Ngựa hoang Trung Quốc - cần cái roi
Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Kể
từ sau thế chiến II, dưới bóng cờ gìn giữ hòa bình LHQ, đa số chính phủ
các quốc gia trên thế giới đều rất chuẩn mực đạo đức, thể hiện uy tín
tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. Tuy nhiên, cá biệt có vài thể chế
bất chấp điều này sẵn sàng chà đạp công pháp quốc tế như: dù đã ký 2 HĐ
Geneve 1954 và Paris 1973 CS Bắc Việt vẫn xâm chiếm miền Nam Việt Nam,
Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng, Iraq xâm lược (thất bại) Kuwait, nước Nga
xâm chiếm Crimea và hiện nay Trung Quốc đang công khai xâm chiếm biển
Đông đều có cùng một kịch bản là: “lãnh thổ của chúng tôi” (nhưng trên
bản đồ hiện hữu của chính họ và quốc tế thì không hề có) rất ngang ngược
trái với Hiến Chương LHQ phá vỡ tôn ti trật tự văn minh của nhân loại.
TT/Putin nước Nga sau khi xua đoàn quân “ma” khẩu trang che mặt quân
phục không tên không phù hiệu ẩn dưới danh nghĩa dân quân địa phương xâm
chiếm được Crimea, để củng cố an toàn cho thành quả đó thì Nga đang
tích cực thò tay tiếp lữa tạo điểm nóng ở Đông Ukraine nhằm trói chân
Kiev, Mỹ và liên minh NaTo.
Trên Biển Đông hiện nay Trung Quốc cũng sử dụng sách lược gần giống như vậy với thế giới, cụ thể là trực tiếp với Việt Nam.
Sau khi xây dựng TP/Tam Sa trên đảo Phủ Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, bê
tông hóa pháo đài biển Gạc Ma cướp được của Việt Nam bằng sức mạnh quân
sự (1974 và 1988) Trung Quốc tiếp tục khuấy động biển Đông với việc
tháng 5 năm 2014, đưa giàn khoan Hải Dương 981 cắm sâu vào khu vực thềm
lục địa lãnh hải VN sẵn sàng cho tàu thuyền đâm va, gần đây là nạo vét
bồi đắp qui mô lớn 7 đảo đá ngầm biến thành các căn cứ quân sự.
Trong khi tuyệt đại bộ phận truyền thông và ngoại giao đoàn các quốc gia
trên thế giới đều chỉ trích phản đối, không một chính phủ nào (kể cả 4
nước XHCN/CS) bênh vực cho hành vi này, thì Trung Quốc biện minh rằng
chỉ xây dựng trong vùng 9 đoạn (lưỡi bò) thuộc chủ quyền từ lâu của mình
(Bạch thư TQ 2015)… Nhưng lại trơ trẻn lì lợm cực lực bác bỏ lời thách
thức của CP/Philippines cùng ra tòa tranh tụng pháp lý chủ quyền trong
đơn kiện tại Tòa Trọng tài thường trực ITLOS The Hague - Hà Lan, trong
lúc chính Trung Quốc lại là một trong 157 quốc gia cùng với Philippines
đã chấp nhận ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS – 1982.
Trái với nhận xét của Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng
Australia) người theo sát tình hình Biển Đông, nhận định: Trung Quốc sẽ
không điều giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam như năm
2014. (news.zing.vn -18/5).
(Giáo sư Carl Thayer Học viện Quốc phòng Australia)
Thì bất ngờ ngày 26/6/2015, Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 981 quay
trở lại biển Đông gần lãnh hải Việt Nam. Cục an toàn Hàng hải Trung Quốc
công bố giàn khoan Hải Dương 981 của nước này sẽ tiến hành các hoạt
động thăm dò dầu khí tại vùng biển có tọa độ 17 độ 3,75 phút vĩ Bắc; 109
độ 59,05 phút kinh Đông. (phía nam cửa Vịnh Bắc Bộ và tây tây bắc quần
đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.) (BBC. 26-6-2015).
