29/5/16

ƯỚC MƠ VỀ 1 NỀN Y TẾ VIỆT NAM

Người Việt Nam nói chung, trẻ em nói riêng ở đất nước ta, hẳn nhiên hay bị ốm đau, quặt quẹo. Có thể khác được không khi môi trường tự nhiên và xã hội đều quá nhiều yếu tố “chống lại sức khỏe”. Với trẻ em, khi sức đề kháng và sự thích nghi của cơ thể chúng chưa đầy đủ, thì càng dễ ốm với tần suất cao. Minh chứng rất rõ ràng là sự quá tải của bệnh viện nhi TW và các khoa Nhi BV tuyến tỉnh và nguy hại hơn, khoa ung thư trẻ em ở BV K TW cũng chưa bao giờ đủ giường.
Tuy nhiên, trong cái rủi, có cái may. Theo nguyên lý chọn lọc tự nhiên, chúng ta có thể yên tâm 1 phần, rằng, cơ thể người VN chắc chắn có khả năng thích ứng và chống lại chất độc trong thực phẩm hơn hẳn các chủng tộc khác.
Mà có không yên tâm, thì làm được gì với tư cách là 1 người tiêu dùng? Lo lắng quá có khi chết nhanh hơn là yên tâm ăn thực phẩm bẩn!
KHÔNG BIẾT KHÁM Ở ĐÂU?
Vừa rồi, cu con nhà tôi lại sốt. Cu cậu hay bị sốt và đã đôi lần bị co giật. Vì thế, cứ mỗi khi thân nhiệt nó tăng, là vợ tôi lại hốt hoảng, lo thắt ruột. Bản thân tôi, thật sự mà nói, khá đau đầu khi đối diện tình trạng này. Tôi loay hoay chưa biết đưa nó đi khám ở đâu. Bạch Mai, Xanh Pôn, Nhi TW, vài bệnh viện thuộc Sở Y tế HN đánh võng đủ rồi. Tất cả, sau đó, chỉ còn lại là một cảm giác thiếu tin cậy, không muốn nói là khó chịu, bực mình.
Thế cho nên, lần này, tôi đành nói với vợ đưa nó vào BV Việt – Pháp, tiếc rằng, cơ sở ở Phương Mai hết số khám trong ngày, nên họ giới thiệu về cơ sở 2 ở Trung Hòa – Nhân Chính. Xuống đến nơi, vợ tôi điện thoại về, thật lạ kỳ là ở đó không có khoa cận lâm sàng, họ nói nếu lấy mẫu xét nghiệm thì phải chờ đến chiều hoặc hôm sau mới có kết quả. Vậy là đành trả tiền khám lâm sàng, rồi xin chào tạm biệt. Tôi cứ băn khoăn, tại sao lại cơ sở 2 mà thua 1 PK đa khoa tư nhận quốc nội vậy? Việt với chả Pháp?
Thế rồi, cu con lại lên đường. Tôi quyết định đưa cu cậu về Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc. Đây, có thể nói là hạt giống BV tư nhân đầu tiên ở Hà Nội. Điều khác biệt là ngay từ ngày đầu, các nhà đầu tư BV không phải đi thuê mặt bằng. Chắc là trải qua chắc rất nhiều khó khăn, giờ đây, BV này khá vững vàng và có uy tín.
UY TÍN TẠO DỰNG TỪ ĐÂU?
Chiến lược của BV Hồng Ngọc rất rõ ràng và thức thời: Quá tầm tay thì đi thuê.
Nhân lực BS của BV tư ở VN là bài toán chưa có lời giải và chưa biết bao giờ có lời giải. Khi chưa có ĐH Y tư nhân đúng nghĩa, thì câu hỏi đó vẫn còn bỏ ngỏ. Vì thế, các nhà đầu tư và quản trị của Hồng Ngọc, xác định, cần chuyên môn giỏi thì đi thuê, thuê đa dạng, thuê lâm thời, thuê vụ việc. Bên cạnh số BS cơ hữu còn trẻ, nếu bệnh nhân muốn, họ sẽ đi thuê, thuê tiền nào của ấy. Họ thuê BS bệnh viện công lập giỏi, khám xong đứng dậy lấy tiền, giá cao không phải suy tính, miễn là khách hàng hài lòng. Có điều, nếu BS giỏi đến đây khám, nhất định phải khám cho đàng hoàng, kỹ càng và phải nói chuyện với bệnh nhân và thân nhân sao cho thỏa mãn. Bác sĩ, không phải là thánh, cho nên phải trao đổi hiền hòa, giải thích thấu đáo, nghe phản hồi, lý giải để bệnh nhân hiểu chứ không có kiểu cứ phán như mệnh lệnh.
Mũi nhọn, đột phá, xây dựng niềm tin là dịch vụ:
Dịch vụ bệnh viện là mảng mà các nhà đầu tư cho rằng, họ hoàn toàn có thể kiểm soát xem đó là bước đột phá. Dịch vụ bệnh viên, thưa rằng, nó là hàng tá công việc, công đoạn. Từ anh bảo vệ, từ chị lao công, cô thu ngân, cô lễ tân, cô điều dưỡng, cho đến nhân viên kỹ thuật thang máy… tất tần tật, họ đã làm cực kỳ chuyên nghiệp và hoàn hảo. Tôi quan sát thấy, chị lao công, cần mẫn cầm con dao bé tí có đầu nhọn, chị cạy đừng vết bẩn khó tính ở các hẻm xi măng gắn các viên gạch lát nền, thì đủ hiểu, ông/bà chủ ở đây đã suy nghĩ và làm việc thế nào? Mỗi người, mỗi bộ phận có anh mặc quần áo đẹp, giám sát. Sai đâu, họ nhắc nhẹ nhưng kiên quyết. Chỉ cần nhìn việc tưởng bé tí thế thôi, nhưng có thể đặt được niềm tin.
