Nghĩ về chuyến đi Mỹ của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Nguyễn Minh Cần (Danlambao) - ...trong
TƯ đảng, thân Tàu thì có và có nhiều, còn thân Mỹ thì chỉ là những lời
nói vờ vịt, bóng bẩy để ve vãn, làm điệu vậy thôi. Rồi đây có thể cũng
có người khoác tạm cái áo thân Mỹ để đánh lừa dư luận - vì họ thấy trên
70% dân chúng VN mong muốn có quan hệ tốt với Mỹ - nhưng thật lòng thì
họ chẳng thân ai hết, ngoài cái "ghế" của họ. Cho nên cái lối chia hai
phe rạch ròi thân Tàu, thân Mỹ trong ban lãnh đạo CSVN như vậy là không
hợp với tình hình VN, dễ làm cho những người dân chủ có đối sách không
sát thực tế. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, những người dân chủ chúng ta
cũng phải biết tận dụng mọi cơ hội, mọi kẽ hở của chế độ để đấu tranh
cho tự do, dân chủ và nhân quyền, tập hợp lực lượng, chờ thời cơ để
giành thắng lợi quyết định...
*
Do những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc (TQ) trên Thái
Bình Dương nên nhiều năm gần đây, Hoa Kỳ (HK) đã chuyển trục sang châu
Á-Thái Bình Dương cả về mặt quân sự, kinh tế, cả về mặt chính trị, ngoại
giao. Và chính quyền Obama đã cố gắng mở rộng và củng cố quan hệ đối
tác với các nước sẵn có quan hệ tốt với HK và cả với các nước tuy có
quan hệ chặt chẽ với TQ nhưng lại bị TQ hiếp đáp trên Biển Đông, như VN,
HK cũng hết sức lôi kéo nhằm tạo thế liên hoàn các nước để chống lại sự
xâm lăng của TQ nhằm khống chế Thái Bình Dương. Chính vì thế tổng thống
Barack Obama đã mời TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, một người rất bảo thủ,
giáo điều, thường bênh Tàu chống Mỹ, sang Hoa Kỳ bàn việc. Tình thế của
VN đang lúc rất khó khăn cả về mặt kinh tế, cả về mặt chính trị lại bị
Trung Cộng lấn lướt trên Biển Đông, còn ở biên giới Tây Nam thì TQ lại
lôi kéo, xúi giục "nước anh em" cũ của CSVN là Cam Bốt có thái độ không
thân thiện với VN. Lời mời của Obama rất hợp thời và hợp ý ban lãnh đạo
ĐCSVN, khi họ cảm thấy chỗ dựa TQ đang nguy ngập và đang muốn tìm chỗ
dựa mới để cứu chế độ và đảng của họ, nên đã hân hoan nhận lời mời. Bản
thân ông Trọng, tất nhiên, cũng rất lấy làm hãnh diện là TBT CSVN đầu
tiên vinh dự được bước vào Nhà Trắng. Tổng thống HK đón tiếp trọng thị
TBT Trọng ở Phòng Bầu dục, bất chấp sự phản đối của một số dân biểu quốc
hội vì hồ sơ tồi tệ về nhân quyền của VN. Tuyên truyền của Hà Nội lại
được dịp khoác lác là qua cuộc tiếp đón "lịch sử" đó tại Nhà Trắng, HK
đã "công nhận chế độ chính trị của chúng ta". Thực ra, điều này chẳng có
gì quan trọng lắm, trước năm 1989, HK cũng đã từng công nhận chế độ
chính trị của các nước CS cũ ở Đông Âu và Liên Xô (LX), đã từng chấp
nhận vai trò lãnh đạo của các ĐCS trong các chế độ đó. Thậm chí năm
1983, tổng thống Reagan cũng đã từng tiếp thủ lĩnh Taliban ở Afghanistan
tại Phòng Bầu dục Nhà Trắng cơ mà.