Đây là vùng “nhạy cảm” nằm trong khu vực chồng lấn Vinh Bắc Bộ, mà nếu
nói như lời TBT đảng CSVN/Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong chuyến thăm
Bắc Kinh ngày 09-04-2015: "TQ và VN truyền thống vừa là đồng chí, vừa là anh em”
Thì giàn khoan này không thể vì tình “anh em” mà thả neo khoan thăm dò
dầu khí một cách vô trách nhiệm như vậy (vi phạm thông lệ quốc tế). Nó
sẽ gây thêm căng thẳng vốn dĩ đang gay gắt trong khu vực mà vụ việc
Hoàng Sa (gần vị trí neo đậu hiện nay của 981) Việt Nam đang tranh chấp
với TQ vẫn còn là chuyện thời sự…
Liên quan vấn đề này, ngày 26/6, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh
Cảnh sát biển Việt Nam cho hay: Các lực lượng giám sát biển của Việt Nam
luôn luôn theo dõi các diễn biến và sẽ có biện pháp thích hợp.!? ông Hồ
Lê, Cục phó Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cũng cho
hay: Cục Kiểm ngư đang tiếp tục phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển
theo dõi, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của giàn khoan Hải Dương
981.!? Riêng Tiến sĩ Trần Việt Thái, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu
chiến lược ngoại giao, cho biết theo quy định của luật pháp quốc tế, nếu
giàn khoan này di chuyển vô hại thì mình không được ngăn cản.
Rất ngạc nhiên là cùng ngày (26/7) Cục Hàng hải Trung Quốc công bố với
báo chí quốc tế tại Bắc Kinh giàn khoan Hải Dương 981 của nước này sẽ
tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển có tọa độ nói
trên, nó đang cố định gây “tai hại” cho chủ quyền trên vùng chồng lấn
của Việt Nam chứ không phải di chuyển lang thang vô hại như cách phát
biểu của các quan chức VN.
Có tới 2 cơ quan VN từ xa đứng nhìn như thế “để làm gì”? Để chờ xin
Trung Quốc cho xem ké kết quả: Chiều sâu khai thác? trữ lượng và giá trị
được bao nhiêu? Phẩm chất dầu thuộc loại nào… à?.
Họ như quên mất khía cạnh im lặng cũng là đồng tình, không phản ứng tích
cực cũng có nghĩa là Hoàng Sa (đang tranh chấp) và vùng biển phụ cận
chồng lấn hoàn toàn thuộc Trung Quốc trước truyền thông công luận quốc
tế. Một thông báo yêu cầu TQ di chuyển 981 ra khỏi vùng chồng lấn là cần
thiết, tránh làm cho phức tạp khu vực (dù Trung Quốc sẽ bất tuân) cũng
không thấy phía Việt Nam lên tiếng? Đặt ngược vấn đề, nếu VN đơn phương
đặt giàn khoan thăm dò tại đây liệu có yên với TQ?.
Giàn khoan Trung Quốc - Hải Dương-981 quay trở lại biển Đông
“thật là điên rồ nếu Bắc Kinh lại muốn đưa giàn khoan Hải Dương 981
vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam thêm một lần nữa”
-Tiến sỹ Ian Storey (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore).
vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam thêm một lần nữa”
-Tiến sỹ Ian Storey (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore).
Không điên chút nào, Bắc Kinh rất tự tin và tỉnh táo để hành xử như vậy
vì biết rằng sắp tới, TBT/CSVN Nguyễn Phú Trọng sẽ công du Mỹ từ ngày 7
đến ngày 9 tháng 7, gặp gỡ và hội đàm với TT Obama tại Nhà Trắng. Đây là
lần đầu tiên Mỹ “đặc cách” mời người cầm đầu đảng CS Việt Nam đến Mỹ,
vào Tòa Bạch Ốc .
Đưa 981 ngạo nghễ cắm vào vùng biển nhạy cảm (giữa Đà Nẵng, Huế và Hoàng
Sa) không còn là động thái “rung cây nhát khỉ” mà Bắc Kinh trực tiếp
cảnh báo với các chóp bu CSVN (những vệ tinh nằm trong lực hấp dẫn của
TQ) và luôn cả khu vực rằng: Trung Quốc không muốn có thêm sự can thiệp
của bên thứ ba vào tiến trình giải quyết tranh chấp, vì trên sân chơi
biển Đông có luật riêng của Trung Quốc, Bắc Kinh là người cầm chịch điều
khiển chứ không cần trọng tài nào cầm còi, dù bản thân Biển Đông đã là
một vấn đề quốc tế, thu hút sự quan tâm của nhiều nước.
Hơn một thập niên qua và hiện nay các hành vi hung hăng của Trung Quốc
trên biển Đông đã nói lên sự ngang ngược như thảo khấu đó.
