Bốn mươi năm sao chẳng là dĩ vãng
Vẫn nghìn đêm thương nhớ một con đường
Em đã lâu chưa bao giờ gặp lại
Ta mây tím giờ lặng ở phương đoài
Bốn mươi năm dài chôn sống đời lãng quên
Như vẫn còn đây thao thức một minh hoàng
Gươm đã mài xong sao không thành mệnh lệnh
Em đâu biết rằng giờ nước mất hay còn?
Nghĩ cũng đáng ai bảo rời quê mẹ
Vì phận nước đành cũng lỡ tình nhau
Cứ tưởng xa người chết được cho mau
Mất quê hương đừng tưởng sống như thường
Sống để sống chờ quỷ dữ nằm chết
Hờn cố quốc còn réo gọi bên trời
Cứ thấy mưa rơi phải nhớ một người
Bốn mươi năm mà vẫn ngỡ mưa còn rơi
Bốn mươi năm xin hẹn em Sài Gòn
Đâu thể ngồi viết nhật ký tình ta
Ngàn sau nữa sẽ trách mình vô tình
Hẹn cùng nhau viết lịch sử quê nhà!
https://www.youtube.com/watch?v=ujQ3Kq_r_oo
Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Từ
trước đến giờ, phải nói có lẽ đây là bài ca chúng tôi hy vọng được gởi
gấm, chia sẻ nhiều nhất. Tất cả dường như đã gởi trọn tim mình từ lời
thơ, tiếng nhạc, giọng hát và cả những phối hợp hòa âm. Nhưng thật tình
điều chúng ta muốn trao gởi với nhau chính là tâm thức hẹn hò ấy ấy thì
đúng hơn. Cái tâm thức đau đáu trên cả chữ và lời, trên cả những chuyên
chở thần sầu mãnh liệt của thi ca và âm nhạc. Đó cũng bỗng là hình ảnh
đấu tranh có tính cách đột phá của một Nancy Nguyễn, một khuôn mặt trẻ
hải ngoại vừa về Sài Gòn bị an ninh giam giữ 6 ngày, chỉ vì Nancy viết
thẳng trên Facebook là muốn được “thành nhân” mà thôi.
Nghĩ mà coi, Trần Huỳnh Duy Thức bên trong những chấn song còn dũng cảm
biết mấy xác quyết vào điều mình tin là đúng, để đến nỗi: “Con yêu ba và gia đình nhiều lắm, nhưng con yêu Việt Nam hơn.”
Và như thế, không lẽ chúng ta còn lại đây rốt cuộc cũng chỉ có những hẹn thề trong cơn mơ? Không phải “Chúng ta cũng chính là những người mà chúng ta đang chờ đợi”
như Tổng thống Obama mới đây đã bơm vào đầu chúng ta sao? Ơi, sao tôi
yêu kính quá những nhắn nhủ phát biểu đầy cảm xúc chân tình và cực kỳ
thâm thúy, gợi mở của vị Tổng thống thứ ba ghé thăm Việt Nam: Bravo
Barrack Obama!
Trên thực tế, tiếng nói của người Việt hải ngoại đặc biệt ở Washington
D.C thường được gây ít nhiều chú ý. Do đó, xin gợi lại hôm chủ nhật 15/5
cộng đồng nơi đây cũng đã có tới hai cuộc xuống đường đồng hành với
quốc nội trong cùng một ngày. Coi như sự yểm trợ tinh thần trùng lắp này
cũng tốt thôi, vì đúng vào thời điểm này, bà con trong nước đã bị đàn
áp đánh đập dã man, bóp nghẹt thông tin báo chí và khủng bố mọi tiếng
nói. Chủ nhật 22/5 vừa rồi, trời một phen thử lòng những người con xa xứ
nên cứ rỉ rả mưa không dứt. Điều khá thú vị là trời mưa thì mặc trời
mưa, Cộng Đồng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn vẫn tổ chức được rất đông đảo đồng
hương xuống đường tuần hành trước Tòa Bạch Ốc, để ủng hộ quyết tâm tuyệt
thực đòi quyền tự quyết cho nhân dân của Trần Huỳnh Duy Thức, cũng như
sự minh bạch về thảm họa quốc gia cá chết, biển chết và người dân cũng
đang rũ chết vì mầm mống ung thư, khát đói, ô nhiễm…
Xin mở một ngoặc đơn ở đây: Một khi nhà cầm quyền này không hề biết lo
cho sự an toàn nguy khốn của dân nói chung và tình trạng Miền Trung nói
riêng, cũng như đã cố tình chặn đứng mọi liên lạc thông tin nguy cập của
đồng bào ở Vũng Áng, Hà Tĩnh…, chúng ta phải bằng mọi cách đứng lên
“cứu nước, cứu dân”. Họ không thể tiếp tục lấy vải thưa bịp bợm, toa rập
để che mắt thánh của nhân dân đang đến hồi rực sáng.
