Trần Nguyên Thao (Danlambao)
- Hà Nội đang nhấn chìm Dân Tộc Việt Nam vào hai hoàn cảnh tàn khốc:
(1) Cá và các loại thủy sản chết hàng ngàn tấn vì nhiễm chất độc tại 4
tỉnh Miền Trung, thiệt hại ước tính cho đến nay chưa thể đưa ra con số;
hậu họa kéo dài đến nửa thế kỷ [1];
(2) Lúa và nhiều loại nông sản chết khô hàng trăm ngàn mẫu tại 13 tỉnh
Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và tại Tây Nguyên, thiệt hại ước tính
5600 tỷ đồng, ảnh hưởng rất xấu trên nền kinh tế đang kiệt quệ của Việt
Nam. Thảm trạng này đưa trực tiếp khoảng 25 triệu người thoi thóp trong
cảnh sống “nhìn thấy cái chết đến dần mòn”.
Các thảm trạng từ vụ ĐBSCL ngập mặn, đến cá chết Miền Trung đều có nguồn
gốc từ Tầu cộng. Riêng vụ cá chết, dù Hà Nội sẽ không bao giờ nhìn nhận
chính thức, nhưng nguyên nhân là lòng ham tiền đút lót, và chủ trương
vô cảm đối với đời sống dân chúng, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Nhiều năm trước, cũng vì bất cần đến đời sống người dân, Hà Nội đã cho
công ty Formosa lập nhà máy thép tại Vũng Áng. Formosa từng bị phạt vì
xả chất độc gây chết chóc cho dân chúng Campuchia năm 1989, và nhiều nơi
khác trước khi Việt cộng cấp giấy phép. [2] Tập đoàn Formosa sẽ sản xuất 2 triệu tấn thép mỗi năm, có số vốn đầu tư đến 28 tỷ Mỹ Kim do đa số người từ Hoa Lục nắm cổ phần.
Tháng 8-2014, tại mục này, đã tường trình cùng độc giả trong bài “Tầu chiếm Vũng Áng, lập tiểu quốc kinh tế”.
Trong phạm vi hiểu biết giới hạn, bài báo chỉ trình bầy những liên quan
đến kinh tế, tài chánh. Trước đó, Hà Nội ra lệnh “cắt ngắn” mọi thủ tục
để “Khu kinh tế đặc thù Vũng Áng” trực thuộc Văn Phòng Chính
Phủ, trở thành vùng đất vĩnh viễn để người Tầu làm chủ trên một diện
tích to gần bằng hai khu Macao, xấp xỉ 4000 mẫu Tây đất, sát hải cảng
nước sâu Sơn Dương, nằm giữa Hà Tĩnh và Đồng Hới. Ngoài khu kỹ nghệ, khu
gia cư được xây riêng cho 60 ngàn người gồm công nhân, đa số người Tầu
và gia đình. Nơi đây được chính báo đảng mô tả là vùng “đặc biệt” ngoại
bất nhập, nếu Formosa không cho phép. Sự kiện này làm dấy lên quan ngại
sâu xa: một “tiểu quốc” mới khác đang định hình ngay giữa miền Trung
Việt Nam, tạo thêm tiền đồn kinh tế chiến lược mới, sau bao nhiêu vùng,
dự án khác của Bắc Kinh, ngay trong nước Việt Nam.
Cá chết, người đổ máu
Từ ngày 06-04-2016, cá nuôi trong các lồng bè xung quanh khu vực cảng
Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bỗng nhiên bị chết hàng loạt. Tiếp
theo, cá chết la liệt tại vùng biển khắp 4 tỉnh duyên hải, kéo dài trên
300 cây số, từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, đến Huế và đầu tháng 5
lan cả tới Nha Trang. Các loại cá lớn đến 40 ký lô, sống ở tầng nước sâu
30 đến 40 mét vẫn bị chết hết. Mới đây, thợ lặn cho biết, sau cá là đến
lượt từng giải san hô đầy mầu sắc tuyệt đẹp và rong biển các loại nằm
chết từng đợt, tạo thành nhiều lớp bùn bầy nhầy bao phủ khắp vùng rộng
lớn đáy biển.
Sự việc bị phơi bầy, khi ngư dân phát hiện ra đường ống xả nước thải của
Formosa chôn ngầm dưới biển. Đường ống khổng lồ này dài đến 1500 mét,
đường kính 1.1 mét, nằm ở độ sâu, cách mặt nước 17 mét, mỗi ngày xả ra
12.000 mét khối nước. Miệng ống bị bắt quả tang đang phun ra một thứ
nước màu vàng đục rất bẩn. Các nhà khoa học nhìn nhận, chỉ có chất độc
cực mạnh mới có thể khiến hàng loạt cá lớn nhỏ chết bất đắc kỳ tử như
thế.