Kết quả cuộc gặp là tổng thống HK và tổng bí thư ĐCSVN đã ra Tuyên bố về
Tầm nhìn chung trong đó cũng chỉ là những ghi nhận và hứa hẹn rất chung
chưa có gì cụ thể. Chẳng hạn, HK ghi nhận "sự quan tâm của VN muốn đạt
được quy chế thị trường", hai nước "hứa hẹn tiếp tục thúc đẩy và bảo vệ
bảo vệ quyền con người", hai nước sẽ còn tiếp tục đàm phán về TPP nhất
là những vấn đề về quyền lợi công nhân, v.v... Khi đọc nội dung "Tầm
nhìn chung" ở đoạn nói về quyền con người và các quyền tự do cơ bản...
thấy rõ rằng giữa tổng thống HK và người đứng đầu CSVN chưa đạt được sự
đồng thuận nên chỉ đưa vào những câu chung chung như vậy để dành cho
cuộc "mặc cả" còn tiếp tục sau này giữa hai bên. Trong "Tầm nhìn chung"
chỉ có một điểm cụ thể nói về Trường đại học Fulbright Việt Nam (FUV).
Tuy nhiên, đoạn nói về Biển Đông là đáng chú ý và có ý nghĩa thiết thực
hơn cả: "Hai nước bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển
Đông làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và đe dọa làm phương hại
đến hòa bình, an ninh và ổn định" và "Hai nước nhấn mạnh sự cần thiết đề
cao các quyền tự do hàng hải và hàng không được quốc tế công nhận;
thương mại hợp pháp không hạn chế, an ninh và an toàn hàng hải; kiềm chế
những hành động làm gia tăng căng thẳng; bảo đảm tất cả các hành động
và hoạt động phải phù hợp với luật pháp quốc tế; phản đối việc ép buộc,
hăm dọa, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực." Người viết nghĩ rằng những
câu này dường như chủ yếu là do gợi ý từ phía Hoa Kỳ, vì trước đây khi
TQ cấm ngư dân VN đánh cá trong biển của VN, tịch thu ngư cụ và các mẻ
cá đánh được của ngư dân VN, tấn công, đánh chìm tàu thuyền của ngư dân
VN và đánh đập thậm tệ ngư dân ta, thì ông Trọng vẫn tuyên bố tỉnh bơ:
"Quan hệ Trung-Việt chưa lúc nào tốt đẹp như lúc này"! Còn cách đây vài
tháng, khi ông và phái đoàn "hùng hậu" của ông sang Bắc Kinh thì ông có
hề nói một câu gì về Biển Đông tương tự như thế đâu? Thậm chí 19 ngày
trước, cụ thể là ngày 18.6.2015, ông còn cho bộ trưởng ngoại giao của
ông là Phạm Bình Minh ký bản Cam kết với bộ trưởng ngoại giao TQ "sẽ
không có hành động làm phức tạp"... trên Biển Đông, trong lúc TQ đã và
đang làm biết bao điều phức tạp trên Biển Đông.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là những câu trả lời của TBT ĐCS trong buổi
nói chuyện của ông tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở
Washington DC, qua đó thể hiện rõ nhất bản chất xảo quyệt và dối trá,
"nói dzậy nhưng không phải dzậy" của ông ta. Trả lời một học giả Mỹ, ông
nói "VN sẽ duy trì tinh thần dân chủ hóa trong xã hội và chính trị".
Tinh thần dân chủ hóa ở đâu, hở ông Trọng? Ở các đồn công an hay ở các
trại tù?! Trả lời câu hỏi khác của một nhà khoa học Mỹ: "Tình hình nhân
quyền và tự do ngôn luận ở VN trong tương lai tới đây sẽ như thế nào,
thưa TBT?", TBT lại được dịp phét lác: "Tôi biết nhân quyền là vấn đề Mỹ
rất quan tâm, đây cũng là vấn đề VN rất coi trọng. (!) Bảo đảm và cải
thiện quyền công dân là ưu tiên cơ bản và chiến lược của chúng tôi. (!)
