26/5/16

Tưởng niệm lịch sử sinh thành nên tất cả chúng ta

Nguyễn Vô Thường * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Tôi không biết tôi khóc ai vào ngày lễ Tưởng niệm Chiến sĩ Trận vong: những người lính Miền Nam Việt Nam, các đồng chí Việt Cộng, hay những người lính Mỹ nước ngoài. Tất cả họ đều đã tạo thành cuộc đời tôi như hôm nay. Ngày nay bao cảm xúc buồn vui lẫn lộn ám ảnh tôi.
Lòng trung thành của tôi ở đâu?
Vào năm 1954, sau trận Điện Biên Phủ giữa Việt Minh và người Pháp kết thúc 100 năm đô hộ thực dân, Việt Nam bị chia cắt thành hai nước ở vĩ tuyến 17: Miền Bắc thuộc về Việt Minh; Miền Nam thuộc về Việt Nam Cộng Hòa. Vào thời ấy, làn sóng người dân chạy nạn từ Bắc vào Nam. Trong dòng người ấy có cha tôi.
Để tồn tại ở miền đất mới, cha tôi gia nhập quân đội Miền Nam. Hai năm sau tôi chào đời ở Miền Nam và lớn lên trong cuộc chiến, mà từ thập niên 60 trở đi, đã trở thành một phần của cuộc Chiến tranh Lạnh Quốc tế. Hoa kỳ ủng hộ Miền Nam; Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ Miền Bắc. Dưới sự kiểm soát của các siêu cường, anh em đánh giết lẫn nhau, gây ra biết bao nhiêu đau khổ và mất mát trong suốt hai thập niên.
Vào ngày lễ Tưởng niệm Chiến sĩ Trận vong, chúng tôi khóc để vinh danh những người lính đã hy sinh cho quốc gia Miền Nam. Là công dân tốt, tôi có nghĩa vụ khóc vào ngày ấy. Hai thập niên sau cuộc Chiến tranh Đông dương lần thứ nhất, vào ngày 30 tháng Tư, 1975, Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Lúc ấy tôi 19 tuổi và sống 19 năm kế tiếp dưới chế độ cộng sản.
Vào ngày lễ Tưởng niệm Chiến sĩ Trận vong, chúng tôi-một chúng tôi khác- khóc để vinh danh những đồng chí đã hy sinh cho nền độc lập nước nhà. Tuy nhiên, nhiều người lính Miền Nam như cha tôi thầm khóc những chiến sĩ vô danh đã hy sinh cho quốc gia đã mất ấy. Riêng tôi, tôi khóc những nạn nhân chiến tranh, nhưng tôi - bản thân ở bên thua cuộc - về mặt tâm lý không thể nào giả vờ khóc kẻ thù đã làm cho nhân dân Việt Nam nghèo đói từ Nam chí Bắc.
Sau chiến tranh, cha tôi trải qua vài trại cải tạo, một cách nói nhẹ nhàng về những trại tù, trong bảy năm. Những năm lao tù ấy không hoài phí. Nhờ những năm ấy, gia đình tôi có cơ hội đến Hoa Kỳ. Vào năm 1994, sau hai thập niên khác, cha tôi chạy nạn một lần nữa - lần này chạy từ nhân dân và quốc gia độc lập của mình đến Mỹ.
Từ khi tôi đến Hoa Kỳ, tôi nhìn thấy lá cờ Miền Nam Việt Nam - lá cờ vô tổ quốc - bay trên bầu trời Mỹ. Lá cờ ấy vẫn thuộc về những người Việt Nam không cộng sản sống lưu vong bên ngoài quê hương. Tất nhiên, tôi không bao giờ thấy lá cờ Việt Nam cộng sản mới bay ở đây. Tôi chỉ là con người, và tôi chán những nhãn hiệu cộng sản và không cộng sản. Tôi chào lá cờ nào?
Hôm nay, người Mỹ khóc những người đã phục vụ trong Đệ nhị Thế chiến, Chiến tranh Triều Tiên, và khóc 58.000 người lính Mỹ hy sinh trong cuộc Chiến tranh Lạnh diễn ra ở nước tôi. Về số chính xác những người Việt chết, cả ở Miền Nam và Miền Bắc Việt Nam, tôi không biết, nhưng tôi tin hơn một triệu người. Tôi ở đây nơi giao nhau của ba con đường lớn ở Hoa Kỳ, nhưng tôi không biết chắc nên đi đường nào. Tất cả những người chết ở cả ba bên đều ám ảnh tôi. Tất cả họ đã đều đã bồi đắp vào cuộc đời tôi hôm nay. Tất cả họ đều đã làm nên lịch sử.
Lịch sử đã đưa gia đình tôi đến Mỹ. Chiến tranh Việt Nam hay Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hay Liên Xô, Miền Bắc hay Miền Nam Việt Nam, cộng sản hay không cộng sản-dù chúng ta thua hay thắng, lịch sử sinh thành nên tất cả chúng ta.
Hiện giờ tôi ở Mỹ, và tôi đau lòng trước hai tổn thất-trước một triệu người lính Việt Nam vô danh và hữu danh, và trước 58.000 người lính Mỹ. Tôi khóc ai bây giờ?
Nguồn: Dịch từ báo The St.Petersburg Times ( St. Petersburg, Florida, Mỹ) số ra ngày 29 tháng Năm 2000. Tựa đề của người dịch. Tựa đề nguyên tác “Haunted by the dead, from Vietnam to America”.