Từ đó, ngư dân 4 tỉnh đã chỉ tay thẳng vào khu kinh tế đặc thù Vũng Áng
là tên tội phạm, đang được Hà Nội tìm cách kéo dài thời gian để mong làm
phi tang, chạy tội, che chở cho Formosa. Cho đến gần 2 tháng sau ngày
cá chết hàng loạt đầu tiên, Hà Nội vẫn nhì nhằng, loanh quanh, không
muốn làm minh bạch nguyên nhân thảm họa môi trường gây thiệt hại cho ngư
dân và nguy hại cho sức khỏe nhiều thế hệ.
Ngày 24-04 báo Tuổi Trẻ tại Việt Nam đăng danh sách 45 loại hóa chất
"độc và cực độc"mà Formosa nhập về để súc xả đường ống. Tổng cục Môi
trường khi đó nói việc Formosa súc xả đường ống không thông báo trước là
"có vi phạm"
Hiện Formosa còn cả một hệ thống bãi phế thải cực độc gồm có 169 bãi rác
chứa chất độc lớn nhỏ trên đất Đài Loan, chỉ chờ dịp là mang đi đổ phi
tang xuống sông xuống biển các nước khác. Chất độc gồm hơn 4.000 tấn
thủy ngân Mercury cực độc hại, là hàng ngàn tấn Ethylene Dicloride,
Vinyl Cloride… hủy hoại các tế bào sống.
Hà Nội nói, dân chúng không nên ăn cá và đưa giải pháp sẽ thu mua hết cá
đánh bắt xa bờ của ngư dân. Báo mạng cảnh giác rằng, cá thu mua của ngư
dân, được quan đỏ bán giá rẻ cho thương lái Trung cộng, họ dùng sản
xuất nước mắm tiêu thụ tại Việt Nam sau này. Trước đó, Hà Nội từng để
các quan chức cao cấp địa phương biểu diễn tắm biển và ăn hải sản. Màn
trình diễn này bị truyền thông mạng cáo giác là “trò lừa đảo rẻ tiền”
chẳng che được mắt thiên hạ.
Kiến nghị (6) điểm của (7) Linh Mục Công Giáo tại vùng Kỳ Anh, Hà Tĩnh viết: “Giáo
dân mong muốn được chính phủ Việt Nam "yêu cầu Formosa công khai minh
bạch việc sử dụng 296 tấn của 45 loại hóa chất độc và cực độc mà nhà máy
này đã nhập khẩu về thời gian vừa qua".
Thư chung của Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục Giáo Phận Vinh công bố hôm 13 tháng 5, trong đó có những đoạn: “chúng
ta không thể nào dửng dưng trước thảm họa ô nhiễm môi trường đang phá
hủy không những vùng biển Miền Trung mà còn gây thảm họa lâu dài cho cả
dân tộc”. “Thực hiện quyền công dân được hiến pháp, pháp luật
Việt Nam và các Công ước quốc tế quy định; thể hiện một cách ôn hòa
quyền đòi hỏi sự minh bạch trong việc điều hành đất nước, cũng như xử lý
thẩm họa và buộc những kẻ đã gây ra phải bị xét xử đúng với công lý”.
Thiệt hại về kinh tế cũng có thể không bao giờ Hà Nội chịu xác định.
Chất độc lan tới đâu, thì hải sản liền bị hủy hoại; ngư dân nơi đó sẽ
chết đói. Hàng triệu người, gồm ngư dân, ngành nghề dịch vụ như nhà
hàng, nơi chế biến hải sản, các nhà bán lẻ... và những ai sống liên quan
đến nghề đánh cá sẽ vô cùng khốn đốn. Nếu bạn có dịp đi dọc bờ biền
Miền Trung, sẽ nhận ra khung cảnh của “biển chết”, hiện nguyên hình; tác
hại môi sinh sẽ dần lây lan khắp 3.260 cây số duyên hải Việt Nam.
Chắc chắn số ngoại tệ Hà Nội thu về trên 6 tỷ Mỹ Kim hàng năm do xuất
cảng hải sản, nay sẽ không còn. Ngoài ra, thiệt hại lớn về xuất cảng
gạo, khi 13 tỉnh vùng ĐBSCL đang bị ngập mặn, lúa và hoa mầu chết trắng
đồng, ảnh hưởng rất xấu đến đời sống 20 triệu người. Ước tính rất dè dặt
thì cũng lên đến 25 triệu người trực tiếp bị thương tổn nghiêm trọng
đời sống đối với cả ba vụ: cá chết Miền Trung, Hán hán Tây Nguyên và
ngập mặn vùng ĐBSCL hiện đang diễn ra.