Điều gì đã khiến “ông lớn” Bắc Kinh một trong 5 thành viên thường trực
của HĐBA/LHQ phớt lờ hệ thống ngoại giao, tài phán pháp lý lẫn công luận
quốc tế, vứt bỏ danh dự uy tín của chính mình gây thù hằn tạo ác cảm
với nhiều nước khác một cách tồi tệ trắng trợn như vậy?
Không khó để nhận diện ra bản chất - Cho đến thời điểm này - kể từ sau
thế chiến II- chưa bao giờ Bắc Kinh có được “thiên thời” to lớn như hiện
nay, Qua mặt Nhật Bản, kinh tế vươn lên hàng thứ 2 sau Mỹ, trữ lượng
thặng dư ngoại hối nhiều nhất thế giới 3.950 tỷ USD ngân sách quốc phòng
hàng năm liên tục tăng 2 con số, khoa học kỹ thuật phát triển rất nhanh
(đưa người lên không gian) xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới năm 2014
(hơn Đức bằng Nga chỉ sau Hoa Kỳ) bên cạnh đó là bối cảnh “trật tự” thế
giới có nhiều xáo trộn theo chiều hướng có lợi cho Trung quốc, nền kinh
tế tài chính độc tôn của Mỹ và Phương Tây lâm bệnh trầm kha, sức khỏe
nội lực suy kiệt kéo theo quyền năng “cảnh sát quốc tế” Mỹ suy giảm.
Trong khi đó với ngân sách quốc phòng 145 tỷ đô/năm, một kho bom hạt
nhân, 1773 bệ phóng tên lửa hành trình, 9150 xe tăng, 2860 máy bay, 1
hàng không mẫu hạm, 47 tuần dương tên lữa, 25 khu trục tên lửa, 67 tàu
ngầm. (Theo Global Firepower.com). Những ưu ái như “thiên thời” ban cho
mà cách đây nữa thế kỷ Trung Quốc không thể mơ thấy được, đó chính là
nguyên nhân kích thích giấc mộng mưu đồ “bá chủ” thiên hạ mãnh liệt bùng
lên trong tư duy các chóp bu CSTQ hiện nay ở Bắc Kinh, mà biển Đông
Việt Nam và biển Hoa Đông Nhật Bản nằm trong tiêu cự bành trướng biển
trước mắt.
Bắc Kinh như kẻ vô ơn bạc nghĩa, hoàn toàn quên mất cách nay chưa tròn
thế kỷ (1945-2015) máu của những người lính Nga và Mỹ đã thắm đẫm trên
đất Hoa Lục và Thái Bình Dương để đánh tan bộ binh và hải quân phát xít
Nhật giải phóng Trung Hoa khỏi ách xâm lược cho Mao Trạch Đông thuận lợi
thành lập nước Trung Hoa CS ngày nay.
Qua các dẫn chứng khái quát nói trên, quả thực là tại thời điểm này rất
khó cho bất cứ quyền lực nào tròng được sợi dây cương vào đầu con ngựa
chứng hoang dã bất kham Trung Quốc bởi dù ngồi chễm chệ vào một trong 5
cái ghế quan trọng của HĐBA/LHQ nhưng ngay cả công lý quốc tế đối với
đại hán cũng là con số không tròn trịa qua lời Giáo sư Zachary Abuza,
chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc Đại
học Simmons (Mỹ), nói với báo chí về việc Philippines kiện Trung Quốc,
liệu Trung Quốc có chấp nhận hiện diện tại Tòa Trọng tài Thường trực
(PCA) nơi giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế là cơ quan cuối
cùng thụ lý vụ kiện này cùng với Philippines , Giáo sư Zachary Abuza
khẳng định: “Tôi không tin Trung Quốc sẽ có bất kỳ phúc đáp nào chứ đừng nói là tham dự phiên tòa”. (TT online 4/6/2014)
Còn tệ hơn thế, tờ South China Morning Post ngày 12.12.2014 dẫn lời một
giáo sư Trung Quốc ông Shen Dingli, chuyên gia an ninh của Học viện
Nghiên cứu quốc tế Đại học Fudan (Trung Quốc) phát biểu trịch thượng như
“lên lớp” với học trò trong một diễn đàn an ninh diễn ra ngay tại thủ
đô Manila (Philippines). ông Shen Dingli cho rằng đơn kiện này sẽ là một
“sai lầm” bởi vì Bắc Kinh có thể rút khỏi UNCLOS. “Philippines càng muốn kiện Trung Quốc, Trung Quốc càng muốn rút khỏi UNCLOS”, khả năng ITLOS quyết định sẽ không đưa ra phán quyết nào về vụ kiện này bởi vì phán quyết ấy có thể làm tổn hại đến UNCLOS.!?