Đình chỉ hoạt động của Formosa cho đến tháng 9 chỉ là kế hoãn binh, câu
giờ ấu trĩ. Liệu quý vị lãnh đạo có đọc thấy những biểu hiện vũ bão như:
“Đón Obama, đuổi Formosa” hay “Chào Obama, Cút Tập Cận Bình”?
Một số bạn trẻ có mặt cũng đã đứng ra giương cao tinh thần Trần Huỳnh
Duy Thức, mà tôi xin gọi là Tọa Kháng Tuyệt Thực, dĩ nhiên là có thể làm
tại nhà, nơi công cộng hoặc trải dài danh sách tham gia như tiếng nói
của chung công dân mạng toàn cầu. Đồng hành khít khao với mốc điểm 24/5
đã đành, khởi đi từ cuộc tuyệt thực đến chết đầy bi tráng hào hùng của
Trần Huỳnh Duy Thức. Nhưng tận cùng của những bất lực gọi kêu này chính
là những tiếp sức của tất cả chúng ta: “Đấu tranh này là trận cuối cùng.” Quyết tâm mà Trần Huỳnh Duy Thức đã nguyện đánh đổi cho tự do hay là chết. Đó là đòi cho được một sự “thượng tôn pháp luật và trưng cầu dân ý trao cho nhân dân quyền quyết định thể chế chính trị của đất nước”.
Với tù nhân lương tâm này chính là sự đánh dấu 7 năm của ngày khởi đầu
thứ định mệnh khắc nghiệt oan sai. Cho một bản án phi lý đằng đẵng 16
năm vì không hề có tội và không hề thỏa hiệp, khoan nhượng.
Việc anh không chọn ngày của Tổng Thống Obama đến thăm Việt Nam là 22/5
để dấy lên tiếng nói tưởng chừng không còn một chọn lựa nào khác, thì
cũng có thể hiểu được nhiều phần một nhân cách như anh chỉ muốn làm theo
sự mách bảo của ý chí bất khuất, và luôn tự quyết định bằng chính đôi
chân quyết liệt, khẳng khái của mình. Đúng là tính chất của một thủ
lãnh, và hơn ai hết Trần Huỳnh Duy Thức đã quá hiểu rõ bản chất Cộng
Sản.
Đánh mất thể diện của một nhà nước
Khác xa với phẩm chất hài hòa tử tế xứng đáng cương vị của một người đã
được vinh tặng Hòa Bình Thế Giới, tôi ngờ rằng Tổng thống Obama đã khó
lòng hình dung nổi thứ văn hóa búa liềm búa tạ của C.S đã “mời” cả Ngài
chứng kiến ngay màn trấn áp, hủy bỏ cuộc gặp mặt những đại diện dân sự
hôm 24/5, khiến Ngài phải lắc đầu chép miệng: “Tôi cần phải lưu ý
rằng đã có một số nhà hoạt động khác được mời, nhưng họ đã bị chặn không
thể tới đây vì những lý do khác nhau. Tôi cho rằng đây là một chỉ dấu
cho thấy mặc dù đã có ít nhiều tiến bộ, và mặc dù chúng tôi từng hy vọng
với việc có một số cải cách tư pháp trong dự thảo được thông qua, thì
sẽ có những tiến bộ thêm nữa, nhưng vẫn có những người bị cản trở khi
muốn tụ tập ôn hòa để nói về những vấn đề họ quan tâm sâu sắc.” Đã
vậy, thật khó mà tin được họ còn dám bắt một công dân Mỹ khi Ngài Obama
cũng đang có mặt trực tiếp theo dõi xem xét những giải trình của họ.
Chuyến thăm của Obama lần này dễ làm cho những người chú trọng duy nhất
đến vấn đề nhân quyền đâm ra thiếu bình tĩnh, tỏ vẻ thất vọng. Tuy nhiên
trong bối cảnh của Việt Nam lúc này, điều hệ trọng dỡ bỏ cấm vận vũ khí
sát thương và trở thành đối tác toàn diện hầu củng cố lòng tin chiến
lược, chắc chắn sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều sức mạnh khí giới tự vệ
để bảo vệ độc lập chủ quyền, như Ngài Obama đã ám chỉ không chấp nhận
một nước lớn đi ăn hiếp một nước nhỏ hơn. Cứ nhìn phản ứng hậm hực của
tờ Hoàn Cầu Thời Báo, Trung Quốc cho rằng Ngài Obama đã không quên “quẩy
lưới” trước khi rời Việt Nam là đủ biết tầm khẩn thiết quan trọng và đã
khiến Trung Quốc hốt hoảng.
