xuống cấp của làng báo “cách mạng”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đọc diễn văn tối 21/06 (2015) để lên lớp đội ngũ làm báo. Ông nói: "Báo
chí cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
thông tin tuyên truyền, góp phần củng cố, tăng cường lòng tin của nhân
dân vào Đảng và Nhà nước, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước,
tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ
vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu, tích cực
tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, nhân rộng các điển
hình tiên tiến, các gương người tốt, việc tốt; bảo vệ công lý, bảo vệ
quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, các giá trị, truyền thống tốt đẹp
của dân tộc; phê phán, đấu tranh với cái xấu, cái ác, tham nhũng, lãng
phí, quan liêu, tiêu cực trong mọi lĩnh vực.” (theo Thôn tấn Xã Việt Nam, TTXVN)
Đã vậy, ông còn bắt nhà báo phải gánh thêm trách nhiệm “nguy hiểm” gọi là:
“Ngăn chặn những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, có biểu hiện
cơ hội chính trị, nói và làm trái cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của
Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư
tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, mị dân, chuyên quyền, độc đoán,
trù dập người đấu tranh, phê bình; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội
bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị; nói
không đi đôi với làm; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện
giàu nhanh mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng,
con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất
chính lọt vào cấp ủy các cấp như tinh thần Nghị quyết Trung ương và bài
phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 11 vừa qua đã
chỉ rõ, góp phần vào thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội
XII của Đảng.”
Nói như ông Sang thì ai nói cũng được, chỉ cần không thèm nghĩ gì đến
cái dạ dày đói meo của anh nhà báo và sinh mạng của anh ta nếu nghe ông
xúi dại mà lào đầu vào các “bãi mìn cá nhân” trong khi lãnh đạo đảng
không dám mon men đến.
Đến phiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn ghê gớm hơn. Ông phán trong một bài viết: "Những
yếu kém của báo chí hiện nay, trước hết là do một bộ phận người làm báo
còn non kém về chính trị, nghiệp vụ, đặc biệt là thiếu trách nhiệm xã
hội và vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Người đứng đầu một số cơ quan báo
chí buông lỏng quản lý nội dung thông tin, quản lý đội ngũ phóng viên,
biên tập viên, cộng tác viên, quá nhấn mạnh chức năng giải trí, chạy
theo lợi nhuận đơn thuần mà xem nhẹ các chức năng định hướng, giáo dục
và thẩm mỹ của báo chí; thậm chí còn lợi dụng báo chí để mưu lợi cá
nhân, lợi ích nhóm."
Sau đó, ông chỉ trích thái độ bàng quang của báo chí hiện nay: "Trong
kháng chiến với muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, cái chết luôn
cận kề, nhưng nhà báo vừa cầm bút, vừa cầm súng để chiến đấu và sáng tạo
nên tác phẩm báo chí, gắn kết triệu người như một, cùng hướng về một
mục tiêu, đó là giải phóng đất nước, giữ vững độc lập dân tộc. Ngày nay,
trong hòa bình, bên cạnh đội ngũ nhà báo chân chính, cũng có những
người muốn nhân danh "nhà báo" đứng ngoài công cuộc xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc, lợi dụng phản biện xã hội để nói lên tiếng nói lạc lõng, xa rời
tôn chỉ mục đích của báo chí, thiếu trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề
nghiệp. Đó là điều không thể chấp nhận."
Ông Trọng không đưa ra con số có bao nhiêu tờ báo và số người làm báo đã thờ ở với đảng như thế, nhưng ông gay gắt thêm: "Nhân
đây, cũng cần nhắc lại rằng, báo chí là công cụ đấu tranh xã hội, đấu
tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp. Báo chí cách mạng không chỉ là phương
tiện thông tin thuần túy, càng không phải là công cụ giải trí đơn
thuần, mà nó có chức năng tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức quần
chúng đấu tranh cách mạng, giáo dục và hướng dẫn hành động của các tầng
lớp xã hội. Trên thế giới, dù nói ra hay không nói ra, các thế lực
chính trị, các tổ chức kinh tế, xã hội,... đều sử dụng báo chí như những
công cụ phục vụ cho lợi ích của họ. Dù có nói nhiều đến tính "khách
quan", "dân chủ", "tự do", "giải trí"... của báo chí thì thực tế người
ta vẫn sử dụng báo chí vào mục đích chính trị, coi đây là vũ khí lợi hại
của họ. Ta hãy xem hằng ngày báo chí của họ nói gì? Tại sao họ chỉ đưa
tin này không đưa tin khác? Họ bình luận theo chiều hướng nào? Tấn công
ai và bảo vệ ai? Có thật là họ không chịu sự quản lý, chi phối của ông
chủ họ không? Cho nên chúng ta không thể mơ hồ. Không mơ hồ trước hết về
bản chất, chức năng của báo chí, để từ đó xác định rõ chỗ đứng, góc
nhìn và cách nhìn của mình trong việc thu nhận thông tin, phân tích
thông tin và công bố thông tin. Ai cũng nói là báo chí phải thông tin
đúng sự thật, phải khách quan. Nhưng sự thật đó là sự thật nào? Sự thật
nhìn dưới góc độ nào? Động cơ dụng ý nói ra để làm gì? Có lợi cho ai và
có hại cho ai? Nói ra để xây dựng hay để phá hoại?...”
Qủa thật chưa bao giờ thấy ông Trọng đã nóng giận với báo chí đảng đến
mức độ này, kể từ khi ông còn là Bí thư Thành phố Hà Nội. Nhưng tại sao
ông đã “đỏ mặt tía tai” với người làm bào đến thế, vào thời điểm đảng
chuẩn bị tổ chức Đại hội XII vào tháng 1/2016 ?
Ông dằn vặt tiếp: "Đây cũng là dịp để chúng ta khẳng định nhất quán
quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, kiên quyết đấu tranh chống các
luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, lợi dụng tự do,
dân chủ, đòi đa nguyên, đa đảng; lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực,
thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên
để quy kết, bôi xấu chế độ, kích động, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà
nước ta, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ. Báo chí phải là người đi tiên
phong trên mặt trận tư tưởng, tỉnh táo, cảnh giác, lấy chính thực tiễn
sinh động của đất nước đổi mới để tấn công, vạch trần âm mưu thâm độc
của các thế lực xấu, thù địch, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng,
Nhà nước và chế độ ta."
Sau ông Sang xúi dại báo chí lao đầu vào lửa đạn chết thay cho lãnh đạo
đảng lại đến lượt ông Trọng lên lớp dậy “báo chí cách mạng” phải biết tô
son điểm phấn cho chế độ trong khi chính ông đã không ngăn chặn được
tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong đảng, và có nhiều
người làm báo không còn muốn đi theo định hướng của đảng nữa.
Tại sao lại có tình trạng này? Điều dễ hiểu là nếu báo chí cứ tiếp tục
bị bịt miệng, nhắm mắt tuyên truyền sai trái theo lệnh đảng và làm ngơ
trước cái đau, chậm tiến và lạc hậu của người dân thì người làm báo chỉ
lạc hậu thêm mà thôi.
25/06/2015