Trao đổi với BBC hôm 08-5-2016 từ Hà Nội, Tiến sỹ Lê Viết Khuyến, chuyên
gia địa vật lý biển, từng có 17 năm làm việc trong quân đội Việt Nam,
nói: “Kinh tế biển, cũng như vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, là
những mục tiêu kinh tế chiến lược lớn mà đối phương đã cố tình tác động
để cho những mục tiêu đó không đạt được. Thì cái đấy thuộc về chiến
tranh địa vật lý. Tôi nghĩ còn một lý do nữa, không loại trừ, đấy là
phía đối phương cố tình tác động lên các yếu tố về môi trường của Việt
Nam, gồm phần đất liền, phần nước và cả phần khí quyển, có yếu tố cố
tình, gây ra những thiệt hại to lớn, có tác động lớn lên phát triển kinh
tế, các chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.”
Ông Khuyến không nói “đối Phương” trong trường hợp này là ai, từ đâu.
Tổng hợp tin tức từ nhiều phía cho thấy những diễn biến dồn dập trên
biển như sau: Ngày 05-04-2016, Biên phòng Quang Bình phát hiện
nhiều tàu Trinh sát Trung cộng giả dạng tàu cá vào sâu trong
hải phận Việt Nam. Cùng ngày, ngư dân Hà Tĩnh phát hiện 5 tàu
đánh cá Trung cộng thả cái gì đó xuống biển rồi bỏ đi. Từ
ngày 06-04 cá bắt đầu chết nổi trên biển, sát khu vực Vũng
Áng. Tới ngày 21-04-2016 thì cá đã chết trắng một dải 300 km
bờ biển miền Trung, từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế, và sau đó
đến cả Nha Trang. Ngày 07/04/2016, Biên phòng Quảng Bình bắt 6
chiếc tàu cá Trung cộng đánh bắt trái phép trên vùng biển cách
bờ 20 hải lý.
Báo Elitereaders
tố cáo đầu tháng 5/2016, Trung cộng đưa tàu đánh cá thả hoá
chất độc giết chết cá và xua đuổi ngư dân quanh vùng đảo Thị
Tứ (Pagsa) đang do Philipinnes kiểm soát.
Căn cứ vào các sự kiện trên, nghi vấn thủ phạm đứng phía sau vụ cá
chết ở Vũng Áng và ngoài khơi vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình
có thể là Bộ Chính Trị Tầu cộng đang ngồi ở Trung Nam Hải (?), kẻ
thù của dân Tộc Việt Nam, nhưng lại là quan thầy của Hà Nội.
Cho đến nay, riêng vụ cá chết này, Hà Nội vẫn không cư xử minh bạch như
tư cách của một nhà nước pháp quyền muốn an dân. Đó chính là lý do dân
chúng luân phiên biểu tình từ Hà Nội vào đến Nha Trang, Sài Gòn, Vũng
Tàu, kể cả nhiều nơi tại hải ngoại. Các cuộc biểu tình trong nước dù nơi
đâu cũng luân phiên diễn ra tự phát, ôn hòa nhưng đã bị Hà Nội dùng cả
công an chìm nổi và công ty Thanh Niên Xung Phong ngăn cản, vây bắt hàng
trăm người, đánh đập dã man đến thương tích, đổ máu cho nhiều người, kể
cả phụ nữ và trẻ em.
Hà Nội cấm truyền thông thuộc quyền loan tin các cuộc biểu tình của dân
chúng. Nhưng gian kế bưng bít thông tin đã bị cách mạng tin học vô hiệu
hoàn toàn: Chỉ một vài dây, các bức hình và video quay cảnh đàn áp, bắt
bớ, đánh đập dã man phụ nữ, trẻ em đã được các chính trị gia và dân
chúng khắp thế giới biết. Bưng bít thông tin chỉ làm nhục cho hệ thống
truyền thông phục vụ chính chế độ; đồng thời làm tăng thế giá của hệ
thống truyền thông trên mạng. Bởi vì truyền thông quốc tế loan các tin
về Việt Nam đã trích thuật các tin tức, hình ảnh từ báo lề dân.