Chúng tôi đã nỗ lực hết sức, nếu các bạn đến VN sẽ thấy quyền của các
nhóm dân cư dễ bị tổn thương như người nghèo, các dân tộc thiểu số vùng
sâu vùng xa, được quan tâm. (!) Người dân VN chưa bao giờ được sống
trong bầu không khí dân chủ như hiện nay. (!) Hiến pháp VN có chương
riêng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, và đang dần
dần được luật hóa...". Ông ta lờ đi không thanh minh thanh ca gì về danh
sách 150 tù nhân chính trị đang rục xác trong nhà tù CS mà Humain
Rights Watch đã đưa ra và các tổ chức nhân quyền quốc tế đang đòi VN
phải trả tự do, mà chỉ đưa ra lời dối láo trắng trợn: "Các vụ việc người
bị bắt ở VN không phải do vấn đề dân tộc hay tôn giáo mà là vì họ vi
phạm pháp luật." Chúng tôi nhắc lại những điều đó để nói rằng chớ nên hy
vọng sẽ có "những đột biến có tính lịch sử" về nhân quyền và tự do dân
chủ sau chuyến đi này của ông Trọng. Mọi việc vẫn sẽ tiếp tục như trước
đây: HK đòi thả một số tù nhân lương tâm, các nhà cầm quyền VN thả dăm
ba người tượng trưng để đạt được những yêu cầu cụ thể về kinh tế hay an
ninh, quốc phòng, rồi lại tiếp tục đàn áp bắt thêm một loạt người nữa để
chờ cuộc "mặc cả" tiếp theo. Các tù nhân lương tâm lại vẫn là những món
hàng trao đổi! Cũng rất có thể rồi đây, VN cũng sẽ được công nhận là
nền kinh tế thị trường dù kinh tế quốc doanh vẫn còn là chủ đạo! Hay VN
cũng sẽ được tham gia TPP dù công đoàn/nghiệp đoàn tự do chưa có... hay
có nhưng không có thực chất. Hay VN sẽ được xóa bỏ lệnh cấm vận vũ khí
sát thương dù hồ sơ nhân quyền không tiến bộ mấy. Những điều đó thì chưa
ai biết được, nhưng chắc chắn là cái thủ đoạn dối trá, lươn lẹo "muôn
thuở" của CSVN sẽ được sử dụng hết cỡ! Người Mỹ rất thực dụng, họ nghĩ
đến quyền lợi nước họ là chính, họ thực tâm bênh vực nhân quyền, quyền
công nhân, quyền phụ nữ, quyền các dân tộc thiểu số... trong chừng mực
nào có lợi cho đất nước họ... Cho nên các chiến sĩ dân chủ VN phải ra
sức tận dụng sự ủng hộ của họ, nhưng đừng quá tin tưởng và ỷ lại vào họ!
Những lời giả dối của ông Trọng tại CSIS báo hiệu cho chúng ta biết,
sau chuyến đi này về mặt nhân quyền, tự do dân chủ sẽ chẳng có gì thay
đổi lớn đâu, đừng hy vọng quá mà thất vọng. Vẫn luôn luôn phải tăng
cường đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ.
Khôi hài nhất là ông TBT dù cố giữ vẻ đạo mạo của một thức giả, nhưng có
lần cũng bật ra cái "lú" cố hữu của mình, khi ông ta nói với giọng đạo
đức giả trước cử tọa của CSIS: “Tôi mong chính quyền Hoa Kỳ quan tâm,
tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống, công việc và học tập của người
Việt Nam tại Hoa Kỳ, tạo điều kiện để họ hội nhập tốt và đóng góp tích
cực cho sự phát triển của Hoa Kỳ và cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.” Ngố
đến thế thật là hết chỗ nói! Ông ta tưởng rằng cộng đồng người Việt chạy
nạn CS rất cần đến sự quan tâm vờ vĩnh của TBT CS, và ông quên rằng
trước kia chính thủ tướng CS Phạm Văn Đồng của ông đã từng phỉ báng
những người chạy nạn CS là "bọn ma cô, đĩ điếm". Và chính "bọn" (xin
lỗi!) này nhờ thoát khỏi cái "thiên đường xã hội chủ nghĩa" của ĐCSVN và
nhờ họ hội nhập rất tốt vào nền dân chủ của HK mà ngày nay đã thành đạt
tuyệt vời về mọi lĩnh vực trên đất nước Mỹ, nên hằng năm họ đã gửi về
cho dân nước VN xã hội chủ nghĩa một số tiền "viện trợ" rất lớn từ 8 đến
10 tỉ USD! Sự thành đạt của họ trên đất nước HK hoàn toàn không liên
quan gì đến sự quan tâm vuốt đuôi của ông Trọng cả!