Nhiều chuyên gia luật biển quốc tế phải che miệng cười: Một “ông lớn”
đang lên của thế giới mà vào, ra, một công ước quốc tế LHQ như đi chợ
khi lòng tham bị vạch mặt? Và cho rằng đó chỉ là “đòn gió, già mồm” hù
dọa của Bắc Kinh khi chiều dài vạn dậm của lãnh hải TQ có nhiều hải đảo
cùng tranh chấp với nhiều quốc gia khác nhau (trong đó có đồng minh với
Mỹ) thì Trung Quốc từ bỏ rút ra khỏi UNCLOS là đối diện với nhiều thiệt
hại, hiểm nguy vô bờ bến. Vì vậy cũng ngay ở Trung Quốc một giáo sư khác
Ông Zhang Mingliang, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Tế
Nam (Trung Quốc), thực tế hơn cho rằng Trung Quốc rất lo ngại việc
Philippines mang vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông ra tòa án
quốc tế (dù Trung Quốc không chấp nhận) cũng sẽ làm “phức tạp” thêm uy
tín và méo mó hình ảnh Trung Quốc đang trỗi dậy.
Và như thế kiện Trung Quốc dù kết quả nó ra sao vẫn là phương cách tốt
nhất mà một nước nhỏ như Philippines bị Trung Quốc bắt nạt có thể, rất
nên và đã làm trong thời đại văn minh, thế giới phụ thuộc vào nhau như
dưới một mái nhà hiện nay.
Công luận quốc tế cũng đồng ý vụ kiện sẽ nâng tầm giá trị lên rất cao
và cuộc “dạo chơi” trên biển Đông của Trung Quốc không êm ái chút nào
nếu Việt Nam song hành cùng kiện như Philippines, tuy nhiên dù bị Trung
Quốc xử tệ hơn Philippines, nhưng nhà nước và đảng CSVN vẫn “bất động”
lại còn hợp tác song phương? Kể cả giải quyết tranh chấp mà không cần
đến công pháp quốc tế (chưa bao giờ kiện thưa Trung quốc)? Dù lúc nào
cũng nói khẳng định có đầy đủ chứng lý không thể tranh cãi về Hoàng Sa
đang bị TQ chiếm giữ xây dựng?.
Song song bên cạnh nỗ lực kiện TQ để khuấy động lương tâm nhân loại,
công pháp quốc tế, thì một biện pháp cứng rắn khác rất đáng chú ý, là
chỉ dấu một cách xóa bỏ vô hiệu đường 9 đoạn lưỡi bò mà Bắc Kinh đang
giăng ra tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.
Mới đây trong hai ngày 16-17/06/2015, Trường Hải chiến Hoa Kỳ - U.S.
Naval War College trụ sở tại Newport, tiểu bang Rhode Island, đã tổ chức
cuộc hội thảo thường niên về chiến lược Current Strategy Forum 2015,
với chủ đề: “Chiến lược và sức mạnh hải quân trong một môi trường có tranh chấp”
(Strategy and Maritime Power in a Contested Environment). Các động thái
quyết đoán của Trung Quốc gần đây tại Biển Đông, đặc biệt là việc rầm
rộ bồi đắp đảo nhân tạo tại vùng Trường Sa trở thành một trong những đề
tài thảo luận kỹ lưỡng tại diễn đàn này.
Được mời tham gia hội thảo, Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc
phòng Úc đã có một bài tham luận rất đáng chú ý về Chiến lược hải quân
và quân sự của Hoa Kỳ tại Biển Đông (National, Military, Maritime
Strategy and the South China Sea).
Giáo sư Carlyle A. Thayer, Học viện Quốc phòng Úc
tại Trường Hải chiến (U.S. Naval War College) ở Newport, ngày 17/06/2015.
tại Trường Hải chiến (U.S. Naval War College) ở Newport, ngày 17/06/2015.
Mặc định hiển nhiên, Mỹ và các đồng minh trong khu vực luôn thách thức,
bác bỏ đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trong 3 địa hạt:
1/ Lực lượng Mỹ liên tục thách thức đường 9 đoạn mà Trung Quốc dùng để đòi chủ quyền trên toàn biển Đông.