Ngập mặn, hạn hán [3]
Tới 15-04-2016 đã có 13/13 tỉnh thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long
(ĐBSCL) và Miền Tây công bố tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn
nghiêm trọng: “Hạn hán và xâm nhập mặn đã khiến 338.849 gia đình,
20 triệu người tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL bị thiếu
nước sinh hoạt; 240.215 mẫu lúa, 18.335 mẫu hoa màu, 104.106 mẫu cây
công nghiệp; 4.641 mẫu thủy sản bị thiệt hại. Ước tính tổng thiệt hại
lên đến 5.600 tỷ đồng. Dân phải mua 200,000đ một thước khối nước
sông. Chỉ riêng hai tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng đã có hơn 40.000 người
bỏ quê đi làm ăn xa trong điều kiện túng quẫn. Tại các tỉnh ĐBSCL, phạm
vi xâm nhập mặn vào đất liền sâu nhất lên đến hơn 90 km (chưa từng xuất
hiện trong lịch sử xâm nhập mặn), độ mặn lớn nhất tại các khu vực lớn
hơn và vào sâu trung bình nhiều năm từ 10-25 km" (Đại Kỷ nguyên tổng hợp).
Tại Tây Nguyên, Miền Trung Việt Nam, báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương
về phòng chống thiên tai, được báo chí đảng trích thuật, tính đến ngày
27-04, riêng tỉnh Đắk Lắk, có hơn 80.000 mẫu cây trồng các loại bị hạn,
trong đó gần 15.000 mẫu mất trắng, thiệt hại khoảng 2.100 tỷ đồng, đã có
26.247 gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. Tại Kon Tum hiện có 32.500
người thiếu ăn, 2.800 gia đinh với 11.520 nhân khẩu bị thiếu nước sinh
hoạt. Tình hình ở các tỉnh Đắc Nông, Gia Lai cũng tương tự.
Ngày 16-03-2016 Hà Nội đã xin Bắc Kinh xả nước hồ chứa thủy điện ở
thượng nguồn sông Mekong từ 15-03 -2016 đến 10-04- 2016 với lưu lượng
xả 2.190 m3/giây.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu từ Đại học Cần Thơ nhận định: "Lượng
nước xả như vậy khi đến ĐBSCL không còn bao nhiêu, và không đủ để đẩy
được nước mặn ra ngoài. Tính toán của chúng tôi cho rằng nếu cần đẩy
mặn, thì nước tới ĐBSCL cũng ít nhất phải gấp 5 lấn, tức là từ 10.000
m3/giây mới có hiệu quả trong hoàn cảnh này".
Nhiều chuyên gia nói rằng, Bắc Kinh chịu xả nước thượng nguồn, vì nền
kinh tế của Trung cộng hiện đang lâm cảnh suy thoái, nhiều nhà máy ngưng
hoạt động, hay hoạt động rất yếu; họ không có nhu cầu trữ nước để làm
điện cho kỹ nghệ như trước, nên phải xả bớt.
Như vậy, số phận 13 tỉnh ĐBSCL gồm: 47% diện tích lúa, 56% sản
lượng lúa cả nước, và 90% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng
thuỷ hải sản xuất khẩu, trong năm nay sẽ mất trắng, và từ nay
về sau sẽ hoàn toàn phụ thuộc lòng tốt cuả Bắc Kinh. Việt Nam
sẽ không còn giữ được vị thế đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu
gạo. Dân chúng ĐBSCL trên 20 triệu người sẽ khó vượt qua ngưỡng
đói nghèo và cả khốn khổ vì khát nước.
Trang BBC, hôm 16-05 thuật lại một bài phỏng vấn bác sỹ Ngô thế Vinh,
từng có nhiều tác phẩm và bút ký với nhiều năm nghiên cứu tìm hiểu về
dòng Cửu Long, cho biết: "Đại diện Hà Nội đặt bút ký vào Hiệp định
Mekong 1995 là Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm với chấp nhận một thay đổi
cơ bản trong hiệp ước mới: thay vì như trước, mỗi hội viên trong Ủy ban
sông Mekong (1957) có quyền phủ quyết bất cứ một dự án nào bị coi là có
ảnh hưởng tác hại tới dòng chính sông Mekong, nay theo nội quy mới
(1995), không một quốc gia nào có quyền phủ quyết. Rõ ràng Việt Nam đã
mất cảnh giác và thiếu chuẩn bị trong cuộc chiến môi sinh “không tuyên
chiến” của Trung cộng từ nhiều năm trước. Nay lại thêm 9 dự án đập dòng
chính hạ lưu của Lào và 2 của Campuchia sẽ khiến bài toán cứu nguy ĐBSCL
khó khăn và phức tạp hơn nhiều, mà Việt Nam thì chưa có một chiến lược
đối phó."
Khát tiền, moi vàng của dân?