Tuy nhiên, cái "ngố" hết chỗ nói trên đây vẫn còn thua xa cái "ngố" này:
báo chí loan tin, ngày 10.7.2015, tại thành phố New York, để biểu dương
tinh thần quốc tế vô sản (đồng thời cũng biểu dương tình trạng xơ cứng
tư duy thảm hại của ông), TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp với
ban lãnh đạo ĐCS Hoa Kỳ, một cái đảng bé tí tẹo trong một nước có 320
triệu dân, chẳng làm nên trò trống gì trên chính trường HK, chưa bao giờ
được người dân Mỹ để ý đến. Thế mà, trước truyền thông quốc tế, ông
Trọng đã bốc đồng tuyên bố: "Tin tưởng ĐCS HK sẽ tiếp tục phấn đấu không
ngừng để làm tròn nhiệm vụ to lớn với tư cách là đảng tiên phong, điểm
tựa chính trị của lực lượng công nhân và quần chúng lao động HK". Ông hồ
hởi "chúc mừng thành công của đại hội lần thứ 30 của ĐCS HK", một đại
hội mà chỉ duy nhất ông Trọng nhắc tới, chứ ngay cả người dân Mỹ cũng
chẳng ai biết và truyền thông báo chí HK chẳng buồn nói đến.
Thẳng thắn mà nói thì chuyến đi Mỹ của TBT Trọng lần này chưa có kết quả
gì rõ rệt để có thể gọi là "chuyến đi lịch sử" đã tạo ra "một bước
ngoặt lịch sử". Tuy nhiên, hy vọng rồi đây do tình thế bức bách, ban
lãnh đạo CSVN có thể tiến thêm bước nữa gần với HK hơn. Có thể người Mỹ
nghĩ rằng TBT Trọng là người lãnh đạo cao nhất, có quyền hành nhất trong
ĐCS, nhưng thực ra ông Trọng là người cầm đầu ĐCS loại yếu trong số các
TBT: từ hội nghị 6 TƯ đảng (10.2012) đến hội nghị 10 (1.2015), ông đã
thất bại liên tiếp trước đối thủ chính của ông là "đồng chí X". Vả lại,
trong ĐCSVN, ông Trọng cũng chỉ là một người trong cái tập thể mười mấy
người lãnh đạo, gọi là Bộ chính trị (BCT). Trước khi đi HK, cái tập thể
đó đã định rõ cho ông nói cái gì, ứng xử như thế nào trong mỗi tình
huống. Ông chỉ là một vai diễn trên sân khấu mà thôi. Còn sau chuyến
viếng thăm, cái tập thể đó sẽ họp lại quyết định sẽ đối phó như thế nào
với cái TPP, với quy chế kinh tế thị trường, v.v... Chắc dân ta còn nhớ,
trước đây, hồi năm 2005, thủ tướng Phan Văn Khải, rồi 2007, chủ tịch
nước Nguyễn Minh Triết, rồi 2008, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rồi 2013,
chủ tịch nước Trương Tấn Sang - những người lãnh đạo rất cao, rất có
quyền lực trong hệ thống chính trị VN - cũng đã được tổng thống HK đón
tiếp trọng thị tại Nhà Trắng ở Phòng Bầu dục, tất cả họ cũng đều hứa hẹn
với tổng thống những điều tốt đẹp cho nhân quyền, cho tự do, dân chủ.
Chủ tịch Sang cùng tổng thống Obama còn xác lập quan hệ đối tác toàn
diện giữa hai nước HK và VN. Thế mà sau khi các vị đó trở về nước thì
tình hình đàn áp các cuộc đấu tranh hòa bình của người dân để bảo vệ
lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo của VN bị TQ xâm chiếm vẫn không bớt ác
liệt, đàn áp các cuộc đấu tranh của dân oan đấu tranh chống cưỡng chế
đất đai vẫn rất dã man, số người bị bắt đưa ra tòa án xử phi pháp vẫn
rất đông... Thậm chí khi VN được vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, đã ký Công
ước chống tra tấn mà số người dân bị tra tấn đến chết ở các đồn công an
vẫn tăng lên chứ không giảm, còn nói gì đến chuyện chấm dứt tra tấn! Có
chút thay đổi chăng là vài người tù được thả ra sớm hơn một chút, thậm
chí vừa thả họ ra, liền bắt họ phải ra nước ngoài sống lưu vong... Dân
gian ta thường nói Cà cuống chết đến đít còn cay, nghĩa là một con
người, một nhóm người nặng tính xảo quyệt, gian dối, bảo thủ, giáo
điều... thì dù trong hoàn cảnh nào đi nữa họ vẫn giữ cái bản chất "cay"
vốn có của họ. Cho nên đừng trông chờ BCT TƯ ĐCSVN sẽ dân chủ hóa, sẽ
ban phát tự do, dân chủ cho ta, mà tự mình phải đấu tranh giành lấy
những thứ quý báu vô ngần đó.
