(Danlambao) - Tổng
thống Hoa Kỳ, Barrack Obama, đã đến và rời khỏi Việt Nam. Ông đã để lại
những gì cho tuổi trẻ Việt Nam khi mà sự quan tâm của họ đối với sự
hiện diện của ông quả là to lớn với hàng trăm ngàn bạn trẻ chào đón và
theo dõi chuyến đi của ông?
Trước hết, chính cái tư cách hòa đồng, thân thiện và bình dân của ông đã
chinh phục được cảm tình của người dân Việt. Nhưng những lời phát biểu
của ông có để lại cho những bạn trẻ Việt Nam những suy tư gì cho những
ngày tháng tương lai?
Ông đã mở đầu bằng những lời nhắc nhở cho lớp trẻ Việt Nam về cái lịch
sử lâu dài của dân tộc Việt và tinh thần bất khuất của cha ông ta:
Từ hàng thiên niên kỷ, các nông dân đã trồng cấy trên những mảnh đất
này, mà vết tích còn để lại trên trống đồng Đông Sơn. Hà Nội đã đứng
vững hơn nghìn năm trong vòng ôm của dòng sông [Hồng]. Thế giới đã biết
quý trọng lụa và những bức họa của Việt Nam, và Văn Miếu minh chứng cho
sự trau dồi kiến thức không ngừng của dân tộc Việt. Vậy mà trải qua
nhiều thế kỷ, rất nhiều khi vận mệnh của Việt Nam từng bị người khác
định đoạt. Mảnh đất yêu quý của các bạn không phải lúc nào cũng thuộc về
các bạn. Nhưng như cây tre, tinh thần quật cường của dân tộc Việt đã
được tinh kết trong câu thơ của Lý Thường Kiệt:
Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành đã định tại sách trời.
Những lời phát biểu ở trên của tổng thống Obama đã cho giới trẻ Việt Nam
thấy rằng không những đa phần người dân Việt Nam đều nhận biết đâu là
kẻ thù truyền kiếp của dân tộc mình mà nhiều người trên thế giới nếu
hiểu lịch sử Việt Nam đều biết rằng kẻ thù lâu dài của dân tộc Việt Nam
chính là người láng giềng phương Bắc vì họ luôn tìm muôn phương ngàn
cách để chiếm đoạt nước Nam.
Tổng thống Obama cũng đem đến cho tuổi trẻ Việt Nam một niềm hy vọng khi
ông đồng ý trợ giúp thêm cho Việt Nam những phương án giáo dục mới:
Như tôi đã công bố hôm qua, lần đầu tiên Đoàn Quân Hòa Bình (Peace
Corps) sẽ đến Việt Nam, tập trung vào công tác giảng dạy tiếng Anh. Sau
thế hệ thanh niên Mỹ đến đây tham chiến, sẽ có một thế hệ mới đến để dạy
học, xây dựng và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Một số công ty công nghệ và học viện hàng đầu của Mỹ đang hợp tác với
các trường đại học Việt Nam để tăng cường đào tạo khoa học, công nghệ,
kỹ thuật, toán học và y tế. Vì dù vẫn tiếp tục mở rộng cửa đón sinh viên
Việt Nam đến Mỹ học, chúng tôi tin rằng những người trẻ xứng đáng có cơ
hội được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế ngay tại đây, tại Việt Nam.
Và đó là một trong những lý do tại sao chúng tôi rất hứng thú khi mùa
thu này Đại học Fulbright sẽ khai trương ở thành phố Hồ Chí Minh. Đây
là trường đại học độc lập phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam, với nền
học thuật hoàn toàn tự do, và có học bổng cho những sinh viên trong hoàn
cảnh khó khăn. Sinh viên, học giả, và các nhà nghiên cứu sẽ tập trung
vào chính sách cộng đồng, quản trị, kinh doanh, vào kỹ thuật, tin học,
vào các ngành học khai phóng – văn học nghệ thuật... Tất cả, từ thơ
Nguyễn Du, đến triết lý Phan Châu Trinh đến toán học Ngô Bảo Châu.
Điều quan trọng cho những dự án giáo dục nầy là tính độc lập và khả năng
tự trị của nó. Đại học Mỹ đã luôn đứng đầu thế giới với sự hiệu quả và
chất lượng đào tạo của nó. Nhưng nếu bị kiểm soát và chi phối bởi nhà
cầm quyền Việt Nam thì liệu nó có thoát khỏi tình trạng ưu tiên con ông
cháu cha, phân chia lý lịch, mua quyền bán chức như hiện đang xảy ra ở
những trường đại học khác hay không?
Về mặt kinh tế, TPP là một hiệp định mang nhiều hứa hẹn và cơ hội cho tuổi trẻ Việt Nam:
Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực phát huy tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam
qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP sẽ giúp Việt Nam
bán ra thế giới nhiều sản phẩm hơn, đồng thời thu hút những nguồn đầu tư
mới. Nhưng TPP sẽ đòi hỏi cải cách để bảo vệ người lao động, pháp quyền
và sở hữu trí tuệ. Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện hiệu quả
những cam kết.