Trước mắt, Hà Nội mất một khoản thu rất lớn về xuất cảng hải sản và các
sản phẩm nông nghiệp, ít nhất cũng trên 10 tỷ Mỹ Kim. Hà Nội phát hành
trái phiếu để bù đắp, nhưng không đạt mức thu mong muốn, dù lãi 5 năm
đến 6.4%, gần gấp đôi các nước khác. Ngân Hàng Thế Giới cảnh báo sang
năm 2017, Việt Nam không còn được cấp tín dụng ưu đãi ODA. Sau đó, nếu
được cho vay, Hà Nội phải chịu lãi xuất cao hơn nhiều. Khoản chi hàng
ngày của Hà Nội rất lớn, trả lương nuôi 4 triệu đảng viên, nhất là công
an, côn đồ trấn áp dân chúng thì ngày một gia tăng, không ngừng, các dự
án cần được xây cất mới có tiền đút túi...
Lợi dụng lúc dư luận chú ý theo dõi vụ cá chết, Hà Nội xăm xoi hầu bao
dân chúng trong nước: ngoại tệ và 500 tấn vàng lá đang nằm trong dân
chúng, được Hà Nội nhòm ngó rất kỹ. Có thể bắt đầu bằng việc kiểm soát
ngặt nghèo mua bán vàng và ngoại tệ trong nhân dân, rồi đến lãi suất gửi
vàng và ngoại tệ ở mức thấp dần đi... Hà Nội sẽ tìm mọi cách để vàng
trong tay người dân là vô giá trị, buộc phải chọn cách mua trái phiếu
của chính phủ là sinh lời.
Giữa tháng 05, báo chí đảng tung ra đề nghị, được mô tả là “rất cấp
bách” của Hiệp Hội Kinh Doanh Vàng Việt Nam (VGTA) yêu cầu thành lập “tổ công tác nghiên cứu xây dựng về đề án huy động vàng trong dân”.
Chưa hết, vài ngày sau cũng báo đảng nói là chính phủ ra lệnh cho quỹ
bảo hiểm thất nghiệp, y tế và xã hội, dùng nguồn vốn 435 ngàn 129 tỷ
đồng của dân chúng đóng góp để ưu tiên mua trái phiếu của chính phủ, hay
là cho ngân sách nhà nước vay.
Các giải pháp trên nhằm giúp Hà Nội có thêm tiền chi tiêu vung vít. Về
phía dân thì nghe cứ như là Hà Nội sắp áp dụng đến nơi một chiến dịch
đánh “tư sản mại bản kiểu mới”.
May 18-2016
_______________________________________
Chú thích:
[1]
Khi nước biển bị ô nhiễm nặng, hậu quả nghiêm trọng là điều khó tránh
vì: thứ nhất, khó cô lập vùng ô nhiễm, thứ hai, các phân tích của mẫu
được thu thập dễ bị sai lệch, và thứ ba, chuỗi thức ăn tự nhiên trong
vùng như chim, động-thực vật dưới biển bị lây nhiễm. Cuối cùng là ảnh
hưởng đến sức khỏe của con người, nhất là ung thư. Nếu có những độc chất
không thể hòa tan, quá trình luân chuyển và hậu quả có thể kéo dài đến
50 năm, theo đánh giá của chuyên gia Pháp, ông Jean Hetzel (RFI).
[2]
Năm 1999, Formosa Plastics hối lộ 3 triêu Đô-la cho hải quan Campuchia
để nhập vào 3 ngàn tấn phế thải có thủy ngân, đổ thải xuống vịnh
Sihanoukville. Cả ba làng Campuchia trong khu vực lần lượt chết. Theo
điều tra của Human Right Watch.
Tháng 9/2009, Hai Tiểu bang Texas và Louisiana đã buộc Formosa Plastics
chi hơn 10 triệu USD để làm sạch môi trường, vì Formosa thải chất độc
ra không khí và nguồn nước.
Công ty Đài Loan cũng phải đồng ý trả tiền phạt 2,8 triệu USD vì các vi
phạm luật về nước sạch, không khí sạch và luật về kế hoạch công
nghiệp của Hoa Kỳ.
Trong quá trình vận hành, hai nhà máy này đã làm rò rỉ một lượng lớn
chất độc hại xả các chất độc như 1,2-dichloroethane (EDC), dioxin và
chroroform… vào đất, nước ngầm và sông Mississippi, trong đó bao gồm cả
các chất ô nhiễm độc hại như vinyl clorua
[3] Xin tham khảo thêm mục này tháng 4-2016 dưới bài “Miền Tây ngập mặn, 20 triệu người ra sao?”