Cũng cần nhắc lại là VN xác lập quan hệ đối tác toàn diện với HK mới
được hai năm thôi, trong lúc đó VN đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược
toàn diện với Nga và TQ lâu hơn. Hơn nữa với TQ, VN còn bị buộc chặt
bằng sợi dây thòng lọng Thành Đô, bằng vòng kim cô 16 chữ vàng và 4 tốt,
bằng vô số hiệp định và cam kết của những người đứng đầu đảng và nhà
nước VN với TQ, bằng sự lũng đoạn của TQ đối với nền kinh tế VN, bằng
các công trình xây dựng quan trọng khắp nước VN do TQ trúng thầu, bằng
300 ngàn hec-ta rừng đầu nguồn ở vùng biên giới VN trong tay TQ, bằng
nhiều vị trí tập trung dân TQ (hay quân nằm vùng?) ở các nơi xung yếu
trên đất nước VN, v.v... Cố nhiên, báo chí «lề đảng» thì cố thổi phồng
chuyến đi HK của ông Trọng, cho đó "là chuyến đi lịch sử", "là cột mốc
đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ và đồng thời nâng cao sự
hợp tác giữa hai nước lên tầm đối tác chiến lược" - sự thật thì chưa có
thỏa thuận gì đặc biệt đáng gọi là cột mốc, hơn nữa, sau chuyến đi của
ông Trọng quan hệ giữa VN và HK vẫn là «quan hệ đối tác toàn diện» như
sau chuyến đi của chủ tịch Trương Tấn Sang, chứ đâu có phải là "đối tác
chiến lược"? Có vài nhà báo «lề dân» cũng quá lạc quan cho rằng với
chuyến đi của ông Trọng, VN đã xáp lại với HK và như thế sẽ chấp nhận từ
bỏ chế độ độc tài đảng trị trong một tương lai gần; hay cho rằng sau
chuyến đi của ông Trọng, VN sẽ rời khỏi TQ và liên kết với HK để chống
lại TQ; thậm chí có người còn tiên đoán rồi đây quân Mỹ sẽ đến Cam Ranh,
v.v... Những nhận định quá lạc quan này chỉ dựa trên lòng mong muốn của
người phát biểu, chứ không phải trên thực tế khách quan. Tập đoàn cầm
quyền CSVN đang lâm vào tình thế cực kỳ khó khăn cả về kinh tế lẫn chính
trị, lại bị sức ép mạnh vì hành vi hung hăng xâm lấn của TQ, nên về
sách lược họ phải tìm thêm chỗ dựa ở HK để cứu chế độ độc tài toàn trị
của họ và đảng của họ, tức là cứu quyền lợi của họ và cứu bản thân họ,
chứ đâu có phải để từ bỏ chế độ độc tài toàn trị. Cho nên nghĩ rằng họ
sẽ chấp nhận từ bỏ chế độ độc tài đảng trị trong một tương lai gần là
rất mơ hồ sẽ gây ra ảo tưởng cho những người đang đấu tranh cho tự do
dân chủ và nhân quyền. Cho rằng sau chuyến đi của ông Trọng, VN sẽ rời
khỏi TQ và liên kết với HK để chống lại TQ là chưa đánh giá hết mọi tình
hình phức tạp trong mối quan hệ lâu đời giữa VN với Nga và TQ, chưa
thấy hết những ràng buộc của CSVN với CSTQ mà chính những người cầm đầu
ĐCSVN tự buộc vào, từ thời Hồ Chí Minh trước đây và đặc biệt từ thời
Nguyễn Văn Linh cho đến Nguyễn Phú Trọng ngày nay, là chưa thấy hết cái
tình thế khó khăn, lúng túng của tập đoàn cầm quyền CSVN trong lúc này,
dù họ có muốn rời khỏi TQ, nhưng chưa thể rời ngay được. Theo chúng tôi
nghĩ, CSVN xích lại gần HK nhiều hay ít, nhanh hay chậm chủ yếu tùy
thuộc ở mức độ nguy khốn của CSVN và của CSTQ, vì chẳng ai lạ gì cái
thói sống dựa và ăn bám cố hữu của lãnh đạo CSVN để tự cứu mình. Cho nên
chúng ta cần có thái độ thực tế, không bi quan mà chẳng nên quá lạc
quan để đánh giá đúng tình hình mà đẩy mạnh cuộc đấu tranh cho tự do dân
chủ nước ta theo đúng hướng để giành được thắng lợi.