2/ Lực lượng Mỹ cũng thách thức nỗ lực bất hợp pháp của Trung Quốc muốn
giới hạn hoạt động quân sự bên trong vùng 200 hải lý khu đặc quyền kinh
tế biển của Trung Quốc, dù tính từ đất liền hay từ các đảo.
3/ Lực lượng Mỹ thách thức quyền đòi lãnh hải 12 hải lý tính từ các bãi đá ngầm.
Dựa trên khuyến cáo đã được 4 Thượng nghị sĩ có uy tín tại Thượng viện
Hoa Kỳ (John McCain, Jack Reed, Bob Corker và Bob Menendez) gởi đến
chính quyền Mỹ vào tháng 03/2015.
Giáo sư Carlyle A. Thayer đề xuất: Hải quân Mỹ cần tăng cường hiện diện và tập trận tại Biển Đông nhiều hơn nữa.
“Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục công cuộc phô trương một cách
hung hăng Hải quân của họ hàng năm ở Biển Đông, đây là cơ hội để Hải
quân Mỹ, Nhật, Úc và những nước cùng quan điểm tổ chức các đợt tập trận
thường niên ở Biển Đông tương tự, những cuộc tập trận đó phải được quảng
bá rộng rãi để tăng cường tính minh bạch.
Các cuộc tập trận cho phép Hoa Kỳ cụ thể hóa trong thực tế chính sách
từng tuyên bố là chống lại sự hù dọa, cưỡng ép để giải quyết tranh chấp
lãnh thổ. Chiến lược này chưa đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, nhưng
có tác dụng trấn an các nước khu vực.
Hoa Kỳ nên tổ chức tập trận ở vùng biển bên trong xuyên qua đường 9
đoạn Trung Quốc tuyên bố. Các quan sát viên quân sự trong khu vực từ
Philippines, Việt Nam, đến các quốc gia khác trong vùng nên được mời lên
tàu Mỹ để theo dõi các cuộc tập trận đó. Quan sát viên nước ngoài cũng
nên được tháp tùng theo các chuyến bay do thám trên không.
Mục tiêu là duy trì một sự hiện diện hải quân và không quân liên tục
trong đường 9 đoạn để ngăn không cho Trung Quốc sử dụng biện pháp đe dọa
và cưỡng ép đối với Philippines, Việt Nam và các quốc gia khác trong
khu vực bằng cách gia tăng các nguy cơ (mà Trung Quốc có thể gặp phải)
khi trực tiếp đối đầu với Mỹ hoặc một đồng minh có hiệp ước với Mỹ. Phạm
vi và cường độ của các cuộc tập trận này có thể được thay đổi để đáp
ứng với quy mô các hoạt động Hải quân của Trung Quốc trong khu vực”.(rfi news).
Đây có lẽ là một trong những giải pháp tương đối “mềm” với Trung Quốc
trên biển Đông mà khả dĩ TT/Obama một nguyên thủ Mỹ không thích “chủ
chiến” hay liều lĩnh có thể chấp nhận được trong một năm rưỡi tại vị còn
lại trước khi một tổng thống Mỹ cứng rắn khác lên thay thế (ví dụ:
Hillary Clinton ) – Bắc Kinh tuồng như đã “nắm thóp” được tư duy của ông
Obama nên đã tận dụng thời cơ này (vừa qua) trên biển Đông và sẽ tiếp
tục (sắp tới) trong 18 tháng còn lại của ông Obama.
Tóm lại thì điều quan trọng là hành động. Câu hỏi là liệu các nghị sĩ
Quốc Hội Mỹ có chịu đặt vấn đề với TT/Obama rằng Mỹ đã làm đủ hay chưa
trách nhiệm “cảnh sát quốc tế” ở trên không và trên mặt biển ở biển Đông
và các quốc gia khác có vì tự do giao thông hàng hải và công pháp quốc
tế chịu sẵn sàng tham gia cùng (đi tuần) hay không để cùng nhau như đặt
một cái roi trước mặt con ngựa chứng hoang dã để có thể thay đổi tính
toán của Trung Quốc? Giải pháp còn bỏ ngỏ mà Bắc Kinh thì đang lợi dụng
tình hình như con ngựa hoang tung vó trên biển Đông.
29/06/2015