Nếu bệnh nhi nằm điều trị nội trú, bệnh viện cho phép và bao ăn, ở thêm 1 người lớn. Chế độ phục tận giường, tương đương khách sạn 4 sao, theo cách đánh giá của tôi, không chỉ sạch sẽ mà còn là nụ cười và thái độ ân cần, đúng mực. Người thân của bệnh nhi, tuyệt nhiên không phải đụng tay, đụng chân bất cứ việc gì, trừ khi đứa trẻ vẫn khỏe thì mẹ hoặc bà tắm cho nó mỗi ngày.
Các em điều dưỡng, em nào cũng trẻ trung, xinh xắn, sạch sẽ, tươi tắn, tận tình và ăn nói lịch sự. Dường như, có em nào xinh học ngành điều dưỡng, họ tuyển hết về đây hay sao? Điều tôi ngạc nhiên là, tôi đọc thấy sự thoải mái và yên tâm hiện ra trên gương mặt, tác phong của các em ấy khi làm việc. Các em nói vui với tôi, ở bệnh viện này, khách hàng còn chê mỗi thứ, đấy là thang máy chạy quá chậm, nhưng, sắp tới các chú, cô sẽ thay. Đấy là điều cực kỳ quí hiếm.
Ấn tượng của tôi là rất tốt, rất hài lòng về BV này. Tôi lan man nghĩ, để làm được như vậy, quả thật các nhà đầu tư và quản trị đã rất có tâm, rất có năng lực, làm việc rất “lao tâm” và thực sự họ đã rất giỏi.
Khi cu con ra viện, tôi nhắn điều dưỡng viên, rằng muốn gặp bác sĩ điều trị để trao đổi. Rất nhanh sau đó, 1 anh BS trẻ ra tiếp tôi. Hai chúng tôi trao đổi mọi nhẽ về hướng chẩn đoán và can thiệp tiếp theo, người nói, người nghe giao lưu, chia sẻ, phản biện. Tôi thấy rõ, trình độ chuyên môn của anh BS rất khá. Tôi nhất trí hoàn toàn với anh về các lý giải và biện pháp. Anh cũng vui vui hỏi tôi, sao có vẻ anh nắm khá rõ chuyên môn. Uh, anh cũng dân Y, nhưng không phải Nhi khoa. Tôi cười và đáp, trong tâm thế thật thoải mái.
ƯỚC MONG VỀ 1 NỀN Y TẾ VIỆT NAM
Kiếm tiền từ đầu tư y tế, rõ ràng không tồi, nếu cơ sở uy tín, đông khách hàng. Tôi tin, từ quan sát ở bệnh viện này, còn khối ngành hiệu suất đầu tư thua xa y tế. Nhưng, tôi cho rằng, đồng tiền kiếm được 1 cách tử tế từ đầu tư y tế, khi khách hàng vui vẻ trả tiền, thì nếu nhà đầu tư kiếm được càng nhiều, càng phải nể trọng và khâm phục họ, khâm phục hơn tiền kiếm được từ đầu tư ngành khác.
Tôi liên tưởng đến cơ man nào là cơ sở y tế công lập, từ phường, xã tới tận TW, mỗi cơ sở mặt bằng và trang thiết bị ngồn ngỗn, các nhà đầu tư tư nhân ngó vào có lẽ chỉ là 1 giấc mơ. Nhưng, các lãnh đạo ngành y tế, các GĐ BV công lập, nếu còn có ước mơ tử tế và lành mạnh thì tôi nghĩ, họ phải mơ ước làm được như BV Hồng Ngọc!
Vâng, y tế không chỉ là y học. Y tế là 1 khoa học đa ngành. Kết quả điều trị và niềm vinh hạnh, tự hào của y tế, không bao giờ chỉ chuyên môn y khoa là đủ. Nó phải được tạo ra bằng cả “dịch vụ y tế”, bằng sự văn minh và giao tiếp tử tế của hệ thống và bằng sự trao đổi thấu tuệ, chân tình giữa Bác sĩ và bệnh nhân…
Rất tiếc, thực trạng tại VN hiện nay, nhà nước độc quyền quản lý các tư liệu sản xuất cốt lõi, nổi bật và tối quan trọng trong đó là đất đai, đấy là cửa tử của bất kể 1 tư tưởng doanh nhân hẳn hoi nào muốn cống hiến cho sự phát triển của xã hội. Không có đất, tất cả sẽ dừng lại ở sự hẹp hòi, ở sự chật chội. Tôi bỗng thấy trắc ẩn, về 1 cơ sở y tế đầy khát vọng mà mặt bằng và nhà cửa thiếu thốn quá.
Tôi mơ ước, 1 ngày kia, đất đai vốn dĩ của tổ tiên người Việt để lại, sẽ được giao minh bạch, ưu ái cho các nhà đầu tư tư nhân đặc biệt trong lĩnh vực y tế, thì không có gì là mơ hồ, nền y tế VN chắc chắn có diện mạo khác, chắc chắn sẽ tử tế và văn minh hơn rất nhiều hiện tại.
Trân trọng!
Bs. Hòa Minh Tân
Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Posted by adminbasam
Bs. Hòa Minh Tân
29-5-2016