Tờ Hoàn cầu Thời báo, một phó bản của tờ Nhân Dân nhật báo của ĐCSTQ đã
đưa ra lời nhắc nhở và đe dọa VN: "Trong khi VN xem TQ như một mối đe
dọa an ninh quốc gia của mình, thì VN cũng được hưởng lực kéo kinh tế từ
TQ và cũng được sự hỗ trợ từ thể chế CS TQ."... "Các mối quan hệ chặt
chẽ hơn giữa VN và HK một phần nhắm vào TQ, và như vậy sẽ kéo theo những
đòn đánh trả của TQ. Điều này sẽ tạo ra áp lực lên ba phía, nhưng trong
trường hợp đó, VN có thể là kẻ phải chịu nhiều thiệt hại nhất." Chúng
ta không sợ những lời đe dọa của ĐCSTQ, nhưng chúng ta đừng để cái lạc
quan tếu về chuyến đi Mỹ của ông Trọng làm rối đầu óc chúng ta. Dân ta
bình tĩnh chờ những đòn «phản pháo» của TQ và sẽ có cơ hội được kiểm
chứng thái độ của các quan chức cao cấp nhất của ĐCSVN đối với Bắc
triều. Chỉ vài ngày sau chuyến đi Mỹ của TBT Trọng, thì một trong 7
người có quyền lực nhất ở TQ là ủy viên thường vụ BCT, phó thủ tướng
Trung Cộng Trương Cao Lệ, đến VN từ ngày 16 đến 18.7. Gặp chủ tịch
Trương Tấn Sang, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người ta lại ca bài "mối
quan hệ truyền thống do Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh từng nuôi dưỡng là
tài sản quý báu của hai đảng và nhân dân hai nước, vì quyền lợi cơ bản
của hai nước cần phải thắt chặt mối quan hệ truyền thống này"... "hai
đảng tiếp tục đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Việt phát
triển lành mạnh, ổn định, lâu dài", nghĩa là không có gì thay đổi trong
quan hệ Trung-Việt sau chuyến TBT ĐCSVN đi Mỹ về! Còn ông Trọng, sau khi
gặp họ Trương, ông cũng gặp một số cử tri để khoe khoang về cuộc đối
thoại "vượt mức yêu cầu" với tổng thống Mỹ, đồng thời ông nhấn mạnh: «Có
ý kiến nói, chuyện quan hệ với Mỹ để chống TQ ở Biển Đông thì cũng chỉ
là một cách suy diễn...". Ý ông muốn nói: thực ra ông đi Mỹ nhưng không
hề có ý muốn chống TQ, đó chỉ là sự suy diễn và hiểu lầm mà thôi. Ông
còn nói thêm: "Rất hay là vừa đi Mỹ về, thì phó thủ tướng TQ cũng sang
đây"! Ngầm ý: để TBT ĐCSVN có dịp thanh minh với ĐCSTQ về chuyến đi vừa
rồi! Đấy, cái mà một số người gọi chuyến đi HK của ông Trọng là "chuyến
đi lịch sử" đã tạo ra "một bước ngoặt lịch sử" là như thế đó!
Những người am hiểu thời cuộc đều biết từ rất lâu trước chuyến TBT ĐCSVN
đi Mỹ, Trung Cộng đã tung ra độc chiêu mà trước đây họ đã dùng dưới
thời Pol Pốt, nay đem dùng lại dưới thời thủ tướng Hun Sen là cố lôi kéo
Cam Bốt (CB) về phía TQ, chia rẽ CB với VN, giúp đỡ về kinh tế, cung
cấp vũ khí cho CB, xúi giục CB chống lại VN. Vấn đề biên giới giữa hai
nước CB và VN nay lại xới lên. Vụ xô xát hôm 28.6.2015 ở vùng biên giới
tỉnh Svay Rieng (CB) và tỉnh Long An (VN), cũng như việc một phái đoàn
các tướng tá CB do phó thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng CB Tea Banh dẫn
đầu đến TQ, làm cho phía VN phải đề phòng. Rồi hàng loạt xe tăng, thiết
giáp, khí tài VN được cấp tốc chuyển từ miền Bắc vào Nam từ hôm
13.7.2015... Tất cả những tin tức đó báo hiệu có thể sẽ xảy ra chuyện
chẳng lành cho nhân dân cả hai nước CB và VN. Điều chắc chắn là những
người dân chủ và các chiến sĩ nhân quyền VN kiên quyết phản đối một cuộc
chiến tranh (nếu có) giữa CB và VN vì nó sẽ đẩy nhân dân hai nước rơi
vào cạm bẫy chiến tranh của Trung Cộng và gây ra muôn vàn đau thương cho
người dân CB và VN. Hơn nữa, chiến tranh là cơ hội tốt nhất cho tập
đoàn thống trị CSVN bóp nghẹt tự do, dân chủ và nhân quyền của nhân dân.