Hơn nữa tôi ủng hộ TPP vì những lợi ích chiến lược quan trọng. Việt
Nam sẽ bớt phải phụ thuộc một đối tác kinh tế duy nhất, có thể mở rộng
quan hệ với nhiều đối tác, trong đó có Mỹ. TPP sẽ tăng cường hợp tác khu
vực, giúp đối phó với sự bất bình đẳng về kinh tế, và thúc đẩy nhân
quyền bằng những cải thiện lương bổng cũng như điều kiện làm việc an
toàn hơn. Lần đầu tiên tại Việt Nam, có quyền thành lập công đoàn độc
lập, có các quy định cấm lao động cưỡng bức và lao động trẻ em. Cũng có
những phương thức bảo vệ môi trường và những tiêu chuẩn phòng chống tham
nhũng cao hơn bất cứ hiệp định thương mại nào trong lịch sử. Đó là
tương lai mà TPP đem lại cho tất cả chúng ta, vì tất cả chúng ta – Hoa
Kỳ, Việt Nam và các đối tác khác – sẽ bị ràng buộc bởi những nguyên tắc
mà chính chúng ta đã cùng tạo dựng. Tương lai đang chờ đợi chúng ta.
Chúng ta cần hoàn thành nó để bảo đảm thịnh vượng kinh tế và an ninh
quốc gia.
Người dân Việt Nam muốn hưởng lợi từ TPP thì phải kiên quyết hợp tác với
các nước thành viên khác để yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải theo
đúng những tiêu chuẩn đã được đề ra như công nhân có quyền thành lập
những công đoàn độc lập, nhà nước và hãng xưởng phải tuân theo những
phương thức bảo vệ môi trường, những tiêu chuẩn phòng chống tham nhũng.
Tổng thống Obama chia xẻ kinh nghiệm của một nhà lãnh đạo ở một quốc gia
có thể chế dân chủ, nơi quyền tự do của người dân được tôn trọng một
cách tuyệt đối:
Chúng tôi vẫn còn nhiều vấn đề, và tôi cam đoan, chúng tôi không miễn
nhiễm với chỉ trích. Tôi vẫn nghe chỉ trích mỗi ngày. Nhưng sự giám sát
đó, tranh luận cởi mở, đối mặt với khiếm khuyết của mình, cho người dân
có tiếng nói, giúp chúng tôi vững mạnh hơn, thịnh vượng hơn, và công
bằng hơn.
Như tôi đã nói, Mỹ sẽ không tìm cách áp đặt mô hình Chính phủ của
mình lên Việt Nam. Những quyền mà tôi nhắc tới [tôi tin rằng] không chỉ
của Mỹ, mà là những giá trị phổ quát, được nêu trong Tuyên ngôn Quốc tế
về Nhân quyền. Những giá trị này cũng được viết trong Hiến pháp của nước
Việt Nam: Người dân có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí,
quyền tiếp cận thông tin, quyền hội họp, quyền lập hội, và quyền biểu
tình. Tất cả những điều này đều nằm trong Hiến pháp của Việt Nam.
Khi có tự do biểu đạt và tự do ngôn luận, và khi người dân có thể
chia sẻ ý tưởng cũng như tiếp cận Internet và mạng xã hội mà không bị
ngăn cấm, điều đó sẽ thúc đẩy đổi mới, nhiên liệu cần thiết để nền kinh
tế phát triển mạnh. Đó là môi trường đưa tới sáng tạo. Facebook đã hình
thành như vậy. Một số các công ty lớn của chúng tôi đã bắt đầu như vậy –
Vì một người nào đó có một sáng kiến mới, khác lạ. Và người đó được
quyền chia sẻ nó. Khi có tự do báo chí, khi các nhà báo và blogger có
thể rọi sáng những bất công, lạm dụng, thì quan chức sẽ phải chịu trách
nhiệm và xã hội sẽ thêm niềm tin vào hệ thống chính trị đang vận hành
tốt. Khi ứng cử viên được tự do tranh cử và vận động, cử tri được chọn
lãnh đạo qua bầu cử tự do và bình đẳng, quốc gia sẽ ổn định hơn khi
người dân biết tiếng nói của mình có tác dụng, và một sự thay đổi ôn hòa
là có thể. Như thế, sẽ có thêm người gia nhập vào hệ thống. Khi có tự
do tôn giáo, không những con người có dịp hoàn toàn biểu lộ tình thương
và lòng từ bi là cốt lõi của mọi tôn giáo lớn, mà những cộng đồng tôn
giáo còn có thể cống hiến nhiều hơn cho xã hội qua những hoạt động giáo
dục và y tế, chăm lo những người nghèo và những người bị thua thiệt
trong xã hội.