Cách gì đi nữa, chính những người dân Việt Nam trong nước phải tự đứng
lên trước hết. Họ càng sử dụng bạo lực, chúng ta càng phải tìm cách nối
kết, đoàn kết gây sức mạnh để bảo bọc đường lối đấu tranh ôn hòa, bất
tuân dân sự. Tọa Kháng Tuyệt Thực là một hình thức của bất tuân dân sự.
Ôn hòa nhưng quyết liệt, và không thể không nuôi dưỡng lòng căm phẫn đau
thương, vì sẽ không có thời cơ nào là thời cơ thuận tiện nên cần phải
nhanh chân lên đường phấn đấu đến kỳ cùng. Họ đã hết thời rồi!
Những chỉ đạo của chúa tể Sài Gòn Đinh La Thăng
Chắc ông bí thư này chỉ thích làm chúa tể Thành Hồ. Vừa rồi thấy ông ra
chỉ đạo cấm lai vãng tham quan nhà thờ Đức Bà vào cuối tuần, nhiều người
không biết mình đang trở về với thời kỳ đồ đá đồ đểu nào, mà khi không
lại có chuyện cấm đạo, răn đe cấm du lịch thăm viếng ở đây.
Đúng là thành phố đang đầy dẫy những kẽm gai đâm thủng vào tim nhau lẫn
cả bầu trời tự do. Hòn Ngọc Viễn Đông khác với lời hứa mị dân của ông,
đã không thể bị trầy trụa chảy máu hơn dưới bàn tay ông.
Nhất là với ông chủ của Nhà Trắng vĩ đại đứng đầu thế giới Obama, mà ông
Đinh La Thắng cũng còn không biết điều xuống lệnh xem thường ngoại
giao, không cho dân treo áp phích có hình bán thân chào đón rõ lớn Tổng
thống Obama hôm 23/5 trên đường Đời Cô Lựu (Mai Thị Lựu?) với hàng chữ:
“Welcome President Obama to Vietnam”.
Vậy là chuyến này coi như dân chúng Sài Gòn không được đích thân nhiệt
liệt chào đón Tổng thống Obama như đồng bào Hà Nội, nên họ chỉ được đứng
ngập hai bên đường để vẫy chào tạm biệt Ngài Obama với bao luyến tiếc,
ngưỡng mộ.
Điều này càng cho thấy lúc Ngài đến, dân chúng Hà Nội đã háo hức thức
trắng cả đêm để được hoan nghênh người đứng đầu một nước có nền văn minh
dân chủ nhất thế giới. Thức và lúc nào Việt Nam cũng cần có những đêm
Thức, mất ngủ rộn ràng như thế.
Vậy thì nghĩa lý gì tấm lòng biết trọng thị của 21 phát đại bác có hay
không cũng chỉ cốt làm đẹp lòng Đại Hán(g). Thêm nữa, tôi không hiểu họ
học thói ngoại giao ở đâu, để áp đặt một vị nguyên thủ quốc gia như Ngài
Obama phải đứng chịu trận chào quốc ca của XHCN.
Đã bảo lòng dân và ý đảng là hai đường song song chẳng biết bao giờ hội
ngộ. Đảng không biết lột xác chuyển mình sớm hơn nên càng ngày càng lún
xuống bùn sâu và chừng như quá muộn.
40 năm mà mưa vẫn còn rơi
Khi không bỗng chợt buồn vì một câu trong bản nhạc như thế. Thì đúng là
40 năm hơn chúng ta vẫn còn chờ hoài một ngày nắng đẹp. Lại càng sâu đậm
hơn, khi nhớ ra hôm nào xuống đường mưa xứ người vẫn không ngừng rơi,
và xuống đường thì cứ phải xuống đường nhưng chỉ trong một ý nghĩa hỗ
trợ quê nhà.
Còn thì… có ai sẽ mở lòng hẹn đón cùng nhau ở những phi trường ngập tràn quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài?
Và bây giờ, đâu biết làm gì với những chiếc dù xanh với lia thia cá, sao
mà mang đầy hồn những biểu tượng biển không còn xanh và môi trường cũng
đã mất hết máu không còn xanh. Gợi nhớ những chiếc dù vàng quá ấn tượng
của thủ lãnh phong trào dân chủ Hoàng Chí Phong làm sao đâu… bạn ơi.