Chúng ta chủ trương đối thoại, đàm phán, tương nhượng để giải quyết một
cách hòa bình mọi tranh chấp giữa CB và VN.
Một điều đáng chú ý là trước ngày TBT Nguyễn Phú Trọng đi Hoa Kỳ thì từ
cuối tháng 6.2015, bỗng bặt tin bộ trưởng bộ quốc phòng VN, đại tướng
Phùng Quang Thanh, một nhân vật đặc biệt thân Tàu trong BCT TƯ đảng.
Tiếp đó đã có những trò che giấu khá lộ liễu, kín kín, hở hở về sự vắng
bặt tin của tướng Thanh, sau đó Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương
đưa ra những thông tin mập mờ, mâu thuẫn nhau về bệnh tình của tướng
Thanh. Rồi bỗng dưng sáng 3.7.2015, Cổng thông tin của Bộ quốc phòng đưa
tin, tại Hà Nội, thực hiện các Quyết định của Thủ trưởng Bộ quốc phòng
(thủ trưởng chứ không phải là bộ trưởng và cũng không ghi rõ tên ai là
thủ trưởng), Bộ tư lệnh (BTL) thủ đô Hà Nội tổ chức hội nghị bàn giao
nhiệm vụ Tư lệnh và Chính ủy BTL thủ đô Hà Nội. Sự thay đổi đột ngột
những người đứng đầu BTL thủ đô Hà Nội trùng hợp với tin tức mập mờ về
sự biến mất của tướng Thanh, làm một vài người nghĩ đến một cuộc đảo
chính cung đình. Giả định này chắc là không đúng, vì khi một "đồng chí"
nào đó - như "đồng chí X" chẳng hạn - đã nắm ưu thế trong ban lãnh đạo
đảng thì cứ làm theo đúng điều lệ đảng, họp hội nghị TƯ hay đại hội đảng
đàng hoàng để đa số quyết định sự thay đổi là nhẹ nhàng, êm đẹp nhất,
việc gì phải làm đảo chính cho mang tiếng? Nhưng những chuyện nói trên
cho thấy cuộc đấu đá nội bộ trên thượng tầng lãnh đạo CSVN đã lên đến
cao điểm, báo hiệu có một cuộc “đổi kíp”, "đổi ca" sắp tới. "Kíp" mới
này sẽ nắm lấy toàn bộ quyền lực và tiếp tục thống trị đất nước ta với
một chính sách về cơ bản vẫn như cũ. Còn về mặt đối ngoại, họ sẽ khoác
áo thân Mỹ và thỉnh thoảng nói vài câu có vẻ chống Tàu để HK cho VN vào
TPP, công nhận nền kinh tế thị trường và bỏ cấm vận vũ khí sát thương…
dù hồ sơ nhân quyền của VN vẫn lem nhem như trước. Còn HK rất thực dụng,
họ quan tâm chủ yếu quyền lợi của nước họ, các chế độ độc tài dù khét
tiếng xưa nay họ cũng cứ chơi như thường, miễn là có lợi cho họ. Cho nên
nhân dân ta cần thấy rõ việc đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền
là công việc của mình, dân mình phải lo, nhất thiết không thể trông cậy
vào ban lãnh đạo CSVN này được, mà hy vọng vào HK thì cũng chỉ phần nào
thôi, vì HK có giúp cho ta thì cũng chỉ trong chừng mực nào đó, và như
thế cũng đã tốt cho ta lắm rồi. Còn việc CSVN chống TQ thì chúng ta cũng
đừng nên nghĩ là “kíp” mới lên sẽ làm mạnh đâu, mối quan hệ đối tác
chiến lược toàn diện với Nga và TQ còn chặt lắm, họ không thể dễ dàng
dứt ra, đặc biệt với TQ thì còn biết bao thứ ràng buộc, nào là mật ước
Thành Đô, nào là 16 chữ vàng và 4 tốt, nào là vô số hiệp định và cam kết
từ xưa đến nay, nào là kinh tế VN và các công trình xây dựng đều phụ
thuộc vào TQ, v.v. và v.v... Trong thời gian này, CSVN ve vãn HK thì