Khi có tự do lập hội, khi người dân được tự do thành lập các tổ chức
xã hội dân sự, thì quốc gia có thể đối đầu với nhiều vấn đề mà đôi khi
Chính phủ không thể giải quyết một mình. Do đó theo quan điểm của tôi,
thượng tôn các quyền này không đe dọa mà thật ra củng cố sự ổn định, làm
nền tảng cho tiến bộ. Cuối cùng, chẳng phải các dân tộc, trong đó có
Việt Nam, khi đánh đổ chủ nghĩa thực dân, đều là để đòi các quyền đó
sao? Tôi tin rằng nâng cao các quyền đó chính là thể hiện hoàn hảo nhất
sự độc lập mà biết bao người trân trọng, kể cả ở đây, một đất nước với
tuyên ngôn là "của dân, do dân, vì dân".
Trong phần kết luận, tổng thống Obama đã chia xẻ một niềm tin cho thế hệ trẻ Việt Nam và khẳng định tình bạn của mình:
Tôi nghĩ tới một thế hệ người Việt mới – các bạn, những người trẻ
đang ngồi đây – những người đang sẵn sàng để lại dấu ấn của mình trên
thế giới. Và tôi muốn nói với tất cả những bạn trẻ đang lắng nghe: Với
tài năng, trí thông minh, và những ước mơ của các bạn, Việt Nam đã có
sẵn trong tay tất cả những gì cần thiết để phát triển và thịnh vượng.
Vận mệnh nằm trong tay các bạn. Đây là thời điểm của các bạn. Và trong
khi các bạn theo đuổi tương lai mà các bạn muốn, tôi muốn các bạn biết
rằng nước Mỹ sẽ ở ngay bên cạnh các bạn, như một đối tác, và một người
bạn.
Những lời tâm tình và những cư xử đơn sơ, gần gũi, bình dân của một vị
nguyên thủ quốc gia của một cường quốc giàu mạnh nhất thế giới quả đã
làm rung động lòng người, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên trong cương vị của
một người khách, có lẽ vì tế nhị, ông ta đã không đề cập đến những khó
khăn và tệ nạn đang chồng chất ở Việt Nam. Tuổi trẻ Việt Nam, có lẽ
không khỏi hào hứng và phấn khởi, trước những hứa hẹn giúp đỡ về giáo
dục, về đội quân hòa bình (Peace Corps), về đại học Fullbright, về TPP,
và những khích lệ về tinh thần và những cam kết của tình bè bạn của tổng
thống Obama, nhưng để có một tương lai tươi sáng hơn, trước hết giới
trẻ Việt Nam phải nhìn nhận thực trạng của đất nước mình và phải có hành
động để biến ước mơ thành hiện thực. Vì cho dù Hoa Kỳ có cố gắng giúp
đỡ Việt Nam bao nhiêu đi nữa thì cũng như muối bỏ biển nếu như chúng ta
không tự giúp chúng ta.
Thực trạng Việt Nam ngày nay như thế nào chắc ai cũng hiểu: một cơ chế
chính trị độc quyền tạo nên một đất nước trì trệ, thiếu trách nghiệm,
thiếu kiểm soát và lắm tệ nạn. Tham nhũng đã trở thành quốc nạn, môi
trường ô nhiễm đưa đến những thảm họa khôn lường như nạn cá chết ở các
tỉnh miền trung, nạn bùn đỏ do khai thác bô xít ở Tây Nguyên, y tế xuống
cấp, bịnh viện quá tải, giáo dục suy đồi, xã hội đầy trộm cướp.
Nhìn nhận thực trạng và tìm ra nguồn gốc của vấn để làm sạch từ gốc là con đường duy nhất cho một Việt Nam tự do và phú cường.
Giới trẻ Việt Nam đã đi đón chào tổng thống Obama hàng hàng lớp lớp. Sự
hiện diện của họ tự nhiên đã nói lên một điều là dân Việt Nam rất ngưỡng
mộ và yêu quí Hoa Kỳ và tổng thống của họ. Họ nhìn về Hoa Kỳ, một xứ sở
của tự do với một hiến pháp hoàn thiện, một chính phủ có tam quyền phân
lập, bảo đảm cho người dân những quyền tự do tuyệt đối, một đất nước
pháp trị có đa phương đa đảng và những xã hội dân sự đầy uy tín và khả
năng đã tạo cho người dân một môi trường để được phát triển toàn diện.
Tuổi trẻ Việt Nam đang nhìn về Hoa Kỳ mà ôm ấp một ước mơ, một hướng đến
cho dân tộc, nhưng để thực hiện ước mơ, những người trẻ không chỉ mơ
ước mà phải thực sự lên đường. Lên đường cùng nhau với những trái tim
yêu nước, yêu đồng bào khốn khổ của mình. Lên đường như những ngày rủ
nhau đi chào đón ông Obama một cách nhiệt thành và hào hứng, nhưng không
phải để chào đón ông ấy một lần nữa mà để đòi hỏi cái quyền được thực
hiện những ước mơ cao đẹp của mình. Quyền được sống trong tự do, dân chủ
và đầy đủ phẩm giá của một con người như những người dân Hoa Kỳ đang
được thừa hưởng vậy.