cũng chỉ hời hợt thôi vì các ông “bạn vàng” đối tác chiến lược toàn diện
của VN là TQ và Nga cũng không dễ dàng "buông áo em ra" để em VN chạy
theo Mỹ mà họ coi là kẻ thù của họ... Cho nên chúng ta cần phải khách
quan đánh giá đúng tình hình, không nên lạc quan quá và phải luôn luôn
cảnh giác cả với «kíp» mới lên, họ đều là những kẻ bảo vệ chế độ độc tài
toàn trị vì đó là quyền lợi thiết thân của họ và gia đình họ. Một số
nhà phân tích nghĩ rằng trong ban lãnh đạo ĐCSVN có phe cấp tiến và phe
bảo thủ. Theo chúng tôi, điều đó không đúng với thực tế. Đúng là trong
TƯ đảng có rất nhiều mâu thuẫn, nhiều hục hặc, nhiều đấu đá về mặt quyền
lợi cá nhân, chứ không phải về ý thức hệ, về lý thuyết, về chiến lược,
về chính sách, tất cả họ đều nhất trí với nhau ở một điểm cơ bản là duy
trì đến cùng chế độ độc tài toàn trị, có khác biệt chăng thì chỉ trên
những tiểu tiết, như cách đối phó đối với các nước lớn thế nào để có lợi
cho chế độ của họ. Thử hỏi hàng chục năm nay, có ai trong ban lãnh đạo
CSVN dám nói một điều gì về cải cách chế độ chính trị đâu mà bảo là có
phe cấp tiến trong đảng? So với tình hình Liên Xô hồi nửa cuối thập niên
80 thế kỷ trước thì rõ ràng là trong ĐCSLX cũng như trong TƯ đảng hồi
đó đã có phe cấp tiến rõ rệt, họ có cả một «Cương lĩnh dân chủ» nổi
tiếng do một cựu ủy viên BCT TƯ, vài ủy viên TƯ và nhiều cán bộ cao cấp
của đảng soạn thảo và công bố, còn ở VN thì đã có gì đâu mà gọi là phe
cấp tiến? Cũng có nhiều người cho rằng trong ban lãnh đạo CSVN có phe
thân Tàu và phe thân Mỹ và liệt thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào phe thân
Mỹ. Thử hỏi với giọng lưỡi chống Mỹ cực kỳ thô lỗ của ông thủ tướng đã
thốt lên trong dịp 30 tháng 4 năm nay mà có thể gọi ông ta là thân Mỹ
được ư? Thử hỏi một ông thủ tướng trong suốt nhiệm kỳ của ông đã có biết
bao quyết định có lợi cho TQ bất lợi cho VN, như bô-xít ở Tây Nguyên,
như cho TQ trúng thầu các công trình xây dựng quan trọng khắp nước ta,
như để các tỉnh giáp biên giới cho Trung Cộng thuê dài hạn 300 ngàn
hec-ta rừng đầu nguồn trong 50 năm, v.v... là người không thân Tàu mà
thân Mỹ được chăng? Thực ra, trong TƯ đảng, thân Tàu thì có và có nhiều,
còn thân Mỹ thì chỉ là những lời nói vờ vịt, bóng bẩy để ve vãn, làm
điệu vậy thôi. Rồi đây có thể cũng có người khoác tạm cái áo thân Mỹ để
đánh lừa dư luận - vì họ thấy trên 70% dân chúng VN mong muốn có quan hệ
tốt với Mỹ - nhưng thật lòng thì họ chẳng thân ai hết, ngoài cái "ghế"
của họ. Cho nên cái lối chia hai phe rạch ròi thân Tàu, thân Mỹ trong
ban lãnh đạo CSVN như vậy là không hợp với tình hình VN, dễ làm cho
những người dân chủ có đối sách không sát thực tế. Nhưng dù trong hoàn
cảnh nào, những người dân chủ chúng ta cũng phải biết tận dụng mọi cơ
hội, mọi kẽ hở của chế độ để đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền,
tập hợp lực lượng, chờ thời cơ để giành thắng lợi quyết định.
20.7.2015